Đất Nghệ

Người Ơ - đu ở Nghệ An [kỳ 1]

Lời Tòa soạn:

Ơ - đu là một trong 5 tộc người có dân số ít nhất trong 54 tộc người ở nước ta. Trước đây, đồng bào sinh sống xen ghép với các tộc người khác trong các bản  heo hút ở nhiều xã thuộc huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An). Từ năm 2006, khi Công trình Thủy điện Bản Vẽ được xây dựng, đồng bào được di dời về sống tập trung tại bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương). Thực tế cuộc sống của đồng bào từ trước và sau tái định cư Thủy điện Bản Vẽ đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu về mặt khoa học và cần được tháo gỡ về chế độ chính sách.

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tộc người Ơ - đu, từ số này, Văn hóa Nghệ An giới thiệu công trình nghiên cứu của Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), được hoàn thành năm 2014 và đã được đăng trong sách “Các dân tộc ở Việt Nam”, tập 3 (Nhóm Ngôn ngữ Môn/Khơ - me), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2017. Bài viết đã được cô gọn.

 

I. TỘC NGƯỜI TẠI CHỖ (SỞ TẠI, BẢN ĐỊA)

1. Tên gọi và nguồn gốc

Trước đây người Thái, người Khơ-mú và các dân tộc khác ở Tương Dương đều gọi nguời Ơ - đu bằng tên mang tính miệt thị "người Tày Hạt", theo tiếng Thái là "người đói rách”. Các sách báo công bố vào những năm 60 của thế XX trước cũng dùng tên gọi này.

Năm 1973, trong bài đăng trên Thông báo Dân tộc học số 2, Đặng Nghiêm Vạn lần đầu tiên dùng tộc danh “Ơ Đu”; song tác giả không giải thích ngữ nghĩa của tộc danh. Tuy vậy, tộc danh này vẫn không xuất hiện trong cuộc Tổng điều tra dân số 01/4/1974, mà đồng bào vẫn được gọi bằng tên cũ “Tày Hạt”, với số dân 154 người và chỉ có ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Ơ - đu là tên tự gọi của đồng bào. Các bậc cao niên người Ơ - đu giải thích, theo ngôn ngữ Ơ - đu nghĩa là "yêu thương". Đồng bào luôn tự nhận mình là  "phrom Ơ - đu" (người Ơ - đu, hay là "người yêu thương"). Cùng với ý thức tự giác về cộng đồng mình, tên tự gọi này là tiêu chí rất quan trọng để xác định thành phần dân tộc của đồng bào.

Về nguồn gốc người Ơ - đu, sách của Vương Hoàng Tuyên dựa vào tư liệu phỏng vấn cho biết, đồng bào vốn cư trú ở bên Lào, di cư sang miền Tây tỉnh Nghệ An khoảng ba đời (tính đến năm 1962 - 1963, tức khoảng nửa sau thế kỷ XIX); lúc đầu ở Mường Sại, sau chuyển đến Tà Cạ và Keng Đu; đến 1962- 1963 còn 17 gia đình ở Mường Sại, vẫn có quan hệ họ hàng với số hộ chuyển đến quê mới (Vương Hoàng Tuyên, 1963, tr. 63).

Năm 1973, Đặng Nghiêm Vạn trong bài viết "Vài nét về người Ơ Đu" dẫn truyền thuyết ở các xã thuộc huyện Tương Dương cho biết, người Ơ - đu sinh sống từ rất lâu đời tại vùng đất rộng lớn dọc hai sông Nậm Nơn và Nậm Mô (hợp lưu của sông Lam ở Cửa Rào) và sang tận bên kia biên giới Việt - Lào; từ đó giả thiết "Ơ Đu có thể là nhóm cư dân đầu tiên cư trú ở miền thượng huyện Tương Dương" (Đặng Nghiêm Vạn, 1974, tr. 23). Theo tài liệu của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, tại bản Kháp, huyện Mường Khun, tỉnh Xiêng Khoảng (cách tỉnh lỵ khoảng 70 km) hiện vẫn còn một bản người Ơ - đu, khoảng trên 80 nóc nhà, vẫn bảo lưu được những nét lớn về tiếng nói, quần áo và nhà cửa, nói tiếng mẹ đẻ, song sử dụng thành thạo tiếng Khơ - mú. Người Lào gọi nhóm này là Phao Iđu (dân tộc thiểu số I đu). Tư liệu này chứng minh xa xưa, người Ơ - đu có địa bàn cư trú rất rộng.

Vẫn theo lưu truyền dân gian, trước kia người Ơ- đu sinh sống tập trung ở ba trung tâm lớn là Xiềng Mèn (vùng đất thuộc các xã Yên Hòa, Nga My huyện Tương Dương ngày nay), Mường Lầm (các xã Hữu Khuông, Hữu Dương, cùng thuộc huyện Tương Dương) và Xốp Tăm (các xã Tà Cạ, Keng Đu thuộc huyện Kỳ Sơn). Đồng bào làm ruộng nước kết hợp làm nương rẫy, khai thác vàng bạc. Đời sống khá no đủ, xã hội có "vua", có "quan" và có dân. Trước những biến cố lớn của lịch sử, nhất là các đợt thiên di vào nước ta để tìm đất sinh cơ lập nghiệp của người Thái, người Hmông, sự chuyển cư của người Khơ - mú, người Ơ - đu phải ly tán, tìm đến những miền đất hẻo khuất đầu khe ngọn suối sinh sống. (Đặng Nghiêm Vạn, 1973, tr. 52). Hiện nay, tại núi Pú Pầu thuộc xã Hữu Dương vẫn còn dấu vết thành lũy, tương truyền là của “vua Ơ - đu”.

Sự ly tán của người Ơ - đu được giải thích bằng nhiều truyền thuyết khác nhau. Có thuyết nói rằng, triều đình (?) đem quân lên đánh phá. Truyền thuyết do chúng tôi sưu tầm trong đợt điều tra vào năm 1978 nói rõ là “Vua Kinh” (?). Ông Lo Bún Chắn (sinh năm 1940), gốc ở bản Chà Coong (xã Hữu Dương, huyện Tương Dương) hiện đã chuyển về sinh sống tại bản Văng Môn còn kể (tháng 4/ 2014) cho nhóm tác giả một truyền thuyết ly kỳ rằng, vua Kinh sau khi lên vùng người Ơ - đu sinh sống, đã lập mưu lên lấy con gái vua Ơ - đu, lợi dụng lúc vua quan Ơ- đu say rượu để phá và đốt thành. Vua Ơ - đu chết, quan quân, dân phải chạy đi khắp nơi, trong đó có hai con trai của vua chạy về Khe Hương (xã Luân Mai cũ), gặp một cây cổ thụ to thì kiệt sức và cùng chết tại đấy. Cây cổ thụ và khu vực có cây này về sau rất thiêng. Trong kháng chiến chống Pháp, một đơn vị bộ đội định hạ cây này làm nơi đóng quân, song cây rất nhiều rắn to, không chịu chạy đi. Bộ đội cho rằng đây là “cây thiêng” nên bỏ ý định chặt cây(?). Cây này hiện vẫn còn. 

Lại có truyền thuyết cho rằng, việc tranh giành vùng đất chiếm đóng diễn ra giữa người Ơ - đu với chúa đất Thái, không phải với vua Kinh.

Truyện kể rằng, người Thái đến sau, dùng sức mạnh để giành lấy những vùng đất có khả năng trồng lúa nước của người Ơ - đu, nhưng bị người Ơ - đu đánh lại. Chúa đất Thái tìm ra kế: cùng “vua Ơ - đu”, thi bắn nỏ vào vách đá, nếu vách đá có in dấu vết tên nỏ của ai thì người đó thắng. Nếu “vua Ơ - đu” thua cuộc, thì người Ơ - đu phải đi nơi khác ở. Nếu chúa đất Thái thắng, thì được quyền sở hữu vùng đất người Ơ - đu đang sống. “Vua Ơ - đu” quen dùng nỏ bắn bằng mũi tên đồng, đã dùng mũi tên đó bắn thi với chúa đất Thái, song mũi tên đồng bắn ra, bị vấp vào mặt đá rắn chắc đã bật lại, không để lại dấu vết. Trong khi đó, chúa đất Thái dùng nỏ và mũi tên tre có gắn một nhựa mít. Mũi tên bắn ra, nhựa mít in rõ trên vách đá. Vậy là chúa đất Thái thắng cuộc, người Ơ - đu phải nhường đất cho người Thái và chuyển đi khắp nơi.

