Người xứ Nghệ

Vài kỷ niệm về Đoàn Tử Huyến

Tôi quen với Đoàn Tử Huyến khi anh chân ướt chân ráo từ Liên Xô về tổ Văn học, do cô Hoàng Oanh phụ trách, của khoa Nga, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Một hôm cô Oanh nhắn tôi, Đoàn Tử Huyến, Minh Tâm, hình như cả Lưu Đức Thụ thì phải, đến nhà riêng. Cô trình bày ý định muốn thành lập một tủ sách văn học Nga cho sinh viên tham khảo. Mỗi người nhận một tác giả, viết một biên khảo và dịch. Cô nhận viết về L. Tolstoy, tôi về M. Lermontov, còn Huyến và những người khác nhận gì thì tôi không nhớ nữa. Nhưng sau dự án này đổ vỡ vì cô Oanh chuyển lên phòng Khoa học của trường, tổ văn học Nga do thầy Trần Vĩnh Phúc phụ trách không tiếp tục. Và, cũng ít lâu sau, Huyến về phụ trách mảng văn học dịch, thay Thái Bá Tân, ở Nhà Xuất bản Lao Động. Và anh mau chóng trở thành một dịch giả. Tôi nhớ hôm ấy, tôi và Huyến ra ban công nói chuyện rất lâu về văn học Nga và những ước mơ Nga ngữ của mình.

Đoàn Tử Huyến không phải là người dịch nhiều nhất, nhưng là một trong những dịch giả quan trọng nhất cho/của văn học Việt Nam. Trước một đổi mới nào đó, thì văn học Việt Nam bao giờ cũng đi những bước đi đầu tiên bằng văn học dịch. Tôi nhớ mình đã từng cùng bạn bè hồ hởi đón đọc tiểu thuyết Thao thức (1978) của Kron do Hoàng Hữu Phê dịch và công trình nghiên cứu Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học (1978) của Khravchenko do Lê Sơn dịch. Dĩ nhiên, sau này, khi Đổi mới đã đi vào chiều sâu, thì nhiều tác phẩm văn học Xô viết và hậu-Xô viết được dịch, như Những đứa trẻ phố Ac-bátĐoạn đầu đàiMột ngày dài hơn thế kỷ… Nhịp cùng khí thế đó, Đoàn Tử Huyến cũng dịch, nhưng anh đi vào một chiều khác.

Giai đoạn đầu của thời kỳ văn học Xô viết độc tài, toàn trị vẫn có những tiếng nói tự do, tuy phải ẩn trong những hình tượng nghệ thuật thâm sâu, như những tác phẩm của nhà văn Platonov, Bulgakov… Theo học giả khả tín Phạm Vĩnh Cư, những tác phẩm của họ, và Sông đông êm đềm… mới là văn học chính hiệu, còn Đất vỡ hoang của M.SolokhovRừng Nga của L.Leonov, Con đường đau khổ của A.Tolstoy chỉ là những á hiệu. Đoàn Tử Huyến đã chọn dịch tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của Bulgakov chứng tỏ sự tinh tường nghệ thuật của anh. Huyến còn dịch gần chục tác phẩm nữa, trong đó đáng kể hơn cả là Trái tim chó cũng của Bulgakov. Nhưng nếu Trái tim chó chỉ có thể thúc đẩy tư duy xã hội và sự ra đời của kiểu nhà văn “Phùng Gia Lộc,” “Trần Huy Quang” vào thời Đổi mới, thì Nghệ nhân và Margarita tạo ra những “Nguyễn Huy Thiệp”. Như vậy, cùng với việc dịch M. Bakhtin và một vài tác giả thuộc Trường phái Hình thức Nga, thì dịch phẩm Nghệ nhân và Margarita đã góp phần quan trọng trong việc đổi mới tư duy văn học Việt Nam.

Cùng với nghề dịch sách, Đoàn Tử Huyến còn là một trong những người đầu tiên làm nghề xuất bản - buôn bán sách, hồi ấy gọi là đầu nậu (không phải lậu/trái phép, mà nậu/buôn bán như trong câu: Ai về nhắn với nậu nguồn/Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên), còn bây giờ gọi là nhà sách. Bấy giờ nhà xuất bản in sách theo kế hoạch “trên giao,” biên tập viên là “cán bộ làm công ăn lương” nên thị trường “đói sách,” “cung không kịp cầu.” Các đầu nậu ra đời để lấp vào chỗ trống ấy, đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng phát triển đòi hỏi một nguồn sách đa dạng vừa phổ cập vừa chuyên sâu. Huyến đã đáp ứng nhu cầu chuyên sâu của bạn đọc, dù sách chuyên ấy khó bán, đọng vốn, lãi ít thậm chí không lãi. Những bộ sách như Phan Bội Châu toàn tập (10 tập), Nguyễn Công Trứ toàn tậpThư mục Nguyễn Du… hay các tác phẩm của Đốt, của Soloviev… không phải nhà sách nào cũng dám bỏ tiền ra in. Huyến còn dồn công sức vào chủ biên những bộ sách lớn như tuyển tập các diễn văn của những tác giả được giải Nobel văn học, các công trình triết học của Bergson… Nghề làm sách của Đoàn Tử Huyến còn thu hút nhiều sinh viên mới ra trường, chưa tìm được công việc. Từ đó, một số nhân viên kinh doanh của Huyến trưởng thành, “xin ra ở riêng,” chủ trương những nhà sách khác. Một số trở thành những nhà biên tập cứng cựa để đi làm xuất bản ở nơi khác.

