Người xứ Nghệ

Lặng lẽ Trần Nhật Tiến

Người ta nói, có hai kiểu người quản lý: làm chính trị mà có văn hóa; và làm văn hóa có ý đồ chính trị. Ông - Trần Nhật Tiến, Giám đốc sở Văn hóa - Thông tin Nghệ Tĩnh (từ 1980-1991), Hà Tĩnh (1991 – 1993), thuộc tuýp người thứ nhất. Cái nghiệp làm văn hóa, thật dễ để mọi người nhìn thấy chân dung  nếu anh may mắn giỏi một lĩnh vực nào đó, càng đặc biệt khi anh có tác phẩm nghệ thuật lưu cho đời. Ông không có may mắn đó. Từng làmChánh văn phòng Tỉnh ủy, rồi đang là Tỉnh ủy viên, Quyền Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, ông được điều về làm Giám đốc ty/sở VHTT. Tréo ngoe và lạ lẫm. Nhưng, có lẽ, nhờ cái nhạy bén, cái khả năng tư duy khái quát tổng hợp bởi một quá trình lăn lộn với công việc, tự học từ công việc đã giúp ông lặng lẽ tạo nên dấu ấn của mình trong sự nghiệp ngành Văn hóa xứ Nghệ - An - Tĩnh, trong sự ghi nhận của những người đồng sự hiểu việc, hiểu người.

Thuở ấy, khổ, nghèo là cái chung của cả xã hội. 11 năm là Giám đốc Sở Văn hóa Nghệ Tĩnh, ông sống và làm việc trong cái nghèo và khó đó. Nhà ông, lúc nào cũng ngập trong bụi lạc vì cả hai vợ chồng luôn tranh thủ bóc lạc cho thương nghiệp. Trong kí ức của ông Trần Hồng Cơ, nguyên Tổng Biên tập báo Lao động Nghệ An, một cán bộ Sở Văn hóa lúc đó là hình ảnh ông lãnh đạo của mình nhễ nhại đẩy chiếc xe đạp xẹp lốp thồ cả một bì lạc giữa trưa nắng. Bên kia đường, ông Cơ cũng đang kéo chiếc xe cải tiến chuẩn bị đến chở lạc. Hai người tự “làm đẹp” cho nhau bằng cách giả vờ không nhìn thấy nhau để hàng chục năm sau mới tự thừa nhận trong nụ cười buồn và hài hước. Là giám đốc, ông không nề hà, xấu hổ xin anh em nhường cho một luống đất ở khu vực Bảo tàng Nghệ An để hai vợ chồng tăng gia sản xuất.

Đến bây giờ, nghĩa sau 30 năm, lớp cán bộ hồi đó vẫn nói ông Tiến số vất vả, thậm chí tự chuốc lấy vất vả. Làm giám đốc, ông không chịu giam mình trong văn phòng hay các cuộc họp. Thời ấy, và có lẽ cả sau này nữa, ít ai chịu khó lăn lộn ở cơ sở như ông. Thoát được họp hành là ông về với cơ sở. Ông xuống tận các xóm, các xã, tìm hiểu đến rõ ràng từng câu lạc bộ, từng đội văn nghệ. Ông đi để biết, để hiểu cuộc sống đang như thế nào và đang cần gì ở ngành Văn hóa Thông tin. Nhiều ý tưởng, chủ trương, nhiều quyết định của ngành Văn hóa Thông tin hồi đó đã ra đời ngay sau những chuyến đi như thế. Đó là tác phong làm việc của ông. Ông bảo, đó cũng là cách học nhanh nhất, cụ thể nhất để bù đắp cho khoảng trống vì trước đó ông chưa từng được đào tạo chuyên môn gì về Văn hóa và Thông tin. Đi nhiều nên ông rất hiểu anh em, đồng nghiệp. Là người đến sau nhưng ông luôn gắn bó, hòa đồng với mọi người; Có sự thông cảm chân thành, sẻ chia sâu sắc với anh em, đồng nghiệp. Ông cũng là người khiêm tốn, khiêm nhường. Gặp lại cán bộ cũ của ngành, nhớ lại cái thời gian khó của những năm khó khăn và xộn rộn, nhiều người vẫn bảo, ông Tiến là người chịu đựng giỏi. Hồi đó có những người thiển cận và nanh nọc với ông nhưng ông vẫn bình thản và sống tốt. Ông bảo, sống tốt để làm việc cho tốt. “Sự trải nghiệm và va đập nhiều cho ông một ứng xử điềm đạm, thêm chút dí dỏm bản năng nên ông không nặng lời với ai. Khi tranh luận một vấn đề nào đó, ông ôn tồn, nhẹ nhàng nhưng quyết tranh luận đến cùng để bảo vệ quan điểm của mình. Vậy nên ông được nhiều người quý kể cả anh em ở Bộ Văn hóa - Thông tin” - ông Đặng Khắc Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT, nay là Hiệu Trưởng Trường Cao Đẳng Sư phạm Nghệ An nhận xét.

