Đất Nghệ

Mấy nét về dân ca dân tộc Thổ

Trong “Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam”, do  tổng cục thống kê công bốngày 2/3/1979, thì dân tộc/người“Thổ” mới thấy xuất hiện trong danh mục 54 dân tộc của nước ta; đó là tên gọi chính thức của một cộng đồng tộc người ở miền Tây xứ Nghệ, bao gồm các nhóm: Kẹo, Họ, Mọn, Cuối, Tày Poọng (con kha, Xá lá vàng) và Đan Lai - Ly Hà. Đây là một trong những kết quả của việc điều tra, nghiên cứu dân tộc học ở các thập niên 60s, 70s  thế kỷ trước.
Dân tộc Thổ có nhiều nét văn hóa rất phong phú và độc đáo, trong đó có dân ca.
Dân ca Thổ được hình thành bởi những đặc điểm về nguồn gốc, chủ yếu là mặt ngôn ngữ. Loại hình dân ca này luôn mang yếu tố phức hợp, có tính đặc thù, ít thấy phổ quát: Đó là loại hình dân ca vừa mang yếu tố cội nguồn tự thân, vừa mang yếu tố giao lưu (rất gần với dân ca dân tộc Mường ở vùng Hòa Bình), nhưng lại rất đặc trưng và hàm súc.
Nếu các nhà Folklore học sẽ rất hài lòng khi đến với đồng bào dân tộc Thái, được nghe họ hát các làn điệu “nhuôn”, “xuối”, “khắp” (hắp), “òn”… một cách tự nhiên, không cầu kỳ về mặt tổ chức, con người và địa điểm để cất lên tiếng hát, thì đối với đồng bào người Thổ ngày nay, dân ca đã gần như quá khứ. Muốn nghe họ hát, ta phải khơi lên, phải yêu cầu các làn điệu cụ thể, hoặc phải tổ chức luyện tập trước, đi vào những chương trình cụ thể và tìm kiếm cả những con người cụ thể (thường chỉ là những người có tuổi, người già là chính), may ra mới thành công được. Trai gái dân tộc Thổ ngày nay rất ít người biết hát, hoặc quan tâm tới những làn điệu dân ca của chính dân tộc mình, mặc dầu dân ca Thổ cũng rất phong phú, giầu nhạc điệu, đậm chất trữ tình giao duyên.
Những làn điệu dân ca Thổ bước đầu mà chúng tôi sưu tầm, cũng chưa nằm ngoài những làn điệu mà nhiều nhà nghiên cứu đã sưu tầm và nghiên cứu từ trước. Gần chục năm lại nay, việc sưu tầm văn hoá Thổ, nhất là về dân ca, dân nhạc, dân vũ, đã có nhiều khởi sắc, và đã có những con em của chính người Thổ làm việc này. Các làn điệu dân ca Thổ đang dần dần được sử dụng trở lại, phát triển, nâng cao lên một bước cả về giai điệu và lời ca để phục vụ đời sống văn hoá mới, nhằm mục đích xây dựng và bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc ở địa phương mình. Đó là một tín hiệu thật đáng mừng.
Sau đây là một số làn điệu dân ca quen thuộc, hầu như khắp các làng người Thổ ở miền Tây Nghệ An, ít nhiều ai cũng biết đến, đang được từng bước khôi phục, phát triển và lưu giữ lâu dài:


 

1: Đu đu điềng điềng:
Điệu hát này chỉ dành cho phụ nữ hát riêng lẻ trong gia đình, không mang tính tập thể và cũng không hát ở chỗ đông người. Thường là các bà, các mẹ, các chị, các em gái hát để ru cháu, ru con hoặc ru cho em bé ngủ, theo thang âm “đô-rê-fa-sol-la”. Điệu “đu đu điềng điềng” gần giống với những bài hát ru em bé ngủ của người Thái, nhưng khi hát, giọng điệu luyến láy ít hơn, độ ngân nga ngắn hơn và có pha thêm các làn điệu khác rất tự nhiên. Có thể nói “đu đu, điềng điềng” là thể dân ca ở giữa ca dao và đồng dao. Tuy nhiên, nếu chú ý nghe một cách kín đáo, không lộ diện và lộ ý định sưu tầm hoặc tìm hiểu, ta sẽ thấy người hát “đu đu điềng điềng” có rất nhiều sáng tạo từ chất giọng cho đến sự pha tạp trong cách vận dụng thêm các làn điệu dân ca khác vào làn điệu “đu đu điềng điềng” để hát.
2: Tập tình tập tang:
Điệu hát này chủ yếu dành cho các nam nữ thanh niên là chính. Họ thường hát một mình trên nương rãy (giống như “xuối” của người Thái) để cho khuây khoả; hoặc hát cho vui cửa vui nhà vào những dịp nhàn rỗi được nghỉ ngơi ở nhà, những ngày trời mưa, giá rét, không đi làm việc được. Lúc đồng bào hát điệu “tập tình tập tang” một mình ở nhà thì nghe gần giống như điệu “òn” của người Thái (Tày Thanh). Thang âm làn điệu dân ca này chủ yếu cũng là “đồ-rê-fa-sol-la”. “Tập tình tập tang” còn được sử dụng như một làn điệu ru em bé ngủ. Đây là cách sáng tạo của người hát, tuỳ vào từng hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ như bài “ru ún” (ru em) có những câu(Nguyên văn tiếng Thổ):