Để giới thiệu văn học nước ngoài một cách có hệ thống và có chủ đích, Đoàn Tử Huyến đã vận động Hội Nhà văn cho ra tạp chí Văn học Nước ngoài. Vì không có chân trong chấp hành, nên Huyến chỉ là Phó Tổng biên tập, còn một phó nữa là Thái Hà, dịch giả, vốn phụ trách tạp chí này từ thuở quay rôniô. Tạp chí in đẹp, ra 3 tháng một kỳ, ngoài phần dịch thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, còn dịch và giới thiệu các lý thuyết văn học lớn và các trường phái phê bình. Tạp chí thuhút được những cây bút có uy tín bấy giờ. Huyến rất tâm huyết với tạp chí, thậm chí anh đưa cả bộ máy của Nhà sách Đông Tây sang phục vụ tạp chí. Sự bao sân này khiến Thái Hà cảm thấy mình là người thừa. Thế là mâu thuẫn giữa hai chàng phó này nổ ra. Huyến đặt vấn đề căng với lãnh đạo Hội: chọn một trong hai người. Họ chọn phương án an toàn Thái Hà, thế là Đoàn Tử Huyến bỏ việc.

Huyến đi, Thái Hà có nhờ tôi tiếp tục giúp đỡ cho phần lý luận văn học, văn hóa nước ngoài. Tôi rất ngần ngại, chơi với Đoàn Tử Huyến rồi lại giúp Thái Hà. Có lần tôi gặp Hoàng Hưng ở nhà anh Kiến Giang. Hưng nói với tôi phải ủng hộ Huyến bằng cách tẩy chay Văn học Nước ngoài không Huyến. Nhưng tôi nghĩ tôi không phải Huyến nên không nhất thiết phải ai bắt tôi ứng xử với Hà như Huyến. Vả lại, đang không có đất, bỏ một sân chơi như vậy cũng tiếc. Tôi trao đổi chuyện này với Huyến. Anh nói: chuyện nào ra chuyện ấy. Vì việc chung, Thúy cứ giúp Hà đi, không sao đâu! Nhưng tạp chí cũng chỉ tồn tại được đến khi Thái Hà về hưu, thêm một hai đuôi nữa, rồi cũng dẹp. Thực ra, từ thời Đoàn Từ Huyến, Văn học Nước ngoài đã chủ trương chỉ đăng những bài có chất lượng. Nhiều hội viên gửi bài đến không được đăng, họ thắc mắc, cho làtạp chí của một số người, không phải của Hội. Hơn nữa, đa số hội viên, dù phát không, cũng không chịu đọc. Họ thấy Văn học Nước ngoài xa lạ với họ!

Không gian đọc tại Không gian văn hóa Đông Tây  thuộc Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây

Rời Văn học Nước ngoài, Đoàn Tử Huyến thành lập Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây. Anh tổ chức những buổi gặp gỡ, giao lữu giữa anh em trí thức, văn nghệ sĩ, những buổi nói chuyện chuyên đề, giới thiệu sách. Huyến còn mở những cà phê -sách cho sinh viên thiếu chỗ học và người thiếu sách thì đến đọc. Có lẽ, đây là một không gian văn hóađầu tiên trước cả Cà phê thứ 7 của Dương Thụ. Tôi cũng đã giới thiệu một đôi tác phẩm của mình ở nơi này. Diễn giả, người dẫn, người nghe đều nghiêm túc nhưng rất vui vẻ. Trung tâm Văn hóaĐông  Tây của Huyến là những bước đi đầu tiên trong việc xây dựng một xã hội dân sự, công việc đang tiến triển tốt đẹp thì cách đây 4 năm anh bị xuất huyết não, bị mổ và mất trí nhớ. Công việc đành để cậu em trai, Đoàn Tử Hoan, cai quản.

Tháng trước, tôi cùng Nguyễn Đức Mậu đến nhà thăm Đoàn Tử Huyến. Anh ồ à rất vui khi gặp mặt tôi. Huyến không nhớ tôi là ai, nhưng anh nhớ rõ tôi như thế nào. Anh em ngồi uống nước. Huyến hai ba lần nói: tôi không nhớ tên anh, nhưng tôi biết anh rất rõ. Anh kể ra một vài kỷ niệm giữa tôi và anh mà anh còn nhớ được. Rồi anh lật đật kéo tay tôi từ phòng khách vào phòng ngủ, mở máy tính chỉ cho tôi xem những bức ảnh của tôi. Tôi thật sự cảm động. Huyến, thế mà hôm nay (22 -11) anh đã đi rồi. Anh đã sống một cuộc đời tự do, nhiều niềm vui và không ít cực nhọc. Để rồi ra đi một cách thanh thản.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434752

Hôm nay

223

Hôm qua

2349

Tuần này

21402

Tháng này

211800

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434752