Đất Nghệ

Câu đối Phan Bội Châu viết về xứ Nghệ và xứ Nghệ viết câu đối về Phan Bội Châu

Phan Bội Châu, trước có tên là Phan Văn San, hiệu là Sào Nam, sinh ngày 26 tháng 12 năm 1867, quê làng Đan Nhiệm (nay thuộc xã Xuân Hoà, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Thân sinh là nhà nho Phan Văn Phổ, thân mẫu là Nguyễn Thị Nhàn. Phan Bội Châu mất ngày 29 tháng 10 năm 1940 tại Huế, nơi bị thực dân Pháp quản thúc cuối đời.

Cụ Phan sinh ra trong một dòng họ, gia đình nho học, khoa bảng ở xứ Nghệ. Ông tổ họ Phan nguyên gốc ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, đậu Tiến sĩ ân khoa vào năm Nguyên Hoà thứ 14 (1546), triều Lê Trang Tông. Khoa thi này, vua tổ chức chọn người tài tại sách Vạn Lại - nơi đóng Hành tại (Kinh đô tạm) ở Thanh Hoá để chống lại nhà Mạc. Thần vị họ Phan đại tôn ghi:"Cao cao tổ khảo tiền Lê triều thí trúng chế khoa Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, nguyên nha Hộ bộ Thượng thư Văn Phúc hầu Phan tướng công huý Nhân Thọ". Các triều đều có sắc phong thần cho Tiến sĩ Phan Nhân Thọ (Danh sách khoa thi ghi là Phan Tiến Thọ). Đến đời Phan Bội Châu là đời thứ 7 kể từ vị cao cao tổ khảo này. Ngu Sằn Đệ - Phan Bội Châu có làm đôi câu đối ghi ở nhà thờ họ đại Tôn như sau:
          "Ư tộc điệp tắc vi ngã chi huynh, thất dật dặng linh, thiên vĩnh tích;
      Hành chú lý dị kỳ tử nhi hiểm, bách niên kế thụ, địa thường tân ".
Cụ Phan Nguyên trong hội đồng gia tộc dịch như sau:
          ở họ đó người đông như là rừng, đó là người anh tôi vậy! Tôi là đời thứ 7 họ đó, tích còn nhớ mãi:
          Đi khắp nơi khắp chốn đều là anh em cả, trăm năm kế tiếp, càng ngày càng đổi mới.
Cụ Phan Bội Châu cũng để lại đôi câu đối ghi ở mộ tổ họ Phan, Hưng Tây như sau:
                             "Địa phát đồng thời tam Tiến sĩ ;
                             Gia truyền nhất bản vạn nhi tôn".
          (Nghĩa là: Đất phát đồng thời ba Tiến sĩ ; Nhà truyền một cội vạn cháu con). Thần vị họ Phan thờ 3 vị Tiến sĩ là: Phan Nhân Thọ, Phan Sư Kinh và Phan Nhân Lục.
Phan Bội Châu với tư chất thông minh, từ nhỏ đã nổi tiếng "Thần đồng". Năm mười tuổi theo cha đi mừng thọ một cụ 80 tuổi, cậu San đã thay cha làm đôi câu đối mừng như sau:
          - Sơ Hồng Lĩnh, thuỷ Lam Giang tự cổ doãn xưng song giáp địa;
             Văn khôi khoa, võ hiển hoạn, nhi kim phủ đổ bát tuần tiên.
          Nghĩa là: (Núi Hồng Lĩnh, dòng sông Lam từ xưa cùng nổi tiếng; văn đứng đầu, võ lừng lẫy, nay ông lại thọ những 80 tiên)  
Năm 16 tuổi Phan Văn San đỗ đầu xứ, tiếng tăm đã nổi. Chỉ năm sau, mới 17 tuổi ông đã hưởng ứng phong trào cần vương với việc viết bài hịch "Bình Tây thu Bắc", hăm hở muốn tụ nghĩa, ra quân chống Pháp. Tư tưởng chống Pháp hình thành sớm trong con người này và theo ông đi suốt cả cuộc đời, cho đến khi ông nhắm mắt xuôi tay. Tinh thần chống Pháp của ông đã thể hiện rất rõ qua sáng tác thơ văn, câu đối điếu các chiến sỹ trận vong trong phong trào cần vương chống Pháp ở quê nhà. Năm 1893, ông Lê Bảo thường gọi là Hoe Báu, người huyện Nam Đàn, là bộ hạ của tướng Cao Thắng trong nghĩa quân Phan Đình Phùng, đã phục kích giết được tên Một Phiến để trả thù cho chủ tướng đã bị hắn bắn chết. Lê Bảo bị bắt rồi bị giặc chém đầu. Phan Bội Châu đã làm câu đối điếu:
                    -"Nhất trận phục hồi thiên địa huyết;
                   Đơn đao cát đoạn cổ kim sầu".
PGS Chương Thân dịch: (theo "Phan Bộ Châu toàn tập" H., T.1- 2001):
          - Một trận đánh làm sôi máu cả trời đất;
          Một nhát dao chém phắt (người anh hùng) xưa nay ai cũng phải đau buồn.
Chỉ có 2 câu 7 chữ mà khấy nổi cả một không khí hừng hực chống Pháp. ý nghĩa của câu đối thật cao sâu, câu chữ dùng thật là sinh động, đủ nói được cả tâm huyết, tư tưởng của tác giả.
Phan Bội Châu nổi tiếng là hay chữ, nhưng lận đận trong thị cử,mãi vẫn chưa đậu được cử nhân, nên phải lần hồi kiếm sống bằng nghề "Gõ đầu trẻ", để chờ cơ hội thi đậu. Thầy Phan từng vào một nhà giàu xin ở trọ và dạy học. Chủ nhà hợm hĩnh liền thử tài thầy đồ bằng một vế câu đối:
          -"Quả ngôn vi khoá, nhất nhân khấu mạnh thị thuỳ" (Anh nói là một thầy đồ, thế một người đi ăn xin là gì?).
Thầy Phan ứng đối ngay:     
          "Nhập mồ xưng công, thiên lý hành xung bất nhượng"(Tôi vào nhà ông, tôi phải xin, ngoài ngàn dặm thì tôi không chịu nhường bước đâu?).
Năm 1900, nhân một người làng có bố vợ mất, Phan Bội Châu cũng rất thương xót, vì nhà đó không có con trai chống gậy, con rể phải gánh trọng trách nhiệm đó, ông làm giúp cho người nàu đôi câu đối diếu Nhạc đường như sau:
                   -"Nữ tắc viết vô, thiên lý khởi ưng vô thống hận;
                   Tử tuy vân bán, nhân tình  tuy khả bán ai tư.
          (Nghĩa là : Con gái bị coi như không, nhưng lẽ trời há lại không đau xót; Con rể tuy là phần nửa, mà người ai lại nửa sầu thương). Câu dịch của Hồng Liên.
Năm 1900, cũng là năm ghi dấu ấn sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Phan Bội Châu năm ông thi đậu Giải nguyên trường thì Hương Nghệ An. Nói là dấu ấn sự kiện quan trọng bởi vì: Học tài thi phận , Đầu xứ San chẳng may hỏng luôn trong 3-4 khoa thi; khoa Đinh Dậu- Thành Thái 9 (1897) đi thi tiếp lại bị án oan tiếp "Hoài hiệp văn tự", bị cấm thi suốt đời. Rất may các quan trong triều, nhất là Tế Tửu Quốc tử giám Khiếu Năng Tĩnh và đại thần Cao Xuân Dục thương tài năng và biết án oan của Phan, nên xin triều đình xoá án cấm thi cho Phan Văn San. Đầu sứ San đổi tên là Phan Bội Châu được dự thi Hương Khoa Canh Tý - Thành Thái 12 (1900) và đã xuất sắc đậu trường Nghệ An. Tên ông lại được chánh chủ khảo là Khiếu Năng Tĩnh cho yết riêng một bảng, vì có thành tích làm bài xuất sắc.
Tổng đốc An Tĩnh là Đào Tấn đã không tiếc lời khen Giải San qua đôi câu đối:
                   -"Song tải tam nguyên thiên hạ hữu;
                   Độc danh nhất bảng thế gian vô.
          (Nghĩa là: Hai năm, ba lần đỗ đầu thiên hạ vẫn có; Nhưng một mình ghi danh riêng một bảng thì thế gian chưa từng thấy).
Sau khi đậu Giải nguyên, Phan Bội Châu tự bộc bạch ý mình qua đôi câu đối "Tự hạ " (Tự mừng mình) như sau:
          -"Bất như ý thường bát cửu sự, sầu sinh liêm ngoại Tây phong:
          Hỗn thiết suy ư tam bách nhân, quí tử môn tiền Nam quách".
           Ông Tôn Quang Phiệt dịch:
          - Không như ý thường tám chín việc, ngoài rèm căm tức ngọn Tây phong .
          Thổi sáo lẫn trong 300 người, trước cửa thẹn thùng chàng Nam Quách.
Phan Bội Châu vốn không thích khoa cử, nhưng cần phải có "cái hư danh để che mắt đời", nhất là trong lúc dân tộc bị chìm đắm trong ách thực dân phong kiến. Ông dùng chữ "Tây phong" trong câu đối là ám chỉ sự căm tức đối với thực dân Pháp (phương Tây). Ông lại lấy tích "Nam Quách"để ám chỉ những kẻ bán nước "theo đóm ăn tàn"! Đó là theo tích Tề Tuyên Vương thích nghe thổi sáo, thường bắt 300 người cùng thổi một lúc. Chàng Nam Quách không biết thổi sáo, nhưng liền lẫn vào 300 người để kiếm lợi lộc. Sau Tuyên Vương mất,Tễ Mẫn Vương kế vị, cũng thích nghe thổi sáo, nhưng chỉ thích nghe riêng từng người thổi. Nam Quách thấy thế hoảng sợ, vội lẩn trốn ngay. Đây cũng như một lời nhắc nhở các Nho sĩ chớ học theo Nam Quách, chỉ là kể bất tài, Ham địa vị, theo đóm ăn tàn.
Cùng đậu Cử nhân khoa Canh Tý với Giải nguyên Phan Bội Châu có Nguyễn Thức Điểm, con trai thứ 3 của thầy dạy cụ Phan là Sơn phòng sứ Nguyễn Thức Tự. Vì đầu xứ San là học trò yêu, xuất sắc nhất nên thầy Son đã tin chắc San sẽ thi đậu cử nhân và cứ chờ tin mãi cho đến khi đậu. Thầy liền làm đôi câu đối mừng Phan Bội Châu và con trai đậu Cử nhân như sau:
          -"Hoàng bảng khởi vô kì duyên hương giải tam niên tri ngã vọng;
          Thanh vân như hữu túc ước gia nhi nhất cử dự khoa đồng".
          (Nghĩa là: Bảng vàng không có duyên may, chắc hương giải tay người, đã ba năm cứ chờ tin mãi; Đường mây như có hẹn sẵn, trong nhà ta có một trẻ vừa đỗ khoa này).
Phan Bội Châu cũng từng sáng tác nhiều câu đối mừng các nhà khoa bảng, quan lại là người xứ Nghệ, nhưng đều tỏ ý mình nhận xét việc học, làm quan đó có giúp ích gì được cho dân tộc, đất nước. Nhân cụ Nguyễn Mai (cháu của Đại thi hào Nguyễn Du) dậu Tiến sĩ, Phan Bội Châu đã mừng đôi câu đối "Hạ Tiến sĩ Nguyễn Mai":
          - "Tao tế diệc thiên sở vi, hạnh bất sinh Đường Ngu tam đại dĩ tiền, kim bảng thạch bi, tiện chi ngô nhân hi thế sự;
          Học giới chí kim tối thịnh, thỉnh thí vân Âu á ngũ châu nhi ngoại, hồng thiên đại bút, quả như ngã bối quyết khoa.
Ông Võ Oanh dịch như sau:
          - Nếu danh phận bởi trời cho, may không sinh Đường Ngu tam đại xưa kia, bia đá bảng vàng bất quá người ta bày chuyện nhảm;
          Việc học đến nay thịnh quá, xin hỏi thử Âu á năm châu ngoài cõi , văn hay luận giỏi, đâu như khoa cử lối mình đây ?
Một lần, Đặng Văn Thụy (đậu Hoàng giáp Tiến sĩ - Đình nguyên, làm quan Tế tửu Quốc tử giám Huế) đến thăm và đưa thư mình cho cụ Phan đọc. Cụ Phan có ý chê Đặng Văn Thụy học thì có giỏi, thơ văn thì chải chuốt, nhưng không có ích lợi gì, qua đôi câu đối:
          -"Mộc đạc hoặc giả thiên tính vi, đáo lão bất tri công học Khổng kinh tú tuyệt bút;
          Cổ sắt kỳ như nhân bất kiến, tuy công hà bổ ngã khán tề khách tận xuy vu".