Một số bậc cao niên người Thái ở bản Mác xã Thạch Giám (huyện Tương Dương) kể thêm một câu chuyện đầy màu sắc huyền thoại về người Ơ - đu.

“Ngày xưa người Ơ - đu sống tập trung ở hai bản Huồi Hoàn và Huồi Piêng thuộc vùng ngọn nguồn khe Huồi Mác. Cuộc sống thật sung túc, no đủ. Một hôm hai ông tộc trưởng của hai bản bảo nhau: “Ta sống sung sướng quá nhiều rồi mà chưa biết khổ là thế nào”. Để được nếm mùi cái khổ, hai ông liền bày trò đổ kê (lương thực chính của người Ơ - đu lúc đó) đã hông chín rồi hô hào mọi người ném xuống khe Huồi Mác. Mọi người làm theo, đổ hết sạch lương thực xuống suối. Dòng suối trong xanh bỗng dưng đục ngầu, nước ầm ầm chảy ngược, cá tôm, ba ba, thuồng luồng đều chết phơi đầy. Họ còn giết hết trâu bò, ném thịt xuống sông suối và lấy da dùi lỗ căng ra cho người kéo. Việc làm trên động đến tai Pò Then (bố trời) ở Mường Phà. Pò Then tức tối liền ném ngải độc xuống người Ơ - đu đang bày trò "để được nếm mùi cái khổ”. Người chết chồng chất... Chỉ có một số gia đình đã từng được nếm mùi sướng khổ, sợ quá, không tham gia vào “trò chơi” của hai tộc trưởng, nên thoát chết. Kinh hoàng trước sự chết chóc, người Ơ - đu còn lại bỏ làng bản, băng rừng vượt suối, trốn sự trừng phạt của Pò Then bằng cách thay tên đổi họ, sống với người Thái, Khơ - mú và nói tiếng của dân tộc nơi mình đến ở (Điều tra của Trần Tuấn Thi, 2011).

Lược bỏ những yếu tố có tính chất hoang đường của các truyền thuyết dân gian nêu trên, có thể tin rằng, từ xa xưa, người Ơ - đu đã là một cộng đồng đông đúc, cư trú trên vùng đất rộng lớn ở miền núi Nghệ An, biết làm lúa nước, có đời sống khá phát triển, xã hội đã bước đầu phân hóa, có tổ chức để quản lý cộng đồng.

Tại hai huyện Tương Dương và Con Cuông ngày nay, nhất là vùng dọc sông Nậm Nơn thuộc địa phận các xã Lượng Minh, Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Khuông, Hữu Dương còn một số tên sông, tên suối, tên núi, tên bản bắt nguồn từ tiếng Ơ - đu hoặc từ tiếng Ơ - đu bị gọi chệch đi theo tiếng Thái, như sông Nậm Nơn được người Ơ - đu gọi là Pay Thrnoor (sông bên phải), sông Nậm Mô làPay Thl'mâu (sông bên trái). Khe Pột tiếng Ơ - đu là Chlu Pốt; khe Cháo là Chlu K'cháo, khe Pông là Chlu Pung, núi Pu Hung là gung phrung...

Trước đây, trong tục cúng ma mường, ma bản - một nghi lễ quan trọng trong năm của người Thái khi bắt đầu vào mùa làm nương rẫy mới, khi hành lễ, ông mo người Thái phải mời tổ tiên của người Ơ - đu về hưởng lễ vật trước cùng với "ma" của thác ghềnh, khe suối trong vùng (Chẩu Cành, Chẩu Tạt, Chẩu Hạt, Chẩu Sắn) cùng về dự lễ. Trong các chẩu này, "Chẩu Hạt" là tổ tiên người Ơ - đu, với ý trân trọng công lao khai phá ban đầu của đồng bào.

Từ những tư liệu trên cho thấy, Ơ - đu là tộc người sinh sống từ rất lâu đời tại vùng đất hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An hiện nay. Về sau, do những biến động xã hội, chủ yếu do những làn sóng chuyển cư của các tộc người thiểu số vào vùng đất này, người Ơ - đu bị thất thế, phải nhường những phần đất thuận lợi cho sinh sống, làm ăn cho các tộc người khác, chuyển vào các vùng sâu, vùng xa và hòa vào các tộc khác, nên dần dần bị mai một văn hóa.

2. Địa bàn cư trú

Địa bàn cư trú của người Ơ - đu mang đặc điểm chung của điều kiện tự nhiên huyện Tương Dương là địa hình núi (chiếm khoảng 79% diện tích tự nhiên của huyện), có nhiều dãy núi cao, hiểm trở bao bọc, tạo nên những thung lũng nhỏ hẹp, đồi núi bị chia cắt bởi nhiều khe suối và các con sông, tạo nên những lớp nhăn lượn sóng cao dần về phía Tây và Tây Bắc, thấp dần về phía Nam và Đông Nam. Độ cao trung bình từ 650 - 700 mét so với mặt biển, khoảng 52% núi có độ cao từ 750 - 1.700 mét, 27% núi cao trên 1.700 mét. Núi cao, độ dốc lớn (bình quân trên 300) gây khó khăn cho sản xuất nông lâm nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng. Về mùa mưa thường xẩy ra các trận lũ quét.

Đất đai vùng người Ơ - đu sinh sống chủ yếu là nhóm Faralít vàng trên núi, có độ cao trên 800 đến 2000m, và nhóm Feralit đỏ vàng vùng đồi, ở độ cao 25 đến 200 - 300m, thích hợp cho việc trồng các loại cây lương thực. Diện tích rừng còn lớn (145.632 ha, bằng 55% tổng diện tích tự nhiên), có nhiều loại gỗ quý (táu, chò chỉ, lát hoa, đinh hương, vàng tâm, săng lẻ ...); các loại lâm đặc sản quý khác như cánh kiến đỏ, song mây...; các loại dược liệu như đẳng sâm, sa nhân, ba kích... Trong rừng có nhiều loại động vật quý hiếm đang được bảo tồn quỹ gen như hổ, gấu, bò tót, sóc bay ... cùng hàng trăm loài chim.

Địa bàn vùng người Ơ - đu sinh sống có khí hậumang đặc điểm chung của huyện Tương Dương (khu vực Tây Nam Nghệ An), là nhiệt đới gió mùa. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11, kết thúc vào tháng 3 năm sau. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10 trong năm, lượng mưa trung bình hàng năm là 135 mm; lớn nhất là 1.637 mm; nhỏ nhất là 882mm. Ngày mưa trong năm là 130 ngày. Vào đầu mùa mưa thỉnh thoảng xuất hiện gió lốc. Gió mùa Đông Bắc thổi mạnh vào tháng 11 đến tháng 2 năm sau, gây hanh khô giá rét, nhiều đêm có sương muối băng giá. Gió Tây Nam (thường gọi là gió Lào) thổi từ tháng 5 đến tháng 8, mạnh nhất vào tháng 6 và tháng 7 hàng năm; gây khô nóng. ­­­Nhiệt độ trung bình trong năm từ 23 đến 35 độ­ C, cao tuyệt đối là 42,7 độ C, thấp tuyệt đối là 1,7 độ C. Độ ẩm không khí trung bình là 83,8%, cao nhất 89%.

Do có nhiều núi cao bao bọc nên hàng năm Tương Dương ít chịu tác động trực tiếp của các cơn bão, nhưng nhiều năm có gió lốc mạnh gây thiệt hại đến sản xuất và đời sống của dân.

3. Dân số

Trong Tổng điều tra dân số 01 - 3 - 1960, người Ơ - đu chưa có tên, mà được gộp chung vào các nhóm dân tộc khác (283 người).

Các sách viết về người Ơ - đu chép dân số của tộc người này không thống nhất. Sách của Mạc Đường chép có 65 người. Sách của Vương Hoàng Tuyên ở trang 62 là 138 người, song ở trang 63 lại ghi là 2.054 người (Vương Hoàng Tuyên, 1963, tr. 62- 63).

Bài viết của Đặng Nghiêm Vạn trên Thông báo Dân tộc học số 2 năm 1973 cho biết, điều tra sơ bộ ở một số xã vùng hạ lưu sông Nậm Nơn, đã phát hiện có gần 30 hộ Ơ - đu với khoảng 250 nhân khẩu (Đặng Nghiêm Vạn, 1973, tr. 51).

Tổng điều tra dân số 01 - 4 - 1974, người Ơ - đu vẫn mang tên “Tày Hạt” có dân số là 154 nguời (79 nam, 75 nữ).

