Người xứ Nghệ

Hồi tưởng về cha tôi - Chí sỹ Hồ Học Lãm [V]

CHƯƠNG V

BƯỚC NGOẶT

Hôm đó, dọn cơm trưa xong, mọi người không thấy cha tôi ra ăn cơm bèn hỏi: "Cụ đâu hả chị?"

"Ông đang lên cơn hen, không ăn, bảo mình cứ ăn đi", mẹ tôi đáp.

Tôi vội chạy vào phòng cha, thấy ông ngồi tựa lưng vào tường, thở khò khè nặng nề, trông cặp mắt lờ đờ. Dưới sàn, ấm thuốc bắc đang được sắc với than củi. Trông ông tội lắm. Đứng tần ngần một lúc, chẳng biết làm gì, tôi chạy ra ăn cơm rồi quên mất. Khoảng 3 giờ sực nhớ cha ốm, tôi chạy vào phòng thì không thấy ông đâu nữa, hỏi mẹ, bà cho biết ông đã vào cơ quan làm việc rồi.

"Thầy mệt sao vẫn đi làm?",

"Không làm thì lấy gì mà ăn?".

"Sao không chữa cho thầy khỏi bệnh đi?", "Cũng muốn lắm, nhưng phải uống thuốc thường xuyên...",

"Thì sắc thuốc thường xuyên cho thầy uống có được không hả mẹ?".

"Nhà mình không có tiền, con ạ!".

"Không có tiền?". Hôm tôi xin cha tôi mua cho tôi một đàn piano hay harmonium[1], ông cũng trả lời không có tiền. Tôi rất sửng sốt, trong bụng vẫn đinh ninh cha mẹ mình có nhiều tiền cho nên mới nuôi được nhiều người trong nhà. Nay nghĩ lại mới hiểu hết hoàn cảnh của gia đình tôi những năm tháng ở Nam Kinh.

Lúc đó Nhật đang lăm le đánh Thượng Hải, Nam Kinh. Do đó, cả nhà bàn việc đưa hai mẹ con tôi đi Vu Hồ trước khi xảy ra chiến tranh. Tôi đang nghỉ hè, một buổi sáng dậy, tôi theo mẹ ra sân nhà có mái che, mẹ ngồi trên chõng tre, tôi nằm gối đầu trên đùi bà. Các chú cũng đang ngồi chơi ở đó. Mẹ tôi nói:

"Các ‘cụ’ ơi, e sáng ngày kia đi không được  suôn sẻ. Đêm qua tôi chiêm bao lạ lắm... Tôi mơ thấy sáng dậy, mọi người kéo nhau lên ngồi trên một xe ngựa, mới được nửa đường, ông Giai bảo: “đói lắm”, rồi xuống xe đi mua thức ăn ăn sáng. Giai vừa xuống xe thì có còi báo động...".

Chú Lý Quang Hoa cười khùng khục: "Chị thật là dạ trường mộng đa (đêm dài lắm mộng).

Hôm sau là ngày chủ nhật, mẹ tôi cùng các chú soạn những đồ đạc cho vào va ly và hòm gỗ. Tôi chẳng hiểu chuyện gì. Đến sáng thứ hai, chú Trụ đen gọi một xe ngựa to, chất va ly hòm xiểng lên phía sau xe. Rồi chú Lộc và chú Thược vào ngồi trong xe, chú Trụ đen ngồi phía trước cạnh anh xà ích. Vào giữa trung tâm, nơi có nhiều cửa hàng ăn, chú Trụ đen kêu đói và xuống mua thức ăn sáng. Xe ngựa đỗ bên lề đường được dăm mười phút thì có tiếng còi rú lên, nghe rùng rợn như tiếng khóc. (Hàng ngày, cứ đúng 12 giờ trưa thì có tiếng còi tầm, nhưng tiếng còi này hú dồn dập như ai kêu khóc). Mọi người đang khi lúng túng vì không thấy chú Trụ đâu thì cảnh sát đến xua đuổi: "Đi đi! Nhanh! Sắp có máy bay Nhật".

Thế là lạc mất chú Trụ. Xà ích đánh xe chạy nhanh ra ga, mọi người xách đồ đạc vào ga và ngồi trong ga suốt từ sáng đến tối, vì máy bay Nhật lượn suốt ngày trên thành phố Nam Kinh và bắn súng liên thanh hết đợt này đến đợt nọ để khủng bố tinh thần người dân. Chúng không thả bom. Khoảng hai tiếng sau, chú Trụ mới xuất hiện, mang đồ ăn sáng cho mọi người, cũng là bữa ăn cho cả ngày. Gần 7 giờ tối, xe lửa mới chạy. Khoảng 10 giờ đêm mới đến Vu Hồ, nơi đóng quân của anh Lê Tân Dân. Chỉ có chú Trụ đưa hai mẹ con tôi đi, còn chú Lộc, chú Thược quay về nhà. Giấc chiêm bao của mẹ tôi hóa ra thành hiện thực. Chuyện thật xảy ra với các chi tiết y hệt như trong mơ, chỉ khác một chi tiết là chú Trụ mới là người xuống xe ngựa và bị lạc, còn chú Giai hôm đó ở nhà.

Đây quả là một câu chuyện ly kỳ, cho nên tôi vẫn nhớ như in các sự việc xảy ra hôm đó. Có một ông sĩ quan người gầy nhom, tuổi trạc bốn mươi. Suốt buổi, ông ta ngồi chắp tay, mắt nhắm nghiền, miệng khấn lầm rầm gì đó. Nhiều người trong số đàn bà trẻ em sợ quá phát khóc. Còn tôi chưa hiểu "cái chết" là thế nào, nên cũng chẳng biết sợ. Các chú Lộc, chú Thược cũng chờ đến khi đưa mẹ con tôi với hành lý đồ đạc lên xe rồi mới ra về. Vẻ mặt các chú có vẻ băn khoăn suy nghĩ ...

Xuống ga Vu Hồ đèn sáng trưng, cho nên anh Tân Dân và chị Diệc Lan nhanh chóng tìm thấy chúng tôi. Hay người đã chờ suốt từ trưa đến giờ, không hiểu chuyện gì xảy ra.

 

*

*     *

 

Vu Hồ là một thị trấn cách Nam Kinh một trăm kilômét. Nhưng doanh trại của anh Tân Dân đóng ở vùng nông thôn và lần đầu tiên trong đời, tôi về ở căn nhà gạch của một gia đình nông thôn Trung Hoa.

Từ hôm lên xe lửa về Vu Hồ, việc học tập của tôi bị đảo lộn, tiếp sau đó là những ngày tháng chạy giặc dài dài. Trong dân gian có câu truyền miệng: "Quân đội Nhật và quân đội Quốc dân đảng chạy đua, nhưng bao giờ quân đội Quốc dân đảng cũng thắng cuộc". Vì Nhật chưa đến nơi, quan quân Quốc dân đảng đã bỏ chạy. Thực ra Tưởng vẫn không chủ trương "kháng Nhật" mà chủ trương "An nội - diệt cộng" trước. Đó là bi kịch chín năm kháng chiến của chính phủ Tưởng Giới Thạch. Nhật đánh chiếm Trung Quốc một cách dễ dàng, ngoài các tỉnh miền Hoa Bắc, nay Nhật chiếm các tỉnh Hoa Nam. Có lần mẹ tôi nói: "Cứ kiểu bỏ đất nhiều như vậy, Trung Quốc mất nước đến mấy chục lần so với một nước bé nhỏ như nước ta..."

Về vùng quê, với tôi cái gì cũng lạ, gây hào hứng. Tôi bắt chước bện "dây thảo" (dây bện bằng rơm), ra ngoài đồng bắt châu chấu, chuồn chuồn cùng các bạn, xem nông dân xay lúa giã gạo... Ở đó không có trường học, hàng ngày chị tôi tự viết bài để tôi học. Học chay, không có sách giáo khoa, bữa đực bữa cái, chơi là chính. Có hôm tôi theo anh Tân Dân ra thao trường xem anh cùng bộ đội diễn tập quân sự.

Một hôm mẹ tôi trở về Nam Kinh thăm cha. Khi quay lại Vu Hồ, bà cho biết cha tôi vẫn yếu, bác sĩ bảo bị suy tim. Đi khỏi Long Vương Miếu tôi chỉ băn khoăn về ông đạo sĩ. Mẹ cho biết: “ông tâm sự với mẹ sẽ trở về quê Hồ Nam, mẹ cho ông ba bát gạo và một đồng quốc dân tệ”.

Miệng không dám nói ra, nhưng tôi nghĩ giá như mẹ cho ông ba đồng với mười bát gạo thì hay biết mấy. Đúng là tính "hảo tâm" của một đứa trẻ, không hề biết cuộc sống gia đình tôi đang gặp bước gian nan.

Chúng tôi rời Nam Kinh vào tháng 8, thì khoảng cuối tháng 9 (hình như ngày 29 tháng 9), cha tôi cùng anh Văn, tức Vương Quang về Vu Hồ. Cả nhà, kể cả chú Trụ cũng đến khách sạn gặp cha. Nhìn thấy ông, tôi giật mình vì ông gầy xọp, đôi mắt mệt mỏi.

Trưa hôm đó, chúng tôi ăn cơm ở khách sạn thị trấn. Trong bữa cơm, cha tôi kể chuyện: "Lý Quang Hoa theo một bộ phận của cơ quan về Vũ Hán. Toàn bộ tổng hành dinh dời về Trùng Khánh. Tưởng giao cho mình chức "lưu thủ chủ nhiệm", trông coi mọi việc sau khi dời Bộ Tổng đi. Nay xong việc, cấp trên bảo mình về Trùng Khánh nhận nhiệm vụ mới. Chuyến đi này chưa biết hay dở thế nào... Thược đưa Giai, Lộc về Côn Minh, Văn đi theo mình. Mọi thứ vứt bỏ lại Nam Kinh. Nhật chiếm xong Thượng Hải rồi sẽ đánh vào Nam Kinh thôi".

Sáng sớm hôm sau, cha tôi cùng chú Văn đi Trùng Khánh. Sau bữa cơm trưa, cả nhà chụp ảnh kỷ niệm.

