Người xứ Nghệ

Ông Tạ Quang Bửu - Tụ hội những phẩm chất của trí thức

Ông Tạ Quang Bửu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cuộc đời và sự nghiệp của ông Tạ Quang Bửu là một tấm gương điển hình trong việc dùng kiến thức, trí tuệ, bản lĩnh của mình để phục vụ đất nước. Ở ông tụ hội những phẩm chất quý của trí thức xứ Nghệ; ông không chỉ là chính khách, mà còn là một nhân sĩ.

Học vì khát khao hiểu biết chứ không phải vì bằng cấp để làm quan

Ông Tạ Quang Bửu sinh ngày 23 tháng 7 năm 1910, trong một gia đình nhà giáo tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1917, nghĩa là lúc mới 7 tuổi, ông đã lập được thành tích xuất sắc tại kỳ thi về chữ Hán ngữ - Văn hóa Việt - Toán được tổ chức tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Từ đây, ông đã trở nên nổi tiếng trong lĩnh vực học và thi. Năm 1922, ông thi vào trường Quốc học Huế. Sau đó ông ra Hà Nội học trường Bưởi. Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, ông Tạ Quang Bửu đã học ở những ngôi trường nổi tiếng nhất Việt Nam thời bấy giờ.

Năm 1929, sau khi đỗ đầu tú tài Việt và đỗ đầu tú tài Tây ban Toán, ông nhận được học bổng và sang châu Âu du học. Tại Pháp, ông thi đỗ vào Trường Centrale Paris năm 1930, theo học chương trình cử nhân khoa học ở Đại học Sorbonne, học Toán ở các trường Đại học Paris, Bordeaux. Ông đăng ký học lớp toán đặc biệt của trường Louis le Grand và học vật lý lý thuyết, đăng ký học cử nhân toán ở Viện Henri Poincaré. Ông còn đến nghe giảng ở giảng đường Hermite (dành cho cử nhân) lẫn tham dự các buổi seminar (học theo hình thức thảo luận) ở giảng đường Darboux (dành cho những người học trên đại học). Trong thời gian từ 1930 đến 1934 -khi học Trường Bordeaux, ông Tạ Quang Bửu được sang học và nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh) trong chương trình trao đổi. Tại đây ông học thêm vật lý lượng tử.

Như vậy là trong 5 năm du học ở châu Âu, ông Tạ Quang Bửu đã học nhiều bộ môn khoa học, từ toán, vật lý đến ngôn ngữ. Ngoài tiếng Việt, tiếng Pháp ra, ông còn biết cả tiếng Anh. Với quan niệm của mình, ông Tạ Quang Bửu học là để biết, để lấy kiến thức chứ không vì bằng cấp. Ông rất ít thi để lấy bằng, ông học vì khát khao hiểu biết.

Năm 1934, ông Tạ Quang Bửu trở về Việt Nam. Với kiến thức và sự nổi tiếng trong việc học, ông hoàn toàn có thể tìm một chỗ tốt trong chốn quan trường nhưng ông không ra làm quan mà đi dạy học. Ông cũng không dạy trường công, mà dạy toán và tiếng Anh tại trường tư. Ban đầu ông dạy ở trường Phú Xuân, sau là trường dòng Providence (Thiên Hựu) ở Huế. Ngoài dạy tiếng Anh, toán, lý, hóa ra, ông còn dạy các môn khoa học tự nhiên khác theo yêu cầu của nhà trường. Các môn này (động vật, thực vật, khoáng vật) ông tự nghiên cứu trong sách chuyên ngành cao hơn nhiều so với chương trình trung học rồi lên lớp với những mẫu hiện vật tự sưu tầm. Phải nói rõ thêm là ông Tạ Quang Bửu có năng lực tự học rất cao. Giáo sư Lê Văn Thiêm cho rằng, nhà khoa học Tạ Quang Bửu có năng lực tự học “ở mức huyền thoại”. Ông vừa dạy học, vừa tự làm giàu kiến thức của mình. Chính vì thế, ông có thể làm tốt nhiều việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Không chỉ là nhà nghiên cứu lý thuyết, ông Tạ Quang Bửu đã gắn nghiên cứu khoa học với thực tế cuộc sống. Ông tham gia nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật cho hoạt động công nghiệp mới phát triển ở Việt Nam lúc bấy giờ. Ông đã thiết kế nhiều bộ phận cho các nhà máy điện, tái sinh dầu nhờn cho Quy Nhơn. Ông cũng là người đã thiết kế đường dây điện cao thế cho nhà máy vôi Long Thọ. Vì thành tích này, người Pháp đã tặng ông Huân chương Bắc đẩu nhưng ông đã từ chối. Ở đây ông Tạ Quang Bửu đã thể hiện những phẩm chất quý nhất của trí thức: học để hiểu biết, làm việc vì thấy có ích chứ không phải vì danh tiếng.