Năm 1981, Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc Quốc hội thống kê được 145 người Ơ - đu (67 nam, 78 nữ) sinh sống tại xã Kim Đa.

Theo số liệu của của Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh Nghệ An tại cuộc Tổng điều tra dân số 01 - 4 - 1989, người Ơ - đu có ở Tương Dương có 194 gồm 108 nam 86 nữ. Số liệu này được Nguyễn Đình Lộc dẫn lại trong cuốn Các dân tộc thiểu số ở Nghệ An (Nguyễn Đình Lộc, 2010, tr. 33; tái bản từ bản in 1993).

Tổng điều tra dân số 01-4-1999, người Ơ - đu có 301 người (175 nam, 126 nữ).

Số liệu điều tra của Viện Dân tộc thuộc Ủy ban Dân tộc của Quốc hội thực hiện Dự án ở xã Kim Đa có 61 hộ 289 khẩu (138 nữ, 151 nam); tập trung ở hai bản Kim Hòa với 26 hộ 130 khẩu (54 nữ, 76 nam), Xốp Pột 22 hộ 97 khẩu (49 nữ, 48 nam). Ngoài ra còn ở bản Com 5 hộ 27 khẩu (13 nữ, 14 nam); bản Pủng 5 hộ 19 khẩu (10 nữ, 9 nam), Cà Moong 3 hộ 16 khẩu (12 nữ, 4 nam).

Số liệu thống kê của UBND Tương Dương (công bố 02-01-2004), tính đến thời điểm 30-12-2003 có 528 người Ơ - đu (279 nam, 249 nữ). Tuy nhiên, các số liệu chi tiết lại có sự không trùng khớp, thậm chí sai lệch. Cụ thể, dân số Ơ - đu phân bố ở các xã Kim Đa (320 người, bằng 60,6%), Kim Tiến (96 người, 18,2%), Lượng Minh (13 người, 2,4%), Xá Lượng (13 người, 2,4%), Thạch Giám (9 người, 1,7%), Tam Đình (8 người, 1,5%).

Số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở 01- 4 - 2009, người Ơ - đu có 376 nhân khẩu ( 219 nam, 157 nữ).

Số liệu của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An trong “Dự án bảo tồn và phát triển dân tộc Ơ - đu” đến tháng 9/ 2009, người Ơ - đu có 384 khẩu (192 nam, 192 nữ).

Sở dĩ các số liệu về người Ơ - đu không thống nhất vì các lý do sau:

- Từ bao đời nay, người Ơ - đu cư trú xen kẽ với các tộc Thái, Khơ - mú và sống phân tán trong các bản làng sâu, xa. Do dân số rất ít, lại xen cư, nên tuyệt đại đa số người Ơ - đu đến tuổi trưởng thành đều kết hôn với các tộc người khác và chịu ảnh hưởng rất lớn từ các tộc người này. Các thông tin về người Ơ - đu không đến đầy đủ với đồng bào nên một bộ phận không khai thành phần dân tộc của mình, mà khai theo dân tộc của chồng (hoặc của vợ), do vậy trẻ con sinh ra từ các cặp vợ chồng hỗn hợp giữa người Ơ - đu và người các dân tộc khác khi lớn lên cũng không hiểu biết tường tận về dân tộc Ơ - đu của bố (hoặc mẹ) mình. Bên cạnh đó lại có hiện tượng nhiều bậc bố mẹ (nhất là các bậc cao niên) muốn nhắc nhở con cháu (cả con dâu, con rể thuộc các tộc người khác) phải luôn nhớ về cội nguồn tộc người của mình nên khá nhiều trường hợp, bố (hoặc mẹ) là người dân tộc khác trong các gia đình này đã nhận là người Ơ - đu (số hộ khẩu của thôn bản hiện nay đã xác nhận).

- Từ khi thông tin về người Ơ - đu cũng như các chính sách đối với người Ơ - đu được thực hiện thường xuyên, một số người thuộc các dân tộc khác (là con nuôi, “con dượng” trong một số gia đình người Ơ - đu) đã khai thành phần dân tộc theo người Ơ - đu để được hưởng các chế độ chính sách. Trong số hộ khẩu của nhiều gia đình ở bản Văng Môn hiện nay có ghi những người con dượng, người cháu bên vợ (hoặc chồng) không phải là người Ơ - đu, nhưng hiện đã khai là tộc người này.

Khi thực hiện nghiên cứu này, để xác định tương đối chính xác số lượng người Ơ - đu tập trung sinh sống tại bản Văng Môn, chúng tôi dùng sổ hộ khẩu của từng gia đình đã được cập nhật đến tháng 4/2014 và trực tiếp làm việc với trưởng bản, để “loại” bỏ những người thuộc các dân tộc khác (là vợ, chồng, hoặc con nuôi, con đi theo vợ, chồng) trong các gia đình hôn nhân hỗn hợp tộc người. Kết quả xác định tại bản này có 92 hộ với 421 nhân khẩu, trong đó có 2 gia đình (8 khẩu) là người Thái; 97 người là dân tộc khác lấy vợ, lấy chồng người Ơ - đu,  người dân tộc khác khai theo bố mẹ, ông bà (quan hệ nuôi hoặc dượng) với người Ơ - đu. Như vậy, tổng số người Ơ - đu ở bản Văng Môn - nơi tập trung tuyệt đại đa số người Ơ - đu từ các làng bản của huyện Tương Dương về, đến cuối tháng 4/2014 chỉ có 316  người (167 nam, 169 nữ)1.

    

Nam giới Ơ đu còn mang đậm đặc trưng hình thành nhân chủng tộc người

Ngoài số nhân khẩu tập trung ở bản Văng Môn xã Nga My, còn có một số người Ơ - đu đang sống với vợ (hoặc chồng) là các dân tộc khác ở các địa phương khác. Đến nay chưa thể thống kê hết được số người này, không rõ có bằng con số 97 người thuộc các dân tộc khác là vợ, chồng hoặc con nuôi người Ơ - đu đang sống ở bản Văng Môn không.Ngoài ra, theo chuyên viên Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, tại khu tái định cư xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương) có 03 hộ người Ơ - đu2.

Người Ơ - đu là tộc người có dân số trẻ. Trong số 316 nhân khẩu ở bản Văng Môn (năm 2014) có 50,32% ở tuổi dưới 18; 27,30 % ở độ tuổi 18- 30. Tổng nhân khẩu ở độ tuổi từ 30 trở xuống chiếm đến 67,62%; trong khi đó, chỉ có 5,08% dân số ở độ tuổi từ 60 trở lên.

Cơ cấu dân số trẻ đang đặt ra cho cộng đồng Ơ - đu cùng các cấp chính quyền nhiều vấn đề, như giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết công ăn việc làm trong bối cảnh tái định cư.

 

II. VĂN HÓA MƯU SINH: DỰA VÀO RỪNG NÚI, SÔNG SUỐI

1. Kinh tế nương rẫy là chủ đạo

Địa hình núi cao gắn người Ơ - đu với kinh tế nương rẫy. Trong số 14.694 ha đất tự nhiên của xã Kim Đa được thống kê vào năm 2003 để chuẩn bị cho tái định cư Thủy điện Bản Vẽ, không có diện tích nào có thể làm được ruộng nước. Do vậy làm nương rẫy luân canh là hình thái trồng trọt chính của đồng bào từ xưa đến khi chuyển về khu tái định cư tại bản Văng Môn, xã Nga My. Trong bài “Dân tộc Ơ Đu” in trong cuốn sách Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc), Đặng Nghiêm Vạn cho rằng, “Nay, họ là một cư dân nông nghiệp định cư, vừa cày ruộng, vừa làm nương, với một trình độ kỹ thuật tương đối cao…” (Đặng Nghiêm Vạn, 1978, tr. 113) là không chuẩn xác.

Đặc điểm nổi bật của nương rẫy người Ơ - đu là đều ở đất dốc, trên những mảnh rừng có độ dốc 30 - 400, tốc độ bào mòn, rửa trôi lớn nên đất nhanh bạc màu. Từ sau hòa bình lập lại, các thành tựu về y tế đã hạn chế tới mức cao nhất nạn “hữu sinh vô dưỡng”, kết hợp cộng cư cùng người Khơ - mú, người Thái nên người Ơ - đu có tốc độ tăng dân số nhanh, nhu cầu có nương rẫy để canh tác ngày càng lớn, dẫn đến rừng bị tàn phá nhanh. Cũng tại xã Kim Đa, đến năm 2004 chỉ còn 900 ha rừng già (chiếm 6%), nên nương rẫy chủ yếu được tạo lập trên rừng tái sinh. Mỗi mảnh rẫy được gieo trỉa trong 2 - 3 vụ, tùy địa thế đất, sau đó bỏ hóa, 6 - 7 năm sau cây mọc rậm thành rừng, quay lại sản xuất tiếp. Phương thức luân canh này chỉ thực hiện được khi diện tích rừng già còn nhiều.

