Đất Nghệ

Trao đổi thêm về mấy câu sấm ký nói về làng Kim Liên và khe Bò Đái ở Nam Đàn

 
Tạp chí Văn hoá Nghệ An số 159 ra ngày 25 - 10 - 2009 đã đăng bài “Trao đổi về mấy câu  được gọi là sấm ký ở Kim Liên và Bò Đái” của ông Chu Trọng Huyến. Đọc xong bài báo đó, tôi không tán thành mấy chỗ, do đó viết bài này để trao đổi với mọi người như sau:

1.Về 2 câu sấm ký:
水中藏宝盖
此是聖人鄉
Thuỷ trung tàng bảo cái
Thử thị thánh nhân hương
ở chuyên san khoa học xã hội và nhân văn Nghệ An số 3 tháng 9 năm 2009, trong bài “Trao đổi đôi điều về bài Tìm hiểu địa danh Kim Liên, quê hương Bác Hồ”, tôi đã viết như sau: “Câu “Thuỷ trung tàng bảo cái” nội dung cô đọng, súc tích, ý ở ngoài lời, ẩn dụ kín đáo”. Sau đó, tôi đã dịch 2 câu sấm ký trên là “Trong hồ nước có những cây sen đẹp, giống như những cây lọng quý. Đó là làng của ông thánh”. (Cuối cột 1 - tr 49 - Sđd). Suy ra, chúng ta biết được câu “Thuỷ trung tàng bảo cái” ngầm nói rằng vào mùa đông, lá sen và cây sen tàn lụi hết, chỉ còn lại ngó sen và gốc rễ sen giấu mình dưới đáy hồ. Cuối mùa xuân năm sau, khi trời ấm áp, cây sen bắt đầu vươn mình lên khỏi mặt nước, lá tròn vành vạnh, xòe ra, trông rất đẹp, giống như những cây lọng quý. Câu “Đó là làng của ông thánh” tức đó là địa phận của làng ông thánh, hoặc đó là cảnh đẹp nổi bật của làng ông thánh. Ông Huyến đọc xong bài của tôi nhưng lại không nhớ tôi đã dịch 2 câu sấm ký ở trên như thế nào, mà chỉ dựa vào cách hiểu của ông về 2 câu đó rồi lập luận rằng: “Trước hết, nói về nghĩa thì đây là một câu vô lý. Tại sao làng của ông thánh (thánh nhân hương) lại ở trong nước. Thế nếu đây là chỉ Kim Liên, làng của Bác Hồ thì làng này lặn ở trong nước như con cá à? Thứ nữa “Thuỷ trung tàng bảo cái” tức là trong nước giấu một cây lọng quý. Ta biết, ở trong hay dưới nước, ngoài các sinh vật thích nghi, chỉ tồn tại những thứ gì không bị nước phân huỷ như hòn cuội, hoặc các loại củ, rễ nở theo mùa như sen, súng, củ ấu, rong, bèo... chứ cây lọng sườn làm bằng tre, cán gỗ, lợp bằng vải vóc thì làm sao mà tồn tại mãi được ở trong hay dưới nước, cho dù đó là cây lọng quý của thời xưa (cột 2 - trang 13 - Sđd). Qua đoạn văn trên, chúng ta thấy ông Huyến lập luận hơi cứng nhắc và máy móc, không thấy được tính cô đọng, súc tích, ý ở ngoài lời của thơ ca. Thơ ca càng cô đọng, súc tích, ý ở ngoài lời thì càng sâu sắc, càng hay, càng hấp dẫn. Tôi xin lấy một ví dụ để chứng minh cho luận điểm này. Bài thơ “Nguyên Tiêu” do Bác Hồ làm vào đêm rằm tháng Giêng âm lịch năm 1948. Câu thơ cuối của bài thơ đó, nguyên tác như sau:
                 夜半歸来月滿船
(Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền) Nghĩa là: “Nửa đêm trở về, trăng đầy thuyền”. Suy ra, chúng ta sẽ thấy rằng câu thơ này diễn đạt được ít nhất 3 ý như sau:
a, Nhà thơ Hồ Chí Minh đã dùng hình ảnh con thuyền chở đầy ánh trăng lung linh để diễn đạt một cách tài hoa, tế nhị, sâu sắc rằng cuộc hội nghị quân sự cao cấp đêm đó đã thu được những kết quả vô cùng tốt đẹp.
