Người xứ Nghệ

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh

TIỂU SỬ:

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh còn có bút danh: Vũ Ngàn Chi, sinh năm 1934 tại Hà Tĩnh. Mất 21.10.2014 tại Hà nội. Vào bộ đội năm 1947. Làm diễn viên sân khấu. Ðơn vị nghệ thuật cuối cùng là Ðoàn kịch nói Quân đội. Là hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Công tác tại Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội từ năm 1971 đến năm 1999 (nghỉ hưu). Bài thơ đầu tiên in năm 1955. Ðã từng diễn kịch, làm phim, viết báo nhưng việc chính là làm thơ.

Ðã in mười hai tập thơ và hai tập bút ký.

 TÁC PHẨM CHÍNH:

Thơ

Ðêm Quảng Trị(bút danh Vũ Ngàn Chi) - 1971; Ngọn lửa dòng sông - 1976; Xamakhi - 1981; Lối vào phía Bắc - 1982; Trăng sau rằm - 1985; Ðất hai vùng - 1986; Miền hương lặng - 1993; Thơ, 1995; Nhặt lá - 1996; Bến tìm sông - 1998; Khúc rong chơi - 2000.

Văn xuôi

Góc núi xôn xao- ký, 1999; Bài hát về cây ngải cứu - ký, 2000.

TỰ BẠCH:

Từ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, nếu tôi nghe theo lời nhạc sĩ Phạm Duy, có lẽ tôi trở thành người hoạt động ở ngành nhạc. Nhưng tôi ham thích sân khấu. Tôi theo anh Bửu Tiến. Tôi phải vượt qua nhiều khó khăn để đứng được trên sàn diễn hai mươi lăm năm. Diễn viên kịch là một nghề cao quý. Có thể gắn bó trọn đời người. Nhưng phía sau các vai diễn là lớp son phấn tạo sự hóa thân kỳ diệu... tôi vẫn là tôi. Vẫn muốn có tiếng nói riêng của mình. Một thứ tiếng nói có thể đối thoại tiếp với một người. Không cần hai cánh màn khép mở. Không cần cái khung kịch bản văn học, kịch bản đạo diễn. Không đợi lên đèn. Những bài thơ đầu tiên ra đời khi tôi đã là diễn viên thực thụ. Và thế là tôi phạm nhiều khuyết điểm trong những quy chế nghiêm ngặt của sân khấu. Tôi phân thân. Chỉ chực thoát ra như con chim bị nhốt chặt trong lồng. Chính những bài thơ thời chống Mỹ tôi viết để tự cứu mình.

Rồi bầu trời thơ ca mênh mông, cánh rừng thơ ca thăm thẳm, cuộc tìm kiếm thơ ca đầy quyến rũ và không bị trói buộc ấy là của tôi. Một hành trình không có ga dừng, không có trạm nghỉ. Khi có dấu hiệu mệt mỏi, tôi thường ngoái lại gọi tên một người lính, một người tình. Hai người này chứ không phải ai khác đã cổ vũ tôi nâng sức tôi bay tiếp. Tôi đoán chắc rằng bài thơ sau cùng của cuộc hành trình đam mê và trắc ẩn cũng chỉ vì một trong hai người đó mà thôi.

6-1996

NHẬN ĐỊNH:

Phạm Ngọc Cảnh là một trong những người đầu tiên trong lớp nhà thơ nhà văn chống Mỹ trăn trở tìm tòi về đổi mới về thi pháp. Thơ anh một thời cũng bị một số người coi là cầu kỳ, khó hiểu nhưng được nhiều bạn trẻ yêu thích trân trọng. Sớm đổi mới cả về thi pháp và về công tác biên tập, nhưng Phạm Ngọc Cảnh cũng chưa được ghi nhận đúng mức những đóng góp của mình cho nền thơ. Sự thua thiệt trong đời thì do nhiều nguyên nhân, nhưng bù lại Phạm Ngọc Cảnh có nhiều bạn tốt.