Công cụ sản xuất đơn giản chỉ có cái rìu con dao để chặt cây, cái gậy chọc lỗ tra hạt và cái nạo làm cỏ. Từ việc phát, đốt, gieo trỉa, chăm sóc, thu hoạch đều dựa vào sức người và làm theo lối thủ công.

Theo cách tính chung của người Ơ - đu, người Khơ - mú và người Thái làm nương trong vùng, mỗi năm một nhân khẩu trong gia đình ăn hết bình quân khoảng 300 kg thóc (210 kg gạo, bình quân hơn 17 kg/tháng). Theo tính toán này, một gia đình 6 khẩu phải thu được 1.800- 2.000 kg thóc mới bảo đảm lương thực trong năm. Một kg lúa giống cho thu bình quân 50 kg lúa khô (lúa còn bông, ước khoảng 35 kg thóc hạt). Như vậy, gia đình một năm phải gieo từ 60 kg thóc giống, tương đương với khoảng 1,25 ha. Tuy nhiên, số thóc giống cũng như diện tích nương phải gieo để thu được số thóc theo cách tính toán trên đây còn tùy thuộc vào độ màu mỡ của nương, khả năng chăm sóc của gia đình và sự thuận hòa của thời tiết trong năm. Để kịp mùa vụ và phân đều công việc, nhân lực và sức lực trong một vụ sản xuất, các gia đình thường gieo số thóc giống trên đây tại ba mảnh nương: nương cho lúa chín sớm, nương cho lúa chín chính vụ và nương cho lúa chín muộn. Muốn đủ lương thực, mỗi gia đình thường phải cóít nhất4 - 5 mảnh rẫy.

Các giống lúa được người Ơ - đu gieo trồng (gọi theo tiếng Thái) như sau:

+ Khẩu cầm niêu có đặc điểm cho năng suất cao (1 tạ giống thu được 3 tấn thóc), thóc vàng, hạt nhỏ, gạo dẻo, trắng, thơm.

+ Khẩu há hua có năng suất cao hơn cả khẩu cầm niêu (20 kg thóc giống được 2 sải thóc, khoảng 2 tấn), chịu hạn, hạt thóc to, màu đỏ, có đuôi dài, song gạo trắng; trọng lượng nhẹ.

+ Khẩu dòi hó he: loại lúa nếp cho hạt đỏ nhạt, hạt gạo đỏ bên trong, dẻo thơm, vị ngọt.

+ Khẩu chà lứng: lúa nếp cho hạt thóc màu hơi vàng, gạo trắng, cơm dẻo.

+ Khẩu cẩm (nếp đen): được coi là “bố mẹ” của các loại lúa, thường để gieo trong nghi lễ gieo lúa đầu mùa; ngoài ra mỗi nhà chỉ gieo 1- 2 kg.

+ Khẩu chảo hóm (lúa tẻ, còn gọi là tẻ Mèo) cho hạt thóc tròn nhỏ, màu hơi đen, gạo thơm, năng suất trung bình.

Để tránh lúa bị lẫn, làm thoái hóa, người Ơ - đu thường gieo các giống lúa trên các mảnh nương riêng. Nếu các mảnh nương ở sát nhau, giống lúa chín sớm bao giờ cũng gieo đầu tiên, trên mảnh nương ở phía ngoài; sau đó gieo lúa chín chính vụ trên mảnh nương ở phía đối diện và gieo các lúa chín muộn vào giữa hai mảnh nương trên. Trường hợp các mảnh nương ở cách xa nhau thì tùy diện tích rộng hẹp của nương và lượng thóc giống để bố trí gieo lúa chín sớm, chín muôn hay chính vụ  trên các khoảnh nương. 

Ngoài lúa, người Ơ - đu còn trồng bông, ngô và trồng xen một số loại cây thực phẩm như bí, “cải Mèo” - loại cải cho cây to (tán rộng bằng cái nia, thậm chí nhiều cây trồng trên đất nương vụ đầu, tán có thể to như cái nong của người Việt), nấu canh rất ngọt.

Sản xuất nương rẫy của người Ơ - đu phụ thuộc nặng nề vào thời tiết hàng năm. Năm nào mưa thuận gió hòa, không bị sâu bệnh, chuột thú phá hoại, lượng thóc lúa thu được khá. Năm nào hạn hán, sâu bệnh là mất mùa. Mỗi năm thu nhập từ sản xuất nương rẫy chỉ đạt bình quân mỗi khẩu từ 180 đến 200 kg thóc, quy bằng tiền là 280 - 300 ngàn đồng. Lượng thóc thu được vốn đã ít, đồng bào lại sử dụng không có kế hoạch, nên mỗi năm phần lớn các hộ gia đình thiếu ăn từ 4 đến 5 tháng.

Người Ơ - đu có nông lịch riêng, giống lịch của người Khơ- mú, sớm hơn lịch của người Việt 2 tháng, muộn hơn lịch người Thái 4 tháng. Có thể thấy lịch các tháng ứng với các công việc của người Ơ - đu người Khơ - mú so với lịch người Việt, người Thái qua bảng so sánh bên dưới.

 

         Bảng: Lịch làm ăn trong một năm của người Ơ - đu

Tháng

theo lịch

Ơ - đu,

Khơ - mú

Lịch

người Việt

Lịch

Người Thái

Công việc diễn ra

1, 2

Một, Chạp

Năm, Sáu

Nghỉ ngơi, cưới xin, làm nhà

3 ,4

Giêng, Hai

Bảy, Tám

Gieo bông, trồng ngô sớm, phát rẫy lúa mới

5, 6

Ba, Tư

Chín, Mười

Đón năm mới khi có tiếng sấm đầu tiên

Gieo ngô chính vụ, trỉa lúa sớm,

Làm cỏ bông, ngô, phát rẫy chính vụ

7, 8

Năm, Sáu

11. 12

Hoàn thành trỉa lúa chính vụ,

Thu hoạch ngô sớm

9, 10

Bảy, Tám

Một Hai

Thu hoạch bông, ngô chính vụ,

Chăm sóc lúa

11, 12

Chín, Mười

Ba, Bốn

Hoàn thành thu hoạch lúa, phát rẫy bông

 

Cứ thế, trong một năm, người Ơ - đu bận bịu với công việc. Sau 2 tháng được nghỉ ngơi (tháng 1 và tháng 2), từ tháng 3 trở đi đến gần hết tháng 12, các lao động của từng gia đình phải thường xuyên có mặt trên nương rẫy, với bao công việc: phát đốt, gieo trỉa, làm cỏ…, trông giữ nương đề phòng thú rừng chim muông phá hoại; thu hoạch lúa, ngô, bông, bất kể nắng thiêu đốt, mưa, gió bão. Thời gian nông nhàn của đồng bào chỉ là tương đối.

2. Chăn nuôi nhỏ lẻ, phụ thuộc vào trồng trọt và điều kiện tự nhiên

Địa bàn cư trú của người Ơ - đu thuận tiện cho phát triển chăn nuôi. Trước 1960, do diện tích đồi núi có nhiều cây cỏ rất lớn, mỗi gia đình Ơ - đu thường có 1 con trâu, 2 - 3 con bò. Từ năm 1965 trở đi, trâu bò được hợp tác hóa nên chăn nuôi suy giảm.

Chăn nuôi gia súc nhỏ và gia cầm cũng có bước phát triển. Mỗi gia đình thường nuôi một vài con lợn, trong đó luôn có một lợn nái để tạo giống. Giống lợn chủ yếu là giống lợn đen của người Hmông, vóc dáng to lớn, phàm ăn, nuổi một năm đạt đến 60-70 kg, tỷ lệ nạc cao, bì dày. Gia cầm nuôi có gà - loại gà cũng của người Hmông, nhỏ nhưng thịt chắc, ngon, nuôi một năm đạt 2 kg, thịt chắc và thơm.