Quan trọng là làm được gì chứ không phải giữ chức vụ gì

Tháng 8/1945, trong không khí cách mạng sôi sục, ông Tạ Quang Bửu từ miền Trung ra Hà Nội để tham gia vào những sự kiện có ý nghĩa lớn. Ông làm việc với sự hăng hái, nhiệt tình để phục vụ lợi ích của đất nước mình, dân tộc mình. Có lẽ ông Tạ Quang Bửu là người đảm nhiệm nhiều vị trí công tác nhất trong bộ máy nhà nước trong suốt cuộc đời của mình, đặc biệt là trong những năm tháng chống Pháp và những năm đầu Chính phủ về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Điểm qua một số vị trí công tác của ông để thấy ông. Tháng 9/1945 đến tháng 1/1946, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ lâm thời (chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao do Hồ Chí Minh đảm nhận); ông phụ trách giao thiệp với Mỹ và Anh. Từ 11/1945 đến Ngày toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), ông vừa tham gia các công việc của Chính phủ, vừa giảng dạy Vật lý tại Trường Đại học Hà Nội. Từ 3/1946, ông được Quốc hội cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Tháng 6/1946, ông tham gia đoàn đàm phán ở Fontainebleau, được ông Phạm Văn Đồng cử sang Thụy Sĩ dự kỉ niệm 200 năm Hội Khoa học Thụy Sĩ. Tháng 7 năm 1947, ông vào Đảng. Từ 8/1947 đến 8/1948, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao. Năm 1954, ông tham gia đoàn đàm phán của Chính phủ ở Genève và thay mặt Việt Nam dân chủ cộng hòa ký Hiệp định Genève.

Khi Chính phủ về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, các hoạt động khoa học được đẩy mạnh. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được thành lập vào năm 1956; ông giữ chức Hiệu trưởng từ ngày thành lập đến 1961. Cũng trong thời gian này (từ 1957 đến 1959), ông nhận thêm nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng Tổ chức khoa học Việt. Từ 1959 đến 1976, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Ông là đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa I đến khoá VI, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt -Xô.

Ông Tạ Quang Bửu (đứng đầu bên phải) thời làm Bộ trưởng Bộ ĐH-GDCN 

Ông Tạ Quang Bửu đã giữ rất nhiều chức vụ khác nhau. Điều này là do yêu cầu của tổ chức, do đòi hỏi của tình hình đất nước lúc bấy giờ chứ không phải do mong muốn của ông. Điều có ý nghĩa nhất là ông Tạ Quang Bửu sống và hành động theo phương châm “Làm được những gì chứ không phải giữ chức vụ gì”

Ông đảm nhiệm nhiều vị trí để làm những công việc cụ thể chứ không phải để ra lệnh, để sai bảo ai đó.  Hơn thế nữa, ông không hề so bì cao thấp, thiệt hơn. Biểu hiện rõ nhất, tập trung nhất cho điều này là vào tháng 8/1948, chính ông đã đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cử ông Võ Nguyên giáp (vừa được phong Đại tướng vào ngày 28/5/1948) làm Bộ trưởng Quốc phòng, còn bản thân ông làm Thứ trưởng phụ trách công tác khoa học, kỹ thuật quân sự và chỉ đạo các cục quân giới, quân y, quân nhu, quân pháp,… Đây là một hành động mẫu mực về tầm nhìn, cách ứng xử của một trí thức.

Khi không làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nữa, ông Tạ Quang Bửu tập trung vào những việc cụ thể, đặc biệt là việc chế tạo và nâng cấp vũ khí. Mặc dù ông là người đưa ra ý tưởng, chỉ đạo thực hiện nhưng ông không nhận công lao, thành tích về mình. Năm 1952, ông Trần Đại Nghĩa được tuyên dương Anh hùng Lao động vì có công chế tạo nhiều loại vũ khí quan trọng. Ông Tạ Quang Bửu nói : “Người có công lao lớn nhất trong việc nghiên cứu, thiết kế và chế tạo các loại vũ khí có hỏa lực mạnh là anh Trần Đại Nghĩa. Anh rất xứng đáng là người trí thức Việt Nam đầu tiên được nhận vinh dự cao quý đó”. Còn ông Trần Đại Nghĩa lại nói :“Đúng là trong một số việc cụ thể, tôi trực tiếp làm nhiều hơn anh Bửu. Nhưng sở dĩ tôi có thể làm được những công việc ấy là nhờ luôn được anh Bửu chỉ dẫn, giúp đỡ và cộng tác ”.