Hết mình với thơ, với bạn, nhưng Phạm Ngọc Cảnh sống bằng nghề điện ảnh... Có lẽ Phạm Ngọc Cảnh lần đầu tiên trở lại với diễn viên trong trường quay điện ảnh là vào năm 1987 tôi mời anh đóng vai ông đại tá trong phim Ngọn đèn trong mơ. Nhưng cái nghề diễn ấy chỉ có thể dùng làm kỷ niệm giữa hai nhà thơ, đâu có thể nuôi sống anh và cả gia đình, nên anh không thể đến được với nghệ thuật thứ bảy trong tư cách diễn viên. Phạm Ngọc Cảnh xoay xở làm phim tài liệu, viết kịch bản, viết lời bình, dựng phim để lấy tiền nuôi gia đình trong suốt mười năm chị Tị vợ anh nằm liệt trên giường bệnh. Phạm Ngọc Cảnh nói với tôi rằng anh thầm cảm ơn ngành điện ảnh, truyền hình đã giúp anh vượt qua thời gian khắc nghiệt đó. Là người trong ngành, tôi chẳng giúp được gì anh trong làm phim. Tôi cũng cảm như mình có lỗi với anh, nhưng thực tình mà nói, bản thân tôi cũng chưa tổ chức và tham gia thực hiện được một số lượng hàng trăm phim tài liệu như anh. Những bộ phim Khoảnh khắc mùa xuân, Những giờ phút cuối đời của Bác, Nghi Xuân là những phim có lời bình hay, giàu chất thơ, có nét riêng của ngòi bút Phạm Ngọc Cảnh - trong sáng, sâu sắc và đôn hậu.

ĐỖ MINH TUẤN
Hà Nội ngày 4-6- 1998

Năm 13 tuổi Phạm Ngọc Cảnh rời thị xã Hà Tĩnh gia nhập Trung đoàn 103 Hà Tĩnh và liên tục khoác áo lính từ bấy đến nay. Hơn 30 năm, trải qua mấy cuộc chiến tranh, Phạm Ngọc Cảnh đã đi qua thời trai trẻ với những năm tháng không yên của đất nước mình. Nhưng ở anh, giọng nói, tiếng cười còn rất trẻ, và ngọn lửa của lòng say mê nghệ thuật vẫn hừng hực cháy.

Trước khi được bạn đọc biết đến với danh nghĩa nhà thơ, Phạm Ngọc Cảnh đã là một diễn viên có "hạng" của Ðoàn kịch Quân đội. Rất yêu thơ, nhưng ánh đèn sân khấu cũng có một sức hút kỳ lạ đối với anh. Một thời gian khá dài Phạm Ngọc Cảnh đã chung thủy với cả hai người yêu đẹp là Sân khấu Thơ. Tên anh xuất hiện trên các bảng phân vai của vở diễn và dưới các bài thơ in báo. Cho đến năm 1971, từ chiến trường Nam ra Bắc anh mới rời hẳn đoàn kịch về Tạp chí Văn nghệ quân đội làm biên tập, để có điều kiện chuyên hơn với công việc sáng tác.

Gần 30 năm qua, có thể nói chặng đường thơ của Phạm Ngọc Cảnh như một dòng chảy liên tục không ùn tắc. Bạn đọc thấy anh có mặt khá đều đặn trên các mặt báo, các trang sách và trong những tuyển tập. Anh là một cây bút say mê, tận tụy và chuyên tâm đi đến cùng với thơ. Cho đến thời điểm năm 1989, Phạm Ngọc Cảnh đã có trong tay bẩy tập thơ. Ðối với nghệ thuật, số lượng không phải là thước đo giá trị, nhưng vẫn có một ý nghĩa rất lớn. Nó chứng tỏ tâm huyết, sức lao động và độ tập trung của cảm xúc. Do vậy nó cũng phải được ghi nhận như là một yếu tố làm nên bản sắc và tài năng.