                          Tập tình tập tang

                          ún téo tang cho chí bang khiêng

                          ún tập biệng cho chí ngâm bưa

                          ún tày tưa cho chí cáy khợm

                          ún ăn mớm cho chí ăn choi…
                       (Tạm dịch):

                          Tập tình tập tang

                          Em trèo cầu thang cho chị mang giỏ

                          Em lót lá cho chị ngâm bột

                          Em ngủ trưa cho chị dậy sớm

                          Em ăn mớm cho chị ăn nhai…
Với làn điệu ru em này, ta hiểu là đã có sự sáng tạo, không phải chỉ riêng cách nói lái độc đáo (Em ngủ trưa cho chị dậy sớm/ Em ăn mớm cho chị ăn nhai…), mà từ một điệu hát chỉ để khuây khoả nỗi buồn, chuyển sang mục đích là ru cho em bé ngủ. Người hát lúc này đã có một người nghe trực tiếp (đó là em bé), nhưng vì đối tượng nghe quá bé, cho nên người hát phải sáng tạo cách nói sao cho vừa khiến em bé ngủ, lại vừa nói được nỗi lòng, tâm sự của chính mình trong công việc phải làm ở nhà một mình với em bé, như: Mang giỏ, lót lá ngâm bột, dậy sớm, nhai mớm cơm cho em bé ăn… vv… và… vv, toàn là những công việc vụn vặt mà thường xuyên. Lời hát ru em đã thể hiện được cốt lõi của “tập tình tập tang” là tự động viên mình để cho công việc ở nhà với em bé không bị tẻ nhạt, buồn chán. Làn điệu này có vài nơi nói khác nhau, có nơi nói là “tập tĩnh tập tang”, có nơi lại nói “chập chĩnh chập chang”… nhưng khi họ hát lên thì đều giống nhau.

3: Dạ ời:
Là một làn điệu dân ca rất đặc trưng của dân tộc Thổ. Khác với hai làn điệu đã kể trên, “dạ ời” được sử dụng để hát giao duyên, có tính chất như “hát ghẹo”, hát đối đáp của người Kinh ở miền xuôi, với nhiều người cùng hát và chia phe để hát. “Dạ ời” được hát vào những dịp như: Đêm trăng sáng, trai gái trong làng tụ tập để gặp gỡ, giao duyên, hát đối cho vui; hát trong các dịp lễ hội, đám cưới, mừng nhà mới (ở những trường hợp này thường có kèn, chiêng trống phụ hoạ, đệm theo rất vui); hát trong các dịp đi chợ phiên, hoặc khi có trai gái từ nơi khác đến làng nghỉ trọ lại qua đêm… nghĩa là chỉ hát vào những dịp vui vẻ, chủ yếu là trai gái, nhưng các ông, các bà, các anh chị lớn tuổi cũng nhiều khi tham gia hát “dạ ời” để góp vui, và thường thì họ hát chủ đạo, bởi họ có nhiều kinh nghiệm hơn và có khi người nhiều tuổi lại có chất giọng hay hơn. Hát “dạ ời” (có nơi gọi là “dạo ời”, nhưng cách hát thì như nhau) là cách hát sử dụng giai điệu mượt mà, thướt tha, luyến láy bằng chính giọng hát được “tôi luyện” qua nhiều năm, hay là tự “thiên phú” của từng người cụ thể, tạo nên nét lôi cuốn, sự chú ý và sự đồng cảm, mến phục, dẫn tới có cảm tình rồi yêu nhau thực sự! Cách hát dạ ời có thể tóm tắt như sau: Trai gái thường chia đôi hai bên nam - nữ để hát. Người có chất giọng hay nhất thường được “bên chủ” phân công hát trước. Câu hát luôn theo thể thơ lục bát, ở dạng chào hỏi. Ví dụ: Mở đầu hát “dạ ời” chào hỏi khi có khách xa là con gái hoặc con trai đến làng:
Bên chủ hát:
Chào eng, chào chí tàng xa
Viềng thăm làng ún, thiết tha vô cùng

Bên chủ hát xong thì bên khách hát đối lại:
Chào eng, chào chí làng nhà
Có lời chào hỏi, xật là cảm ơn...