b, Niềm vui sướng vô biên đang trào dâng trong lòng, khi nhà thơ thấy cuộc hội nghị quân sự vô cùng bí mật đã thành công rực rỡ, an toàn tuyệt đối.
c, Tâm hồn nhà thơ đang dạt dào xúc động trước cảnh đẹp của đêm trăng vừa huyền ảo vừa thơ mộng giữa trời mây sông nước bao la, núi non hùng vĩ ở chiến khu Việt Bắc.
Nếu ai đó không thấy được tính cô đọng, súc tích, ý ở ngoài lời của thơ ca, mà tư duy, lập luận lại cứng nhắc, máy móc thì sẽ bắt bẻ một cách vu vơ, vớ vẩn rằng: nhà thơ Hồ Chí Minh lo say sưa miêu tả con thuyền chở đầy ánh trăng lung linh rồi quên mất, không nhắc tới những vị cán bộ cao cấp vừa cùng mình bàn bạc, thảo luận, tìm ra được những diệu kế về quân sự để đánh bại đế quốc Pháp; đồng thời, người đó còn cho tôi là bịa ra 3 ý thơ như trên, chứ nhà thơ Hồ Chí Minh có nói như thế đâu.
Mấy trăm năm nay, nhân dân Nam Đàn truyền miệng nhau rằng 2 câu sấm ký ở trên do Nguyễn Bỉnh Khiêm tiên đoán làng Kim Liên - một làng có ao sen, hồ sen nhiều nhất huyện, sẽ xuất hiện một ông thánh. Họ kháo nhau rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khéo dùng hình ảnh cây sen giấu mình dưới đáy hồ trong suốt thời kỳ rét buốt để ngầm ví với vị thánh nhân còn giấu kín tài năng từ khi mới ra đời đến thời kỳ niên thiếu, mãi đến tuổi trưởng thành, chín chắn mới từ từ xuất hiện như một ngôi sao sáng, làm rạng rỡ quê hương và đất nước, khiến cụ Phan Bội Châu đã thốt lên rằng “nếu ở Nam Đàn có thánh thì người đó phải là Nguyễn ái Quốc”. Chúng ta không thể khẳng định được Nguyễn Bỉnh Khiêm có nói như thế hay không, nhưng mỗi khi nhân dân Nam Đàn nhắc tới 2 câu sấm ký ở trên, họ đều cảm thấy vô cùng sung sướng và tự hào quê hương mình nhờ có địa linh nên mới sinh ra nhân kiệt. Từ đó họ càng khâm phục, kính nể cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, có gì là “không phải với cụ Trạng Trình” như ông Huyến nói:
2, Về câu sấm ký:
                鈍山分解
牛 帶失聲
南壇生聖
Đụn Sơn phân giải
Bò Đái thất thanh
Nam Đàn sinh thánh
Nghĩa là “Khi nào núi Đụn bị phân chia ra 2 hay nhiều bộ phận, khe Bò Đái (hay Bồ Đái) chảy không nghe tiếng nữa thì huyện Nam Đàn sẽ sinh ra một vị thánh”. Ba câu sấm ký trên, tương truyền do Nguyễn Bỉnh Khiêm tiên đoán, trong mấy trăm năm nay được nhân dân Nghệ An truyền miệng từ người này qua người khác, từ đời này qua đời khác. Trong bài viết của mình, ông Huyến tán thành ý kiến của Bùi Dương Lịch cho rằng những câu sấm ký trên không đáng tin cậy. Đó là quyền tự do của 2 ông. Nhưng tôi nghĩ rằng những câu sấm ký trên còn truyền mãi muôn đời.
Nhân dân ta đã khẳng định rằng:
Trăm năm bia đá thì mòn
Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ
Các cụ ở Nam Đàn nói rằng khi núi Đụn nứt đôi, khe Bò Đái chảy không nghe tiếng nữa thì rất phù hợp với thời kỳ Bác Hồ ra đời. Vì vậy, nhân dân Nam Đàn vô cùng khâm phục tài tiên đoán của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