Sau khi cha tôi đi một thời gian ngắn, đơn vị "Khí xa binh đoàn" của Lê Tân Dân cũng di chuyển về hậu phương. Mẹ con tôi được ngồi tầu thủy quân sự của đơn vị anh Tân Dân đi ngược sông Trường Giang. Dọc đường đi qua Hồ Động Đình, một thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Hồ Bắc, truyền thuyết nói ở đó có tiên, hẳn là nơi đó thơ mộng lắm. Về đến Trường Sa - thủ phủ tỉnh Hồ Nam, thì gặp lại cha tôi. Ông đã về đó được một tháng.

Trong bữa cơm gặp mặt, cha kể chuyện: "Mình và Văn đi mất mười ngày mới đến Trùng Khánh, đến ở Chiêu đãi sở của Bộ Quốc phòng chầu chực mất gần hai mươi ngày, nhận được lệnh điều động công tác làm tham mưu đốc quân Trường Sa, nghĩa là dưới trướng của Trương Trị Trung (Trương là thân phụ của Trương Học Lương, nguyên là quân phiệt Bắc Dương bị Tưởng hàng phục)". Nói đoạn, cha tôi mỉm cười.

"Thế nghĩa là họ không cho ông làm ở Bộ Tổng tham mưu nữa? Tại sao nhỉ" - mẹ tôi hỏi.

Cha trả lời: "Khi thấy họ bắt mình giữ chức Lưu thủ chủ nhiệm, mình đã dự đoán họ sẽ không sử dụng mình nữa. Còn tại sao ư? Có thể có nhiều lý do. Trong giai đoạn kháng Nhật, một mặt Tưởng bắt tay với Đảng Cộng sản, nhưng trong thâm tâm Tưởng không muốn, mà vẫn ngấm ngầm tìm cách diệt cộng. Bức thư hiến kế của mình kêu gọi đoàn kết các đảng phái và lực lượng chính trị khác nhau để chống Nhật, có thể rất không hợp "khẩu vị" của Tưởng. Mặt khác, mình là người ngoại quốc, lại không phải đảng viên Quốc dân đảng. Họ thì đang muốn  triệt để thanh sạch đội ngũ của họ. Nay thấy sức khỏe mình yếu, tuổi đã cao, cho nên họ không muốn giữ mình lại Bộ Tổng (năm đó là cuối năm 1937, cha tôi 52, 53 tuổi, vừa bị hen vừa bị suy tim) ... Nhưng cũng có thể họ ngờ vực mình điều gì đó ...”

Gần đây đọc hồi ký của Lê Thiết Hùng nói về việc cha tôi thu thập tình báo cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, tôi mới hiểu nghĩa câu nói này. Nhưng tôi tin rằng khi đó cả nhà không ai hiểu ý nghĩa của câu đó ngoài Lê Tân Dân.

Cha tôi nói tiếp: “Thật ra, cũng có can hệ gì đâu, mục tiêu đời mình khác họ, vậy làm đâu mà chả như nhau. Vả lại, chỉ là một anh trung tá ...".

"Ông cũng cứng quá, chứ hồi ở Nam Kinh chịu tới gặp Bạch Sùng Hy để ông ta lưu ý cất nhắc cho thì bây giờ cũng lên thượng tá rồi", mẹ tôi xen vào.

Cha tôi cười với vẻ khoan dung: "Thế là bà mới chỉ biết có một chiều thôi... Trong cơ quan đầu não của Tưởng, họ cũng chia năm bè bảy cánh. Bạch, Lý (Lý Tế Thâm) đều không ăn ý hẳn với Tưởng, thậm chí vì vấn đề kháng chiến, thấy Tưởng có thái độ kháng Nhật lừng khừng, Lý từng có ý định lật đổ Tưởng. Họ từng muốn lôi kéo cả mình nữa, nhưng mình chẳng ngả sang phe nào cả. Mình cứ trước sau một mực: Chí hướng của tôi là cứu nước mình, mong các ông sau khi ổn định quốc nội sẽ thực hiện di chí của Tôn Trung Sơn là "ủng hộ các nước nhược tiểu" mà giúp Việt Nam đánh đuổi Pháp... Nay mình muốn thăng quan tiến chức bằng cách nhờ vả họ, bà phải hiểu là chẳng ai chịu cho không ai cái gì đâu...".

Anh Tân Dân phụ họa: "Thầy nói chí lý, ngay trong binh đoàn của con, trên dưới đâu có hoàn toàn đồng lòng nhất trí với nhau. Họ cũng có thái độ lôi kéo con, còn con làm bộ ngù ngờ, không để ý đến vấn đề chính trị, chỉ chú tâm vào công tác quân sự thôi"...

Câu chuyện hôm đó thật rôm rả. Thời điểm đó tôi mới bước sang tuổi thứ tám. Chẳng qua vì câu chuyện liên quan đến vấn đề thu nhập của gia đình, nhắc đến Bạch Sùng Hy, vị tướng nổi tiếng của Quốc dân đảng, cho nên tôi mới để ý nghe và quan tâm ghi nhớ. Sau này tôi có hỏi lại mẹ câu chuyện này. Chiến tranh liên quan đến lạm phát, đến giá cả thị trường, mà mẹ tôi hay kêu ca sau những lần đi chợ về.

Mẹ và tôi theo anh chị về ở Ích Dương. Ở Trường Sa chỉ còn có cha tôi, chú Văn và chú Lý Quang Hoa (thời kỳ này chú Hoa bỏ công việc ở Vũ Hán về với cha tôi. Gần đây đọc "Giọt nước và biển cả" tôi mới rõ lý do bỏ việc của ông ấy là do Lý Quang Hoa và chú Văn, bí danh khác là Vương Quang, được tổ chức dự kiến đưa đi học ở Liên Xô). Ít lâu sau, mẹ tôi về Trường Sa chữa bệnh.

Một lần chị tôi đi Trường Sa về kể chuyện: "Thầy bảo: Diệc Lan này, mẹ con độ này là lạ thế nào ấy. Khi nào bà ấy cũng nghĩ có người muốn hãm hại mình...". Nghĩa là bệnh tâm thần phân lập của bà nặng hơn trước. Nhưng cả nhà không ai hiểu điều đó, không để ý chữa bệnh dứt điểm cho bà, vả lại chiến tranh, đắt đỏ, sự nâng lương chẳng theo kịp sự lạm phát. Nay nghĩ lại, tôi hiểu rằng lúc đó gia đình tôi không còn đủ khả năng chữa bệnh cho mẹ tôi, đặc biệt là cha tôi.

Khi ở Trường Sa, có một người đến với gia đình, tên là Trần Báo, người thấp lùn, nhìn kỹ hao hao giống mẹ tôi. Đó là cậu ruột tôi, tên thật là Ngô Chính Học. Cậu không ở hẳn với gia đình tôi. Trước cậu hoạt động ở Xiêm, nay vì công việc sang Trung Quốc và cũng rất thạo tiếng Trung Quốc. Về sau tôi được biết chú Lý Quang Hoa rất ghét cậu tôi, cũng như ông đã rất ghét chú Đặng Xuân Thanh. Lý Quang Hoa gọi cả hai người đó là đặc vụ Quốc dân đảng Trung Quốc (?)[2] Nay đọc "Giọt nước biển cả" cũng thấy ông nói hai người không ra gì.

Sau khi cậu tôi đến Trường Sa, tôi thấy chị tôi thỉnh thoảng lại về Trường Sa có việc. Đến khoảng tháng 2, tháng 3 năm 1938, nghĩa là sau Tết âm lịch, cả nhà kéo nhau ra khách sạn ăn cơm. Mẹ nói với tôi chị sẽ đi học xa, đây là bữa cơm tiễn chị và chú Cao Hồng Lĩnh[3]. Bữa cơm có năm người của gia đình và các chú Văn, chú Trụ, chú Lý Quang Hoa, cậu Trần Báo và chú Cao Hồng Lĩnh, tất cả khoảng mười người. Gần cuối bữa ăn, cậu Trần Báo bảo: "Đến giờ rồi, chúng ta đi thôi!". Chị tôi và anh Tân Dân đứng phắt dậy, chú Cao và mọi người cùng đứng dậy theo. Nghĩ đến việc phải xa chị, tôi oà lên khóc nức nở, khiến chị tôi bịn rịn ôm tôi. Cậu Báo giục, chị đành buông tay ra, tôi lại càng khóc to hơn... Mãi về sau, tôi mới biết chị và chú Cao đi học ở vùng Thiểm Bắc, do chính cậu Trần Báo tôi giới thiệu hai người với cơ quan liên lạc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (đó là bộ phận bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc chuyên tổ chức cho các thanh niên tiến bộ đi học chính trị và quân sự ở khu đỏ).

Chị tôi học ở trường Thiểm Công (trường huấn luyện chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc). Còn ông Cao Hồng Lãnh học trường Kháng Đại (đại học kháng chiến). Hai trường ở không quá xa nhau.

Chị đi học có một năm thôi, nhưng vì tôi nhớ chị, nên cảm thấy lâu lắm. Nhiều khi ở vùng quê, ngắm những hòn núi xa xa thấy cây lay động trong gió, tưởng tượng chị tôi đang vượt qua núi đó để về với tôi, tôi thổn thức rên lên: "Chị ơi, mau về với em"...

Một thời gian sau khi chị tôi đi học, chẳng hiểu cha mẹ và cậu bàn bạc thế nào, cậu đưa hai mẹ con tôi đi Quảng Châu. Cha và chú Hoa, chú Văn ở Trường Sa, anh Tân Dân vẫn ở Ích Dương với đơn vị.

Chúng tôi đi bằng xe lửa. Dọc đường mẹ thủ thỉ với tôi: "Quảng Châu là một thành phố to rộng, có nhà cao đến 11, 12 tầng. Người đông, đường phố rắc rối, lại có nhiều mẹ mìn. Đến Quảng Châu, con đừng đi lung tung, đừng tin ai ngoài đường, nếu chẳng may lạc đường thì con đến tìm công an". Bà sợ tôi quên, nói đi nói lại nhiều lần.

Tôi hỏi: "Mình đi Quảng Châu làm gì hả mẹ?"

"Vì chạy giặc Nhật liên miên, không có chỗ ở cố định, ảnh hưởng việc học của con. Thầy mẹ và cậu bàn nhau đưa con đến ở Hồng Kông để ổn định việc học hành. Hàng tháng, thầy sẽ gửi tiền qua bưu điện cho mẹ con mình".

