Đất Nghệ

Đảo Ngư: Sừng sững, bí ẩn

 

Chùa Ngư trên đảo Song Ngư    Ảnh: Phan Thắng

TỪ hiện tại, tìm về huyền thoại

Nhìn từ đất liền, đảo Ngư có hai đỉnh, vì vậy còn được gọi là đảo Song Ngư. Trên thực tế, đảo Ngư là hai hòn núi mọc từ đáy biển lên, đứng sát nhau. Ngọn lớn hơn cao 133 m, ngọn kia cao 88m. Hai ngọn núi - đảo này gắn với một câu chuyện cảm động về đức hy sinh vì cộng đồng.

Tương truyền, ngày xửa ngày xưa vùng biển này rất dữ, rộng mênh mông và phẳng lì, không có đảo, không có vịnh. Rất nhiều thuyền đánh cá đã bị nhấn chìm ở nơi này; rất nhiều người đã thiệt mạng. Trước tình cảnh này, có hai anh em là hai người làm nghề chài lưới rất giỏi, rất yêu thương nhau tự nguyện làm vật hiến tế cho trời đất để đổi lấy sự bình yên cho dân chài. Trong một đêm trăng thanh, gió mát, hai anh em lên thuyền, ra biển làm lễ cúng tế trời đất rồi tự gieo mình xuống biển. Bất chợt biển nổi những con sóng khổng lồ, rồi giữa muôn trùng con sóng có hai hòn đảo từ từ nhô lên. Kể từ khi hai hòn đảo này xuất hiện, vùng biển này bình yên hẳn. Sóng vẫn mênh mông nhưng trở nên dịu êm. Những trận cuồng phong ít đi. Nước biển  ở nơi đây trong xanh hơn, tôm cá nhiều hơn. Để  tưởng nhớ công ơn của hai anh em đã hiến thân mình vì sự bình yên của cả vùng biển, nhân dân đã gọi hai hòn đảo này là Song Ngư.

Huyền thoại là như vậy. Còn trên thực tế những người dân sống ở quanh đảo Ngư và dân vùng biển luôn luôn hướng về đảo Ngư với sự ngưỡng mộ thành kính. Tôi nhớ ngày tôi còn bé, mỗi lần bão gió bất ngờ ập đến, thuyền đánh cá của bố tôi không về kịp, bà tôi thường thắp hương thành kính khấn vái: “Mong cho thuyền của con tôi và các bạn chài của nó vào được vùng đảo Ngư để được thần linh che chở!...”. Nhiều lần sau khi sóng yên biển lặng, thuyền của bố tôi trở về từ đảo Ngư với những khoang cá đầy.

Một quá khứ hào hùng chưa xa

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đảo Ngư là một trong những hòn đảo chiến lược quân sự quan trọng của Quân khu 4. Đảo Ngư như là một “vọng gác” tiền tiêu, theo dõi sát sao hoạt động của máy bay và tàu chiến địch. Ngoài ra đây cũng là nơi “ém quân” của tàu thuyền chở hàng vào Nam. Vì vậy đảo Ngư cũng là mục tiêu bắn phá của quân địch.

Trong thời gian chiến tranh, từ đất liền nhìn ra thấy đảo Ngư luôn luôn có khói bom, khói đạn. Các chiến sỹ trên đảo đã chiến đấu anh dũng, bắn hạ được 11 máy bay, bắn cháy, chìm 9 tàu chiến. Đảo Ngư là đơn vị Anh hùng. Có nhiều chiến sỹ đã anh dũng hy sinh ở nơi này. Một đài “Tổ quốc ghi công” được xây dựng trang trọng trên đỉnh núi cao nhất để tưởng nhớ công lao của các anh.

Chiến tranh đi qua, đảo Ngư trở lại bình yên, nhưng nơi đây vẫn ngày đêm có mặt các chiến sỹ. Họ miệt mài luyện tập, nâng cao cảnh giác để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống bất trắc. Họ có hai nhiệm vụ: Sẵn sàng chiến đấu và cứu hộ ngư dân gặp nạn. Mỗi năm các chiến sỹ trên đảo cứu được hàng chục người và tàu thuyền.

Cũng như từ thuở xa xưa, đảo Ngư là một điểm tựa quan trọng đối với nhân dân trong vùng và những tàu thuyền qua lại nơi này. Cứ nhìn thấy đảo Ngư sừng sững là mọi người vững trong dạ.

Lên đảo để nhìn tận mắt và cảm nhận

Nhiều người bạn, người quen của tôi công nhận là chưa một lần đặt chân tới đảo Ngư dù họ đã ở lứa tuổi gần sáu mươi và hầu như năm nào cũng tới Cửa Lò. Điều này cũng có lý do của nó. Trước đây không phải ai muốn tới đảo Ngư cũng được, bởi vì ngày 10/8/1963 đơn vị quân sự đảo Ngư được thành lập. Điều này có nghĩa là đảo Ngư trở thành một địa điểm quân sự, được quản lý khá chặt chẽ. Gần đây khi đất nước đã có mấy chục năm sống trong hòa bình, Cửa Lò trở thành một địa điểm du lịch - nghỉ mát nổi tiếng, những người có trách nhiệm và có tầm nhìn quyết định “mở cửa” đảo Ngư, biến nơi đây thành một sản phẩm du lịch. Ba phần tư trong số diện tích trên 150.000 hecta của đảo Ngư đã được phía quân đội bàn giao cho chính quyền để làm du lịch.