Hoạt động văn hóa luôn là công việc khó vì đòi hỏi phải tâm huyết và có năng lực sáng tạo. Chuyện ngành văn hóa là chuyện con người, chuyện cá tính sáng tạo, và cả chuyện nhân văn ứng xử... Ở đó, các văn nghệ sỹ họ phục tài nhau, phục tài lãnh đạo mà làm việc, mà sáng tạo. Lãnh đạo ngành văn hóa phải có tư chất nghệ sỹ và tư chất thủ lĩnh. Anh phải làm cho người ta phục, không vì Nghệ thì cũng phải vì Tâm thì mới hòng lãnh đạo được họ. Trần Nhật Tiến không phải là nghệ sỹ về phương diện nghề nghiệp nhưng bù lại ông có tâm hồn nghệ sỹ và có cái tâm, cái bản lĩnh của một thủ lĩnh. Ông chịu chơi, dám làm dám chịu và dám chịu thay cho cả cấp dưới của mình. Bởi vậy mà, trời thương, thời ông làm giám đốc, ngành văn hóa có cả đội ngũ đông đảo nhiều thế hệ văn nghệ sỹ tài năng, hào hoa và tâm huyết. Đội ngũ ấy có thể sánh với bất cứ địa phương nào trong nước hồi đó. Chưa hết, nhiều văn nghệ sỹ ở Hà Nội, ở các đại phương khác cũng gắn bó với Nghệ tĩnh, với Trần Nhật Tiến. Họ gắn bó với ông vì ông hiểu họ, quý và trọng họ. Ông là người tổ chức triển lãm ảnh cá nhân đầu tiên của Nghệ Tĩnh  cho nghệ sỹ nhiếp ảnh Văn Đồng; Và cũng chính ông là người chịu trận trước nhiều văn nghệ sỹ khi chưa hiểu nhau để rồi hiểu ra nhau, thông cảm và gắn bó với nhau. Người ta còn nhớ, khi bắt đầu cơ chế tự hạch toán, bộ máy 5 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp quá cồng kềnh, kém hiệu quả. Được sự tham mưu và hỗ trợ của một số đồng nghiệp, cộng sự, ông đã mạnh dạn vận dụng một số cơ chế cho anh em về nghỉ sớm. Có đơn kiện, nhưng phần lớn mọi người đều hiểu cái tâm ý, cái thiện chí của ông, và hiểu cả yêu cầu của sự nghiệp văn hóa lúc bấy giờ nên đã ủng hộ và nhờ thế mà ông thoát nạn, các đoàn nghệ thuật cũng được nhẹ gánh để hoạt động hiệu quả hơn. Ông vẫn thường làm việc có trách nhiệm như vậy. Trần Nhật Tiến là người tinh tường và mẫn cảm khi  đọc đúng khả năng để sắp xếp công việc hợp lí, tạo thời cơ, điều kiện cho anh em thể hiện sở trường, tài năng của mình. Nhiều người trong hàng ngũ không còn nữa nhưng họ đã làm nên một thời đáng nhớ cho sự nghiệp văn hóa của Nghệ An và… Nghệ Tĩnh. Phải chăng ta có thể tìm ra hình ảnh một Trần Nhật Tiến phong trần và lặng lẽ trong đội ngũ ấy.