Viễn cảnh này nghe có vẻ thú vị. Một năm qua, từ 1937 đến 1938, tôi chơi suốt, chẳng được học hành gì. Đến Quảng Châu (thời đó đứng sau Thượng Hải và Thiên Tân), tôi thấy đúng là một thành phố hiện đại, đường phố rộng, các nhà gạch từ hai tầng trở lên xây theo kiểu phương Tây (Trường Sa đa số là nhà một tầng, xây kiểu cổ). Có một số khách sạn hiện đại cao hơn mười tầng, tôi không nhớ chính xác số tầng. Tầng dưới cùng là hầm bê tông cốt sắt. Mỗi lần báo động, nhân dân quanh vùng đến đó trú ẩn. Chỗ ở của gia đình tôi trong "Hội quán Hoa kiều" (nghĩa là cậu tôi có mối quan hệ với các "hội quán" như thế ở Quảng Châu hay ở Hồng Kông...). Chúng tôi ở một phòng tầng hai, tầng một là trường tiểu học Tế Thời. Chúng tôi đến Quảng Châu cuối tháng 8, thì đầu tháng 9 tôi vào học lớp ba, nghĩa là nhảy cóc. Không phải vì tôi học giỏi, mà là bị ép học theo tuổi. Về mặt chữ, tôi vẫn theo kịp, vì ở nhà tôi vẫn được dạy chữ, nhưng toán lại là một vấn đề khá hóc búa, vì tôi chưa biết làm các phép tính nhân và chia. Do đó tôi học không được hào hứng lắm, nhưng vẫn giữ nề nếp ngày hai buổi đến trường. Mặt khác, còn có một khó khăn nữa. Đó là ở đây học bằng tiếng Quảng Đông, thầy giảng trên lớp tôi chẳng hiểu gì. Do đó cái sự học của tôi ngày càng ù cạc, lơ mơ hơn. Trong số bạn học, chỉ những ai biết tiếng phổ thông mới chơi với tôi, vì tôi không biết nói tiếng Quảng Đông. Cô bạn ngồi cùng bàn rất quý tôi, chơi và giúp tôi đọc bài "Quốc văn" bằng tiếng Quảng Đông.

Tôi phàn nàn với mẹ, bà bảo: Không sao, đây là cơ hội để tập nói tiếng Quảng Đông sau này đến Hồng Kông học chính thức, sẽ dễ dàng hơn. Tôi hỏi: Khi nào mình đi Hồng Kông? Bà trả lời còn chờ. Chờ ai? Tại sao phải chờ? Thì không thấy bà trả lời.

Một buổi trưa, cô bạn gái đến rủ tôi đi mua bút chì. Nhưng khi đó đã 12 giờ 20 rồi, 1 giờ đúng thì lên lớp. Tôi tần ngần không muốn đi, sợ không kịp về học, bạn đó khẩn khoản rủ đi cùng cho vui, hứa không trễ giờ học. Tôi nể quá đi theo. Trường Tế Thời tiểu học ở trong một ngõ hẻm rất dài, ra cổng rẽ trái ra phố lớn, trước mặt là "Ái Quần Lữ Xã", tôi sẽ dễ nhận ra đường. Cô bạn dẫn tôi rẽ phải, đi ngược chiều vào một lộ trình ngoắt ngoéo, còn tôi rất cố nhớ đường. Chúng tôi ngoặt sang phải, ngoặt sang trái rồi đến một phố lớn rẽ phía trái... Đi rất xa và lâu, cô bạn vẫn chưa mua được cái bút vừa ý. Nhìn lên đồng hồ treo tường của cửa hàng thì đã 1 giờ kém 10, tôi đòi về, cô bạn động viên tôi đi tiếp, nhưng tôi lắc đầu. "Thế cậu có nhớ đường không?", bạn tôi hỏi. Tần ngần một lúc tôi trả lời có. Vì mẹ tôi vẫn nói tôi là đứa trẻ nhớ đường giỏi, vả lại khi đi mình đã quan sát cẩn thận rồi. Thế là hai đứa chia tay.

Tôi quay về đường cũ theo trí nhớ, nghĩa là khi đi rẽ trái thì khi về rẽ phải, khi đi rẽ phải thì bây giờ rẽ trái. Rẽ đi, rẽ lại, đi mãi chẳng tìm thấy Hội quán Hoa kiều, cũng là Tiểu học Tế Thời. Tôi bắt đầu hoảng, trở về đường cũ, bụng bảo dạ, có lẽ có nhiều ngõ, mình rẽ nhầm ngõ chăng, thế là rẽ vào một ngõ khác, rồi lại một ngõ khác nữa. Loanh quanh càng đi càng lạc lung tung, ngõ nào cũng không tìm thấy nhà mình, tôi bắt đầu ứa nước mắt, mồm lẩm bẩm: 'Trời phạt mình", vì tôi ở nhà hay cãi mẹ, phạm tội bất hiếu.  Khi đó tôi đi trên một phố lớn, thấy người lớn kẻ đi người lại tấp nập, nhưng chẳng biết ai ngay ai gian, cho nên không dám hỏi. Một ông ăn mặc sang trọng, đeo kính, đội mũ phớt đi ngược phía tôi, thấy tôi khóc, ông ấy hỏi:"Tiểu bằng hữu (cô bạn nhỏ), sao em khóc?". Thần kinh tôi căng thẳng, nghĩ thầm "ăn mặc sang thế, chắc gì đã là người tử tế!", tôi lừ mắt nhìn ông ta. Chắc rằng bộ dạng một bé gái 8 tuổi, nước mắt đầm đìa, mà lại lừ mắt ra dáng người lớn, trông buồn cười lắm. Ông ta bật cười rồi bỏ đi. Tôi đi mãi đến một ngã tư, thấy có công an đứng ở bục giữa đường, tôi đành đến tìm công an như mẹ đã dặn. Khốn nỗi, tôi lại nói nhầm tên trường là "Trung Sơn tiểu học". Một anh công an khác thấy tôi nói tiếng phổ thông biết là không phải người Quảng Châu, anh tỏ vẻ thông cảm, đích thân dẫn tôi đến trường "Trung Sơn tiểu học". Tôi thấy lạ hoắc, lắc đầu. Anh ta bảo "Đây chính là Trung Sơn tiểu học". Tôi lắc đầu quầy quậy, và cũng chẳng nhớ tên trường mình đang học là gì nữa. Anh công an đó đành đưa tôi quay về bục công an, trao đổi bằng tiếng Quảng Đông với anh công an kia rồi dẫn tôi đi một quãng đường xa về đồn công an khu phố. Đúng lúc đó, có còi báo động. Một nữ công an rót cốc nước lọc cho tôi uống, bảo: "Đang báo động, em cứ ở đây, rồi các anh chị sẽ tìm cách đưa em về nhà. Đừng sợ nhé". Tất nhiên, khi vào đồn công an, tôi thấy vững dạ, nhưng không khỏi băn khoăn vì không biết khi nào mới gặp được mẹ và cậu.

Mãi đến hơn 5 giờ chiều, tôi mới thấy một công an viên dẫn mẹ, cậu và một chú Hoa kiều[4] đến nhận tôi. Nỗi sung sướng khi nhìn thấy mẹ trào lên ngực, làm tôi muốn nghẹt thở. Sau đó, cậu tôi và chú Hoa kiều khai báo, ký tên v.v... rồi đưa tôi về nhà.

Khi cô bạn về trường không thấy tôi đâu, đoán chắc tôi bị lạc đường, nó báo với cô giáo chủ nhiệm và mẹ tôi. Mẹ, cậu và chú Hoa kiều gọi điện đến các đồn công an hỏi trẻ lạc, gặp đúng lúc có báo động, mãi sau mới gọi được tới đồn công an nơi tôi đang trú chân. Rồi mọi người kéo nhau đến xem có phải đúng Mộ La đang ngồi chờ ở đồn công an không. Khi chúng tôi về tới nhà, trời đã sẩm tối. Thật là một kỷ niệm khó quên...

Chúng tôi ở Quảng Châu vừa được một tháng, tức là vào khoảng cuối tháng 9, tình hình chiến sự rất phức tạp, Nhật sắp đánh tới Quảng Châu. Không hiểu vì lý do gì, chúng tôi chưa thể đi Hồng Kông được. Mọi người vẫn cho rằng vì Hồng Kông là tô giới Anh, chắc Nhật sẽ không đánh Hồng Kông. Vì vậy cha mẹ muốn đưa tôi về học ở Hồng Kông. Nhưng lúc bấy giờ cậu tôi với các chú Hoa kiều lại đang mua vé cho chúng tôi trở lại Trường Sa, mà không sao mua ngay được. Rồi một buổi chiều, khoảng 4, 5 giờ, cậu và hai chú Hoa kiều vác hành lý đồ đạc để đưa mẹ con tôi ra ga. Đi được khoảng ba trăm mét, thấy có tiếng gọi đuổi sau lưng, ngoảnh lại thấy chị Trầm Huệ Phượng chạy tới đưa bức thư của chị tôi. Khi chia tay, chị cứ rơm rớm nước mắt. Mẹ tôi động lòng trắc ẩn: "A Phượng, con có muốn đi với chúng ta không? Nếu ta có cơm con ăn cơm, ta có cháo con ăn cháo, dám cùng cam cộng khổ, không nề hoạn nạn thì mày đi với tao". Chị Phượng gật đầu lia lịa, rồi chạy về nhà xách một va ly mây cầm tay đi theo chúng tôi ra ga. Năm ấy chị Phượng mười bảy tuổi. Dọc đường, cậu phàn nàn: "Mình còn chưa biết nắng mưa ra sao, còn chưa biết có lo được cho mình hay không, chị lại còn đèo bòng cả người dưng nước lã...". Mẹ tôi nói: "Chị nó bỏ nó về Hồng Kông một mình, nó về ngoại thành ở với họ hàng xa, mai kia giặc Nhật vào Quảng Châu, con gái một thân một mình, sẽ ra sao?".

"Nói như chị thì phải thương hết tất cả những đứa con gái khác có số phận như nó, liệu chị có làm được không?".

