Người xứ Nghệ

Dòng họ Lê ở làng Trung Cần với việc lập thư viện tư gia và nối đời khoa bảng

Dòng họ Lê Nguyên ở làng Trung Cần, xã Nam Trung (nay thuộc xã Trung Phúc Cường), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là dòng họ nổi tiếng có truyền thống hiếu học và khoa bảng. Dòng họ còn nổi tiếng khi Cử nhân Lê Nguyên Trung đã cho lập thư viện gia đình để phục vụ cho việc học tập theo sách của dòng họ và nhân dân trong vùng.

Lê Nguyên Trung, còn có tên là Lê Tráng Lượng, húy là Nguyễn Huệ (trùng tên với vua Quang Trung, triều Tây Sơn), vì học giỏi, nên được vua nhà Nguyễn yêu quí đổi tên cho là Nguyên Trung (với ý là cần trung thành với triều Nguyễn), tên hiệu là Chỉ Trai, sinh năm Ất Tỵ (1784) - mất năm Kỷ Dậu (1849). Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo. Thi đậu Cử nhân khoa Quý Dậu, năm Gia Long thứ 12 (1813). Năm Minh Mệnh nguyên niên (1820) được bổ làm Tri huyện Hoằng Hóa, rồi Tri huyện Thiệu Lộc (Thanh Hóa), được triều đình ban khen do làm việc rất công minh. Ông được thăng trải các chức: Tri phủ Khoái Châu, Đốc học Phú Yên, Lang trung bộ Hộ, Hiệp lý Gia Định, Hiệp trấn Bình Thuận, Lễ bộ Tả Thị lang, Bố chính Quảng Nghĩa, Hắc sát sứ, Lại bộ Chủ sự, Năm Triệu Trị nguyên niên (1841), ông được điều làm Án sát Hưng Yên, rồi Bố chính Hà Nội, Nam Định. Năm Tự Đức nguyên niên (1848) được bổ làm Tuần vũ Bình Định, Hộ lý Tổng đốc Bình Phú quan phòng. Năm Tự Đức thứ 2 (1849), ngày 19/10, ông qua đời, hưởng thọ 65 tuổi.

Nhà thờ họ Lê, nơi phụng thờ Lê Nguyên Trung, làng Trung Cần, huyện Nam Đàn ( Ảnh Hồ Phong)

Gần 30 năm, ông làm quan qua 9 tỉnh, thành, là người giàu lòng nhân ái, trung nghĩa, ghét kẻ tham lam, quở trách phường xu nịnh. Đối với người lầm lỡ, ông lấy lời giảng giải: Không thể dùng vàng bạc để đổi lấy mạng con người. Thấy dân tình cực khổ, ông dâng sơ trình vua xin miễn giảm thuế đinh, thuế điền cho 224 xã. Vua phê rằng: Lòng ưu ái của nhà ngươi chất chứa trong lời văn. Vua ghi vào sớ trình:Miễn cho dân, thi hành ngay. Xuất thân từ nhà nghèo, nên khi làm quan, ông đã dành một phần lương bổng giúp đỡ người nghèo trong làng xóm, đặt ra hương hiền, nghĩa điền, để làm việc công đức và cứu giúp dân… Vợ ông cũng là người lấy công đức làm đầu, cần kiệm chăm lo việc nuôi dạy con cháu để ông lo việc nước. Bài ký bia đá Nghĩa điền (Nghĩa điền bi ký), được khắc năm Tự Đức thứ 2 (1849), do Thám hoa Nguyễn Văn Giao, hiệu Đạm Như và Cử nhân Lê Nguyên Thứ đồng soạn, hiện còn lưu ở xã Nam Trung. Bản văn bia do Nguyễn Nhân Lục dịch có ghi:

Kẻ cả ở trong làng làm điều gì có lợi cho người thì người ghi nhớ. Đúng vậy:

Trưởng quan họ Lê trích lương bổng của mình một ngàn sáu mươi quan tiền tạu 10 mẫu ruộng. Thọ ông họ Nguyễn xuất gia tư sáu trăm quan tiền tạu 3 mẫu ruộng. Làng ta nhiều người ca ngợi: Tiết kiệm để xuất của cung cấp ruộng đất dùng vào việc chung, một phần phụ trợ vào đinh thuế, một phần để tế tự thần linh. Cung cấp cho dân để làm lợi cho dân…

