Người xứ Nghệ

Những thương binh tạo niềm tin cuộc sống

Con người cần niềm tin để vui sống và tạo dựng tương lai.Khi có niềm tin, con người trở nên minh mẫn và mạnh mẽ.Niềm tin cần cho tất cả chúng ta, nhất là ở một giai đoạn khá phức tạp – đầy cơ hội và thách thức như hiện nay.

Trong lịch sử hiện đại của dân tộc Việt Nam, có một ngày rất đáng trân trọng.Đó là ngày 27/7 – Ngày Thương binh – Liệt sĩ. Ngày này ra đời cách đây 70 năm và có những đóng góp lớn lao vào những cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước Việt Nam. Ngày 27/7 chính là một trong những cội nguồn sức mạnh của dân tộc ta, bởi vì khi thấy thương binh, bệnh binh, thân nhân của liệt sĩ được quan tâm, chăm sóc chu đáo thì người ta yên tâm ra chiến trường. Ý nghĩa lớn lao của Ngày thương binh – Liệt sĩ nằm ở chỗ đó chứ không chỉ thể hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, “Ăn trái, nhớ kẻ trồng cây”. Ta phải nói rõ điều này, bởi vì trong tình hình hiện tại, rất có thể thế hệ con em chúng ta lại phải ra chiến trường. Khi có niềm tin vào cách ứng xử có tình, có lý của cộng đồng, con người trở nên vững vàng và đầy sức mạnh.

Niềm tin có giá trị to lớn như vậy nên những người có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc phải ra sức củng cố niềm tin của nhân dân. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, mất mát, hi sinh nhiều nhưng dân ta chưa bao giờ mất niềm tin vào thắng lợi. Những năm gần đây kinh tế phát triển, xe hơi chạy đầy đường, chật phố; nhà lầu mọc lên ở khắp mọi nơi; cái ăn, cái mặc không thiếu, thậm chí thừa mứa đến nỗi báo chí phải kêu gọi nhân dân giải cứu,… Trong bối cảnh như vậy mà người ta lại nói tới việc niềm tin bị lung lay, bị giảm sút. Điều này là rất đáng lo ngại.

Là một người làm việc liên quan đến chữ nghĩa, tôi đọc rất nhiều.Nếu là người “yếu bóng vía”, đọc những thứ trên mạng Internet hiện nay, chúng ta sẽ bị sốc và hoang mang.Cuộc sống có cả chuyện tích cực và tiêu cực nhưng những người viết hình như thích viết về tiêu cực hơn.Điều này cũng không có gì lạ bởi vì tích cực được xem là điều đương nhiên, không cần phải nói tới nữa. Còn tiêu cực cần phải lên án để loại bỏ nên người ta phải nói tới nhiều. Tuy nhiên, nếu ngày nào cũng đọc, mà chỉ thấy toàn những thứ tiêu cực thì rõ ràng tâm trạng chúng ta cũng u ám theo. Và lúc này, niềm tin vào những điều tốt đẹp bị lung lay. Điều này không có lợi cho bất kỳ ai.

Ngày 27/7 hàng năm được kỷ niệm đều đặn, năm 2017 chẵn 70 năm lại càng được chú ý. Chiến tranh lùi càng xa, những người thương binh càng cao tuổi và càng ít dần. Đây là những người đáng trân trọng không chỉ vì những cống hiến của họ trong chiến tranh, mà cả sự lao động có hiệu quả của họ trong hòa bình. Những người như thế nhiều lắm; tôi đặc biệt có ấn tượng với hai thương binh người Nghệ Anlao động trong lĩnh vực nghệ thuật. Đó là Nhà văn Sơn Tùng và Nhà thơ Hoàng Cát. Có thể nói hai ông đã nêu những tấm gương sáng về ý chí, nghị lực, sự lao động nghiêm túc và hiệu quả trong văn học. Hơn nữa, cả hai ông đều dính “Nghi án văn chương” và phải trả giá đắt. Tuy nhiên, cả hai ông đều vượt qua đầy quả cảm với sự tôi luyện của những thương binh và một chút ngang tàng của người Nghệ.