Mẹ tôi im lặng. Về đến Trường Sa, chú Lý Quang Hoa cũng ca cẩm như cậu tôi, nhưng cha tôi cũng im lặng. Thế là chị Trầm Huệ Phượng, một cô gái Trung Quốc, sống giữa đại gia đình ngoại kiều - những người Việt Nam, bằng lương của cha tôi. Cảm kích tấm lòng của ông bà, chị gọi cha mẹ tôi bằng "papa, mama", lấy tên Việt là Hồ Huệ Quần. Chị Phượng là người tình nghĩa thủy chung.

Về Trường Sa rồi cũng chẳng yên. Bạn của anh Lê Tân Dân đưa chú Quốc Trụ, mẹ, chị Phượng và tôi về Hoàng Bình, một thị trấn gần tỉnh Quý Châu. Về đó một thời gian, vì ốm, cha tôi được coi như bệnh binh, cơ quan cho nghỉ công việc đi theo gia đình về Hoàng Bình, có cả cậu tôi, chú Hoa và chú Văn cùng đi. Chú Trụ ở trong đơn vị bộ đội, ngày ngày về nhà ăn cơm với gia đình. Nhưng cuối năm 1938, gia đình tôi về hẳn thành phố Quý Dương, là thủ phủ của tỉnh Quý Châu.

*

*    *

Quý Dương là một thành phố thanh bình, người ở thưa thớt. Ở đó có một ông Việt kiều họ Đỗ từ Vân Nam về Quý Dương lập nghiệp. Ông Đỗ sở hữu một ngôi nhà to rộng mái ngói một tầng trong một ngõ vắng. Ở ngoài phố, ông có một cửa hàng to bán các loại bánh kẹo do ông sản xuất, người bán hàng kiêm kế toán chính là chị Lý Phương Thuận. Chị làm việc và sống ngay trong cửa hàng đó, nuôi hai con gái nhỏ Bùi Lệ Tân và Bùi Lệ Lan. Còn chồng chị, Bùi Hải Thiệu, làm việc trong cơ quan quân nhu của một đơn vị Quốc dân đảng Trung Quốc, thỉnh thoảng mới về thăm vợ con. Anh chị còn một con gái đầu lòng nữa, nhưng đã mất khi họ rời Nam Kinh.

Ông Đỗ không hoạt động chính trị, ông chỉ là một thương nhân trọng nghĩa khí. Gia đình vợ chồng ông Vũ Hồng Khanh thuê hai phòng của ông Đỗ. Ngoài ra, hai ông bà thuê một ngôi nhà mặt phố hai tầng, mở cửa hàng giặt khô là hơi và khâu mạng hàng len dạ. Chú Trụ vốn quen ông Đỗ ở Côn Minh, đến liên hệ xin ở nhờ. Ông Đỗ được nhiều người truyền tụng về tính hào hiệp của cụ Hồ Học Lãm, người thường nuôi dưỡng đồng bào Việt khi còn ở Nam Kinh. Nay thấy gia đình tôi chạy giặc Nhật đến xin ở nhờ một thời gian, ông Đỗ vui long nhận lời ngay. Được biết cụ Hồ Học Lãm mắc bệnh nặng, gia đình gặp khó khăn, nên ông Đỗ cho ở trọ mà không lấy tiền thuê.

Về đây một thời gian ngắn, chị Trầm Huệ Phượng xin vào một trường đào tạo hộ lý. Chị Phượng bắt đầu thoát ly khỏi gia đình, vì biết kinh tế cha mẹ tôi có khó khăn. Sau đó, chị vào làm trong một bệnh viện, năm đó chị 18 tuổi. Trước khi đi học chị nói chuyện với mẹ tôi: "Nay con cũng mười tám tuổi rồi, cũng phải học một nghề để tự lập, papa, mama già rồi, không thể nuôi con mãi được". Sống với chúng tôi khoảng một năm, quen mấy sĩ quan Quốc dân đảng tiến bộ, Trầm Huệ Phượng trở nên tự tin hẳn. Thời gian chị đi học, cha tôi đang trên đường theo quân y viện về Quý Dương với sự hộ tống của cậu tôi, chú Lý Quang Hoa và chú Văn.

Vì quân y viện cũng có khó khăn về xe cộ, các bệnh nhân và gia đình di chuyển dần theo từng địa điểm đóng quân của bệnh viện, nên mấy tháng sau cha tôi mới về đến nơi, vào nằm trong bệnh viện Quý Dương. Các chú Hoa, Văn, và cậu tôi đến báo tin. Chú Trụ đưa mẹ và tôi đến thăm. Trông cha tôi rất tiều tụy, bụng to như đàn bà chửa, nhưng chân tay khẳng khiu, ngồi trên giường gãi sồn sột, kêu ca rận rệp hành hạ ông. Hôm sau mẹ tôi và chú Trụ mang áo quần sạch đến cho cha tôi thay, còn toàn bộ chăn màn áo quần cá nhân đem về nhà. Chú Trụ mượn chảo gang to, đun nước sôi nhúng. Lúc đó mùa đông cuối 1938, cha tôi mặc áo dầy, cho nên rận rệp làm ổ trong áo. Tuy có đỡ phần nào, nhưng giường gỗ mới là ổ rận rệp, hết lớp này đến lớp khác tiếp tục hành hạ cha tôi. Hàng ngày, chú Trụ đưa đồ ăn do mẹ tôi nấu giàu dinh dưỡng hơn vào cho cha tôi.

Bác sĩ gặp gia đình, thông báo "Hồ Học Lãm tiên sinh suy tim nặng, gan cũng yếu, do bệnh hen lâu năm gây ra. Nay các dinh dưỡng không chuyển hóa thành máu được, nước tích trong bụng, gây khó thở. Bây giờ chúng tôi mở một mũi nhỏ để hút nước trong bụng ra. Cứ 3 tháng phải tiểu phẫu thuật một lần. Sau khi tiểu phẫu thuật xong, tiên sinh có thể về gia đình tĩnh dưỡng. Tránh hoạt động và xúc động thái quá, chỉ nên nằm yên trên giường bệnh. ba tháng sau đến khám lại và điều trị...".

Sau mỗi bận tiểu phẫu thuật, cha tôi mệt mất một tuần nằm bất động. Về nhà, chú Trụ và chú Văn nấu nước lá, tắm rửa sạch sẽ cho cha tôi, thay toàn bộ áo quần chăn màn. Nửa tháng sau, tinh thần và sức khỏe của cha tôi khá lên. Mẹ tôi cố sắc vài chục thang thuốc Bắc cho cha tôi uống. Là trẻ con nhưng tôi rất có thiện cảm với mùi thuốc Bắc vì nó thơm thơm, nhưng tôi sợ phải uống. Thấy cha chịu khó uống, tôi lấy làm phục lắm.

Sau khi các chú Hoa, Văn và cậu tôi lần lượt rời Quý Dương. Gia đình tôi bốn người, kể cả chú Trụ, chuyển sang ăn cơm chung với gia đình ông Vũ Hồng Khanh (thực ra Lý Quang Hoa không hề xuất hiện trong nhà tôi khi tới cha mẹ tôi chuyển tới ở cạnh gia đình Vũ Hồng Khanh ). Gia đình này có cô em vợ chuyên lo bếp núc, do đó chúng tôi đóng tiền ăn chung. Các bữa ăn cũng tươm tất, ngon lành, mỗi bữa cha tôi ăn được hai lưng bát với ít món ăn thêm để bồi dưỡng sức khỏe.

Quý Dương như một đại hậu phương, mọi người có thể ăn ở yên ổn hơn, và tôi đi học đều ngày hai buổi. Bây giờ tôi cũng không nhớ mình lúc ấy học lớp mấy, nói chung học lớp thấp hơn so với tuổi, vì tôi đã bắt đầu chín tuổi, nay tính lại có lẽ là học lớp hai chăng? Nghĩa là, tiện lớp nào vào học lớp ấy.

Khoảng tháng 3 năm 1939, một chiều đi học về, tôi không thấy cha mẹ đâu. Hỏi thím Vũ Hồng Khanh, bà bảo: "Thím không biết, chắc là đi chơi đâu đó. Thôi đến giờ ăn cơm rồi, cháu cứ ăn đi..." Tôi òa lên khóc nức nở, nhất định không chịu ăn uống gì. Bà Khanh hết lời khuyên giải không được. Bà bưng cơm vào phòng ngủ cho tôi, tôi cũng nhất quyết không ăn, chỉ gào khóc ầm ĩ, và trong bụng lo thực sự. Nhưng khóc mãi cũng mệt, tôi ngủ thiếp đi. Đang ngủ say nghe tiếng nựng của mẹ, tôi ôm choàng lấy mẹ vừa mừng vừa tủi lại khóc òa lên. Bà Khanh kể chuyện lại với mẹ tôi, vừa kể ôm bụng cười: "Cháu vừa khóc vừa nói: ‘Trời ơi là trời, có con chị thì bỏ đi xa; bây giờ chỉ còn con mẹ và thằng bố cũng bỏ đi nốt, cháu biết ở với ai bây giờ?’...".

Mẹ tôi cười theo làm tôi xấu hổ. Bà nói: "Ông Lãm thấy người khỏe hơn nên bảo tôi đưa ra ngoài đi cắt tóc, vừa hay tôi và ông gặp hai vợ chồng người bạn Trung Quốc chơi thân nhau ở Nam Kinh, thế là bốn người rủ nhau đi ăn và trò chuyện", "Thì em cũng bảo Mộ La là thầy mẹ cháu đi chơi một lúc rồi sẽ về, nhưng cháu nhất định không tin và bỏ ăn....", bà Khanh nói.