Sự đóng góp của ông Tạ Quang Bửu là vô cùng có ý nghĩa trong thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám và trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Trong những năm làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, ông đã tỏ ra là một người nhìn xa trông rộng, thể hiện bản lĩnh, niềm tin của mình trong việc đào tạo cán bộ khoa học cốt cán cho đất nước. 

Bản lĩnh, niềm tin trong việc đào tạo và sử dụng nhân tài

Trong những năm giữ chức Bộ trưởng Bộ Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, ông Tạ Quang Bửu đã thể hiện được tầm nhìn và bản lĩnh của mình. Trong thời kỳ này, tình hình trong nước và quốc tế vô cùng phức tạp, rất không thuận lợi cho việc đào tạo cán bộ khoa học có trình độ cao. Lúc này đất nước Việt Nam đang bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc. Hơn thế nữa, cuộc chiến tranh đang diễn ra vô cùng khốc liệt. Tuy vậy, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu vẫn chủ trương đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý cho tương lai. Ngày ấy, có hai hình ảnh trái ngược nhau diễn ra. Hình ảnh thứ nhất là những thanh niên mặc áo lính, mang súng, khoác balô vào chiến trường đầy gian khổ, hy sinh. Hình ảnh thứ hai là một số thanh niên mặc comple, đi giày da, xách va li ra nước ngoài học tập.

Ai là những người tham gia dòng người thứ nhất? Ai là những người xứng đáng gia nhập dòng người thứ hai? Đây  là sự lựa chọn vô cùng khó khăn. Nhiều người cho rằng, con em của các nhà cách mạng thì cần phải được ưu tiên ra nước ngoài học tập, còn con của đại bộ phận những người bình thường thì phải cầm súng, khoác ba lô vào miền Nam chiến đấu. Bộ trưởng Tạ Quang Bửu không phản đối quan điểm, ông nhìn thấy cái lý ở đây. Tuy nhiên, ông đưa ra một tiêu chí có ý nghĩa hàng đầu là những ai có khả năng trong việc học tập, nghiên cứu thì cần ra nước ngoài học tập, dù đó là con của các nhà cách mạng, con của bộ trưởng, thứ trưởng hay là con của những nông dân.

Ông chủ trương giáo dục phải đi trước để chuẩn bị điều kiện cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, dù chiến tranh vẫn diễn ra ác liệt, hằng năm, Bộ Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp vẫn gửi hàng nghìn lưu học sinh, nghiên cứu sinh, thực tập sinh ra nước ngoài học tập.

Là người có bản lĩnh, có niềm tin, có tinh thần lạc quan nên việc hoạch định chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng Việt Nam thống nhất đã được chuẩn bị chu đáo và bài bản. Dù chiến tranh vẫn đang diễn ra nhưng Bộ trưởng Tạ Quang Bửu vẫn chủ trương tổ chức thi tuyển nghiêm cẩn. Với việc đặt ra chế độ thi cử công bằng, hợp lý, đề cao thực lực, nhiều con em của những gia đình cán bộ viên chức bình thường và những gia đình nghèo vẫn có cơ hội đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Ngày đó, nước ta tổ chức kỳ thi tuyển vào đại học với 3 khối - khối: A (toán, lý hóa), khối B (toán, hóa, sinh), khối C (văn, sử địa); tổ chức thi ở các tỉnh. Với cách thi tuyển sinh này, trong hàng chục năm, nước ta đã lựa chọn được những người xứng đáng vào học ở các trường đại học, cao đẳng của nước nhà và gửi những người xuất sắc đi học ở nước ngoài. Bộ trưởng Tạ Quang Bửu không căn cứ quá nhiều vào lý lịch. Vì vậy những ai đó không được vào đại học, hoặc không được đi học nước ngoài mặc dù thành tích học tập rất tốt là do địa phương chứ không do Bộ Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp.