Ðọc thơ Phạm Ngọc Cảnh, dễ nhận thấy anh là người chịu khó tìm tòi, luôn luôn cố gắng đổi mới giọng điệu, dẫu rằng sự tìm kiếm đó không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả. Cùng với thời gian, ngòi bút Phạm Ngọc Cảnh ngày càng nhuần nhị, đa dạng và rõ nét hơn. Tuy mức độ "vào" người đọc ở từng bài, từng tập có khác nhau, nhưng nói chung thơ Phạm Ngọc Cảnh có ý để nhớ, có tình để cảm và rõ hơn là có công sức mồ hôi của lao động nghệ thuật. Thơ anh đã mở ra được nhiều hướng của đời sống.

Nói đến thơ Phạm Ngọc Cảnh nhiều người hay nhắc đến bài Sư đoàn, coi đó như là một cái "đỉnh" của thơ anh. Thật ra không hẳn như vậy. Dẫu rằng lúc đó nó đã để lại một dấu ấn thật tươi mới trong phong trào sáng tác thơ. Giai đoạn sau này thơ Phạm Ngọc Cảnh nhiều rung cảm, có chiều sâu hơn. Anh đã có được những bài đạt tới độ cao của sự hài hòa giữa cảm xúc và hình thức biểu hiện. Những bài thơ đó sẽ trở thành người đồng hành yêu mến của bạn đọc không phải chỉ một thời. Một trong những thành công đáng kể đó là bài Trăng lên. Bài thơ viết về Bác Hồ với một nỗi xúc động sâu sắc và một niềm thành kính thiết tha. Hình ảnh vầng trăng xuyên suốt bài thơ, vừa hiện thực vừa lung linh huyền ảo gợi được không khí cho cả bài bằng những câu thơ sâu lắng, giàu nhạc điệu:

Trăng lên - kìa trăng lên
Quảng trường dâng biển sáng
Ôi vầng trăng Ba Ðình
Mênh mông và thiêng liêng
Con thấy cõi vô biên
Không như lòng đã nghĩ
Khi gặp nét thần tiên
Trong khuôn vàng dung dị
Trong lăng Bác chợp nghỉ
Như sau mỗi việc làm
Trăng ơi trăng biết thế
Trăng bước nhẹ nhàng chăng

Hình ảnh vầng trăng và Bác thật cao quý mà cũng vô cùng gần gũi, luôn tỏa sáng cho mỗi cuộc đời. Trăng lên đã được coi là một trong những bài thơ hay viết về Bác. Bài thơ càng có sức lan tỏa rộng rãi hơn khi trở thành một ca khúc xuất sắc của nhạc sĩ Thuận Yến.

Phạm Ngọc Cảnh là một trong số không nhiều những nhà thơ được coi là có tài diễn thuyết. Xa sàn diễn đã lâu nhưng cái "duyên" sân khấu vẫn còn. Phạm Ngọc Cảnh đã có hàng trăm cuộc nói chuyện với công chúng yêu thơ. Anh là người cổ động tích cực nhất cho hình thức xuất bản thơ "bằng miệng". Những dịp tiếp xúc với độc giả đã giúp cho anh nhìn được thơ từ nhiều phía, giúp cho anh có thêm tình yêu và lòng nhẫn nại để đi đến cùng với thơ. Tôi vẫn còn nhớ rõ ấn tượng sâu sắc khi lần đầu được nghe bài Lý ngựa ô ở hai vùng đất. Hôm đó tác giả tự trình bày bài thơ của mình trên sân khấu Nhà hát thành phố trong đêm thơ do Ðài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Ðã hơn mười năm. Số lượng những bài thơ còn lại với trí nhớ trong khoảng thời gian ấy không phải là nhiều. Hôm nay đọc lại, tôi càng cảm nhận rõ hơn cái hay, cái đẹp của nó. Lý ngựa ô ở hai vùng đất có sự tròn đầy của một bài thơ hay cảm xúc chín, liên tưởng phong phú, cách dựng ý và câu chữ được chọn lọc kỹ lưỡng... Nhưng tất cả những cái đó dường như lùi lại phía sau, người đọc bị cuốn hút bởi nhịp điệu say mê, hối hả, bởi cái tình sâu nặng ẩn trong những câu thơ

Hóa vô tận bao điều mơ tưởng ấy
Bao câu hát ông cha mình gởi lại
Sao em thương câu lý ngựa ô này
Sao anh nghe đến lần nào cũng vậy
Sao chỉ thấy riêng mình em đứng đấy
Chỉ riêng mình em hát với anh đây.
... Thế mà bên em
bên em móng ngựa gõ mê say
... Ngựa tung bờm bay qua biển lúa
Ngựa ghìm cương nơi sông xòe chín cửa tiếng hí chào xa khơi.

