Đất Nghệ

Trang phục của người Thái ở huyện Qùy Châu

 
Người Thái có mặt ở Quỳ Châu vào khoảng thế kỷ XIII – XV với ba nhóm chính là Tày Mường, Tày Thanh, Tày Mười. Tuy thời gian di cư đến đây và nguồn gốc các nhóm địa phương khác nhau nhưng họ rất tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống của tộc người mình, trong đó có nghề dệt thổ cẩm có từ lâu đời và nó được các bà, các mẹ truyền lại cho con gái cứ thế từ thế hệ này đến thế hệ khác. Trải qua hàng trăm năm chế ngự thiên nhiên và cải tạo xã hội người Thái ở Quỳ Châu đã bảo lưu, sáng tạo và phát triển nó, trang phục trở thành yếu tố quan trọng đối với đời sống của đồng bào, là một ttrong những thành tố cấu thành văn hóa truyền thống của tộc người.

Trong lao động sinh hoạt hàng ngày, trang phục là vừa phải phù hợp đặc điểm tự nhiên với đặc thù nông nghiệp làm ruộng, rẫy vùng chân núi của người Thái vừa phải biết kết hợp cuộc sống sản xuất với yếu tố truyền thống của mình. Thông thường, đồng bào sử dụng những trang phục cổ truyền đã cũ hay cũng có những bộ được làm riêng cho lao động. Trang phục lao động thường ngày không được may cầu kỳ như lễ hội mà chủ yếu là bền, sạch. Khi làm trên nương rẫy, dưới ruộng phụ nữ mặc theo lối quấn hai, bà lần cạp váy cho gọn và sạch, áo cánh không viền cổ hay nẹp. Khi làm việc trong nhà, phụ nữ mặc váy đến mắt cá chân, nhiều cụ già mặc váy kéo cao đầu che phần ngực và thắt dây lưng giống phụ nữ Mường, không mặc áo. Khăn cũng có kiểu đội riêng để chặt hơn, một nửa khăn vắt lên búi tóc rồi buông ra sau gáy, nửa còn lại vắt tiếp ra sau, chéo lên nửa kia chứ không gập ở đỉnh đầu như piêu đi hội, rồi thắt hai đầu lại sau gáy vừa gọn, vừa chắc… khăn được sử dụng linh hoạt có thể quàng cổ, vắt vai… Dây lưng không làm cầu kỳ, không gép vải trang trí ở hai đầu. Các cụ thường mặc áo không có hàng cúc bướm mà chỉ có hàng cúc vải. Phụ nữ Thái dùng xà cạp quấn vào chân, khi về nhà họ không dùng xà cạp mà mặc áo, váy bình thường. Hàng ngày, có mang đồ trang sức nhưng không nhất thiết đủ bộ, thường họ chỉ đeo hoa tai. Nam giới càng đơn giản áo cũ đã mặc, thường thì vải được tận dụng nhằm tiết kiệm và không có “mak may” trang trí, sự tạo dáng không cầu kỳ, rộng chật hơn một tí cũng được.
Người Thái có bộ trang phục dành riêng cho lễ tết. Những bộ mặc trong hội hè, lễ tết được phụ phữ Thái dệt bằng bàn tay khéo léo của mình rất cầu kỳ, cẩn thận. Trái với ngày thường trong ngày hội hè, lễ tết mà phụ nữ nào mặc không đẹp sẽ bị chê cười là lười biếng, không biết trồng bông, dệt vải, thêu thùa. Điều này thể hiện nếp sống văn hóa của người Thái và cũng thấy rõ mối quan hệ bền chặt giữa trang phục với cuộc sống của cộng đồng. Dịp lễ, hội họ vận lên mình những bộ trang phục đẹp nhất, cầu kỳ nhất. Tuy nhiên, tùy theo từng lễ, hội mà người Thái ở đây mặc trang phục như thế nào cho phù hợp. Trong ngày hội “xiên bản” tức cúng bản, “xiên mường” tức cúng mường là những ngày sinh hoạt văn hóa cộng đồng, sinh hoạt tín ngưỡng, vui chơi… theo phong tục truyền thống, đồng bào thường mặc bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất. Nam thì mặc bộ trang phục không khác ngày thường là mấy nhưng mới hơn, nữ vẫn mặc chiếc cóm và váy truyền thống. Trong những sinh hoạt vui tươi đó trang phục vượt qua những giá trị vật chất thuần túy của nó. Người Thái quan niện mặc đẹp trong những ngày này không phải cho mình mà là đẹp cho