Người xứ Nghệ

Võ Quý Huân (1912 - 1967)

          

 

Quê hương và gia đình

Võ Quí Huân sinh ra trong một gia đình Thiên Chúa Giáo ở làng Yên Khánh, xưa gọi là Kẻ Chẻo, tổng Thổ Hào, nay là xóm Yên Thành xã Thanh Tùng huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An.

Địa danh Thổ Hào từ xa xưa được viết bằng chữ Hán với nghĩa “Đất Hào Rãnh”, nhưng nhờ có nhiều người học hành hiển đạt nên đến niên hiệu Bảo Thái (1720) triều Lê, tuy vẫn gọi là Thổ Hào nhưng viết bằng chữ Hán với nghĩa “Đất Hào Kiệt”. Từ “Đất Hào Rãnh” vươn lên thành “Đất Hào Kiệt” -  một sự thăng hoa đến kinh ngạc!

Vào đầu thế kỷ 20, tổng Thổ Hào cùng tổng Bích Triều hợp nhất thành tổng Bích Hào, bao gồm toàn bộ vùng hạ huyện Thanh Chưởng phía hữu ngạn sông Lam, nay gồm các xã Thanh Tùng, Thanh Giang, Thanh Mai, Thanh Xuân và Thanh Lâm.

Sau Cách mạng tháng 8/1945, cấp hành chính tổng bị bãi bỏ nên địa danh Bích Hào không còn nữa, nhưng hào khí Bích Hào vẫn sống mãi trong ký ức của người dân địa phương.

Năm 1664, Nguyễn Sỹ Giáo và Nguyễn Tiến Tài cùng đỗ tiến sĩ, khai khoa đại khoa cho cả huyện Thanh Chương.

Giữa thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, Bích Hào có 4 vị vừa đỗ giải nguyên (đỗ đầu thi hương), vừa đỗ tiến sĩ, được mệnh danh là Tứ Hổ hay Tứ Kiệt của huyện Thanh Chương:

Nhất Sỹ (Nguyễn Sỹ Giáo)

Nhì Kinh (Phạm Kinh Vỹ)

Tam Đình (Nguyễn Đình Cổn)

Tứ Thái (Nguyễn Lâm Thái)

Cũng giữa thế kỷ 17, Bích Hào có Đỗ Bá Công Luận (tự là Công Đạo), là tác giả của tập “Tứ chi lộ đồ” (bản đồ đường đi tứ phương), và là người đầu tiên vẽ bản đồ quần đảo Hoàng Sa (lúc đó gọi là Bãi Cát Vàng hay Cồn Vàng).

Cùng thời gian này, Bích Hào còn có ba vị tướng lừng danh thao lược con một gia đình người làng Cẩm Nang tổng Bích Triều (nay thuộc xã Thanh Xuân). Đó là Nhuận quận công Trần Hưng Học, Trung quận công Trần Hưng Nhượng, và phó quản lĩnh Mạch cường hầu Trần Hưng Thi.

Bích Hào còn là quê hương của chí sĩ duy tân Đặng Nguyên Cẩn, người có công lớn trong việc truyền bá tư tưởng duy tân, gieo mầm tân học ở nước ta hồi đầu thế kỷ 20, nhà yêu nước Đặng Thúc Hứa, người mở đường tây du sang Xiêm (Thái Lan) tập hợp Việt kiều, gây dựng cơ sở nuôi dưỡng, đào tạo các chiến sĩ cách mạng phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, và Đặng Quỳnh Anh, người phụ nữ đầu tiên xuất dương sang Xiêm “làm cách mệnh”, giáo sư Đặng Thai Mai (nguyên bộ trưởng đầu tiên của Bộ quốc gia giáo dục của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà giáo, nhà văn nổi tiếng); và cũng là quê hương của nguyên phó thủ tướng Nguyễn Côn, nhà hoạt động cách mạng, người trực tiếp lãnh đạo quần chúng giành chính quyền ở huyện Thanh Chương năm 1945, và trở thành vị chủ tịch đầu tiên của huyện nhà.

Mặt khác, Bích Hào, trải qua các thời kì lịch sử khác nhau, luôn luôn là căn cứ địa, thậm chí là chiến trường, địa bàn hoạt động của các cuộc khởi nghĩa, phong trào yêu nước chống ngoại xâm.

Thế kỷ 15, Bích Hào nằm trong vùng chiến khu, căn cứ địa của cuộc kháng chiến chống giặc Minh (Trung Quốc), là “chỗ đứng chân” của Bình định vương Lê Lợi trên đất Nghệ An. Vùng Lâm Sơn (xã Thanh Lâm) hiện còn nhiều dấu tích: hào lũy, Mả Voi, Vũng Voi Mẹp, mà dân chúng truyền tụng có từ thời Lê Lợi dừng quân chống giặc Minh, có lẽ là vùng Bình định vương Lê Lợi dựng thành Bình Ngô chống giặc tại đây.

Cuối thế kỷ 19, Bích Hào là cái nôi của phong trào Văn Thân – Cần Vương. Làng Lương Điền từng được các cụ Cần Vương chọn làm nơi hội quân, tế cờ. Rú Phướn ở xã Thanh Giang từng là nơi đóng quân của nghĩa quân Phan Đình Phùng. Đồn Nu ở xã ThanhXuân do nghĩa quân xây dựng để chống cự với quân Pháp là chứng tích về tinh thần chiến đấu dũng cảm của nghĩa quân và về cái chết oanh liệt của tướng Cao Thắng.

Bích Hào còn là địa bàn hoạt động rầm rộ của phong trào Duy Tân hồi đầu thế kỷ 20. Đặc biệt, trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 – 1931), Bích Hào là một trong những điểm “nhặm” nhất đối với chính quyền thực dân Pháp và Nam triều.

Đúng vào lúc Võ Quí Huân đến tuổi trưởng thành, nghĩa là khi ông đã nhận thức được điều hay lẽ phải ở đời, ông từng được chứng kiến tận mắt cảnh tượng những người nghèo khổ vùng lên bất chấp mọi hiểm nguy, những cuộc đấu tranh quyết liệt cuốn hút hàng nghìn hàng vạn người dân lao khổ, cả lương lẫn giáo, rồi tiếp đến là những cuộc khủng bố trắng tàn sát hàng loạt người dân vô tội.

Bà Võ Quý Hòa Bình, con gái ông, hiện sống ở Hà Nội, từng được cha mình kể lại rằng: năm 1930, trong dịp về Đô Lương đón mẹ lên tỉnh, ông được tận mắt chứng kiến những cuộc biểu tình của hàng ngàn, hàng vạn người dân kéo lên huyện phá huyện đường, vây đồn lính. Rồi trên đường về lại Vinh, ông lại được chứng kiến cuộc biểu tình khổng lồ của nhân dân các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, bị máy bay Pháp ném bom. Hàng trăm người bị sát hại, xác chồng lên xác, máu đỏ loang lổ khắp cánh đồng Thái Lão huyện Hưng Nguyên. Tội nghiệp, người dân mình lúc đó chưa có ý niệm gì về bom đạn nên thấy máy bay thì dừng lại, ngây thơ ngửa mặt nhìn bom rơi. Đến lúc bom nổ, người chết hàng loạt thì những người sống sót hoảng hốt chạy tán loạn. Saukhi máy bay bay đi rồi, trên đồng ruộng chồng chất những bộ phận thi thể bị bom cắt khúc. Ông đặc biệt xúc động khi thấy xác ba phụ nữ ôm lấy nhau nằm trên ruộng, mình đầy máu. Những hình ảnh đó đã gieo vào ông nỗi kinh hoàng và lòng căm thù bọn giặc dã man.

Năm 19 tuổi (1931), Võ Quí Huân ra Hà Nội học tú tài là lúc dư âm của phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh, cũng như cuộc khởi nghĩa Yên Bái và hành động đàn áp đẫm máu của thực dân Pháp đối với những người lãnh đạo khởi nghĩa vẫn cònrâm ran trong dư luận. Trong khi đó, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tuy đang vào thời kỳ thoái trào nhưng vẫn âm ỉ tinh thần quật khởi.

Một quê hương Bích Hào có truyền thống hiếu học, giàu lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh kiên cường, quả cảm như vậy hẳn đã tác động không nhỏ đến sự hình thành tư tưởng và nhân cách của chàng thanh niên yêu nước đầy nhiệt huyết Võ Quí Huân.

Võ Quí Huân lại được sinh ra và nuôi dưỡng trong một gia đình giáo học nền nếp. Thân sinh ông là cụ Võ Quí Minh, từng học hành hiển đạt, được bổ làm quanthanh tra giáo dục. Chính quyền đương thời có lúc ngỏ ý muốn cho cụ sang Pháp học thêm rồi bổ làm tri phủ, án sát, nhưng cụ từ chối. Cụ chỉ an phận với một viên chức giáo học và thường đọc câu ngạn ngữ Latinh: “Vinatus vinatatum et omnia vinatas” (Hư danh của những hư danh, tất cả là hư danh) để khuyên dạy con cháu và cũng là an ủi chính mình. Cụ sống liêm khiết, ngay thẳng, thật thà. Thân mẫu là cụ bà Trần Thị Lựu, quê huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh, căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng và phong trào Cần Vương nói chung. Hai cụ sinh hạ ba người con trai, được hai cụ đặt tên là Võ Quí Hy, Võ Quí Huy và Võ Quí Huân.

Sinh thời, cụ Võ Quí Minh là người thanh liêm, thẳng tính và nóng nảy. Không ít lần cụ tỏ thái độ bất tuân với tên quan trên người Pháp. Có lần cụ cự cãi với hắn, dẫn đến hậu quả là cụ bị giáng chức, 10 năm liền không được tăng lương. Thậm chí cụ bị đẩy đi làm ở một nơi xa tít, nhiều khó khăn.Đó là lý do vì sao năm 1910, cụ bị điều chuyển vào tận Tourane(nay là thành phố Đã Nẵng), buộc phải đưa gia đình vào cư ngụ tại khu vực mà ngày nay gọi là quận Hải Châu. Ngoài vợ con, cụ còn phải nuôi cả mẹ già và hai đứa cháu con ông em nên cuộc sống không mấy dễ chịu về kinh tế. Hơn một năm sau, ngày 7/11/1911, Võ Quí Huân cất tiếng chào đời ở đây. Nhưng khi cậu cả Hy đến tuổi đi học, cụ Minh lại đưa vợ con về quê xứ Nghệ để các con có điều kiện học tập tốt hơn, trong khi cụ một mình ở lại Tourane tiếp tục làm việc xa nhà. Về sau cụ xin chuyển ra Huế để được gần nhà hơn, có điều kiện chăm lo việc học hành của các con. Thế là hai cậu Hy và Huy được cha đưa vào Huế học. Riêng cậu út Võ Quí Huân nghịch ngợm, mãi chơi, phải ở lại nhà học trường Vinh, kết hợp phụ giúp mẹ bán hàng xén. Bà Võ Quí Hòa Bình, con gái cụ Võ Quí Huân, hiện sống ở Hà Nội, nhớ có lần cha mình kể rằng hồi nhỏ ông mãi chơi, mê đánh đáo, sao nhãng việc học hành đến nỗi thi tiểu học cũng rớt lên rớt xuống, và bị cha đánh nhưng vẫn không chừa. Một hôm bị cha la mắng: “Cái ngữ mày thì về sau cũng chỉ có bị gậy thôi” thì ông mới cảm thấy nhục, nên ông quyết tâm học thật giỏi để khỏi bị cha khinh thường. Từ đó ông luôn luôn đứng ở tốp học sinh hàng đầu của trường. Và về sau cậu cũng được cha cho vào Huế học. Rồi cả ba anhem đều được cha lần lượt cho ra Hà Nội học trường Bưởi để lấy bằng tú tài, tấm bằng khá danh giá thời đó. Cả ba anh em Võ Quí Huân đều học giỏi và rất thương yêu nhau, nhưng về sau mỗi người đi theo con đường riêng của mình.

Võ Quí Hy đỗ kỹ sư công chánh, được bổ làm tham sự công chính nhưng do sức khỏe yếu, ông theo học trường Dòng 10 năm, được phong giáo chức Thầy Ba[1]. Ông Hy đã qua đời. Hiện con cháu sống ở Mỹ.

Võ Quí Huy học trường Y Đông Dương ở Hà Nội, chuyên khoa ngoại. Thời Pháp thuộc, ông từng làm việc tại các bệnh viện Hội An, Buôn Mê Thuật, Phan Thiết, Nha Trang, Vinh, Đồng Hới. Sau ngày 19/8/1945, ông theo Việt Minh, trở thành giám đốc đầu tiên của bệnh viện huyện Thanh Chương, sau đó chuyển vào nam, lần lượt công tác tại quân y Trung bộ, quân y Huế. Năm 1952, ông được điều động ra bắc, lần lượt làm trưởng ty y tế Lạng Sơn – Bắc Giang – Thái Nguyên, rồi trưởng ty y tế tỉnh Lạng Sơn. Năm 1957, ông được điều động về sở y tế Hà Nội, công tác tại bệnh viện Việt Nam – Cuba cho đến ngày về hưu.

Tuổi thanh xuân nơi quê nhà

Võ Quí Huân, như đã nói ở trên, cũng được cha cho học hành chu đáo. Sau khi tốt nghiệp tú tài toàn phần ở Hà Nội (1935), chàng thanh niên trí thức giàu lòng yêu nước, sớm có tinh thần tự tôn dân tộc Võ Quí Huântrở về Vinh sống cùng cha mẹ. Lúc này phong trào Bình Dân ở Pháp đang lan rộng sang xứ thuộc địa Đông Dương, xuất hiện nhiều tờ báo có tiếng nói mạnh mẽ. Ông quay ra làm báo và tham gia phong trào Mặt trận Bình dân. Đầu năm 1937, được sự cổ vũ của những người yêu nước, Võ Quí Huân, dưới bút danh Hải Châu, cùng một số bạn bè cùng chí hướng ra báo L’activite Indochinoise (Đông Dương Hành động), in bằng hai thứ tiếng Việt – Pháp. Tự ông làm chủ bút kiêm thư ký tòa soạn, và Nguyễn Đức Minh trị sự. Báo phát hành hàng tuần vào ngày thứ 4. Tòa soạn đặt tại số nhà 41 đại lộ Destenay (Boulvard Destenay), thành phố Vinh, Nghệ An. Tham gia viết bài còn có các ông Lê Văn Chất (sau này là luật sư, chánh án tòa án quân sự trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp), Huỳnh Tấn Phát (sau này là chủ tịch chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam), và các bạn của anh ông ở trường Cao đẳng ở Hà Nội. Nhưng báo mới ra được 10 số (từ 6/1/1937 đến 7/4/1937), thì bị nhà cầm quyền rút giấy phép, buộc phải đóng cửa vì đăng bài bênh vực thợ thuyền, người lao động, cổ súy tinh thần yêu nước, tố cáo tội ác của chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương. Báo còn in cả truyền đơn khích lệ các cuộc biểu tình của anh em phu xe kéo ở thị xã Vinh – Bến Thủy đòi chủ xe hạ giá thuê xe, kêu gọi giới cần lao biểu tình đón Gô-đa (Jutin Godart), thượng nghị sỹ Pháp, lúc đó đang ở thăm Đông Dương, để đòi quyền dân sinh dân chủ. Bọn mật thám tịch thu báo của ông, gọi ông lên sở dọa bắt ông khai những người viết báo. Ông đã dũng cảm trả lời chúng rằng: “Các bài báo đăng trên báo của tôi, tôi chịu trách nhiệm cả”. Chúng còn dọa bỏ tù ông. Ngay cả đức cha người Pháp ở Xã Đoài (phụ trách giáo phận Nghệ-Tĩnh-Bình) cũng phản ứng kịch liệt. Ông ta ra lệnh những người theo Đạo không được đọc báo L’activite Indochinoise, và nếu đọc thì sẽ bị rút phép thông công. Ông ta còn dọa rằng cụ thân sinh của Võ Quí Huân, một người rất sùng đạo, sẽ xuống địa ngục vì bị Chúa phạt do để con cái làm những điều phản đạo, trái đạo. Nhưng Võ Quí Huân vẫn tỏ thái độ kiên định. Bản thân ông, chủ tờ báo, sau đó đã nhận được trát đòi hầu tòa nhưng ông khước từ có mặt với lý do ông sinh ra ở Tourane[2] nên không có bổn phận chấp hành lệnh của tòa án xứ bảo hộ.

Tuổi thanh xuân nơi trời Tây

Tuy nhiên, để tránh bị mật thám và chính quyền truy bức, gia đình đã thu xếp cho ông trốn sang Pháp, vừa để lánh nạn, vừa để học tập thành tài.

Một ngày đầu tháng 5/1937, chàng thanh niên yêu nước đầy nhiệt huyết Võ Quí Huân phải rời quê hương đất nước, ra đi trên một con tàu biển chở khách loại nhỏ, neo đậu tại bến cảng Sài Gòn.

Sau một tháng lênh đênh trên mặt biển, ngày 31/5/1937, Võ Quí Huân đặt chân lên nước Pháp, bắt đầu một quãng đời khá vất vả nhưng cũng nhiều hứa hẹn. Với số tiền ít ỏi của gia đình chu cấp tất nhiên không thể đủ sống giữa Paris hoa lệ. Để khắc phục khó khăn, Võ Quí Huân phải làm thêm, ngày đi học, tối đến phải dạy kèm mấy đứa nhỏ con nhà giàu. Vào những ngày chủ nhật hay ngày lễ, Võ Quí Huân phải vào làm công nhật tại các nhà máy để kiếm thêm tiền.

Tuy cuộc sống khó khăn nhưng Võ Quí Huân luôn khắc sâu trong lòng lời cha dặn trước lúc lên đường: “Sang bên đó con cố gắng học cho giỏi để khi có cơ hội thì về phục vụ nước nhà”, nên ông đã dồn hết sức học tập và nhanh chóng lấy được bằng kỹ sư cơ điện (1939), sau đó được tuyển dụng ngay vào hãng vận tải biển Campagnie Transatlantique (công ty Vận tải xuyên Đại Tây Dương), làm sĩ quan trưởng máy trên một con tàu khách chuyên chạy tuyến đường biển Pháp – Mỹ. Do giỏi chuyên môn ông được hưởng lương theo chế độ lương tây. Thu nhập tương đối nhưng ông sống “tằn tiện” và đã có tiền gửi giúp gia đình trả nợ.

Đúng thời gian đó, cụ thân sinh điện sang Pháp gọi ông về nước nhưng ông thấy khả năng thực hành chuyên môn của mình còn yếu, nếu về nước thì chỉ làm quan cho Pháp mà trình độ chuyên môn kém thì sẽ bị chúng nó khinh thường, cho nên ông quyết ở lại để trau dồi thêm.

Trong thời gian ở Pháp, Võ Quí Huân có dịp tiếp xúc với nhiều thợ thuyền, công chức, đặc biệt là các trí thức trẻ yêu nước người Việt và những người cộng sản Pháp, một trào lưu thế giới tiến bộ đang phát triển mạnh mẽ với chủ trương ủng hộ sự nghiệp giải phóng của các dân tộc thuộc địa nên tháng 7/1939 ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp lúc mới 27 tuổi.

Chiến tranh thế giới II bùng nổ. Võ Quí Huân xin nghỉ làm việc trên tàu để tránh bị động viên ra chiến trường, và cũng để có thời gian theo học ngành đúc – luyện kim, để khi có cơ hội thì về xây dựng đất nước vì thấy ngành này rất cần thiết cho phát triển công nghiệp mà Việt kiều thì chưa có ai theo học. Sau khi đỗ kỹ sư đúc – luyện kim, ông được nhận vào làm tại nhà máy sản xuất thử nghiệm động cơ máy bay của hãng hàng không Potez, và sau một thời gian ngắn được thăng kỹ sư trưởng phụ trách chuyên về động cơ và máy nổ. Chính trong thời gian này, Võ Quí Huân gia nhập Tổng nghiệp đoàn Pháp (CGT). Đồng thời ông tranh thủ học thêm ngành kỹ nghệ chuyên nghiệp, chuyên sâu về thực hành. Thế là chỉ trong một thời gian ngắn trên đất Pháp, chàng thanh niên ham học, giàu nghị lực Võ Quí Huân đã thi đỗ ba bằng kỹ sư kỹ thuật, một hiện tượng hiếm thấy. Ngay cả người Pháp thời đó, một người lấy được hai bằng kỹ sư kỹ thuật đã là khó.

Sau khi có công ăn việc làm ổn định, thu nhập tương đối dư giả, tháng 3/1940 Võ Quí Huân quyết định thành lập gia đình. Ông kết hôn với Irène, người bạn gái quen thân từ hồi cả hai còn học đại học Sorbonne ở Paris. Irène là con gái một gia đình trí thức Pháp gốc Nga. Mẹ Irène là một cô giáo người Phần Lan di cư sang Nga. Bố Irène là kỹ sư kỹ nghệ. Ông bà di cư sang Pháp từ hồi Irène mới lên hai tuổi. Chính tài năng và nghị lực của chàng trai Võ Quí Huân đã dần dần chinh phục được Irène và cha mẹ nàng.