Các gia đình ở gần suối thường nuôi ngan và vịt bằng cách quây phân nứa ở dưới lòng suối gần bờ, tạo thành các chuồng tự nhiên và thường xuyên thay đổi vị trí chuồng để ngan, vịt kiếm ăn, kết hợp cho ăn sắn.

Tuy nhiên, gia súc và gia cầm đều được nuôi theo lối thả rông, không có chuồng trại để chúng tự kiếm thức ăn là chính, cho ăn thêm là phụ (lợn cho ăn cám trộn với thân cây chuối; gà vịt cho ăn thêm sắn là chính). Cách nuôi thả rông trên đây dễ phát sinh dịch bệnh, khi trâu bò, lợn gà của một nhà bị dịch là nhanh chóng lây lan ra cả bản. Có năm, trong một thời gian dài, cả bản không còn một con lợn hoặc con gà nào. Nuôi thả rông còn gây mất vệ sinh cho nhà cửa, làng xóm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Địa bàn cư trú của người Ơ - đu không thuận tiện cho việc đào ao nuôi cá. Trước khi rời về bản tái định cư Văng Môn, ở quê cũ xã Kim Đa, một số hộ tự cải tạo, ngăn các khe suối nhỏ để làm “ao” thả cá nhằm cải thiện bữa ăn trong gia đình. Trong số 61 hộ ở 5 bản có 48,1 ha ao nuôi thả cá, song thu nhập không đáng kể (Điều tra của Trần Tuấn Thi).

Sản phẩm của chăn nuôi trước đây chủ yếu dùng vào việc cưới hỏi, tang ma, làm nhà mới và các nghi lễ thờ cúng. Thịt, trứng rất ít được sử dụng trong bữa ăn hàng ngày của đồng bào, chưa trở thành hàng hóa trao đổi để tăng thêm nguồn thu nhập, nâng cao mức sống gia đình.

Từ đầu những năm 2000, người Ơ- đu và các tộc người trong vùng tiếp nhận một số giống vật nuôi mới như lợn siêu nạc, bò lai sind, vịt siêu trứng, cá  lai…, tuy mới trong bước thử nghiệm nhưng đã đạt được một số kết quả. Do hàng hóa được lưu thông và nhờ các phương tiện giao thông được tăng cường nên nhiều gia đình nuôi được cả đàn trâu bò từ 10 - 20 con, bán cho các thương lái từ các huyện miền xuôi, có giá trị hàng hóa lớn. Có gia đình ở bản Xốp Pột (xã Kim Đa) khi chuyển về nơi tái định cư Văng Môn đã “dắt” theo 21 con bò, phải “dòng” gần 2 ngày mới đến nơi. Tuy nhiên, chỉ có một số ít hộ nuôi được nhiều, còn đa số hộ vẫn nuôi nhỏ lẻ với các vật nuôi cũ và theo lối truyền thống nên hiệu quả không cao. Số liệu từ kết quả điều tra năm 2004 tại xã Kim Đa phục vụ tái định cư Thủy điện Bản Vẽ cho biết, tại thời điểm này, 61 hộ người Ơ - đu có 12 con trâu, 160 con bò, 29 con dê, 72 con lợn và 254 con gà, vịt; bình quân mỗi hộ chỉ có 0,19 con trâu, 2,6 con bò, 0,47 con dê, 1,2 con lợn và 4,6 con gà vịt.

Trong chăn nuôi, người Ơ - đu ít có thói quen luân chuyển đàn trâu bò (bán bớt những con già, để nuôi những con nhỏ) mà cứ để vậy cho đông đàn, thể hiện sự “thành đạt, đẳng cấp” của mình, nên khi xảy ra dịch, không bán kịp, bị thiệt hại lớn. Tập quán này cũng được “chuyển” về nơi tái định cư, nên trâu bò không quen thổ nghi, bị dịch bệnh chết dần, nhiều gia đình bị thiệt hại nặng nề. Có gia đình mang về quê mới 9 con trâu, 7 con bò, nhưng sau một năm, đàn trâu bò chết dần, chỉ bán chạy được 3 con, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Đặc điểm này xuất phát từ kinh tế nương rẫy, làm cho người trồng trọt, chăn nuôi thiếutinh thần dám nghĩ, dám làm, sợ thất bại, gặp thất bại dễ nản lòng. Tuy nhiên, cũng có người đã học được cách tính toán của người Việt, mang về khu tái định cư 18 con, đã kịp bán dần, chỉ giữ lại trong chuồng một bò mẹ và 2 bê; khi có bê mới đẻ, ông bán đi một bê lớn, để dành thời gian chăm sóc bê con, cho nên ông không bị thiệt hại như nhiều gia đình khác; trong nhà ông lúc nào cũng có một bò mẹ và hai con bê, vừa sức chăm sóc, khi bê con vừa lớn được bán cũng là lúc lại có bê con mới.

3. Hái lượm, săn bắn còn vai trò quan trọng

Địa bàn cư trú của người Ơ - đu gắn với rừng, sông, suối, có nguồn thực vật, động vật phong phú, có thể làm thực phẩm và lương thực phụ trợ, tạo điều kiện cho hái lượm và săn bắt trở thành một hoạt động kinh tế quan trọng của đồng bào, trong điều kiện trồng trọt và chăn nuôi cho thu nhập thấp và bấp bênh.Ngoài ra còn có các loại gỗ, tre nứa để làm nhà.

Người Ơ - đu thu hái các loại rau, nấm, măng, mộc nhĩ, hoa chuối, củ mài ..., nói chung là mùa nào thứ ấy: măng đắng (tháng 3), măng tre (tháng 5), măng nứa, măng giang (tháng 8, tháng 9)... Người Ơ - đu và các tộc khác trong vùng có đã tích lũy được các kinh nghiệm phân biệt nấm độc và nấm lành. Nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ, không có các loại kiến, côn trùng bám quanh. Nấm lành màu sắc bình thường, thân cây và thường có kiến bám. Hái lượm là công việc của phụ nữ.

Săn bắn là công việc của người đàn ông, bằng hình thức săn cá thể, theo hình thức săn rình là chủ yếu. Săn tập thể chỉ được tiến hành khi gặp thú lớn, cả bản cùng vây. Dụng cụ đi săn thường là súng kíp (mua hoặc trao đổi với người Hmông), ngoài ra còn nỏ, lao, bẫy đá. Trước đây, khi săn được thú lớn như hươu, nai, lợn rừng ..., chủ săn phải dùng một phần thịt ngon ở vai, ở thủ để biếu các chức dịch trong bản, phần còn lại chia cho cả bản cùng hưởng cùng ăn. Không chỉ góp phần cải thiện bữa ăn, săn bắn còn là yếu tố sinh hoạt văn hóa gắn với rừng và núi của người Ơ - đu và các tộc khác trong vùng.

Ngoài thu hái các sản phẩm để làm thực phẩm và một phần lương thực, người Ơ - đu còn khai thác các loại cây lấy gỗ để làm nhà (nhiều nhất là trai, nghiến). Từ đầu những năm 2000, một số gia đình ở ven sông Nậm Nơn đã khai thác gỗ và tre nứa để bán. Tuy nhiên, công việc này rất vất vả, trong khi thu nhập lại không cao.

4. Vài nghề thủ công hỗ trợ cuộc sống tự cấp tự túc

Nghề thủ công gắn bó lâu đời và mật thiết với người Ơ - đu là trồng bông dệt vải. Mỗi năm mỗi nhà gieo một rẫy bông. Khoảng tháng 12 dương lịch phát rẫy, vào đầu tháng 3 đốt và trỉa. Tháng 9 thu hoạch bông về tuốt lấy bông phơi khô. Sau khi thu hoạch lúa xong đem bông ra dệt. Khung dệt của người Ơ - đu cũng giống khung dệt của người Thái. Vương Hoàng Tuyên còn cho biết, xưa kia, người Ơ - đu còn chăn tằm, kéo kén, nhưng chỉ có một số hộ.

Sản phẩm của nghề dệt là vải thô, khổ hẹp (40cm). Để tạo được tấm váy đẹp, nhiều màu và nhiều dạng hoa văn, các cô gái Ơ - đu phải bỏ ra hàng chục ngày công. Đây cũng là một trong những tiêu chuẩn chọn vợ của các chàng trai. Tuy nhiên, nghề này đã mất từ đầu những năm 70.

