Người xứ Nghệ

Anh Hồ Sĩ Giàng

  Chân dung Hồ Sĩ Giàng (họa sĩ Lê Lam vẽ)

             Anh Hồ Sĩ Giàng sinh năm 1925. Anh thuộc chi dưới chi họ của tôi, nên theo thế thứ anh gọi tôi là “bác” dù tôi kém anh một giáp tuổi và tôi gọi anh là “anh”. Cùng lứa tuổi xấp xỉ với anh ở làng Quỳnh thuở ấy có các ông: Phạm Đình Tân, Lê Huy Bảo, Hoàng Trung Thông, Phan Hữu Thịnh, Phan Hữu Đại, Nguyễn Như Cương, Hoàng Nhật Tân, Hồ Sĩ Bằng, Nguyễn Như Diêu… một thế hệ tài năng học tiếng Pháp, biết chữ Hán và hoạt động cách mạng rất sớm.

            Riêng anh Giàng nổi trội trí nhớ và diện mạo. Anh là người văn chương lưu loát. Gặp lại những người quen cũ hàng dăm chục năm, anh nói ngay tên tuổi quê quán của họ làm họ hết sức ngạc nhiên. Ưu điểm này của anh có lợi cho sự học và nghiên cứu. Về diện mạo, bộ lông mày Trương Phi nổi tiếng của anh rậm đen, không thể làm cho họa sĩ Lê Lam nhẹ bút khi vẽ chân dung anh. Nhưng trừ những khi tranh luận quyết liệt thì tính tình anh lại hiền lành, xuề xòa, nói năng nhỏ nhẹ; vào nhà ra chợ rất hòa nhập với dân và nắm bắt tình hình làng phố nhanh nhạy. Hồi làm Vụ phó Vụ cấp huyện ở Phủ Thủ tướng anh đã in dấu chân khắp tỉnh nhà, quan tâm, trách nhiệm khi “Nghệ - Tĩnh mình ơi, trung ương gọi lấy mì”, giúp dân nhanh chóng vượt qua mất mùa, thiên tai bão lụt triền miên. Anh sống quảng giao nhưng chú ý có  chọn lọc. Anh thường nói: “Chỉ nghe cậu ta hót dăm tiếng là biết ngay cú hay sơn ca !”. Anh chú ý thơ văn tôi và có lần tặng thư pháp “Thi trung hữu thần” làm tôi ái ngại.

             Anh Hồ Sĩ Giàng bút danh là Sĩ Giang. Sách báo đã công bố nhiều tác phẩm của anh. Trong đó có hai tập thơ trào phúng, năm cuốn sử làng, sử huyện và cuốn sử độc đáo về “Họ Hồ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Có hai tác phẩm chưa in là “Ông Đồ Nghệ” và “Tư cố hương” - tập thơ trữ tình viết bằng chữ Hán, đậm tình yêu quê hương. Cuốn sử Quỳnh Đôi anh biếu Cố vấn Phạm Văn Đồng, cụ Phạm sau khi nghe thư ký đọc nói đại ý: viết được cả ưu lẫn khuyết như thế là giỏi lắm! Văn chính luận của anh khúc triết, gọn khỏe. Có lần anh đưa tôi xem mấy tập bản thảo được Thủ tướng duyệt, không thấy sửa chữa mấy và phê chữ “Tô” rõ nét ngay góc trang đầu. Trong những bản thảo Thơ, chữ anh bay và đẹp. Về hưu, ở tuổi thất thập, bát thập, gặp gỡ bạn bè chỉ thấy anh nói chuyện thơ phú, ít bàn việc đời, giống như Tam Nguyên Yên Đổ (Sống cảnh ruộng đồng cho thỏa/Chuyện đời chỉ gãi đầu cười…). Nhưng tập thơ trào phúng Cái Diều thì ngược lại hoàn toàn: sâu sắc, bóc trần, hóm hỉnh, búa tạ… Bài Phú Lôm Côm nổi tiếng, báo Văn Nghệ công bố đầu tiên:

Làm thật ăn cháo

Láo nháo ăn cơm

Lôm côm ăn thịt…

Bài Cồng Bà thì:

Cồng bà càng đánh càng kêu

Lệnh ông dìu dặt họa theo cồng bà

Éo le thay cái sự đời

Té ra nữ tướng là người cầm cân

            Và gần 30 bài kiểu như thế nữa nói về: sâu đục thân, các loài ma, tú bà, quạt mo quạt máy, tham thì nhào, cầu đổ... đọc mà thấy chán chường, nghẹt thở với cái góc xã hội lộn tùng phèo. Lại càng nể phục tâm huyết và lòng dũng cảm của anh.