Thạc Khanh - Đặng Văn Miên dịch như sau:
          - Mõ gỗ hoặc giả trời đang làm gì, đến già cũng chưa biết, ông học sách họ Khổng mà biết đến tận cùng;
          Gảy đàn sắt người ta không thích nữa, tuy có công phu, nhưng không ích lợi gì, tôi xem sách nước Tề, đều là người thổi sáo vu vơ.
          Cụ Tế Đặng Văn Thụy không mếch lòng về câu đối cụ Phan tặng, vẫn cho phổ biến và ghi lại trong văn thảo của mình theo "Làng rèn Nho Lâm và nhà nho thợ rèn Đặng Văn Thụy".
Vì đời còn ham chuộng danh vọng ở các học vị đỗ đạt, nên cũng như nhiều nho sĩ khác, Phan Bội Châu phải thi cử, để có cái danh làm nể trọng mọi người, nhưng khi còn đi học, ông vẫn thường đọc câu:
                   "- Túc dạ bất vong duy trúc bạch;
                   Lập thân tối hạ thị văn chương.
          (Nghĩa là: Khuya sớm những mong ghi sử sách; Lập thân hèn nhất ấy văn chương).
Trong cảnh nước mất, nhà tan, danh vọng làm gì có nữa khi con người đã mất quyền tự chủ. Đấy cũng là nỗi niềm canh cánh treo trước mắt và đè nặng một gánh trên vai Giải nguyên Phan Bội Châu:
                   -"Nhật nguyệt hai vừng treo trước mắt;
                   Giang sơn một gánh nặng trên vai".
Nỗi niềm ấy được phản ánh rõ nét hơn qua câu đối "Tự vãn" của Phan Bội Châu:
          -"Thiên hồ nhiên, đế hồ nhiên, tử dĩ đồ hư, cánh tích hưng trung mai Khổng Mạnh;
          Quốc như thử, dân như thử, sinh phục hà luyến, hảo tòng thế ngoại tác Hi, Hoàng.
          Cụ Phong Châu dịch:
          - Trời thế ư? Vua thế ư? Chết cũng bằng không, chỉ tiếc trong lòng chôn đầy pho Khổng Mạnh;
          Nước dường ấy, dân dường ấy, sống sao khỏi thẹn, được ra ngoài cõi nằm khểnh học Hi, Hoàng (phục Hi và Hoàng đế).
Phan Bội Châu đánh tiếng vào Kinh đô Huế để thi Hội, nhưng thực ra cụ lấy cớ như vậy để vào Nam kết giao với các sĩ phu yêu nước, để mưu tính việc cứu nước. Năm 1904, cụ Phan cùng các nhân sĩ lập Hội Duy Tân, bầu Kỳ Ngoại hầu Cường để làm minh chủ, dùng thủ đoạn võ trang bạo động và nhờ ngoại viện "Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, lập ra chính phủ độc lập". Đầu năm 1905, cụ Phan xuất dương sang Nhật, rồi phát động phong trào Đông Du sôi nổi (1905-1909). Hàng trăm thanh niên sang Nhật, qua Trung Quốc, học tập kiến thức khoa học tiến bộ, trù tính việc đánh Tây, giành độc lập cho nước nhà. Phan Bội Châu đã từng làm câu đối "Tự vãn", để nói tình cảnh anh em Đông du lúc đầu mới sang Nhật còn bơ vơ đất khách, gặp nhiều khó khăn, nhưng rất mực thương yêu nhau:
                    "- Cô hồng thất mã cửu huynh đệ;
                   Vạn thuỷ thiên sơn đa tính danh.
Ông Tôn Quang Phiệt dịch: (Hồng cô ngựa chiếc chín anh em; Muôn núi nghìn non nhiều tên tuổi).
Phan Bội Châu cũng rất biết ơn những anh em đã theo cụ Đông Du, một lòng sống chết, đói khổ có nhau. Cụ thường có thơ, câu đối ca ngợi ý chí của họ, như hai câu tặng Mai Lão Bạng:
                             -"Kính phân sự nghiệp thiên đào chú;
                             Bất thế phong vân đế chủ trương
 
