Người xứ Nghệ

Hồi tưởng về cha tôi: Chí sỹ Hồ Học Lãm [IV]

Chương IV

Những người cách mạng

 

Mẹ tôi hay kể chuyện về Thái Lai (Hà Huy Tập), Lê Hồng Phong, Lê Tản Anh, Duy (Nguyễn Thị Minh Khai) và Lưu Quốc Long, v.v... là những người giỏi, bà nói: "Đối với cô các chú đó, mẹ không hề tiếc một cái gì, họ là những người luôn đặt sự nghiệp cứu nước lên trên hết, họ là những người có nhân cách lớn".

Trong một bữa ăn có mắm tôm và ớt, mẹ tôi kể lại một chuyện vui cho các chú ở trong nhà tôi nghe: "Hôm đó nhà ăn mắm tôm, nhân lúc Long (Lưu Quốc Long) ngủ trưa, Tản Anh bôi mắm tôm vào lỗ mũi Long. Ngủ trưa dậy, Long khịt khịt mũi, mấy anh bấm nhau cười, Long ngửi vào người, vào áo rồi vào nhà tắm. Sau khi ra làm việc một lúc, Long lại khịt khịt mũi phàn nàn: Quái, mình đã tắm rửa sạch sẽ, sao vẫn có mùi mắm tôm nhỉ? Nói xong lại ngửi ngửi bàn tay, ngửi cả lên bàn làm việc: Quái, chắc lâu không ăn mắm tôm, hôm nay ăn ngon và ăn nhiều quá, miệng hôi mùi mắm tôm. Nói xong lại vào nhà vệ sinh đánh răng, khi ra mọi người cười phá lên, Thuận (Lý Phương Thuận) hỏi: "Thế nào, hết mùi chưa?". Long nhíu lông mày nói: cứ cảm thấy phảng phất đâu đấy trong phòng (đó là phòng ngủ) này có mùi mắm tôm... Tản Anh chỉ tủm tỉm cười. Thuận cười: - Bọn tôi bôi mắm tôm vào mũi anh đó. Long cười hiền lành nói: "Bậy, bậy quá" rồi lại vào nhà tắm lấy xà phòng thơm rửa lỗ mũi... Duy thì say về chính trị, hễ nghe ai nói về thời cuộc các nước, cô cứ ngây người ra nghe, quên cả ăn. Thuận ngồi cạnh Duy, biết cô không ăn được ớt, nhân lúc Duy chăm chú nghe mọi người bàn luận tình hình các nước tư bản Châu Âu, Thuận cho miếng ớt vào bát, rồi gắp miếng thịt đặt lên trên. Duy không hay biết gì, mắt thì nghe, tay thì và miếng cơm, ăn phải ớt cay xè, mặt đỏ, nước mắt ràn rụa. Duy kêu lên: "Mình gắp phải miếng ớt mà không biết gì cả". Mọi người cười phá lên, Thái Lai (Hà Huy Tập) mải nói không hiểu chuyện gì, vẻ ngơ ngác: "Thuận lấy ngay cốc nước lạnh cho Duy uống". Thuận bưng cốc nước cho Duy, bảo: "Tao cho ớt vào bát mi đó". Duy vừa uống nước vừa xuýt xoa, vừa lau nước mắt: "Con khỉ!" rồi cười nói: "Anh Thái Lai, anh nói tiếp đi!".

Các chú nghe chăm chú và thú vị, còn mẹ tôi vừa kể vừa cười khoái chí. Tôi chăm chú nghe và hình dung cảnh trêu đùa hóm hỉnh giữa các chú, các cô thời đó. Nhưng họ đều là những nhân vật tôi hoàn toàn không biết mặt, họ ở nhà tôi vào những năm tôi chưa ra đời. và tôi ngầm hiểu, trước kia, cũng đã từng có nhiều người theo cách mạng tới ăn ở trong nhà, như các chú bây giờ, chỉ riêng Lý Phương Thuận là tôi biết mặt.

Mẹ tôi còn kể, khi sinh ra tôi, bà không có sữa, tôi được nuôi lớn bằng sữa bò, có chú Bình hay chăm bữa ăn cho tôi, khi tôi nói bập bẹ, hay kêu: "Bình, bò!". Mỗi lần tôi kêu như vậy, thì chú liền đi pha sữa cho tôi ăn. Tôi hỏi: "Chú Bình đâu rồi? Nhà mình có ảnh chú không", bà trả lời: "Các chú từ đâu đến, thầy mẹ cũng không hỏi, rồi đi đâu cũng không hỏi, đó là một nguyên tắc thỏa thuận ngầm với nhau... Đã gọi là hoạt động bí mật, những việc không thuộc phận sự mình không nên biết con ạ... Do đó, sau khi rời khỏi nhà mình, mẹ cũng không biết tung tích các cô chú Thái Lai, Bình, Duy v.v... ra sao.

Còn chú Lưu Quốc Long, nghe chú Tân Dân nói, sau khi rời nhà mình về hoạt động ở Thượng Hải. Một hôm đến chỗ hẹn họp mặt, chạm trán với bọn mật thám Pháp, chú Long bị chúng săn đuổi ráo riết, chú chạy lên tầng cao của tòa nhà nhảy xuống tuẫn tiết.”

Tôi không biết mặt chú Long, nhưng trong thâm tâm luôn lờ mờ hiểu họ là những người "không bình thường", yêu nước và bất chấp hiểm nguy hoạt động cứu nước, do đó cha mẹ tôi mỗi lần nhắc đến họ đều tỏ thái độ hết sức nể trọng. Còn tôi khi nghe chú Lưu Quốc Long hy sinh, tôi vô cùng thương tiếc và cảm phục.

Một hôm, chú Lê Tân Dân từ đơn vị về nhà chơi, trong bữa cơm trưa chú hỏi: "Này các ông, có thèm thịt chó không?". Mọi người hưởng ứng, tôi thích quá chêm một câu: "Cháu cũng thèm thịt chó lắm rồi!". Cả nhà cười ầm, từ đó các chú phong chú Dân là "cẩu nhục tướng quân", còn tôi là "cẩu nhục tiểu thư". Tôi cũng rất khoái cái biệt hiệu đó, mỗi lần các chú gọi "Cẩu nhục tiểu thư ơi", tôi thú vị cười tít mắt. Nói chung, người Trung Quốc không ăn thịt chó (trừ người Quảng Đông).

Sáng hôm sau, tôi thấy trong nhà sôi nổi, nhộn nhịp hẳn lên như một ngày hội. Tôi chạy xuống bếp, hóa ra các chú xúm nhau mổ một con chó đã cạo sạch lông. Bữa trưa hôm đó, trên bàn bày mấy đĩa bát đầy ắp nào dồi chó, nào nhựa mận, nào xúp chó, chả chó nướng thơm phức, và một đĩa giò chó được thái mỏng (đó là món ăn thơm mềm, dành riêng cho cha con chúng tôi, vì cha tôi răng rụng nhiều chiếc, còn tôi răng hà, răng sún, do đó không ăn được các món khác).

