Người xứ Nghệ

Võ Thanh Minh với khát vọng tự do - hòa bình

        Khi nói về nhân sỹ xứ Nghệ, nhà thơ Phan Tất nói với tôi: Đất Hoa Thành, ngoài cụ Phan Đăng Lưu, có một người nữa rất đáng để viết đó là cụ Võ Thanh Minh. Lời của Phan khiến tôi có thêm động lực để nghiên cứu về một nhân vật huyền thoại. Ngày đầu xuân xin được bàn thêm về nhân vật lịch sử gây tranh cãi này.

 

Võ Thanh Minh (người ngoài cùng bên trái)

        Thời chúng tôi còn học phổ thông, sách báo khan hiếm, tri thức mà chúng tôi có được chủ yếu bằng con đường truyền khẩu. Những câu chuyện mà tôi được nghe nhiều nhất đó là Võ Thanh Minh. Rằng cụ Võ là người văn võ toàn tài, từng vô địch cuộc đua xe đạp vòng quanh Đông Dương. Về thơ phú cụ để lại nhiều bài thơ hay nhưng bất hủ nhất vẫn là hai câu:

“Sơn hà đổi vận, tài tuy kém

Danh lợi ngoài vòng, chí tự cao”

        Thời còn sống, mỗi khi nói về chuyện thế sự, cha tôi thường ngâm ngợi hai câu này và coi đó như một chân lý để suy ngẫm.

        Sau này đi đây đi đó, gặp gỡ nhiều nhân chứng lịch sử, dần dần chúng tôi cũng hình dung được chân dung ông, một nhân sỹ có triết lý sống, có tư tưởng hẳn hoi và trung thành với nó trọn đời, đúng như ông nói: “Danh lợi ngoài vòng chí tự cao”.

        Khi vào đại học, tôi có vinh dự được làm học trò của Gs Phan Quang Tuệ, cháu gọi cụ Võ Thanh Minh bằng cậu ruột. Gs Phan Quang Tuệ (1928) nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu tiền tệ, là con trai của cụ Võ Thị Nguyên (1900). Cụ Nguyên là chị ruột của cụ Võ Thanh Minh.

        Theo một số tài liệu còn lưu lại ở nhà thờ của ông, Võ Thanh Minh, sinh năm 1906, tuổi Bính Ngọ, tại xã Tràng Thành, nay là xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông kém cụ Phan Đăng Lưu 4 tuổi, có thể coi là cùng thế hệ. Nói về tài năng và lòng yêu nước thì “mỗi người một vẻ” không ai giống ai nhưng hai cụ đều là bậc hào kiệt.

        Người Yên Thành vẫn nhớ đến ông bởi trong nạn đói kinh hoàng năm 1945, Võ Thanh Minh đã ủng hộ Việt Minh 5 tạ gạo để cứu đói cho dân. Mẹ tôi kể lại: thời đó, từng đoàn người đói rách lũ lượt từ các nơi đổ về xóm chợ, họ nhặt từng cái lá bánh lên để mút cầm hơi hoặc giật đồ ăn của ai đó sơ hở. Nhiều người gầy dơ xương, bế trên tay những đứa trẻ đói lả, không còn sức để khóc. Cụ Võ Thanh Minh đã tổ chức nấu cháo phát chẩn cho những kẻ hành khất vào mỗi buổi sáng.

        Giờ đây, nói chuyện 5 tạ gạo giá thị trường chưa tới chục triệu bạc chắc chỉ tương đương với một bữa nhậu của mấy ông trúng mánh, lên sao lên gạch nhưng thời đó thì 5 tạ gạo là con số rất lớn. Hơn thế nữa là nó có thể cứu được mạng sống của hàng trăm con người kiệt quệ vì đói.

        Không ít lần tôi hỏi cha tôi: Rằng ông Võ Thanh Minh không phải là thương gia, không phải là địa chủ vậy ông lấy đâu ra 5 tạ gạo để cứu đói?

