Người xứ Nghệ

Nguyễn Bùi Vợi - Nhân cách một người Nghệ

Nhà thơ - Nhà giáo Nguyễn Bùi Vợi (1933-2008)

Từ thuở học trò, dù chưa được gặp nhưng chúng tôi rất tự hào là quê mình có ông Nguyễn Bùi Vợi, tác giả của bài thơ Qua Thậm Thình được in trong sách giáo khoa. Ông có bài Với quê, trong đó có câu Nhớ quê cả bốn mùa/Không riêng gì mùa mít người quê ai cũng thích. Thỉnh thoảng, được nghe ông bình thơ trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Với giọng Nghệ đầy cảm xúc (có lẽ người miền nào cũng cảm nhận được), chúng tôi lại càng thấy yêu tiếng quê của mình hơn. Mỗi lần có thơ ông in báo, chúng tôi lại háo hức đọc, có cả bài thơ chúng tôi chép tay và học thuộc lòng.

Ông từng đi đọc thơ cùng Xuân Diệu, rồi đi học ở Khu học xá Trung ương ở Trung Quốc, từng dạy Văn ở trường sơ cấp Sư phạm Hà Nội, công tác ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phú, biên tập thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam, ở báo Giáo dục và Thời đại... Ông có nhiều tập thơ, đã được in thành tuyển tập, tham gia giám khảo nhiều cuộc thi thơ, nói chuyện thơ ở rất nhiều nơi. Riêng việc thẩm định, giới thiệu thơ của ông thì đã có "thương hiệu"

Năm 1990, phòng Giáo dục huyện mời ông về nói chuyện thơ. Tôi may mắn được Trưởng phòng giao cho việc “điếu tráp” theo ông đi các trường, các cơ quan trong huyện nói chuyện thơ. Thân hình cao lớn, mái tóc bạc phơ, bồng bềnh, nước da đỏ hồng, trông ông rất sang trọng.

Sau mấy ngày thân mật, vốn hay tò mò, tôi hỏi ông về những chuyện khi ông mất xe đạp, chuyện "nghi án" về "Nhân văn - Giai phẩm", chuyện ông cãi xếp thời còn dạy học,  chuyện ông yêu cô Từ, chuyện ở Hội Văn nghệ Vĩnh Phú,... tôi cảm nhận ông rất chân thành, rất công bằng nhưng cũng thật độ lượng. Ông cười thật lành: Cái thời nó như vậy anh ạ, bây giờ nghĩ lại có những quan niệm thật tức cười, âu nó cũng là sản phẩm của hoàn cảnh. Tính tôi khi nào cũng thật, thẳng thắn, quyết liệt, muốn sửa mà không sửa được, tôi đã viết "đánh chết cũng không chừa cái thật" mà!

Ông là người dễ xúc động, hay ngồi một mình. Ông nhớ quê, quý trọng và thương những con người ở quê. Khi nhắc đến những con người, những kỷ niệm ở quê, ông thường rưng rưng nước mắt, không dấu nổi những giây phút thật lòng. Ông rất tự hào về tính cách người Nghệ, ông thường tìm ra những câu chuyện thú vị, những ví dụ điển hình, những nét đặc trưng văn hóa quê nhà, đọc mấy câu thơ về quê, về con người ở quê một cách tha thiết và cũng rất rắn rỏi, cương nghị. Ông nói: Người quê ta thẳng thắn, “nói là nói trửa mặt, khi tức không chịu được mà đấm cũng công khai, đấm trửa mặt, không thèm nói sau lưng hay đánh lén!”