Năm 1944, đôi vợ chồng trẻ Võ Quí Huân – Irène rất đỗi vui mừng đón đứa con đầu lòng được họ đặt tên là Võ Quí Việt Nga để gợi nhớ về cội nguồn dân tộc của hai người.

Tâm huyết với phong trào Việt kiều yêu nước hướng về Tổ quốc

Chiến tranh thế giới II ngày một lan rộng. Để tăng cường lực lượng quân đội phục vụ chiến trường, chính phủ Pháp quyết định thành lập các đơn vị chiến đấu và lính thợ gồm người các xứ thuộc địa, trong đó có các đơn vị lính An Nam.

Ngày 20/10/1939 chuyến tàu đầu tiên chở 1200 người lao động An Nam rời cảng Hải Phòng và một tháng sau thì cập bến cảng Marseille của nước Pháp. Nhưng Pháp thua trận quá nhanh nên từ tháng 10/1939 đến tháng 6/1940 mới chỉ có khoảng 20.000 người An Nam được đưa sang Pháp theo hợp đồng sáu tháng đổi một lần. Họ là những lao động không chuyên được đưa vào làm trong các xưởng quân khí hay các xí nghiệp liên quan quân sự nên thường tự xưng là “công binh” hay lính thợ (ONS).

Trong thời gian này, Võ Quí Huân liên lạc được với một số anhem người Nghệ An trước đó từng tham gia Xô Viết Nghệ Tĩnh nay sang làm lính thợ và thế là họ cùng nhau tổ chức Hội tương tế Nghệ An, sau đó mở rộng ra với người các tỉnh khác để cùng giúp đỡ nhau.

Sau khi nước Pháp bị Đức chiếm đóng, chỉ có khoảng 5.000 lính thợ An Nam được hồi hương trong đợt đầu theo hợp đồng. Còn lại đa phần trong số 20.000 lính An Nam bị đưa sang Pháp đã kẹt lại ở vùng Mazargues thuộc tỉnh Marseille ở miền nam nước Pháp (theo báo Tuổi trẻ Online 23/6/2010).

Những người lính An Nam này vừa không có nghề, vừa không biết tiếng Pháp. Cuộc sống của họ rất khó khăn.

Là một trí thức yêu nước, Võ Quí Huân với tư cách phó chủ tịch hội ái hữu của Việt kiều ở Pháp, đã tích cực liên hệ với các tổ chức hướng nghiệp thuộc Tổng nghiệp đoàn Pháp, mở các lớp đào tạo nghề trong thời gian 18 tháng, giúp cho 2000 lính thợ học việc để kiếm sống. Bản thân ông đã bỏ ra không ít công sức và thời gian để trực tiếp dạy nghề cho đồng bào của mình, chủ yếu dạy vào các buổi tối. Rồi ông mở Trung tâm Học tập để Công nghiệp hóa Đông Dương (Centre d’Etudes pour L’Industrialisation Indochinoise), đào tạo nghề hàng ngàn kỹ thuật viên, công nhân lành nghề, khuyến khích họ nắm vững kiến thức, tay nghề để khi có cơ hội thì về phục vụ đất nước. Nhiều người đã trở thành công nhân lành nghề, có người trở thành kỹ sư và có người đã về nước tham gia công cuộc kháng chiến kiến quốc như Mai Tuấn Tú, Nguyễn Cảnh Giáp, Phạm Công Vinh, Nguyễn Văn Tiêuhiện công tác tại Bộ công nghiệp nặng, Bộ văn hóa, Đại học Tổng hợp, trường Bưu điện.

Là trí thức yêu nước, Võ Quí Huân rất tích cực hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước hướng về Tổ quốc. Năm 1940, hội ái hữu Việt kiều tại Pháp được thành lập như một tổ chức đối lập với nhóm những người Việt thân Pháp. Ông được bầu làm phó tổng thư ký kiêm phụ trách tờ báo Nam Việt của hội. Năm 1943, Võ Quí Huân được bầu làm ủy viên Ban Liên hiệp Việt kiều tại Pháp, phụ trách công tác đào tạo, dạy nghề cho những lính thợ sau khi giải ngũ đang sinh sống ở Pháp. Giai đoạn 1943 – 1945, Võ Quí Huân ra tờ báo bí mật Công nông để tuyên truyền bồi dưỡng lòng yêu nước trong hàng ngũ Việt kiều. Báo Công nông được nhiều người Việt yêu nước ở Pháp và các đảng viên đảng Cộng sản Pháp tham gia viết bài. Đông đảo các bạn đọc của Báo đều tập hợp trong Hội tương tế và có tinh thần chống chế độ cai trị tàn bạo của thực dân Pháp ở An Nam.

Sau khi nước Pháp được giải phóng khỏi ách phát xít Đức, phong trào đấu tranh của nhân dân Pháp phát triển. Nhân đó, tháng 12/1944 Đại hội đại biểu của 25.000 Việt kiều trong đó đa số là lính thợ, lính tập đã giải ngũ, đã họp ở Avignon (thuộc miền nam nước Pháp), thành lập Ủy ban Tổng đại diện Việt kiều tại Pháp (Délegation Générale des Indochinois) với mục đích bảo vệ quyền lợi của hàng vạn lính thợ, lính tập đã giải ngũ và đang gặp khó khăn  ở miền nam nước Pháp. Võ Quí Huân (cùng các ông Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Mãn, Nguyễn Đắc Lộ, Lê Viết Hường, Phạm Quang Lễ) được bầu vào Ban trị sự trung ương. Ông được phân công phụ trách công tác chuyên môn và dạy nghề.

Tháng 8/1945, nghe tin Cách mạng tháng Tám thành công, nước nhà giành được độc lập, đồng bào Việt kiều ở Pháp “vui sướng đến nghẹn ngào” (lời của bác sĩ Trần Hữu Tước, một trong bốn trí thức Việt kiều ở Pháp được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn mời về giúp nước năm 1946). Liên minh Việt kiều ra tuyên bố ủng hộ chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, phản đối gửi quân viễn chinh Pháp sang Đông Dương. Võ Quí Huân cùng các trí thức Việt kiều yêu nước trong và ngoài đảng Cộng sản Pháp như Phan Nhuận, Nguyễn Trọng Đắcthành lập Việt Minh Đồng chí hội, xuất bản và phổ biến các tài liệu từ trong nước gửi sang qua đảng Cộng sản Pháp.

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn. Tổng Ủy ban đại diện Việt kiều vận động toàn thể thợ thuyền, công chức người Việt sinh sống, làm việc ở Pháp đình công một ngày để phản đối. Sau sự kiện này, nhà cầm quyền Pháp cấm Tổng ủy ban đại diện Việt kiều hoạt động và tăng cường giám sát các hội đoàn của Việt kiều.

Tuy nhiên, Võ Quí Huân và các bạn bè của ông là những Việt kiều yêu nước vẫn tiếp tục hoạt động hướng về Tổ quốc.

Từ ngày 25/4 đến 16/5/1946, phái đoàn Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do phó chủ tịch Ban thường trực Quốc hội Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn và ủy viên Ban thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng làm phó đoàn, sang thăm cộng hòa Pháp để bày tỏ tình hữu nghị, thân thiện với Quốc hội và nhân dân Pháp.

Nhân dịp này, Võ Quí Huân đã tích cực vận động các nhân sĩ trí thức, các nhà hoạt động chính trị xã hội, các đảng viên đảng Cộng sản Pháp và đông đảo Việt kiều yêu nước ra đón đoàn tại sân bay, tích cực giúp đỡ phái đoàn trong suốt chuyến thăm. Võ Quí Huân còn quay được những thước phim giá trị về buổi lễ đón phái đoàn và cuộc họp báo tại sân bay cũng như các hoạt động của phái đoàn sau đó.  “Ngày 8/5 lúc 21 giờ, Việt kiều ở Paris mời tiệc trà, thân mật, vui vẻ. Anh Võ Quí Huân có chiếu một đoạn phim về cuộc tiếp đoàn tại trường bay và cuộc họp báo chí”. Nhật ký của đoàn Quốc hội hiện được lưu giữ tại bảo tàng Cách mạng Việt Nam ghi rõ như vậy.

Ba ngày sau, Võ Quí Huân ký tên vào bản kiến nghị của 121 trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân Việt kiều yêu nước tại Pháp ủng hộ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Tài liệu này hiện được lưu giữ tại bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Võ Quí Huân là tổng thư kí (tức chủ tịch) Hội Việt – Pháp hữu nghị. Tham gia Hội có nhiều trí thức Việt kiều nổi tiếng như thạc sĩ triết học Trần Đức Thảo, kỹ sư Lê Viết Hường, kỹ sư Nguyễn Huy Hiền (tức Lê Tâm). Những người này về sau đều lần lượt bí mật về nước tham gia kháng chiến, kiến quốc.

Võ Quí Huân còn là phó tổng thư ký(tức phó chủ tịch) Hội Pháp – Việt hữu nghị do họa sĩ – nhà thiết kế Francis Jourdain (1876 – 1958), một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, bạn của các nhà văn Pháp Paul Villiant Couturier, Aragon, André Gide, làm tổng thư ký.

Ngày 31/5/1946, phái đoàn đàm phán của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Pháp dự cuộc hòa đàm tổ chức tại lâu đài Fontainebleau (thường gọi là Hội nghị Fontainebleau) về mối quan hệ Việt – Pháp sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập. Đoàn do ông Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn và các thành viên gồm Hoàng Minh Giám, Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Phạm Khắc Hòe, Nguyễn Văn Huyên, Bửu Hội,…

Ngày 30/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường thăm Cộng hòa Pháp với tư cách khách mời của chính phủ Pháp nhằm hậu thuẫn phái đoàn đàm phán của chính phủ tại hội nghị Fontainebleau.

Do có trục trặc dọc đường, ngày 22/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới đến Paris. Đoàn đến sân bay Le Bourget thủ đô Cộng hòa Pháp vào một ngày nắng đẹp. Cờ cộng hòa Pháp, cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phất phới bay. Kiều bào ra đón đoàn rất đông, mừng rỡ, tươi cười phất cờ, vẫy hoa chào mừng Chủ tịch và phái đoàn.

Cả hai đoàn – đoàn Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn đàm phán đi đến đâu cũng được bà con Việt kiều chào đón nồng nhiệt. Nhiều thanh niên, trí thức trong Hội ái hữu Việt kiều yêu nước đã gác công việc, dành thời gian tháp tùng Đoàn, lo chỗ ăn, chỗ ở, bảo vệ, chăm lo sức khỏe cho Chủ tịch và các đoàn viên.

Sau khi được ông Tạ Quang Bửu tiến cử và ông Trần Ngọc Danh (đảng viên đảng Cộng sản Pháp, em ruột Trần Phú, tổng bí thư đầu tiên của đảng Cộng sản Đông Dương, tức đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay) giới thiệu, kỹ sư Võ Quí Huân và luật sư Phạm Huy Thông được Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Phạm Văn Đồng hoan nghênh, nhận làm thư ký trực tiếp giúp việc cho Chủ tịch và phái đoàn.

Trong suốt thời gian Chủ tịch và phái đoàn chính phủ hoạt động tại Pháp, Võ Quí Huân cùng một số trí thức trẻ người Việt yêu nước ở Pháp đã tổ chức được nhiều cuộc mit tinh đón tiếp long trọng, nhiều cuộc tiếp xúc cảm động và nhất là đã tổ chức thành công lễ kỷ niệm quốc khánh 2/9 đầu tiên tại Paris.

Võ Quí Huân còn tổ chức quay phim, chụp ảnh các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Phạm Văn Đồng ở Pháp, lưu giữ được nhiều tư liệu quý báu cho lịch sử cách mạng Việt Nam. Bà con Việt kiều hồi đó kể rằng “Anh Võ Quí Huân với máy quay phim trên tay luôn lia máy chớp lấy những hình ảnh tư liệu quý giá có hình Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Trong bài “Kỹ sư Võ Quí Huân với những thước phim tư liệu vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh”, tác giả Khải Đăng kể rằngkhi Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị về nước, kiều bào đã tặng Người một số máy chiếu lưu động 16 ly hiệu Pallné và Débrie, một số máy ghi tiếng đĩa mềm hiện đại, và hai bộ phim có tựa đề “Phái đoàn Phạm Văn Đồng” và“Sức sống của 25000 kiều bào tại Pháp”.Cả hai bộ phim đều có ghi tên người quay: Võ Quí Huân và Mai Trung Thứ. Khi về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng lại ngành điện ảnh Việt Nam món quà quý báu này. Và cả hai phim đều được công chiếu tại nhiều rạp chiếu phim ở Hà Nội và sau đó được chiếu lưu động tại nhiều nơi ở miền Bắc và miền Trung.

Đây là những thước phim tư liệu rất quý được Nguyễn Thái, tác giả cuốn “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nghệ thuật điện ảnh Việt Nam” do Viện Nghệ thuật và Lưu trữ điện ảnh Việt Nam xuất bản năm 2000, đánh giá là những thước phim mở đầu dòng điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Năm 1974, khi đạo diễn Phạm Kỳ Nam sang Pháp sưu tầm tư liệu, để xây dựng bộ phim “Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh”, ông đã tìm được trên 1000 thước phim tư liệu quý do kỹ sư Võ Quí Huân và họa sĩ Mai Trung Thứ quay, ghi lại những thời khắc lịch sử về đoàn Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Cộng hòa Pháp và đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự hội nghị Fontainebleau năm 1946.

Ghi nhận công lao đóng góp của họa sĩ, nhà điện ảnh Mai Trung Thứ, năm 2009 thủ tướng chính phủ đã ra quyết định 1924/QĐ-TTg truy tặng bằng khen cho ông về những đóng góp quý giá cho nền điện ảnh nước nhà. Vậy công bằng mà nói, kỹ sư Võ Quí Huân cũng phải được tri ân như họa sĩ Mai Trung Thứ mới là phải đạo.

Hội nghị Fontainbleau không thành công. Ngày 10/9/1946, phái đoàn Phạm Văn Đồng lên đường về nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định ở lại một mình, tiếp tục đàm phán và ký kết với Mariuyt Muté, bộ trưởng Bộ Pháp quốc Hải ngoại, Tạm ước 14/9 để có thêm thời gian chuẩn bị đối phó một cuộc phiêu lưu quân sự có thể nổ ra bất kì lúc nào từ phía Pháp.

Ông Vũ Đình Huỳnh rất lo ngại, sợ bị mắc cạm bẫy của phía Pháp. Vũ Đình Huỳnh lo ngại là có cơ sở. Thực tế sau này, chính phủ Pháp từng mời vua Ma-rốc và tổng thống An-giê-ri sang thăm Pháp rồi bắt giữ họ. Nhưng phái đoàn ta giữ được an toàn là nhờ có sự giúp đỡ của đảng Cộng sản Pháp.

Vì lúc này Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn là khách của chính phủ Pháp, đoàn phải rời khách sạn Royal Monceau, về ở nhà ông bà Luyxi Ôbrắc, đảng viên đảng Cộng sản Pháp, gốc Do Thái, ở ngoại ô Paris. Từ nay, mọi chi phí sinh hoạt, đi lại của đoàn đều do đảng Cộng sản Pháp tài trợ. Đến bữa, cả hai ông bà Ôbrắc cùng ăn với Chủ tịch và các ông Vũ Đình Huỳnh, Đỗ Đình Thiện. Rất thân mật.

Lên đàng.

Trước khi rời nước Pháp lên đường về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh có cuộc gặp với một số Việt kiều yêu nước gần gủi ở Paris. Người ân cần nói: “Đất nước chuẩn bị kháng chiến, rất cần những người có học và tâm huyết như các chú. Bác sắp về nước, các chú chuẩn bị, vài ngày nữa chúng ta lên đường. Các chú sẵn sàng chưa?”. Nhiều trí thức trẻ Việt kiều háo hức, thiết tha muốn được theo Bác Hồ về nước phụng sự Tổ quốc. Nhưng do điều kiện lúc đó và tính đến yêu cầu của cuộc kháng chiến sắp bùng nổ,Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ lựa chọn bốn người, ba kỹ sư và một bác sĩ.

Trong số bốn người này, các vị Phạm Quang Lễ, Trần Hữu Tước, Võ Đình Quỳnh lúc đó còn độc thân, không vướng bận việc gia đình, nên không có khó khăn gì trong việc quyết định về nước. Riêng kỹ sư Võ Quí Huân lúc đó đang là kỹ sư trưởng tại nhà máy nghiên cứu sản xuất động cơ máy bay Potez và đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ kỹ thuật tại đại học Sorbone, công ăn việc làm ổn định, đời sống sung túc, gia đình êm ấm, tràn đầy hạnh phúc với người vợ trẻvà một cô con gái kháu khỉnh lên hai. Do vậy quyết định về nước lúc này đối với ông là một quyết định không dễ dàng.

“Anhem chúng tôi rất quý mến và cảm phục Võ Quí Huân. Chắc rằng anh đã trải qua những giờ phút đắn đo, cân nhắc khi phải xa vợ trẻ và con thơ, thật không dễ. Và anh đã về tham gia kháng chiến theo tiếng gọi của Tổ quốc. Con tim anh nặng tình non nước”. GS-VS Trần Đại Nghĩa, tức kỹ sư Phạm Quang Lễ, đã viết như vậy trong hồi ký của mình khi nhớ về người đồng chí đồng hành cùng ông trong cuộc hành trình lịch sử theo Bác Hồ về nước phụng sự Tổ quốc năm 1946.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có lẽ cũng băn khoăn trước hoàn cảnh của Võ Quí Huân nên Người nói với ông rằng: “Về cùng với Bác để nghiên cứu một số vấn đề kiến thiết đất nước trong một thời gian mấy tháng rồi trở sang Pháp lại. Sau đó sẽ quyết định việc về nước hẳn hay tiếp tục công tác ở Pháp”.

Chuyến đi phải được giữ bí mật nên Võ Quí Huân chỉ được ông Trần Ngọc Danh báo trước hai ngày, vẻn vẹn 48 tiếng đồng hồ.

Ông không kịp bàn bạc gì với vợ vì lúc đó bà Iréne đang bảo vệ luận án tiến sĩ ở một địa điểm tương đối xa mà chỉ kịp trao đổi với bà qua điện thoại, cố gắng thuyết phục bà yên tâm, và hứa sau vài tháng sẽ trở lại đón mẹ con

Lúc chia tay, Võ Quí Huân ôm con gái vào lòng, âu yếm nói: “Moumou yêu quý của ba, ba đi công việc vài tháng sẽ trở lại”. Bé Việt Nga ngơ ngác chẳng hiểu mô tê gì. Nhưng bản năng mách bảo như có điềm gì đó, bé Việt Nga òa lên khóc, níu áo cha, không cho ông bước đi, trong khi người cha rất đỗi yêu thương con Võ Quí Huân rơm rớm nước mắt, nghẹn ngào xúc động trước giây phút chia tay.

Để đảm bảo an toàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định về nước bằng đường biển. Theo kế hoạch, đoàn rời Paris đi Macxây bằng tàu hỏa rồi từ Macxây đi ô tô tới căn cứ hải quân Toulon. Tháp tùng Chủ tịch lần này, ngoài hai ông Vũ Đình Huỳnh và Đỗ Đình Thiện, còn có bốn vị trí thức Việt kiều được Chủ tịch chọn mời về nước tham gia kháng chiến kiến quốc là kỹ sư Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa sau này), kỹ sư đúc – luyện kim Võ Quí Huân, kỹ sư mỏ - luyện kim Võ Đình Quỳnh và bác sĩ Trần Hữu Tước.

Ngày 16/9/1946, chuyến tàu hỏa đặc biệt, có hai toa tàu cũng đặc biệt,  dành riêng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn tùy tùng rời Paris, chạy xuôi về phía nam nước Pháp.

Ngày 17/9/1946, trên 3000 Việt kiều mit tinh chào đón đoàn tại Mazargues, ngoại ô Macxây.

Sáng 19/9/1946, đoàn xuống tàu Dumont d’Urville tại cảng Toulon để lên đường về nước. Dumont d’Urville là thông báo hạm của hải quân Pháp do đại tá Pieere Oneil chỉ huy, được trang bị đại bác 155mm, pháo phòng không, súng đại liên 150. Dọc đường viên đại tá chỉ huy tàu thỉnh thoảng lại cho thủy thủ tập bắn giữa biển khơi. Tiếng đại bác, súng máy các loại thi nhau nhả đạn, gầm thét. Khói bay mịt mù. Nước biển tung tóe đằng xa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng xem, điềm nhiên hút thuốc rồi mỉm cười nói: “Đấy, người ta thử kiểm tra tinh thần của các chú đó. Các chú có sợ không?” Chắc chắn chẳng ai sợ hay dao động trước những đòn uy hiếp thô lậu ấy của đối phương. Cũng chẳng ai xao động trước con sóng của đại dương, nhưng có một người đàn ông dường như đang bị lay động bởi một thứ sóng vô hình – sóng tình phụ tử. Đó là kỹ sư Võ Quí Huân. “Anh Huân có cho các bạn xem tấm ảnh Bác Hồ bế cháu Việt Nga ở Paris hồi tháng 7/1946. Thỉnh thoảng chúng tôi thấy anh có những phút bâng khuâng nhìn về xa xăm trên biển cả…”– GS.VS Trần Đại Nghĩa, người bạn đồng hành của kỹ sư Võ Quí Huân trong chuyến trở về Tổ quốc với Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 nhớ lại. Hẳn là nỗi nhớ, niềm thương và cả sự lo âu cho đứa con bé bỏng mà ông đã đứt ruột dứt áo ra đi đang đè nặng lên trái tim người cha rất đỗi yêu thương con Võ Quí Huân.