Theo mẹ kể, hai chú Dân, Trụ nướng thơm mấy miếng thịt bò bạc nhạc, ra vùng ngoại thành nơi thưa người vào buổi chiều tối, một người đi trước ném thịt bò, dử chó đi theo mình tới chỗ vắng, người đi sau phang một gậy thật mạnh lên đầu chó cho lăn quay không kịp kêu, hai người vội tống con chó vào bao tải, xách về nhà làm thịt. Có lần hai người đánh chó kêu ăng ẳng, chủ nhà chạy ra rượt đuổi, hai chú chạy bán sống bán chết. Vậy là cả nhà muốn có bữa thịt chó thịnh soạn, cũng phải tốn nhiều "cơ mưu" và công phu ra trò. Cho nên suốt hai năm ở Tam Sơn Lý, "cẩu nhục tiểu thư" là tôi cũng chỉ được ăn thịt chó có hai lần mà thôi.

Một buổi chiều rỗi rãi, mẹ tôi xuống ngồi chơi trò chuyện với các chú ở phòng ngoài, chú Lý Quang Hoa chơi cờ với chú Thược, chú Trình ngồi chầu rìa, chú Đông A (Trần Quốc Tuấn) đọc báo, mấy chú Đức, Giai, Lộc v.v... ngồi hóng mát cạnh quạt. Chú Đức hỏi mẹ tôi:

"Chị ơi, bọn tôi nghe nói có ông Nguyễn ái Quốc ở bên Pháp giỏi lắm, phải không chị?".

Được lời như cởi tấm lòng, mẹ tôi kể vanh vách các chuyện về nhân vật kỳ thú siêu phàm này. Nào là "Bản cáo trạng chủ nghĩa thực dân" làm chấn động dư luận thế giới; nào là thực dân Pháp ra sức lùng sục khắp mọi nơi, nhưng không làm sao bắt được ông. Nào là Lý Thụy, tức Nguyễn ái Quốc, bất ngờ bị Anh bắt ở Hồng Công, cuối cùng một luật sư tiến bộ Anh đã cãi trắng án cho ông Lý Thụy v.v... Các chú há hốc mồm ra nghe.

Còn khối óc trẻ thơ của tôi hình dung Nguyễn ái Quốc người cao lớn, đẹp trai, hoạt động đây đó như xuất quỷ nhập thần... Tất nhiên tôi không nhận thức được các vấn đề chính trị, bởi vì tôi mới khoảng năm, sáu tuổi.

Một hôm, mẹ lại kể: "Lý Phương Thuận chơi thân với chị Duy, kể với tôi rằng Duy ái mộ Nguyễn ái Quốc lắm, chỉ ước được gặp Nguyễn ái Quốc ... Một lần tổ chức bố trí Duy làm vợ chồng giả với một đồng chí ở Thượng Hải. Căn phòng chỉ kê được có một giường đôi. Đêm đến, hai người buộc phải nằm chung một giường. Chị Duy lấy chăn xếp lại, ngăn đôi cái giường, và bật đèn sáng trưng để ngủ. Đồng chí đó cất chăn đi, chị Duy lại đặt chăn lại chỗ cũ, đồng chí đó tắt đèn đi thì chị Duy lại bật đèn lên, làm như thế vài lần, đồng chí đó để nguyên trạng. Hai người ở với nhau được một tháng thì tổ chức lại điều chị Duy đi làm công việc khác. Khi Thuận và Duy gặp nhau, Thuận hóm hỉnh hỏi: "Thế nào, có mang chưa mi?". Chị Duy nói: "Con khỉ, người ta sống với nhau với tư cách vợ chồng giả cơ mà". Và chị kể lại đầu đuôi sự tình cho chị Thuận nghe. Chị Thuận nói: "Trời ơi là trời, ngốc ạ, đó chính là đồng chí Nguyễn ái Quốc đấy!". Chị Duy chết lặng đi ...

Mấy chú tấm tắc khen: "Đồng chí Nguyễn ái Quốc cừ thật!".

Tôi hỏi mẹ: "Thế chị Thuận cũng ở Thượng Hải à?"

"Chị Thuận lấy anh Hồ Tùng Mậu, đẻ được hai thằng con trai ở Thượng Hải. Vì phải hoạt động cách mạng, vả lại cũng không có kinh tế nuôi con, cuối cùng cả hai đứa phải cho người ta làm con nuôi...".

Năm 1930, anh Hồ Tùng Mậu bị bắt trong nước, chị Thuận không chờ được, bèn lấy anh Bùi Hải Thiệu. Khi đẻ đứa con gái đầu lòng, chị đến ở nhờ phòng chị Diệc Lan vài tháng, sau đó anh Bùi Hải Thiệu đón hai mẹ con đi nơi khác, đi đâu mẹ tôi không rõ. Thời kỳ chị tôi ở trường nuôi tằm vào khoảng đầu năm 1935, sau Tết âm lịch năm ất Hợi.

Mẹ tôi là người hay chuyện, nhờ đó tôi được nghe nhiều chuyện về cha mình và các chú. Năm 1988, khi đọc hồi ký "Tôi được làm người học trò nhỏ của Bác Hồ" của Lê Thiết Hùng nói về việc cha tôi lấy tin mật cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, tôi không khỏi ngạc nhiên và giật mình. Qua đó ngẫm lại, cha tôi biết bản tính mẹ hay nói ra các chuyện mình biết, do đó, khi ông làm công tác tình báo cho Đảng Cộng sản Trung Quốc với Lê Quốc Vọng, ông giữ sao cho mẹ tôi tịnh không biết một tí gì. Vì nếu hai chị em chúng tôi cũng biết chuyện, và cả những người như Lý Quang Hoa v.v... cũng sẽ biết, thì sẽ rất nguy hiểm. Và nếu Lê Thiết Hùng không công bố hồi ký đó, chắc chắn câu chuyện bí mật này sẽ hoàn toàn câm lặng. Tôi cảm phục cha tôi và nghĩ rằng ông làm như vậy là đúng. Như trên tôi cũng từng nói, mẹ tôi tính nóng và thẳng không đúng chỗ.

Một bữa cơm trưa vào ngày chủ nhật, mọi người vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ, không hiểu mẹ tôi nói câu gì đó, có thể xúc phạm đến các chú. Cha tôi nổi giận đạp mạnh ghế mẹ tôi đang ngồi cạnh ông, bà ngã lăn xuống đất, cha tôi lấy chân đá bà, quát:

"Sống phải biết nghĩ chứ, ăn nói thế có nghe được không?".

Hai chú giữ chặt lấy cha tôi để khỏi đá phải người mẹ tôi. Còn mẹ tôi vẻ mặt biết mình sai nhưng hiếu thắng vẫn nói: "Thì cứ đạp đi...". Tôi vừa sợ, vừa thương mẹ, khóc òa lên.

Đến giờ tôi vẫn nhớ như in cảnh tượng bữa cơm hôm đó. Đó là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất tôi thấy cha tôi nổi giận với mẹ. Sau khi các chú đỡ mẹ tôi ngồi lên ghế, cha tôi ăn vội bát cơm rồi bỏ lên nhà...

