Đất Nghệ

Tìm nét riêng của Hà Tĩnh trong văn hoá xứ Nghệ

Hình như chúng ta đã có dịp khái quát được những nét tính cách của người xứ Nghệ. Những ý kiến sau đây đã được xem như phần lớn nhất trí (không có ý kiến phản bác). Có thể nói đến có ba nhân vật trong một con người xứ Nghệ.

 Ở một miền nào khác, vẫn có từng nhân vật này, và là nhân vật có cuộc sống độc lập, riêng nhau. Người xứ  Nghệ là cả ba nhân vật hòa lại. Trong hoàn cảnh nào đó, có thể nhân vật này vươn lên vai trò chủ thể, nhưng rồi vẫn có khoảnh khắc hay thời gian bất chợt, những nét của hai nhân vật kia lại xuất hiện, hòa đồng. Ba nhân vật: Một kẻ bình dân khốn chạc, một người chữ nghĩa văn chương và một chiến sỹ tiên phong cách mạng. Cả ba đều có sẵn trong một con người xứ Nghệ, suốt cả một quá trình từ trước đến nay. Ba nhân vật và bốn đặc điểm chung nhau, dù ở nhân vật nào cũng đậm đà dấu ấn! Dấu ấn ấy khi thì hiển hiện ở một góc cá tính, khi thì sâu lắng ở một cử chỉ nghĩa tình, khi thì bền bỉ ở một suy nghĩ hành động, khi lại độc đáo đến ngỡ ngàng ở một nét phong cách hay hay: Đó là Cái chất lý tưởng trong tâm hồn, sự trung kiên trong bản chất, sự khắc khổ trong sinh hoạt, sự cứng cỏi trong giao lưu. Ông quan hay nhà nho, kẻ giàu hay kẻ nghèo, người sinh hoạt bình thường hay người suốt đời hy sinh phấn đấu trên đất xứ Nghệ Folklore (và xứ Nghệ nói chung cũng đều mang theo trong mình những đặc điểm ấy)(1).

Vì không có sự phản bác nào xác đáng, nay ta cứ tạm thời chấp nhận sự khái quát như vậy, để có thể tiếp tục tìm hiểu thêm văn hóa xứ Nghệ. Hình như đang có một chiều hướng muốn đi sâu thêm. Nói như vậy là nói chung về con người, về văn hóa xứ Nghệ, nghĩa là cả với Nghệ An và Hà Tĩnh. Chứ trong sự thực, con người xứ Nghệ ở hai địa bàn này có gì đại đồng tiểu dị hay không? Tất nhiên, tìm hiểu như vậy không phải là để so sánh hơn kém gì, mà để có thể nhận thức sâu sắc hơn, để giúp cho việc phát huy bản sắc, phát huy sở trường. Và như vậy là nâng cao được diện mạo và bản chất văn hóa Nghệ Tĩnh. Đây có thể là một đề tài thú vị để ta thấy rõ được cái phong phú, cái đa dạng của Việt Nam nói chung và xứ Nghệ nói riêng. Mà điều đáng ngạc nhiên là khi đi sâu vào khía cạnh này, thì lại thấy có những vấn đề giới thiệu được nhiều ý nghĩ.

Chẳng hạn như có vấn đề về “chất” Nghệ và “chất” Tĩnh. Tôi không đọc bài viết nào của Giáo sư Đặng Thai Mai về đề tài này. Nhưng cứ theo như lời trích dẫn của anh Trần Quốc Vượng thì cũng đã có sự khái quát nào đấy ở phía nhà học giả bậc thầy người xứ Nghệ. Tôi xin trích dẫn nguyên văn của anh Vượng:

“... Giáo sư Đặng Thai Mai cứ muốn phân tách: “Chất Nghệ” giàu có hơn về chất sĩ (lettré), “chất Tĩnh” trội hơn về chất buôn (mercantile - chữ Pháp là của thầy tôi đấy)”.

(Sách Văn hóa học đại cương... 1996, trang 397).