cả cộng đồng - văn hóa tộc người. “Lễ hap quài xê” (nạp trâu cúng) của người Thái ở Quỳ Châu là một ngày hội tưng bừng. Từ sáng sớm khi nghe tiếng chiêng rộn ràng nhộn nhịp, cả mấy bản trong vùng kéo đến bản trung tâm, phụ nữ mặc trang phục truyền thống tham dự lễ hội, tất cả nam giới từ già đến trẻ đều vận lễ phục hành lễ. Mọi người đều mặc áo dài trắng, chít khăn đỏ, ngang lưng thắt một dải vải đỏ. Dịp tết họ cũng mặc những bộ trang phục mới nhất để đón chào một năm mới no đủ. Trong những ngày lễ, hội chiếc khăn piêu cũng trở thành vật trao duyên của đôi trai gái. Ngày hội “ném còn” nếu không bắt được còn thì chịu thua, phải đem khăn piêu ra tặng, khăn piêu thành lời ước hẹn. Nếu không còn yêu nhau chàng trai đưa khăn trả lại, cùng vài sợi vải và ít tiền nếu con gái không còn yêu nữa thì đưa vât kỷ niệm nào đó đến và xin lại khăn piêu của mình.
Vai trò của trang phục cũng được thể hiện trong tình yêu, hạnh phúc lứa đôi. Từ những buổi đầu gặp gỡ cho đến khi nên vợ, nên chồng của đôi trai gái đều gắn với trang phục. Trai gái tự do tìm hiểu nhau, gặp gỡ nhau đôi khi cũng từ những câu chuyện của trang phục, bên khung cửi làm quen rồi trao cho nhau thương nhớ qua câu hát “…mắt đắm say nhìn tay em quay sa, sợi nở hoa bàn tay em kéo sa…”. Tìm hiểu rồi yêu nhau trai gái trao cho nhau vật làm tin (hoóng lánh), đó là những chiếc khăn, áo, váy đẹp nhất hoặc những chiếc vòng cổ, vòng tay… nếu được hai bên gia đình ưng thuận thì họ tổ chức đám cưới, nếu gia đình không ưng thuận thì họ tổ chức trộm dâu (bắt vợ). (ngày nay, ở Qùy Châu vẫn còn tục bắt vợ nhưng chỉ còn là hình thức). Từ khi dạm hỏi đến đám cưới chính thức, chàng trai mỗi tháng phải đến nhà bố mẹ vợ 10-15 ngày để làm việc lớn như sửa chữa, dựng nhà cửa, đồng ruộng. Cũng trong thời gian đó thì người con gái chuẩn bị thêu dệt rất nhiều thứ váy, áo mặc trong ngày cưới và váy áo mặc suốt trong thời gian mới lập gia đình (vì lúc mới lập gia đình có con nhỏ không dệt thêu được). Y phục, chăn, đệm, gối, màn… để tặng cho cha mẹ, ông bà bên nhà chồng. Số lượng nhiều hay ít tùy thuộc vào khả năng của gia đình và sự cần cù, khéo léo của cô dâu. Có cô gái nhà khá giả làm một chục cái nện, một chục cái chăn, hai mươi cái gối, một đôi đệm ngồi và 10 đến 12 cái váy (gồm cả váy trong và váy ngoài). Riêng đồ tặng bố mẹ chồng là đôi đệm, một đôi gối, một đôi chăn, một tấm lụa dài 10 sải tay. Trong ngày cưới, người thân của hai gia đình cô dâu và chú rể đều mặc những bộ trang phục mới và đẹp nhất. Cô dâu chọn cho mình bộ váy, áo nào được thêu công phu, đẹp nhất để mặc khi về nhà chồng. Phụ nữ Thái đen (Tày Thanh) mặc chiếc áo ngắn (xửa tến) màu đen với hai cánh tay dưới màu xanh. Chiếc váy truyền thống có cạp váy màu đỏ, mặc cao ngang ngực và dây lưng màu trắng. Phụ nữ Tày Mường (Thái trắng), Tày Mười (Thái đen) mặc bên trong chiếc áo cộc (xửa tày) và bên ngoài là hai chiếc áo dài (xửa nhảo) màu đen và màu trắng. Chiếc váy truyền thống mặc xếp nếp ở phía trước. Bắt đầu từ ngày cưới cô dâu được búi tóc và đội khăn đen (khăn đăm) và khăn thêu (khăn tải). Đây là dấu hiệu nổi bật và quan trọng nhất để phân biệt về người con gái đã có chồng. Kể từ lễ cưới chính thức cô gái bao giờ cũng mang trên đầu chiếc khăn đen để chứng tỏ truyền thống, nề nếp, gia phong và sự lễ độ, chính chuyên.