Trưởng quan húy Huệ, tên là Nguyên Trung, sau khi đỗ Hương tiến, bổ làm quan tỉnh, thăng đến Bình Phú Tổng đốc, nhã ý tu bổ đền chùa ở quê hương, mua sắm tế khí, đỉnh đồng, lư hương bằng số tiền 200 quan, trợ cấp cho người vào đinh và để chi tiêu vào việc chung…

Ngoài việc đóng góp tiền của để làm việc thiện, thì ông Lê Nguyên Trung còn bỏ tiền lương bổng để sưu tầm, mua sách quí, tích góp xây dựng thư viện phục vụ việc dạy và học hành, bồi bổ kiến thức cho con cháu gia đình, dòng họ và bà con ở quê nhà. Để phát huy việc bảo vệ, sử dụng khai thác tri thức trong sách được tốt, ông đã phân chia sách thành từng môn loại chi tiết để sắp xếp lên giá một cách khoa học, cụ thể, dễ tìm. Ông lại cho đóng sổ để ghi chép tên sách, tên người mượn, trả sách để quản lý tránh mất mát như hình thức nghiệp vụ và phục vụ bạn đọc của một thư viện hiện nay… Những việc đó còn được ghi chép trong bài ký Lê Thị tích thư ký của Chỉ Trai - Lê Nguyên Trung (hiện còn lưu ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam). Bài ký này nói đến ý nghĩa của sách, tầm quan trọng và ý nghĩa của việc chứa sách, mục đích tổ chức sắp xếp sách và tổ chức Thư viện nói chung. Phần dịch toàn bộ nội dung của bài ký như sau:

Bài ký về việc chứa sách của họ Lê:

Người chứa sách cần phải năng đọc sách, lại phải biết kính cẩn giữ gìn sách mới được. Xưa kia có người cứ đến ngày Canh Tý thì làm lễ bái kính. Chẳng phái họ biết tôn trọng kinh sách và giữ gìn sách làm sao?

Tôi đi làm quan đã lâu, tiêu pha tằn tiện, hễ có thừa tiêu tôi đem mua sách để dành. Hễ mua được thì bộ đóng thành bộ ấy và tự yên ủi "Ấy là ruộng báu của nhà ta". Tôi chưa có thể đọc hết được các sách ấy, nhưng tôi giữ gìn thật kính cẩn. Tôi lại muốn con cháu đời đời kính giữ, bèn đóng giá xếp lên, sau này sẽ đem đặt ở nhà thờ là nơi chốn để con cháu được kính giữ. Tôi mới làm một cái biển, chia theo từng loại ghi rõ thành 7 mục: 1- Kinh, 2- Thi, 3- sử, 4- Tử, 5- Tập, 6- Cử nghệ, 7- Tạp trứ.

Sau này có sách thêm thì thêm số hiệu tiếp tục ghi vào đấy. Cần phải lau quét luôn để sách khỏi nát.

Bên cạnh tủ sách tôi có quyển sổ ghi đủ 4 chi họ, ai cũng có thể mượn về đọc, ai mượn thì ghi rõ vào cuối bảng khi trả lại, xóa tên đi. Việc này không thể sao lãng để khỏi mất sách. (Đã đành) chứa sách không bằng tích lũy làm điều thiện. Ta (đáng tiếc) thật chưa tích lũy được nhiều điều thiện. Tuy nhiên trung, hiếu là của báu của nhà Nho, Kinh sử là là của cải ruộng nương nhà Nho. Con cháu ta quả thật biết việc học hành, việc cấy trồng là cần thiết thì biết gắng sức học tập. Biết học tập thì biết kính giữ sách, không để thất lạc, ngõ hầu không bỏ ruộng hoang của mình, không bỏ rơi của báu của mình, gắng sức tiến lên làm điều thiện. Như thế thì sẽ không phụ tấm lòng yêu thích chứa sách của ta.

Ngày 5 tháng 5, Bính Ngọ, niên hiệu Thiệu Trị (1846) Chỉ Trai chủ nhân.

(Bài ký trên dẫn theo Dương Bích Hồng. Lịch sử Thư viện Việt Nam trong tiến trình văn hóa dân tộc.- H., Vụ Thư viện - Bộ VHTT, 1999.- Tr. 85-86).