Ông thích đá bóng từ thời học sinh, là cổ động viên hăng hái của đội Sông Lam từ khi còn mới nổi danh. Sông Lam ra đá ở sân Hà Nội, ông cùng đông đảo người Nghệ đi cổ động. Ông nói: Các chú cứ đá cho ra trò, người Nghệ ở Thủ đô “nhiều như quân Nguyên”, ai cũng ham bóng đá. Ông cũng rất tiếc và giận những cầu thủ xứ Nghệ thiếu lòng tự trọng với quê, có tài năng nhưng thiếu sự giáo dục về đạo đức, nhân cách,… Những lúc ấy, tôi thấy ông Nghệ hơn nhiều người Nghệ!
Ông sinh hoạt, nói năng nghiêm túc, không rượu bia, không thuốc lá chứ không ga lăng - “văn nghệ sĩ”! Chúng tôi rất nể trọng và thường gọi ông là thầy Vợi.
Tại các buổi nói chuyện thơ của ông, cả hội trường lớn, hàng trăm người im phăng phắc. Thi thoảng, lại rộ lên tiếng cười thú vị. Ngoài chất giọng trời cho, ông còn có tài nhại giọng các miền quê một cách khéo léo, có duyên, không phạm húy kỵ mà rất tế nhị, dí dỏm; đặc biệt là những chuyện bếp núc văn chương của nhiều nhà văn, nhà thơ trong nước, ngoài nước vì ông rất nhiều thông tin. Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ đứng trước hàng trăm người, nói chuyện thơ cả buổi mà càng về sau người càng đông, hết giờ ai cũng tiếc như ông thật là hiếm có và hạnh phúc.
Có lẽ, vốn là thầy giáo - một thầy giáo tâm huyết, thầy giáo giỏi nên một nét dễ nhận thấy ở ông là sự khiêm nhường, chuẩn mực, tôn trọng người nghe; dù nói trực tiếp hay không, dù thân hay sơ, yêu hay ghét, ông đều gọi người khác là anh, là chị, anh ấy, chị ấy,... không khi nào ông gọi “lão”, “nó” hay thằng này, thằng nọ.
Tôi giới thiệu và khoe với ông một số bài thơ của các thầy giáo - “nhà thơ không chuyên” Lê Xuân Hường, Phan Bá Tiến. Ông đọc chăm chú sau đó mời các anh ấy đến trao đổi thân mật như bạn bè, thầy trò.

Sau Tết âm lịch 2003, ông cùng nhà thơ Hoàng Cát - quê Nam Đàn cùng về thăm quê. Tôi được ông mời đi cùng. Hoàng Cát là thương binh, anh bị cụt chân, ông giúp anh từ những sinh hoạt thông thường. Trên đường đi, hai lần ông bảo lái xe dừng lại, kể với chúng tôi những kỷ niệm của ông với quê hương. Suốt hơn hai chục cây số, hai nhà thơ nhiều lần lau nước mắt. Khi thắp hương lên mộ thầy Mai Xuân Châu - (thầy giáo cũ của mình thời trường Thổ Sơn mà ông đã nhắc đến trong một số bài thơ) thì hai ông khóc thành tiếng. Nước mắt người già, nước mắt kẻ sĩ làm cho chúng tôi thật cảm động!

Năm 2004, ông về thăm quê và nói lần này về quê muốn làm một việc gì đó để “trả nợ” với quê. Ông đọc rất kỹ ba cuốn sơ thảo lịch sử của huyện. Hai tuần sau ông gửi về dự thảo cuốn “Thanh Chương tráng khúc”. Ông viết bức thư khá dài, nói lên những suy nghĩ, quan điểm của mình và đề nghị những người có điều kiện đọc, góp ý. Phần lớn các anh lãnh đạo bận nhiều việc, không tập trung đọc được. Vốn có biết chút ít về ông, nhất là cái thành ý, thẳng thắn của ông, lại làm công tác Tuyên giáo, tôi chăm chú đọc và thật thà, mạo muội nói lên những suy nghĩ, nguyện vọng của mình. Tôi nắn nót viết tay một mạch hơn năm trang giấy A4 gửi qua đường bưu điện! Tháng sau, ông và vợ là cô Đỗ Thị Từ - người “Hà Nội gốc” như ông nói, về để tiếp tục trao đổi, hoàn thành tác phẩm. Trong một buổi được gặp vợ chồng ông, ông nói với cô Từ mà cũng như nói với tôi: Dân Nghệ là thế đấy! Người miền ngoài, khi anh hỏi họ thường nói qua quýt, xã giao, chủ yếu họ khen thôi. Đằng này anh ta có phải nhà thơ đâu,… Nhưng ông cũng không để tôi mắc cỡ. Ông lấy “thư” của tôi, trong đó đã được gạch, đánh dấu hỏi, sửa chữa,… bằng mực đỏ khá chi tiết. Ông nói rõ những chỗ tôi nêu lên mà ông đồng tình và cả những chỗ ông chỉ ra sự băn khoăn của tôi là không đúng. Thái độ của ông thật cầu thị và công bằng. 