3, Về địa danh Kim Liên, quê hương Bác Hồ trong bài “Trao đổi đôi điều về bài Tìm hiểu địa danh Kim Liên, quê hương Bác Hồ đăng ở chuyên san khoa học xã hội và nhân văn Nghệ An số 3 tháng 9 năm 2009, tôi đã giải thích từ “Kim Liên” như sau: “Theo các từ điển của Trung Quốc như Từ Nguyên và Từ Hải thì 金蓮 (Kim Liên) nghĩa như sau: kim; vàng; liên; hoa sen. Kim Liên: hoa sen bằng vàng thật. Tiêu Bảo Quyển (483 - 501) làm vua nước Tề trong 3 năm (từ 499 - 501) nhưng chỉ lo vui chơi bên cạnh người vợ Phan Ngọc Nhi vô cùng xinh đẹp. Ông ta sai những người thợ khéo tay, lát những bông hoa sen bằng vàng thật trên nền nhà cho Phan Ngọc Nhi đi. Mỗi khi Phan Ngọc Nhi bước đi trên những bông hoa sen bằng vàng thật đó, ông ta sung sướng nói: ????蓮花? (Thử bộ bộ sinh liên hoa dã), nghĩa là “Mỗi bước đi nở ra một bông hoa sen bằng vàng”. Năm 501, ông ta bị giết rồi hạ xuống tước Đông Hôn Hầu (tước Hầu). Từ đó về sau, người ta thường dùng “Kim Liên” nghĩa là bông hoa sen bằng vàng thật để chỉ người phụ nữ xinh đẹp tuyệt vời. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết: “Sương in mặt, tuyết pha thân, Sen vàng lãng đãng như gần như xa”.
Hai câu trên, Nguyễn Du miêu tả hồn ma Đạm Tiên - một cô ca nhi “nổi danh tài sắc một thì” đã hiện về trong giấc mơ của Thuý Kiều sau buổi chiều đi du xuân về. Hình ảnh Đạm Tiên sương lấm tấm trên mặt, tuyết dính rải rác toàn thân cứ chập chờn, lơ lửng, nửa hư, nửa thực, khi mờ, khi tỏ, lúc gần lúc xa, hiện về trước mặt Thuý Kiều. Thế là chúng ta thấy Nguyễn Du đã dùng từ “sen vàng” để chỉ người đẹp Đạm Tiên. Sen vàng nghĩa là bông hoa sen bằng vàng thật lát trên nền nhà cho cô Phan Ngọc Nhi như các từ điển của Trung Quốc đã giải thích ở hai câu thơ 377 và 378 Nguyễn Du viết:
Thời trân thức thức sẵn bày
Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường.
ở 2 câu trên, Nguyễn Du miêu tả Thuý Kiều đã sắm sửa, bày sẵn các thứ hoa thơm quả ngọt, cao hương mĩ vị rồi bước đi thoăn thoắt nhẹ nhàng sang mời Kim Trọng đến nhà mình chơi và cùng thưởng thức “gót sen” nghĩa là gót chân của người đẹp Phan Ngọc Nhi bước đi trên những bông hoa sen bằng vàng thật đã được Nguyễn Du dùng để chỉ người đẹp Thuý Kiều. ở 2 câu thơ 437 và 438, Nguyễn Du viết:
“Tiếng sen sẽ động giấc hoè
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần”.
“Giấc hoè” là giấc mơ, giấc ngủ. Hai câu trên, Nguyễn Du miêu tả Thuý Kiều đến nhà Kim Trọng lần thứ 2 trong 1 đêm trăng. “Tiếng sen” nghĩa là tiếng gót chân của người đẹp Phan Ngọc Nhi bước đi trên những bông hoa sen bằng vàng thật lát trên nền nhà, được Nguyễn Du dùng để chỉ gót chân của người đẹp Thuý Kiều đi, tuy sẽ sàng, nhẹ nhàng nhưng vẫn làm cho Kim Trọng lúc đó đang thiu thiu “Dở chiều như tỉnh, dở chiều như mê” vẫn nhận ra được có tiếng gót chân của người yêu xinh đẹp đang đến nhà mình. Qua 6 câu Kiều ở trên, chúng ta thấy rằng cùng một điển tích Phan Ngọc Nhi bước đi trên những bông hoa sen bằng vàng thật lát trên nền nhà, mà Nguyễn Du khi thì dùng “sen vàng”, khi thì dùng “gót sen”, khi lại dùng “tiếng sen”.