Sau 33 ngày đêm lênh đênh trên mặt biển, ngày 20/10/1946, chiến hạm Dumont d’Urville cập bến Hải Phòng. Các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp cùng hàng ngàn người dân, vệ quốc đoàn, công an cách mạng ra đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn tùy tùng về nơi an toàn. Ngày hôm sau đoàn đáp tàu hỏa từ Hải Phòng về Hà Nội.

 

 

Dấn thân vào cuộc chiến đấu chung của dân tộc.

Về nước sau chín năm xa cách, Võ Quí Huân được ông Phạm Văn Đồng, lúc đó là thứ trưởng Bộ kinh tế, cử giữ chức chánh văn phòng Bộ này. Đây là bộ quan trọng, có nhiệm vụ đảm bảo hậu cần cho quân đội và phát triển kinh tế phục vụ lâu dài cho cuộc kháng chiến sắp bùng nổ.

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng.

Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”

Thế là chân ướt chân ráo về tới quê hương đất nước chưa được hai tháng, Võ Quí Huân đã bị cuốn hút vào vòng xoáy của cuộc chiến tranh ái quốc chống thực dân Pháp xâm lược. Ông hăng hái dấn thân vào công cuộc chiến đấu chung của dân tộc vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Sau một thời gian ngắn làm việc ở văn phòng Bộ kinh tế (6/11/1946 – 20/4/1947), KS. Võ Quí Huân xin xuống cơ sở để sử dụng chuyên môn của mình phục vụ kháng chiến thiết thực và hiệu quả hơn, và cũng chính là để thực hiện điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kì vọng ở ông và KS.Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa sau này) khi Người nói trước lúc rời nước Pháp năm 1946: “Chú Phạm Quang Lễ và chú Võ Quí Huân về nước sẽ chế tạo được vũ khí đánh giặc….Đấy là những yêu cầu cấp thiết nhất lúc này”.

Ngày 20/4/1947, KS. Võ Quí Huân khoác ba lô lên đường, mang theo “khối tài sản” rất quý giá là những cuốn sách về chuyên ngành đúc – luyện kim, mỏ – địa chất, sức bền vật liệu, và các bản vẽ kỹ thuật mà ông mang về từ bên Pháp, đi theo đường giao liên kháng chiến vào liên khu 4. Tại đây ông được cử làm giám đốc Sở Khoáng sản – Kỹ nghệ Trung bộ, kiêm tổng thư ký Hội đồng Sản xuất –Kỹ nghệ miền Nam và Liên khu 4,được sự giúp đỡ hết sức nhiệt thành của lãnh đạo Liên khu 4 và Cục quân giới Bộ quốc phòng mà trực tiếp là của các ông Hoàng Quốc Việt (chủ nhiệm Việt Minh), Nguyễn Chí Thanh (bí thư liên khu ủy Liên khu 4), Lê Viết Lượng (ủy viên ủy ban kháng chiến Liên khu 4 ), Trần Đăng Ninh (trưởng ban kiểm tra trung ương Đảng) và Nguyễn Sơn (tư lệnh kiêm chính ủy Liên khu 4).

Trên cương vị giám đốc Sở khoáng chất kỹ nghệ Trung bộ, để xây dựng ngành kinh tế kháng chiến, KS.Võ Quí Huân kiến nghị với lãnh đạo Liên khu 4 nên thành lập 5 nhà máy kinh tế bố trí phân tán dọc sông Lam. Các nhà máy này có nhiệm vụ sản xuất các lò sinh khí để thay thế xăng chạy ô tô, mở các xưởng sửa chữa ô tô, đóng ca nô để giải quyết vấn đề vận tải đường sông, sản xuất các sản phẩm phục vụ kháng chiến như cồn công nghiệp 90o, axit HCl tổng hợp, chế tạo máy phát động lực, máy điện xoay chiều, máy hơi nước các cỡ lớn nhỏ, máy công cụ, sản xuất lốp xe đạp, dép cao su, dụng cụ y tế, luyện cốc, nấu gang để chế tạo một số vũ khí như lựu đạn, mìn,…

Rồi Võ Quí Huân được phân công trực tiếp tổ chức sơ tán nhà máy xe lửa Trường Thi và nhà máy điện Bến Thủy từ Tp. Vinh lên miền tây tỉnh Nghệ An theo kế hoạch do chính ông đề xuất. Và ông đã chỉ huy vận chuyển thành công trên 5000 tấn máy móc, thiết bị, vật liệu trong điều kiện phương tiện vận tải hết sức thiếu thốn, thô sơ, lạc hậu, vượt qua hàng trăm cây số từ TP Vinh ( Nghệ An) về các địa điểm khác nhau làm cái vốn ít ỏi ban đầu khi thành lập các nhà máy kinh tế ở các xã Đồng Thanh, Cát Văn (huyện Thanh Chương) và ở rừng Cầu Đất (huyện Con Cuông)tỉnh Nghệ An.

Tháng 10/1947, KS. Võ Quí Huân đã nghiên cứu chế tạo được chiếc máy nghiền bột giấy đầu tiên của Liên khu 4. Cùng năm đó, ông chế tạo được máy tiện, máy hơi các loại lớn nhỏ, giúp khắc phục tình trạng thiếu máy móc tại các công xưởng ở Liên khu 4.

Tinh thần và hiệu quả công việc của KS. Võ Quí Huân tại mặt trận phía nam trong giai đoạn đầu hết sức khó khăn này của cuộc kháng chiến đã được lãnh đạoLiên khu 4 ghi nhận và được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi. Trong một bức thư đề ngày 20/9/1947 gửi bác sĩ Trần Hữu Tước ở Việt Bắc, Người viết: “…Nói để chú biết, chú mừng. Tôi vẫn mạnh khỏe luôn. Mấy anhem cùng về một lần với chúng ta, chú Nghĩa, chú Huân làm việc rất hăng hái và đắc lực, đã giúp sức rất nhiều trong công việc kháng chiến.”

Tháng 5/1947, kỹ sư Võ Quí Huân được kết nạp vào đảng Cộng sản Đông Dương (Tức đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay).

Cha đẻ của lò cao kháng chiến và mẻ gang đầu tiên trên đất Nghệ

Chiến tranh ngày một ác liệt. Tình hình kháng chiến đòi hỏi phải nghiên cứu sản xuất ra gang ở quy mô công nghiệp nhỏ để chế tạo một số loại vũ khí như mìn, lựu đạn phục vụ kháng chiến. KS. Võ Quí Huân ý thức rất rõ về nhu cầu thiết yếu này. Ông nhanh chóng bắt tay vào việcnấu luyện gang.Nhưng tất cả đều bắt đầu từ số 0, bằng hai bàn tay trắng hay như nguyên bộ trưởng Bộ công nghiệp nặng Trần Lum ví von: “Với quyết tâm và sáng tạo trong công việc, anh Võ Quí Huân đã khởi động cỗ máy từ số 0”. Xây lò cao nấu luyện gang mà trong tay không có lấy 1kg quặng sắt, không có lấy một viên gạch chịu lửa. Nguồn nhân lực về kỹ thuật luyện kim không có gì hơn ngoài một con số 0 tròn trĩnh.

Trước tình hình đó, Võ Quí Huân đã có sáng kiến kiến nghị trung ương cho phép mở Trường Cán bộ Kỹ thuật Trung bộ. Trường do ông vừa làm hiệu trưởng, vừa soạn chương trình, giáo trình, vừa trực tiếp giảng dạy. Hiệu phó là một chiến sĩ quốc tế (tức hàng binh) gốc Đức, em nuôi Chủ tịch Hồ Chí Minh, tên là Hồ Chí Thọ.

Nguồn tuyển sinh là các công nhân cơ khí nhà máy xe lửa Trường Thi (Tp. Vinh, Nghệ An) đi theo kháng chiến, một số học sinh đang học dang dở chương trình kỹ nghệ thực hành ở Vinh lên chiến khu, và một số là học sinh trường Kỹ nghệ thực hành Huế tản cư ra.

Đây là trường đào tạo cán bộ kỹ thuật đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do KS. Võ Quí Huân  sáng lập. Khóa đầu tiên và cũng là khóa duy nhất đào tạo cấp tốc trong 2 năm (1947 – 1948) được 30 cán bộ kỹ thuậtvề đúc – luyện kim, có trình độ tương đương cao đẳng kỹ thuật. Nhiều người trong số cán bộ kỹ thuật do KS. Võ Quí Huân trực tiếp đào tạo lần này về sau là nòng cốt trong ngành đúc – luyện kim nói riêng và ngành công nghiệp của đất nước nói chung.

Mặt khác, ông chỉ đạo đội ngũ các cộng sự do chính ông đào tạo như Hoàng Bình, Lê Tiến Văn, Lê Huy Yêm, Nguyễn Văn Hựng, Lê Khánh Cư, Nguyễn Thái Đồng, Phan Cầu…xông pha núi rừng khắp tỉnh Nghệ An, tìm kiếm mỏ than, mỏ quặng sắt và họ đã phát hiện được mỏ than Khe Bốvà mỏ quặng sắt Vân Trình (huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An), làm nguồn nguyên liệu nấu – luyện gang.

Nhà máy kinh tế Cầu Đất (huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An)do KS.Võ Quí Huân làm giám đốc, về sau gọi là nhà máy kim khí, viết tắt là 3KC, được giao nhiệm vụ xây dựng lò cao nấu luyện gang.

Chiều 15/11/1948, chiếc lò cao thí nghiệm đầu tiên cao 2,4 mét, dung tích 450 lít, nhiệt độ gió nóng 400oC, áp lực quạt gió 400mm cột nước, do KS. Võ Quí Huân thiết kế kiêm“tổng công trình sư” với sự cộng tác của các cán bộ kỹ thuật Lê Văn Tiến (đốc công), Lê Huy Yêm (tổ trưởng luyện gang), Nguyễn Thái Đồng (công nghệ luyện cốc), Lê Khánh Cư (năng lượng), đã cho ra lò mẻ gang đầu tiên từ quặng sắt Vân Trình (huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An) trong tiếng reo vui mừng rỡ, tiếng vỗ tay náo nhiệt của cán bộ, công nhân lò cao 3KC và nhân dân Cầu Đất. Thành tích này đã được ông Trần Đăng Ninh, đại diện Chính phủ, vào tận nơi kiểm tra và xác nhận.

Đồng bào Cầu Đất liền dắt ra một con bò tặng nhà máy để giết thịt ăn mừng.

KS. Võ Quí Huân hết dỗi vui mừng. Để kỷ niệm, ông lấy tên sản phẩm gang do mình trực tiếp nghiên cứu tạo ra đặt tên cho cậu con trai đầu lòng vừa ra đời trong dịp này: Võ Quí Gang Anh Hào.

Để đánh dấu sự kiện lịch sử này, KS. Võ Quí Huân chỉ đạo ba công nhân có tên là Hiếu, Huệ, Thư đem mẻ gang đầu tiên luyện lại trong lò chõ và đúc một bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dâng tặng Người để báo công. Điều kì diệu là cả ba công nhân Hiếu, Huệ, Thư không phải là công nhân đúc chuyên nghiệp mà đã làm được một bức tượng rất giống Hồ Chủ tịch trong thời gian ngắn kỷ lục là 5 ngày. Cuối năm 1949, bức tượng đã được trưng bày tại cuộc triển lãm thành tích sản xuất trong kháng chiến của Liên khu 4 tổ chức tại Thanh Hóa, sau đó được gửi ra Việt Bắc, kèm theo mô hình lò cao, để kính dâng và báo công với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với thành tích cho ra lò mẻ gang đầu tiên bằng lò cao kháng chiến với nguyên liệu địa phương, KS. Võ Quí Huân và các cộng sự đã nhận được nhiều phần thưởng của Bộ kinh tế, được ông Hoàng Văn Hoan, đại diện chính phủ và khu ủy Liên khu 4, gửi thư khen về chuyên môn (1948), được chủ tịch ủy ban hành chính kháng chiến Liên khu 4 Hồ Tùng Mậu tặng bằng khen, và đặc biệt, được Hồ Chủ tịch tuyên dương khen thưởng tại Hội nghị bình công kháng chiến Liên khu 4 cuối năm 1949.

Từ kết quả bước đầu đó, Võ Quí Huân đã chỉ đạo thiết kế, xây dựng lò cao thứ 2 tại Cầu Đất với dung tích 1m3 (gấp đôi lò thí nghiệm ban đầu). Nhưng sau đó do yêu cầu gấp rút của kháng chiến, vả lại để tiện đường giao thông,thực hiện chỉ thị của cấp trên hai lò cao Cầu Đất được di chuyển về xã Cát Văn huyện Thanh Chương thuộc vùng trung du tỉnh Nghệ An.

Tại Cát Văn, KS. Võ Quí Huân huy động một số công nhân kỹ thuật cơ khí lành nghề xây dựng một lò cao có dung tích 6m3 nhằm cung cấp số lượng lớn nguyên liệu thiết yếu cho kháng chiến. Tháng 3/1950, lò cao Cát Văn bị máy bay Pháp phát hiện và tập trung bắn phá ác liệt. Lò trúng bom, phải ngưng hoạt động.

Mẻ gang đầu tiên trên đất xứ Thanh

Chiến tranh ngày một ác liệt. Các cơ sở kinh tế, quốc phòng của liên khu 4 ở miền tây Nghệ An dần dần được di chuyển tới địa điểm mới ở Thanh Hóa.

Tháng 4/1950 có quyết định di chuyển lò cao Cát Văn ra Thanh Hóa.

Theo lời kể của kỹ sư Lê Huy Yêm, nguyên cố vấn của bộ trưởng Bộ công nghiệp nặng, lúc đó có nhiều ý kiến đề nghị di dời lò cao Cát Văn ra Thái Nguyên vì ở đó có nguồn quặng sắt lớn. KS. Võ Quí Huân cùng ông Lê Huy Yêm xin ý kiến ông Trần Đăng Ninh (lúc đó là trưởng Ban thanh tra Chính phủ). Ông Ninh bảo nên hỏi đại tướng Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng Bộ quốc phòng. KS. Võ Quí Huân và ông Lê Huy Yêm trực tiếp gặp đại tướng xin ý kiến. Đại tướng nhận định Pháp sắp đánh lên Thái Nguyên và khuyên không nên xây lò cao ở vùng này.

Thế là hai ông Huân, Yêm cùng một số cán bộ đi khảo sát địa điểm mới. Đó là một thung lũng nằm giữa một vùng có núi cao, cây cối rậm rạp bao quanh, gọi là Đồng Mười thuộc huyện Như Xuân (nay là huyện Như Thanh) ở phía nam tỉnh Thanh Hóa.

KS.Lê Huy Yêm nhớ lại: “Trước khi được lệnh di chuyển…ra vùng Thanh Hóa, thầy [KS.Võ Quí Huân] đã trực tiếp chỉ đạo việc vận chuyển các máy móc thiết bị, vật liệu của lò cao và nhiều máy móc khác ở Liên khu 4 ra Thanh Hóa, giúp đỡ về lắp đặt và thiết kế, xây dựng lò tại Như Xuân, lò NX3 cải tạo từ lò 3KC của thầy Huân ở Liên khu 4….Cùng thời gian này, thầy cử một số học viên kỹ thuật giỏi đã có kinh nghiệm xây dựng, thiết kế lò cao ở Liên khu 4 về giúp đồng chí Trịnh Tam Tính là Nguyễn Văn Hựng và tôi”.

Trước khi di chuyển, KS.Võ Quí Huân đã chỉ đạo các cộng sự tổ chức chuyên chở toàn bộ máy móc thiết bị và thân lò 3KC qua hàng trăm cây số từ Cát Văn (huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An) rathung lũng Đồng Mười thuộc xã Hải Vân huyện Như Xuân tỉnh Thanh Hóa, chủ yếu bằng đường sông vì địa điểm mới cách sông Mực chỉ khoảng 500 mét. Riêng chiếc nồi hơi Laboocdie giấu trong rừng phải dùng voi kéo khoảng 10 cây số đường rừng gập ghềnh ra bờ sông rồi dùng thuyền chở ra Đồng Mười, sau đó dùng thừng kéo vào vị trí đã chọn.

Sau 15 tháng lao động khẩn trương theo sự chỉ đạo của KS.Võ Quí Huân, các cán bộ kỹ thuật và công nhân quân giới đã xây dựng thành công hai lò cao Như Xuân, ký hiệu là NX1 (có chiều cao từ đáy lò lên tới miệng lò là 8m, tổng chiều cao từ nền lên đến nóc là 13m, chuyên sản xuất) và NX2 (chủ yếu nghiên cứu, thí nghiệm).

Lần này lò được ngụy trang bằng cách dẫn khói đi theo một con mương dài 1km, vòng ra phía sau núi, nên mặc dù bị máy bay địch bắn phá nhiều lần, cả hai lò đều an toàn.

Đúng ngày 19/12/1951, kỷ niệm 5 năm ngày toàn quốc kháng chiến, lò NX1 cho ra mẻ gang đầu tiên ở Thanh Hóa và trong 2 năm (12/1951 – 1953), hai lò NX1 và NX2 đã sản xuất được gần 400 tấn gang phục vụ các xưởng quân giới sản xuất vũ khí và một số nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Năm 1953, lò cao Như Xuân bị máy bay Pháp phát hiện và đánh phá ác liệt.

Trong tình hình đó, Cục quân giới quyết định đưa toàn bộ xưởng máy vào trong hang núi, gọi là hang Đồng Mười, cách đó khoảng một cây số. Hang rộng 1000m2, dài khoảng 60m, rộng trung bình 15m. Hang có hai cửa ra vào, cửa chính cao khoảng 20m. Hang có lỗ thông hơi và xung quanh có suối cung cấp nước.

Lần này, KS.Võ Quí Huân đã lựa chọn rồi chỉ đạo một số cán bộ kỹ thuật từng tham gia xây dựng lò cao 3KC ở Nghệ An làm nòng cốt, thiết kế và xây dựng thêm lò mới với dung tích 7m3, ký hiệu là NX3. Lò cao NX3 ra đời trong hang núi trên cơ sở cải tiến lò cao 3KC của KS. Võ Quí Huân ở Nghệ An, bằng cách sử dụng đá gres thay gạch dinas cách nhiệt hoàn toàn thân lò, dùng amiăng cách nhiệt nồi lò, nước làm lạnh lò cao được sử dụng tuần hoàn khép kín, khí lò được sử dụng 100% để đốt lò gió nóng, và nồi hơi phục vụ hai đầu máy xe lửa kéo hai máy phát điện, mỗi máy100KW, ngoài ra còn có hai máy nổ dự phòng, mỗi máy 50KW, công việc nạp nguyên liệu được cơ giới hóa, lại có cả một hệ thống hút hơi độc.Nóc hang dày hàng chục mét, cửa hang có tường dày xây kiên cố, gắn vào vách hang đá, chống bom và rocket của địch rất hiệu quả. Chỗ ăn chỗ ngủ của công nhân đều ở trong hang.

Từ ngày xây dựng đến hết năm 1954, NX3 cùng hai lò NX1 và NX2 đã sản xuất liên tục, mỗi ngày cho ra lò 4-5 tấn và trong gần ba năm vừa xây dựng vừa sản xuất, lò cao kháng chiến Như Xuân đã cung cấp gần 500 tấn gang cho các xí nghiệp quân đội sản xuất lựu đạn, đạn súng cối, mìn, lưỡi cày, diệp cày, chảo gang, nồi gang phục vụ kháng chiến.

Mốc son lịch sử, đỉnh cao của khoa học, công nghệ

Luyện gang bằng lò cao trong điều kiện chiến tranh ác liệt quả là một kì tích lớn lao, có ý nghĩa đột phá chiến lược.

Ngày 15/11/1948 đã đi vào lịch sử của ngành luyện kim của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ khi tại rừng Cầu Đất huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An, lò cao đầu tiên do KS.Võ Quí Huân thiết kế và trực tiếp chỉ đạo thi công cho ra lò mẻ gang đầu tiên của kháng chiến.

Đánh giá về sự kiện này, ông Trần Đông Phong, nguyên phó vụ trưởng vụ công nghiệp Bộ kế hoạch đầu tư, viết: “Sự kiện này đã đánh dấu mốc son không chỉ riêng cho ngành luyện kim mà còn có ý nghĩa cho cả ngành công nghiệp Việt Nam. Nó chứng tỏ người Việt Nam có thể làm chủ công nghệ luyện gang từ quặng sắt Việt Nam bằng than cốc luyện từ than mỡ Việt Nam”.