Bây giờ nghĩ lại, hẳn mẹ tôi hay làm mếch lòng các chú ở trong nhà. Năm 1967, 68 gì đó, một lần đến nhà ông Hoàng Văn Hoan ở Phan Đình Phùng, tôi hỏi:

"Chú ơi, thầy cháu cũng là người thiếu quan điểm lập trường phải không chú? Đảng cộng sản cũng hảo, Quốc dân đảng cũng hảo, phải không chú?".

Ông cười nói: "Thế là cháu chưa hiểu thầy mình rồi cháu ạ. Trong đời, chú chỉ mến phục và kính trọng nhất hai người, đó là cụ Đặng Thúc Hứa, không quản mọi gian nan, bươn chải vì cách mạng và thầy cháu. Thầy cháu không phải đảng viên, nhưng là người cộng sản ngoài Đảng. Thầy cháu dám làm bất cứ việc gì có lợi cho Đảng, thực sự ông không nề hà bất cứ việc gì và luôn phân biệt rõ trắng đen, phải trái..."

"Mẹ cháu thì sao ạ? Mẹ cháu xấu tính phải không chú?".

Ông suy nghĩ một lát:

"Mẹ cháu là người phụ nữ thông minh, sắc sảo, nhưng tính tình rất thất thường... nên có anh em trong nhà không hài lòng ... Cho nên thầy cháu nói với các chú: ‘Tất cả mọi chuyện anh em hãy nhìn vào tôi, nhìn vào tôi thôi ...’”

Vào khoảng thập kỷ bảy mươi, có lần tôi hỏi anh Lê Thiết Hùng:

"Thầy em là con người thế nào? Tại sao không vào Đảng Cộng sản hả anh?".

Anh trả lời: "Thầy là con người tuyệt vời, một lòng vì Đảng, không vào Đảng cũng chẳng ảnh hưởng thái độ chính trị đúng đắn của thầy..."

"Còn mẹ thì làm mất lòng các chú ở trong nhà phải không?".

Anh nói: “ Sinh nở nhiều lần không nuôi được, mỗi lần sinh đều phải dùng thuốc mê lấy đứa bé ra, nên mẹ em mắc chứng tâm thần phân liệt, bây giờ vợ chồng em cũng rất khổ vì tính mẹ phải không? Khi mẹ nói linh tinh là khi đầu óc không tỉnh táo, nhưng các anh em trong nhà không hiểu. Thực ra mẹ hoàn toàn không tiếc miếng ăn đối với các anh em. Bác Hồ có lần hỏi anh: - Hình như bà Hồ Học Lãm có chứng tâm thần phải không?".

Tôi giật mình về nhận xét của Bác Hồ.

Mẹ tôi rất tự hào về nhân cách và hành vi của cha tôi. Khi ở Trung Hoa Trong tủ sách gia đình vẫn lưu giữ "Binh sự tạp chí" và bà hay giới thiệu cho các chú trong nhà đọc. Hình như các chú không lấy gì làm tán thưởng các bài luận văn chính trị của cha tôi đăng ở trong tạp chí, khiến mẹ tôi bức xúc lắm. Trong một bữa cơm trưa, khi không có cha tôi ở nhà, bà nói: "Ông Hồ Học Lãm cũng chẳng tiếc một cái gì với anh em cách mạng, kể cả tính mạng của mình. Một lần anh Cả (Nguyễn Lương Bằng) từ Thượng Hải điện cho ông nhà tôi, nhờ cứu một đồng chí bị tình nghi là cộng sản, đang bị bắt bỏ tù và có nguy cơ bị xử bắn. Khi ông Lãm gặp trùm đặc vụ Trần Thành, đề nghị hắn tha bổng, Trần trả lời: ‘Cộng sản là kẻ thù chung của thế giới, dù là người Việt Nam, chính phủ Trung Quốc bắt được cũng có quyền xử tử hình, cho nên không thể thả được!’. Ông Lãm phải gọi điện thẳng cho Tưởng Giới Thạch và nói: ‘Người Việt Nam đó cũng là người yêu nước như tôi. Sau này nếu các ông tìm được chứng cớ, vì tôi mà phải thả nhầm thì tôi xin lấy đầu của mình thế vào’. Cuối cùng Tưởng ra lệnh thả. Tưởng có câu nói chống Cộng khét tiếng: ‘Thà giết nhầm một trăm người còn hơn thả nhầm một người’. Đêm nào Vũ Hoa Đài cũng có tiếng súng, giết hàng loạt thanh niên bị tình nghi là cộng sản. Thậm chí họ chôn sống hàng trăm thanh niên ở Vũ Hoa Đài. Đây là những tin mật ông Lãm nắm được. Ông Lãm chẳng qua như cá nằm trên thớt, nếu cần, chúng thịt khi nào mà chẳng được".

Chuyện cha tôi cứu đồng bào yêu nước tôi được nghe mẹ tôi kể lại hai lần, nên nhớ rất kỹ. Năm tôi mươi mười hai tuổi, nhớ lại câu chuyện đó, tôi hỏi mẹ có nhớ đồng chí đó là ai không, mẹ tôi nói: "Mẹ quên tên, vì thầy con cứu anh em cộng sản nhiều lần...". Về sau tôi có hỏi anh Lê Thiết Hùng, anh trả lời: "Anh cũng có nghe chuyện, nhưng quên không nhớ là ai...".

Bữa ăn ngày chủ nhật thường tươi hơn mọi ngày và trong bữa ăn mọi người cũng trò chuyện rôm rả hơn. Cha tôi nói: "Có anh bạn đồng sự, thấy mình làm việc chăm chỉ, có hiệu quả thực sự, anh ta nói: ‘Hồ Học Lãm, anh làm việc tốt như vậy mà vẫn chỉ là trung tá, sao không tìm gặp Bạch Sùng Hy, Lý Tế Thâm nói chuyện để họ cất nhắc cho’. Mình trả lời:

  • Đã đành có chơi thân với nhau lúc ở trường "Bảo Định quân hiệu", nhưng nay họ đều là tướng lĩnh cấp cao, mình đến gặp cũng làm phiền người ta. Họ lại bận trăm công nghìn việc ...
  • Hồ Học Lãm ơi là Hồ Học Lãm, anh khái tính quá...".

Hoặc: "Trước kia họ từng gợi ý mình vào Quốc dân đảng...". Một chú hỏi: "Thế cụ bảo sao?".

“Lúc đầu mình ậm ừ cho qua chuyện. Về sau trong một lần chuyện trò trên bàn mạt chược, mình nói: ‘Các ông xem, tôi là người nước ngoài, liệu các ông có tin tưởng hoàn toàn ở tôi không?’

‘Sao không tin, làm việc với ông bao nhiêu năm trời, hiểu ông quá chứ’.