        Cha tôi giải thích: Võ Thanh Minh là Tổng ủy viên Hướng đạo Trung Kỳ thuộc xứ Đông Dương. Tổng ủy Hướng đạo Bắc Kỳ là Tạ Quang Bửu, sau này Tạ Quang Bửu theo cụ Hồ, nhậm chức Bộ trưởng Đại học. Tham gia đoàn Hướng đạo, toàn là sinh viên, học sinh con nhà khá giả. Võ Thanh Minh bằng tài năng và uy tín của mình đã thuyết phục được những gia đình giàu có quyên góp gạo để cứu đói cho bà con quê nhà.

        Cũng xin được nói thêm: Hướng đạo, một phong trào được khởi xướng bởi Robert Powell, Trung tướng trong quân đội Anh từ năm 1907. Đây được coi là chương trình giáo dục không chính thức giành cho học sinh và sinh viên chú ý đặc biệt vào các hoạt động thực hành ngoài trời, bao gồm cắm trại, kỹ năng sống trong rừng, trò chơi dưới nước, đi bộ đường dài, mang trang bị sau lưng, và các trò thể thao…

        Hoạt động hướng đạo giúp cho giới trẻ hòa nhập tốt hơn với đời sống thực tiễn, đặc biệt là kết nối, tạo nguồn cảm hứng cho nhau thông qua các hoạt động cộng đồng. Cũng chính vì sự ưu việt này nên phong trào Hướng đạo đã nhanh chóng du nhập vào Việt Nam và được đông đảo thanh niên trí thức tham gia. Tổng ủy Hướng đạo Đông Dương thời đó là cụ Hoàng Đạo Thúy. Cũng như Tạ Quang Bửu, Hoàng Đạo Thúy sau khi rời hướng đạo về Tân Trào theo cụ Hồ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Hoàng Đạo Thúy là Trưởng Phòng Thông tin Liên lạc trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Hiện ở sở chỉ huy Mường Phăng vẫn còn lưu giữ phòng làm việc của ông ngay bên cạnh hầm của Tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp.

        Theo ông Ngô Đức Tiến, một nhà nghiên cứu lịch sử Yên Thành: Năm 1937, trong một đêm lửa trại ở một cơ sở của Hội hướng đạo sinh Đông Dương, trên ngọn núi Bạch Mã ở gần kinh thành Huế, Võ Thanh Minh cùng với Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu và một số tướng lĩnh, trí thức được suy tôn là Tổng uỷ viên Hướng đạo sinh Đông Dương.

        Theo quy định của Hội hướng đạo, mỗi hội viên tự đặt cho mình một cái tên riêng - Võ Thanh Minh lấy tên là Hồng Sơn Dã Mã, Hoàng Đạo Thúy là Hổ Sứt, Tạ Quang Bửu là Chồn Pen - nen… Từ đó, Võ Thanh Minh thường dùng bút danh Dã Mã (ngựa hoang) trong các bài viết của mình. Như định mệnh, bút danh Dã Mã gắn với cuộc đời lang thang, chìm nổi của một con người lắm tài, nhiều tật.

        Xung quanh Võ Thanh Minh còn tồn tại không ít nhận xét khác nhau, người khen thì cho rằng ông là một nhân vật huyền thoại, người chê thì cho là một người cuồng chữ, vô chính phủ, ngông nghênh, gàn… Với tôi, khi đất nước mở cửa và không còn bị bó hẹp bởi những định kiến có thể thấy, Võ Thanh Minh vượt lên tất cả là một người khát vọng tự do, hòa bình.

        Năm 1945, sau khi giành được chính quyền, Võ Thanh Minh đã bị Việt Minh Yên Thành bắt giam với tội danh nói năng ngang tàng, luận điệu tuyên truyền phản động. Một số người từng tham gia giam giữ ông kể lại: Ông bị nhốt trong căn nhà kho chứa thóc của địa chủ Hồ Châu ở Tăng Thành, đó là một căn nhà xây kiên cố có cửa lim được chốt chặt.