Vào đầu những năm 60 thế kỷ 20, tin tức xuất hiện trên báo chí cho hay năm 1948Việt Nam từng luyện gang thành công bằng nguyên liệu địa phương đã gây chấn động dư luận giới khoa học kỹ thuật ở nhiều nước đang phát triển. Hàn Quốc thậm chí còn coi đây là kì công, là đỉnh cao của khoa học, công nghệ mà hồi đó đối với họ còn là ước mơ.

Làm ra gang từ nguyên liệu địa phương còn có ý nghĩa chính trị to lớn vì nó góp phần bác bỏ thông tin bịa đặt ở phương tây nói rằng “Việt Nam kháng chiến bằng vũ khí của nước ngoài”. Cuối 1954, sau khi quân và dân ta kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm (1946 – 1954) bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, lò cao kháng chiến Như Xuân đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó và trở thành một bảo tàng quân giới thời kháng chiến chống Pháp.

Một nhà báo Pháp sau khi đến thăm bảo tàng đã viết: “Tôi kính cẩn nghiêng mình trước sự sáng tạo của giai cấp công nhân Việt Nam. Ở nước ngoài, người ta thông tin rằng Việt Nam kháng chiến bằng vũ khí của nước ngoài. Nhưng đến đây tận mắt tôi đã nhìn thấy một cái lò cao dựng trong hang đá và những dấu tích của công xưởng sản xuất gang. Điều đó nói lên rất nhiều về giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam”.

Mẻ thép đầu tiên giữa núi rừng Việt Bắc.

Sang năm 1949, quân đội nhân dân Việt Nam đã lớn mạnh. Đang hình thành nhiều trung đoàn, đại đoànbộ đội chính quy, và nhu cầu trang bị vũ khí, quân cụ cho các đơn vị này là rất lớn

Về phía đối phương, quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương tuy đang mất dần thế chủ động, nhưng chúng vẫn coi Bắc bộ là chiến trường chính, nên chúng tăng cường xây dựng các tuyến phòng thủ bằng cách xây dựng hàng loạt lô cốt, boong ke kiên cố ở các địa bàn trọng yếu. Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải có thép để sản xuất các loại vũ khí có sức công phá lớn để tấn công các đồn bốt của giặc.

Vả lại, sau ba năm kháng chiến nguồn nguyên liệu lấy từ ống nước bằng gang đào bới lên, chở từ các thành phố, đập vụn, bỏ vào lò nung lại đã cạn kiệt; và nguồn chảo gang, lưỡi cày quyên góp từ nhân dân cũng đã hết.

Trước tình hình đó, tháng 5/1950, KS. Võ Quí Huân được điều động từ Liên khu 4 ra Việt Bắc làm trưởng ban kỹ thuật và phó phòng quản lý sản xuất Cục quân giới Bộ quốc phòng,được cục trưởng Cục quân giới Trần Đại Nghĩa cử trực tiếp chỉ đạo công trình nghiên cứu luyện thép. Ông đã cùng các cán bộ Nha kỹ thuật làm việc không quản ngày đêm, nghiên cứu xây dựng lònấu luyện thép.

Cuối năm 1950, phòng kim loại Nha kỹ thuật được thành lập. Đội ngũ ban đầu gồm 4 cán bộ kỹ thuật nguyên là sinh viên đại học (gồm Bùi Minh Tiêu, Dương Quang Thành, Trịnh Đình Lương, Nguyễn Đức Ngọc) và 8 tú tài (gồm Mai Duy Hồ, Nguyễn Cảnh Hồ, Đoàn Quảng, Nguyễn Văn Thu (A), Trương Quang Cũng, Nguyễn Tài Anh, Phạm Khắc Hằng,…) và một số công nhân kỹ thuật gồm Nguyễn Văn Hường, Lê Quốc Quyền, Bùi Duyên, Đào Thế Dũng, Ngô Văn Lộc.

Vậy là để nghiên cứu luyện thép, KS.Võ Quí Huân đã có một đội ngũ cán bộ kỹ thuật trẻ yêu nước, hết lòng phục vụ Tổ quốc. Tuy nhiên, trong số các cán bộ kỹ thuật và công nhân này không có ai học qua chuyên ngành luyện kim. Đã thế, thư viện Nha kỹ thuật lại có ít sách, chỉ có khoảng chục cuốn do các ông Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Võ Quí Huân mang từ Pháp về sau hội nghị Fontainbleau. Số sách này tuy ít nhưng rất quý mặc dù tất cả đều là sách kỹ thuật phổ cập. Vậy là các cán bộ kỹ thuật của ta lúc đó thì hạn chế về kiến thức chuyên ngành mà tài liệu nghiên cứu kỹ thuật lại chủ yếu là sách khoa học kỹ thuật phổ cập, thành ra nghiên cứu xây dựng lò luyện thép rất khó khăn. Ông Nguyễn Văn Hường nhớ lại: “Đọc sách Pháp viết về luyện kim thì thấy ba nguyên liệu chính để làm chất chịu lửa cho lò luyện thép là grafit, cao-lin và đá silic, nhưng tỉ lệ pha trộn thì sách không nói đến vì đây là bí quyết công nghệ. Đã thế, đá silic thì con suối nào ở Việt Bắc cũng có, nhưng cao-lin thì phải lên tận Cao Bằng mới tìm được, và grafit thì phải ra tận tỉnh Quảng Ninh lấy grafit dạng thỏi từ một lò điện do Pháp để lại.

Nhưng KS.Võ Quí Huân đã có cách: “Đưa những cái đã học ở nước ngoài về áp dụng thiết thực vào hoàn cảnh trong nước, giúp đỡ và hướng dẫn anhem trong nước cùng làm” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh). Mặt khác, “ông Võ Quí Huân rất giỏi về chuyên môn, ông thiên về thực hành, cách làm việc rất thực tế, không có việc gì khó khăn làm bó tay ông”, ông Nguyễn Văn Thu (A) khẳng định như vậy.

Lò luyện thép tất nhiên có nhiều loại. KS.Võ Quí Huân và các cán bộ Nha kỹ thuật chọn nghiên cứu lò Stassano. Họ đọc sách nghiên cứu từng bộ phận của lò: nắp lò, thân lò, cửa nạp điện, cửa rót thép, lỗ than điện,…rồi cuối mỗi tuần họp nhau lại nghe thuyết trình kết quả nghiên cứu của từng phần, sau đó thảo luận, tranh luận tìm ra giải pháp.

Sau bốn tháng từ tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm từng công đoạn chế tạo lò (từ tháng 6 – tháng 10/195), tại thôn Nà Lằng huyện Chợ Mới tỉnh Bắc Cạn, khi vỏ lò cao thí nghiệm hoàn tất, lần chạy thử đầu tiên của lò cao luyện thép chạy được 4 ngày thì lò tắc. Những thí nghiệm tiếp theo cũng thất bại. May sao, lần thứ 5, sau hai tiếng đồng hồ chạy lò, thép đã chảy. Tuy thành tích rất khiêm tốn: dòng thép trắng vừa chảy ra từ lò thí nghiệm được rót vào khuôn cát tự chế chỉ vừa đủ đúc một chiếc cuốc chim công binh nhưng thành công rất có ý nghĩa. Mọi người reo mừng. Đó là vào một ngày tháng 10/1951.

Với thành tích luyện thép thành công, tại lớp chỉnh huấn chính trị khóa 1 (Việt Bắc, tháng 7/1952) kỹ sư Võ Qúi Huân vinh dự được nhận giải thưởng thứ nhất của chủ tịch Hồ Chí Minh và bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng. Ông cũng được Nha kỹ thuật tặng bằng khen về thành tích nấu luyện thép bằng lò điện, được Viện nghiên cứu kỹ thuật và Tổng cục III khen thưởng về thành tích nấu luyện thép bằng lò điện. Năm 1953, KS.Võ Quí Huân được bầu là chiến sĩ thi đua số 1 ở H52.

Thành công cho ra lò hồ quang điện mẻ thép đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ghi thêmmột mốc son chói lọi cho ngành luyện kim Việt Nam nói riêng và ngành công nghiệp Việt Nam nói chung. Sự kiện này cũng mang lại cho KS. Võ Quí Huân niềm vui tột bậc, không kém lần cho ra lò mẻ gang đầu tiên ở Nghệ An (Liên khu 4). Ông liền lấy tên sản phẩm thép đầu tiên do chính mình và các cộng sự nghiên cứu tạo ra đặt tên cho đứa con trai thứ hai vừa ra đời trong dịp này là Võ Quí Thép Hăng Hái. Vẫn là một cách đặt tên con rất chi khác người mà ngay cả vợ ông cũng “phản đối” vì khó nghe và khó gọi, nhưng Võ Quí Huân vẫn là Võ Quí Huân.

Thật hiếm có một người say mê nghề nghiệp và sáng tạo như KS.Võ Quí Huân. Đến nỗi một kẻ hậu thế nào đó đã vì ngưỡng mộ, quý mến mà dí dỏmgọi ông là “Võ Quí Yêu Gang Thép”.

Ở Nà Lằng, KS.Võ Quí Huân không những đã cùng các đồng nghiệp nghiên cứu làm ra thép mà còn nghiên cứu sản xuất được gang xám để chuyển giao công nghệ cho lò cao sản xuất gang ở Như Xuân (Thanh Hóa).

Trên cơ sở thành tựu thí nghiệm đã đạt được, cuối năm 1951, Cục quân giới và Nha nghiên cứu kỹ thuật quyết định xây lò luyện thép hồ quang điện quy mô công nghiệp nhỏ tại Bản Thi.

 

 

Cuộc sống giữa núi rừng Việt Bắc.

Bản Thi là một thung lũng kì lạ, chỉ giao lưu với bên ngoài bằng một con đường goòng dài 30km, dấu tích của mỏ kẽm thờithuộc Pháp . Đi từ Bản Thi đến Phìa Khao (tên một ngọn núi cao 1000m) là một con đường dài 7km, bám sườn núi đá chênh vênh bò lên với độ dốc không đổi, giữa cảnh núi rừng hùng vĩ. Đỉnh núi là một vạt phẳng và rộng, với hai ngôi nhà gạch xinh xinh, hai đầu có hiên hóng mát. Trụ sở Nha kỹ thuật là đây.

Ghi lại mấy dòng hồi tưởng trên đây của ông Trần Chí Đáo, nguyên cán bộ Phòng xạ thuật thuộc Nha kỹ thuật về vị trí hiểm hóc của Bản Thi, người viết không hề có ý muốn bạn đọc hình dung, thưởng ngoạn cái cảm giác lãng mạn huyền ảo của núi rừng Việt Bắc hùng vĩ mà chỉ mong các bạn trẻ thời nay hình dung được cái gian lao cực nhọc của người lính quân giới thời kháng chiến chống Pháp, trong hoàn cảnh máy bay đối phương hoàn toàn làm chủ bầu trời, chúng có thể tác oai tác quái bất cứ nơi nào, vào bất cứ giờ nào, để các bạn hiểu thêm tinh thần dấn thân vì Tổ quốc của nhân vật chính của bài viết này: KS.Võ Quí Huân. Là gia đình cán bộ quân giới nên mỗi lần chuyển địa điểm của cơ quan, bà Tạ Kim Khanh lại phải tay xách nách mang, bồng bế con nhỏ, đem theo các đồ dùng gia đìnhlỉnh kỉnh, di chuyển theo đơn vị của chồng. Cái gia đình nhỏ bé của bà do đó đã đặt chân lên khắp vùng chiến khu Liên khu 4, rồi từ năm 1951 trở đi sống lọt thỏm giữa núi cao rừng thẳm của chiến khu Việt Bắc cho đến khi hòa bình lập lại năm 1954. 

Sau khi KS.Võ Quí Huân được lệnh điều động ra Việt Bắc làm việc, bà Tạ Kim Khanh phải bế cháu Võ Quí Gang Anh Hào, lúc đó mới hơn 3 tuổi, theo chồng từ Đồ Lương (Nghệ An) ra chiến khu Việt Bắc. Bà kể:

“Đi có giao liên dẫn đường, chặng thì đi xe cơ giới, chặng thì đi xe bò kéo, xe đạp thồ, lúc đi xuồng, đi bộ. Sau chặng đường dài vất vả, chúng tôi đến Việt Bắc. Những địa danh như Đồng Chiêm, Chợ Mới, Nà Lằng, Bản Thi, Phìa khao…nơi nào đơn vị ông Huân đóng quân và dựng lò là nơi đó mẹ con tôi cũng đều có mặt…Là một đơn vị nghiên cứu của Bộ quốc phòng, để giữ bí mật, xưởng máy, lò luyện kim chỗ ông Huân công tác thường đóng trong rừng sâu…Mỗi khi di chuyển mất cả tháng trời…Gia đình thường đến sau một thời gian. Đến địa điểm mới, ông Huân tìm một vạt đất bằng phẳng, gần suối, rồi nhờ mấy thanh niên trong đơn vị dựng cho mẹ con tôi một mái nhà (gọi là lều thì đúng hơn), cột, kèo bằng gỗ chặt ngay đấy, lấy nứa đan thành phên rồi nẹp lại làm vách. Ngồi trong nhà nhìn ra ngoài qua vách nứa thấy cảnh vật mồn một, mùa hè còn đỡ, chứ mùa đông Việt Bắc lạnh là thế, mà gió và sương muối cứ lùa qua rét buốt. Nhiều đêm con nhỏ lạnh tím người, không ngủ được, tỉnh dậy quấy khóc, tôi lại lủi thủi chụm củi đun ấm nước sát chỗ nằm để sưởi luôn…Nhà tôi ở cách xa chỗ làm việc của ông Huân gần chục cây số đường rừng…Ông Huân thì mê mải công việc, hầu như đi biền biệt, thi thoảng ghé qua chỗ mẹ con tôi ở. Vợ chồng, con cái được ăn cùng nhau bữa cơm độn khoai, độn sắn, nhưng ấm áp không khí gia đình. Nhìn nhà tôi gương mặt gầy gò, xanh xao vì thiếu ăn và sốt rét, ngồi khoanh chân trên cái liếp nứa phủ chăn chiên Nam Định, đặt thằng cu Anh Hào trong lòng, tay cầm bát cơm độn ăn một cách ngon lành, trong lòng tôi không khỏi trào dâng niềm thương mến, xót xa xen lẫn tủi thân. Trộm nghĩ, từ một kỹ sư đang sống khá giả bên Pháp, ông từ bỏ tất cả để về nước theo kháng chiến, chịu đựng gian khổ thế này, liệu có đủ sức mà sống đến ngày hòa bình? Nghĩ dại, nếu giữa rừng xanh núi thẳm này ông Huân có “mệnh hệ” gì thì mẹ con tôi biết dựa vào đâu? Nhiều đêm thao thức, lo lắng, không ngủ được”.

Lò luyện thép ở bản Nà Lằng mới sản xuất thử được vài tháng thì bị máy bay Pháp ném bom, phải chuyển lên Bản Thi, bà Tạ Kim Khanh lại phải địu hai con, đứa trước, đứa sau, tay xách nách mang đồ đạc lỉnh kỉnh đi theo. Đến Bản Thi, xưởng máy vẫn đặt sâu trong rừng, tất nhiên.Chỗ ở của mẹ con bà lần này vẫn là một căn nhà nhỏ bằng tre nứa bên bờ suối, đêm đêm giữa núi rừng hoang vắng, nằm ôm con nghe lá rừng xào xạc…ngày ngày dậy sớm nấu cho con bát cháo rồi khoác bộ quần áo nâu sồng, đội nón mê, mang đôi dép lốp, địu con qua suối, chăm sóc mảnh vườn nhỏ trồng rau để lấy cái ăn…Sợ nhất là vùng này có hổ, đi đâu bà Khanh cũng phải địu hai con trên người, sợ con ngã xuống suối hay bị hổ vồ.

“Bây giờ ngồi nhớ lại”, – bà Kim Khanh nói –“tôi cũng không hiểu nổi làm sao mấy mẹ con tôi lại chịu đựng và vượt qua được hoàn cảnh khó khăn, vất vả, có lúc tưởng chừng quá sức chịu đựng như vậy”.

Sự vất vả, gian nan, khó nhọc của vợ con KS.Võ Quí Huân càng cho thấy thêm sự hy sinh to lớn của ông.

Đầu tháng 12/1953, việc chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ càng khẩn trương hơn. Đúng vào thời gian này, trong căn nhà nhỏ bằng tre nứa bên bờ suối giữa núi rừng Việt Bắc, bà Tạ Kim Khanh sinh con gái (12/1953), và được ông đặt tên là Võ Quý Yêu Hòa Bình để gửi gắm ước nguyện của ông muốn đất nước toàn thắng, sớm chấm dứt chiến tranh.

Ngày 7/5/1954, quân đội ta kết thúc thắng lợi chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Hòa bình được lập lại. Toàn miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng trong hòa bình. Lúc này vợ ông sinh thêm cậu con trai. Ông đặt tên con là Võ Quí Quốc Hưng như để gửi gắm ước vọng lớn của ông là muốn đất nước giàu có, thịnh vượng.

Luyện gang, thép bằng lò cao nhỏ là một sự sáng tạo rất chi là Việt Nam của KS. Võ Quí Huân và đồng đội. Ta hãy nghe đánh giá của TS. Mai Kỷ, nguyên thứ trưởng Bộ cơ khí luyện kim, nguyên phó chủ nhiệm văn phòng Chính phủ, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch Nhà nước:

“Trong kháng chiến chống Pháp, KS. Võ Quí Huân đã làm ra gang, thép từ nhiều lò cao nhỏ….Lò cao nhỏ không bằng lò cao lớn, đấy là tất nhiên. Nhưng nó lại rất thích hợp trong hoàn cảnh của chúng ta lúc bấy giờ, cho nên những lò cao nhỏ đã phát huy được rất nhiều tác dụng giúp cho ngành quân giới của chúng ta”.

Sản phẩm của ý chí tự lực tự cường và trí tuệ Việt Nam.

Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, bộ đội ta đã tìm thấy trong hầm chỉ huy của tướng De Castries một tập tài liệu dày 64 trang mang tên: “Bộ sưu tập vũ khí Việt Minh sản xuất từ 1945 đến 1954”, do Bộ tham mưu quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương thu thập và ấn hành. Trong đó có hình vẽ của tám loại vũ khí đã được đưa vào sử dụng.

1.   Tiểu liên và súng ngắn:            14 kiểu

2.   Súng cối và súng phóng bom: 23 kiểu

3.   Bazoka hay hỏa tiễn:                7 kiểu

4.   Súng không giật loại SKZ:       3 kiểu

5.   Súng không giật loại SS:          7 kiểu

6.   Lựu đạn:                                     8 kiểu

7.   Mìn:                                             7 kiểu

8.   Thủy lôi:                                     2 kiểu

Trong khối lượng chất liệu làm nên những khẩu súng này chắc chắn có một phần không nhỏ là gang, thép nấu luyện bằng lò cao kháng chiến của KS.Võ Quí Huân.

Ngày nay, nếu có dịp tham quan Viện bảo tàng lịch sử quân đội Việt Nam, nhiều người hẳn sẽ kinh ngạc khi nhìn thấy tận mắt những vũ khí sản xuất tại Việt Nam trong chiến tranh. Đó là sản phẩm của ý chí tự cường và trí tuệ Việt Nam mà tiêu biểu hàng đầu là các trí thức kỹ sư, kỹ thuật viênđầu tiên trong kháng chiến chống Pháp như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Võ Quí Huân, Đỗ Đức Dục, Hoàng Đình Phu, Lê Huy Yêm, Dương Quang Thành, Mai Duy Hồ, Nguyễn Cảnh Hồ, Nguyễn Trinh Tiếp, Trịnh Đình Lương, Đỗ Thái Đồng, Lê Khánh Cư, Bùi Minh Tiêu, Nguyễn Đức Ngọc, Phạm Đình Điện, Nguyễn Văn Lợi, Đoàn Quảng, Nguyễn Văn Thu (A), Phạm Khắc Hằng, Trương Quang Củng, Nguyễn Tài Anh, Lê Quốc Quyến,…(“Võ Quí Huân…”, sđd, tr.88).

Người hiệu trường giỏi, nhà quản lý giáo dục sáng tạo.

Năm 1954, kháng chiến thắng lợi, hòa bình lập lại, toàn miền bắc được giải phóng, bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh.

Theo đề nghị của ông Trần Đại Nghĩa, lúc đó là thứ trưởng Bộ công thương, và ông Tạ Quang Bửu, lúc đó là thứ trưởng Bộ quốc phòng, KS.Võ Quí Huân, người của quân giới, được đánh giá là có nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật về công nghiệp và quốc phòng,  được cử về tiếp quản, khôi phục trường Kỹ nghệ Thực hành do Pháp để lại, đào tạo cấp tốc đội ngũ cán bộkỹ thuật và công nhân, phục vụ kịp thời cho việc tiếp quản và quản lý các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp trên toàn miền bắc. Ở đây phải nói rằng hai ông Tạ Quang Bửu và Trần Đại Nghĩa đã “chọn đúng mặt gửi vàng”.