Ông Tiến là giám đốc sở Văn hóa – Thông tin Nghệ Tĩnh rồi Hà Tĩnh từ đầu năm 1980 cho đến gần hết năm 1993. Ai đã sống những năm tháng đó trên đất Nghệ mới có thể cảm nhận được sự khó khăn, gian nan, phức tạp mọi bề của con người nơi đây. Bão lụt triền miên. Đói ăn, thiếu mặc. “Năm 80, dân xứ nghệ mặt vàng như Nghệ”, và, “Nghệ Tĩnh mình ơi, trung ương gọi lấy mì”. Nghệ Tĩnh lại là điểm trung gian của nhiều tuyến đường Bắc – Nam, Đông – Tây. Tôi phạm như nấm. Văn hóa nhiều nơi đổ về, tốt – xấu lẫn lộn, lai căng, biến thái đều có.. Rồi Đổi mới – Mở cửa, mọi thứ ùa vào. Cả xã hội bỡ ngỡ khi tiếp tiếp xúc với biết bao nhiêu cái mới nhưng chưa thể phân biệt được tốt – xấu, đúng sai. Trong cái túng thiếu đó những bất ổn về tư tưởng xuất hiện, trầm lắng nhưng phức tạp… Ông Tiến đã được điều về làm Trưởng ty/Giám đốc đúng vào lúc này. Khó khăn nhất, và, phức tạp nhất. Phải chăng ông đã được chọn để làm cái công việc này, vào thời điểm này là vì cái chất phong trần, trầm tĩnh, chịu đựng, chịu chơi cùng với vốn kinh nghiệm hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực chính trị. Quả là ứng với bản tính của ông, với thời thế, điều kiện thời ấy, cái cách làm văn hóa của ông, hay đúng hơn là những việc ông làm cho, và trong, sự nghiệp văn hóa không ồn ào, không có những sự kiện hoành tráng của cờ - đèn - kè – trống mà trầm lặng, nhưng sâu và chắc. Ông và các đồng nghiệp cố gắng tạo ra những giá trị đích thực có thể trong thiếu thốn về kinh tế hơn là những kích thước bộn bề vật chất vô cảm, vô mỹ. Thời đó, ngành văn hóa những công trình, những việc làm, dù là nhỏ hay to, đều không ồn ào, khoa trương mà vẫn cuốn hút lòng người. Một cuộc triển lãm nhỏ cũng kéo hàng ngàn hàng vạn người dân đến xem vì họ tính đến nên làm như thế nào, lúc nào, ở đâu. Đó là thời mà cán bộ văn hóa rất biết trọng đồng tiền và biết – hiểu và quý cái hay, cái đẹp để chăm sóc cho đời sống cộng đồng.

Khó khăn, nhưng thập kỷ 8o là thời kỳ ngành văn hóa hoạt động rất năng nổ và có hiệu quả rõ rệt.  Các hoạt động bảo tồn, bảo tàng, thư viện, điện ảnh, văn công chuyên nghiệp, văn nghệ thông tin cơ sở đã phát triển đều khắp góp phần quan trọng ổn định tình hình tư tưởng và làm phong phú đời sống văn hóa nhân dân tỉnh nhà. Tại nhiều cuộc họp của Bộ Văn hóa, Nghệ An đã được nêu gương. Không ồn ào nhưng nhiều hoạt động nổi bật đã diễn ra và luôn tạo ra nhưng kết quả và giá trị cần có. Kỉ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Liên hoan tiếng hát Làng Sen, Hội thảo về Xô viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Phạm Hồng Thái...

Sự nhạy bén và thông minh giúp ông nắm bắt tình hình nhanh và có quyết sách đúng, từ mọi lĩnh vực của văn hóa: bảo tồn, bảo tàng, thư viện, văn hóa cơ sở, nghệ thuật biểu biễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, báo chí, truyền thông, xuất bản... Điều mà ông trăn trở nhiều nhất lúc đó là vấn đề xây dựng nếp sống mới để người dân có một môi trường sống văn hóa lành mạnh, để đẩy lùi những cái xấu, và để làm yên những vấn đề tư tưởng trong đời sống cộng đồng. Nhờ nắm chắc tình hình cơ sở, ông đã chủ trương tập trung xây dựng phong trào văn nghệ thông tin ở huyện Yên Thành và chọn xã Diễn Minh [Diễn Châu] để xây dựng điển hình về nếp sống mới nhằm rút kinh nghiệm để nhân rộng ra toàn tỉnh. Chủ trương đó của ngành văn hóa – thông tin đã cho kết qủa tốt. Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa ở Diễn Minh, phong trào văn nghệ ở Diễn Bình đã nổi tiếng cả nước và được nhân rộng ra nhiều địa phương của Nghệ Tĩnh, tác động sâu sắc trong đời sống văn hóa cộng đồng. Ngay cả những số tạp chí Văn hóa Nghệ Tĩnh đầu tiên mà ông chịu trách nhiệm xuất bản, ông cũng rất lưu ý anh em nêu các gương điển hình ở cơ sở để động viên phong trào. Ông trực tiếp sửa, duyệt từng bài viết cũng như sửa từng công văn, và, mọi người đều bị thuyết phục rằng ông sửa đúng, tinh tế. Đến bây giờ ông vẫn nhắc đi nhắc lại với chúng tôi, cần phải chú ý để việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở hiện nay không trở thành hình thức.

