Đất Nghệ

Di tích hang Rú Ấm và Cây Đa làng Trù, huyện Nghĩa Đàn – Địa chỉ Đỏ giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng.

Cách trung tâm thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An 100km về phía Tây, cụm di tích hang Rú Ấm và cây Đa làng Trù được du khách biết đến không những là địa điểm có phong cảnh sơn thủy hữu tình mà còn là một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng. Đây là 2 địa điểm ghi dấu sự kiện lịch sử của Đảng bộ và Nhân dân huyện Nghĩa Đàn trong thời kỳ cách mạng từ năm 1930 đến năm 1945.

Hang Rú Ấm

Hang rú Ấm ở xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn là tên gọi một hang đá tự nhiên nằm trong núi Ấm (theo tiếng địa phương gọi là rú Ấm), đây là nơi có vị trí kín đáo, xung quanh có nhiều đồi núi và cây cối rậm rạp. Đặc biệt, phía sau cửa hang có một hồ nước lớn, phía trước cửa hang có một ngôi đền thờ thổ thần, người dân ở đây thường xuyên qua lại thờ cúng, rất thuận lợi cho điều kiện hoạt động bí mật của tổ chức, nên hang rú Ấm đã được các cán bộ cốt cán của địa phương chọn làm một trong những địa điểm bí mật hoạt hoạt động.

Di tích hang rú Ấm, xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn (Ảnh: Hồ Hà)

Tại di tích, vào trung tuần tháng 10 năm 1930, đồng chí Võ Nguyên Hiến thay mặt Tỉnh ủy Nghệ An đã thông qua quyết định thành lập Chi bộ Đảng Cự Lâm - Thọ Lộc gồm 5 đồng chí, do đồng chí Phan Đình Lại làm Bí thư, phụ trách chung; đồng chí Nguyễn Đình Thạc làm Phó Bí thư kiêm tổ chức và giữ tiền nguyệt phí; đồng chí Võ Thược làm Thư ký và liên lạc với cấp trên. Đây là Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập ở huyện Nghĩa Đàn, cũng là một trong những chi bộ Đảng đầu tiên của miền Tây xứ Nghệ.

Vào tháng 1 năm 1931, để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ mới và thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, đồng chí Phan Đình Lại và Võ Thược đã triệu tập một cuộc họp bí mật tại hang rú Ấm để tách Chi bộ Cự Lâm - Thọ Lộc thành 2 chi bộ riêng. Sự hình thành 2 chi bộ mới đã đánh dấu một bước phát triển mới cho lịch sử đấu tranh của toàn huyện, góp phần thúc đẩy quá trình hình thành một số chi bộ khác trên địa bàn huyện như: Yên Hòa, Tri Chỉ, Sen, Sẻ,... tạo tiền đề cho việc thành lập Huyện ủy lâm thời huyện Nghĩa Đàn vào tháng 2 năm 1931.

Từ năm 1932 đến năm 1933, do sự khủng bố của thực dân Pháp, các tổ chức đảng ở Nghĩa Đàn tự giải tán và đi vào hoạt động bí mật. Đến đầu năm 1934, các chi bộ đảng trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn cơ bản đã được phục hồi và kiện toàn hệ thống tổ chức. Để có tài liệu tuyên truyền, Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn đã chọn hang rú Ấm làm nơi in ấn tài liệu và hội họp bí mật. Tại đây, nhiều truyền đơn đã được in ấn, nhiều chỉ thị, tài liệu bí mật đã được ban hành đến tận các cơ sở cách mạng trên địa bàn huyện.

Nhân ngày Quốc tế Lao động (1/5/1939), tại hang rú Ấm, Huyện ủy Nghĩa Đàn đã tổ chức một cuộc mít tinh biểu dương khí thế cách mạng của nông dân và giai cấp công nhân vùng Phủ Quỳ. Cuộc mít tinh này đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân ở các vùng lân cận như: Thọ Lộc, Cự Lâm, Sen, Sẻ,... tham gia, với biểu ngữ, cờ đỏ búa liềm,... đòi quyền tự do dân chủ, cơm áo hòa bình. Tại hang rú Ấm, đồng chí Trần Ngọc Cán đã đọc bài diễn thuyết ca ngợi truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, lòng yêu nước nồng nàn của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động cả nước nói chung và Nghĩa Đàn nói riêng, đồng thời kêu gọi công nhân, nông dân đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, kiên quyết đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình, đòi tự do, dân chủ và độc lập cho Tổ quốc. Cuộc mít tinh đã thu được nhiều kết quả như mục đích và dự định của Huyện ủy đề ra, làm cho quần chúng nhân dân càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn.

Cây Đa làng Trù

Cây Đa làng Trù nay thuộc xóm Tân Hợp, xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử của Đảng bộ và Nhân dân huyện Nghĩa Đàn. Tại đây, sáng ngày 22 tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo và tổ chức của Ủy ban Khởi nghĩa huyện Nghĩa Đàn, hàng ngàn quần chúng nhân dân thuộc 3 dân tộc Kinh, Thái và Thổ của các tổng: Cự Lâm, Hạ Sưu, Thạch Khê, Nghĩa Hưng,... và đông đảo lực lượng công nhân trong các đồn điền cao su, cà phê vùng Phủ Quỳ mang theo các loại vũ khí thô sơ như: súng kíp, gậy gộc, cuốc, thuổng, giáo mác,... tập trung tại cây Đa làng Trù (Vĩnh Lại). Tại đây, dưới sự chỉ huy của các đồng chí: Trần Mật, Nguyễn Đình Thạc, Lại Văn Bút, quần chúng nhân dân giương cao cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu cách mạng, rầm rộ tổ chức biểu tình thị uy, kéo vào huyện đường, bắt giữ Tri huyện Hoàng Mộng Kham, tịch thu các ấn triện, sổ sách, ngân quỹ, đồng thời cho mở cửa nhà lao, phóng thích tù nhân, đánh đổ chế độ phong kiến trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, giành chính quyền về tay Nhân dân. Ngày 22 tháng 8 đã trở thành ngày truyền thống của Đảng bộ và Nhân dân huyện Nghĩa Đàn và hang rú Ấm, cây Đa làng Trù trở thành địa điểm ghi dấu lịch sử, tiêu biểu của Đảng bộ và Nhân dân huyện Nghĩa Đàn.

Địa điểm Cây Đa làng Trù, xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn - nơi diễn ra cuộc biểu tình ngày 22/8/1945

của Nhân dân, công nhân huyện Nghĩa Đàn dành chính quyền về tay Nhân Dân ( Ảnh Hồ Hà) 

Hằng năm, cứ đến ngày 22 tháng 8, Đảng bộ và Nhân dân huyện Nghĩa Đàn lại tổ chức lễ hội để tưởng niệm tri ân các bậc tiền bối, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, bảo tồn và phát huy trang sử hào hùng của địa phương. Di tích hang rú Ấm và cây Đa làng Trù đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 20 tháng 8 năm 2012.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442758

Hôm nay

2272

Hôm qua

2299

Tuần này

2571

Tháng này

217932

Tháng qua

112676

Tất cả

114442758