Nguyễn Q.Thắng dịch:
                             - Trời trao nghiệp lớn nên rèn đúc;
                             Chúa hẹn thời hay mới sắp bày.
Mai Lão Bạng, còn gọi là Già Châu, quê ở Kỳ Anh(Hà Tĩnh). Ông xuất thân trong gia đình công giáo, từng học ở chủng viện Xã Đoài, làm đến chức Già. ông được Phan Bội Châu giác ngộ nên dứt bỏ con đường tu sĩ, tham gia Duy Tân và Đông Du. Ông được Phan Bội Châu cử làm Phó Tổng trưởng Tài chính của Quang Phục Hội. Ông bị bắt giam cùng Phan Bội Châu    Vào tháng 1/1914 tại ngục Quan Âm (Quảng Đông). Khi cụ Phan mất, Mai Lão Bạng có đôi câu đối điếu:
          - "Bạch thủ công phân như, trấp niên thu hồ hải đính thâm giao, ngã quý vị năng đồng nhất liễu;
          Đan tâm ưng vị liễu, nhị thập kỷ giang sơn tương hoán sắc, công hồ bất giả sổ niên lưu".
          Nghĩa là:
          - Đầu bạc đã chia phôi, hai chục thu xưa, hồ hải ghi dấu thâm giao, tôi thẹn không cùng được chết;
          Lòng son còn chưa lạt, hai mươi thế kỷ, non sông sắp thay màu sắc, ông sao không cố vài năm.
Đối với người bạn thân đồng hương Nam Đàn là Vương Thúc Qúi, quê làng Chung Cự, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Phan Bội Châu rất quý trọng. Khi Vương mất, ông đã làm đôi câu đối điếu: "Sào Nam Phan Bội Châu gửi điếu Vương Thúc Quí":
          -"Sổ thập xích thô sơ thông, ảm đạm thiên thai, thượng ức biệt thời đinh chúc ngữ;
          Tiền lục nhật phí âm cương đáo, thê lương vũ ảnh, ná ham qui hậu đạm trường sinh.
Nghĩa là:
          - Đã mười năm, tin tức chẳng rõ, ảm đạm chân trời, còn nhớ nói lời đinh ninh hồi chia biệt;
          Sáu hôm rồi, tin buồn thình lình đến, mưa gió thảm thê, khốn nỗi cảnh tình làm đứt ruột người về.
Vương Thúc Quí là thầy dạy chữ Hán cho Bác Hồ khi còn nhỏ tuổi. Hàng ngày trước khi giảng bài, thầy thường đốt đèn thắp hương tưởng nhớ người cha là Tú vài Vương Thúc Mậu - (người dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp và bị giết ngay tại quê nhà). Có một hôm thầy lỡ tay làm đổ dầu xuống đế đèn. Nhân đó ra cho học trò một vế câu đối:
                             - "Thắp đèn lên dầu vương ra đế";
Cậu học trò Nguyễn Sinh Cung đã đối lại ngay:
                             "Cưỡi ngựa dong thẳng tấn lên đường".
Thầy Quí sửng sốt vì vế đối vượt ra ngoài ý nghĩ thông thường của cậu bé 10 tuổi.
Vương Thúc Quí, cùng Phan Bội Châu, Trần Văn Lương và thân sinh Bác Hồ là Nguyễn Sinh Sắc được nhân dân tôn sùng trong nhóm "Tứ hổ" của huyện Nam Đàn:
                             - "Uyên bác bất như San,