 Nghề thủ công thứ hai là đan lát mây tre. Tất cả các đồ dùng trong nhà như ghế ngồi, mâm ăn cơm, ép đựng xôi, các loại gùi, nong, nia, giần, sàng ... đều do người đàn ông tự tạo. Đây cũng là một trong các tiêu chí đánh giá tài năng, sự chăm chỉ của người đàn ông Ơ - đu. Sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sử dụng trong gia đình. Một số sản phẩm như mâm ăn cơm, ghế ngồi được dùng để trao đổi bằng hiện vật hoặc bằng tiền. Giá một ghế mây loại to (đường kính mặt trên 40, cao 30 cm) vào thời điểm tháng 4/2014 là 125.000 đồng; ghế nhỏ (đường kính mặt trên rộng 30 cm, cao 18 cm) là 100.000 đồng, một mâm ăn cơm 600.000 đồng. Trong gia đình người Ơ - đu không thể thiếu một vài chiếc ghế để khách đến chơi ngồi. Người phụ nữ Ơ - đu luôn phải ngồi trên ghế mây, không được ngồi bệt trên sàn nhà. Đặc biệt, sau khi sinh, sản phụ ngồi trên chiếc ghế mây cao, lót một lớp lá pơnát được hơ nóng thì cơ thể sẽ nhanh chóng hồi phục.

Công việc đan lát hiện nay chỉ có một số nam giới cao tuổi làm theo đơn đặt hàng. Nhìn chung, thu nhập từ đan lát không đáng kể và không thường xuyên, chủ yếu lấy công làm lãi, vì phải qua rất nhiều khâu: vào rừng đẵn mây, song, tre; chẻ vót nguyên liệu và đan. Tuy nhiên, nếu được định hướng và có quy hoạch phát triển, việc đan lát có thể trở thành một nghề có thể tạo thu nhập cao và ổn định.

5. Trao đổi buôn bán mờ nhạt

Trước năm 1990, kinh tế nương rẫy cho thấp kém, điều kiện giao thông đi lại rất khó khăn, lại thêm chế độ bao cấp nên cuộc sống của người Ơ - đu và các tộc người trong vùng hoàn toàn tự cấp tự túc; chỉ có một số mặt hàng không thể làm ra được (vải, dầu thắp…) do Nhà nước phân phối qua cửa hàng hợp tác xã mua bán và qua hợp tác xã nông nghiệp. Do vậy, đồ dùng thiết yếu cho đời sống thường ngày rất thiếu thốn.

Từ năm 1990 trở đi, một số gia đình ở ven sông Nậm Nơn đã sắm thuyền gắn động cơ đi xuống huyện lỵ Tương Dương (nay là thị trấn Hòa Bình) mua các mặt hàng ở đây đem về bán đổi lấy thóc gạo, lợn gà cho người trong bản; rồi lại mang các thứ này xuống bán đổi. Cả hai chiều, họ mua tận gốc, bán tận ngọn, lãi suất rất cao, kinh tế khấm khá; nhờ đó đã thoát ly làm nương rẫy. 

 

II. XÃ HỘI TRUYỀN THỐNG

1. Hôn nhân và gia đình, dòng họ

Quan niệm về hôn nhân của người Ơ - đu cũng giống như các tộc người khác là để tạo lập gia đình, sinh con đẻ cái, để có thêm lao động cho việc làm nương rẫy vốn trải qua nhiều công đoạn rất vất vả, nặng nhọc. Lấy vợ, có con còn để nuôi mình về già, cúng mình sau khi chết và để duy trì nòi giống. 

Đặc điểm nổi bật và nguyên tắc cơ bản trong hôn nhân của người Ơ - đu là ngoại tộc hôn. Anh em trong phạm vi 5 đời chưa lấy được nhau. Có thể minh chứng điều này qua họ Lo ở bản Xốp Pột (xã Kim Đa cũ), nay đã chuyển về bản Văng Môn. Theo phả đồ được dựng từ trí nhớ của các bậc cao niên, đời xa nhất mà người trong họ còn nhớ được đến nay là Mộ Líu, sinh ba người con trai là Mộ Quản, Mộ Hanh, Mộ Thụng. Ba người con này đến nay phát triển thành ba nhánh lớn (tương tự như ba chi của người Việt), đến đời thứ năm hiện nay (đều ở tuổi trên dưới 50), như các ông Lo Xuân Tình (sinh năm 1961, Trưởng bản), Lo Đại Tình (sinh năm 1959, Trưởng ban công tác Mặt trận bản)… Con cái của những người này (đời thứ sáu) đã qua hoặc đang ở tuổi xây dựng gia đình, nhưng đến nay chưa có trường hợp nào lấy nhau và thực tế, giả sử có đôi trai gái nào yêu nhau, các bậc cao niên cũng không cho phép thực hiện kết hôn. Điều này đúng như nhận xét của Vương Hoàng Tuyên cho rằng, cùng một dòng họ thì bất kỳ bao nhiêu đời cũng không được lấy nhau; cháu cô cháu cậu cũng không được lấy nhau.

Người Ơ - đu không có tục hôn nhân anh em vợ (sôrôrát) và hôn nhân chị em vợ (lêvirát) [Vương Hoàng Tuyên, 1963, tr. 66]. Tuy nhiên, Đặng Nghiêm Vạn lại cho rằng, ở người Ơ - đu, việc áp dụng nguyên tắc hôn nhân thuận chiều và dây chuyền chỉ giới hạn với anh em cùng một gia đình và chỉ còn hiệu lực đến đời thứ ba (Đặng Nghiêm Vạn, 1973, tr. 59); con trai của chị có thể lấy con gái của em trai, song con trai của em gái không thể lấy được con gái của anh trai; con trai của chị có thể lấy con gái của em gái song con trai của em gái không được lấy con gái của chị, thể hiện sự phân biệt trưởng thứ rất rõ (Đặng Nghiêm Vạn, 1973, tr. 59). Thực tế điều tra với những người đã ở tuổi trên 60, chúng tôi không thấy có trường hợp nào như vậy. Điều này có thể có từ xa xưa, song đã bị mất từ lâu mà nguyên nhân chính là đồng bào sống xen cư với người Thái, người Khơ - mú,  đối tượng kết hôn rộng rãi hơn.

 Do người Ơ - đu có dân số quá ít, tuyệt đại đa số đồng bào ở các xã Kim Đa, Kim Tiến cũ đều quan niệm mình cùng một gốc sinh ra, không thể lấy nhau được; trong khi đó, đồng bào lại sống xen ghép với các tộc khác nên xưa nay rất hiếm trường hợp người Ơ - đu lấy nhau. Đặng Nghiêm Vạn trong bài Vài nét về người Ơ - đu cho rằng, trong gia đình Ơ - đu hiện nay rất hiếm các cặp vợ chồng đồng tộc, như ở bản Xốp Pột có 6 hộ Ơ - đu với bốn cặp vợ chồng cùng tộc, song cũng tại bản này, lại có 4 cặp chồng Ơ - đu /vợ Khơ - mú, chồng Ơ - đu/vợ Thái, vợ Ơ - đu/chồng Khơ - mú, vợ Ơ - đu/chồng Thái. Ở một bản cách đó 12 cây số, có một gia đình vợ chồng Ơ - đu, nhưng dâu rể đều là người khác tộc; còn ở các bản khác, không có gia đình thuần Ơ - đu (Đặng Nghiêm Vạn, 1973, tr. 56).

Trên thực tế, tại bản Văng Môn hiện nay, qua điều tra trực tiếp cùng sự thẩm định của trưởng bản, chúng tôi thấy trừ hai trường hợp mới xảy ra, còn không có các cặp vợ chồng cùng là người Ơ - đu (kể cả các bậc cao niên sinh vào đầu những năm 30 của thế kỷ XX, hiện còn song toàn hay đã góa vợ, góa chồng). Số liệu ở bảng dưới cho thấy điều này.

 

Bảng : Tình hình kết hôn với các dân tộc khác của người Ơ - đu

Đối tượng

Tổng số

(người)

Chia theo dân tộc kết hôn của người Ơ - đu

Thái

Khơ - mú

Kinh

Lào

Ơ - đu

Các chủ hộ

90

66

22

1

1

0

Các thành viên khác

37

29

05

2

0

1

Tổng

127

95

27

3

1

1

 

Trường hợp người Ơ - đu lấy nhau mới xuẩt hiện gần đây (nam sinh 1988, nữ 1990). Hai anh chị ở hai xã cách xa nhau, ở quê cũ hai gia đình hầu như không quen biết, không có liên hệ với nhau; chỉ khi chuyển đến bản Văng Môn mới quen biết nhau và cưới nhau năm 2012. Khoảng tháng 4 - 2014, trong bản Văng Môn có một cặp trai (quê gốc ở bản Xốp Pột) - gái (quê gốc ở bản Kim Hòa) yêu nhau và chuẩn bị làm lễ thuộc hai huyết thống khác nhau. Mặc dầu vậy, cuộc tình duyên của họ bị nhiều ý kiến phản đối trong dân bản. Qua đây cho thấy kết hôn với các tộc người xen cư là xu hướng nổi trội của người Ơ - đu từ xưa đến nay mà nguyên nhân chính là do đồng bào có dân số quá ít, nên luôn có ý thức rằng, mọi người Ơ - đu đều mang “họ Lo” nên cùng huyết thống.