Võ Quí Huân tiếp quản công việc trong tình cảnh cực kì khó khăn. Trước khi rút khỏi Hà Nội, quân Pháp đã tháo gỡ mang đi hết thảy những gì có thể tháo gỡ được, cái gì không tháo gỡ được thì đập phá tan tành. Cả trường chỉ còn lại mấy chiếc máy tiện, máy khoan, máy cưa do học sinh đấu tranh giữ lại được thì vừa cũ kĩ vừa lạc hậu, sản xuất từ hồi thế kỷ 19.Thậm chí bàn ghế học sinh cũng bị đập phá hư hỏng, phải đóng mới. Nói chung cơ sở vật chất lúc đó của trường hầu như không còn gì. Một lần nữa KS.Võ Quí Huân lại phải “khởi động cỗ máy từ số 0”.

Đội ngũ giáo viên thì vừa yếu vừa thiếu, lại không đồng nhất, chưa nói là phức tạp, gồm một số nguyên là các thầy của trường Kỹ nghệ Thực hànhthời Pháp chiếm đóng Hà Nội, vẫn được hưởng lương theo chế độ cũ; một số là các cán bộ kháng chiến về, là cán bộ quân giới, có kinh nghiệm về vũ khí, sắt thép nhưng không được đào tạo về sư phạm, lại hưởng lương ít ỏi theo chế độ sinh hoạt phí. Thầy giám đốc Võ Quí Huân cũng vậy. Trình độ chuyên môn lại chênh lệch. Các thầy cũ chỉ đào tạo thợ nên họ thiên về dạy thực hành. Các thầy kháng chiến về trình độ không đồng đều, nhất là chưa có ai từng học qua trường sư phạm.

Học sinh thì gồm hai, ba nguồn, trình độ chênh lệch, khác biệt. Một số là học sinh học hệ 9 năm, từ vùng tự do về học. Một số là học sinh học theo hệ 12 năm từ vùng tạm bị chiếm vừa mới được giải phóng. Một số là cán bộ, bộ đội được cử về học. Điều kiện vật chất rất khó khăn, học sinh phải nằm giường hai tầng, cơm ăn không đủ no, thậm chí học sinh nữ ba người chỉ được ăn hai suất, dành một suất cho học sinh từ vùng xa về học.

Tuy nhiên, ngay từ đầu danh tiếng và uy tín lớn của thầy hiệu trưởng Võ Quí Huân đã gây ấn tượng mạnh, tạo niềm tin và phấn khởi cho học sinh, có tác dụng tập hợp, gắn kết rất mạnh. Ta hãy nghe KS. Võ Quang Đôn, nguyên học sinh trường Kỹ nghệ Thực hành (1952) và là học sinh khóa 1 trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội, tâm sự: “Đầu năm 1955, ngày khai giảng khóa học đầu tiên, thầy hiệu trưởng Võ Quí Huân ra mắt toàn trường, lớp học sinh chúng tôi mới nghe đồng chí cán bộ tiếp quản giới thiệu thầy là cán bộ kháng chiến, mà có tới 3 bằng kỹ sư thì phục lắm. Từ trước tới giờ chúng tôi chỉ biết có kỹ sư người Pháp chứ chưa được thấy kỹ sư người Việt nào. Vậy mà trước mắt chúng tôi, một người Việt Nam bằng xương bằng thịt, đạt được bằng cấp không thua kém bất cứ người phương tây nào….Ấn tượng in sâu đậm trong ký ức của tôi về thầy Võ Quí Huân là lúc thầy có nói một câu làm cho học sinh rất phấn khởi: Quy mô tổ chức của nhà trường là đào tạo hệ trung cấp thực hành. Trung cấp thực hành này như là kỹ sư bậc I. Kỹ sư vừa lý thuyết vừa thực hành. Lý thuyết không cao bằng kỹ sư nhưng thực hành thì hơn kỹ sư. Cho nên năm 1957, thầy đặt tên trường là trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội (sau gọi là trường Trung cấp Kỹ thuật I). Tiếp theo các giai đoạn sau, trường lần lượt mang tên: trường Kỹ thuật I, trường Trung – Cao cấp Cơ điện, trường Cao đẳng Công nghiệp (nay là trường Đại học Công nghiệp).

Năm 1955, trường được đổi tên thành trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội, về sau gọi là trường Trung cấp  Kỹ thuật I, do KS. Võ Quí Huân làm hiệu trưởng. Đây là trường kỹ thuật chính quy đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trường có hai khoa chính: sơ cấp (đào tạo công nhân kỹ thuật các ngành tiện, nguội, gò, hàn, mộc), trung cấp (đào tạo cán bộ kỹ thuật trung cấp các ngành cơ khí, điện, đúc – luyện kim).

Tình hình khó khăn đủ bề. Hiệu trưởng Võ Quí Huân đã phải bám trường, chăm lo khôi phục cơ sở vật chất, lớp học, nhà xưởng; tập hợp đội ngũ giáo viên, tạo dựng và gắn kết được một tập thể giáo viên có trình độ chuyên môn khá, đoàn kết cùng chung tay xây dụng trường.

Và chỉ qua 5 năm phấn đấu (1954 – 1959), KS. Võ Quí Huân trên cương vị hiệu trưởng, bằng tài năng và sự tận tụy hiếm có đã đưa trường từ không đến có. Ông đã xây dựng trường có đầy đủ tiện nghi, có giảng đường khang trang, có xưởng thực tập được trang bị nhiều máy móc, dụng cụ, có nhà ăn tập thể, có sân chơi thể thao, khu y tế, khu nội trú cho toàn thể học sinh ăn ở tại trường.

Để nâng cao năng lực đào tạo của trường, hiệu trưởng Võ Quí Huân đã có sáng kiến mời các trí thức danh giá thời đó về giảng dạy như thầy Phạm Văn Lãm (cử nhân khoa học đại học Sorbonne của Pháp), thầy Trần Ngọc Kim từ Pháp về, thầy Trương Cao Thanh từ Tiệp Khắc về, và các thầy trong nước như thầy Hoàng Thiếu Sơn (dạy văn), thầy Vũ Anh (thứ trưởng) và thầy Phan Anh (bộ trưởng Bộ công thương) dạy chính trị. Đặc biệt, thầy đã kiến nghị cấp trên cho phép giữ lại trường 30 học sinh tốt nghiệp xuất sắc khóa 1, mở lớp giáo sinh bồi dưỡng thêm kiến thức, kỹ năng sư phạm và ngoại ngữ để giảng dạy và nghiên cứu.

Lúc đó, ngoài trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội, toàn miền bắc không có một trường trung cấp hay cao đẳng kỹ thuật nào khác. Do vậy việc trường Trung cấp Kỹ thuật I kịp thời đào tạo, cung cấp hàng trăm cán bộkỹ thuật và hàng ngàn công nhân cho các nhà máy, xí nghiệp trên toàn miền bắc lúc đó là một thành tích hết sức to lớn.

Người tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, đặt nền móng cho ngành đúc – luyện kim nước nhà.

Nói về thành tích của nhà giáo – KS.Võ Quí Huân trong việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành đúc- luyện kim, trước hết cần nhắc lại rằng ngay từ buổi đầu đầy cam go của cuộc kháng chiến chống Pháp, KS.Võ Quí Huân đã có sáng kiến mở trường Cán bộ Kỹ thuật Trung bộ ở Liên khu 4, đào tạo được một số cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao về đúc – luyện kim, tuy ít nhưng rất quan trọng, vì nhiều người trong số này về sau đã trở thành nòng cốt phục vụ cho sự phát triển của ngành quân giới cũng như ngành luyện kim của đất nước nói chung. Tiêu biểu có thể kể:

   GS. Hà Học Trạc:     nguyên hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, chủ tịch liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam

   KS. Hoàng Bình:       nguyên thứ trường Bộ Cơ khí – luyện kim, tổng giám đốc khu gang, thép Thái Nguyên

PTS. Thái Duy Thẩm: nguyên chủ nhiệm khoa tuyển khoáng Đại học Bách Khoa Hà Nội

KS. Lê Huy Yêm:      nguyên trưởng ban thanh tra Bộ Cơ khí – Luyện kim, cố vấn bộ trưởng Bộ công nghiệp nặng.

GS. Nguyễn Đình Nam: nguyên chủ nhiệm Khoa kinh tế công nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội

KS. Nguyễn Thái Đồng: nguyên viện phó Viện Điện

KS. Nguyễn Hựu:      nguyên vụ trưởng Vụ xây dựng cơ bản Bộ Điện – Than.

KS. Phan Cầu:           nguyên vụ trưởng, Ủy ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước.

           Tiếp đến,trong thời gian được phân công trực tiếp chỉ đạo việc luyện thép bằng lò điệntại chiến khu Việt Bắc, KS Võ Quí Huân đã tổ chức, hướng dẫn anh em cán bộ kỹ thuật của Nha kỹ thuật nghiên cứu rồi cùng anhem thực nghiệm, xây dựng lò cao hồ quang điện, làm ra mẻ thép đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Bằng cách đó KS Võ Quí Huân đã góp phần quan trọng hình thành nên một tập thể nghiên cứu về luyện kim rất trẻ đầy sức sáng tạo gồm các ông: Bùi Duyên, Nguyễn Văn Hường, Mai Duy Hồ, Trịnh Đình Lương, Nguyễn Cảnh Hồ, Nguyễn Văn Lộc, Phan Khắc Hằng…

Giai đoạn1955 – 1959 , được sự lãnh đạo, quản lý tài ba, nhiệt huyết của nhà giáo – KS.Võ Quí Huân, trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội, trường kỹ thuật chính quy đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,đã đào tạo được trên 700 cán bộ khoa học kỹ thuật đầu tiên cho đất nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu quản lý, điều hành sản xuất công nghiệp trên toàn miền Bắc trong giai đoạn đầu từ sau ngày hòabình lập lại năm 1954. “Thầy còn đào tạo từ người phụ trách cho đến công nhân kỹ thuật để tiếp quản nhà máy cơ khí Hà Nội, con chim đầu đàn của ngành công nghiệp Việt Nam được Bác Hồ rất quý”. KS.Vũ Thạch Giản, học sinh khóa I trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội, nguyên trưởng phòng năng lượng Viện mỏ - luyện kim khẳng định như vậy.

Rất nhiều cán bộ kỹ thuật đã trưởng thành tột bậc từ trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội. Tiêu biểu có thể kể:

-         PTS. Trần Lum: nguyên bộ trưởng Bộ công nghiệp nặng

-         Lại Văn Cừ: nguyên bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng Thủ tướng

-         KS.Lê Ba: nguyên thứ trưởng Bộ điện lực

-         Mai Thúc Toàn: nguyên chủ tịch tỉnh Thái Nguyên

-         Trần Bạch Đằng: nguyên đại biểu quốc hội, nguyên giám đốc nhà máy Cơ khí Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh

-         Mai Kỷ: nguyên thứ trưởng Bộ cơ khí – luyện kim, phó chủ nhiệm văn phòng Chính phủ, phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học Nhà nước, nguyên chủ tịch Hội đúc – luyện kim Việt Nam

-         Đaị tá Vũ Đình Hoành: nguyên phó giám đốc sở Công an Hà Nội

-         Bùi Thức Khiết: nguyên phó tổng giám đốc Điện lực Việt Nam, nguyên giám đốc nhà máy thủy điện Hòa Bình

-         Trương Bảo Ngọc: nguyên phó tổng giám đốc Điện lực Việt Nam

-         Trần Văn Trung: AHLĐ, xưởng trưởng xưởng hợp kim – sắt xí nghiệp Liên hiệp gang thép Thái Nguyên.

-         Phạm Lợi: nguyên chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.

-         Đặng Duy Phúc: nguyên giám đốc Sở công nghiệp Hà Nội

-         Phạm Chí Cường: nguyên chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, chủ tịch Hội đúc – luyện kim Việt Nam.

Ngoài ra, theo KS.Lê Huy Yêm, có đến hàng trăm học sinh trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội thời KS.Võ Quí Huân làm hiệu trưởng đã trở thành những cán bộ lãnh đạo, quản lý của hầu hết các cơ sở công nghiệp trên toàn miền bắc sau ngày giải phóng (1954) và trong giai đoạn phát triển kinh tế sau đó, trên các cương vị giám đốc/phó giám đốc các Cục, Vụ, Viện trưởng/phótổng giám đốc, hiệu trưởng, hiệu phó, chánh phó giám đốc các xí nghiệp, nhà máy, chuyên viên cao cấp, giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân mà trong phạm vi bài viết này không thể thống kê hết.

Tuy nhiên, qua ký ức của một số lãnh đạo hay cán bộ kỳ cựu trong ngành có thể kể một số như: Đoàn Nguyệt Anh, Hoàng Thị Bảo Anh, Hồ Văn Cẩn, Nguyễn Thị Châm, Lê Ái Châu, Bùi Quang Cơ, Mộng Chi, Nguyễn Thành Chung, Lê Văn Chung, Nghiêm Công, Đặng Nhật Cương, Lê Văn Do, Dương Văn Du, Xuân Dung, Bùi Văn Đắc, Võ Quang Đôn, Vũ Thạch Giản, Phan Trọng Giảng, Tô Xuân Giáp, Vũ Mạnh Hà, Phạm Khắc Hằng, Hồ Bá Hiền, Đinh Duy Hiến, Thái Thị Thanh Hương, Lê Duy Kháng, Vũ Văn Khảo, Đặng Quốc Khiêm, Nguyễn Đức Kính, Dương Diễm Lan, Bùi Thị Ái Liên, Lê Thị Bích Liên, Tạ Quang Mai, Ung Thị Minh, Tô Hưng Nam, Nguyễn Như Nghĩa, Trương Bảo Ngọc, Nguyễn Thị Bích Ngọc, Đỗ Đình Phấn, Đặng Duy Phúc, Hồ Phi Phúc, Dương Hồng Quý, Nguyễn Quang Thạch, Lê Minh Trí, Trần Tiệu, Mai Phúc Toàn…

Cựu học sinh trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội thời KS.Võ Quí Huân làm hiệu trưởngrất mực quý trọng, thương nhớ, biết ơn sâu sắc thầy hiệu trưởng của mình. Nhờ thầy mà biết bao thế hệ học trò đã thành danh, có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của ngành đúc – luyện kim nói riêng và nền công nghiệp nước nhà nói chung.Và chính cái đó làm nên giá trị vĩnh cửu của tên tuổi nhà khoa học, nhà giáo – KS.Võ Quí Huân.

Ta hãy nghe KS.Lê Ái Châu, học sinh khóa 2 (1957) trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội, nguyên giảng viên Đại học Cơ điện Thái Nguyên, phát biểu: “Ở đâu tôi cũng tự hào…và ra sức phát huy cái tinh thần Kỹ thuật I Hà Nội…Gần đây, tôi mới biết một số chi tiết về cuộc sống riêng của thầy Huân. Năm 1946, người kỹ sư trẻ Võ Quí Huân quyết định rời nước Pháp theo chủ tịch Hồ Chí Minh về giúp nước, để lại gia đình riêng thân yêu, từ bỏ học vị tiến sĩ sắp bảo vệ sau 3 bằng kỹ sư đã có và sự nghiệp khoa học còn dang dở. Tôi xúc động đến phát khóc. Thật là một sự hy sinh quá lớn lao! Lòng tôn kính của tôi đối với thầy từ đó càng tăng lên gấp bội. Đóng góp của thầy cho ngành công nghiệp Việt Nam trong những năm kháng chiến và kiến quốc thật to lớn. Thầy xứng đáng là một danh nhân khoa học của đất nước. Thầy là tấm gương sáng cho hậu thế! (Thái Nguyên, tháng 10 năm 2010)”.

Nhớ về thầy hiệu trưởng của mình, KS.Đặng Duy Phúc, cựu học sinh khóa I trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội, nguyên giáo đốc Sở Công nghiệp Hà Nội, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà thơ, viết:

“…

Công ơn của Thầy suốt đời nhớ mãi

Thời gian…

Chẳng bao giờ trở lại

Hình ảnh Thầy

Luôn vĩ đại trong chúng em”

Chẳng những học trò của ông bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với thầy giáo của mình mà ngay cả người ngoài như nhạc sĩ Trần Thành Đức, nguyên trợ lý của GS.VS Trần Đại Nghĩa thời kháng chiến chống Mỹ  cũng cảm kích sâu sắc trước cuộc đời của người kỹ sư Việt kiều yêu nước Võ Quí Huân mà viết nên bài hát sâu lắng “Người kỹ sư nặng tình non nước”, kính dâng hương hồn ông. Một hiện tượng rất đặc biệt, chưa từng thấy!

Người đi tiên phong trong việc thực hiện phương châm đào tạo: “Học đi đôi với hành, nhà trường gắn với xã hội

Hiệu trưởng Võ Quí Huân còn là người đặt viên gạch đầu tiên hay nói đúng hơn là người đi tiên phong trong việc thực hiện phương châm đào tạo “Học đi đôi với hành”. Ta hãy nghe ông Nguyễn Như Nghĩa, cựu học sinh khóa 1 được giữ lại trường làm giảng viên (1955 – 1962) phát biểu: “…Thầy hiệu trưởng Võ Quí Huân đã lãnh đạo, chỉ đạo quá trình đào tạo của nhà trường, thực hiện tích cực và sáng tạo phương châm “Học đi đôi với hành”; lý thuyết gắn với thực tiễn; thực tập kết hợp với sản xuất và nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, mà sau này đã được đúc kết thành nguyên lý, phương châm giáo dục: “Nhà trường gắn với xã hội”….Việc làm này phải đặt vào thời điểm những năm đầu của sự nghiệp giáo dục đào tạo  sau khi kết thúc chiến tranh, miền bắc được giải phóng,  mới bước vào thời kỳ xây dựng mới thấy hết ý nghĩa…”.

Trong bài phát biểu tại Hội thảo về KS Võ Qúi Huân tổ chức tại Hà Nội năm 2011, TS Trần Đức Quý, hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cũng khẳng định rằng: “Người [KS Võ Qúi Huân] đã đặt viên gạch đầu tiên cho định hướng phát triển của nhà trường mà ngày nay các thế hệ cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên nhà trường vẫn đang tiếp bước, đó là: Thực  hiện đào tạo theo định hướng công nghệ, gắn đào tạo với thực tế sản xuất của các doanh nghiệp, gắn đào tạo nhân lực với sử dụng nhân lực”

Chính nhờ coi trọng thực hành trong đào tạo mà hồi đó trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội do KS. Võ Quí Huân làm hiệu trưởng đã sản xuất được quạt bàn “Gió Mới”, tiền đề dẫn đến việc thành lập nhà máy cơ điện Hà Nội, chế tạo được động cơ điện làm quạt gió công nghiệp, thậm chí làm được chiếc ô tô “Chiến Thắng” sử dụng trong các cuộc diễu hành nhân dịp những ngày lễ lớn.

Có ý kiến cho rằng hoạt động và công lao của nhà giáo – KS.Võ Quí Huân trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cho ngành đúc – luyện kim nói riêng và cho nền công nghiệp nước nhà nói chung, xứng đáng được ghi vào lịch sử của ngành giáo dục quốc gia.

Lại say sưa với sự nghiệp đúc – luyện kim.

Cuối năm 1959, KS.Võ Quí Huân được điều động về làm phó giám đốc Vụ kỹ thuật Bộ Công nghiệp nặngtrong khi vẫn giữ chức tổ trưởng tổ luyện kim thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước.

Một lần nữa ông lại say sưa với sự nghiệp luyện kim.  TS.Phan Tử Phùng, nguyên chủ tịch Hội đúc – luyện kim Việt Nam kể lại rằng:“Từ khi KS.Võ Quí Huân nhận nhiệm vụ lãnh đạo ở Vụ kỹ thuật Bộ Công nghiệp nặng, anh hầu như có mặt ở khắp các cơ sở sản xuất đúc – luyện kim trong nước. Từ việc sử dụng đá gres núi Nhồi ở Thanh Hóa, phá các u bướu trong lò cao Cọc 5 Quảng Ninh…việc sử dụng than gầy thay than cốc trong lò cao…đến việc tìm các giải pháp công nghệ cho các phương án thiết kế và xây dựng khu gang thép Thái Nguyên, việc đánh giá chất lượng và trữ lượng các mỏ sắt limonit ở Bảo Hà (Lào Cai) và mỏ sắt manhêtitở Trại Cau (Thái Nguyên)…chỗ nào cũng thấy anh Huân lao vào với nhiều sáng kiến cải tiến và nhiều giải pháp công nghệ giàu hàm lượng kiến thức khoa học kỹ thuật của một kỹ sư giàu kinh nghiệm. Hàng loạt các công trình luyện – đúc gang thép như các lò cao luyện gang Cầu Giá (Hải Phòng), Vinh (Nghệ An), Cọc 5 (Hòn Gai), Hàm Rồng (Thanh Hóa), cũng như việc thành lập Hội đúc – luyện kim và nhiều thế hệ cán bộ kỹ thuật được đào tạo tại trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội đều in đậm dấu ấn của KS.Võ Quí Huân”.