Chiều hôm sau, cơm tối xong, mẹ dắt tôi ra phố vào một quán trọ và gõ cửa một phòng. Tôi sửng sốt thấy chú Liễu và chú Thược ra mở cửa đón chúng tôi vào. Mẹ tôi dặn: "Bây giờ chú Liễu gọi là chú Phùng Chí Kiên nhá. Về nhà cấm không được cho ai biết mình gặp hai chú nhá". Hai chú cho tôi một thỏi sô cô la. Câu chuyện của mẹ tôi làm tôi không hiểu đầu cua tai nheo thế nào, chỉ thấy bà nhắc đi nhắc lại: "Ông Lãm bị suy tim nặng, sống chết thế nào không lường được. Ông ấy nhớ Diệc Lan lắm, nhưng là đàn ông cho nên ông không hé một lời nào với các anh, nhưng tôi biết tâm sự của ông ấy. Hai vợ chồng chúng tôi đã nói rồi, Diệc Lan là người của các anh, các anh sử dụng nó thế nào tùy yêu cầu của cách mạng, chúng tôi quyết không dám giữ, chỉ xin các anh một điều, trước khi nó đi, cho nó về thăm cha một lần...". Anh Liễu cười: "Diệc Lan vẫn ở Lão Hà Khẩu với Lê Tân Dân, đã về Côn Minh đâu? Đường về Côn Minh phải đi qua Quý Dương, Diệc Lan thể nào cũng ghé thăm gia đình, chị cứ yên tâm đi...". Nhưng mẹ tôi nhất quyết không tin lời chú Phùng Chí Kiên. Mẹ cứ nói đi nói lại, chú Kiên cứ thanh minh hoài, còn tôi cứ suy nghĩ, chị sẽ đi đâu, làm gì, tại sao lại không về thăm nhà được, để mẹ tôi cứ phải nhắc các chú điều đó?

Ít lâu sau, mẹ tôi mới kể cho tôi nghe chuyện hôm tôi khóc nức nở vì không thấy cha mẹ đâu. Chiều hôm đó khoảng 3 giờ, cha tôi nằm ốm lâu ngày quá, nay thấy khỏe khỏe hơn một chút, bèn đi thật chậm rãi ra phố cắt tóc, sau đó đứng đọc các báo trên bảng ở hè phố (ở nhà vẫn đặt nhật báo, cha tôi vẫn không bỏ thói quen đọc báo. Trung Quốc hay dựng bảng gỗ to trên hè phố, trên đó hàng ngày dán các loại báo lớn để nhân dân có điều kiện tìm hiểu tin tức thời sự hàng ngày). Bỗng thấy có người vỗ vai sau lưng, ngoảnh lại thấy chú Thược (Đặng Văn Cáp) và chú Phùng Chí Kiên. Cha tôi vô cùng mừng rỡ.

Hai chú hỏi cha tôi hiện ở đâu? Ông trả lời: "Nơi tôi ở các anh không đến được, vợ chồng Vũ Hồng Khanh đang ở đó. Thôi chúng mình kiếm một quán ăn vừa ăn vừa nói chuyện". Khi ba người đang đi kiếm quán ăn thì vừa gặp mẹ tôi ở đằng kia đi lại, do đó bốn người kéo nhau vào một quán bình dân ăn cơm, trò chuyện với nhau (chuyện gì thì mẹ tôi không kể). Mãi đến 8 giờ tối mới chia tay nhau, do đó cha mẹ tôi về nhà muộn.

Từ lâu, hồi còn ở Nam Kinh, tôi được nghe tên Nghiêm Kế Tổ, Vũ Hồng Khanh, nghe chuyện bọn Quốc dân đảng Việt Nam ở Côn Minh làm nhiều xằng bậy, rằng họ rất ghét cộng sản. Do đó tôi hiểu ngay chuyện cha mẹ tôi muốn bảo vệ ông Phùng Chí Kiên và ông Thược, còn câu chuyện gặp bạn Trung Quốc là để đánh lạc hướng gia đình Vũ Hồng Khanh.

Rồi mẹ tôi nói chuyện các chú viết thư gọi chị tôi và chú Cao Hồng Lĩnh về Côn Minh nhận nhiệm vụ. Chị tôi viết thư về cho hai ông bà rằng khoảng đầu năm 1939, họ sẽ rời Lão Hà Khẩu (nơi đóng quân của anh Tân Dân) về Côn Minh, thể nào cũng sẽ đi qua Quý Dương, do đó, chị hẹn sẽ về thăm nhà ít hôm. Nay đã tháng 3 rồi mà chẳng thấy chị đâu. Mẹ tôi hay nằm mê thấy có người báo "muốn gặp con gái thì đến các nhà trọ mà tìm...". Do đó, bà kể, hầu như ngày nào bà cũng đến các nhà trọ loại tầm tầm để tìm, mà không gặp. Mẹ tôi e tổ chức không cho chị tôi về thăm nhà, sợ gặp cha ốm rồi bịn rịn, không ra đi được. Mẹ tôi là con người hết sức nhạy cảm, lắm khi nhạy cảm đến mức tâm thần. Thực ra bà cũng đã mắc chứng tâm thần phân lập nhẹ rồi. Nhưng sau những giấc chiêm bao, bà suy đoán về chúng, lắm khi làm mọi người giật mình vì suy luận có lý của bà.

Khi gặp cha mẹ tôi, chú Phùng Chí Kiên cho biết họ đang ở Côn Minh, đến Quý Dương “đón một đồng chí” nhưng không gặp. Phùng Chí Kiên dặn hai ông bà rằng sau này có việc gì cần, thì gặp Trịnh Đông Hải hiện ở Côn Minh[5].

Sau khi ông Phùng Chí Kiên về Côn Minh được vài ba tháng gì đó (khoảng cuối tháng 6 đầu tháng 7, vì lúc ấy tôi bắt đầu nghỉ hè) cha tôi nhận được thư của ông Trương Bội Công. Tôi còn nhớ như in, khi mẹ và tôi ra phố trở về nhà, hai mẹ con đang định leo lên gác xép thì cha tôi gọi giật lại: "Bà Hồ ơi, bà đến đây, có bức thư lạ lắm".

Mẹ tôi quay lại ngồi bên giường cha tôi, còn tôi đi theo, và đứng cạnh mẹ. "Trương Bội Công rủ tôi về Quảng Tây cùng hoạt động cách mạng, bà đọc thư đi", cha tôi thông báo.

 Sau khi mẹ đọc xong thư, cha tôi nói tiếp: "Như bà vẫn biết, mấy chục năm qua Trương Bội Công tránh gặp mặt các anh em Việt Nam yêu nước, không liên hệ với bất cứ ai. Ông ta vào Quốc dân đảng Trung Quốc, mới được thăng thiếu tướng … Nay bỗng giở giọng yêu nước thắm thiết, kêu gọi mình về Quảng Tây cùng hoạt động cứu nước, âu cũng là chuyện lạ!",

"Thế ông tính sao?"

"Mình viết thư thăm dò cái đã, xem sao".

Ít lâu sau cha tôi nhận được thư trả lời. Đại ý bức thư là Tư lệnh trưởng Đệ tứ chiến khu Trương Phát Khuê yêu cầu Trương Bội Công tập hợp lực lượng thanh niên Việt Nam yêu nước để tổ chức thành đội ngũ. Một lần nữa,Trương Bội Công  khẩn khoản mời cha tôi về cùng hoạt động.

"Bà nghĩ sao?". Cha tôi hỏi.

Mẹ tôi trả lời: "Ở hải ngoại ai cũng biết tiếng, cũng quý mến Hồ Học Lãm. Trương Bội Công hẳn muốn lợi dụng uy tín ông ..."

Cha tôi phân tích: "Hẳn là Tưởng Giới Thạch đã có chỉ thị cho Trương Phát Khuê về việc này. Báo chí không phản ánh hết mọi tình hình thời sự. Chắc thế giới đã có biến động gì đây, nên Tưởng đã bắt đầu xúc tiến kế hoạch Hoa quân nhập Việt. Toan tính chuyện này, thế nào Quốc dân đảng cũng phải dự trù kinh phí. Trương Bội Công nhân cơ hội này vừa đầu cơ chính trị, vừa kiếm chác cho riêng mình. Điều quan trọng đừng để họ nắm lực lượng thanh niên yêu nước của ta ...".

"Thế ông tính làm sao?", mẹ tôi hỏi.

Cha tôi : "Phải viết thư báo ngay tin này cho Phùng Chí Kiên, và đề nghị các anh chuyển địa bàn hoạt động về Quảng Tây. Tỉnh trưởng kiêm Tư lệnh trưởng Vân Nam là Long Vân, là quân phiệt cũ, rất phản động. Ngoài mặt hắn là quân dưới trướng của Tưởng, nhưng vẫn ngấm ngầm chống Tưởng. Long Vân chưa bao giờ tỏ ra có thiện cảm với cách mạng Việt Nam. Đành rằng tuyến Côn Minh - Lào Cai có đường sắt, thuận đường đi lối lại, nhưng không lợi về chính trị. Với tình hình này, các anh về Quảng Tây có lẽ sẽ có lợi hơn... Bà có muốn gặp Diệc Lan không? Có chứ gì? Vậy nhân việc đưa thư tôi cho anh Phùng Chí Kiên, bà về Côn Minh một chuyến, may ra sẽ gặp Diệc Lan... Tôi sẽ bảo Trụ đưa hai mẹ con về Côn Minh. Tôi ở đây vẫn trông cậy được vào vợ chồng Vũ Hồng Khanh giúp đỡ cơ mà".

Thế là ba chúng tôi về Côn Minh vào khoảng đầu tháng 9, nghĩa là tôi lại phải bỏ học một dạo. Chú Trụ đưa mẹ tôi và tôi tới ở cùng nhà với vợ chồng chú Đỗ Đăng Trình và cô Hiền.

Một buổi chiều sau bữa cơm tối, chú Trụ nói điều gì với mẹ tôi. Bà dắt tôi ra đầu phố, dưới bóng đèn lờ mờ gặp một người đàn ông cao lớn, nói to nhưng trầm ấm, đó là chú Trịnh Đông Hải (Vũ Anh). Hồi thành lập Mặt trận Việt Minh năm 1936, chú Trịnh Đông Hải có về nhà tôi ở một thời gian ngắn. Có sẵn hai xe kéo, ba người chúng tôi ngồi xe vào một phố giữa trung tâm Côn Minh, kẻ qua người lại đông đúc và huyên náo. Sau khi xuống xe, lại đi một quãng đường xa rồi chú Hải đưa hai mẹ con chúng tôi vào một quán trà đông khách. Vào sau một bàn thấy chú Phùng Chí Kiên đã ngồi sẵn, chúng tôi ngồi xuống uống trà trò chuyện. Mẹ tôi kín đáo đưa bức thư của cha tôi cho chú Kiên rồi hàn huyên, rồi lại nhắc đến chuyện muốn gặp mặt chị Diệc Lan. Còn chú Kiên vẫn nhất nhất thanh minh rằng Diệc Lan vẫn còn ở Lão Hà Khẩu với Lê Tân Dân...