Bữa ăn tối hôm ấy, ông kể chuyện người thân ông Kim Ngọc - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú gặp ông, muốn lấy bài thơ của ông khắc lên bia đá trước mộ Kim Ngọc. Ông cảm ơn và nói  “Ở đời không mấy ai được trăm người quý cả trăm. Ông Kim Ngọc là người đáng được cả nước tôn vinh nhưng cũng khuất núi người đời mới thấy. Tôi làm thơ có phải ai cũng quý đâu? Anh khắc bia đá lỡ nay mai có người họ không yêu tôi, họ phá cái bia thì có phải ta lại có tội với Kim Ngọc không?”. Tôi nghe thích quá, nhờ ông đọc mấy lần và thuộc luôn (tuy nhiên chưa chắc đã đúng với bản in). Bởi vì khi đọc, ông cũng nói: Tôi viết là “Êm ấm mọi nhà…” không hiểu người ta nhầm hay do ý biên tập mà lại viết là “No ấm mọi nhà,…”, “Êm ấm” hay hơn đấy anh ạ!

Sách không làm nên đời mà đời làm nên sách
Tay cầm lõm seo cày nên ông thấu lòng dân
Giọt mồ hôi mặn đồng những tháng năm khoán hộ
Êm ấm mọi nhà, cay đắng một mình ông

Nằm dưới đất, ngực còn thơm Huân chương Độc lập
Nghe xôn xao đất nở những mùa vàng
Cánh đồng nào cũng thơm hồn Kim Ngọc
Người lặng lẽ đi về trong chuyện kể dân gian

                                                                  *
                                                                *   *

 Chúng tôi đến thăm khi biết tin ông mắc bệnh hiểm nghèo. Mấy tháng sau lại nghe tin “gặp thầy, gặp thuốc” nên bệnh tình ông được khống chế. Thỉnh thoảng tôi và ông vẫn điện thoại thăm nhau. Tôi rất cảm động khi nghe ông nói: Anh biết, tôi có câu thơ “cậu nghèo, cậu chỉ có văn chương”. Tôi có khá nhiều sách, có cả sách tôi mua, có cả sách anh em biếu tặng. Con em mình ở quê lại rất thiếu sách. Tôi đã bàn với cả gia đình: Khi tôi qua đời, vợ chồng tôi muốn tặng số sách trên cho các cháu ở quê. Nhưng điều này lại thật tế nhị. Sách đối với người này thì như nước dừa gặp cơn khát nhưng đối với người khác lại như lược với nhà sư! Thấy các cháu thiếu sách thì mình muốn tặng cho các cháu đọc. Việc sử dụng và bảo quản sách cũng đòi hỏi những điều kiện nhất định. Nếu không đúng như mình nghĩ thì cũng không nên vẽ chuyện, gây phiền hà, tốn kém cho xã. Có việc ấy mà tôi chưa nghĩ ra cách ứng xử anh ạ!

 Thảo nào, việc ấy mà ông chưa nghĩ ra cách ứng xử thì việc cháu ruột ông - mà ông đã thay cha nó cưu mang ăn học, tốt nghiệp trường Truyền thanh, truyền hình, nhưng một con người danh tiếng như ông không xin được việc làm cho cháu trước lúc nhắm mắt là phải (?) 

Nghe giọng nói rành rọt, khúc chiết không ai biết được ông đang trọng bệnh nhưng ông cũng nói: “Thế là tôi không thể có được những chuyến về Cát Văn, Thanh Chương, Nghệ An nữa anh ạ, tôi nhớ quê hương và các anh lắm”! Và ngày bốn tháng tư năm Mậu Tý (2008), ông đã ra đi ở tuổi 75.

Mấy tháng sau khi ông mất, cô Từ cùng gia đình ông đã tổ chức trao cho xã Cát Văn tủ sách gia đình theo nhã ý của ông. Tôi lật một cuốn cỡ nhỏ: Cuốn "Góc sân và khoảng trời" của Trần Đăng Khoa tái bản, ở trang đầu có mấy dòng viết tay của tác giả "... xin ngả mũ kính chào bậc sư phụ",... Và nhiều cuốn có lời đề tựa kiểu như vậy của tác giả,...  Tôi cứ băn khoăn: Không biết các cháu học sinh khi đọc những dòng này có biết được những cuốn sách ấy nó quý như thế nào, có biết "cái tâm" của bác Vợi. Phải chăng, khi tặng "cái gia tài" ấy, ông thầm mong quê mình sẽ có tiếp những nhà thơ nối gót ông (?).

Nguyễn Bùi Vợi đã ra đi vào cõi vĩnh hằng. Mấy hồi ức nhỏ nhặt của một độc giả nhỏ ở quê, xin được làm nén tâm hương thành kính với một nhà giáo, nhà thơ, nhà phê bình, giới thiệu thơ,…nhưng trên hết là một người Nghệ đầy cá tính và nhân cách đáng trân trọng, tự hào.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443494

Hôm nay

252

Hôm qua

2333

Tuần này

21307

Tháng này

218668

Tháng qua

112676

Tất cả

114443494