Bước những bước đầu tiên trên đảo Ngư, tôi có cảm giác như mình đang trở về nhà, mặc dù đây mới là lần thứ hai tôi đặt chân tới đây. Cái gây sự chú ý đầu tiên là ngôi chùa khá khang trang và đầy tôn kính. Đây là chùa Song Ngư được xây dựng lần đầu tiên từ thời nhà Trần ở thế kỷ thứ XIII. Nơi đây thờ đức Phật và Sát Hải đại vương Hoàng Tá Thốn - vị tướng thủy quân quê ở Nghệ An đã có công lao đánh giặc Nguyên Mông thế kỷ XIII. Thời gian và chiến tranh đã tàn phá ngôi chùa cũ nên năm 2005 chùa được xây dựng lại. Chùa có chùa Thượng, chùa Hạ, mỗi Chùa có 3 gian lợp ngói âm dương. Đồ gỗ trong chùa được chạm khắc tinh vi với Tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng.

Quang cảnh trước và xung quanh chùa khiến chúng ta như cảm thấy được đi trong một khu vườn thiêng có hàng ngàn năm tuổi. Đó là hai cây lộc vừng cổ thụ, cành lá tươi tốt đang chắt lọc tinh khí đất trời để trổ hoa. Theo các chuyên gia thực vật học, hai cây lộc vừng này có gần 700 năm tuổi. Hai cây duối cũng gân guốc, xù xì đầy sắc màu thời gian. Những cây đại tỏa hương thơm cũng gợi nhớ về nhiều thế kỷ trước.

Một trong những bí ẩn lớn trên đảo Ngư là giếng Ngọc. Giếng có tên là Ngọc nhưng nhân dân nơi này gọi đây là “Giếng Thần” bởi giữa biển khơi mặn mòi lại có giếng nước ngọt. Hơn nữa cái giếng này không bao giờ cạn nước. Hơi đáng tiếc là một số du khách đã ném tiền giấy xuống nơi này mặc dù phía trên đã được căng lưới ngăn lá rụng xuống giếng. Nước giếng hiện phục vụ các chiến sỹ trên đảo và du khách. Ngoài ra, nước giếng này còn được dùng để nấu loại rượu Song Ngư bắt đầu nổi danh.

Nhưng cái hớp hồn du khách là màu xanh rười rượi của lá, cái tung tả của gió, cái khoáng đạt của biển và những con đường uốn lượn dưới những vòm cây. Cái sạch sẽ, tinh tươm, hoang dã của đảo Ngư tạo ra một thế giới huyền ảo giữa biển trời rất thực.

Mơ về một “thiên đường” trên biển

Hiện tại đảo Ngư đã là một địa điểm du lịch hấp dẫn nhưng chưa đông du khách. Vì việc tuyên truyền, giới thiệu về điểm du lịch này còn ít, dịch vụ còn sơ sài. Với nhiều người, được ngồi trên tàu đi từ đất liền ra đảo đã là một điều lý thú. Nhưng cũng không ít người (nhất là phụ nữ và trẻ em) e dè khi phải bước lên thuyền, ra biển. Cần phải giải quyết hài hòa vấn đề này.

Có vẻ như tỉnh Nghệ An đang muốn tạo ra một điểm nhấn quan trọng trong hệ thống sản phẩm du lịch của mình. Đảo Ngư đang được đầu tư để trở thành một “thiên đường” trên biển. Tuy nhiên, khoảng cách giữa hiện thực và ước mơ luôn luôn tồn tại và nhiều khi là rất lớn. Đảo Ngư có đầy đủ mọi điều kiện để trở thành một điểm du lịch sinh thái - tâm linh - mạo hiểm…, nhưng nó cần được bảo vệ, xây dựng, tôn tạo, khai thác một cách hợp lý. Vì vậy có rất nhiều điều phải bàn thảo kỹ lưỡng trước khi bắt tay vào thực hiện. Ví dụ, có nên làm cáp treo từ đất liền ra đảo hay không? Có nên thiết lập bãi “tắm tiên” ngoài đảo hay không? (Mặc dù có địa điểm rất thích hợp và rất đẹp). Để tạo ra món ăn đặc sản tại chỗ, cần nuôi loại cá gì? Thú gì? Nuôi với số lượng bao nhiêu là thích hợp để môi trường không bị ô nhiễm?

Rất nhiều câu hỏi cần câu trả lời cụ thể. Nhưng để tìm ra những câu trả lời này cần có những cái đầu biết tính toán chi ly trên nền tảng kiến thức và văn hóa phong phú. Phải huy động trí tuệ của nhiều người mới mong có được phương án phát triển đảo Ngư tối ưu. Làm du lịch không phải chỉ để kiếm tiền, mà còn quảng bá văn hóa.

Với những gì thiên nhiên ban tặng và sự kỳ công tạo dựng của con người, đảo Ngư đang có cơ hội trở thành một “thiên đường” trên biển.


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434605

Hôm nay

2225

Hôm qua

2310

Tuần này

21255

Tháng này

211653

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434605