Không có điều kiện để trích dài, nhưng bỏ đoạn nào cũng thấy tiếc. Bài thơ này in đậm dấu ấn Phạm Ngọc Cảnh, ào ạt dữ dội mà cũng thật trữ tình sâu lắng. Trong thơ anh có những câu, những hình ảnh tài hoa và đột ngột khiến người đọc sững sờ như gặp một bóng mát trên con đường đầy nắng lửa.

Cũng như phần lớn những nhà thơ quân đội, Phạm Ngọc Cảnh viết nhiều về người lính. Hình ảnh anh bộ đội trở đi trở lại trong thơ anh như "món nợ" suốt đời không trả hết. Người lính được mô tả dưới nhiều góc độ khác nhau: khi chiến trận gian lao, lúc tĩnh lặng đời thường, khi dũng cảm hy sinh, lúc mộng mơ say đắm. Ðó là những con người mà anh thường tâm niệm "dù đến tuổi giã từ đoàn quân và khẩu súng - có bao giờ quên đâu". Ðúng, làm sao có thể quên được khi cuộc sống hôm nay được đổi bằng rất nhiều xương máu. Sự tưởng nhớ và kỷ niệm về những người đã khuất đã trở thành một phần của cuộc sống hiện tại. Và chắc chắn điều đó khiến người ta sống tự tin, có trách nhiệm hơn trong cuộc sống bộn bề của hiện tại.

... Những nấm mồ bè bạn dọc rừng xanh
Lời thề trang nghiêm trước mỗi lần chiến dịch
Nước mắt là bao đạn thắt quanh mình.

(Thơ cho một người lính trẻ)

Thơ Phạm Ngọc Cảnh không phải đã hết những bài mà người đọc chưa đồng cảm được. Có lẽ vì anh còn ồn ào, ít ý mà nhiều lời. Anh hay nói quá mức những điều đáng ra có thể diễn đạt một cách bình thường, giản dị. Và đôi khi vì anh quá coi trọng sự "tìm tòi, đổi mới" nên đi vào xu hướng cầu kỳ, bí hiểm. Có người nói Phạm Ngọc Cảnh là người làm thơ có "nghề". Ðó là tiếng khen mà cũng có thể là lời chê. Ðiều dễ nhận thấy là thơ Phạm Ngọc Cảnh ít có những bài viết vội. Anh thường viết kỹ lưỡng, chịu khó thay đổi. Thơ anh đa dạng, giàu liên tưởng và đậm chất nghĩ suy. Phạm Ngọc Cảnh là người làm thơ đầy tâm huyết và tự tin. Mong rằng ở chặng đượng sắp tới dòng sông thơ của anh vẫn sôi nổi, dào dạt và có sức lắng đọng hơn nơi người đọc.

LƯU KHÁNH THƠ

TÁC PHẨM:

LÝ NGỰA Ô Ở HAI VÙNG ĐẤT

Anh lớn lên vó ngựa cuốn về đâu
gặp câu hát bền lòng rong ruổi mãi
đường đánh giặc trẩy xuôi về bến bãi
Lý ngựa ô em hát đợi bên cầu.

Hóa vô tận bao điều mơ tưởng ấy
bao câu hát ông cha mình gửi lại
sao em thương câu lý ngựa ô này
sao anh nghe đến lần nào cũng vậy
sao chỉ thấy riêng mình em đứng đấy
chỉ riêng mình em hát với anh đây.