Sang vài trang đầu, Trần Quốc Vượng viết tiếp:

“Tôi được hầu chuyện thầy Mai mấy bận, thầy cũng hay nửa đùa (chất uy-muahumour của thầy hẳn anh đã rõ), nửa thật bảo rằng: Nghệ đậm chất ông đồ hơn, Tĩnh đậm chất quan hơn. Nghệ đậm chất nông dân hơn, Tĩnh đậm chất buôn bán (mercantile) hơn...”

(Sách trên, trang 407)

Nếu đúng là Giáo sư Đặng Thai Mai đã có nhận xét như vậy, thì chúng ta cũng nên căn cứ vào đấy để nghiền ngẫm, để tự ta thấy được ta hơn, nhất là với ai đó là người quê trên địa bàn Hà Tĩnh. Cũng có khuynh hướng tán thành Giáo sư Đặng Thai Mai, anh Trần Quốc Vượng đã cố gắng tìm thêm cho xứ Nghệ nói chung và Hà Tĩnh nói riêng một hằng số nữa. Anh nói: “Ngoài 4 hằng số: Núi, biển, sông, đèo ta nên thêm một hằng số thứ năm cho xứ Nghệ - miền Trung là cảng, thị. Và anh đã cố chứng minh cho hằng số này: “Có cảng (Bến Thủy - Cửa Lò, Cửa Hội) có thị (Vinh) là có bán buôn! “Rất đúng”. Nhưng tiếc thay những dẫn chứng của anh Vượng đều lấy trên địa bàn Nghệ An, chứ không có một điểm nào thuộc Hà Tĩnh cả! Thấy như vậy không ổn, anh đã mở rộng ra: Anh “nói gần” để nhắc đến cụ Hàn buôn gỗ ở Vinh, anh “nói xa” để nhắc đến Nguyễn Hữu Chỉnh, con nhà buôn chuyến, đường dài v.v... Rồi “chẳng qua anh nói thật”: Anh kể những cầu Dền, quán Gánh, hàng Mắm, hàng Muối ở Hà Nội... (Sđd - trang 398, 399) v.v... Cũng chẳng có lấy một địa điểm nào ở Hà Tĩnh cả! Rất tiếc, tôi không có văn bản của thầy Mai, để xem thầy đã chứng minh như thế nào. Tất nhiên muốn chứng minh rằng người xứ Nghệ, nhất là ở Hà Tĩnh, cũng thành thạo bán buôn, không lấy gì làm khó lắm. Từ Kỳ Anh, ra Nghi Xuân, vòng Đức Thọ, lên đến Hương Sơn, Hương Khê, sinh hoạt buôn bán khá trù phú, và con người có ít nhiều dánh dấp của thị tứ, của đò hàng, của thuyền buôn, quả thực là đậm hơn một số vùng quê bên Nghệ An. Nhưng có lẽ cũng chỉ là dáng dấp thôi. Nhưng thử nghĩ rằng đó có thể là cơ sở cho khuynh hướng nghề buôn! Từ xưa, cái thứ tự sĩ, nông, công, thương của Việt Nam ít khi bị đảo lộn.

Nói Nghệ An đậm chất “ông đồ” là một nhận định chính xác. Danh hiệu “đồ Nghệ” vốn đã được khẳng định và có thể thấy rằng, ông đồ quê Nghệ An quả thực có phần cứng cỏi (có cả cái gân) hơn ông đồ quê Hà Tĩnh(2). Còn nói Hà Tĩnh đậm chất “quan” hơn, Nghệ An đậm chất “nông dân” hơn, cũng có phần đúng, song cần phải thấy là đúng với nhận định cảm tính hơn là lý tính! Chất quan ở đây có lẽ nên hiểu là “gián quan” nhiều hơn là “quan cách”. Sự tình cờ cho thấy rằng lịch sử phong kiến xưa để lại khá nhiều tên tuổi các ông quan Ngự sử, mà những người có danh tiếng nhất đều quê ở Hà Tĩnh! Các tỉnh khác - kể cả Nghệ An đều có, nhưng ít người nổi bật như trường hợp từ Bùi Cầm Hổ, Nguyễn Văn Giai rồi đến Phan Đình Phùng. Chất “quan” phải xét ở đó, chứ dạng quan liêu và quan tham thì đâu chẳng có, riêng gì Hà Tĩnh.