Sơn Tùng – Nhà văn viết về Bác Hồ có sức lay động nhất

Tôi không có may mắn gặp Nhà văn Sơn Tùng nhiều nhưng tôi đọc rất nhiều tác phẩm của ông và những điều đồng nghiệp viết về ông. Các đây mấy năm, tôi đến nhà ông để chuyển sách “Kỷ niệm văn chương” của Nhà văn Nguyễn Phi Phục tặng ông. Được trò chuyện với những người thân của ông, tôi càng khâm phục ý chí, nghị lực và sức viết của ông.

Cuộc đời của Nhà văn Sơn Tùng gắn liền với chiến tranh, báo chí, văn chương, nỗ lực vượt lên trên thương tật để sáng tác. Trong ông cái chất Nghệ được thể hiện rõ nét. Nhà văn Sơn Tùng họ Bùi,sinh năm 1928, tại làng Hoa Lũy (nay là Kim Lũy), xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Làng Hoa Lũy là một làng biển bãi ngang, nghĩa là không có bến sông đỗ thuyền, mà chỉ có những con sóng vỗ thẳng vào bờ.Ở những nơi như vậy thường là khó khăn cho việc làm ăn, sinh sống nhưng nó lại tôi luyện con người trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát, cứng rắn.

 

 

Nhà văn Sơn Tùng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với rất nhiều hoạt động trên các lĩnh vực tuyên huấn, tuyên truyền, phóng viên,huấnluyện quân sự. Ông tham gia hoạt động cách mạng năm 1944 và “chiến đấu” cho đến hôm nay. Đặc biệt, sau 15- 4 -1971 (ngày ông bị thương tại căn cứ Tà Nốt ở chiến khu Đ,thuộc tỉnh Tây Ninh) đến nay, Nhà văn Sơn Tùng luôn phải đương đầu với những cơn đau vì ông bị thương rất nặng. Trong những tháng ngày dưỡng thương ở bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô, ông may mắn gặp lại một nhân vật trong một bài báo của mình. Cô thanh niên tiên tiến Phan Hồng Mai đã trở thành một y tá của bệnh viện.Cô đã hết lòng chăm sóc cho thương binh – nhà báo Sơn Tùng và trở thành người bạn đời của ông.Ông là thương binh hạng 1/4, nặng nhất theo thang bậc thương binh ở Việt Nam.

 

Ông xuất ngũ với 14 vết thương trên mình và 3 mảnh đạn găm trong sọ não, mất 81% sức khỏe. Với thương tật như vậy, ông có thể nghỉ ngơi hoàn toàn.Tuy nhiên, Nhà văn Sơn Tùng không hề nghỉ ngơi; với sự trợ giúp của người vợ (bỏ việc ở bệnh viện để toàn tâm chăm sóc ông) ông đã luyện tập trong hơn 10 năm mới có thể tự đứng lên, đi lại được. Khi sức khỏe thể chất hồi phục, trí nhớ hồi sinh, ông đã làm việc cần mẫn và sáng tạo, cho ra đời hàng chục tác phẩm văn học.Với bàn tay phải chỉ còn 3 ngón bị co quắp, ông vẫn cầm bút viết và viết. Có những lúc bà Mai phải buộc ông vào ghế để những lúc kiệt sức không bị ngã; song, nhiều lần đã xẩy ra việc máu đầu ông chảy ướt cả vai áo.Tuy vậy, khi còn tỉnh táo, ông vẫn nghĩ và viết. Với ý chí lao động như vậy, từ năm 1974 đến khi còn tỉnh táo, Nhà văn Sơn Tùng đã cho ra đời hàng chục tiểu thuyết, tập truyện ngắn, thơ, tư liệu… Trong số 21 tác phẩm văn học của Nhà văn Sơn Tùng, có quá nửa viết về Hồ Chí Minh, chính xác là 13 tác phẩm.

Với sự mẫn cảm của một con người xứ Nghệ, lại có quan hệ họ hàng liên quan đến bên ngoại Bác Hồ (cụ nội Nhà văn Sơn Tùng là cụ Hà Thị Lự - cháu họ của cụ Hà Thị Hy – thân mẫu cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc) nên Nhà văn Sơn Tùng bỏ rất nhiều công sức để viết về Hồ Chí Minh.Ngay từ năm 1948, khi đang công tác tại Tỉnh đoàn Thanh niên Lao động Nghệ An, ông đã tìm gặp bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm để tìm hiểu chi tiết về thời niên thiếu và thanh niên của Bác Hồ. Chính vì vậy những trang viết của ông uyển chuyển, có sức sống, có hồn và vững chãi.