Làng anh ở ven sông
Sắp vào tháng tư
mắt tình tứ rủ nhau về hội Gióng
mùi hương xông nụ cười lên nhẹ bẫng
ai chẳng ngỡ mình đang đi trong mây
ai chẳng tin mình đang rong ngựa sắt
cả một vùng sông ai chẳng hát
sao không nghe câu lý ngựa ô này

Thế mà bên em móng ngựa gõ mê say
qua phá rộng duềnh lên gợn sóng
qua truông rậm
đến bây giờ anh buộc võng
gặp mối dây buộc ngựa gốc lim già
suốt miền Trung sông suối dày tơ nhện
suốt miền Trung núi choài ra biển
nên gập ghềnh câu lý ngựa ô qua

Anh đa tình nên cứ muốn lần theo
xấu hổ gì đâu mà anh giấu diếm.
Ðêm đánh giặc mịt mù cao điểm
vạch lá rừng nhìn xuống quê em
mặt đất ra sao mà thúc vào điệu lý
khuôn mặt ra sao mà suốt thời chống Mỹ
lý ngựa ô hát đến mê người
mỗi bước mỗi bồn chồn về em đó em ơi.

Hay vì làng anh ở ven sông
những năm gần đây tháng tư vào hội Gióng
đã hát quen lý ngựa ô rồi
khen câu miền Trung qua truông dài phá rộng
móng gõ mặt thời gian gõ trống
khen câu miền Nam như giục như mời
ngựa tung bờm bay qua biển lúa
ngựa ghìm cương nơi sông xòe chín cửa
tiếng hí chào xa khơi...
hay em biết quê anh ngoài đó
câu hát bắc cầu qua một thời quan họ
câu hát xui nhau nên vợ nên chồng
lý ngựa ô này hát theo đường đánh giặc
có điều gì như thế ẩn vào trong?

Em muốn về hội Gióng với anh không
để anh khoe với họ hàng câu lý ấy
em muốn làm dâu thì em ở lại
lý ngựa ô xin cưới sắp về rồi
đồng đội anh đã trọn mùa thắng giặc
cũng sắp về chia vui.

Bài thơ ngắn tặng con sông dài

Sông rồi biến dạng
Ông có về đừng nhầm lối Hang Tôm
Cầu chìm lỉm nổi nênh vầng mây xám
Vò rượu theo ông gió ghé nhòm.

Ông mê đắm hội Xòe và hàng khuy bướm bạc
Nguồn duềnh không chạm gót chân son
May ra còn trang viết của ông vượt thác
Còn mùa trăng mới Nguyễn nghịch vê tròn (*)

Có là gì sông vẫn theo ông
Ra tít mù khơi xa kiễng chân tìm thuở ấy
Chiềng Pấc, Chiềng Pheo chi rồi cũng đã tang bồng
Cho giọt lửa bò lên nương rẫy.

Thiếu vạt cỏ Quỳnh Nhai vừa vuông chiếu trải
Ðem độc ẩm lên non nhấm nháp vị sương trời
Ông thử gõ đầu can vào bờ mé phải
Và sông Ðà đưa Nguyễn cùng xuôi.

2001

Trăng lên

Kính tặng Binh đoàn bảo vệ Lăng Bác

Trăng lên, kìa trăng lên
quảng trường dâng biển sáng
ôi vầng trăng Ba Ðình
mênh mông và thiêng liêng.

Con thấy cõi vô biên
không như lòng đã nghĩ
khi gặp nét thần tiên
trong khuôn vàng dung dị

Trong lăng, Bác chợp nghỉ
như sau mỗi việc làm
trăng ơi, trăng biết thế
nên bước nhẹ nhàng chăng.

Như đầy thuyền trăng ngân
rằm xưa sông Ðáy hát
Bác luận bàn việc quân
dưới trăng rừng Việt Bắc.

Gió hàng tre dào dạt
quanh Lăng như đầy thuyền
con được mang tình Bác
vượt sóng thời gian lên.

Con đứng gác bên thềm
con được là thủy thủ
thả mái chèo êm êm
trong mơ màng vũ trụ.

Ôi vầng trăng xứ sở
trong thơ Bác muôn đời
xin được cùng gìn giữ
hạnh phúc này thơ ơi.