Việc lập Thư viện gia đình và mong muốn để giúp cho con cháu và nhân dân trong vùng có nhiều sách để giúp việc dạy và học tập, để có nhiều người thi cử đậu đạt, giúp ích cho đời của Chỉ Trai đã được thỏa nguyện. Vùng đất Trung Cần, xã Nam Trung và các làng phụ cận đã nổi tiếng là vùng quê có nhiều nhà Nho, nhiều người thi cử đậu đạt khoa bảng, có nhiều nhân tài vào loại đứng đầu các làng xã ở xứ Nghệ và đất nước. Hàng đại khoa có: Thám hoa Nguyễn Văn Giao và Nguyễn Đức Đạt; Song nguyên (Giải nguyên, Đình nguyễn) Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập; Song nguyên (Hội nguyên, Đình nguyên) Hoàng giáp Nguyễn Đức Quí; Đồng tam giáp Tiến sĩ Lê Bá Hoan; các Phó bảng Nguyễn Đức Đảng, Nguyễn Tư Tái; và rất nhiều Cử nhân, Tú tài khác…Đặc biệt, con cháu dòng họ Lê Nguyên xưa nay đều nối nhau học giỏi, thi cử đậu đạt, có nhiều công lao đóng góp cho lịch sử nước nhà và cách mạng.

Con trai đầu của Lê Nguyên Trung là Lê Nguyên Thứ, đậu Cử nhân khoa Tân Sửu (1841); con thứ Lê Nguyên Ý, đậu Tú tài. Con đầu Nguyên Thứ là Lê Bá Đôn, đậu Tú tài năm 17 tuổi, đậu Giải nguyên thi hương khoa Đinh Mão (1867), làm quan trải các chức: Giáo thụ phủ Quảng Ninh, rồi Thông phán phủ Thừa Thiên, Tri huyện Yên Định, Chủ sự bộ Lễ, thăng Viên Ngoại lang, Lang trung, Đổng lý, Hàn lâm viện, Thị giảng học sĩ, Đốc học Quảng Trị, Thị độc học sĩ, Học chính Bình Định (2 lần), Tư nghiệp Quốc Tử Giám, tước Hồng lô Tự khanh, Khâm phái sơn lăng Ninh Bình, Bố chính Thanh Hóa. Con trai đầu Bá Đôn là Lê Bá Hoan, đậu Cử nhân, rồi đậu Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1892), làm quan đến Phó đô Ngự sử. Con trai Bá Hoan là Lê Nguyên Khái, đậu Cử nhân khoa Mậu Ngọ (1918). Con trai duy nhất của Nguyên Khái là Lê Hồng Đạm, Đại đội trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Liệt sĩ chống Pháp; mẹ là Vương Thị Ái Hồng được tặng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng…

Ngoài nhà thờ họ, nơi thờ ông tổ Lê Nguyên Trung ở Trung Cần, dòng họ còn lưu giữ được nhiều di tích truyền thống, như 6 bia đá, nhiều đại tự, câu đối, sắc phong… Đặc biệt tại nhà thờ họ có bức biểu Long Phi, chữ sơn son, thiếp vàng, do vua ghi năm Tự Đức thứ nhất (1840) và được làm vào năm Đinh Hợi (1887) là lời của nhà vua ca ngợi đức nhân nghĩa, lo cho dân của Chỉ Trai - Lê Nguyên Trung trong khi làm quan cho triều đình. Bài dịch bức biểu của Lê Bá Cảnh có đoạn ghi việc nhà vua chấp nhận kiến nghị của Chỉ Trai xin miễn giảm thuế cho dân:

… Sẽ không còn lo sai sót, lính tráng có thể điều hòa, thuế má có thể giảm bớt. Làm quan trước hết phải tin dân. Ông nên cố gắng mà thực hành cho tốt, còn như những việc ông tỏ bày, Trẫm chấp nhận cả.

Các di tích về Cử nhân Lê Nguyên Trung và dòng họ Lê ở Trung Cần, Nam Đàn, Nghệ An xứng đáng được Nhà nước xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa để bảo vệ và góp phần tích cực cho việc giáo dục truyền thống ở địa phương.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441417

Hôm nay

2134

Hôm qua

2283

Tuần này

21321

Tháng này

216591

Tháng qua

112676

Tất cả

114441417