Trong 13 tác phẩm viết về Bác Hồ, tiểu thuyết “Bút sen xanh” được độc giả yêu thích nhất.Tiểu thuyết này đã được tái bản và nối bản tới 30 lần; được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Có lẽ, với“Búp sen xanh”, Nhà văn Sơn Tùng làngười đầu tiên viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với những sinh hoạt đời thường như những người khác. Trong thời đại của chúng ta, phải dũng cảm mới dám làm điều này. Nhà văn Sơn Tùng đã làm và làm rất thành công. Tiểu thuyết “Búp sen xanh” gây tiếng vang, đặc biệt được bạn đọc xa gần yêu thích. Người ta thấy lãnh tụ vĩ đại của chúng ta khi trẻ cũng yêu đương, hẹn hò… Điều này rất con người và rất thật.

Tuy nhiên, cũng chính vì điều này mà Nhà văn Sơn Tùng bị phê phán gay gắt, thậm chí bị kết tội “đời thường hóa” lãnh tụ. Người ta phê phán vì Nhà văn Sơn Tùng đã miêu tả mối tình của Nguyễn Tất Thành với cô Út Huệ. Điều đáng nói là nhân vật Út Huệ, theo nhiều nhà nghiên cứu là nhân vật có thật. Những người phê phán dù có ác ý và “sắc lưỡi” nhưng họ là số ít; những người khen ngợi và ủng hộ là số đông, trong đó có nhiều người có uy tín như cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Do vậy, tác giả “Búp sen xanh” được chào đón ở khắp mọi nơi.Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định: Nhà văn Sơn Tùng viết về Bác Hồ nhiều nhất, thành công nhất, có sức lay động nhất. Có thể kể ra vài con số để chứng minh cho nhận định này: Đã có tới 530 lần Nhà văn Sơn Tùng được mời nói chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các cơ quan, trường học, viện nghiên cứu, trung tâm khoa học, câu lạc bộ. Có tới gần học giả nước ngoài thuộc nhiều quốc gia từng tới thăm và phỏng vấn Nhà văn về Hồ Chí Minh.

Thành công của “Búp sen xanh” là sự kết tinh của trí tuệ, tài năng, sự chu đáo trong việc sưu tầm tài liệu và lòng kính yêu đối với Bác Hồ của Nhà văn Sơn Tùng. Phải nghe bà Phan Hồng Mai kể lại những ngày hai người dìu nhau vào miền Nam sưu tầm tài liệu để viết “Búp sen xanh” mới thấy hết được công sức hai vợ chống bỏ ra cho tác phẩm này. Một thương binh mất 81% sức khỏe nhưng vẫn từ Hà Nội vào Sài Gòn, đến Đồng Tháp, xuống Vũng Tàu, ra Huế,… để kiểm chứng những điều đã biết, tìm hiểu thêm những chi tiết mới mẻ cho tác phẩm của mình. Suốt 3 tháng ngang dọc khắp miền Nam, bà Phan Hồng Mai đã tiêu hết số tiền bà bán tài sản của mình để đưa Nhà văn Sơn Tùng đi tìm tại liệu. Chuyến đi này góp phần quan trọng vào sự sinh động có sức lay động trong “Búp sen xanh”. Phải nói, Nhà văn Sơn Tùng đã nêu một tấm gương về nghị lực vượt khó và sự cẩn thận, chu đáo trong việc viết văn về Bác Hồ.

Ngoài những tác phẩm viết về Bác Hồ, Nhà văn Sơn Tùng cũng dành thời gian và công sức đáng kể viết về, chiến tranh, về đồng đội.Tiểu thuyết“Trái tim quả đất”viết về cuộc chiến tranh chống Pháp, cụ thể là về Chiến dịch biên giới (1950).Ông hoàn thành vào năm 1989. Tiểu thuyết “Lõm” viết về cuộc chiến tranh chống Mỹ, cụ thể là về Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân (1968). Ông hoàn thành tác phẩm này vào cuối năm 1976 nhưng mãi đến năm 1994 mới được xuất bản.Trong các tác phẩm viết về chiến tranh, ông dành cho đồng đội sự yêu thương và kính trong khôn nguôi. Chỉ cần kể lại chuyện này là đủ: Năm 1994, khi tiếp Nhà văn Sơn Tùng, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tỏ ý muốn biết về ý nghĩa chữ ký kỳ lạ của nhà văn, ông đã thưa: “Chữ ký của tôi là hình nén hương trên mộ những anh hùng liệt sĩ”.