Cho sông núi đất trời
biên cương và hải đảo
thắng giặc, chúng con mời
bóng trăng lồng sắc áo.

Là người con hiếu thảo
được gác với đêm rằm
mời vầng trăng yêu dấu
bước lên thềm, vào Lăng...

6-1-1985

Sư đoàn

Sẽ có những sư đoàn thép
Bất kỳ nơi đâu
Không khuất phục tù đày chém giết
Nơi đâu
Người sống nợ nần người chết
Bất kỳ nơi đâu, từ một cây "mút nhét"
Một sải xuồng bơi
Một nọc ong châm góp làm sự nghiệp
Gốc tre xanh thắng trận cả đời
Ba mươi triệu tấm lòng xông ra tuyến lửa
Vạch lối điều quân
Vai chảy xe thồ
Trồng cây xanh che chở
Mỗi bước quân đi
Ðánh trận trường kỳ
Ðêm trước núp trong lùm bắn tỉa
Sớm sau giàn trận chính quy
Ðến trận bão hiệp đồng cả nước
Mỗi sư đoàn mang gió lốc bay đi...

Ðất giải phóng thênh thang
Sẽ cho ta dàn đội ngũ - sư đoàn
Phía trước gọi ta
Những Ðiện Biên, vòng đai thép tung ra làm chiến dịch
Ðòn gánh hậu phương vượt đèo đi phản kích
Hành quân
Hành quân...
Trùng điệp những sư đoàn
Ai lên phía Bắc
Tràn về hướng Nam
Những vị tướng lại cầm quân đi đánh giặc
Trải bản đồ
Còn nguyên
Vạch chỉ đỏ thắt quanh hầu giặc Pháp
Bài học chiến tranh nhân dân
Lại tiếp
TRANG ẤP BẮC, PLÂY me
Và chiến công trên ngực áo những binh nhì

Ðất nước sẽ cho ta
Những chùm con số đẹp
Làm tên gọi khai sinh sư đoàn thép
Này đây
Doi cát Cửu Long
Sư đoàn Châu thổ
Giữa bãi sú, rừng tràm
Vụt đứng dậy sư đoàn Nam Bộ
Sư đoàn Tây Nguyên
Từ hầm chông, bãi đá, cung tên
Này đây Cực Nam, Phan Rang, Phan Thiết
Này đây Quảng Ngãi, Phú Yên...
Trên nguồn xa O Lâu, Thạch Hãn
Sẽ tiến về
Sư đoàn Trị Thiên

Lại có một ngày
Mọi cửa ô xanh Sài Gòn hớn hở
Như Hà Nội đã từng
Ba mươi sáu đường hoa tung sóng đỏ
Phất rừng cờ thổi hồng ngọn gió
Ðón con em
Ðón những sư đoàn
Mang chiến thắng trở về
Rập bước
Ca vang.

1966

Lục bát để dành

đêm nào trời thật tròn trăng
mẹ đem câu hát này giăng lưới chờ
bắt cho con cả mùa thơ
mấy năm mẹ hát ầu ơ một mình

Ði vòng khắp nẻo hành tinh
bói đâu ra được như tình mẹ đây
mưa dồn bão đến bao vây
mẹ che khô hạn hết ngày chờ con

Cha quen dành dụm nỗi buồn
mẹ đem phơi với khô giòn nắng trưa
bắt con tép mại làm vua
con cáy làm giặc con cua làm hề

Bắt con sông Mã lôi về
Câu huầy dô ướt dầm dề trước sân
cha ngồi ngắm lại bàn chân
thầm mong nhớ mẹ lại thầm thương cha

à ơi xong lại ơi à
nhắc làm chi thuở xót xa con đường
trăng trôi lạnh cóng thang giường
đêm dài mong mỏi mẹ thường ru trăng.

1991

 Nguồn:blog vuhuu

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441406

Hôm nay

2123

Hôm qua

2283

Tuần này

21310

Tháng này

216580

Tháng qua

112676

Tất cả

114441406