                             Thông minh bất như Sắc,
                             Tài hoa bất như Quí,
                             Cương ký bất như Lương".
Phan Bội Châu biết được cậu Nguyễn Sinh Cung là người rất thông minh nên có ý muốn đưa cậu cùng mình xuất dương sang Nhật. Chuyện như sau:
          - Mồng 2 tết ất Tỵ (1905) tại Huế, Phan Bội Châu đến thăm Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Sau chén rượu mừng bạn, mừng xuân, cụ Sắc hỏi thăm dự định sắp tới của bạn. Phan Bội Châu tâm sự:
          - "Tiết hậu đăng trình, lao cản thiên trùng, vọng hoàn thanh viện" (Sau tết sẽ lên đường, công lao nghìn trùng vất vả, chỉ muốn trả được cái công ngoại viện);
Cậu Cung đã lên 15 tuổi, rất sáng dạ, thông thuộc nhiều kinh sử, được cụ Sắc cho phép hầu trà, chuốc rượu trong buổi tiếp đầu xuân. Nghe câu nói cụ Phan trả lời cụ Sắc, cậu Cung coi đó như một vế đối phú, nên đã ứng khẩu đối lại như sau:
          "Đông tiền thượng lộ, tri khu vạn lý, cầu đạt chính thư"
          (Trước mùa đông này sẽ ra đi, bước đường muôn dặm ruổi rong mong tìm được kế sách đúng).
Hai cụ Giải nguyên và Phó bảng hết sức ngạc nhiên, sửng sốt trước vế đối rất chỉnh về hình thức, rất sáng rõ về nội dung, thể hiện một hoài bão lớn. Từ đó, Phan Bội Châu có sự lưu ý đặc biệt đối với cậu Sinh Cung.
Câu đối của Phan Bội Châu để mừng bạn bè, viếng điếu các đồng chí tham gia Duy Tân, Đông Du có rất nhiều, khó có thể viết lại hết trong một bản tham luận hội thảo, nên chúng tôi chỉ chọn tiêu biểu và nội dung có liên quan đến các nhan vật xứ Nghệ.
Kể từ ngày Phan Bội Châu lập Hội Duy Tân và tổ chức phong trào Đông Du, mọi việc ở quê nhà đều do hai bà vợ đảm đang gánh vác. Các con trai của Giải San còn nhỏ, được hai bà nuôi nấng, chăm sóc chu đáo; được các bạn bè cưu mang, bảo vệ không để cho họ lọt vào tay thực dân Pháp và tay sai. Đến khi hai bà vợ mất, cụ Phan rất đau xót, nhưng không biết làm sao, chỉ còn biết dốc cạn hết tình thương cảm của mình vào trong những câu đối cháy lòng. Đó là câu đối "Khóc bà vợ cả":
          "Tình cờ đông khách năm châu, hơn 20 năm chồng có như không, cố đứng vững mới ghê, nuốt đắng ngậm cay tròn đạo mẹ;
          Khen khéo giữ nền bốn đức, gần 70 tuổi sống đau hơn thác, thôi về mau cho khoẻ , đền công trả nợ nặng vai con"
          Đôi câu đối "Khóc bà vợ lẽ" như sau:
          - "Có chồng mà ở goá, mấy chục năm tròn, ơn trời gặp hội đoàn viên, vội bỏ đi đâu ? Trao gánh nặng nề về phần chị cả;