Cứ thế, cuộc hát phát triển lên mãi, từ chào hỏi đến các đích khác của đôi bên trai - gái. Hát “dạ ời” ít nhất mỗi bên cũng phải có từ ba, bốn người trở lên. Cuộc hát đối diễn ra theo trình tự tự do, người này hát, người kia không đối lại được thì người khác phải đối thay vì danh dự của “phe” mình, dứt khoát không chịu thua… bởi thế mà cuộc hát “dạ ời” có khi kéo dài suốt đêm. Những cuộc hát đối suốt đêm như vậy, nếu chỉ diễn ra ở một nơi, và chỉ có trai gái trong làng với nhau, thường liên quan đến tục “ngủ mái”. Tục “ngủ mái”, theo ông Trương Đình Thưởng - trưởng phòng văn hoá huyện Q.H (là người dân tộc Thổ) là cách gọi một cuộc hát “dạ ời” thâu đêm của trai chưa vợ, gái chưa chồng, quây quần trên một ngôi nhà sàn rộng, có sự chuẩn bị chu đáo, có mục đích rõ ràng. Ngày nay rất khó tổ chức lại được nữa.
Ngày trước, trong các làng người Thổ, hát “dạ ời - ngủ mái” giống như một nhu cầu tự nhiên của trai gái, không thể thiếu được! Sự sáng tạo trong cách hát “dạ ời” chủ yếu là sự sáng tạo lời ca, giọng ca, nhất là sự luyến láy để đưa nội dung chủ yếu của lời ca vào giữa trái tim của “đối tác” tham gia hát.
Ngày nay, để khôi phục cách hát “dạ ời” truyền thống của dân tộc Thổ là việc làm rất khó khăn và khá tốn kém. Nhưng khó mà làm được mới là cố gắng, nếu không “dạ ời” sẽ mất đi vĩnh viễn.
4: Ta ta tún:
Thực chất của “ta ta tún” là điệu hát dành cho mẹ nựng con, bà nựng cháu, chị nựng em bé. “Ta ta tún” thường dựa vào những lời ca dí dỏm, ngộ nghĩnh để tạo nên những phút vui đùa với em bé trước khi nó ngủ. Nhạc điệu của “ta ta tún” đơn giản, không có giới hạn về thời gian, bài hát ngắn hay dài là tuỳ thuộc vào em bé: Em bé chưa ngủ, hát tiếp; em bé ngủ rồi thì dừng lại. Người hát “ta ta tún” thường phải chú ý đến nhịp điệu, theo kiểu hát nói, dựa vào lời ca bốn chữ có vần (thường là chữ thứ tư của câu đầu vần với chữ thứ hai của câu tiếp theo… cứ thế, tiếp nối mãi), nhấn giọng, vào nhịp mạnh (tuỳ theo tính cách của mỗi người hát), kết hợp làm một số động tác cần thiết để em bé thích thú mà cười vui trước khi ngủ.Ví dụ, một bài “ta ta tún” tương đối phổ biến trong cộng đồng người Thổ (Nguyên văn tiếng Thổ):

Ta tun ta tún…
Con ún pe pông
Con rông pe pải
Con mái lợp nhà
Ké khà tô cơm
Con đẹt chưm chơm…