Người Ơ - đu kết hôn từ rất sớm. Trai gái tự tìm hiểu nhưng phải được sự đồng ý của bố mẹ. Hôn nhân một vợ một chồng tương đối bền vững. Trước đây hầu như không có ly dị. Hiện tượng ly dị mới xảy ra gần đây. Trong 127 người Ơ - đu đã kết hôn hiện đang sống ở bản Văng Môn, chỉ có 03 trường hợp ly dị (02 người là nữ, 01 là nam), đều là những người sinh sau năm 1970. Trước đây, chồng hoặc vợ chết, người sống phải đợi đến khi có tiếng sấm đầu tiên của năm sau mới được đi bước nữa; do quan niệm, chỉ đến khi có tiếng sấm của năm sau, người chết “mới biết mình đã chết thật, không ràng buộc với người sống nữa”. Người vợ hay chồng muốn đi bước nữa phải sắm một con lợn làm lễ, mời hai bên bố mẹ, anh chị em ruột, láng giềng (với người vợ thì có cả họ hàng nhà chồng) đến dự, người vợ (hay chồng) sau cũng có thể đến chứng kiến. Người vợ hoặc chồng lấy dao cứa ở điểm giữa cả hai chiếc đũa rồi bẻ gãy và đặt lên mâm lễ. Mục đích của lễ này là cúng giải thoát cho hai người, để người còn sống có thể bắt đầu với cuộc sống gia đình mới. Trường hợp chồng chết, người vợ chỉ được quyền mang con còn bú đi theo; còn những người con khác phải để lại cho nhà chồng. 

 Theo Vương Hoàng Tuyên, trước kia, đàn ông Ơ - đu có nhiều người lấy 2- 3 vợ (Vương Hoàng Tuyên, 1963, tr. 65). Tuy nhiên, trong các bậc sinh cuối  những năm 20, đầu những năm 30 của thế kỷ XX (mới mất hoặc đang sống) không xuất hiện hiện tượng người chồng lấy vợ hai khi vợ chồng không có con hoặc không có con trai. Trường hợp chỉ sinh con gái thì chọn con rể (từ những gia đình có đông con trai) để có người con nuôi mình về già. Cũng có khi nhận một người con trai của em hoặc anh ruột làm con của mình và thường được anh em đồng thuận.

Trước kia người Ơ - đu cũng có tục cư trú bên nhà vợ. Chú rể là người các tộc khác hay người Ơ - đu (nếu có) phải ở rể 01 năm, sau khi đã nộp đủ tiền “giá đầu người - klây glây”,  thường từ 3 - 4 nén bạc. Trong thời gian ở rể, chú rể phải gọi theo tên vợ, khi về nhà chồng, vợ phải gọi theo tên chồng. Khi có con, bố mẹ được gọi theo tên con đầu lòng (Đặng Nghiêm Vạn, 1973, tr. 59).

Gia đình của người Ơ - đu là tiểu gia đình phụ quyền. Người chồng, người cha quyết định mọi công việc trong gia đình. Các thành viên trong gia đình phân biệt ngôi thứ rõ ràng. Con trai con gái, con đẻ, con dâu đều được cha mẹ quý trọng. Con gái không có quyền thừa kế (thực tế, với cuộc sống làm nương rẫy bấp bênh, tài sản của bố mẹ để lại hầu như không có gì đáng giá). Đặc biệt, do dân số rất ít nên đồng bào Ơ - đu rất quý trọng con người; thể hiện ở việc trong nhà hầu như không xẩy ra chuyện "mẹ chồng nàng dâu" hay "chị dâu em chồng", quan hệ “bố dượng - con mẹ” cũng rất thân thiết. Ví dụ, ông Lo Văn Nghệ có người vợ đầu đã mất, sau ông lấy một người phụ nữ Thái (đã góa chồng). Bà này sinh ra anh Lo Văn Tùng. Hiện anh Tùng đang ở với ông Nghệ và được ông Nghệ quý trọng, thậm chí còn được bố dượng cho lập bàn thờ bố mẹ mình ở trong nhà của ông.

Quan hệ anh chị em trong gia đình người Ơ - đu cũng rất khăng khít. Anh chị em ruột thật sự thương yêu và cưu mang nhau, không tính toán thiệt hơn, nhất là khi gặp hoạn nạn, khi bố mẹ qua đời. Theo tập tục, bố mẹ khi già thường ở với con cả hoặc con út, người con đó có trách nhiệm chính trong việc lo tang, song anh em thường san sẻ, hỗ trợ nhau.

Tình thương yêu ruột thịt giữa anh em còn thể hiện ở việc cưu mang khi có người gặp hoạn nạn. Trường hợp một cặp vợ chồng chẳng may mất mà các con của họ còn nhỏ, gia đình người anh (hoặc em) có trách nhiệm nuôi nấng đàn con mồ côi đó. Điều tra tháng 4 - 2014 ở bản Văng Môn, có cặp vợ chồng (sinh năm 1985) mới có một con, nhưng đang nuôi thêm 4 người cháu của anh chị đã mất. Trường hợp bố mẹ mất cả, không còn anh em thì ông bà nội có trách nhiệm nuôi đàn cháu. Hiện ở bản Văng Môn cũng có trường hợp này.

Người Ơ - đu chỉ mang một họ Lo. Có thể xa xưa, huyết thống của người Ơ - đu không có tên gọi mà chỉ có tô tem, về sau mới mang ‘họ Lo”, nhất là Lo Căm- một họ người Thái rất có thế lực ở vùng Tây Nghệ An; kiêng con Nộc táng lo  mà truyền thuyết kể lại đậm chất của truyền thuyết Thái [1]. Dấu hiệu lớn nhất để phân biệt các huyết thống khác nhau cùng mang “họ Lo”là trong làm ma cho bố mẹ. Cụ thể, họ Lo ở bản Xốp Pột sau khi bố mẹ mất một thời gian, trong đời người các con phải chung sức cúng bố mẹ một lần bằng một con trâu; trong khi đó, họ Lo ở bản Kim Hòa chỉ cúng bằng lợn.

Họ Lo của người Ơ- đu có Lo anh, Lo em (Lo Khăm, Lo May, Lo Văn...) Lo anh kiêng ăn thịt con chim Phượng hoàng đất, còn Lo em kiêng ăn thịt chim táng lo (Đặng Nghiêm Vạn, 1973, tr. 59). Để phân biệt dòng anh và dòng em, trong cách dựng nhà, họ Lo em đều quay gốc đường quá giang về một phía, còn Lo anh quay chiều ngược lại. Điều này chỉ có thể người trong một huyết thống cụ thể biết với nhau.

2. Làng bản

Bản của người Ơ - đu gọi là plung. Trước năm 1954, người Ơ - đu phải sinh sống ở nơi đầu khe ngọn suối. Cuộc sống du canh du cư không thể ở tập trung đông người vào một chỗ. Mỗi bản chỉ 7- 10 nóc nhà, cách nhau 1 đến 2 giờ đi bộ. Nơi lập bản là nơi có rừng, có suối. Hướng của bản nhìn ra dòng suối; kiêng dựng bản ở những nơi có dòng khe ngọn suối đâm thẳng hướng vào bản, vì ở đó con người dễ bị ốm đau, mùa màng thất bát.

Ranh giới của bản mang tính tự nhiên, thường là một quả đồi, một dòng suối hoặc một con khe, có khi là một khu rừng. Tên của bản thường gắn với một đặc điểm địa hình và gọi theo tiếng Thái; ví dụ:

+ Bản Xốp Pột gọi theo nơi khe Pột và khe Com gặp nhau;

+ Bản Xốp Cháo gọi theo tên là khe Cháo

+ Bản Com gọi theo tên là khe Com

+ Bản Pủng gọi theo tên khe Pủng.

