Người xứ Nghệ

Đoàn Tử Huyến - một người "kỳ quặc" chuyên nghiệp và tận hiến

Dịch giả Đoàn Tử Huyến. Ảnh Nguyễn Đình Toán

 
Tôi nhớ, cách đây gần 10 năm, trả lời báo Tuổi Trẻ cuối tuần, dịch giả Đoàn Tử Huyến nói: “Những tổ chức cá nhân tự động lập thành những cộng đồng như các câu lạc bộ, các hội dịch thuật... nhìn bên ngoài thấy họ đang làm những việc kỳ quặc, nhưng một xã hội càng có nhiều người thích làm những việc kỳ quặc như thế thì càng phát triển!”.
Và ông từng bảo tôi: “Chú cháu mình cũng là những người kỳ quặc!”
Ấy là lúc ông cổ vũ các hoạt động CLB Đọc sách cùng con của chúng tôi. Thậm chí, trong một thời gian dài, ông cho phép chúng tôi đặt chi nhánh CLB tại Cà phê Đông Tây - một trong những địa chỉ văn hoá quen thuộc của giới văn nghệ sĩ Việt Nam, và sau này thêm cả Thư viện gia đình Đoàn Tử Huyến. Mỗi khi chúng tôi đọc sách, chơi đùa, tổ chức Trung thu hay lễ hội gì đó, bọn trẻ con lại kháo nhau ... về một “ông tiên” loanh quanh gần đó nheo nheo mắt chụp ảnh bọn chúng.
Tôi vẫn nhớ lắm cái góc ngồi khiêm nhường của ông bên trái cửa ra vào Nhà sách Đông Tây, với máy tính, ống kính máy ảnh và cốc chè tươi. Người Hà Tĩnh thích khoai lang luộc chiêu với chè tươi đun cả cành, giọng ấm với những âm rung, âm gió rõ nét. Người Hà Tĩnh thích tiếp đón bạn bè thật tưng bừng, nồng nhiệt, thích mọi điều nhắc nhớ đến quê hương. Chẳng thế mà người ta thường nói, Đoàn Tử Huyến “chơi tới bến” với bạn hữu, văn hóa, văn chương - cũng đúng. Và lại đúng nữa với tính cách người Hà Tĩnh - ông quyết liệt, dám nghĩ - và luôn nghĩ, không bao giờ dừng nghĩ lớn, dám làm - và làm đến cùng. Rất nhiều lần, ông bắt đầu câu chuyện giữa hai chú cháu bằng mệnh đề: “Chú có ý định...”. Rất nhiều dự định táo bạo đã thành sự thật, nhiều dự án dịch thuật, nhiều ý định văn chương được chia sẻ... và cả những mơ mộng về một “Bảo tàng đồng quê” với các vật dụng thân thương của quê hương Hà Tĩnh...
 