Mình cười: ‘Các ông tin, nhưng tổ chức tối cao có tin không?... Tôi là học trò của Phan Bội Châu tiên sinh, nay ông ấy bị bắt, tôi cũng có phần nản chí, thôi sống qua ngày, nuôi vợ con, chẳng màng công danh sự nghiệp nữa đâu...’.”

Nói xong, cha tôi cười ha hả, rồi nói tiếp với các chú: “Khó lắm, khó lắm, không đơn giản đâu. Mình với họ cùng là sĩ quan Bộ Tổng tham mưu thật đấy, nhưng ‘đồng sàng dị mộng”.

Sở dĩ tôi nhớ câu chuyện hôm đó vì lúc đó tôi vẫn tưởng Quốc dân đảng là tốt, khi nghe câu chuyện của cha làm tôi ngờ ngợ, phân vân mãi. Về sau tôi hỏi mẹ: "Quốc dân đảng có tốt không hở mẹ?". Mẹ cười nói tránh đi: "Hỏi làm gì việc người lớn... Quốc dân đảng không xấu, nhưng con không được nói chuyện linh tinh với người ngoài đâu nhá!". "Thế đồng sàng dị mộng là nghĩa thế nào?", "Nghĩa là nằm chung một giường nhưng chiêm bao khác nhau!", "Khác nhau như thế nào cơ?", "Họ làm quan chỉ cốt được thăng quan tiến chức, vinh gia phì thân... Còn cha con chỉ mong cứu nước, thoát ách nô lệ, hiểu chưa?"

Từ những câu chuyện trong các bữa ăn, dần dần tôi ý thức được chí hướng của cha mẹ mình và các chú là cứu nước, nghĩa là sau này lớn lên mình cũng phải cứu nước. Tất nhiên đối với đứa trẻ chỉ nghĩ đơn giản việc cứu nước là phải học giỏi, làm việc giỏi. Còn làm việc cứu nước như thế nào thì cứ tưởng đơn giản là làm một việc gì đó rất mơ hồ...

Đến tháng tư, tháng năm năm 1936, khi đó tôi gần sáu tuổi, thì gia đình dọn về chỗ ở mới. Trước khi dọn về đó, các chú Đỗ Đăng Trình, Đông A v.v... trở về Côn Minh, các chú Lý Quang Hoa, Thược, Đức, Lộc, Giai ra ở khu dân nghèo. Họ thuê một căn nhà lá khoảng mười lăm mét vuông. Mẹ, chị Lan và tôi có đến thăm. Chú Hoa vẫn đi làm ở Bộ Tổng tham mưu, các chú khác làm các công việc lao động chân tay, cuộc sống cũng rất kham khổ, chật vật. Tôi hỏi mẹ tại sao các chú ra ở riêng. "Các chú cũng muốn tìm cách tự lập, bớt gánh nặng cho thầy con. Vì xuất bản báo Việt Thanh tốn kém quá, nhà mình cũng có khó khăn về kinh tế...".

Khi gia đình tôi chuyển về chỗ ở mới, các chú lại quay về ở với gia đình như ngày trước, vì nay cha mẹ tôi chỉ phải trả tiền thuê nhà mỗi tháng có ba mươi lăm đồng thôi. Còn các chú ra ở riêng, nhưng lại không kiếm ra tiền, chỉ dựa vào lương của chú Lý Quang Hoa, không sao xoay xở được. Vậy nên cha tôi bảo mẹ tôi lại mời các chú về Long Vương Miếu ở cùng gia đình.

Về sau tôi mới biết, tình hình chính trị giữa Trung Quốc với Nhật ngày càng xấu. Lúc đầu Nhật đánh chiếm Đông Tam Tỉnh[1], sau đó gây hấn ở Lư Cấu Kiều để chuẩn bị tấn công Hoa Nam. Nhân dân vùng Đông Bắc Trung Quốc "tị nạn" về Nam Kinh ngày càng đông. Giá cả thị trường ngày càng đắt đỏ. Lương của cha tôi có hạn, do đó gia đình dọn về chỗ ở mới để dễ thu xếp cuộc sống hơn.

 

*

*     *

Đó là khu chung cư do Hội phật giáo khu phố Long Vương Miếu xây. Một dãy năm căn hộ biệt lập mái ngói một tầng nối liền nhau. Cổng trước các căn hộ nhìn ra mặt đường với khoảng đất trống rộng mênh mông, khiến tôi liên tưởng tới sân trước của căn hộ ở Pháng Ngọa Cảng. Nhưng khu chung cư này cao ráo sáng sủa, thoáng rộng và đẹp hơn, chỉ có một dãy nhà ở. Cửa sau của các căn hộ mở ra sân sau, đó là một sân khá rộng với một ngôi chùa bỏ hoang, nghĩa là năm gia đình chung nhau một sân sau và sống với nhau hòa thuận, không có sự chung chạ, va chạm.

Mặt tiền của các căn hộ rộng khoảng sáu mét. Chiều dọc kéo dài khoảng mười hai mét. Cấu trúc của nhà là một nửa chiều ngang rộng ba mét xây nhà ở kéo dài ra sau hết chiều dài. Còn lại ba mét ngang có một phòng mở thoáng rộng với cổng gỗ to, một đường đi lát sỏi rộng khoảng một mét rưỡi chạy dọc ra cửa sau. Dọc theo tường bao với đường đi là rẻo đất dài, mẹ tôi trồng các loại hoa. Ngôi nhà gồm bốn phòng ở và nhà bếp, công trình phụ với diện tích rộng tương đương. Ba phòng chính đi chung một cửa ra vào ở phòng giữa. Phòng rộng khoảng mười tám mét, làm phòng ăn và phòng tiếp khách, ở giữa phòng đặt bàn tròn rộng với mười hai ghế đẩu. Bên phải là phòng ngủ của ba mẹ con kê một giường đôi và một giường đơn. Bên trái có một hành lang nhỏ đi vào phòng ngủ của cha tôi rộng khoảng sáu, bảy mét vuông, tuy nhỏ nhưng có cửa sổ kính sáng sủa nhìn ra mặt đường. Tất nhiên cửa kính luôn đóng chặt. Một bàn làm việc chất đầy các loại báo chí - cách bày biện và cuộc sống của cha tôi vẫn y nguyên như cũ. Cứ về nhà là ông trút bỏ quân phục, thay bộ áo dài thụng và ngồi trước bàn đọc báo và làm việc. Cạnh hành lang một phòng nhỏ bốn, năm mét vuông là kho chứa va ly đồ đạc. Một phòng rộng khoảng tám mét gần bếp, các chú ở đó. Khi dọn về đây, các chú Thược, Giai, Văn, Hoa... về ở cùng. (Một số các chú khác về ở Côn Minh). Chú Trụ đen theo chú Tân Dân làm thợ cắt tóc cho đơn vị bộ đội. Hai chú vài tuần về chơi nhà một lần. Phòng sát cổng rộng khoảng hai mươi mét vuông, kê một giường đôi và một chõng tre, mùa hè các chú ra ngủ ở đó cho thoáng mát, trừ chú Văn người Lào. Tất nhiên chỗ ở mới này không rộng rãi, khang trang như ở Tam Sơn Lý. Ngày hai buổi cha tôi và chú Lý Quang Hoa đi làm. Còn các chú khác giúp mẹ tôi chợ búa, cơm nước, quét dọn nhà cửa. Tôi rất thích nơi ở này.