Trong ngày cưới, trang sức được sử dụng đầy đủ nhất. Khi búi tóc cho nàng dâu, mẹ chồng tặng và cài lên đầu cô dâu một đôi trâm, đeo vòng cổ, vòng tay, cô dâu đặt chiếc khăn đội đầu lên bàn thờ và cúng lạy ma nhà. Cùng với những trang sức mà cha mẹ đẻ đã tặng cho con gái để làm của hồi môn, cô dâu đeo hàng chục đôi vòng tay, vài chiếc vòng cổ và từ hai đến ba đôi hoa tai. Những gia đình khá giả thì cô dâu có đầy đủ cả xà tích. Trong ngày cưới, người ta thường lấy con số chẵn tức con số hai làm chuẩn, giờ đón dâu phải là hai giờ, cô đâu mặc hai chiếc áo dài, dùng hai chiếc khăn tải, đeo hai đôi hoa tai, dùng hai cái độn tóc, hai chiếc trâm cài đầu. Trong đám cưới các nghi thức liên quan đến trang phục cũng rất được quan tâm. Trước tiên là lễ đeo vòng: hai họ trai, gái ngồi xung quanh một cái mầm thắp hai ngọn nến và bày đủ các món ăn, rượu để cúng ma, họ nối tiếp buộc vào cổ tay cô dâu và chú rể những sợi đỏ, đen quấn vào nhau chúc mừng cô dâu chú rể khỏe mạnh, sinh con đẻ cái, làm ăn thịnh vượng. Thủ tục đó tiến hành xong thì chú rể đưa tặng cô dâu hai chiếc vòng cổ, hai đôi vòng tay bằng bạc, hai chiếc váy, một dây lưng. Chú rể được cha mẹ vợ tặng cho một nén bạc và một tấm lụa. Họ cũng tặng cho con gái của mình nhiều váy áo, chăn nệm, đồ trang sức bằng bạc, nhà giàu tặng con gái một dây xà tích. Khi về nhà chồng thì cô dâu sẽ tặng các cụ (nếu còn sống) một đôi đệm ngồi, tặng bố nẹ chồng những thứ đồ dệt đã chuẩn bị từ trước là quần, áo, chăn, gối, đệm.. là thành quả lao động của mình để bày tỏ sự biết ơn nuôi dưỡng và sinh thành chồng mình. Mẹ chồng cũng tặng nàng dâu khăn, áo, váy và đồ trang sức bằng bạc. Nhóm Hàng Tổng (Tày Mường), mẹ chồng tặng cho con dâu bộ váy áo đỏ (xửa luồm), bộ váy áo này cô dâu cất giữ, chỉ mặc trong các lễ tang khi bố, mẹ chồng qua đời rồi lại truyền cho con cháu. Đám cưới người Thái, trang phục được coi là một giá trị, của hồi môn mà người con gái mang về nhà chồng. Nó cũng thể hiện sự khéo léo của cô dâu, giàu sang của đám cưới thông qua đồ dệt, váy áo mà cô dâu mang về trong ngày cưới. Trang phục được xem như một thành tố cơ bản tạo nên bản sắc độc đáo trong hạnh phúc lứa đôi của văn hóa Thái. Trang phục biểu hiện sự giao lưu tình cảm giữa các cá nhận trong gia đình, họ hàng, bạn bè đều thông qua việc trao tặng trang phục trong đám cưới. Nó được coi như là vật thể hiện tình cảm, mang một giá trị văn hóa cao.
Với quan niệm chết là về với mường ma lên mường then (mường trời). Đám tang là biểu hiện của nếp sống văn hóa, phong tục tập quán của mỗi tộc người về các mỗi quan hệ trong dòng họ, xã hội của người sống đối với người chết. Qua đám tang rất nhiều những biểu hiện văn hóa, rõ nét nhất là trang phục trong đám tang. Lượng vải được sử dụng rất nhiều và các sản phẩm làm từ vải phục vụ cho đám tang lại càng đa dạng. Khi có người chết người ta đánh trống và treo 7 đến 9 là cờ tang bằng thổ cẩm tự dệt, người chết sau khi tắm rửa sạch sẽ và mặc bộ quần áo mới. Chiếc áo đỏ bố chồng mặc khi chết là chiếc áo cô con dâu cả tặng nhân ngày cưới của cô gọi là “xửa hi”. Xửa hi còn là loại áo cắt may cho người đàn ông đứng tuổi, loại áo này hoặc do con dâu cả may tặng hoặc do vợ may tặng chứ không bao giờ con gái may tặng cha mình. Người chết nằm trên chiếc nệm mà ngày thường người đó vẫn nằm, vải trắng phủ lên toàn thân. Nếu người chết là nữ thì đặt nằm trên 4 tấm vải có khổ rộng 80cm x 2m (tấm trên cùng là tơ tằm, ba tấm dưới là vải bông trắng), phía trên đắp 5 tấm vải (một tấm thổ cẩm nền trắng thêu hoa đen, một tấm tơ tằm, ba tấm vải bông), nếu là nam thì dùng 7 tấm. Đầu người chết cũng phủ một tấm khăn trắng. Sau khi đưa người chết vào quan tài thì phủ lên quan tài nhiều lớp vải màu trắng hoặc vải thổ cẩm nhưng trên cùng bao giờ cũng là tấm thổ cẩm đẹp nhất, dệt công phu nhất, đặt quan tài trong một chiếc màn đen, xung quanh treo nhiều tấm chăn thêu dệt đẹp (dành riêng cho đám tang).
