Đất Nghệ

Ví đò đưa

VÍ đò đưa gồm có đò đưa sông Phố, đò đưa sông La, đò đưa sông Lam, đò đưa nước ngược và đò đưa chuyển qua phường vải, là những điệu ví mà môi trường diễn xướng là sông nước, hát trong khi đưa đò, vừa hát vừa lao động như chống chèo, đặc biệt là khi có gió chạy buồm, người “chân sào”, tức là người đảm nhận việc “đưa đò”. Đây là công việc vô cùng nặng nhọc, nhất là khi ngược dòng, nước chảy xiết, phải chèo phải chống, có khi cạn còn phải nhảy xuống sông mà đẩy thuyền, chỗ sông sâu nước chảy lại phải lên bờ mà kéo. Những người “chân sào” còn có tên là “trai bạn” rất vất vả, chỉ có ông lái, người chủ thuyền hay là người thạo con nước thuộc luồng lạch mới thảnh thơi thôi.

 Một trăm ông lái thanh nhàn

Không thương trai bạn cơ hàn nắng mưa

Đã vất vả cơ hàn như thế nhưng thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu. Khi lên thuyền thì đã có chủ lo chủ nuôi, nhưng khi xong chuyến trở về, chỉ ít ngày sau đã đói:

Cau khô ăn với hạt hèo

Lấy chồng đò dọc ráo chèo hết ăn

Cho nên trai bạn thường khó tìm được người thương, khó lấy vợ để lo việc nhà:

Anh về chín khúc hói nai

Cội sào xuôi ngược biết lấy ai đỡ đần.

Lúc vất vả như vậy thì rất khó hát ví. Có chăng chỉ là hát một mình như:

Thuyền ngược anh bỏ sào xuôi

Khúc sông vắng vẻ có người sầu riêng.

Hay:

Công anh lên thác xuống ghềnh

Vô Trang ra Hội không thành thất gia.

Còn khi đã lựa gió giăng buồm rồi, không cần chèo chống nữa mà nhờ sức gió đẩy thuyền đi thì họ đã nhàn nhã, chỉ cần giữ tay lái cho thuyền theo hướng mình chọn. Lúc đó là lúc câu ví được cất lên. Khi có hai chiếc thuyền song song thì hai bên cùng ví với nhau nhưng phần lớn thì chỉ trong một con thuyền. Hoặc là bạn “chân sào” với nhau, hoặc là giữa bạn “chân sào” với hành khách mà đa số là những người đi buôn chuyến hoặc chỉ giữa những hành khách với nhau họ cùng hát ví vì trong không gian yên tĩnh, giữa sông nước mênh mang là hoàn cảnh để cho những câu đò đưa cất lên:

Từ ngày nhổ nọc lui thuyền

Sông bao nhiêu khúc, dạ phiền bấy nhiêu.

Hay:

Nước lên lắp xắp cầu dày

Anh quen em mới được một ngày thì thuyền lui.

 Hoặc là trách cứ bạn tình đã thương mà không thương cho trọn:

Ôm đàn mà gảy năm cung

Đã thương sao sợ dây chùng dây năng

Hoặc là nuối tiếc mà đành chịu lỡ làng:

Cha mẹ cho em sang chiếc đò nghiêng

Đò trùng triềng đôi mạn, em ôm duyên trở về.

Còn khi hát đối với nhau thì ví đò đưa không như ví phường vải. Đối trong ví phường vải là ở không gian tĩnh, có thể trao đi đổi lại, có thể bắt bẻ, thi tài, đối ở ví đò đưa chỉ qua lại một hai câu vì không gian động, thuyền lúc này gần nhau được vì sông rộng, lạch sâu, lúc kia do luồng lạch không thể sánh đôi, tốc độ chiếc thuyền này nhanh, chiếc kia chậm, nên phải tranh thủ, không thể kéo dài. Vì vậy chỉ vài câu.

Ví dụ khi chàng trai dò hỏi cô gái:

Một sông hồ dễ mấy cầu

Một mình em hồ dễ ăn trầu mấy nơi?