Qua đây chúng ta càng thấy rằng Nguyễn Du sử dụng điển tích thật là linh hoạt, tinh tế, sâu sắc và dễ hiểu như nhiều nhà nghiên cứu văn học đã phân tích và chứng minh. Điển tích Kim Liên (hoa sen bằng vàng thật) không chỉ được Nguyễn Du sử dụng 3 lần trong truyện Kiều. Năm 1965, tôi đi thực tập 2 tháng ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên cũng đã sưu tầm được 4 câu ca dao sau đây:
Em như một đóa sen vàng
Đã làm say đắm bao chàng tài hoa
Anh trông người lại ngắm đến ta
Một dày một mỏng biết là có nên?
Qua 4 câu ca dao trên, tác giả dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ có lẽ đã học tập Nguyễn Du sử dụng điển tích “sen vàng” để chỉ cô thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần, đồng thời kết hợp lẩy Kiều để diễn đạt nỗi niềm băn khoăn của một chàng trai khi đứng trước 1 cô gái nhan sắc mĩ miều, nhưng chỉ biết thầm yêu trộm nhớ, không dám ngỏ lời, bởi vì lực bất tòng tâm, và “cán cân so sánh lực lượng” đã nghiêng hẳn về đối phương. Các cụ ở làng Kim Liên huyện Nam Đàn xưa kia, khi đọc Truyện Kiều, thấy cụ Nguyễn Du sử dụng điển tích “Kim Liên” thật là tài tình, sâu sắc, có lẽ vì thế, các cụ đã học tập Nguyễn Du để đặt tên làng mình là Kim Liên, để gửi gắm niềm hy vọng và tự hào làng mình nhờ địa linh sẽ sinh ra mỹ nhân. Điều đó đã được phản ánh qua các câu ca dao thường được hát trong những đêm hát ví phường vải mà tôi đã dẫn ra ở chuyên san Khoa học xã hội và nhân văn Nghệ An số 3 tháng 9 năm 2009 như sau:
        Quê chàng ở gần hay xa
Xuân Hồ, Xuân Liễu hay là Kim Liên?
        Quê anh ở làng Kim Liên
Nhiều o (cô) xinh đẹp như tiên giáng trần
        Mời chàng vãn cảnh Kim Liên
Cảnh thời đã đẹp, người tiên cũng nhiều
        Kim Liên là đất sen vàng
Nhiều o xinh đẹp, trai các làng thầm yêu.
“Sen vàng” trong 2 câu ca dao trên đây là lấy từ điển tích Kim Liên ở các sách của Trung Quốc, dùng để chỉ cô thiếu nữ xinh đẹp tuyệt vời. “Đất sen vàng” là vùng đất có nhiều cô gái xinh đẹp đến mức nhiều chàng trai ở các làng khác phải thầm yêu trộm nhớ, không dám ngỏ lời, vì chênh lệch quá nhiều. ấy thế mà ông Huyến lại lập luận rằng “Chữ Kim Liên giải nghĩa theo hướng đó là nói đến chuyện buồng the mà trong “khoảng vợ chồng” (phu phụ chi gian ???間) thì còn vô khối điều kỳ lạ, giàu, có cách cưng chiều vợ của người giàu; nghèo, có cách cưng chiều vợ của người nghèo, chứ có riêng gì bậc vương giả họ Tiêu (sau bị biếm còn lại trước Đông Hôn hầu)” (cuối cột 1 - trang 15 - Sđd). Ông Huyến còn viết tiếp: Còn nếu đem chuyện buồng the giữa vợ chồng Tiêu Bảo Quyển được Nguyễn Du điển tích hoá thành gót sen trong Truyện Kiều gán cho tên làng Kim Liên, như thế chẳng phải là yêu mến quê hương Bác Hồ mà ngược lại”. (cuối cột 2 - tr 15 - Sđd). Qua những câu trên, chúng ta thấy rằng theo ông Huyến thì tên làng Kim Liên, quê Bác Hồ, không nên hiểu theo nghĩa lấy từ điển tích Kim Liên như các sách Trung Quốc giải thích. Bởi vì hiểu như thế, tức là “nói đến chuyện buồng the” sẽ không thanh nhã. Nhưng tôi lại nghĩ rằng điển tích Kim Liên do các từ điển của Trung Quốc giải thích không hề liên quan gì tới động tác làm tình của 2 vợ chồng Tiêu Bảo Quyển và Phan Ngọc Nhi. Nội dung chính của điển tích