          Vì nước phải liều mình, biết bao bạn cũ, cõi phật đưa lời trân trọng, thiêng thời phải gắng, chung lòng hăng hái với thầy tôi" .
Bà vợ cả của cụ Phan là Thái Thị Huyên về làm dâu họ Phan trong tình cảnh họ Phan độc đinh đã 4 đời mà mãi chưa sinh được con. Để làm yên lòng bố chồng là Phan Văn Phổ đã 66 tuổi, bà Huyên đã đi chọn tìm và hỏi cưới cho cụ Phan bà thứ là Nguyễn Thị Em . Trong "Phan Bội Châu Tiên sinh di cảo" cụ Phan có nhắc cho con trai cả bà Phan Nghi Huynh biết về trường hợp này: "Mẹ mày muốn được chóng sinh trai cho bằng lòng cha nên gấp vì ta cưới thứ mẫu mày, chẳng bao lâu mà em mày sinh" …. Không ngờ sau khi cưới bà thứ về thì cả hai bà đều mang thai và đều sinh con trai, đặt tên là Phan Nghi Huynh và Phan Nghi Đệ, rồi cụ Phan đi biền biệt luôn. Sau 20 năm hoạt động ở nước ngoài, năm 1925 bị bắt giải về Huế, đi qua thành Nghệ An, hai vợ chồng gặp nhau được nửa tiếng, bà cả Huyên nói với Phan Bội Châu: "Vợ chồng li biệt nhau hơn hai mươi năm, nay được một lần giáp mặt thầy, trong lòng tôi đã mãn túc rồi. Từ đây trở về sau, chỉ mong thầy giữ được lòng thầy như xưa"
Đề đốc Cao Đạt quê ở Bàu Thượng, huyện Hương Sơn, chỉ huy Quân thứ Tình Diệm dưới trướng của Phan Đình Phùng, đã làm đôi câu đối "Khóc bà Phan Bội Châu" như sau:
          "- Nghe nói bà, bà gian truân hiền phụ. Chồng vắng nhà lo tính vẹn trăm đường - Nhà còn tê ! nước còn tê ! Dâu bể cuộc tàn, vùi đất ngàn năm khôn nát ngọc;
          Nhắc hỏi ông, ông thất bại anh hùng. Vợ với nước thương yêu cùng một mối. Nước như rứa! vợ như rứa ! Non sông khí uất, đập trời một tiếng muốn quăng gươm".
Năm 1925 thực dân Pháp bắt cụ Phan giải về nước, giam ở Hoả Lò, bị ốm nặng sợ không qua khỏi, cụ Phan đã làm đôi câu đối :
          " - Thất bại chi thị gia, ba đào bôn tẩu, biến thiên nhai hải giác nhị thập niên dự, nhất sự cánh vô thành, quyên huyết sơn hà vân cộng bích;
          Tinh thần y nhiên hỉ; bút mặc tung hoành, dư á kiệt, Âu anh, sổ thiên lý ngoại, tái sinh chung hữu hạnh, dân quyền thế giới nhật tranh hồng.
Bản dịch trong sách "Thi tù tùng thoại" như sau :
          - Thất bại đến thế ư ! bôn tẩu với ba đào, khắp góc bể ven trời, hơn hai mươi năm, một việc cũng không thành, ra rả cuốc kêu, máu nhuộm non sông còn vết tím;
          Tinh thần nguyên như vậy, dọc ngang nhờ bút lưỡi, với kẻ Âu người á xa vài nghìn dặm, sống thừa là hiếm có, tưng bừng dân chí, quyền tranh thế giới nổi tia hồng.
Và một đôi "Tự vãn" khác :
          - Sinh bất năng trừ thiên hạ hoạn, tử bất năng tuyết ý trung cừu, thử hận du du, Lam thuỷ, Hồng sơn thiên cổ tại;         