            Anh là người cao cờ, từng đạt giải nhất nhì ở CLB Thống Nhất ở phố Hàng Trống, Hà Nội hồi thập niên 1960, thường tỉ thí với cả nhà logic học Nguyễn Văn Trấn. Đường quan lộ của anh quanh co, khúc khuỷu, có khi phiền toái vì chuyện văn thơ, cờ quạt! Hồi mới Đổi Mới anh có dịp hầu cờ cụ Chủ tịch nước Võ Chí Công khi công tác ở vùng Bãi ngang Quỳnh Lưu. Vị nguyên thủ quốc gia này có ý định đề bạt anh làm Vụ trưởng. Thì đùng một cái lộ ra vụ anh tặng thơ ông Hoàng Văn Hoan trước lúc xuất ngoại, nên chức vụ cuối cùng trong lí lịch của anh vẫn là Vụ phó! Cũng may, việc quen biết đồng hương họa thơ giữa anh với ông Hoan đã cứu anh khỏi bị cách chức(!). Số là đầu năm 1978 anh đến chúc Tết gia đình và tặng ông Hoan bài thơ đường có câu đầu: “Xuân về mừng bác tuổi thêm cao” và hai câu kết: “Gánh nặng chuyển dần cho lớp trẻ/Tùng mai cốt cách nét thanh cao”. Ông Hoan quí lắm và họa lại có hai câu mở: “Bảy mươi ba tuổi, tuổi chưa cao/Học thói Ngu Công núi vẫn đào” và hai câu kết: “Cảm tạ vần thơ anh gửi tặng/Tùng mai xin giữ nét thanh tao”. Khi công an khám nhà ông Hoan thấy bài thơ này thì hiểu anh ngầm khuyên ông Hoan nên nghỉ hưu, nên họ yên tâm hơn, cho rằng anh không ủng hộ vị trưởng lão này!

            Cuộc sống riêng và hoạt động xã hội của anh Hồ Sĩ Giàng thích làm những điều thiết thực, bền vững; ghét kiểu làm phong trào ào ào để kiếm thành tích vớ vẩn. Vì vậy thường có nhiều dư luận về bất đồng giữa anh và nhiều vị cán bộ địa phương tỉnh, huyện. Trong một cuộc họp đồng hương ở Hà Nội, văn võ bá quan đủ cả, các ý kiến phát biểu tùa trời. Cuối cùng tôi thấy anh tự tin nêu những vấn đề vượt lên một khoảng cách, mọi người yên lặng cả!

             Những lập luận, tầm nhìn của anh không chỉ bỏ qua kiểu tư duy “xác ướp” thông thường mà còn sát thực, so sánh, cân nhắc chính xác, kịp thời. Tôi nhớ hồi Hà Nội mới giải phóng, anh từ Văn phòng Thủ tướng về thăm quê, ba tôi (cụ Hồ Phi Tường, thế hệ tuổi trước anh một giáp) hỏi anh: “Sao? Đảng ta sắp thay đổi đường lối phải không chú?”. Anh nói: “Chắc là bác nghĩ về bản Tuyên bố chung giữa ta với Chủ tịch Balan Nôvôtnưi phải không? Đúng là trên đã nhận ra sơ hở”. Anh rất phục ba tôi về nhận xét này. Sau đó không lâu, Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm phải từ chức.

             Khi viết cuốn sử “Quỳnh Lưu huyện địa đầu xứ Nghệ” (1991) anh đã nêu rõ Hồ Phi Huyền với tác phẩm Nhân Đạo Quyền Hành. Sau đó anh còn viết trên báo Nghệ An (1993) tiếp tục nêu lên tác phẩm đáng chú ý này, đánh thức dư luận không thể để nó bị lãng quên. Nhờ đó mà tác phẩm này đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, được các nhà xuất bản bản lớn tái bản nhiều lần và tác giả của nó được đánh giá là một nhà tư tưởng tiêu biểu của Việt Nam hồi đầu thế kỉ XX.

             Nhưng có một nhận xét rất bất ngờ là vào khoảng năm 2000, một hôm anh Hồ Sĩ Giàng nói với tôi: “Này bác Phục, Nhân Đạo Quyền Hành liên quan đến thuyết tương đối đấy!”. Quả tình tôi không hiểu gì cả. Tư duy của tôi đã thuần vật lý về ý nghĩa của học thuyết tự nhiên vĩ đại này từ lâu rồi. Tuy vậy tôi vẫn tin ở trí tuệ của anh. Cho đến ngày tôi được đọc cuốn triết luận “Tự Do”, của anh Nguyễn Trần Bạt viết: “Hiểu mọi sự đều tương đối là một trong những thành tựu quan trọng nhất của nhận thức. Thuyết tương đối của A.Anhxtanh có đóng góp to lớn về khoa học và công nghệ. Nhưng đó chỉ là một phần trong các quan niệm tương đối của con người. Con người phải nhận thức những đối tượng rộng hơn thuyết tương đối của A.Anhxtanh. Đó chính là thuyết tương đối về mặt tinh thần, hay thuyết tương đối xã hội…”. Thế là tôi vỡ lẽ ra thêm về anh, về một cách nhìn lạ, một tầm nhìn sâu, một tầng kiến văn rộng.

             Vâng, anh Giàng làng tôi là thế.  

                                                                                   Đại Lải, Hè 2019

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434960

Hôm nay

2231

Hôm qua

2349

Tuần này

21610

Tháng này

212008

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434960