Trong đám tang con trai mặc quần trắng, chít khăn, áo sổ gấu, không cúc thắt buộc bằng dây vải. Riêng áo có gắn “bớ khó”. Các em trai và các cháu chỉ mặc áo trắng và chít khăn trắng. Con rể phải mặc áo, quần, khăn và dây lưng đều trắng để phục dịch trong qúa trình làm ma chay. Phụ nữ trong gia đình đều phải mặc áo trắng sổ gấu, khăn trắng, tóc xõa trần, không đeo đồ trang sức. Anh chị của người qúa cố không phải mặc quần áo tang, đàn ông chỉ chít khăn, đàn bà chỉ xõa tóc. Riêng nhóm Tày Mường các chàng rể của họ chỉ chít khăng trắng, các cô dâu thì mặc áo ngắn chui đầu màu đỏ. Cô dâu cả của dòng họ phải mặc áo dài chui đầu cộc tay, màu đỏ. áo dài chui đầu cộc tay màu đỏ cũng được cắt may bằng một mảnh vải đỏ gập đôi, phía trước mở một lỗ hình trái tim để chui đầu, hai bên nách được khâu liền với nhau, chỗ nách được cắt hơi vát để vừa chui lọt hai cánh tay, áo không có khuy cài, dài đến eo, dài quá gối. Còn có loại xẻ ngực, cổ nẹp màu trắng, không cài khuy. Dây lưng phụ nữ trong đám tang cũng là màu đỏ thêu hoa văn ở hai đầu. Khăn đội đầu là chiếc khăn tải thêu hoa văn ở đầu khăn và đính những chùm tua ngũ sắc. Khi người chết còn nằm trong nhà, gia đình cúng cơm, con dâu phải mặc tang phục này để cúng cơm thể hiện lòng hiếu nghĩa, lúc không cúng cơm họ chỉ mặc bộ quần áo thường lộn trái.
Sau khi chôn cất để tang bằng chiếc khăn trắng rủ xuống vai. Các quần áo tang được cắt bằng vải trắng, khâu lược, gấu áo, gấu quần sụt sổ ra. Váy phụ nữ không được thêu màu. Nhóm Tày Thanh chỉ có một màu đen, nhóm Tày Mường chân váy chỉ có các hàng sọc. Đằng sau lưng áo đều được gắn một mảnh vải đuôi én (bớ khó) để như thế đến khi hết hạn tang.
Trang phục Thái phản ánh rõ nét đặc điểm của cư dân nông nghiệp trồng trọt, sự chinh phục, tìm tòi các nguyên liệu trong thiên nhiên để tạo ra trang phục đáp ứng cho nhu cầu cuộc sống. Trang phục vượt qua cả giá trị vật chất thuần túy của nó thể hiện lối sống, quan niệm thẩm mỹ, đạo đức, tư tưởng xã hội, tín ngưỡng... Trang phục là sự phát triển rất cao của trình độ thẩm mỹ dân gian, các hoa văn được tạo hình độc đáo, xử lý màu sắc tinh tế, hài hòa mang đặc trưng tộc người khiến trang phục người Thái Quỳ Châu có vẻ đẹp riêng. Nó phản ánh mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên, đồng bào Thái nơi đây đã đưa vào trang phục của mình những hoa văn là cả một thế giới động, thực vật phong phú. Do xen kẽ của các nhóm Thái khác nhau mà trang phục của họ phần nào cũng thể hiện ảnh hưởng của nhau. Nhưng tất cả họ đều rất tự hào về bản sắc riêng của mình và không ngừng bảo tồn, phát huy, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tộc người. Góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam Tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
      
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434755

Hôm nay

226

Hôm qua

2349

Tuần này

21405

Tháng này

211803

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434755