        Ông kêu khát nước, người ta đưa cho ông một ấm. Mấy tiếng sau ông lại kêu khát, người ta lại đưa cho ông ấm nữa. Sáng sớm hôm sau, người đưa cơm gọi ông dậy ăn mãi không thấy động tĩnh gì. Vào nhà kho thì không thấy ông ở đâu. Mái nhà, tường gạch, cửa lim vẫn còn nguyên. Để ý mãi mới thấy ông đào một đoạn hầm từ nền nhà ăn thông ra ngoài để trốn.

        Bằng kỹ năng tuyệt vời của một hướng đạo sinh, ông đã đổ nước xuống đất rồi bằng tay tự đào suốt đêm thành đường hầm để thoát ra ngoài. Được tự do, ông tìm gặp các đồng chí của mình trong Hội hướng đạo sinh rồi ông gặp cụ  Hồ. Chuyện này đã được ông kể lại qua bức thư gửi cho Gs Phan Quang Tuệ. Anh Phan Quang Minh, con trai Gs Tuệ kể lại: Trong thư ông viết: “Cụ Hồ là người sáng suốt, có tầm nhìn nhưng những ông quan cách mạng thì khó chấp nhận...”. Khi được những đồng chí của mình bảo lãnh, ông trở về huyện tự ứng cử đại biểu Quốc Hội khoá I nhưng không trúng. Năm 1947, Võ Thanh Minh vào Huế rồi sang Pháp, sang Thụy sĩ. Năm 1954, khi Hội nghị Geneve họp ở Thụy Sĩ, Võ Thanh Minh dựng lều ngồi thổi sáo phản đối hội nghị, phản đối chia cắt đất nước.

        Theo nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng trong bài: “Đến Geneve nhớ tiếng sáo Võ Thanh Minh”, ông viết: “…bên bờ hồ Leman và có lẽ ngay trên bãi cỏ xanh nơi tôi đang đứng, biết đâu cũng chính là nơi Võ Thanh Minh đã nhịn ăn, nằm mà thổi sáo “Hận sông Gianh” để phản đối Hiệp định Geneve chia cắt non nước Việt.

        “Đây sông Gianh đây biên cương thống khổ/Đây sa trường đây nấm mộ người Nam”

        Đã xa rồi thế kỷ Hai mươi đau thương và tủi hận của tiếng sáo Võ Thành Minh, tôi vẫn thấy lòng mình nhức nhối, giấm giứt, giằn vặt như cột nước run rẩy trên mặt hồ phẳng lặng kia. Không có hương và không được phép nổi lửa, tôi lặng lẽ (lén lút thì đúng hơn) ngắt một bông hoa nhỏ trong chậu kiểng đặt trên trụ lan can, thả xuống mặt hồ để dâng lên anh linh Võ Thanh Minh mà theo tôi nghĩ vẫn còn vĩnh hằng giữa cõi thiên thu. Nụ hoa dập dềnh trên lăn tăn sóng nước như xao xuyến, bâng khuâng miên man trên mặt hồ Leman này cho dù hương hồn Ông đã hòa tan trong diễm thúy Hương Giang bốn mươi ba năm trước (1968)…”

        Tiếng sáo réo rắt của Võ Thanh Minh dẫu không vọng đến tai những nhà đàm phán nhưng tiếng sáo đó đã đi vào lòng của nhiều người dân Geneve và khiến họ không thể vô cảm với cuộc chiến ở Việt Nam.

        Là một nhân sỹ xứ Nghệ nhưng Võ Thanh Minh không tham gia vào hệ thống công quyền, cũng không xuất bản các tác phẩm của mình theo cách chính thống. Những tư liệu về ông còn lưu lại được không nhiều, phần lớn thông qua lời kể của những người cùng thời. Chưa có một công trình nghiên cứu nào đầy đủ về ông nhưng có thể nói Võ Thanh Minh là người “độc hành kì đạo”, thoắt ẩn, thoắt hiện, “làm xiếc trước lịch sử”…

        Về quê, hỏi về Võ Thanh Minh, tôi đều nghe được một nhận định khá thống nhất: ông là người có tài, cả văn cả võ. Về văn, ngoài những bài báo, bài thơ mang bút danh “Dã Mã” được người đời lưu truyền ông là tác giả tập thơ “Những tiếng thương tâm”, xuất bản tại Huế đầu năm 1948. Tập thơ không dày nhưng là tiếng kêu thương của một tâm hồn nhạy cảm trước nỗi khổ của đồng bào và có tiếng vang nhất định ở vùng tạm chiếm thời đó.