Dưới sự chỉ đạo của ông, gang graphit cầu đã được sản xuất để làm các trục trong chế tạo máy nổ, chế tạo gang dẻo để làm nông cụ, máy nông nghiệp, sản xuất được các loại pherô, chế tạo được đầu tàu điện để vận chuyển nhiên liệu, luyện thép hợp kim làm dao cắt kim loại khỏi nhập khẩu.

Giai đoạn 1959 – 1967 là thời gian KS.Võ Quí Huân đi sâu nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm về kỹ thuật đúc – luyện kim và đã viết nhiều tài liệu về kỹ thuật luyện Fe-Si trong lò điện cỡ lớn nấu liên tục, điện thế nhỏ…về kinh nghiệm dùng than gầy (authracite) để chạy lò cao, giới thiệu những kinh nghiệm về chọn trắc đồ lò cao cỡ nhỏ, về chế độ luyện và phôi liệu luyện gang…

Sau này, nhiều đồng nghiệp của ông trong ngành đúc – luyện kim đều đánh giá rằng: “Đó là những năm tháng hoạt động sôi nổi, tâm huyết của KS.Võ Quí Huân vì sự nghiệp phát triển ngành đúc – luyện kim Việt Nam” (“Võ Quí Huân…”, sđd, tr.130).

Khi lòng yêu nước được thức tỉnh và cổ vũ

Nói về KS.Võ Quí Huân, trước hết phải nói ông là tấm gương sáng về lòng yêu nước nồng nàn. Tinh thần đó đã được thể hiện xuyên suốt cuộc đời của ông.

Như đã trình bày ở trên, sau khi về nước, KS.Võ Quí Huân đã cống hiến hết mình cho công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Phát biểu tại hội thảo tưởng niệm KS.Võ Quí Huân tại Hà Nội năm 2011, đại tá Nguyễn Quốc Hà, nguyên phó viện trưởng Viện vũ khí thuộc tổng cục công nghiệp Bộ quốc phòng, nhận xét: “Con người ấy [Võ Quí Huân] cho đến hơi thở cuối cùng vẫn chỉ biết mang nghề nghiệp của mình ra phụng sự đất nước”.

Còn nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời từng khẳng định rằng đã là người Việt Nam ai cũng có lòng yêu nước. Nhưng ở KS.Võ Quí Huân, lòng yêu nước, yêu đồng bào và tinh thần tự tôn dân tộc đã sớm được thức tỉnh. Ngay từ khi mới bước vào đời, chàng thanh niên đầy nhiệt huyết Võ Quí Huân đã được chứng kiến cảnh đồng bào mình bị đàn áp, giết hại một cách man rợ. Từ đó, được sự cổ vũ của những người yêu nước, ông làm báo tố cáo tội ác dã man của chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương.

Sang học tập tại Paris, một trong những trung tâm văn minh lớn của nhân loại thời đó, chàng trai ham học Võ Quí Huân đã học được rất nhiều từ nền văn minh ấy, nhưng ông cũng cảm nhận sâu sắc và hiểu được thế nào là thân phận “vong quốc nô” khi đất nước đã mất chủ quyền vào tay ngoại bang.

Sống ở Paris, Võ Quí Huân lại có dịp tiếp xúc với nhiều trí thức trẻ yêu nước người Việt và những người cộng sản Pháp, một trào lưu tiến bộ của nhân loại lúc bấy giờ, đang có chủ trương ủng hộ sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa. Đặc biệt, ông có dịp giao lưu với những người Việt yêu nước đồng hương như ông Trần Ngọc Danh, đảng viên đảng Cộng sản Pháp, em ruột Trần Phú, tổng bí thư đầu tiên của đảng Cộng sản Đông Dương, nên ông càng vững tin trong các hoạt động yêu nước của mình.

Rồi khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Cộng hòa Pháp với tư cách là khách mời của chính phủ Pháp và đoàn đàm phán của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn sang Pháp dự cuộc hòa đàm về quan hệ Việt – Pháp tại lâu đài Fontainbleau (thường gọi là hội nghị Fontainbleau) sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, ông lại càng được cổ vũ, khích lệ mạnh mẽ, nhất là sau khi ông được ông Tạ Quang Bửu tiến cử và ông Trần Ngọc Danh giới thiệu làm thư ký giúp việc trực tiếp cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Phạm Văn Đồng.

Hơn nữa, lúc này nhiều người trong giới trí thức Việt kiều yêu nước tại Pháp đã biết Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là cụ Nguyễn Ái Quốc, biểu tưởng của lòng yêu nước trong sáng và bền bỉ trong bao nhiêu năm trước đó mà nhiều thế hệ thanh niên yêu nước người Việt từng nhìn vào để khỏi tuyệt vọng. Ta hãy nghe những dòng hồi ký đầy xúc động của bác sĩ Trần Hữu Tước: “Cụ Nguyễn Ái Quốc lần này công khai đến Paris. Tin tức đồn đại rất nhiều. Một số họa báo Pháp in ảnh Bác Hồ hội đàm với đại diện chính phủ Pháp trên tàu chiến ở Vịnh Hạ Long. Hàng giờ nhìn, ngắm và suy nghĩ miên man về Bác.”

Vậy là tấm lòng yêu nước của Võ Quí Huân được thức tỉnh từ thuở thiếu thời lại có thêm sức mạnh khi được khích lệ, cổ vũ bởi lãnh tụ Hồ Chí Minh, người cùng quê hương  mà ông rất mực ngưỡng mộ. Lại được làm việc gần gũi với Bác Hồ nên nhân cách và đạo đức của Người đã để lại trong Võ Quí Huân những ấn tượng đặc biệt. Từ khâm phục đức độ, tài năng của Bác mà ông đem lòng quý mến rồi đặt niềm tin tuyệt đối, và quyết tâm theo Người về quê hương phục vụ đất nước.

Phát biểu tại cuộc hội thảo tưởng niệm KS.Võ Quí Huân tổ chức tại Hà Nội năm 2011, ông Hoàng Văn Thành, con trai cụ Nguyễn Đình Hạo, nói: “Tháng 5/1950, bố mẹ tôi nhận anh Huân làm con nuôi và quý anh lắm….Cứ mỗi lần anh về thăm nhà, nhìn thấy anh Huân tôi lại bùi ngùi, không biết anh còn trụ vững được bao lâu để phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân. Mấy lần anhem trong nhà có khuyên anh rằng có muốn làm gì thì làm, anh cũng phải gìn giữ sức khỏe, anh chỉ cười và nói: ‘Anh đã theo Bác Hồ đi làm cách mạng, thì anh phải giữ đúng lời hứa với Bác, dù bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải cố gắng khắc phục mọi khó khăn để làm việc…’”

Bà Võ Quý Hòa Bình, con gái ông, hiện ở Hà Nội, khi nhớ về người cha thân yêu của mình cũng đã tâm sự: “Cả đời say sưa với chuyên môn và làm việc miệt mài, cha tôi có hai niềm tự hào. Thứ nhất là cha tôi được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa về nước nên ông muốn chứng tỏ rằng Người không uổng công khi đưa ông về. Niềm tự hào thứ hai của cha tôi là cùng quê hương với Hồ Chủ tịch. Người như là tấm gương lớn để ông noi theo. Vì vậy cha tôi không bao giờ làm điều gì để phải hổ thẹn với người đã đưa ông về phụng sự đất nước. Trước giờ phút lâm chung, cha tôi còn dặn lại các con: ‘Phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với dân tộc, với nhân dân, với Bác Hồ…”

Trong lời tựa viết cho cuốn sách “Võ Quí Huân  - Người kỹ sư nặng tình non nước”, nhà sử học Dương Trung Quốc từng viết: “Có một thế hệ Vàng gắn với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở thế kỷ 20…Thế hệ này đã hiểu thế nào là thân phận “vong quốc nô” khi đất nước đã mất chủ quyền vào tay ngoại bang…và không nguôi sự khát khao một thời cơ để sẵn lòng ‘gác bút nghiên và cuộc sống nhung lụa, lên đường tranh đấu’…Võ Quí Huân cũng thuộc thế hệ Vàng ấy, mà cốt lõi tạo nên giá trị còn hơn cả vàng ròng, chính là lòng yêu nước vốn có ở mọi người Việt Nam được đánh thức, cổ vũ và tập hợp dưới ngọn cờ đại nghĩa của Hồ Chí Minh”.

Lại nữa, ở vùng Nghệ Tĩnh có một truyền thống lâu đời, không biết được hun đúc từ bao giờ, nhưng rất phổ biến là “Làm trai phải lấy việc quốc gia đại sự làm trọng”. Có lẽ cái quan niệm truyền thống này cũng đã ít nhiều góp phần làm nên một KS.Võ Quí Huân “nặng tình non nước” khi ông hy sinh cả hạnh phúc gia đình và sự nghiệp khoa học, quyết tâm theo Bác Hồ về nước dấn thân vào công cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc. Và ngay cả lúc lâm chung, trong lời căn dặn con gái (bà Võ Quý Hòa Bình, lúc đó mới 14 tuổi), ông vẫn không quên khẳng định trách nhiệm của mình với đất nước. Ông nói: “Cha rất buồn vì cha đã không thể chăm sóc và quan tâm cho chị nhiều. Và con nói với chị cha luôn nhớ và thương yêu chị, nhưng vì chiến tranh, công việc nhiều, cha phải có trách nhiệm giúp đất nước”.

Một tài năng quý hiếm được Chủ tịch Hồ Chí Minh và thủ tướng Phạm Văn Đồng quan tâm và rất tin tưởng

KS.Võ Quí Huân là một tài năng quý hiếm. Ông vừa giỏi lý thuyết, vừa giỏi thực hành. Trong những năm đầu kháng chiến đầy khó khăn, ông đã chế tạo được chiếc máy nghiền bột giấy đầu tiên cho Liên khu 4 (1947). Tiếp theo, ông đã thiết kế, thi công thành công lò cao nhỏ, làm ra mẻ gang đầu tiên ở Nghệ An (1948). Rồi năm 1951, ông đã chỉ đạo, trực tiếp tổ chức nghiên cứu xây dựng lò luyện thép bằng hồ quang điện của Nha kỹ thuật, Cục quân giới Việt Nam, cho ra mẻ thép đầu tiên ở Việt Bắc. Theo nhà báo Anh Đặng, trong bài tham luận đọc tại hội thảo “Võ Quí Huân – Người kỹ sư nặng tình non nước” năm 2011 tại Hà Nội, một vị đại biểu là người cùng thời và là người giúp việc cho KS.Võ Quí Huân, cho hay: “Tôi nhớ mãi mẻ gang đầu của khu gang thép Thái Nguyên, chuyên gia Trung Quốc sang giúp. Làm mấy lần không thành, lúng túng. Sau đó KS.Võ Quí Huân cùng các cộng sự đã nghiên cứu cải tiến để thành công”.

Vào khoảng năm 1955 – 1956, thủ tướng Phạm Văn Đồng quyết định tìm hiểu những vấn đề kỹ thuật mà những người lãnh đạo đất nước cần biết, cần phải chú ý. Thủ tướng yêu cầu tổ chức một lớp học, mời một số chuyên gia đầu ngành về giảng bài. Cụ Đoàn Đỗ, nguyên thư ký của thủ tướng Phạm Văn Đồng hồi đó cho biết: lớp học chỉ có thủ tướng và những người trực tiếp giúp việc cho thủ tướng chứ không mở rộng, và lớp chỉ kéo dài khoảng 6 tháng. Các chuyên gia được mời giảng bài gồm các ông Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, KS.Võ Quí Huân. Riêng về KS.Võ Quí Huân, cụ Đoàn Đỗ cho hay trong khi chọn mời giảng viên cho lớp học, thủ tướng Phạm Văn Đồng có nói rằng“đồng chí Võ Quí Huân là một người am tường chuyên môn, rất giỏi, hiểu biết rộng lĩnh vực của mình, đồng thời là một người yêu nước có tiếng”, và mỗi lần giảng bài xong, KS.Võ Quí Huân đều dẫn thủ tướng và các học viên trong lớp thăm các cơ sở, các phòng thí nghiệm, và nói rõ những việc lãnh đạo đất nước cần chú ý. Trong khi trò chuyện thân mật với bà Võ Quý Hòa Bình, con gái cụ Võ Quí Huân, cụ Đoàn Đỗ còn nói thêm: “Tôi được biết cụ Võ Quí Huân là một người trí thức yêu nước có uy tín ở Pháp, về Việt Nam làm việc rất tận tâm, được Bác Hồ và đồng chí Phạm Văn Đồng rất tin tưởng”. Và cụ nói như mặc định: “Tôi chỉ biết rằng đấy là một người trí thức lớn, một nhà chuyên môn giỏi, và một người yêu nước nổi tiếng”.

Bà Tạ Kim Thanh thì kể rằng: “Cuối năm 1953, trước khi di chuyển khỏi Nà Lằng để về xuôi, tôi sinh thêm cháu gái…Có kỷ niệm tôi không bao giờ quên, đó là những lần tôi sinh nở Bác Hồ luôn quan tâm gửi quà cho các cháu và gia đình. Có dịp tôi may mắn được gặp Bác, Người đã động viên và nói với tôi: “Chị Huân nên dành nhiều thời gian quan tâm đến anh nhà”.

Hãy nhìn vào những tấm ảnh trong sách “Võ Quí Huân – Người kỹ sư nặng tình non nước” của các tác giả Đinh Việt Dũng, Võ Quý Hòa Bình, NXB Thế giới – 2014, như tấm ảnh Bác Hồ bế cháu Việt Nga(tháng 7/1946 ở Paris), tấm ảnh KS.Võ Quí Huân ngồi bên cạnh Bác Hồ khi ông dẫn Người dến thăm một gia đình Việt kiều có uy tín trong hội Việt kiều yêu nước (1946), ảnh KS.Võ Quí Huân cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bãi biển Biarritze ở miền nam nước Pháp (1946) cũng như tấm ảnh hai mẹ con bà Irène cùng tham gia biểu tình chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Pháp dự hội nghị Fontainbleau (1946),bạn sẽ thấy hoặc cảm thấy quan hệ giữa vị lãnh đạo tối cao của đất nước và người trí thức yêu nước Võ Quí Huân gần gũi, thân tình đến nhường nào.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người quan tâm đặc biệt đối với KS.Võ Quí Huân. Có lần đến thăm trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội, thấy vị hiệu trưởng Võ Quí Huân ăn mặc quá giản dị, thậm chí có phần khắc khổ, thủ tướng sau đó đã tặng ông một bộ vest mới toanh màu xám tro rất sang trọng, một món quà rất giá trị (theo nghĩa đen) hồi đó, còn cái giá trị tinh thần, tình cảm thì khỏi nói, là vô giá. Cụ Huân rất cảm động và trân quý món quà kỷ niệm thủ tướng tặng. Từ đó ông thường khoác bộ vest quà tặng của thủ tướng mỗi lần đi công tác nước ngoài, tiếp khách quốc tế, tham dự các sự kiện quan trọng và cả những lúc lên lớp giảng bài. Và bộ vest hiện thân của tình cảm, sự quan tâm của thủ tướng Phạm Văn Đồng đối với người kỹ sư Việt kiều yêu nước Võ Quí Huân đã theo ông ra đi về cõi vĩnh hằng. Trong những ngày cuối đời nằm trong bệnh viện Hữu nghị Viêt – Xô, ông cũng được thủ tướng Phạm Văn Đồng vào bệnh viện thăm hỏi. Một đoạn trích hồi ký của bà Võ Quý Hòa Bình, con gái ông, đăng trong cuốn “Võ Quí Huân – Người kỹ sư nặng tình non nước” (sđd) viết: “Có lần tôi vào bệnh viện, thấy có một bác vào phòng thăm cha tôi. Saukhi bác ấy ra về, tôi có hỏi: ‘Cha ơi, đó là bác nào đấy ạ?’. Cha tôi nói: ‘Đó là bác Phạm Văn Đồng, bác là thầy dạy cha về chính trị, còn cha đã giúp đỡ bác ấy về chuyên môn các ngành công nghiệp’. Bà Hòa Bình còn nhớ và viết trong hồi ký rằng: “Bác Phạm Văn Đồng [khi vào bệnh viện thăm KS.Võ Quí Huân], còn dặn bác sĩ Tôn Thất Tùng: ‘Cố cứu chữa cho anh Huân, nếu cần thuốc men gì thì báo cáo.”

Người sáng lập Hội khoa học kỹ thuật đúc – luyện kim Việt Nam

Trong thời gian từ tháng 4/1962 đến 1966, KS.Võ Quí Huân là trưởng ban vận động thành lập Hội đúc – luyện kim Việt Nam. Ông đã sớm nhận thấy sự cần thiết tổ chức một hội khoa học kỹ thuật để tập hợp các lực lượng làm công tác khoa học – kỹ thuật phục vụ phát triển ngành đúc – luyện kim của nước nhà. Cuối năm 1961, ông cùng KS.Nguyễn Đức Thừa (đại học Bách khoa Hà Nội), KS. Hoàng Bình (nhà máy cơ khí Hà Nội), một số giảng viên khoa luyện kim đại học Bách khoa Hà Nội, và một số cán bộ Bộ Công nghiệp nặng họp trù bị, chuẩn bị tôn chỉ mục đích, điều lệ Hội, xác định Hội đúc – luyện kim Việt Nam là một tổ chức tự nguyện của những người làm công tác khoa học, kỹ thuật trong ngành đúc – luyện kim. Mục đích của Hội là tập hợp, đoàn kết, giúp đỡ những người làm công tác đúc – luyện kim, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật và nghiệp vụ nhằm góp phần xây dựng, đưa nền khoa học kỹ thuật đúc – luyện kim Việt Nam tiến nhanh lên trình độ tiên tiến của thế giới.

Khi nhận được giấy phép công nhận Ban vận động thành lập Hội đúc – luyện kim Việt Nam, ông mừng như người bắt được vàng. Về việc này, TS.Phan Tử Phùng, đồng sáng lập viên của Hội đúc – luyện kim Việt Nam, về sau nhớ lại: “Tôi còn nhớ mãi nét mặt vui tươi rạng rỡ của anh Huân khi anh nhận được quyết định của bộ trưởng Bộ nội vụ Ung Văn Khiêm công nhận Ban vận động thành lập Hội đúc – luyện kim Việt Nam. Anh mặc bộ com-ple kẻ ô đen xám và cầm cái cặp da đen, tay hươ hươ tờ giấy phép do bộ trưởng Bộ nội vụ [Ung Văn Khiêm] ký, vừa đi vào trụ sở Hội ở 30A Lý Thường Kiệt, vừa tươi cười nói: ‘Xong rồi! Xong rồi!”

Ngày 11/1/1966, Hội đúc – luyện kim Việt Nam họp đại hội, bầu ban chấp hành gồm 19 người, do KS.Trần Điệp, giám đốc khu gang thép Thái Nguyên làm hội trưởng, KS.Võ Quí Huân và KS.Nguyễn Đức Thừa làm phó hội trưởng, KS.Phan Tử Phùng làm thư ký. KS.Võ Quí Huân, KS.Nguyễn Đức Thừa và KS.Phan Tử Phùng được Nhà nước chính thức thừa nhận là sáng lập viên của Hội. Có thể nói thành lập xong Hội đúc – luyện kim Việt Nam là KS.Võ Quí Huân đã hoàn thành sứ mệnh của người đi tiên phong trong việc nghiên cứu, tổ chức sản xuất gang, thép, đào tạo nhân lực, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành đúc – luyện kim Việt Nam. Một lần nữa, KS.Võ Quí Huân lại làm người mở đường, đi tiên phong trong vấn đề lập hội khoa học kỹ thuật. Ta hãy nghe phát biểu của ông Mai Kỷ, nguyên thứ trưởng Bộ cơ khí – luyện kim và từng là chủ tịch Hội đúc – luyện kim Việt Nam: “Khi làm việc trong Hội đúc – luyện kim…tôi được biết rằng việc sáng lập và xây dựng Hội đúc – luyện kim đầu tiên có công lớn của anh Võ Quí Huân. Sau này chúng tôi theo nếp đó mà làm, như thế công sức của anh rất đáng trân trọng”.

Bằng tài năng, đức độ và nhiệt huyết, KS.Võ Quí Huân đã tập hợp được lực lượng đông đảo các cán bộ khoa học, kỹ thuật ngành đúc – luyện kim của đại học Bách khoa Hà Nội, trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội, các nhà máy Cơ khí Hà Nội, Cơ khí Duyên Hải, Cơ khí Cẩm Phả (Hải Phòng), lò cao Vinh (Nghệ An), lò cao Cọc 5 (Hòn Gai), và lò cao Hàm Rồng (Thanh Hóa), các nhà máy Z của quân đội để cùng nhau chung sức xây dựng ngành công nghiệp đúc – luyện kim non trẻ của nước nhà lớn mạnh, phục vụ sự nghiệp khôi phục và phát triển kinh tế trong giai đoạn từ sau 1954.