Ngôi chùa bỏ hoang, các pho tượng không được chăm sóc, bụi và mạng nhện giăng đầy, trong đó chất đầy gỗ làm nhà của Hội phật giáo. Nhưng điều quan trọng, ở cuối ngôi chùa đàng kia có một gian phòng cho sư ở, có một ông đạo sĩ. Đó là một người đàn ông búi tó trên đỉnh đầu, mặc áo quần mầu chàm, thắt dây thừng ngang lưng. Trong mắt tôi, trang phục của đạo sĩ, và cả cách ăn vận của các nhà sư Trung Hoa nữa, trông thật lạ mắt. Hàng ngày hai buổi, ông đi nhờ qua nhà với một cái sọt rỗng địu sau lưng, khi về địu nhiều thứ lặt vặt ông vừa nhặt từ các thùng rác về. Mỗi lần đi qua nhà, ông mỉm cười gật đầu với mọi người, trông nụ cười rất hiền lành. Gương mặt ông dài, với các nét thẳng thớm, với bộ râu dê đã điểm hoa râm. Nhìn ông, tôi lại liên tưởng đến các tranh truyện cổ trong các bao thuốc lá Mỗi một bao thuốc lá thường có một tấm tranh liên hoàn vẽ các chuyện Tam Quốc, Đông Chu, đây là một cách khuyến mại thuốc lá thời kỳ này ở Trung Quốc. Trẻ con rất thích sưu tầm các tấm tranh to bằng tấm các-vi-dít. Đặc biệt gương mặt thuôn thuôn, sống mũi cao cao, đôi mắt hiền lành với búi tóc và chòm râu thưa của ông làm tôi liên tưởng đến Khổng Minh, một nhân vật tài giỏi siêu phàm trong truyện Tam Quốc mà mẹ tôi hay kể cho các chú Giai, Thược nghe. Có lần tôi nằm gác đầu trên đùi mẹ, ông đạo sĩ từ ngoài đi vào, cho tôi một hộp gỗ đồ chơi mà ông nhặt được, hay ông mua (?), nhưng đã lau rửa sạch sẽ, trông như mới nguyên. Hộp đó gọi là "Thất xảo bản" (bảy miếng gỗ có hình thù khác nhau, với một tấm giấy có các hình khác nhau, để trẻ con xếp hình, luyện trí thông minh). Một hôm khác ông mang về một con búp bê cũ nhưng còn tốt đưa cho tôi. Mẹ tôi nói, hàng ngày ông kiếm sống bằng nhặt các đồ phế phẩm đem bán. Ai nói gì ông cũng chỉ cười, gật đầu và làm dấu, chẳng nói chẳng rằng. Cả nhà gọi ông là "đạo sĩ câm". Một lần ngồi hóng mát ở nhà ngoài, mẹ tôi kể rằng: người ta nói ông đạo sĩ này là người Hồ Nam (là nơi khá xa Nam Kinh). Vì giết người tình của vợ, ông phải trốn ở ngôi chùa này và làm đạo sĩ. Tôi ngạc nhiên, thật không thể tin con người như ông lại có thể giết người. Một buổi chiều, tôi ra chơi sân sau, thấy ông đạo sĩ lạy sống lạy chết một bà láng giềng, còn bà kia trên tay cầm một pho tượng Phật, ngồi chễm chệ trên ghế đang chửi ông. Tiếng Hồ Nam rất khó nghe, tôi chẳng hiểu bà chửi gì, nhưng trông ông đạo sĩ thật tội nghiệp, chỉ câm lặng lạy. Đứng xem lâu cũng chán, tôi bỏ về nhà. Do thương ông đạo sĩ, tôi hay tha thẩn đứng cạnh trong phòng ông, xem ông xếp "Nguyên bảo". Đó là những tờ giấy trang kim bằng bạc hoặc bằng vàng, ông xếp thế nào đó, làm chúng trông giống như những thỏi vàng, bạc cổ xưa và rất đẹp. Vào những ngày đó, chắc là ngày tuần, ông lấy chúng ra hóa vàng. Ngày ông ăn hai bữa cơm hết sức đạm bạc, quần áo ông mặc có những mụn vá to ngay ngắn, sạch sẽ. Về sau tôi mới biết: từ trong chùa đi ra ngoài phố, ông đạo sĩ phải đi nhờ qua một trong những căn hộ, nhưng chẳng gia đình nào cho ông đi nhờ cả, chỉ riêng mẹ tôi là cho ông đi qua, ngày hai buổi sáng chiều.

ở đấy, tôi cũng có những người bạn nhỏ láng giềng, chúng tôi hay rủ nhau dạo trong các ngõ phố đông và chật hẹp. Một hôm, thấy có đám người xúm đông xúm đỏ, có tiếng quát tháo và tiếng khóc thảm thiết, lũ trẻ chúng tôi tò mò cố chui vào phía trong. Tôi thấy một người đàn ông cao to, lực lưỡng, bàn tay hộ pháp của hắn túm mớ tóc dài của một người đàn bà đang nằm sóng soài dưới đất, chị ta mếu máo van xin, nhưng người đàn ông đó không hề động lòng, bàn chân to như bàn cuốc liên tục đá không thương tiếc vào đầu vào mặt người đàn bà, máu chảy đầy mặt và cả trên nền đất. Không một người nào can ngăn. Tôi bị sốc trước cảnh dã man và máu me, người nao nao buồn nôn, vội lủi ra chạy về nhà. Song hình ảnh bất nhẫn và tiếng khóc của người đàn bà ám ảnh tôi nhiều ngày. Về sau, hễ cứ nghe tiếng gì như tiếng khóc của đàn bà là tôi lại nôn nao và bồn chồn. Một hôm, ngồi trên xe kéo cùng mẹ, thấy một bà già tóc bạc phơ đang ăn xin. Tiếng kêu nghe rất thê thảm, người tôi lại nôn nao bứt rứt. Mẹ tôi nói: "Con thấy đấy, có nhiều người nghèo không có lấy một miếng ăn". Cho nên hễ có ăn mày đến cổng ăn xin, mẹ tôi thường lấy cơm nguội và thức ăn thừa cho họ.

Về Long Vương Miếu, nhà ở gần rạp chiếu bóng. Cả gia đình tôi thường đi xem phim. ở đây được xem cả phim Liên Xô. Tôi nhớ có một chú bảo với mọi người: Trung Quốc là thành viên của năm nước Đồng Minh (Anh, Mỹ, Pháp, Liên Xô và Trung Hoa dân quốc), do đó chính phủ Trung Hoa (Quốc Dân Đảng) cho chiếu phim Liên Xô, mặc dù họ chống cộng ráo riết. Nhờ vậy, tôi được chị và mẹ chỉ trên màn ảnh, đó là Stalin, Lênin đấy. Với cặp mắt trẻ thơ, tôi thấy Stalin có bộ ria đẹp và oai, với nụ cười dễ mến. Lênin có bộ râu vểnh, trán hói với động tác cử chỉ nhanh nhẹn, sôi nổi cũng thật khác người. Mầm cây sùng bái lãnh tụ bắt đầu đâm chổi nảy lộc. Do đó, tôi yêu cả đất nước Liên Xô, vì nhân dân Liên Xô tươi vui như ngày hội. Tất nhiên, còn do chị tôi luôn miệng nói: "Lênin vĩ đại, Stalin vĩ đại".