Tôi nghĩ rằng, trước hết không nên tách bạch Nghệ An và Hà Tĩnh ra làm gì. Chúng ta là cùng chung một xứ sở. Yêu cầu phân định địa giới hành chính, khiến cho các nhà cầm quyền trước đây phải chia ra Châu Diễn, Châu Hoan, rồi tỉnh Nghệ An, đạo Hà Tĩnh, rồi lại nhập, lại chia, nhưng chung quy cái chất xứ Nghệ (ba con người, và bốn đặc điểm tổng hòa đã được vạch ra trên kia) là cái chung của chúng ta, là bản sắc con người, bản sắc văn hóa của ta. Cái chính là ở đó, và trong cuộc sống hiện tại, cũng như tương lai, cần bám chắc lấy đặc điểm ấy để khắc phục cái dở, phát huy cái hay. Yêu cầu của chúng ta là như vậy.

Khẳng định như vậy, không phải vì con người ở Nghệ An hay ở Hà Tĩnh không có nét khác nhau. Trong một gia đình, mấy anh em chị em cũng không ai giống ai - cha mẹ sinh con, trời sinh tính - nữa là ở hai vùng địa lý, dù gần nhau mà vẫn phân biệt nhau được. Phân biệt phải từ cái nhìn theo góc độ văn hóa thì hy vọng tiếp cận được gần sự thực hơn.

Tôi xin chưa vội cắt nghĩa, mà chỉ đưa ra một vài nhận xét. Các nhà hoạt động văn hóa ở Nghệ An hay Hà Tĩnh, thì đều có học lực uyên thâm, có trình độ vượt lên trên tất cả mọi người, có phong cách cần cù, có lý tưởng sâu đậm. Nhưng thiên về sáng tạo, về tình cảm, về thứ văn chương xưa hay gọi là văn chương tinh nguyệt, thì đa số tác gia đều là người quê Hà Tĩnh. Từ truyện Hoa tiên đến Truyện Kiều, đến Mai Đình mộng ký v.v... là những dẫn chứng rõ ràng. Bên Nghệ An không có hiện tượng này. Và điều lạ lùng sang đến thế kỷ 20 cũng vậy. Cuốn truyện tình yêu sớm nhất của Việt Nam (văn quốc ngữ) là do một chàng trai Hà Tĩnh viết: Cuốn Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách. Nhà thơ tiêu biểu nhất của tình yêu và tình sầu lại là hai người Hà Tĩnh (Xuân Diệu và Huy Cận). Hình như có một cái mạch tình thơ theo dòng chảy quanh núi Hồng (không thuộc đất Nghệ An song vẫn được xem là của Nghệ An). Bên Nghệ An ít thấy hiện tượng này, trừ một Hồ Xuân Hương thì đã là Xuân Hương của phường Khán Xuân, nhiều hơn là Xuân Hương cầu Giát.

Đi sang kho tàng huyền thoại, giai thoại (hay dã sử) hình như ta cũng có thể gặp một vài nhận xét tương tự. Tôi không biết có thực sự nàng Mỵ Châu có thực để lại dấu vết lông ngỗng, ngọc trai quanh vùng Đò Cấm hay không, hay chỉ có bốn mẹ con Hồng Đại Nương mới thực sự có di chỉ chính xác. Nhưng trên địa bàn Hà Tĩnh này thì hình ảnh và di sản giai nhân lại có khá nhiều. Có nàng Tiên Dung cùng với chồng là Chữ Đồng Tử về lập cơ sở Quỳnh Viên. Có nàng Diệu Thiện đã biến Hương Sơn thành một thánh địa (trước cả Hương Sơn ngoài Hà Tây). Có cả một Mãn đào hoa công chúa về đây cùng chồng sáng tạo nên cả thơ, nhạc ca trù, để sau đó nảy nở nên một Nguyễn Công Trứ, đứng đầu và tiêu biểu cho ca trù cả nước. Rồi có một Bích Châu, chọn ngay Hà Tĩnh làm một Hải khẩu linh từ, và cả bà chúa Liễu Hạnh kia nữa, trước khi về đền Sòng, Phố Cát, cũng phải dừng lại một thời gian đầu dãy Hoành Sơn. Đó là tôi chưa kể đến những con người thực như An ấp liệt nữ. Tại sao những hiện tượng ấy không chọn địa bàn Nghệ An, hoặc những tỉnh khác, mà dồn lại, tập trung cả vào Hà Tĩnh? Phải chăng nơi đây có cái gì đó thích hợp hơn, thuận lợi hơn chăng? Đối chiếu hiện tượng này với sự tập trung loại văn chương tinh nguyệt như vừa nói trên, ta lại thấy có phần thống nhất? Cái riêng của Hà Tĩnh, nên chăng có thể tìm ở đó.