        Riêng tiền bán sách đủ để tác giả mua vé máy bay sang Pháp. Điều này đủ nói lên sự hấp dẫn của tập thơ khi được đông đảo công chúng đón nhận.

        Võ Thanh Minh là con nhà nghèo, là con trai đầu của một gia đình có 4 người. Ngoài chị gái đầu của ông là mẹ Gs Phan Quang Tuệ như đã nói ở trên, sau ông còn hai người nữa là Võ Thanh Bạch và Võ Thanh Khiết. Cụ Võ Thanh Bạch sống ở quê và phải chịu rất nhiều áp lực từ những hoạt động tự do của ông anh nên không mấy thành đạt. Cụ Võ Thanh Khiết sống ở Đà Nẵng và rất đông con. Các con cháu cụ Khiết đều thành đạt và hầu hết đều đang định cư ở nước ngoài.

        Thuở bé, Võ Thanh Minh học chữ Hán, chữ quốc ngữ ở quê rồi vào Huế vừa làm, vừa tự học, trở thành giáo viên dạy Văn học, triết học Phương Đông ở trường Nguyễn Công Trứ, Vinh. Trường Quốc học Huế và một số trường ở Châu Âu…

        Về võ, ông là người ham thích thể thao, tự học võ dân tộc, võ Tàu, quyền Anh, lúc cần ông dạy võ để kiếm sống. Quê tôi vẫn lưu truyền rằng, ông đã từng dùng cây sào tre chạy lấy đà mấy bước rồi bay qua nóc nhà.

        Võ Thanh Minh còn là người giỏi ngoại ngữ: tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc… ông đều sử dụng thành thạo; viết báo, làm thơ bằng nhiều thứ tiếng. Bạn bầu ông ở trong và ngoài nước còn giữ lại nhiều tác phẩm báo chí, văn học của ông. Trong tủ sách của con cháu ở Hoa Thành, ở Hà Nội, ở Đà Nẵng còn giữ lại một số tác phẩm bằng tiếng Pháp, Anh, Hoa.

        Võ Thanh Minh được nhắc đến nhiều là những hành động bênh vực người yếu, giúp đỡ người nghèo. Nhân dân vùng Yên Thành còn truyền khẩu nhiều câu chuyện trong những năm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mỗi khi ông ở nhà, lúc bọn lính Tây về quấy nhiễu ở chợ Dinh, chợ Kẻ Gám… ông đến tận nơi, dùng vốn tiếng Pháp của mình bênh vực nhân dân khiến bọn Tây phải nể sợ.

        Đối với những người nghèo gặp đói kém hoạn nạn, ông thường cho tiền. Ông và Hội Hướng đạo của ông coi đây là mục đích hoạt động: Vận động những nhà phú hữu ủng hộ, làm từ thiện cho người nghèo. Nhưng cách ủng hộ có khi công khai, có khi đang đêm cho người đem gạo, tiền đến cho người nghèo, không cần người được nhận biết rằng ai đã cho mình tiền, gạo.

        Khi cả nước bị đồng phục bởi một hệ tư tưởng, những người có ý kiến khác biệt thường cô lập và phân biệt đối xử. Với Võ Thanh Minh cũng không là ngoại lệ. Ông không chỉ không theo đảng phái nào mà còn không tôn thờ một tôn giáo nào. Ông chỉ sinh hoạt trong tổ chức Hướng đạo sinh và suốt đời đấu tranh cho một nước Việt Nam thống nhất bằng phương pháp hòa bình.