Nghị lực và sức lao động bền bỉ, sáng tạo của Nhà văn Sơn Tùng đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận xứng đáng khi phong tặng ông danh hiệuAnh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vào năm 2011.

 Hoàng Cát – Nhà thơ quả cảm “chiến đấu” với số phận

Khi tôi về làm việc tại Tạp chí Gia đình và Trẻ em thì Nhà thơ Hoàng Cát đã nghỉ làm ở đó, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn ghé tòa soạn chơi, trò chuyện và tặng thơ cho chúng tôi.Cuộc đời của người thương binh này có nhiều tình tiết khiến những người làm văn, làm báo nhớ mãi và khâm phục.

Nhà thơ Hoàng Cát sinh năm 1942, quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ngay khi sinh ra, ông đã phải “gánh” những điều rất nặng nề: Cả hai bên gia đình nội ngoại đều là địa chủ. Với lý lịch như vậy, ông vào đời thật chật vật.Mãi tới năm 18 tuổi, ông mới học hết lớp 7.Sau đấy, Hoàng Cát tốt nghiệp một trường kỹ thuật và về làm việc ở Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo tại Hà Nội.Đất nước có chiến tranh, Hoàng Cát muốn trở thành người lính. Phải sau 8 lần viết đơn, ông mới được toại nguyện, năm 1965 nhập ngũ và được đi B. Gần 4 năm chiến đấu ở chiến trường, đến năm 1969 ông bị bom B.52 “cướp” mất chân trái.

Năm 1971, Hoàng Cát trở ra Hà nội, tiếp tục về làm cán bộ kỹ thuật ở Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, đồng thời viết văn, làm thơ; những sáng tác của ông được chú ý. Năm 1972, ông dự Khóa 5, Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ. Sau đấy, được sự giúp đỡ và giới thiệu của Nhà thơ Xuân Diệu, Hoàng Cát xin về làm biên tập ở Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Cả hai cơ quan  đềuđã đồng ý, chỉ chờ có quyết định chính thức. Ấy thế mà chẳng bao giờ Hoàng Cát đạt được điều đó cả. Cái phá hỏng tất cả chính là truyện ngắn “Cây táo ông Lành” của Hoàng Cát được đăng trên báo Văn Nghệ nhân ngày 1.6.1974.

 

 

“Cây táo ông Lành” là một truyện ngắn thiếu nhi. Chuyện kể về một lũ trẻ thường đi tắt qua vườn ông Lành để nhặt táo rụng. Ông Lành vì thế cũng vui lây. Không may một hôm một cậu bé vô tình ném trúng đầu chủ nhân. Sợ quá, cậu bỏ chạy và tung tin là trên cây táo có đầu lâu (thực chất là tổ kiến). Thế là lũ trẻ không dám bén mảng tới đó nữa. Ông Lành buồn bã.Rồi ông đã thân chinh đến trường giải thích mọi chuyện, nhường nhà để làm lớp học.

 

Chuyện nhân văn là vậy, thế mà tác giả của nó “dính” vào một “nghi án văn chương” vô cùng nặng nề. Đúng như vợ ông nói: “Khiếp lắm! Các anh chị không tưởng tượng nổi đâu! Không khác chi án tử hình…”.Ông không được Đài Tiếng nói Việt Nam nhận về làm việc đã đành, không cơ quan báo chí, xuất bản nào in tác phẩm của ông.Suốt mấy năm liền Hoàng Cát sống trong tình trạng bị ghẻ lạnh. Tệ hại hơn, tới năm 1979, Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo lại cho ông về nghỉ... “mất sức”, dù lúc đó Hoàng Cát mới chỉ có 37 tuổi.Nghỉ mất sức, không được hưởng chế độ hưu, ông còn mất luôn chế độ trợ cấp thương tật của một thương binh.

