Đất Nghệ

Nét chấm phá trong bức tranh non nước Nghệ An

Vẻ đẹp của đảo chè (Thanh Chương) nhìn từ trên cao

Xưa nay, xứ Nghệ nói chung, Nghệ An nói riêng được biết đến là vùng đất khô cằn, thiên nhiên khắc nghiệt nhưng bù lại nơi đây có nhiều phong cảnh đẹp. Bên cạnh những thắng cảnh được thiên nhiên ban tặng còn có những cảnh đẹp do con người tạo nên trong quá trình lao động cần cù, sáng tạo, góp phần điểm tô vẻ đẹp quê hương và mời gọi bạn bè gần xa đến thưởng ngoạn, khám phá.

Về sự khắc nghiệt của thiên nhiên đất Nghệ, trong ca khúc “Thương về xứ Nghệ”, nhạc sỹ Nguyễn Tất Tùng đã khái quát bằng hình ảnh giàu sức gợi: “Mùa đông trời buốt giá, mùa hạ nắng cháy da. Ruộng đồng khô nứt nẻ, mưa đi không kịp về…”. Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, lập nghiệp tại Sài Gòn, dòng ký ức sâu đậm về tuổi thơ và quê hương đã giúp nhạc sỹ viết nên những ca từ, hình ảnh xúc động, diễn tả cái gian khó, vất vả của “bao đời dân xứ Nghệ”.

Trong gian lao, bằng nghị lực, niềm tin và bản tính thông minh, trong quá trình lao động, mưu sinh, người dân đất Nghệ đã tạo nên những cảnh quan tuyệt đẹp một cách “vô tình”, nghĩa là ban đầu không có chủ ý. Những cảnh quan ấy thực sự có sức hấp dẫn không chỉ với người dân trong tỉnh mà cả với du khách trong nước và quốc tế. Điển hình là những hồ sen ở xã Kim Liên (Nam Đàn) - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những hồ sen ấy có từ bao đời, là nơi cung cấp nguồn thực phẩm và dược liệu, giúp bà con nông dân có thêm nguồn thu nhập. Hồ sen vẫn được người dân quê Bác duy trì và phát triển đến hôm nay, ngoài giá trị về kinh tế còn góp phần tạo nên cảnh quan tươi đẹp của vùng quê địa linh nhân kiệt, thu hút du khách gần xa. Nhất là mùa hè, vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (19/5), hàng loạt hồ sen nở rộ và tỏa hương thơm ngát khiến hàng vạn du khách rung động khi “Đi giữa ân tình giữa bát ngát hương sen”. Những hồ sen đã góp phần làm nên vẻ đẹp và sự thiêng liêng của Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên.

Tương tự, rừng tre ở xã Châu Khê được bà nông dân trồng để lấy nguyên liệu dựng nhà cửa, làm hàng mỹ nghệ và lấy măng. Nhưng với vẻ đẹp hoang sơ, được đánh giá không thua kém rừng tre trong phim “Thập diện mai phục”, rừng tre Châu Khê được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, thời gian qua đã có nhiều đoàn khách về khảo sát, hướng tới việc đưa điểm đến này vào tour, tuyến. Hay những trang trại cây ăn quả, cánh đồng hoa hướng dương và thung lũng hoa ở vùng Phủ Quỳ đã trở thành điểm đến hấp dẫn…

Vẻ đẹp của đập Phà Lài (Con Cuông) thu hút số lượng lớn du khách đến thưởng ngoạn. Ảnh Nguyễn Đạo

Từ chỗ thiên nhiên khắc nghiệt, hết nắng hạn đến mưa lũ, người dân Nghệ An đã “xây hồ, đắp đập” để tưới mát đồng quê và “ngăn dòng nước lũ”, bảo vệ mùa màng. Nhiều hồ đập đã vượt qua tính năng của công trình thủy lợi và trở thành thắng cảnh của một vùng quê. Những năm gần đây, đảo chè ở xã Thanh An (Thanh Chương) đã trở thành điểm đến hấp dẫn, được ví là “Vịnh Hạ Long của xứ Nghệ”. Nhiều du khách ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác đã tìm đến thưởng ngoạn và thực sự thán phục vẻ đẹp của đảo chè. Và càng thán phục hơn khi biết thắng cảnh này hoàn toàn do bàn tay con người tạo nên. Nơi đây vốn khô cằn, hàng chục quả đồi chè hình bát úp phơi mình giữa nắng cháy, cây chè khô héo trong nắng hạn. Đập Cầu Cau được xây dựng để tưới nước cho những cánh đồng, qua năm tháng nước dâng lên những mé đồi, tạo nên vô số những luồng lạch và cung cấp độ ẩm cho cây chè. Có hơi nước, những đồi chè trở nên xanh tốt bạt ngàn, nhìn trên cao (qua những tấm ảnh chụp từ flycam) đẹp tựa bức tranh thủy mặc. Vẻ đẹp ấy có sức hấp dẫn và mời gọi hàng chục vạn du khách mỗi năm về đây đi du thuyền, ngắm cảnh, thưởng thức sản vật, mang lại nguồn thu nhập cho Nhân dân.

Về công trình thủy lợi có thể kể thêm đập Vệ Vừng nằm trên địa bàn các xã Đồng Thành, Kim Thành và Quang Thành (Yên Thành) với mặt nước trong xanh, xung quanh là những cánh rừng keo bạt ngàn điểm tô cho vẻ đẹp hoang sơ. Đập Vệ Vừng đã được đưa vào khai thác, phát triển du lịch với hoạt động chèo thuyền, cắm trại, kinh doanh ẩm thực. Hồ Tràng Đen ở Nam Hưng (Nam Đàn) gần đây cũng được nhiều du khách chọn làm điểm đến để thư giãn vào dịp cuối tuần với hoạt động câu cá, ngắm cảnh và thưởng thức các món ăn chế biến từ cá, tôm. Đặc biệt là đập Phà Lài ở Môn Sơn (Con Cuông), công trình cung cấp nước sản xuất cho cánh đồng Mường Qụa nhiều năm nay đã thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn trên hành trình khám phá vùng Tây Nam Nghệ An…

Có thể nói những công trình thủy lợi, rừng cây, trang trại và cánh đồng hoa kể trên là kết tinh của ý chí, sự cần cù, sáng tạo của người dân xứ Nghệ. Điều ấy đã vẽ thêm những nét chấm phá trong bức tranh “non xanh nước biếc” của vùng quê “Gió Lào cát trắng”.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434645

Hôm nay

2265

Hôm qua

2310

Tuần này

21295

Tháng này

211693

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434645