Tôi hỏi:

- Thế nước Liên Xô có ăn mày không? Có đàn ông đánh đàn bà không?

- Liên Xô không có ăn mày, ai ai cũng có cơm no áo ấm. Họ làm việc hết sức mình và được hưởng mọi thứ do họ làm ra. Tất nhiên không có chuyện đàn ông đánh đàn bà, đàn ông đàn bà có quyền như nhau, gọi là nam nữ bình quyền em ạ!

- Thích quá nhỉ, hôm nọ em ra đường, thấy một người đàn ông đánh một người đàn bà, sợ ơi là sợ. Thế là Trung Quốc không có nam nữ bình quyền phải không?

Chị tôi có đôi mắt to tròn và sáng, nghe tôi hỏi, chị tròn mắt nhìn tôi với nụ cười vừa vui vừa hóm:

"Trung Quốc đang đấu tranh đòi nam nữ bình quyền..."

Tất nhiên, không thể lý sự chính trị với đứa trẻ chưa tròn sáu tuổi được. Hôm sau, chị với mẹ bàn nhau phải giải quyết việc học hành cho tôi, bởi vì tôi đã đến tuổi đi học rồi. Chị tôi mua về một tập giấy màu, một hộp tranh có chữ, một hộp bút chì mầu, giấy, dao gọt bút chì, một túi đựng sách khoác ở vai. Chắc chắn lúc đó mắt tôi long lanh, miệng cười ngoác lên. Buổi sáng, chị dạy tôi nhận biết các loại màu, buổi chiều mẹ lấy các miếng giấy bìa cứng hình vuông, một mặt là chữ, một mặt là hình vẽ. Mỗi người dạy trong một tiếng. Cứ như thế, hai người dạy tôi vài ngày, mẹ tôi đã khoe chú Thược: "Con La một buổi chiều học một tiếng đấy, nhận được năm mươi mặt chữ". Chú Thược tròn mắt cười nói: "Con bé khá quá nhỉ, thế là nhanh quá đấy, giỏi!". Trong bụng tôi nghĩ, giỏi gì mà giỏi, nhận mặt chữ dễ ợt. Một sáng đẹp trời, chị đưa tôi vào trường "ấu Trĩ Viên" (mẫu giáo) giới thiệu với cô giáo và tôi bước vào cuộc sống ngày hai buổi đến trường. Chú Thược và chú Văn thay phiên nhau đưa và đón tôi đi học. Tôi rất thích thú vì được học vẽ, cắt giấy, học hát học múa và học chữ. Học khoảng ba tháng, đến đầu tháng 9 năm đó (1936) tôi vào học lớp một. Việc được tới trường với tôi thật vừa mới mẻ, vừa hào hứng. Chiều về, tôi lấy vở và bút chì ra tập viết, nghĩa là tôi không chỉ nhận được mặt chữ, mà còn biết cách viết các chữ. Trong đó có cả cách học viết tên mình. Trong thâm tâm, tôi rất ghét tên của mình, bởi vì hai chữ Mộ La[2] nhiều nét phức tạp, khó viết đẹp, hơn nữa cái tên gọi lên chẳng kêu gì cả, nam bất nam, nữ bất nữ. Giá như cha mẹ tôi đặt tên là Xuân Lan hay Thu Cúc gì đó, thì ra tên con gái hơn. Sau này, lớn tuổi hơn, các bạn còn trêu làm tôi hơi chột dạ: "Tên mày chẳng giống tên người Trung Quốc", "Thì tao là Hoa kiều ở Indonexia về mà!", "ừ, thảo nào nước da mày đen thế!". Khi đó tôi mới vững dạ, mặc dù bạn học chê mình da đen. Tóm lại, cái tuổi lên sáu, lên bảy, tôi bắt đầu tiếp xúc rộng ra thế giới bên ngoài, và chắc có khôn hơn trước...

Sau khi chị tôi nghỉ làm ở Trường nuôi tằm, về ở hẳn với gia đình, và tôi được gần gũi với chị nhiều hơn. Nhiều buổi hai chị em lấy kéo cắt hình rồi xếp hình, rồi vẽ chuột Miki, vẽ bảy chú lùn. Tất nhiên chủ yếu chị vẽ, cắt, xếp, tôi cố làm theo những hình, tranh của tôi xấu và hỏng nhiều. Nhưng tôi vô cùng thích thú. Thích nhất là đến tối, khi ba mẹ con nằm chung một giường, chị tôi nằm giữa, mẹ nằm ngoài cùng, tôi nằm trong cùng rồi tắt đèn nghe chị kể chuyện Anđecxen, truyện cổ Grim và đặc biệt chuyện "Một nghìn một đêm lẻ", chủ yếu là bằng tiếng Trung. Tôi thầm phục chị tôi vì đọc nhiều nên biết nhiều chuyện ly kỳ và thú vị. Có những chuyện về sau tôi được xem trên màn ảnh hoạt hình như "Em bé bán diêm", "Con vịt xấu xí" v.v... Có những chuyện làm tôi khóc thút thít vì cảm động, bị mẹ và chị mắng: "Có gì là đáng khóc đâu, chuyện bịa ấy mà". Tôi nghĩ thầm "chuyện Lọ Lem bị mụ dì ghẻ hắt hủi giống hệt chuyện A Bảo, là có thật đấy chứ. chỉ có điều A Bảo là con trai, nên cậu ấy không được bà tiên trợ giúp..."

Đó là những ngày nhiều kỷ niệm đẹp, cuộc sống điểm sắc màu thơ mộng... Được xem phim hề Charlie Chaplin, tôi yêu thích nhân vật hề có ria như hai cục mực ở hai bên nhân trung, đôi mắt to tròn, đi chân chữ bát với đôi giày to quá cỡ v.v... Về nhà tôi như con khỉ con đóng giả các động tác Charlie Chaplin, khiến cả nhà cười bò. Mọi người bảo lớn lên tôi có thể sẽ là minh tinh màn bạc. Rồi đến một phim, cô thiếu nữ tiễn người yêu trong rừng, ngựa phi đưa người yêu đi xa, cô thiếu nữ hát một đoạn nhạc vocalise rất du dương. Tôi yêu và nhớ nhập tâm đoạn nhạc đó. Về nhà tôi quấn khăn trải giường quanh người giả làm váy dài, rồi hát "Aaa", theo giai điệu đó. Chị tôi bảo tôi hát rất đúng nhạc. Khi hát, hai tay tôi chắp trước ngực, đôi mắt đung đưa để biểu tỏ tình cảm, hẳn là hồn nhiên lắm. Các chú cười thú vị. Riêng ông Lý Quang Hoa bảo: “Lớn lên con bé này lẳng lơ lắm đấy”! Tôi hỏi: "Lẳng lơ là gì hở mẹ?". Bà cười, không nói. Một chú bảo: "Trẻ con như con khỉ con, đã biết gì đâu!"