Trong thời gian này, ông còn là ủy viên ban chấp hành Hội phổ biến khoa học kỹ thuật Việt Nam do ông Nguyễn Xiển làm chủ tịch.

Một trái tim nhân ái, nặng tình nặng nghĩa

Võ Quí Huân là người sống ngay thẳng, nhân hậu, tận tình, chu đáo, luôn lo lắng quan tâm đến người khác.

Hãy hình dung chàng trai Võ Quí Huân ngày đêm tất bật với biết bao công việc mà vẫn dành không ít thời gian và sức lực để lo cho hàng nghìn lính thợ An Nam là đồng bào của mình học nghề để thoát khỏi cảnh khó khăn cơ cực khi bị kẹt lại, bơ vơ nơi đất khách quê người mới thấy trái tim ông nhân ái biết chừng nào!

Đọc qua các bài phát biểu của các đồng nghiệp, bạn bè, học trò cũ, đặc biệt là những nhà khoa học, nhà quản lý chịu ảnh hưởng hay ngưỡng mộ tài năng của nhà giáo – KS.Võ Quí Huân tại hội thảo tưởng niệm “Võ Quí Huân – Người kỹ sư nặng tình non nước” tổ chức tại Hà Nội năm 2011, lại càng thấy KS.Võ Quí Huân là một con người nặng tình nặng nghĩa, một trí thức lớn luôn tất bật với công việc nhưng vẫn sẵn sàng và vui vẻ, tận tình giúp đỡ dân. Đi đâu ông cũng được quần chúng yêu mến, quý trọng; điển hình như khi ở Nà Lằng, KS.Võ Quí Huân được gia đình ông bà Nguyễn Đình Hạo – Hoàng Thị Tình nhận làm con nuôi và rất thương quý ông. Ta hãy nghe những lời phát biểu rất xúc động của ông Hoàng Văn Thành, con trai cụ Nguyễn Đình Hạo: “Anh Võ Quí Huân là người anh cả mẫu mực, giàu lòng nhân ái….Tôi còn nhớ ở trong làng tôi có bà Ma Thị Hoa và ông Dương Văn Phương bị ốm, anh Huân biết được, đã đến thăm và biếu từng cân đường (vốn là tiêu chuẩn của anh), mà lúc đó anh đâu có khỏe mạnh, anh xanh xao bởi thiếu ngủ, thiếu ăn (có gì bồi dưỡng đâu mà không xanh xao, gầy còm), và làm việc suốt ngày, thậm chí cả đêm nữa….Vào những lúc rảnh rỗi, anh Huân còn tranh thủ giúp dân cày bừa, làm nương, làm rẫy, hướng dẫn dân làm mương thủy lợi. Hiện nay địa phương có phai tưới tiêu gọi là Phai Hun, chính là Phai Huân” - Ông Thành giải thích.

Thời thơ ấu, thế hệ chúng tôi (người viết bài này) hễ ai đến trường đều được học bài học luân lý đầu tiên: “Thương người như thể thương thân”. Nay ngẫm về KS.Võ Quí Huân thì có lẽ phải nói “thương người hơn cả thương thân” mới đúng. Xin bạn đọc khỏi mất thời gian nghi ngại. Ở đây, người viết không hề có ý chơi trò chơi lộng ngữ.

Nỗi lòng người cha.

Nói về KS.Võ Quí Huân thì trước hết phải nói đến lòng yêu nước nồng nàn nhưng không thể không nói về sự hy sinh to lớn của ông để phụng sự Tổ quốc.

Về nước chân ướt chân ráo chưa được hai tháng, chàng kỹ sư trẻ giàu lòng yêu nước và say mê nghề nghiệp Võ Quí Huân đã bị cuốn hút vào vòng xoáy của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống ngoại xâm. Và cuộc chia tay với người vợ trẻ và đứa con thơ bé bỏng mới lên hai tuổi lúc ông dứt áo ra đi nhữngtưởng chỉ là vài tháng đã kéo dài hơn 20 năm mà ông không có cơ hội gặp lại dù chỉ một lần.

Chiến tranh bùng nổ (19/12/1946), không còn cơ hội trở lại Paris đón vợ con. Thời gian trôi qua, ông lập gia đình mới với bà Tạ Kim Khanh, con gái đầu lòng của hai cụ Tạ Văn Thuyết – Lê Thị Dần (gốc Thường Tín, Hà Đông), chủ tiệm vàng Bảo Nguyên lâu đời và lớn nhất Tp. Vinh (Nghệ An) lúc đó. Bà Tạ Kim Khanh kể rằng cụ Thuyết học sau các ông Phạm Ngọc Thạch, Trường Chinh một lớp và là bạn học cùng lớp với ông Lê Đức Thọ, chơi với nhau rất thân.

Năm 1890, hai cụ di cư vào Vinh lập nghiệp, mở tiệm vàng theo truyền thống gia đình. Hai cụ sinh hạ được 10 người con, 5 trai 5 gái. Tất cả đều học hành hiển đạt.

Gia đình cụ Thuyết từng giúp đỡ ông Trường Chinh thời ông Chinh hoạt động bí mật. Giai đoạn 1945 – 1947, cụ tham gia Việt Minh, làm trưởng ban cứu tế tỉnh Nghệ An. Kháng chiến bùng nổ. Thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, gia đình cụ phá sập hết nhà cửa rồi tản cư về Đô Lương. Thời gian này gia đình gặp không ít khó khăn nhưng còn hai chiếc xe đạp Sterling gia đình cụ cũng cúng nốt cho cách mạng để làm xe thồ chở lương thực, vũ khí phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ. Sau hòa bình lập lại (1954), do biết nhiều ngoại ngữ, cụ Thuyết làm phiên dịch cho đại sứ quán Ba Lan. Cụ rất tự hào về những gì mình và gia đình mình đã đóng góp cho cách mạng, cho đất nước. Năm 1960, có lần ông Trường Chinh mời cụ lên gặp và hỏi cụ có cần Nhà nước giúp đỡ gì không. Cụ trả lời rằng “Đất nước còn nghèo, tôi không xin gì cả”. Bà Tạ Kim Khanh, con gái cụ, kể lại như vậy.

Suốt 20 năm trời, trong kháng chiến chống Pháp cũng như trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế trong hòa bình từ sau 1954, KS.Võ Quí Huân luôn làm việc quên mình cho đất nước, không mảy may tính toán cá nhân, không nề hà bất cứ việc gì. Và “con người ấy đến hơi thở cuối cùng cũng chỉ biết mang nghề nghiệp của mình ra phụng sự Tổ quốc”. Nhưng cũng chừng ấy năm ông đau đáu một nỗi nhớ thương vì còn có một gia đình nhỏ ở Pháp, nơi người vợ yêu thương và cô con gái bé bỏng mới lên hai tuổi lúc ông dứt áo ra đi vẫn đang ngày đêm mong ngóng, chờ đợi ông nơi phương trời xa xăm.

Sau khi hòa bình lập lại trên miền bắc (1954), ông âm thầm tìm cách liên lạc với vợ con ở Pháp. May thay ông đã liên lạc được và bà Irène đã hồi âm thư.Lúc này Việt Nga đã lập gia đình và đã có con trai đầu lòng. Bà Irène đã gửi thư cho ông kèm theo ảnh cháu ngoại. Ông rất mừng nhưng cũng rất buồn. Việt Nga cũng hồi âm thư nhưng tỏ vẻ giận dỗi và trách cha đã bỏ rơi mình. Số là vì sau khi ông về nước, bà Irène tuy vẫn làm việc cho Hội hữu nghị Pháp – Việt và Hội ái hữu Việt kiều nhưng sau một thời gian mật thám Pháp theo dõi gắt gao, các tổ chức hội đoàn Việt kiều lắng xuống. Ông Trần Ngọc Danh buộc phải giải tán ban đại diện Hội ái hữu và lánh sang Tiệp Khắc. Bà Irène không còn việc làm, cuộc sống trở nên khó khăn. Ông càng thương vợ con hơn khi được biết do túng thiếu, vợ ông phải bán dần đồ đạc trong nhà để trang trải tiền nhà, tiền điện, nước, điện thoại, tiền thuế ô tô, tiền mua xăng chạy ô tô. Mà bán đồ đạc ở Pháp đâu có dễ. Ở Pháp muốn bán đồ đạc phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng mới được phép. Rồi việc học của con gái, nhất là lúc thi cử, cũng gặp khó khăn vì lúc đó Việt Nga vẫn mang quốc tịch Việt Nam. Trong khi đó hai nước Việt – Pháp đang trong tình trạng chiến tranh. Bà Irène buộc phải xin ly hôn vắng mặt chồng để xử lý công việc. Do gặp khó khăn về kinh tế nên năm lên 17 tuổi, sau khi tốt nghiệp tú tài, Việt Nga phải bỏ học, đi làm kiếm sống và sau đó xây dựng gia đình. Và việc lấy chồng ở Pháp cũng thành vấn đề: ở bên đó con gái lấy chồng mà không có của hồi môn của cha mẹ để lại thì bị khinh bỉ. Còn bà Irène thì chờ đợi trong vô vọngnhưng vẫn ở vậy, không lập gia đình nữa.

Được biết năm 1965, ông đã mấy lần có thư gửi lãnh đạo đề đạt nguyện vọng được sang Pháp gặp vợ con. Trong thư ông đã trình bày hết các khó khăn mà vợ con ông gặp phải sau khi ông theo Bác Hồ về nước phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Rất tiếc, ông đã không đạt được nguyện vọng.Phải chăng do lúc đó mọi liên lạc giữa hai nước Pháp và Việt Nam vẫn còn có khó khăn?

Năm 1966, sức khỏe ông có chiều giảm sút và sang năm 1967 thì bệnh tình trở nên trầm trọng. Ông phải nằm viện dài ngày.

Bà Võ Quý Hòa Bình, con gái ông, hiện sống ở Hà Nội, lúc đó mới 14 tuổi, kể lại rằng trong những ngày ở bệnh viện, ông thường giở những bức ảnh gia đình ra xem, tần ngần nhìn từng tấm một rồi thở dài. Một hôm ông nhìn lâu vào tấm ảnh của anh trai bà, lúc đó đang học ở Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức), rồi nói: “Cha rất ân hận là không gặp được ông nội con. Khi ông mất cha đang ở Pháp…Con có viết thư cho anh Hào, nói cha rất nhớ anh và cha dặn anh là anh cả, phải gương mẫu và thương yêu các em, giúp đỡ mẹ những lúc vắng cha và học cho tốt”. Tấm ảnh thứ hai mà ông ngắm nhìn lâu, - bà Võ Quí Hòa Bình kể tiếp, - là tấm ảnh cỡ 9x12 của một bé trai con Tây khoảng 3,4 tháng tuổi, rất bụ bẫm, da trắng, tóc vàng. Bà Võ Quý Hòa Bình hỏi ông “Ai đây hở cha?” thì ông bảo: “Đây là cháu ngoại của cha”, rồi ông nói tiếp: “Con còn có một người chị gái tên là Việt Nga đang ở Pháp. Khi cha về nước cùng với Bác Hồ, chị gái con lúc ấy mới hai tuổi. Trước khi lên đường, cha phải gửi chị gái của con cho một người bạn thân của cha vì lúc đó mẹ chị Việt Nga đang thi lấy bằng tiến sĩ ở Paris, vài ngày sau mới về đón chị được. Sau này thỉnh thoảng cha có nhận được thư chị của con. Chị thường trách cha là ‘không thương chị’, ‘bỏ rơi chị’, ‘cha không giữ đúng lời hứa’. Chị có nhắc lại: ‘Cha bảo về nước vài ba tháng thôi’, nay chị bảo: ‘Có phải vài tháng là vài chục năm không’. Chị của con rất buồn và giận cha…Chị lấy chồng mà cha không có mặt và không giúp được gì cho chị, cha cũng ân hận, đau lòng”. Nói xong ông rơm rớm nước mắt và dặn con gái: “Sau này có điều kiện, các con phải đi tìm chị. Các con phải thương yêu, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau. Cha rất buồn vì cha đã không thể chăm sóc và quan tâm cho chị nhiều. Và con nói với chị, cha luôn nhớ và thương yêu chị…Vì chiến tranh, công việc nhiều, cha phải có trách nhiệm giúp đất nước”.

Nhớ về những ngày cuối đời của người cha yêu quý của mình, bà Võ Quý Hòa Bình kể tiếp: “Nằm trên giường bệnh, cha nắm chặt tay tôi và nhỏ nhẹ: ‘Khi cha theo Bác Hồ về nước, cha có hứa với bà Irène và chị Việt Nga là chỉ vài tháng sau sẽ quay lại. Con biết đấy, với một đứa trẻ hai tuổi, lời hứa đó rất quan trọng. Vậy mà cha đã không thực hiện được, cha rất ân hận. Cũng vì lời hứa ấy mà bà Irène suốt đờiở vậy, không lập gia đình nữa; chị gái con cũng rất vất vả vì thiếu cha, chỉ học hết tú tài, cuộc sống sau đó rất khó khăn. Cha luôn sống với nỗi ân hận và thấy có lỗi lớn với bà Irène và chị của các con. Các con nhất định phải tìm lại bà ấy và chị Việt Nga thì cha mới an lòng nơi chín suối’”.

Câu chuyện về nỗi ân hận, nỗi đau giằng xé ruột gan lúc lâm chung của người cha Võ Quí Huân vì không thực hiện được lời hứa quay lại đón vợ và đứa con gái mới lên hai tuổi lúc ông dứt áo ra đi vì nghĩa lớn cũng như việc người con gái Võ Quý Hòa Bình thấm lời cha dạy trước lúc đi xa về cõi vĩnh hằng, đã quyết tâm, bền bỉ vượt qua mọi rào cản không gian, thời gian và tâm lý để tìm gặp bằng được người chị ruột ở phương xa chưa hề gặp mặtđể có được cuộc trùng phùng đầy xúc động sau hơn nửa thế kỷ xa cách, đã khiến người viết xúc động, không kìm được nước mắt.

Người kỹ sư Việt Kiều yêu nước

Võ Quý Huân quê ta xứ Nghệ

Vì đại nghĩa gác tình nhà

Một tài năng vô song đà hiến trọn

Tổ quốc vinh quang, đất nước quê nhà

Cam chịu xót xa suốt đời thầm lặng

Trăn trở đêm ngày bao nỗi nhớ thương

Thương vợ hiền mòn mỏi đợi chờ trong vô vọng

Thương con gái bơ vơ bé bỏng chốn trời Tây

Cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay

Vẫn nhớ thương đêm ngày da diết

Hai mươi mốt năm trời ly biệt vợ con

Một nỗi đau đoạn trường khôn xiết kể

Ta người đồng hương hậu thế

Chia sẻ cùng Người

Nước mắt tuôn!

Ra đi và để lại.

Ngày 1/10/1967, tại bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), người kỹ sư nặng tình nặng nghĩa Võ Quí Huânđã trút hơi thở cuối cùng, đi vào cõi vĩnh hằng ở tuổi 56.

Thế là người kỹ sư yêu nướcVõ Quí Huân, con chim đầu đàn của ngành đúc – luyện kim Việt Nam, cha đẻ của lò cao kháng chiến, người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành luyện kim nói riêng và ngành công nghiệp Việt Nam nói chung đã vĩnh viễn ra đi, gửi lại với thời gian một trái tim nặng tình nặng nghĩa.

Ông ra đi mang theo nỗi nhớ khôn nguôi người vợ hiền và đứa con gái bé bỏng mới lên hai tuổi lúc ông dứt áo ra đi, và suốt 21 năm trời đằng đẵng cách biệt sau đó, ông không được gặp mặt dù chỉ một lần.

Ông ra đi mang theo nỗi ân hận không thực hiện được lời hứa với vợ con trước lúc chia tay (1946) là vài tháng sau sẽ trở lại đón mẹ con.

Ông ra đi bỏ lại phía sau bao dự định, hoài bão xây dựng nền công nghiệp luyện kim nước nhà lớn mạnh, từ bỏ ước mơ của người trí thức muốn vươn tới đỉnh cao khoa học khi ông đã chuẩn bị xong bản luận án tiến sĩ, đã báo cáo nội dung bản luận án đó trước tập thể lãnh đạo Bộ công nghiệp nặng và năm 1966, ông đã xin Bộ công nghiệp nặng cho qua Ba Lan kết hợp với việc tham gia hội chợ Poznan để đặt vấn đề chính thức làm luận án tiến sĩ bằng cách hàm thụ mà trường đại học Vacsava đã đồng ý trên thư từ giao dịch nhưng tiếc là đã không thành.

Ông ra đi chẳng những để lại nỗi buồn, nổi nhớ thương nơi con cháu, người thân, mà còn để lại bao nuối tiếc nơi bạn bè, đồng nghiệp và những nhà khoa học chịu ảnh hưởng của ông, quý mến và ngưỡng mộ tài năng, đức độ của ông. Ta hãy nghe TS.Phan Tử Phùng , nguyên chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật đúc – luyện kim Việt Nam, tâm sự: “Tôi nhớ mãi buổi tối hôm anh Võ Quí Huân trình bày nội dung bản luận án tiến sĩ để xin ra nước ngoài bảo vệ song đã không thành. Ước mơ cao đẹp của người trí thức Việt kiều Võ Quí Huân nhằm vươn tới đỉnh cao khoa học kỹ thuật đã không thành sự thật. Thật tiếc lắm thay!”

Ông ra đi “âm thầm, lặng lẽ trước sự vô tri của cỏ cây, hoa lá, núi sông, và sự hiểu biết chưa đầy đủ của xã hội đối với một con người đã hết lòng phục vụ cho sự nghiệp độc lập của dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân đến hơi thở cuối cùng”. GS – AHLĐ Vũ Khiêu đã phát biểu như vậy tại cuộc hội thảo “Võ Quí Huân – người kỹ sư nặng tình non nước” tổ chức tại Hà Nội năm 2011.

Nhưng những gì ông để lại cho đời là những giá trị tinh thần vĩnh cữu mang đậm dấu ấn Võ Quí Huân. Trước hết phải kể đến là hai mốc son trong lịch sử của ngành luyện kim Việt Nam: Mẻ gang đầu tiên ra lò ở miền núi Nghệ An (15/11/1948) và mẻ thép đầu tiên ra lò giữa núi rừng Việt Bắc (10/1951), nấu luyện bằng lò cao kháng chiến và nguyên liệu địa phương. Tiếp đến là đội ngũ đông đảo các cán bộ kỹ thuật luyện kim trưởng thành vượt bậc từ trường Cán bộ Kỹ thuật Trung bộ (1947 – 1948) và trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội thời KS.Võ Quí Huân làm hiệu trưởng (1955 – 1959).Đây là nguồn nhân lực kỹ thuật đầu tiên của đất nước, góp phần to lớn cho việc phát triển ngành đúc – luyện kim nói riêng và ngành công nghiệp của đất nước nói chung. Và trên hết là ông đã để lại cho đời một tấm gương sáng về lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc và đức hy sinh cao cả vì đại nghĩa cho muôn đời con cháu mai sau noi theo.

Như ta biết, năm 1946, người kỹ sư yêu nước Võ Quí Huân được Bác Hồ chọn đưa về nước phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của dân tộc, và về nước ông đã tận tâm làm việc, được Bác Hồ khen ngợi, và được bạn bè đồng nghiệp đánh giá là người “đến hơi thở cuối cùng vẫn chỉ biết mang nghề nghiệp của mình ra phục vụ đất nước”. Ông đã làm ra gang ra thép phục vụ kháng chiến, đào tạo được hàng trăm cán bộ kỹ thuật, hàng ngàn công nhân phục vụ phát triển công nghiệp, là cha đẻ của lò cao kháng chiến, là người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành luyện kim nói riêng và ngành công nghiệp nói chung của nước nhà mà 32 năm sau kể từ khi qua đời (1967), ông mới được truy tặng huân chương độc lập hạng III (1999) và 44 năm sau mới được truy tặng Huân chương độc lập hạng I thì ngay cả người dân bình thường có biết ít nhiều về KS.Võ Quí Huân cũng thấy hoặc cảm thấy có điều gì đó bất cập trong việc tôn vinh và tri ân đối với công lao to lớn của ông đối với đất nước, nhất là trong hoàn cảnh hết sức cam go trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, và càng thấm thía khi nghe những lời phát biểu trên đây của GS-AHLĐ Vũ Khiêu tại hội thảo “ Võ Quí Huân – Người kỹ sư nặng tình non nước” tổ chức tại Hà Nội năm 2011.

Sau khoảng lặng gần nửa trăm năm.

Nhưng dẫu sao thì sau gần nửa trăm năm kể từ ngày ông ra đi, xa vắng cõi trần, năm 2011các nhà sử học, các nhà khoa học chịu ảnh hưởng của ông, quý mến ông và ngưỡng mộ tài năng, đức độ của ông, cùng các học sinh cũ và gia đình ông, các cơ quan liên quan cũng đã tổ chức được một cuộc hội thảo về ông, tuy muộn màng nhưng đầy xúc động, để trả lại cho ông những giá trị tinh thần cao quý nhất mà ông đã cống hiến cho đất nước, cho đời. Trên 20 bài tham luận, hầu hết là của các nhà khoa học, nhà quản lý, trưởng thành từ trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội dưới thời KS.Võ Quí Huân làm hiệu trưởng, đều nhất trí đánh giá KS.Võ Quí Huân là một nhà khoa học giàu sáng tạo, một nhà giáo tâm huyết, một nhà quản lý sản xuất, quản lý giáo dục tài ba, là người có công lớnvới đất nước và tất cả đều đồng tình ủng hộ một sự tôn vinh và tri ân xứng đáng đối với ông.