Một “người kỳ quặc” bên lề
Gọi Đoàn Tử Huyến là người kỳ quặc cũng không sai. Ông sẵn lòng đứng ra tổ chức in ấn, xuất bản, giới thiệu nhiều bộ sách có giá trị mà “không ăn khách” vì kén người đọc, hoặc đỡ đầu cho sáng tác của những người mới dấn thân vào con đường văn chương, nghệ thuật. Ông cổ vũ họ. “Con mắt tinh đời” và tấm lòng liên tài của ông cho phép ông phát hiện được vẻ đẹp lấp lánh và nét thú vị, đáng yêu của những người xung quanh. Ông trân trọng nét tích cực, say mê của người này, độ lượng với những điều bị coi là gàn dở của người kia. Ông nồng nhiệt ngưỡng mộ các nghệ sĩ, lại chia sẻ được những tính toán liều lĩnh của các doanh nhân.
Ông quý bạn, trọng bạn, vì bạn. Bởi vậy mà, sau này, khi rơi vào trạng thái rối loạn về khái niệm, không diễn đạt được ý mình bằng ngôn ngữ, ông vẫn hình dung được từng người bạn già - trẻ của mình. Không gọi được tên bạn, ông nhắc tới họ bằng cách mô tả vụng về, rồi rút sách của bạn viết từ dãy giá sách đồ sộ của mình. Gương mặt ông lúc ấy, tôi sẽ không thể quên, sáng rỡ và hạnh phúc!
Trong nhiều năm điều hành Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây,
Đoàn Tử Huyến luôn sẵn lòng dành địa điểm miễn phí, hỗ trợ tổ chức các buổi ra mắt sách và những cuộc giao lưu văn chương ấm áp, chân tình không nặng hình thức, nhưng không bao giờ thiếu rượu vang và đàn guitar. Tuy nhiên, trong mọi cuộc chơi khi nghiêm túc lúc ngẫu hứng ấy, ông luôn tránh vị trí trung tâm, luôn đứng đâu đó bên lề, nghiêng đầu ngắm “những gương mặt vuông” của tài tử, văn nhân lọt vào trong ống kính, cái ống kính thông tuệ như mắt nhìn của ông, thu lại nét đẹp hoặc sắc sảo, ngang ngạnh, hoặc hồn nhiên, đắm đuối của con người. Thế nhưng, cho dù kiệm lời, cho dù tránh lộ diện, ông vẫn là linh hồn của những câu chuyện Đông Tây xa gần ấy. Cho nên, sau khi ông bị tai biến, giới văn nghệ, hoặc những người bạn vong niên kính trọng và gần gũi ông như chúng tôi, ít nhiều cũng cảm thấy bơ vơ! Trong hòm thư vắng hẳn những lời mời họp mặt, gặp gỡ đến từ Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây. Đã không còn cuộc điện thoại giục viết bài, mời đến nghe một nội dung sách mới, mời làm MC cho một cuộc thơ... Đã vắng, đã không, đã thiếu nhiều điều lắm!
 
Với tôi, cảm giác bơ vơ ấy thật rõ nét vì hai chú cháu tôi, hai thế hệ dịch giả tiếng Nga, vẫn thường trò chuyện nhiều đêm. Tôi thật vững tin khi luôn có “chú Huyến” ở đó, sáng đèn trên Gmail để cho tôi hỏi ý kiến về một dự án mới, để chia sẻ một cách hiểu khác cho một đoạn thơ, để tranh luận về một ý kiến đánh giá một tác phẩm hoặc gom những bản dịch cũ mới gửi chú sử dụng.
Tôi phát hiện ra rằng, cho dù luôn hết lòng tham gia các cuộc nhậu với bạn bè, sẵn sàng nghe tiếng gọi của tâm hồn theo chủ nghĩa xê dịch thì cuối cùng, ông vẫn là một người của công việc! Cuối ngày, cứ khoảng sau nửa đêm, ông lại miệt mài bên những trang dịch...
 