Trẻ con rất thích khách đến chơi nhà. Một ngày chủ nhật, cha tôi rủ mấy bạn đồng liêu đến nhà xô mà chược (vì thỉnh thoảng ông cũng đến nhà bạn chơi như vậy), thế là tôi được cho kẹo, còn mẹ tôi và một chú hầu nước và nấu chè đậu xanh mời cả hội ăn điểm tâm (tất nhiên tôi được ăn ké).

Sau này, có lần tôi hỏi mẹ: "Mẹ ơi, mẹ bảo đánh bạc là xấu. Vậy mà khi ở Nam Kinh, con thấy thầy cũng mời bạn bè đến nhà xô mà chược". Bà trả lời: "Thầy con đánh bài để ứng thù[3], một cách ứng xử xây dựng quan hệ ngoại giao với đồng liêu con ạ. Con xem, ở nhà thầy con làm việc suốt ngày, có khi nào nghỉ ngơi đâu? Mẹ con mình đi vãn cảnh đây đó, chụp ảnh, có khi nào thầy con cùng đi đâu?... Thật ra, xô mà chược là việc cực chẳng đã...".

Sau khi tôi lên học lớp một, có hai lần cha tôi đưa tôi đi chơi vào ngày chủ nhật.

Lần thứ nhất, cha dẫn tôi vào một tòa nhà sang trọng, dự tiệc cưới con trai người bạn học. Lần đầu tiên đến đám cưới (cũng là lần duy nhất). Người đông chật và mọi người ăn mặc sang trọng, họ cũng dắt trẻ con đi theo. Sau khi đưa "tiểu hồng bao" (phong bì đỏ), ông trò chuyện hàn huyên với mấy người rồi dắt tôi vào ngồi một bàn tròn. Khi ăn, cha gắp những thức ăn ngon và lạ miệng cho tôi. Ăn xong, mọi người lên gác đến phòng cô dâu chú rể gọi là "náo tân phòng" (trêu đùa cô dâu chú rể), một người lấy từ trong một thùng gỗ sơn son thếp vàng rất đẹp và có nắp đậy hẳn hoi ra rất nhiều kẹo, phân phát cho trẻ con, gọi là phát lộc, sinh con đẻ cái đầy đàn (cái thùng gỗ đó sau này sẽ là cái bô).

ấn tượng chung về đám cưới nhà giàu là phô trương bề thế, sang trọng và các thứ đều màu đỏ rực như trong phim ảnh. Tôi thích lắm, đúng là "đi một ngày đàng học một sàng khôn", tất cả đều khiến tôi cảm thấy mới mẻ và thú vị. Tôi chỉ ước ao thỉnh thoảng được cha dẫn đi ăn đám cưới. Tối muộn hai cha con mới về tới nhà.

Lần thứ hai, là vào một sáng chủ nhật, cha dắt tôi đi chơi "Phu Tử Miếu" (Miếu thờ Khổng Tử). Hai cha con thủng thẳng đi bộ. Bàn tay nhỏ của tôi nằm lọt thỏm trong bàn tay to, mềm, ấm áp của cha. Ông đi khoan thai, chậm rãi, hai luồng nhãn quang phóng về phía trước. Tôi luýnh quýnh đi hai bước một mới theo kịp một bước chân của cha. Thỉnh thoảng tôi ngước mắt nhìn ông, trong lòng sung sướng, tự hào. Khi đến nơi, ông vào một quán trà ngoài trời, gọi một "bát" trà, vừa hút thuốc lá vừa uống trà, hai luồng mắt như phóng về cõi vô tận, ông nghĩ suy  điều gì đó. Còn tôi vừa ăn kẹo, vừa nhìn người qua lại. Kể ra, đối với trẻ con như vậy thật buồn tẻ. Nhưng vì chẳng mấy khi được cha quan tâm dắt đi chơi, nên sung sướng tràn ngập trong lòng tôi, át đi mọi cảm nhận khác. Khi trở về nhà, cha ghé vào một cửa hàng sang trọng mua tôm he rim đỏ rồi hai cha con ngồi xe kéo về nhà. Bữa tối hôm đó ai cũng khen tôm rim ngon quá. Mọi người nói chuyện rôm rả. Cha tôi nói:

"Trương Học Lương mời Tưởng lên Tây An bàn chuyện thống nhất quân đội dưới sự chỉ huy của Tưởng để kháng Nhật. Khi Tưởng lên ở một biệt thự sang trọng, Trương đưa ra yêu cầu Tưởng phải hợp tác với đảng Cộng sản Trung Quốc để cùng nhau chống Nhật, Tưởng tỏ ý phản đối. Trương tuyên bố: "Nếu Tưởng không nhận lời thì Trương sẽ không thả Tưởng về Nam Kinh". Cuối cùng buộc Tưởng phải gặp đại diện Đảng Cộng sản và ký kết "Quốc Cộng hợp tác kháng Nhật". Nói xong cha tôi cười khoái chí và hóm hỉnh: "Do đó vừa rồi Bộ Tổng tham mưu rối mù, và cả cơ quan cuống quýt. Nay Tưởng đã về Nam Kinh an toàn, song cũng bẽ mặt. Ông ta yêu cầu mọi người trong cơ quan viết "Thư hiến kế chống Nhật". Tôi vừa viết xong bức thư với nội dung: Một, nước ta (cha tôi phải viết với tư cách là người dân Trung Quốc) đất rộng, người đông, tài nguyên phong phú, tiềm lực nhân tài, vật lực dồi dào mà nước Nhật bé con không thể bì được; hai, nếu huy động mỗi một người dân góp một đồng, chúng ta sẽ có một khoản tiền lớn để mua trang thiết bị quân sự; ba, nếu chính phủ ta kêu gọi đoàn kết các đảng phái yêu nước cùng đồng lòng chống Nhật, khả năng thắng Nhật dễ như trở bàn tay..."

Các chú vui vẻ tỏ ý thích thú và tán thành. Một thời gian sau, trong bữa cơm tối, cha tôi đưa một phong bì dầy cộp đặt trên bàn ăn và nói: "Bốn ngàn đồng tiền thưởng về bức thư hiến kế đây!". Mọi người trầm trồ. Cha tôi nói: "Nhưng chưa hiểu họ có chấp nhận ý kiến của mình không? Do nhân dân đấu tranh mạnh, Tưởng bề mặt hợp tác với cộng sản, bên trong vẫn ngấm ngầm tiêu diệt cộng sản, cái nguy hiểm của Tưởng là ở chỗ đó".