Ai có dịp sinh hoạt văn nghệ dân gian nhiều ở các thôn xóm, miếu đình cả Nghệ An và Hà Tĩnh, chắc có thể nhận ra được nhiều nét kỳ thú, nhiều tương đồng, nhưng cũng không ít phần dị biệt. Đọc một loạt bài hát dặm có khả năng định ra xuất xứ, có thể thấy được cái cứng rắn của Nghệ An và cái nhẹ nhàng của Hà Tĩnh một cách khá rõ ràng. Tôi đã có dịp nói đến các nhân vật dân gian? Các “cố”, các “o”(3) và thấy rằng các vùng khác trên đất nước Việt Nam không có những hiện tượng này. Phải về với các cố mới thấy được bề dày lịch sử, mới dồi dào kinh nghiệm tồn tại và trưởng thành. Phải được gặp các o mới thấy được hết những thông minh tình tứ, những duyên dáng mặn mà. Vậy mà hình như, nếu điểm qua những thông tin được ghi hẳn trong các tác phẩm dân gian, thì các o, các cố ở Hà Tĩnh có tỷ lệ nhiều hơn ở Nghệ An. Cũng như về những thắng cảnh thiên nhiên, du lịch nếu đi từ khe Nước Lạnh vào cho đến Hoành Sơn, điểm dừng chân ở Hà Tĩnh có thể nhiều hơn đôi chút. Sông Lam là chung cho cả hai tỉnh (là của xứ Nghệ), nhưng sông La thì chỉ riêng ở Hà Tĩnh mà thôi, và rõ ràng nó có phần phẳng lặng hiền hòa. Vùng núi Nghệ An thì quả là vùng của dân tộc ít người, chứ vùng núi Hà Tĩnh thì không được như thế. Cũng là chất Nghệ cả, nhưng ở đây thì nặng về thơ mộng, ở kia thì chất hoành tráng lại dồi dào. Phải bổ sung cho nhau, ta mới có được cái văn hóa xứ Nghệ đúng với vị trí và danh hiệu của nó.

Chú thích:

1) Dẫn luận nghiên cứu Folklore Việt Nam (1991 - trang 135)

Giáo sư Trần Quốc Vượng, vì xuất phát từ góc độ nghiên cứu khác, có tham khảo ý kiến này của tôi, cho rằng: Đúng mà chưa đủ (sách Văn hóa đại cương...H.1996 trang 398). Nhưng tiếc rằng ông đã trích dẫn không sát ý tôi lắm. Ông nói: “Thấy ở người xứ Nghệ, một nông dân khổ đấy, một kẻ sĩ, một ông quan như nhìn nhận của Vũ Ngọc Khánh... (trang 398 kể trên)”. Hoặc là “Vũ Ngọc Khánh, người Hà Tĩnh, thì cứ muốn khái quát hóa chất Nghệ Tĩnh bằng ba hình tượng: Nông, sĩ, quan... (trang 397)”. Như vậy là hoàn toàn sai với điều đã khái quát trong Dẫn luận nghiên cứu Folklore! Đã sĩ mà còn quan! Nếu không vô ý thì cũng tách bạch không cần thiết!

2) Tôi đã phân tích kỹ nhiều dẫn chứng lấy ở Nghệ An nhiều hơn ở Hà Tĩnh trong sách Dẫn luận nghiên cứu Folklore Việt Nam đã dẫn.

3) Xem “Dẫn luận nghiên cứu Folklore”... đã dẫn

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434974

Hôm nay

2245

Hôm qua

2349

Tuần này

21624

Tháng này

212022

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434974