Trước khi ra về, mẹ tôi nói: "Mọi tình hình ông nhà tôi viết rõ trong thư rồi, có nhấn mạnh thêm với tôi là: Thời cơ hoạt động đã đến, các anh nên chuyển địa bàn hoạt động...". Sau đó, chú Hải tiễn hai mẹ con tôi về tận nhà. Đó là khoảng giữa tháng 10 năm1939.

Cuộc sống cứ trôi một cách phẳng lặng, tôi cứ việc chơi với các bạn Việt kiều và Trung Quốc, chẳng học hành gì cả. Giữa tụi trẻ con chúng tôi có lúc xảy ra cãi cọ. Khi mấy bạn Trung Quốc không bằng lòng chúng tôi, cứ chửi chúng tôi là "vong quốc nô" (đồ mất nước). Tôi tức lắm, nhớ câu mẹ nói: Trung Quốc chẳng qua đất rộng, bỏ đất cho Nhật bằng mất nước mấy chục lần Việt Nam, tôi gân cổ chửi lại: "Chúng mày cũng là vong quốc nô". Bọn trẻ ngạc nhiên, cãi lại:"Mất đâu mà mất, mày chẳng đang ở trên đất nước tao là gì?". "Ừ nhỉ", bụng bảo dạ vậy nhưng tôi vẫn cứ chửi bừa: "Mày bảo chúng tao là đồ mất nước thì chúng mày cũng thế". Cãi nhau suốt từ 7 giờ tối đến 8 giờ tối, bất phân thắng phụ. Cuối cùng hai bên đều mỏi mồm, ai về nhà nấy.

Lại một buổi chiều đầu tháng 11, sau bữa ăn, chú Trụ thầm thì điều gì với mẹ tôi, bà lại dắt tôi ra đầu phố gặp chú Trịnh Đông Hải. Hai người nói điều gì đó rồi ba người lên hai chiếc xe kéo. Tôi nghĩ chắc lại đi gặp chú Phùng Chí Kiên. Nhưng lần này xe đi vào những khu phố vắng, tôi hỏi mẹ: "Đi đâu thế mẹ?", "Đi gặp chị!".

Gặp chị ư?. Tôi không tin ở tai mình nữa, ngỡ là chiêm bao. Trong mơ tôi gặp chị nhiều lần, sướng ơi là sướng, tỉnh dậy chẳng thấy chị đâu.

Vừa đi, tôi vừa hỏi mẹ: "Có thật không?" vừa lấy tay cấu thật đau vào người để kiểm chứng xem có phải chiêm bao không. Đến một nhà trọ giữa phố vắng, chú Hải đưa hai mẹ con lên tầng hai, gõ cửa. Chị tôi ra mở cửa, mặt mũi tươi cười, nhưng người rộc đi nhiều so với thời kỳ sắp rời nhà lên căn cứ xô viết Thiểm Bắc đi học. Tôi ôm chầm lấy chị. Chú Hải ngồi một lúc thì ra về. Thế là lại được nằm cạnh chị, tất nhiên chị tôi lại nằm giữa, mẹ nằm ngoài, tôi nằm trong sát tường. Đêm hôm ấy ba mẹ con thức khuya lắm để trò chuyện.

Khi chú Hải vừa đi khỏi, mẹ tôi hỏi: "Hành lý con đâu?... Về từ hôm nào?".

Chị tôi chưa kịp trả lời, bà đã mở tủ áo ra. Thấy trong tủ chỉ có một va ly con xách tay, bà hỏi tiếp: "Áo quần, chăn màn đâu mà chỉ có một va ly xách tay thế này?". Chị cười ngượng nghịu, trả lời: "Con về sáng qua, đồ đạc đang để ở nhà người bạn gái". Mẹ chỉ cười, không nói gì nữa.

Nằm trên giường, nghe chị kể chuyện dọc đường đi vất vả làm sao, vì ô tô khách không ghé qua Quý Dương, cho nên không vào thăm cha được v.v... Mẹ tôi cứ để cho chị kể. Diệc Lan tiếp tục kể chuyện mình, như để lấp chỗ trống. Rồi cuối cùng câu chuyện của chị cũng kết thúc. Mẹ tôi nói mà tôi sững sờ: "Con về Côn Minh lâu rồi, đi qua Quý Dương sợ thầy mẹ giữ lại, nên không dám ghé thăm nhà...". Chị tôi hết lời thanh minh. Tôi cũng chẳng hiểu thực hư thế nào. Ngày hôm sau, chị bảo: "Con sẽ đến nhà bạn con lấy hành lý, đồ đạc và thu xếp một số công việc, khoảng một tháng gì đó sẽ về ở hẳn với mẹ và em".

Sau khi chia tay, về đến nhà, mẹ bàn với các chú thu xếp cho một chỗ ở riêng. May gần đó có một căn buồng khoảng 6 mét vuông, đặt vừa được một chiếc giường đôi và một bàn làm việc, va ly áo quần để trên giường, nồi niêu soong chảo để dưới gậm giường và gầm bàn. Hàng ngày hai mẹ con sống với nhau và phấp phỏng ngóng chị về. Vào khoảng tháng 11, chị tôi xách chiếc va ly con và chăn màn về đến nơi. Thế là ba mẹ con lại được ở bên nhau. Không hiểu vì lý do gì, mẹ và chị dặn tôi, ai có hỏi gì thì thác rằng chị này là bạn thân của chị ruột tôi; còn chị ruột là Diệc Lan thì vẫn đang ở Lão Hà Khẩu với chồng. Do đó, chỉ khi nào có ba mẹ con với nhau mới được nói tiếng mẹ đẻ, còn trước mặt mọi người thì chúng tôi phải nói tiếng Trung Quốc. Được cái căn buồng đó tương đối biệt lập. Trong hàng xóm láng giềng phần lớn là Việt kiều - họ cũng tưởng như vậy, chỉ riêng chú Trụ, chú Trình là biết chị tôi.

Ngày trước, mặt chị tôi bầu bĩnh, người tương đối đẫy đà, bây giờ trông chị tôi gầy nhom, hai gò má nhô cao, nước da xanh và hay húng hắng ho. Trước khi ra đi, anh Tân Dân đưa chị tôi một khoản tiền để uống thuốc, vì chị bị sơ nhiễm lao. Buổi sáng, mặt chị tái nhợt, đến khoảng một, hai giờ chiều, hai con mắt chị sáng long lanh, hai má hây hây mầu hồng. Hai, ba giờ sáng chị thường đổ mồ hôi trộm. Thời đó bệnh này coi như bó tay, chỉ điều trị bằng cách ăn uống bồi dưỡng sức khỏe để lui căn bệnh. Mẹ và chị đưa nhau đi khám thầy lang và hàng ngày sắc thuốc uống. Nhờ nghỉ ngơi công việc, ăn uống điều độ, uống thuốc bắc thường xuyên, con bệnh có vẻ lui. Nhưng mầm bệnh thực ra vẫn còn nguyên, sẽ gây tác hại lâu dài về sau.

Trong thời gian ở bên nhau, mẹ thường đưa ra những lý lẽ và nhận xét sắc sảo về sự kín tiếng bấy nay của chị. Cuối cùng chị tôi đành thú nhận:

"Con về Côn Minh từ hè năm 1939, các anh sợ bịn rịn cảnh thầy ốm nặng, khuyên con đi thẳng về Côn Minh. Các anh định bố trí con và anh Cao Hồng Lĩnh về Hà Nội đóng giả Hoa kiều để làm cơ sở liên lạc trong và ngoài nước. Không ngờ, chưa chuẩn bị xong mọi công việc thì anh Lâm Bá Kiệt[6] và anh Dương Hoài Nam[7] từ trong nước ra, cho biết trong nước bị vỡ cơ sở, nhiều đồng chí bị bắt, do đó tạm thời chưa thể về được. Anh Dương Hoài Nam đỗ cử nhân. Đảng dự kiến đưa hai anh sang Liên Xô học. Trong khi chờ đợi, con được bố trí dạy Trung văn cho các anh. Các anh đã học được ba tháng rồi. Anh Phùng Chí Kiên thấy mẹ thắc mắc về con, vả lại trước mắt cũng chưa có điều kiện về nước, hơn nữa thấy con ốm yếu, các anh bàn nhau cho con về với mẹ một thời gian rồi tính sau. Còn hai anh Nam và Kiệt đang chuẩn bị lên vùng đỏ để Đảng Cộng sản Trung Quốc bố trí đi học Liên Xô, do đó mới có cuộc gặp mẹ ở nhà trọ. Con về kể chuyện mẹ nghi ngờ về cuộc gặp gỡ, các anh cười và lắc đầu bảo mẹ sắc sảo quá...".

Ba mẹ con sống đầm ấm với nhau trong một thời gian khá dài thì có thư của cha tôi viết rằng ông chuẩn bị về Liễu Châu, các anh Lý Quang Hoa, Cao Hồng Lĩnh sẽ đưa cha tôi tới đó. Ít lâu sau nữa, có thư cho biết cha tôi đang nằm ở bệnh viện Quế Lâm, anh Tân Dân cũng đã về đó, giục ba mẹ con chúng tôi đi Quế Lâm. Từ giã Côn Minh, chú Trụ đen đưa chúng tôi về Quế Lâm. Các chú thuê được hai phòng với một gian nhỏ làm bếp ở tầng hai. Các chú ở phòng lớn khoảng 16, 18 mét vuông, Phòng kia khoảng 8 đến 10 mét vuông, giành cho mẹ và tôi nằm ở một giường đơn, còn chị tôi và anh Tân Dân nằm dưới sàn. Hai anh chị vừa trò chuyện như đôi chim bồ câu vừa cười rúc rích, có vẻ thú vị. Ít tuần sau đến ngày Tết âm lịch năm Tân Tỵ, tức đầu năm 1940, anh Tân Dân còn ít tiền đưa các chú sắm Tết. Các chú mua một thủ trâu to tướng về hì hụi cạo lông, róc thịt, bổ đầu lấy bộ óc, chặt xương và mượn một chảo gang to về ninh xương ngay trong phòng lớn. Không rõ các chú kê gác thế nào, chỉ thấy đặt kiềng ba chân, chất củi to bằng cổ tay người lớn ngay trên sàn gỗ, rồi nổi lửa ninh xương suốt từ trưa đến cuối chiều, mà sàn gỗ vẫn không bị cháy.