Thì cô gái động viên chàng trai phải kiên trì chờ đợi:

Sông sâu thì biển càng sâu

Muốn ăn cá nậy, phải dong câu cho dài

Như trên đã nói, ví đò đưa là hát ví ở môi trường sông nước, cho nên mỗi môi trường riêng thì lại có cách hát ví riêng. Ở sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, vì lòng sông hẹp, lại dốc nên nước chảy xiết, lắm thác ghềnh; thuyền đi ngược đã vất vả, thuyền xuôi cũng phải căng thẳng, tập trung, chỉ hát một câu chen vào trong nhịp lao động:

Công anh lên thác xuống ghềnh

Vô Trang ra Hội mà không thành thất gia.

Hay: Anh về chín khúc hói Nai

  Cội sào xuôi ngược biết lấy ai đỡ đần

Nói đỡ đần là đỡ đần việc nhà, việc cửa chứ lên thác xuống ghềnh thì đã có trai bạn rồi và sự vất vả ấy thì em cũng không đỡ đần được.

Khúc sông bên lở bên bồi

Ba chìm bảy nổi chín hồi lênh đênh

Còn đến sông La thì dòng sông đã rộng, đôi bờ đã xa, câu hát ví phải vút lên bay bổng thì bạn phường mới nghe được và khi xuôi Chế đến sông Lam thì nước lặng, sông sâu, gần như ít phải dùng sào mà chỉ dùng chèo hoặc buồm đưa thuyền đi.

Thuyền em xuôi Chế sáu chèo

Thuyền anh ngược Lượng cheo leo một mình

Âm nhạc của hai điệu ví sông La và sông Lam, chúng tôi đã phân tích ở phần trên. Ví đò đưa sông La hát ở âm khu cao hơn, bay bổng hơn và quãng hai thứ là quãng chủ đạo, còn ví đò đưa sông Lam mênh mang hơn, trầm buồn hơn và quãng chủ đạo lại là quãng ba thứ. Còn ví đò đưa nước ngược là câu ví hát khi thuyền ngược dòng. Muốn thuyền ngược dòng thì người bạn đò nếu là chống thì phải tì cội sào vào trên ngực chỗ dưới vai áo, dùng sức nặng toàn thân mà đẩy ngược chiều với con thuyền đến mức áo trước ngực dù nhuộm nâu bầm là vậy mà bạc hằn đi cả hai vai. Cho nên ngày trước, ra bến sông, nhìn vai áo là biết ngay bạn chân sào. Ngược dòng mà chỗ sông sâu không chống được thì phải chèo. Nếu đứng chèo thì ngoảnh mặt phía mũi thuyền, gập lưng mà đẩy tay chèo, nếu ngồi chèo thì quay mặt về phía lái dùng sức nửa thân trên mà kéo ngược tay chèo, vô cùng vất vả. Vì vậy mà câu ví cất lên không cần khoan thai như ví đò đưa xuôi dòng. Người ta gọi ví đò đưa nước ngược là để nói lên sự mệt nhọc ấy. tiếng hát ví cất lên theo nhịp chèo, nhịp chống ấy:

Ơ là ai ơi!

Một chiếc ghe lui năm bảy chiếc néo giằng

Ta nhất tâm đợi bạn, bạn lại dùng dằng đợi ai đó!

Cứ một câu hát, lại dừng lại để thở, để lấy hơi cùng với nhịp lao động, tiếng cuối cùng đệm vào chữ “đó” như mạch cuối của nhịp thở. Lao động vất vả, hát ví cũng vất vả nên hát không được dài hơi như ví xuôi dòng. Câu mở đầu bằng nốt mí và chỉ giao động qua quãng hai mí rê mí mí! như một lời kêu gọi, bắt buộc đối tượng phải chú ý lắng nghe.

La la ré mí mí mí ré la la ré mí ré.

Chỉ xoay quanh 3 âm la - ré - mí nghĩa là quanh quãng bốn la - ré và quãng hai ré mí. Đây là điệu ví cũng chỉ có ba âm la - ré -mí - khác với điệu ví sông Phố cũng chỉ có 3 âm mị - la - đo.

Thuyền ngược anh đẩy sào xuôi…

   La       mi    la   mi    la    do

Do âm vực thấp hơn, cấu trúc quãng bốn đi xuống và quãng ba đi lên tạo cho câu ví đò đưa sông Phố tuy cũng là ngược dòng mà như khoan thai hơn, yên tĩnh hơn so với ví đò đưa nước ngược.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441287

Hôm nay

24

Hôm qua

2283

Tuần này

21191

Tháng này

216461

Tháng qua

112676

Tất cả

114441287