Tại cuộc hội thảo về KS.Võ Quí Huân tổ chức tại Hà Nội năm 2011, ông Trần Tuấn Dũng, phó cục trưởng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đánh giá:

“Cuộc đời và sự nghiệp của ông Võ Quí Huân gắn liền với những biến cố lịch sử, là những trang vàng thành tích và những cống hiến không mệt mỏi cho Tổ quốc…Hôm nay chúng ta ghi nhận và vinh danh những cống hiến to lớn của nhà giáo – kỹ sư Võ Quí Huân cho Tổ quốc. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng về lòng yêu nước nồng nàn, tự tôn dân tộc, truyền lại cho những thế hệ sau này noi theo”.

Tổng kết hội thảo, TS.Trần Tuấn Anh, thứ trưởng Bộ công thương (nay là bộ trưởng) kết luận: “Rất nhiều học trò của cụ [Võ Quí Huân] đã nhận định, không phải chỉ trong ngành luyện kim của ngành đúc mà còn nhiều ngành công nghiệp khác, cũng có vai trò rất lớn của cụ. Chính thầy Võ Quí Huân là người đóng góp rất nhiều cho công việc xây dựng cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên, giáo viên, góp phần đào tạo ra nguồn lực rất quý báu từ thời kỳ đầu tiên, trong thời kỳ kháng chiến cũng như thời kỳ hòa bình và bắt đầu phục vụ công cuộc xây dựng cơ sở công nghiệp của miền Bắc xã hội chủ nghĩa từ ngày hòa bình lập lại (1954), cũng như sau này”.

Bốn mươi tư năm là một khoảng lặng đủ lớn để người ta bình tâm suy xét, đánh giá đúng đắn và đầy đủ về con người Võ Quí Huân và cống hiến của ông cho đất nước, từ sáng kiến xây dựng các nhà máy kinh tế phân tán dọc sông Lam (Nghệ An), chế tạo ra chiếc máy nghiền bột giấy đầu tiên ở Liên khu 4, và các máy hơi lớn nhỏ cung cấp cho các công xưởng kháng chiến ở Liên khu 4, đến thiết kế và thi công các lò cao nhỏ làm ra gang ở Nghệ An, Thanh Hóa, và làm ra thép bằng lò hồ quang điện ở Bản Thi (Bắc Cạn), đến việc đào tạo kịp thời hàng trăm kỹ thuật viên và hàng ngàn công nhân phục vụ cho việc tiếp quản và quản lý các cơ sở công nghiệp trên toàn miền bắc sau ngày giải phóng (1954) mà tất cả đều bắt đầu từ số 0, bằng hai bàn tay trắng, và ông đã làm được, làm thành công.

Năm 2011, chúng ta vui mừng đón nhận tin KS.Võ Quí Huân đã được Nhà nước truy tặng Huân chương độc lập hạng I và để tôn vinh ông, lãnh đạo Tp. Hà Nội đã quyết định lấy tên ông đặt cho một đường phố cạnh trường đại học Công nghiệp Hà Nội gọi là Đường Võ Quí Huân.

Tuy nhiên thiển nghĩ, KS.Võ Quí Huân có thể còn xứng đáng một giải thưởng Nhà nước hay giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật hay công nghệ (nếu có).

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng băn khoăn thấy mức độ đánh giá, tri ân và tôn vinh người kỹ sư Việt kiều yêu nước Võ Quí Huân chưa thật xứng tầm với công lao to lớn và sự hy sinh cao cả của ông đối với đất nước.

Ngưỡng mộ tài năng và tinh thần xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc và sự cống hiến to lớn của ông cho đất nước, TS.Phan Tử Phùng, nguyên chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật đúc – luyện kim Việt Nam, tâm sự: “Tôi muốn gọi anh là anh hùng Võ Quí Huân, gọi anh là kỹ sư nặng tình non nước chưa đủ với người anh hùng – người anh hùng là người dám xả thân vì Tổ quốc, là người làm nên những kỳ công mà thời điểm ấy những người khác chưa làm được. KS.Võ Quí Huân chính là người như thế…..Trên chuyến tàu của Pháp đưa Bác Hồ về nước [1946] thì Bác Hồ là anh hùng giải phóng dân tộc được thế giới tôn vinh. GS.VS Trần Đại Nghĩa (tức KS.Phạm Quang Lễ) là anh hùng lao động được Nhà nước tôn vinh, nay xin thêm một người anh hùng nữa: Anh hùng Nhân dân Võ Quí Huân, được nhân dân tôn vinh”.

Có lẽ không ít người chia sẻ tâm sự và sự đánh giá trên đây của tiến sĩ Phan Tữ Phùng về người kỹ sư Việt kiều yêu nước Võ Quí Huân.

Nhà sử học Dương Trung Quốc thậm chí còn khẳng định: “Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để từ cuộc hội thảo này, không những chỉ góp phần làm trọn vẹn hơn hồ sơ của ông [Võ Quí Huân] để lãnh đạo Tp. Hà Nội quyết định đặt tên con đường Võ Quí Huân, mà cũng là dịp để Bộ công thương, Bộ quốc phòng Việt Nam cùng các cơ quan có trách nhiệm đặt vấn đề với Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lao động cho người kỹ sư yêu nước Võ Quí Huân”.

Và KS.Đặng Duy Phúc, cựu học sinh khóa I trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội, nguyên giám đốc sở công nghiệp Hà Nội, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà thơ, thì cho rằng lịch sử còn nợ Võ Quí Huân. Ông nói: “Có thể còn có những điều về Võ Quí Huân mà chúng ta chưa được biết, nhưng chỉ riêng sự lựa chọn và sự đánh giá của Bác Hồ về Võ Quí Huân và những thành tích to lớn của ông trên con đường đầy gian lao, cống hiến cho đất nước, cho cách mạng mà chúng ta đã biết, theo tôi, rõ ràng lịch sử và cả chúng ta đang nợ Võ Quí Huân,  bởi vì mức độ mà lịch sử, mà chúng ta đánh giá về ông hình như là chưa đủ”.

TS.Trần Tuấn Anh, thứ trưởng Bộ công thương (nay là bộ trưởng) trong lời tổng kết hội thảo cũng nói: “Chúng ta cũng ghi nhận những tình cảm, nguyện vọng thể hiện sự tri ân xứng đáng hơn nữa, tiếp tục xem xét, lựa chọn việc đặt tên của cụ cho trường đại học Công nghiệp Hà Nôi”.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của KS.Võ Quí Huân, ngày 15/6/2011 ban liên lạc cựu học sinh trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng đã gửi thư đề nghị lãnh đạo và thầy hiệu trưởng trường này nghiên cứu lấy tên của thầy hiệu trường đầu tiên, thầy Võ Quí Huân, đặt tên cho trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Theo lời cha dặn…

Nhớ về người cha yêu quý của mình và những lời cha căn dặn trước khi rời cõi trần, bà Võ Quý Hòa Bình, con gái ông, luôn tâm niệm phải tìm kì được bà Irène và người chị gái cùng dòng máu của cha mình có tên là Võ Quí Việt Nga. Bà kể lại rằng năm 1975, khi lục tìm những tư liệu cũ, bà phát hiện thấy một lá thư đề gửi cha mình.Trên bao thư có ghi địa chỉ của bà Võ Quí Irène. Bà liền nhờ thầy giáo dạy tiếng Pháp viết giúp một lá thư bằng tiếng Pháp gửi bà Irène. Rồi bà gửi lá thư đó, kèm theo tấm ảnh (để làm tin) của Việt Nga mà cha bà còn giữ được cùng với ảnh của anh em bà ở Việt Nam. Việt Nga có hồi âm nhưng giữ thái độ khá xa cách. Bà ấy viết: “Với chị hai từ Việt Nam gợi lên nỗi đau mất cha. Chị không thể vượt qua nỗi đau của quá khứ để có thể gặp mặt các em”. Nhưng rồi một cơ may mỏng manh đã đến. Con gái rồi tiếp theo là con trai của bà Võ Quí Hòa Bình lần lượt sang Pháp du học. Hai con bà tiếp tục viết thư thăm hỏi bác Việt Nga của họ. Thế nhưng mọi lá thư cũng chỉ dừng lại ở mức độ xã giao. Trong một lá thư trả lời thư của Thùy Dương, con gái bà Hòa Bình, bà Việt Nga một lần nữa khẳng định rằng sẽ rất đau đớn cho bà ấy nếu phải kết giao với gia đình của bố mình ở Việt Nam, bởi lẽ nó làm bà quá đau lòng, và bà chỉ có thể thỉnh thoảng trao đổi thư từ, thế thôi!

Trong tình hình đó, hết thảy những người thân trong gia đình, kể cả hai con bà Hòa Bình đều khuyên bà rằng: “Bác Việt Nga mang dòng máu của ông nhưng là người Pháp hoàn toàn. Một khi người Pháp đã không muốn thì khó lòng mà lay chuyển. Họ rất coi trọng việc riêng tư”.

Thế nhưng hễ nhớ tới lời căn dặn của cha mình trước lúc đi xa, bà Hòa Bình lại cảm thấy không đành lòng. Lời căn dặn của người cha yêu quý trước lúc rời cõi trần đối với bà là rất thiêng liêng mà bà nghe như đang văng vẳng đâu đây. “Các con nhất định phải tìm lại bà Irène và chị Việt Nga thì ba mới an lòng nơi chín suối”. Bà Irènethì đã về với Chúa. Còn chị Việt Nga thì vẫn lạnh lùng như có một cái gì đó là sự thù hận. Làm sao đây? Người Pháp hoàn toàn ư? “…Ba chết không nhắm mắt vì nỗi ân hận với bà Irène do không chăm sóc được chị gái con. Các con nhất định phải tìm lại bà Irène và chị Việt Nga thì ba mới an lòng nơi chín suối”. Nhớ lời cha dặn trước lúc ra đi về cõi vĩnh hằng, bà Hòa Bình lại tự nhủ “không thể nào bỏ cuộc!”.

May thay, hai con bà du học ở Pháp đã mày mò tìm được địa chỉ của bà Việt Nga. Đó là một ngôi làng nhỏ có tên là Moux en Morvan, gần thành phố nhỏ Autun, cách Paris khoảng 500 km.

Cuộc trùng phùng sau hơn nửa thế kỷ: kẻ ngỡ ngàng, người xúc động

Thế là bà Hòa Bình sang Pháp. Bà đi ba lần liên tiếp. Lần nào bà cũng liên lạc qua điện thoại với người chị cùng mang trong người dòng máu của cha mình, nhưng đều bị từ chối gặp mặt. Sang Pháp lần thứ tư, bà đánh bạo làm khách không mời mà đến. Bà cùng con traiVũ Hồng Quân đi tàu hỏa từ Paris về thành phố Autun rồi bắt taxi đi thẳng về làng Moux en Morvan. Xe dừng lại trước một căn nhà nhỏ ở cuối làng. Quân xuống xe, bước tới trước của nhà, bấm chuông. Bà Hòa Bình vẫn ngồi trên xe, nói chuyện với người lái taxi. Nghe bà kể rằng người chị gái bị thất lạc đã nhiều lần từ chối gặp mặt, anh ta ngạc nhiên nói: “Sao kì vậy! Lát nữa gặp nhau có cần tôi nói giúp vài lời không?”. Bà Hòa Bình chưa kịp trả lời người lái taxi thì bà Việt Nga đã đứng sững ở cửa ra vào. “Cháu xin phép mời mẹ cháu vào thăm Bác có được không?” – Quân lễ phép hỏi. Bà Việt Nga sửng sốt trong giây lát rồi đành mời khách vào nhà. Bà Hòa Bình đi qua lối cổng vào nhà, rồi ôm chặt lấy bà Việt Nga mà phân trần trong nước mắt. Bà Việt Nga đứng nghe những lời kể lể tâm tình của người em gái cùng cha khác mẹ nhưng chưa gặp mặt bao giờ trong im lặng. Mãi một hồi lâu sau bà mới lên tiếng: “Ba làm việc vất vả lắm phải không?”. Bà Hòa Bình, nước mắt ràn rụa, nói: “Ba rất nhớ bà Irène và rất thương chị. Ba rất ân hận, vì đã không trở lại được với bà và chị. Trước lúc mất, ba dặn chúng em phải tìm được bà Irène và chị thì ba mới an lòng nơi chín suối.”

Hai mẹ con bà Hòa Bình được ông Michel, chồng bà Việt Nga, dẫn lên căn phòng nhỏ trên gác đầy ắp những hình ảnh kỷ niệm về người cha Võ Quí Huân và người mẹ Võ Quí Irène. Trong phòng còn có một thùng gỗ đầy ắp những lá thư và ảnh từ Việt Nam gửi sang. Bà Việt Nga lúc này mới thốt lên: “Có điềm gì đó. Khoảng hai tuần nay ông ấy (tức Michel – NV) cứ tẩn mẩn tìm lại những kỉ niệm, những tấm ảnh, và sắp xếp theo trình tự thời gian, như là chờ ai tới thăm.”

Thỏa lòng cha mong đợi: Con cháu gặp nhau rồi!

Một thời gian sau, bà Hòa Bình sang Pháp hai lần nữa để thăm chị gái Việt Nga và anh rể Michel. Và tình cảm ruột thịt luôn có lý lẽ riêng của nó. Sự yêu thương, tình cảm chị em, gia đình đã làm thay đổi hẳn tâm tính của bà Việt Nga. Bà trở nên hòa đồng, cởi mở, thân tình. Trong một bức thư đề ngày 17/7/2010 gửi bà Tạ Kim Khanh, bà viết:

“Người mẹ thứ 2 yêu quí của con!              

Mẹ đã làm con bất ngờ và thật vui sướng khi nhận được món quà nhỏ mẹ gửi. Con cảm ơn vì chiếc vòng cổ mẹ tặng thật đẹp và vô cùng ưng ý con. Tình cảm của mẹ đã làm con như được hồi sinh…. Con luôn nghĩ đến mẹ và hình ảnh mẹ thường hiển hiện trong những sự kiện quan trọng của đời con. Con gửi đến mẹ tình thương mến tự đáy lòng. Ôm hôn mẹ - Việt Nga”

Một hôm, nhà báo Trần Duy Hiển, người đã kể lại trên báo cuộc trùng phùng sau 60 năm nói trên, được bà Hòa Bình cho xem một lá thư của bà Việt Nga, đề ngày 6/8/2010. Trong thư có đoạn viết: “Em gái thân yêu của chị! Chị gửi cho em ba tấm hình để chúng ta có thể biết về nhau nhiều hơn. Chiều nay chị đã đến Autun và chị đã nghĩ về em rất nhiều, vì đó là lần đầu tiên chúng ta gặp nhau, và cũng là nơi chị đã chở em và Quân về khách sạn. Tận đáy lòng mình, chị cảm ơn em đã đến tìm chị, để chúng ta có thể hiểu nhau, và lấy lại quãng thời gian đã mất…Hôn em”

Ký tên:Việt Nga

Ngày 13/12/2010, nhà báo Trần Duy Hiển lại nhận được một cuộc gọi điện thoại của bà Hòa Bình khoe rằng sáng hôm ấy bà Việt Nga đã gọi điện thoại chúc mừng sinh nhật bà. Bà Hòa Bình cho biết bà mừng quá, và bà đang chuẩn bị thiếp và quà để gửi mừng bà Việt Nga cùng gia đình nhân dịp Noel.

Trong khi người viết đang chuẩn bị hoàn tất bài viết này thì bà Hòa Bình gọi điện thoại cho hay bà vừa đi Pháp về, và báo tin lần này bà Việt Nga đã dẫn bà ra nghĩa trang thăm mộ bà Irène. Đó là một ngày tháng 9/1916.Đứng trước mộ bà Irène, bà Hòa Bình đã thay mặt cha mình kính cẩncó lời xin lỗi hương hồn Bà vì chiến tranh nên cha không thực hiện được lời hứa trở lại Pháp đón mẹ con Bà. Bà Hòa Bình còn cho biết bà vừa đi thăm con đường Võ Quí Huân ở quận Hải Châu Tp. Đà Nẵng về, đang trong tâm trạng hết sức vui mừng và xúc động.

Tuy bây giờ cả hai chị em đều đã vào tuổi mái tóc pha sương nhưng bà Hòa Bình vẫn ước mong một ngày nào đó cả hai gia đình của hai chị em sẽ có dịp cùng sánh vai bên nhau dạo bước trên con đường nhỏ của thủ đô Hà Nội mang tên người cha yêu quý của mình: Đường Võ Quí Huân.

Ôi tuyệt vời! Cụ Võ Quí Huân hẳn đã mãn nguyện nơi chín suối khi biết con cháu đã gặp nhau rồi và đoàn kết, thương yêu nhau như ngày nào cụ hằng mong đợi.

Xin chúc mừng bà Hòa Bình đã thực hiện được trên cả tuyệt vời lời dặn của chatrước khi cụ ra đi về cõi vĩnh hằng. Một sự báo hiếu với bậc sinh thành hiếm có!

*

*  *

Cống hiến của người kỹ sư yêu nước Võ Quí Huân cho Tổ quốc thật sự to lớn, nhưng sự hy sinh của ông cũng không nhỏ. Ông đã hy sinh hạnh phúc gia đình và cả sự nghiệp khoa học của một trí thức với hoài bão lớn lao về khoa học kỹ thuật để về nước phụng sự Tổ quốc. Sự hy sinh ấy thật đáng trân trọng.

Để tri ân và tôn vinh ông, thủ đô Hà Nội cũng như Tp. Đà Nẵng đã có đường phố mang tên Võ Quí Huân. Từ nay, tên tuổi người trí thức Việt kiềuyêu nước Võ Quí Huân, cha đẻ lò cao kháng chiến, ông tổcủa ngành đúc – luyện kim Việt Nam sẽ mãi mãi sống với quê hương, đất nước. Đấy là niềm vinh dự, tự hào của con cháu dòng họ Võ Quí xóm Yên Thành xã Thanh Tùng huyện Thanh Chương. Người dân tổngBích Hào nói chung cũng được thơm lây.

Ước gì thành phố Vinh của xứ Nghệ quê ông cũng sẽ có một đường phố mang tên Võ Quí Huân hay một trường đại học khoa học tự nhiên (nếu có) mang tên người con tiêu biểu của quê hương xứ sở có tên Võ Quí Huân.

Lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự tôn dân tộc, sự hy sinh to lớnvì đại nghĩavà sự tận tụy phục vụ Tổ quốc trong kháng chiến cũng như trong hòa bình của người kỹ sư Việt kiều yêu nước Võ Quí Huân, người con tiêu biểu của quê hươngThanh Chương nói riêng và của xứ Nghệ nói chung, sẽ mãi mãi là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.

                                                                                         Tp.HCM, 2016

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

-  Tập tài liệu này là tập hợp các thông tin từ các bài tham luận của các đại biểu, những nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo ngưỡng mộ hoặc chịu ảnh hưởng của nhà khoa học, nhà giáo – kỹ sư Võ Quí Huân, các cựu học sinh trường Cán bộ Kỹ thuật Trung bộ và trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội do KS.Võ Quí Huân sáng lập và làm hiệu trưởng, đọc tại cuộc hội thảo “Võ Quí Huân – người kỹ sư nặng tình non nước” tổ chức tại Hà Nội năm 2011. Các đoạn trích dẫn trong tập viết này đều là trích theo một phần hoặc toàn bộ các trích dẫn có trong sách “Võ Quí Huân – Người kỹ sư nặng tình non nước” của các tác giả Đinh Việt Dũng, Võ Quý Hòa Bình, NXB Thế giới – 2014.

-  “Tháng 8 cờ bay” (trích Hồi ký Vũ Đình Huỳnh, đăng trong cuốn “Theo Bác Hồ đi chiến dịch”, NXB Kim Đồng – 2009).

-  Tư liệu gia đình (do bà Võ Quí Hòa Bình, con gái cụ Võ Quí Huân, cung cấp)

 


[1]Có người nói rằng cụ Võ Quí Minh muốn cho con học làm cố đạo, nhưng gia đình theo đạo chưa được ba đời nên không hội đủ điều kiện để được chấp nhận. Họ Võ Quí ở xóm Yên Thành xã Thanh Tùng có người theo Đạo đầu tiên là cụ Võ Quí Đam, thân sinh của cụ Võ Quí Minh, ông nội của kỹ sư Võ Quí Huân.

[2]Tourane (tức Đà Nẵng) lúc đó là nhượng địa của Pháp

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443356

Hôm nay

2247

Hôm qua

2305

Tuần này

21169

Tháng này

218530

Tháng qua

112676

Tất cả

114443356