Kim Liên là cô người đẹp Phan Ngọc Nhi bước đi trên những bông hoa sen bằng vàng thật lát trên nền nhà. Hình ảnh đó rất đẹp, rất lộng lẫy, rất trong sáng, chẳng có gì là không thanh nhã. Vậy nên, Nguyễn Du sử dụng điển tích như vậy là vô cùng tinh tế, vô cùng thanh nhã. Vì thế, các tác giả dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ và làng Kim Liên, quê hương Bác Hồ xưa kia mới học tập Nguyễn Du rồi vận dụng vào sáng tác ca dao. Qua những câu trên, ông Huyến nói như vậy đã vô tình cho rằng Nguyễn Du dùng điển tích Kim Liên bằng các từ “sen vàng”, “tiếng sen” và “gót sen” là không thanh nhã, không hay, vì đã “đem chuyện buồng the” ra để chỉ người đẹp. Điều này hoàn toàn trái ngược với ý kiến của các nhà nghiên cứu văn học ở trong nước và nước ngoài đều cho rằng Nguyễn Du là bậc thầy mẫu mực và vĩ đại về tài sử dụng từ ngữ, hình ảnh và điển tích. Cũng qua những lời nhận xét trên của ông Huyến, suy ra, chúng ta thấy rằng ông Huyến đã tỏ ra lạnh lùng, vô cảm trước 8 câu ca dao do các tác giả dân gian ở Nam Đàn sáng tác mà tôi đã dẫn ra ở chuyên san KHXH và nhân văn Nghệ An số 3 tháng 9 - 2009.
Trong bài “Tìm hiểu địa danh Kim Liên, quê hương Bác Hồ qua những tư liệu văn hoá dân gian” đăng ở chuyên san KHXH và nhân văn Nghệ An số 2, tháng 4 - 2009, ông Trần Minh Siêu đã nói rất đúng rằng “Trong thực tế, chỉ có sen màu trắng (bạch liên) và sen màu hồng (hồng liên)蓮, không có sen màu vàng (hoàng liên) 黃蓮. (Đầu cột 1 - tr66 - Sđd). Tôi nghĩ rằng, nhân dân ta gọi là “bạch liên” và “hồng liên” là dựa vào màu sắc của cánh hoa sen để phân loại. Tư duy và phân loại như thế là rất sáng sủa, rất rạch ròi, tiêu chí phân loại như vậy là rất nhất quán. ấy thế mà ông Huyến lại cho rằng: “Vùng Nghệ An ngày trước chỉ quen thả trong một số ao hồ loại sen khi nở hoa thì các cánh màu hồng và nhị hoa màu vàng, tên chữ là hồng liên chứ không gọi là hoàng liên. Còn dân gian ở đây khi nói sen vàng là chỉ bông sen có nhị màu vàng”. (giữa cột 1 - tr 15 - Sđd). Qua những câu trên, chúng ta thấy theo ông Huyến thì nhân dân Nghệ An “nói sen vàng là chỉ bông sen có nhị màu vàng”. Nếu thế thì chúng ta sẽ thấy nhân dân Nghệ An phân loại sen, khi thì dựa vào màu sắc của cánh hoa sen, khi thì dựa vào màu sắc của nhị hoa sen. Tiêu chí phân loại không nhất quán, thể hiện tư duy lộn xộn, không sáng sủa. Thế là vô tình, ông Huyến đã đánh giá tư duy của nhân dân Nghệ An rất thấp. Điều này không đúng với thực tế. Nhân dân cả nước ta đều thừa nhận Nghệ An là một trong những nơi địa linh đã sản sinh ra nhiều nhân kiệt của nước ta. Nếu tư duy của nhân dân Nghệ An mà thấp và lộn xộn, không sáng sủa thì làm sao mà có nhiều nhân tài được?
Qua phân tích và chứng minh như trên, chúng ta thấy rằng trong thơ ca ở nước ta, từ “sen vàng” và tên làng Kim Liên, quê hương Bác Hồ là lấy từ điển tích Kim Liên ở các sách của Trung Quốc.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443385

Hôm nay

2276

Hôm qua

2305

Tuần này

21198

Tháng này

218559

Tháng qua

112676

Tất cả

114443385