Thời của ông, người ta làm văn hóa không phải bằng tiền, bằng tư duy dự án. Hồi đó, khi mà cả cái ăn cũng còn chưa đủ no, người ta làm văn hóa bằng tài năng, tâm huyết, và bằng cả ý chí. Mọi người cùng lăn lộn về cơ sở, vừa hướng dẫn vừa tác nghiệp. Hướng về cơ sở, không phải hô hào, mà bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, dù là nhỏ nhất. Từng cán bộ, từng nhóm cán bộ của Sở hết đợt này đến đợt khác về nằm vùng để sưu tầm các di sản văn hóa phi vật thể, nhất là sưu tầm dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh. Giúp bà con giảm bớt cái đói trong hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, các đội chiếu bóng, 5 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp hoạt động rất mạnh. Chiều 30 Tết hay đêm giao thừa anh em vẫn biểu diễn phục vụ nhân dân. Khắp nơi rộn ràng không khí văn nghệ. Nhớ về một hoạt động được khởi nguồn và rất có hiệu quả, có dấu ấn sâu sắc trong thời kì ông Trần Nhật Tiến làm thủ trưởng, ông Trần Hồng Cơ nhận xét: Nếu ông Nguyễn Hữu Thuông, ông Nguyễn Xuân Bính là cha đẻ thì ông Trần Nhật Tiến là bà đỡ của Liên hoan Tiếng hát Làng Sen mà đến thời sau này được phát triển thành Lễ hội Làng Sen.

Cũng không thể không nhắc đến một công việc lớn, thành quả lớn của ngành VHTT hồi đó là việc sân khấu hóa dân ca Ví Giặm, xây dựng kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Năm1980, ngành tổ chức Hội nghị về dân ca Ví Giặm, đánh giá khái quát những kết quả sưu tầm, nghiên cứu dân ca Nghệ Tĩnh, bước đầu đánh giá tính chất và những đặc trưng cơ bản của dân ca Ví Giặm, đồng thời đề ra phương hướng tiếp tục cuộc vận động sưu tầm khai thác phát triển vốn âm nhạc truyền thống ở địa phương. Năm 1984 và 1987, ngành VHTT Nghệ Tĩnh tiếp tục tổ chức hai cuộc hội thảo lớn về dân ca và kịch hát Nghệ Tĩnh. Đây là những cuộc hội thảo thực sự có chất lượng, có tầm quan trọng mang tính chất đặt nền móng về lí luận, tổng kết thực nghiệm và định hướng cho sự phát triển của giai đoạn tiếp sau. Những tham luận của hai cuộc hội thảo này, năm 1991, đã được ông chỉ đạo in thành sách Từ dân ca đến kịch hát, trở thành một tài liệu quý cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về dân ca, kịch hát Nghệ Tĩnh. Những vở kịch hát lớn như Hoa đất, Trắng Hoa Mai, Mai Thúc Loan... cũng đã được dàn dựng trong giai đoạn ông làm Giám đốc. Đặc biệt, vở Mai Thúc Loan [Huy Chương vàng hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985] là vở diễn đạt tới đỉnh cao nhất của quá trình thể nghiệm kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh từ năm 1970 và đến nay vẫn chưa có vở nào vượt qua được.

Năm 1988 ngành VHTT Nghệ Tĩnh được tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Cuối năm 1991, ông về làm giám đốc sở VHTT Hà Tĩnh. Cả thảy ông có 14 năm gắn bó với ngành, với sự nghiệp văn hóa – thông tin Nghệ - Tĩnh. Đó là thời gian khó nhất của đất nước kể từ sau năm 1975. Không là nghệ sỹ, không là văn nhân nhưng ông xứng đáng là người bạn, là người lãnh đạo thân thiết, hiểu đời, hiểu nghề để cùng đồng nghiệp, cộng sự tạo dựng cho sự nghiệp văn hóa Nghệ Tĩnh một giai đoạn ổn định và phát triển, có nhiều thành tựu và giá trị đáng trân trọng. Không ồn ào, lặng lẽ lao động và suy tư, nhưng dấu ấn công việc của ông vẫn đang hiện hữu với cuộc sống hôm nay./.

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434657

Hôm nay

2277

Hôm qua

2310

Tuần này

21307

Tháng này

211705

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434657