“Người kỳ quặc” chuyên nghiệp và tận hiến
Tôi sẽ không liệt kê các tác phẩm mà Đoàn Tử Huyến chuyển ngữ, những đóng góp của ông cho nền văn học dịch và việc đưa các giá trị văn hoá thế giới đến với Việt Nam. Những con số hữu hạn của số lượng tác phẩm không nói được gì nhiều về lao động dịch thuật của ông. Tốt nhất là chúng ta hãy tìm đọc lại những tác phẩm ấy để cảm nhận sự cẩn trọng trong cách chọn từ, sự thông minh, sắc sảo trong diễn đạt, sự tinh tường trong việc bắt nhịp cảm xúc. Điều đó lý giải vì sao Đoàn Tử Huyến từ lâu đã trở thành dịch giả được nhiều người lựa chọn. Dù là một tác phẩm được xếp vào loại khó đọc, khó hiểu, khó dịch, một trong những đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ Nga như “Nghệ nhân và Margarita” (M. Bulgakov) hay là những đoản văn trong trẻo, giản dị mà đầy rung động về thiên nhiên trong “Giọt rừng” (M. Prishvin) thì dịch giả vẫn để lại dấu ấn chuyên nghiệp với cách dùng từ chính xác, hoàn hảo như nhau. Không kém gì các tác giả vốn như có phép thuật với tiếng Nga, dịch giả của chúng ta cũng làm chủ hoàn toàn tiếng mẹ đẻ và sử dụng tiếng Việt ở một đẳng cấp cao nhất của nghệ thuật ngôn từ: chính xác, tinh tế với từng cung bậc cảm xúc, từng loại người, kiểu người, từng cảnh huống ngôn ngữ, văn hoá, kết nối nhuần nhị với nhịp điệu của tâm hồn con người và tự nhiên... Tôi nhớ, ông từng phân tích cho tôi, tại sao lại nên dùng từ “những”, tại sao không; tranh luận về một đại từ nhân xưng hoặc nhận xét về sự ảnh hưởng của bối cảnh lịch sử đến phong cách viết của một tác giả. Ông không đơn giản là chuyển ngữ tác phẩm. Ông sống, hoà mình cùng thời đại ra đời tác phẩm để bắt lấy một hướng tiếp cận hiệu quả nhất cho việc tái hiện nội dung câu chuyện, cảm xúc nhân vật bằng tiếng Việt.
Dịch giả Đoàn Tử Huyến từng nói: “Quan điểm dịch thuật ở thời đại nào cũng khác nhau. Trước kia thì ít thông tin, báo chí cũng chưa nhiều như bây giờ nên chúng ta ít được nghe nhiều quan điểm đa chiều như hiện nay. Giờ đây, một vấn đề nhỏ của dịch thuật cũng được khơi dậy bằng rất nhiều cuộc thảo luận qua lại, bất tận và không phải là không có ích cho những người dịch. Chỉ cần họ phải có được quan điểm riêng của mình để có thể nhìn thấy bài học từ những cuộc thảo luận và những quan điểm khác nhau ấy.”
Ở cương vị một người từng là giảng viên văn học Nga Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, biên tập viên văn học Nhà Xuất bản Lao Động, Ủy viên Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn Việt  Nam, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài, Chủ tịch Hội đồng Văn học nước ngoài Hội Nhà văn Hà Nội..., trong câu chuyện chuyên môn, dịch giả Đoàn Tử Huyến rất thẳng thắn, chân tình, không e ngại, không thỏa hiệp. Tôi từng chứng kiến ông tranh luận điềm đạm nhưng không phải là không gay gắt với một nhà phê bình văn học về quan điểm tiếp cận một tác phẩm. Bản thân tôi cũng nhiều lần được ông sửa chữa bản thảo. Tôi có thể “chịu đựng” được mọi góp ý khen chê của ông chính vì cách làm việc chuyên nghiệp, biết lắng nghe, đọc thật sự, phê cụ thể và thái độ trọng thị thật tình của ông đối với người trẻ - phân tích, bày tỏ chứ không kẻ cả dạy dỗ, xoa đầu
Một tháng trước khi bị tai biến năm 2016, ông kể với tôi rằng đang dịch một cuốn tiểu thuyết. Tác phẩm này đã từng được chuyển ngữ nhưng chưa thành công. Nhận lời một nhà nghiên cứu văn học có uy tín, Đoàn Tử Huyến bắt tay vào làm việc, hằng đêm. Ông còn nửa đùa nửa thật bảo tôi rằng, sau cuốn sách này, ông nhất định sẽ bắt đầu một cuộc rong chơi thật sự giữa đời. Ông lẩy bài thơ ông viết cho mình năm 60 tuổi, như thể nhắc tới một dự định, một ước mơ:
“... Tóc trắng thôi vương mùi thế lụy,
Tình xanh còn hạn cuộc la đà,
Chữ nghĩa mót bòn dăm bảy vốc,
Rong chơi hoan hỉ nẻo gần xa...”
 
Bây giờ thì ông đã thật sự buông bỏ mọi hỉ nộ ái ố đời này để đến với cuộc rong chơi ở miền mây trắng. Tôi vẫn mường tượng ra ông với phong thái ung dung, điềm đạm, nụ cười thấu hiểu và vầng hào quang tỏa ra từ mái tóc. Vầng hào quang tỏa ra từ một con người. Từ một cuộc đời tận hiến!
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434716

Hôm nay

2336

Hôm qua

2310

Tuần này

21366

Tháng này

211764

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434716