        Cuối năm 1947, Võ Thanh Minh rời Nghệ An vào vùng tạm chiếm ở Huế. Vào đây, ông không theo người Pháp, cũng không hợp tác với chính quyền Bảo Đại mà xin tá túc ở ngôi nhà Bến Ngự của cụ Phan Bội Châu, tập trung sáng tác thơ văn. Tập thơ “Những tiếng thương tâm” ra đời trong thời gian này.

        Năm 1948, ông sang Pháp rồi đi lang thang khắp châu Âu, vừa kiếm sống vừa tuyên truyền tư tưởng yêu nước của riêng ông. Ông tìm đến các bãi thải xe ô tô cũ của người Pháp, lượm lặt chắp vá thành một cái ô tô “đầu ngô mình sở” vừa làm nhà vừa làm phương tiện đi lại, làm đủ mọi nghề kiếm sống và chu du khắp châu Âu.

        Tại hội nghị Geneve, có 3 người vốn là VIP của Hội Hướng đạo sinh Đông Dương nhưng đi theo 3 con đường khác nhau: Tạ Quang Bửu (1910-1986), Phó đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Cung Giũ Nguyên (1909-2008), người Việt gốc Hoa đại diện cho Chính phủ của cựu hoàng Bảo Đại, và Võ Thanh Minh (1906-1968), tự xưng là con cháu Lạc Hồng, tự biểu tình, chống “chiến tranh” đòi thống nhất quốc gia.

        Sau 1954, Võ Thanh Minh đến một số nước châu Âu rồi sang Mỹ với ý định tìm đến trụ sở Liên Hiệp Quốc để gửi đơn đòi hòa bình cho Việt Nam nhưng vì không có giấy tờ, bị trục xuất khỏi nước Mỹ.

        Năm 1960, Võ Thanh Minh viết thư cho Chính phủ 2 miền Nam Bắc xin về nước và được Bộ Ngoại giao 2 miền chấp thuận nhưng rồi ông về miền Nam - về cố đô Huế. Ở Huế, Võ Thanh Minh viết đơn xin Chính quyền Sài Gòn cho đóng một con bè ở bờ sông Bến Hải - Cửa Tùng, xin làm người đưa thư cho đồng bào 2 miền Nam Bắc, và nếu có chết thì chết giữa dòng Bến Hải.

        Ý tưởng và kiến nghị của Võ Thanh Minh chẳng những không được Chính quyền Sài Gòn chấp nhận mà còn nghi ngờ Võ Thanh Minh thân Việt Cộng, theo Việt Cộng. Võ Thanh Minh bị bắt giam ở Tây Nguyên, ở miền Tây Quảng Trị đến 6 lần.

        Thời gian về nước, Võ Thanh Minh lại trở về ngôi nhà cụ Phan Bội Châu dọn dẹp, thắp hương, chăm sóc phần mộ cụ Phan và lưu lại đây như một người trong nhà.

 

 

        Năm 1968, trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân, Võ Thanh Minh cùng một nhóm người tâm phúc của ông mang theo dụng cụ y tế xông ra giữa hai làn đạn để băng bó, cứu giúp cho những người bị thương. Theo một tài liệu của chính quyền miền Nam: Những thân nhân của Võ Thành Minh tìm được xác ông trong một hố chôn tập thể.

        Ông đã chia tay cõi tạm vào đêm mồng 10 tháng 2 năm Mậu Thân (1968), để lại nhiều câu chuyện huyền thoại với tập thơ “Những tiếng thương tâm”. Việc đánh giá về ông để cho người đời sau phán xét nhưng những gì chúng tôi biết được về ông là một người khát vọng tự do, hòa bình, phản đối chiến tranh. Suốt đời ông giữ lời hứa của một Hướng Đạo sinh là: Trung thành với Tổ quốc - Giúp ích mọi người - Tuân theo luật Hướng Đạo.

        Trong thời hội nhập và toàn cầu hóa, những tư tưởng của ông cho tới nay vẫn còn nguyên giá trị tính thời sự.

(Yên Thành - Vũng Tàu 15/12/2018)

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114440678

Hôm nay

2273

Hôm qua

2309

Tuần này

2582

Tháng này

215852

Tháng qua

112676

Tất cả

114440678