Đêm ba mươi Tết ngoài trời mưa phùn gió rét. Cả nhà ngồi quây quần. Tôi còn nhớ, đêm đó có chú Trụ chủ trì bữa cơm tất niên, các  chú Lý Quang Hoa, Thược, Văn, Từ Chí Kiên, rồi  anh Tân Dân, ba mẹ con chúng tôi tề tựu. Tất cả khoảng chục người. Chỉ thiếu có cha tôi, thui thủi nằm một mình trong viện. Đó là bữa tất niên với món ăn rẻ tiền nhất, nhưng cũng ngon lành nhất, mọi người xì xụp ăn uống, trò chuyện. Đêm giao thừa pháo nổ râm ran.

Sáng hôm sau ra cổng thấy ngoài đường toàn xác pháo. Trẻ con vẫn đua nhau đốt pháo đì đoành khắp nơi. Cả nhà kéo nhau qua sông Ly Giang, vào viện chúc Tết cha tôi. Ông kể rằng đêm qua ba mươi Tết, bệnh viện cho ăn tươi.

Có vẻ Quế Lâm sẽ là chỗ ở lâu dài, nên chị tôi liên hệ cho tôi học một trường gần nhà. Hàng ngày tôi lại đi học hai buổi, mỗi lần về nhà lại thấy vắng mặt một số chú. Cuối cùng anh Tân Dân cũng đi nốt, chỉ còn chú Trụ và chú Văn. Để tiện cho mẹ con đi thăm cha tôi, trước khi đi xa, anh Tân Dân đã cùng chú Trụ tìm được một căn nhà gỗ hai tầng, cách bệnh viện không xa. Chúng tôi thuê hẳn bốn phòng tầng trên. Ngôi nhà có sân rộng, với một nhà bếp riêng phía sau sân, và các công trình phụ. Nhưng anh Tân Dân đi trước khi dọn đến nhà mới. Chỉ còn chú Trụ, Thược, Văn cùng ba mẹ con về ở đó.

Ngôi nhà này cấu trúc kiểu truyền thống, hai bên nhà là hai phòng ngủ, ở giữa gồm tiền sảnh và hậu sảnh. Bao quanh tầng trên là ban công. Phía trước nhà là đường qua lại. Cách đó không xa là sông Ly Giang, nước trong xanh chảy êm đềm. Xa xa trên sông có một đám đá trồi lên nhấp nhô, nhân dân quanh vùng gọi đó là "đảo Bông". Quả là giống một đám bông nổi trên mặt nước. Khi nào mùa lũ, nước dâng cao lấp "đảo Bông", sông đục ngầu trong con nước đỏ. Có một bến đò gần đó, ngày ngày chở khách sang ngang. Chúng tôi đi đò sang bờ Mộc Long Động. Đi khỏi động là đến cửa sau của bệnh viện, tới một dãy nhà một tầng nằm ngang trong vườn bệnh viện, trong đó có một phòng khoảng mươi mười hai mét vuông nơi cha tôi nằm điều trị. Chị Diệc Lan đi làm cho một hiệu sách cũng ở bên kia sông, chiều về ghé thăm cha rồi mới về nhà. Tôi thì hàng ngày vẫn đi học ở trường tiểu học gần nhà.

Chị Huệ Quần (Trầm Huệ Phượng)[8] làm y tá vất vả quá, đành bỏ bệnh viện ở Quý Dương, theo gia đình tôi về Quế Lâm. Chị tìm được chân bán sách ở một cửa hàng sách. Mẹ và chị Diệc Lan bảo về nhà ở, chị nói:"Con có nghề y tá, con biết cách chăm sóc cha, để con về ở trong phòng bệnh cùng cha, vừa để chăm cha vừa để học thêm". Mẹ và chị sợ chị Huệ Quần vất vả quá, không đồng ý, nhưng chị nhất quyết đòi làm vậy. "Hãy để con có cơ hội hiếu kính papa". Về sau, chị đi học lớp kế toán sáu tháng, và chuyển sang làm kế toán cho một công ty. Ít lâu sau vì bệnh nhân đông, bệnh viện xếp thêm một bệnh nhân nằm cùng cha tôi, chị phải về ở cùng gia đình tôi. Chị là một người sống có tình nghĩa thủy chung. Sau, vì chuyện tình riêng, chị phải lánh đến đi thành phố khác.

Sau này tôi được nghe mẹ và chị tôi kể chuyện về bệnh tình của cha mình như sau. Khi ở Quý Dương, cứ ba tháng cha tôi vào bệnh viện một lần để rút nước trong bụng ra, ông rất mệt, và sợ phẫu thuật đó. Nhưng nếu cứ để bụng to mãi, tim phổi bị chèn ép, gây khó thở. Bệnh viện Quảng Tây ở Quế Lâm là quân y viện lớn nhất của Đệ tứ chiến khu, có phương pháp và thuốc men chữa trị hiện đại, do đó cha tôi không phải trải qua tiểu phẫu thuật đó nữa mà được tiêm một loại thuốc của Mỹ, nước trong ổ bụng sẽ theo đường tiểu ra ngoài. Nhờ đó cha tôi đỡ mệt và người nhẹ nhõm hẳn, tinh thần cũng sảng khoái hơn, đôi mắt đỡ mệt mỏi hơn. Nhưng ông vẫn phải nằm bất động vì tim to.

Trong những đêm ba mẹ con nằm trò chuyện, chị tôi mới kể một chuyện như sau:

"Sau khi anh Phùng Chí Kiên nhận được thư cha tôi, anh đọc cho mọi người trong nhóm lãnh đạo ở Côn Minh, trong đó có một lão đồng chí  …”

Mẹ tôi cắt lời chị, nói ngay: "Đó là Nguyễn Ái Quốc. Chỉ có ông  Nguyễn Ái Quốc mới được mọi người tôn trọng đến thế. Một dạo, mẹ đi lang thang trên đường phố Côn Minh để xem có tình cờ gặp được con không. Một hôm thấy một người đàn ông dong dỏng cao, trán rộng và hói, mũi cao và thẳng từ đầu kia đi tới, nhìn thấy mẹ, ông vội kéo sụp mũ phớt xuống và đi lướt qua mẹ. Vì gặp bất thần, mẹ hơi ngỡ ngàng. Khi định thần, ông ấy đã đi khuất. Mẹ ngầm đoán là Nguyễn Ái Quốc đang có mặt ở Côn Minh".

Chị tôi nói: "Nếu thế, thì con cũng gặp ông cụ rồi. Có một lão đồng chí như thế trong một buổi họp mặt những người yêu nước. Ông cụ có chòm râu cằm lưa thưa. Cụ thỉnh thoảng lại đưa mắt quan sát con từ chỗ ngồi cách xa chỗ con ngồi. Con cứ tưởng đó là một ông già yêu nước nào đó”. (Thật ra đó là cuộc họp chi bộ, chị tôi vẫn giấu gia đình về chuyện chị đã trở thành đảng viên cộng sản).

Căn cứ vào tình hình thế giới, trong nước và địa bàn hoạt động, nhóm lãnh đạo nhận thấy ý kiến và cơ hội mà thầy tôi[9] đưa ra trong thư là hợp tình hợp lý. Khi đó hai anh Lâm Bá Kiệt và Dương Hoài Nam đã đi Quý Dương, chờ dịp sang Liên Xô học tập. Cuối cùng, đã quyết định: cử người về Liễu Châu lập tiền trạm; cử Lý Quang Hoa, Cao Hồng Lĩnh đến đón thầy tôi đi về Liễu Châu; đồng thời đánh điện yêu cầu các anh Lâm Bá Kiệt và Dương Hoài Nam không đi tiếp về Diên An nữa, mà quay về Liễu Châu nhận nhiệm vụ mới. Rồi mọi người phân tán thành nhiều đợt, di chuyển dần về Quảng Tây. Khi Lê Tân Dân thông báo việc này cho anh em, anh cố tránh nói đến Nguyễn Ái Quốc, để mọi người cứ tưởng quyết định trên là của nhóm lãnh đạo do Phùng Chí Kiên đứng đầu đưa ra. Đó là nhằm giữ kín tung tích của Nguyễn Ái Quốc. Khi cha tôi về Liễu Châu, các anh đều có mặt ở đấy. Cha tôi đã đưa một số các anh trong đó có Phùng Chí Kiên và Lý Quang Hoa tới gặp mặt Trương Phát Khuê, Trương Bội Công, giới thiệu họ là thanh niên yêu nước Việt Nam. Ở bản doanh của Trương Phát Khuê, cha tôi còn gặp Bạch Sùng Hy. Thấy ông bị bệnh tim nặng, hai tướng Trương, Bạch viết thư giới thiệu cha về điều trị ở "Quảng Tây y viện" tại Quế Lâm. Do đó các anh lại tháp tùng cha tôi về lại Quế Lâm. Mặt khác, các anh cũng không muốn hợp tác với Trương Bội Công, do đó kéo nhau về Quế Lâm với cha tôi.

Được ít lâu, nhận thấy cha tôi ngày một yếu, nhóm thanh niên ông bảo trợ lại không hoạt động theo hướng họ mong đợi, Quốc dân đảng Trung Hoa chuyển cha tôi từ chế độ ưu đãi đặc biệt thành chế độ điều trị thông thường. Thấy thế, mẹ tôi băn khoăn lắm. Nhưng cha tôi bảo: "Nằm chung một phòng với mọi người càng vui, có người trò chuyện, bà không việc gì phải băn khoăn". Ông tỏ vẻ bình thản và vui vẻ, nói với chị tôi: "Chuyện thầy là chuyện vặt, quan trọng là các anh đã có cách về nước. Xưa nay, lo sao cho các anh ấy hoạt động tốt là điều thầy mong mỏi nhất".