          Tiền hồ thử hí cục tương chung, hậu hồ thử vũ đài chính trúc, bức nhân đốt đốt, âu phong, á vũ bát phương lai !
Tự viếng (dịch):
          - Sống không trừ được lo thiên hạ, chết không rửa được thù ý trung. Mối giận dằng dai, sông Cả, núi Hồng muôn thuở đó;
          Hí cuộc trước đã sắp đến tàn, vũ đài sau chính đương sắp dựng, thúc người sôi sục, gió Âu, mưa á tám phương dồn.
Ngày 29 tháng 10 năm 1940, Phan Bội Châu tắt thở, nhưng sự nghiệp và danh tiếng của ông thì còn lại mãi mãi với núi sông đất Việt. Rất nhiều thân sĩ, bạn bè, học trò, nhà yêu nước có liễn đối khóc thương Phan Bội Châu, cũng là cuộc tổng kết phong trào, đem lại những bài học cho cách mạng Việt Nam về sau. Xin ghi lại một số đôi câu đối tiêu biểu đó, như câu của cụ Huỳnh Thúc Kháng "Viếng Phan Bội Châu" :
          - Minh hồng bắc tỷ, oanh nhiên Đông học dũng phong trào, sử thế giới tri ngã Việt hữu nhân, sở vị quốc năng dĩ nhất thân trọng;
          Sào điểu nam chi, quy dữ Tây Hồ tác tiên Phật, phóng đại thanh vị ngô bào đỗng khốc, viết y thiên hồ ngận nhị lão đi.
          Cụ Phong Châu dịch:
          - Hồng bay sang bắc, gây làn Đông học(1) năm xưa, để thế giới biết ta có người, cho hay nước được vẻ vang vì bác;
          Chim đậu cành nam, về tới Tây Hồ(2) bạn cũ, vì đồng bào cất to tiếng khóc, rằng sao trời không để sót hai già.
Mai Khuê Nguyễn Thúc Dinh, Phó bảng khoa Đinh Mùi (1907), quê làng Xuân Liễu, đồng hương với Phan Bội Châu có câu đối điếu:
          - Nhiệt huyết nhất xoang sái hà địa?
          Cao danh thiên cổ trọng ư sơn.
Nghĩa là:
          - Một bầu nhiệt huyết lay động trời đất;
           Muôn thuở nêu tên nặng tình nước non.
 
Chú thích:   1- Phong trào Đông Du sang Nhật học.
                      2 - Biệt hiệu của Phan Chu Trinh.
                      3 - Tài liệu tham khảo: - Câu đối xứ Nghệ/ Cảnh Nguyên - Nguyễn Thanh Hải -
                            Đào Tam Tỉnh, NXB Nghệ An, 2005.T.1.
                         - Phan Bội Châu toàn tập / Chương Thâu biên soạn…H, T T Văn hoá ngôn ngữ
                          Đông Tây - Thuận Hoá, 2000- T.1.
                         - Câu đối Việt Nam / Phong Châu biên soạn.- H, Văn học, 2006, in lần thứ 3.
                         - Và các tài liệu, bài viết trong báo chí…
 
 


 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434771

Hôm nay

242

Hôm qua

2349

Tuần này

21421

Tháng này

211819

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434771