Trong sáu  câu thơ trên, trừ  năm câu đầu có vần theo trình tự: Tún - ún; pông - rông; pải - mái; nhà – khà, ra…  đến câu thứ sáu thì từ “chơm” đã không còn ở vị trí vần theo trình tự nữa, mà được đẩy lên ở vị trí thứ tư: Cơm - chơm. Đó là cách tạo cao trào, buộc em bé phải cười trước khi ngủ (vì đa số trẻ em trước khi buồn ngủ thường hay quấy khóc).
Về cách hát, thường là chân đưa nôi, hoặc vỗ vỗ hai bàn tay vào nhau theo nhịp hát nhấn giọng khi cao, khi thấp, thường có chữ “là” đệm vào gữa câu hát ,ví dụ: “Con đẹt () chưm chơm…”(trẻ em (thì) lấy củi), chữ “” chỉ đóng vai trò là đệm theo, hay như một dấu cách tạo nhấn, làm cho em bé chú ý người đang hát mà thôi, không phải kết cấu chính thức trong câu thơ, và cũng không phải bất cứ người hát “ta ta tún” nào cũng đệm thêm chữ “là” (thì) trong khi hát.
Có thể nói “ta ta tún” (có thang âm: Rê-fa-sol-la-đô), là điệu hát rất đặc trưng của đồng bào dân tộc Thổ, chúng ta vẫn còn được nghe các em bé hát nựng em mình trước khi đưa nôi bằng chính làn điệu như đã nói ở trên.
5: Đồng dao:
Cũng giống như các dân tộc khác, nhất là người Thái và người Kinh sống gần gũi bên cạnh, đồng bào Thổ đã sáng tạo nhiều bài đồng dao rất hay, rất đặc sắc. Phương pháp sáng tác cũng dựa trên nguyên tắc: Vui nhộn, dễ hát, dễ nghe, đơn giản, có tính “nhảy cóc”, rất phù hợp với tâm lý của trẻ con. (Đồng là đứa trẻ con. Dao là bài hát dân gian. Đồng dao có nghĩa là bài hát dân gian của trẻ con). Ví dụ, một bài đồng dao rất phổ biến ở người Thổ các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp (Nguyên văn tiếng Thổ):
Khai khai rế
Cô kế đối lêng
Thành phủ tá lêng
Đối lêng cho chắng
Nấp cửa nha vắng
Cho mế bố vang…
Cách đó cách giang
Mụ cái ti ngược
Ông tược theo khâu
Rù rì nhập nhau
Nhập nhau… nhập nhau… rế!

Trong bài “khai khai rế” nguyên văn tiếng Thổ trên đây, ta thấy rõ tính đồng dao rất đặc trưng của người Thổ, nghĩa là cũng thể đồng dao, nhưng sự biến đổi lại luôn ở câu cuối cùng. Những bài đồng dao như trên, thường chỉ trẻ em nam hát, có tính chất nghịch ngợm, triêu đùa. Chúng hát khi đi chăn trâu ngoài nương, ngoài bãi ven khe suối, hoặc chơi trăng sáng ở giữa làng. Chúng hát để trêu ghẹo nhau, có khi dăm sáu đứa cùng hát, cuối cùng chúng reo to lên đồng loạt, cùng chụm đầu vào hay chạy toá ra mỗi người một nơi rồi cười như nắc nẻ. Tiếng reo cuối cùng ấy đã thêm ra một chữ “rế” trong bài đồng dao ngỡ như vô lý như ta thấy ở ví dụ trên.
Đồng dao cho ta thấy tính hiếu động, đầu óc khoáng đạt và hài hước của một tộc người có nguồn gốc đa dạng về mặt văn hoá...
Ngoài các làn điệu cơ bản như đã nêu ở trên, đồng bào Thổ còn có nhiều điệu hát biểu hiện một tâm hồn người Thổ giầu cảm xúc, và mang một sắc thái tình cảm riêng biệt mà chỉ dân tộc Thổ mới có, mới cảm nhận hết cái hay, cái đẹp của các làn điệu dân ca do chính họ sáng tạo nên từ trong cuộc sống, lao động, đấu tranh để sinh tồn và phát triển. Cần phải có thời gian và sự gắn bó mật thiết với đồng bào hơn nữa, mới mong tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực này.
Ngày xưa, người Thổ cũng ở nhà sàn là chủ yếu. Mọi cuộc hát đối giao duyên đều diễn ra ở trên nhà sàn. Nhà sàn nay không còn bóng dáng trong các làng của người Thổ nữa, vì vậy, việc khôi phục các làn điệu dân ca Thổ phải theo hướng nào để đồng bào tự giác sinh hoạt và tự giác hát hò như xưa, chứ không phải chỉ dựa vào vài ba tiết mục cải biên, hoặc chạy theo phong trào thi đua cho gọi là có “bản sắc văn hoá”, rồi thôi?

Tục ngữ người Thổ có câu: “Của được là đất; của mất là vàng”. Chưa dám nói người Thổ sắp mất, hay đã mất đi cái gì trong lĩnh vực dân ca, nhưng chắc chắn cái mất đó sẽ là “vàng” thực sự!
  

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434691

Hôm nay

2311

Hôm qua

2310

Tuần này

21341

Tháng này

211739

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434691