*

*    *

Anh Dương Hoài Nam[10] đến với gia đình tôi lúc cuộc sống đã tương đối chật vật. Chú Trụ là người tháo vát, đảm đang, chú mua một đàn vịt con về nuôi. Đêm nào chú cũng cầm đèn dầu hỏa đi bắt giun cho vịt ăn. Tất nhiên, do tính tò mò, tôi cũng theo chú đi bắt giun. Lúc đầu còn sờ sợ, về sau quen tay, hễ thấy đầu giun ló ra khỏi lỗ, tôi nắm chặt và rút chúng ra khỏi đất cho vào ống bơ. Lần nào bắt được con giun dài, mà béo mẫm thì thích thú lắm. Đi cùng còn có chú Văn và chú Thược. Chú Trụ muối một vại to dưa cải. Có hôm trên mâm có dưa chua ăn sống, dưa chua xào dầu lạc và dưa chua nấu canh. Cả nhà vẫn ăn uống ngon lành. Đàn vịt mười con, nuôi một chập chỉ còn lại dăm con. Tôi những tưởng khi nào chúng biết kêu quạc quạc thì mới làm thịt, ngờ đâu chú Trụ bắt ráo mấy con vịt nhỡ vặt lông làm thịt, cả nhà được bữa chén tươi. Mấy hôm sau, ba chú Trụ, Thược, Văn biến mất, chỉ còn chú Nam ở lại.

Chị tôi hết lời ca ngợi chú Dương Hoài Nam thông minh xuất chúng. Lúc còn ở Côn Minh chị kể:

"Anh Lâm Bá Kiệt nước da ngăm đen, hai mắt sáng với gương mặt xương xương, trông đàn ông. Anh ít nói. Còn anh Dương Hoài Nam da trắng, gương mặt khôi ngô, thư sinh, tính tình hoạt bát sôi nổi, làm việc suốt ngày. Hễ anh nghỉ xả hơi, anh liền hỏi chị bằng tiếng Trung Quốc: ‘Cái này là cái gì? Cái kia gọi là gì v.v...’, cố chắp nối các từ nói những tiếng Trung Quốc dài và phức tạp. Do tính hiếu học, anh học tiếng Trung Quốc nhanh và giỏi. Con người anh lạ và mới lắm. Có hôm chị đang giặt đống quần áo bẩn, anh ngồi xuống cạnh chị, thò tay giặt giúp chị, tranh thủ cả cơ hội này để luôn miệng nói tiếng Trung Quốc. Thấy anh giặt đồ của chị, chị ngượng ơi là ngượng, nhưng anh Nam vẫn không để ý, cứ vui vẻ trò chuyện với chị bằng tiếng Trung Quốc, để cố học được nhiều từ mới. Anh khoe vợ anh rất đẹp và vừa sinh một cháu gái rất kháu khỉnh... Có hôm anh kêu lên: ‘Chị Diệc Lan ơi, tôi nhớ vợ con quá’ …"

Với chị tôi, trường hợp anh Hoài Nam thật đáng ngạc nhiên, bởi vì anh khác với khuôn mẫu của các vị lãnh tụ của giai cấp vô sản mà chị tôi vẫn sùng bái. Chị từng nói: "Stalin dạy: Người cộng sản là con người làm bằng chất liệu đặc biệt, con người thép. Có nghĩa là người vô sản rất "thần thánh", rất "khác người", “không có những tình cảm bình thường". Chính quan niệm của chị tôi đã có ảnh hưởng ghê gớm đến tư duy sau này của tôi.

Một hôm, chị tôi kể: "Đêm qua chị học tiếng Anh đến 11 giờ, anh Dương Hoài Nam thấy đèn phòng chị vẫn sáng, anh gọi: ‘Chị Lan ơi, chị đi ngủ chưa?... Ra ngoài này cùng trò chuyện một lúc nhé’. Chị và anh ấy ra đứng ở ban công, bên dưới là dòng Ly Giang lấp lánh, vằng vặc ánh trăng. Cảnh đẹp vô ngần. Anh kể chuyện hoạt động cách mạng trong nước, rồi chuyện vợ anh cũng tham gia hoạt động. Ước chừng con gái anh đã đầy tuổi tôi, anh mong chóng có ngày giải phóng đất nước, để được đoàn tụ với vợ con. Anh nói anh thích sử học và chưa thấy trong nước có cuốn sử nào viết hay, vì các sử gia không viết sử theo quan điểm duy vật biện chứng. Nếu nước nhà giành được độc lập, anh sẽ chuyên nghiên cứu lịch sử của dân tộc Việt ... Chị kể cho tôi chuyện này với đôi mắt long lanh đầy tình cảm sùng bái. Đó là hè thu năm 1940, chị tôi mới hai mươi tuổi, tôi vẫn là đứa trẻ lên mười. Chị tôi nói gì tôi cũng hoàn toàn tin theo, vì tôi sùng bái chị. Chị sùng bái những lãnh tụ của giai cấp vô sản, tất nhiên tôi cũng vậy.

Những khi rỗi, tôi chạy đến đứng trước bàn làm việc của Dương Hoài Nam, chăm chú xem chú ấy làm việc. Trên bàn có một lọ mực nho đựng loại mực đen, với cán bút và ngòi bút thon nhỏ (khác những ngòi bút thông thường). Bên trái, chú để một cuốn sách dầy bằng chữ Trung Quốc, bên phải là tập giấy pơluya mầu vàng. Mắt chú nhìn vào sách, tay chú viết nét chữ thanh, đều tăm tắp và rất đẹp. Đối với tôi, đó là một việc làm phi thường, bởi vì mắt chú không nhìn vào trang giấy viết mà các dòng chữ vẫn đều, thẳng tắp. Tôi hỏi chị: "Chị ơi, sao chú tài giỏi thế? Chú đang dịch gì đấy?". Chị cười trả lời: "Hình như dịch Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô. Những trang viết như thế của Hoài Nam sẽ dán vào đá và in ra sách! Em biết không, anh Nam học tiếng Trung Quốc mới sáu tháng, vậy mà buổi họp mặt tọa đàm về vấn đề văn hóa Việt - Trung, anh trình bày tình hình trong nước bằng tiếng Việt, chị dịch sang tiếng Trung Quốc, thấy chị dịch chưa thoát, anh nói thẳng bằng tiếng Trung Quốc luôn, rất trôi chảy. Các nhà báo Trung Quốc hết sức ngạc nhiên, hỏi anh học tiếng Trung Quốc bao lâu rồi, chị trả lời thay là "mới sáu tháng". Mọi người hết sức kinh ngạc và kính phục. Có thể nói, Hoài Nam rất tài năng...!

Mẹ tôi tính nóng, bộc trực cho nên bà hay làm mất lòng mấy người trong nhà. Đối với một người cần cù làm việc ngày đêm và tài năng như Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp), mẹ tôi hết sức nể trọng. Cũng như mẹ tôi hay nhắc những người ngày trước từng đến ở trong nhà chúng tôi, như Thái Lai (Hà Huy Tập), chị Duy (Nguyễn Thị Minh Khai), Lê Hồng Phong... với giọng hết sức trân trọng kính nể. Bà thường nói với chúng tôi: "Các con xem, người chỉ biết làm việc cả ngày lẫn đêm, tâm hồn họ làm gì còn chỗ cho những điều tẹp nhẹp".

Dương Hoài Nam là người cuối cùng rời khỏi gia đình tôi vào cuối mùa hè. Sau khi chú đi khỏi nhà, ngoài cha tôi đang nằm bệnh viện, chỉ còn lại ba mẹ con chúng tôi. Chưa đến kỳ lĩnh lương, ba mẹ con đi mua khoai tây, khoai lang ăn trừ bữa. Sợ láng giềng biết sự túng bấn của mình sẽ coi thường, chúng tôi không dám luộc khoai dưới bếp chung dành cho các gia đình cùng khu nhà.

Chị Trầm Huệ Phượng cứ ngày chủ nhật lại về chơi. Nhà ở thừa hai phòng, chúng tôi cho người ta thuê lại.

Sau khi không còn chú nào ở trong gia đình nữa, nhu cầu chỗ ở không lớn, để tiết kiệm, và cũng để tiện cho công việc của chị và chăm nom cha tôi, cuối cùng chị tôi thuê được một phòng khoảng mươi mười hai mét vuông, và một phòng khoảng 6 mét vuông. Gia đình chúng tôi chuyển về ở đó. Đó là Quế Hoa Lộ. Từ chỗ đó đến bệnh viện nơi cha tôi điều trị khoảng nửa kilômét và không phải sang sông. Lúc đó khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 1941.


[1] Nhạc cụ tiền thân của đàn organ, có bàn phím, có hộp đàn, gần như piano nhưng bé hơn.

[2] Trần Báo và Đặng Xuân Thanh đều đã mất vào khoảng giữa những năm 1940.

[3] Cũng gọi là Cao Hồng Lãnh

[4] Hội viên của Hội quán Hoa kiều. Hoa kiều ở các nơi trên thế giới tổ chức các hội (giống như Hội đồng hương ở Việt Nam) tại Trung Hoa để khi về nước thuận tiện hơn trong ăn ở, liên hệ. Những người cách mạng cũng thường dùng các cơ sở này làm địa điểm liên lạc. Con em người Việt Nam yêu nước ở Thái Lan như Lý Phương Đức, Lý Phương Thuận, Ngô Khôn Duy, Ngô Chính Quốc, Trần Báo … từng có thời kỳ học trong các trường do người Hoa mở ở Thái Lan, và từng có lúc sử dụng giấy tờ như người Hoa Kiều.

[5] Theo Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị quốc gia 1993 tr. 88 - 91, sau khi bí mật gặp ông Hồ Học Lãm, Hồ Chí Minh lênđường đi Côn Minh. Tại đây, Người đã tìm gặp Trịnh Đông Hải (Vũ Anh), và nối được liên lạc với tổ chức Đảng của Việt Nam tại Trung Hoa.

[6] Phạm Văn Đồng.

[7] Võ Nguyên Giáp.

[8] Khi ở cùng với gia đình Hồ Học Lãm, Trầm Huệ Phượng lấy tên là Hồ Huệ Quần để người ngoài khỏi nghi ngờ.

[9] Hồ Học Lãm đề nghị cách mạng Việt Nam tương kế tựu kế, lợi dụng kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” của Tưởng để trở về nước hoạt động nhờ phương tiện và giấy tờ do chính quyền Quốc dân Đảng Trung Hoa cấp.

[10] Võ Nguyên Giáp. Lúc này vào nửa sau năm 1940.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442927

Hôm nay

2123

Hôm qua

2318

Tuần này

2740

Tháng này

218101

Tháng qua

112676

Tất cả

114442927