Nghiệt ngã là vậy nhưng thương binh Hoàng Cát không gục ngã.Với thương tật đầy mình, ông đã làm rất nhiều nghề để kiếm sống và phụ giúp với vợ (là công nhân) nuôi cả gia đình. Hoàng Cát đã bán nước chè chén vỉa hè, nuôi lợn, nuôi gà công nghiệp, cuộn thuốc lá bỏ mối thuốc lào, nuôi chim vẹt cảnh, nấu kẹo vừng, làm nem chạo... Tính ra, ông đã làm tất cả 17 nghề để kiếm sống.May thay, bên cạnh Hoàng Cát có chị Nguyễn Thị Tâm – người vợ tần tảo đã “đồng cam, cộng khổ” với ông; sinh cho ông một cô con gái xinh đẹp, giúp ông vượt qua tất cả khó khăn của cuộc đời.

Chuyện kiếm sống của Nhà thơ Hoàng Cát rất đáng nể nhưng ý nghĩa chính của đời ông là lao động nghệ thuật. Dù cuộc đời chẳng mấy khi mỉm cười với Hoàng Cát nhưng ông vẫn miệt mài làm báo, viết văn, thơ về cái hay, cái đẹp của cuộc sống.Bị cấm đoán, ông buộc phải “viết chui”, nghĩa là viết và đăng dưới một cái tên khác. Điều đáng nói là cách làm này lại do một người làm ở báo Nhân Dân giúp. Nhà thơ Phạm Đình Ân tạo điều kiện cho Hoàng Cát viết đăng bài trên mục “Chuyện lớn chuyện nhỏ” của báo Nhân Dân.

Tuy nhiên, sự nghiệp chính của ông là thơ - đến nay ông đã xuất bản trên dưới một chục tập thơ.Năm 2008, ông xuất bản tập thơ “Thanh Thản” là tập thơ thứ sáu và xác định đây là tập thơ cuối cùng.Nhưng sau đó ông còn in “Tuyển tập thơ” dày 560 trang, bìa cứng, đẹp, trang trọng đã được xuất bản với mức kinh phí gấp đôi số tiền vợ đưa (vợ ông tiết kiệm được 20 triệu và đưa hết cho ông in thơ).Có một điều thú vị là cứ sau mỗi lần Hoàng Cát ra tập thơ, sức khỏe của ông lại tốt hơn, tinh thần minh mẫn hơn.Vì vậy, có thể nói ông làm thơ như một lẽ sống.

Đến năm 2012, một tin dữ xuất hiện: Bác sĩ phát hiện ra ông bị ung thư hạch cổ. Với căn bệnh này, Nhà thơ Hoàng Cát đã có ý định buông xuôi, thanh thản đón nhận cái chết. Nhưng có lẽ, đây là một lần hiếm hoi cuộc đời mỉm cười với ông: Nhà thơ vẫn khỏe mạnh và tiếp tục làm thơ. Tháng 6-2015, Nhà thơ Hoàng Cát lại có thêm một tập thơ mới với cái tên “Cảm tạ cuộc đời” với 133 bài thơ.Ở đây, ta vẫn thấy một Hoàng Cát ung dung, tự tại, chan chứa tình yêu cuộc sống dù luôn đối mặt với cái chết: “Ta đã có cả tuổi xanh ngang dọc/ Giữa trận tiền, không hề sợ đạn bom/ Không tiếc cả mạng mình cho Tổ quốc”...

Tiếp theo, điều gì xẩy ra thì chưa ai biết nhưng chắc chắn một điều là Nhà thơ – thương binh Hoàng Cát đã chứng tỏ ý chí, nghị lực phi thường của mình trong cuộc sống. Ông đã vượt lên trên bản lý lịch nặng nề; quả cảm và lặng lẽ chấp nhận “nghi án văn chương” cay nghiệt; tỉnh táo và lạc quan chống chọi với căn bệnh ung thư để sống và viết. Cho đến tận ngày hôm nay ông vẫn không ngừng làm thơ.Thơ của ông khích lệ chúng ta sống tốt hơn.

Bằng cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của mình, hai thương binh người Nghệ An – Nhà văn Sơn Tùng và Nhà thơ Hoàng Cát đã phần nào tạo dựng cho chúng ta tin vào những điều tốt đẹp./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441587

Hôm nay

2304

Hôm qua

2283

Tuần này

21491

Tháng này

216761

Tháng qua

112676

Tất cả

114441587