Để giáo dục đại học phát triển có chất lượng và bền vững, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã sáng lập nên Tạp chí Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp. Đây là diễn đàn rất bổ ích đối với nền đại học nước nhà. Tiếc là sau khi kỷ niệm 30 năm thành lập và trao tặng Huân chương Lao động, người ta đã giải thể mất tạp chí này.

Trong những năm là Bộ trưởng Bộ Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, ông Tạ Quang Bửu được thể hiện được bản lĩnh của một trí thức. Thời kỳ này, trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa có những bất đồng sâu sắc. Ở Liên Xô lúc bấy giờ người ta nói nhiều về chủ nghĩa xét lại. Chính điều này khiến quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc đổ vỡ; Trung Quốc đã rút toàn bộ lưu học sinh của họ ở Liên Xô về nước. Điều này khiến nhiều lãnh đạo Việt Nam quan tâm và có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị Việt Nam cũng nên làm theo Trung Quốc, rút toàn bộ lưu học sinh từ Liên Xô về nước. Điều này khá tế nhị bởi vì lúc đó Trung Quốc ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Bộ trưởng Tạ Quang Bửu hiểu rõ điều này nhưng ông đã không rút hết lưu học sinh Việt Nam học ở Liên Xô về nước.  Ông chỉ rút một số lưu học sinh học một số ngành khoa học xã hội liên quan đến chính trị tư tưởng như triết học, luật học; ông vẫn duy trì số đông lưu học sinh Việt Nam học các ngành khoa học khác tại Liên Xô.

Bản lĩnh của Bộ trưởng Tạ Quang Bửu còn được thể hiện trong việc chọn người gửi đi nước ngoài làm làm phó tiến sĩ và tiến sĩ. Khác với sinh viên là chọn từ học sinh tốt nghiệp phổ thông, nghiên cứu sinh phải chọn những người đã làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, quản lý… trong các cơ quan nhà nước. Một tiêu chí quan trọng đối với những người này là họ phải là đảng viên vì ra nước ngoài học tập rất cần nhận thức sâu sắc về chính trị. Tuy nhiên, thực tế lúc bấy giờ là nhiều người có khả năng học sau đại học ở nước ngoài lại thường chưa phải là đảng viên. Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã bỏ qua điều đó. Và chính điều này đã cho phép Việt Nam có những nhà khoa học có những cống hiến có giá trị trong tương lai. Đội ngũ này khá đông nhưng chỉ cần nêu hai cái tên là đủ. Đó là Giáo sư Phan Đình Diệu và Nhà giáo Văn Như Cương. Hai người này không phải là đảng viên nhưng được gửi đi Liên Xô học tập nghiên cứu. Họ đã có những đóng góp vô cùng có giá trị cho đất nước. Giáo sư Phan Đình Diệu là người đặt nền móng cho khoa học máy tính ở Việt Nam; nhà giáo Văn Như Cương là người đã sáng lập lên hệ thống giáo dục ngoài công lập ở Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Nếu là người không có bản lĩnh, GS Tạ Quang Bửu đã không thể đào tạo được hàng chục ngàn các nhà khoa học trong thời kỳ cả nước tiến hành chiến tranh giải phóng miền Nam và bảo vệ miền Bắc. Do vậy khi chiến tranh kết thúc, nước nhà đã có một lực lượng cán bộ đủ sức đảm đương nhiệm vụ xây dựng đất nước Việt Nam thống nhất.

Là nhà khoa học lớn, GS Tạ Quang Bửu đã để lại nhiều công trình, tác phẩm có giá trị như: Thống kê thường thức, Vật lý cương yếu, Nguyên tử-Hạt nhân-Vũ trụ tuyến, Sống, Đại số các toán tử, Các mức điều chỉnh trong lý thuyết hệ thống , Viết thêm về các mức điều chỉnh trong lý thuyết hệ thống, Hạt cơ bản… Những công trình này góp phần khai sáng nhiều nhà khoa học Việt Nam sau này.

Là một trí thức tham gia bộ máy Chính phủ từ những ngày đầu thành lập nước, giữ nhiều chức vụ quan trọng, là đại biểu Quốc hội 6 khóa liền nhưng ông Tạ Quang Bửu được nhớ đến là một nhà khoa học, một nhân sĩ hơn là một chính khách. Chính điều này tạo nên tầm vóc lớn lao của ông.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443397

Hôm nay

2288

Hôm qua

2305

Tuần này

21210

Tháng này

218571

Tháng qua

112676

Tất cả

114443397