Trước năm 1954, người Ơ - đu chủ yếu sống thành các bản riêng. Từ sau năm 1954, đồng bào sống xen ghép cộng cư với người Thái, Khơ - mú. Nhà cửa trong bản sắp xếp không theo một trật tự quy định nào cả, chủ yếu sắp xếp tự nhiên theo địa thế. Nhà này nối với nhà kia bằng các đường mòn nhỏ bé, khúc khuỷu, gập ghềnh.

Đứng đầu bản trước năm 1954 có tum bản do chánh tổng (người Thái) cử ra, có trách nhiệm về các khoản đóng góp của dân trong bản đối với chánh tổng. Nếu không hoàn thành trách nhiệm bị phạt 01 nén bạc và nhiều lúc bị mất chức. Giúp việc cho tum plung có ông "thút" bản, chịu trách nhiệm đôn đốc dân bản đi lao dịch, nộp các khoản đóng góp và chạy đưa giấy tờ liên lạc.

Cũng như người Khơ - mú, trước năm 1945, người Ơ - đu chịu thân phận xã hội thấp kém trong vùng đất người Thái cai quản. Người nơi khác muốn đến ở trong lãnh địa của chánh tổng cai quản phải mổ gà mời chánh tổng đến ăn, ăn xong còn phải biếu một con gà khác mang về. Khi đã trở thành dân trong tổng (páy), mỗi năm phải đến làm lao dịch cho chánh tổng 5 ngày phát rẫy, 5 ngày trỉa lúa, 5 ngày gặt và 5 ngày chuyển thóc về nhà; ngoài ra còn phải phục dịch khi chánh tổng làm nhà, có việc cưới, việc tang. Người dân cũng không được tự ý bỏ đi cư trú nơi khác; nếu vi phạm bị phạt 01 nén bạc và chánh tổng có thể điều đình với chánh tổng nơi người dân Ơ - đu đến ngụ cư, bắt về nhà mình làm "hòi", giống như thân phận côn hươn của người Thái (Điều tra của Trần Tuấn Thi).

Từ năm 1960 trở đi, việc quản lý bản do hợp tác xã nông nghiệp đảm nhiệm dưới sự lãnh đạo của chi bộ bản. Khi hợp tác xã giải thể, bản có ban quản lý gồm bí thư chi bộ, trưởng bản và phó bản (kiêm công an viên). Mỗi khi có vấn đề quan trọng cần giải quyết, tập thể chi ủy, trưởng phó bản và chi hội trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội họp bàn và quyết định. Một số trường hợp có tham vấn các già làng có uy tín.

Các thành viên trong bản sống với nhau chan hòa, đầm ấm. Việc của một nhà được xem là việc chung của cả bản, ngược lại việc của bản cũng được xem là việc của các gia đình. Một nhà có khách được cả bản hỏi thăm, chia sẻ, chia vui. Với các tộc người khác sống cùng bản, người Ơ - đu cũng sống hòa thuận.

Mỗi bản của người Ơ - đu có đền thờ ma bản, tùy địa thế của bản mà dựng đền, song thông thường ở gốc cây to đầu làng hoặc trên đồi thiêng, rừng chung của bản... Ngoài thần linh, đền còn thờ những người có công khai lập bản. Khi cúng bản, mời thần linh và mời vong linh những người này về dự.

[Kỳ 2: Văn hóa vật thể]

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương (2010), Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, kết quả toàn bộ, Nxb. Thống kê, Hà Nội.

  2. Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An (2013), Báo cáo chuyên đề phân tích, đánh giá thực trạng, hiệu quả thực hiện Dự án bảo tồn, phát triển dân tộc Ơ - đu ở tỉnh Nghệ An, bản đánh máy, lưu tại Ban Dân tộc tỉnh.

  3. Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An (2013), Báo cáo tổng kết 06 năm thực hiện Dự án hỗ trợ, phát triển dân tộc Ơ - đu giai đoạn 2006 - 2012 ở tỉnh Nghệ An, bản đánh máy, lưu tại Ban Dân tộc tỉnh.

  4. Khổng Diễn (1995), Dân số và dân số tộc người ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

  5. Mạc Đường (1964), Các dân tộc miền núi Bắc Trung Bộ, Nxb. Khoa học, Hà Nội.

  6. AG. Haudricourt (1966) “Notes de Géographie, Linguistique”/Essays Offred to  G.H Luce.

  7.  Loupe (1934) Mường de cửa rào Vinh (Mường Cửa Rào, Vinh), Thư viện Khoa học Nghệ An, Vinh

  8. Nguyễn Đình Lộc (2010, tái bản), Các dân tộc thiểu số ở Nghệ An, Nxb. Nghệ An, Vinh.

  9. Macey (1907), “Estudes ethnographiques sur les Khas” (Nghiên cứu dân tộc học về người Kha) / Revue Indochinoise, tome 1, 15 Avril, No 55, tr. 379 - 483.

  10. J.Matras và M. Felus (1971),  “Langues austro - asiatiques” / Òu en est l’atllat  ethnoliguistique (Đâu là bản đồ ngôn ngữ tộc người), Fas I, Vol 2, No 4, Dec.

  11. Vương Hoàng Tuyên (1963), Các dân tộc nguồn gốc Nam Á ở miền Bắc Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

  12.  Trần Tuấn Thi (2013), Tập tư liệu điều tra về người Ơ - đu, bản đánh máy, lưu tại Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.

  13.  Ủy ban nhân dân xã Nga My, huyện Tương Dương (2014), Danh sách hộ nghèo, cận nghèo và không nghèo xã Nga My năm 2013, bản đánh máy, lưu tại Văn phòng Ủy ban nhân dân xã.

  14. Ủy ban nhân dân xã Nga My, huyện Tương Dương (2014), Sổ hộ khẩu bản Văng Môn, bản đánh máy, lưu tại Văn phòng Ủy ban nhân dân xã.

  15.  Đặng Nghiêm Vạn (1973), Vài nét về người Ơ - đu”, Thông báo Dân tộc học số 2/ 1973, tr. 50- 63.

  16.  Đặng Nghiêm Vạn (1974), “Bước đầu tìm hiểu lịch sử phân bố cư dân ở miền núi tỉnh Nghệ An”, Tạp chí Dân tộc học số 2/ 1974.

  17.  Đặng Nghiêm Vạn (1978), “Dân tộc Ơ Đu”, trong Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 113 - 117.

  18.  Viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc Quốc hội (2004), Báo cáo kết quả thực hiện dự án Điều tra, khảo sát, nghiên cứu về dân tộc Ơ - đu, bản đánh máy, lưu tại Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.

 

 

 


1. Đến tháng 4 - 2019, theo Tổng điều tra dân số, người Ơ đu có 428 người. Con số này cũng phải xem kỹ có “lẫn” người của các dân tộc khác không.

2. Như vậy, người Ơ - đu hiện nay tập trung ở bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương). Thế nhưng, “Dự án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016-2025” lại đưa cả bản Đửa (xã Lượng Minh, cùng huyện, không có một người Ơ - đu nào sinh sống) vào diện đối tượng được thụ hưởng của Dự án, nhiều tờ báo gọi đây là “trò đùa”, nên cơ quan có trách nhiệm phải làm văn bản đưa bản này ra khỏi Dự án.

[1]Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có hai vợ chồng có hai đứa con, nhà nghèo, năm đó trời làm mất mùa, hết cái ăn, hai vợ chồng phải vào rừng đào củ mài. Người chồng vác dao đi trước, người vợ đeo một cái túi trong đó để một bao diêm đi theo sau. Đào được củ mài, chồng bảo vợ đi nướng. Người vợ dở túi lấy diêm, không may túi bị thủng, diêm rơi lúc nào không biết. Người chồng bắt buộc vợ đi tìm. Người vợ trả lời "Túi thủng không thể tìm được". Người chồng cứ bắt đi tìm. Vừa đói vừa bị chồng mắng oan tức, người vợ chết và biến thành con chim kêu "thông lo, thông lo" (túi thủng, túi thủng). Người chồng nghe tiếng kêu ấy biết được sự thực về vợ, khóc thương vợ đến đói lả và rồi sau cũng chết, biến thành con chim kêu "Soóc, Soóc" (tìm, tìm). Hai đứa con của họ biết tin từ đó nhận con chim táng lo làm họ, làm anh em của mình. Từ đó người Ơ - đu mang họ Lo.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434697

Hôm nay

2317

Hôm qua

2310

Tuần này

21347

Tháng này

211745

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434697