Xuân hè 1937, trong bữa cơm tối, cha tôi hay nói tình hình thời sự Trung - Nhật. Một hôm mọi người bàn tán vụ Nhật gây hấn ở Lư Cấu Kiều, cho rằng Nhật sắp đánh Thượng Hải và Nam Kinh... Năm đó tôi gần tròn bảy tuổi và sắp học hết lớp một. Mọi người xôn xao vấn đề chính trị, tôi chả hiểu tý gì, tháng ngày vẫn đi học đều. Cuối học kỳ tổng kết học tập, một bạn trai đứng nhất lớp, tôi đứng nhì lớp. Hàng ngày tôi tự động làm bài tập, nhưng chỉ học trọn vẹn những gì mà trường dạy, do đó không được giỏi như chị tôi, từng học vượt lớp. Mẹ tôi nói tôi không thông minh bằng chị, lại không hiếu học bằng chị.

Một hôm có một người phụ nữ rất xinh đẹp mặc áo dài trắng, đi xăng-đan trắng, tay xách ví đầm trắng sang trọng, tay kia xách cái hộp bánh kẹo đến thăm gia đình. Mẹ tôi cùng người phụ nữ đó tay bắt mặt mừng. Tôi thì mắt sáng lên, lòng khấp khởi về quà bánh. Hai người nói chuyện rôm rả, rất lâu, nhưng chị không chịu ở lại ăn cơm tối với gia đình, sau vài tiếng, chị đi ngay. Khi chị Diệc Lan về nhà, mẹ kể chuyện với chị tôi:

"Chiều nay chị Lý Phương Đức đến chơi. Chị kể chuyện vừa từ Hồng Kông đến giải quyết một số việc rồi đi ngay. Chị âý vẫn đẹp như xưa. Chị Thuận kể chuyện với mẹ chị Đức rất yêu anh Lê Hồng Phong, theo đuổi anh ấy, nhưng anh ấy trốn tránh vì không yêu chị. Đức đau khổ lắm... Chị kể chuyện với mẹ là sau khi bị bắt về nước, bị Pháp tra tấn dã man, cuối cùng vì không tìm được chứng cớ, đành phải thả. Chị về Hồng Kông với anh ruột Ngô Chính Quốc. Cũng như Ngô Chính Quốc, chị bị tổ chức Đảng nghi ngờ, xa lánh. Nay chị lấy một người Trung Quốc làm cùng công sở. Chị tâm sự với mẹ đã có một đứa con trai hơn một tuổi. Hai người rất yêu nhau, nhưng anh Ngô Chính Quốc bắt chị ly dị với chồng, để lấy Đặng Xuân Thanh, người mà chị không hề yêu thương".

Chú Đặng Xuân Thanh từng ở tầng hai nhà bố mẹ tôi tại Tam Sơn Lý. Chú là con người ít nói, hầu như không quan hệ với bất cứ ai trong các chú ở tầng một. Mẹ tôi kể: "Chú Hoa, chú Thược và chú Thanh vốn từng quen biết nhau ở Thái Lan[4]. Không hiểu vì lý do gì, các chú ấy rất ghét nhau, do đó ở cùng nhà mà hoàn toàn không nói chuyện với nhau". Mẹ bảo: "Chú Lý Quang Hoa nói chú Thanh là đặc vụ của Quốc dân đảng Trung Quốc".

Mẹ nói nếu quả thật như vậy thì các chú kia và chú Hoa tất đã bị bắt, và gia đình mình cũng sẽ tan nát, chẳng thể sống yên. Chú Thanh thì chê các chú kia lười biếng, chẳng chịu học hành, không chịu làm việc... Chú Thanh rất quý trọng cha mẹ tôi. Chú Thanh ở nhà tôi khoảng một năm, từ khoảng tháng 8 năm 1934 đến tháng 8 năm 1935. Mẹ nói vì chú không chịu đựng được các chú Hoa, Thược... nên bỏ đi ở nơi khác. Sau đó, hầu như chú không quay về thăm gia đình tôi lần nào.

Sau chị Lý Phương Đức, khoảng tháng 7 năm 1937, có một người đàn ông cao lớn, đẹp trai, mặc bộ comple trắng, đội mũ trắng và đi giày da trắng cũng từ Hồng Kông đến thăm gia đình tôi. Ông cũng mang mấy hộp bánh kẹo sang trọng, khiến tôi lại xốn xang trong lòng. Sau khi người đàn ông ấy đi khỏi, mẹ kể chuyện đó là Ngô Chính Quốc, đến Nam Kinh sắp xếp hôn nhân cho em gái, vì ông không muốn em gái mình lấy người Trung Quốc. Tất nhiên cuộc viếng thăm của hai anh em rơi vào những buổi cha tôi đi làm, do đó ông không gặp họ. Các chú trong nhà ở nhà dưới cũng không hay biết gì. Và mẹ tôi cũng không kể chuyện cho các chú ấy nghe. Cũng là đi cứu nước, mỗi người mỗi số phận, nhưng có một điều là hễ ai từng bị Pháp bắt rồi thả, Đảng sẽ xa rời họ, dù lòng họ vẫn kiên trinh, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, điển hình là chị Lý Phương Đức.

Tôi còn nhớ, khoảng thập kỷ bảy mươi, bà Lý Phương Đức đem hai người con về nước... Sau đó, trong một lần đến thăm ông Hoàng Văn Hoan (chính là Lý Quang Hoa), tôi hoan hỉ báo tin, những tưởng ông ấy sẽ hài lòng:

  • Chú ơi, chị Lý Phương Đức về nước rồi...
  • "ừm ... bà ấy là người xấu lắm!" .

Tôi giật mình im lặng, cũng không dám hỏi thêm.

Bà Đức chết trong đau khổ và sự nghi kỵ tày trời của những năm tám mươi. Mãi gần đây, năm 2007,  Lý Phương Đức mới chính thức được minh oan.
 


[1]Ba tỉnh đông bắc Trung Hoa, nay là Mãn châu lý (chú thích NXB Phụnữ)

[2]Ông bà Hồ Học Lãm hâm mộ Hiệp sĩ Roland, dũng tướng trong lịch sử Pháp thế kỷ thứ 8, cháu của Hoàng đế La Mã Charlemagne, cũng là nhân vật chính của Trường ca Roland nổi tiếng. Chữ “La” đến từ chữ Roland phiên sang tiếng Hoa (La lan), còn “Mộ” là mến mộ.

[3]“ứng thù” – từcổtiếng Việt, có nghĩa là giao lưu, giữquan hệ.

[4]Theo hồ sơ mật thám Pháp, Đặng Xuân Thanh (cháu ruột nhà cách mạng tiền bối Đặng Thúc Hứa) qua Xiêm đầu năm 1920, cùng với Hồ Tùng Mậu, Lý Phương Thuận, Đặng Quỳnh Anh, phu nhân Ngô Quảng, Ngô Chính Học … (theo Lý Phương Đức nữ chiến sĩ giao thông của Bác Hồ, NXB Công an nhân dân, tr. 96 - 97).  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434691

Hôm nay

2311

Hôm qua

2310

Tuần này

21341

Tháng này

211739

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434691