Người xứ Nghệ

Trần Hữu Thung, nhà thơ xứ Nghệ

Nhà thơ Trần Hữu Thung

Đòi hỏi sinh hoạt văn nghệ nhân dân, và đòi hỏi xuất hiện những nhà thơ nhân dân - ấy là một đòi hỏi thường xuyên trong đời sống lao động và chiến đấu của quần chúng; nhưng sự thực có lúc mang tính chất cấp bách khác thường. Buổi đầu kháng chiến chống Pháp là lúc như thế. Khi cuộc sống đầy thiếu thốn gian khổ, nhưng lại bừng bừng khí thế đổi đời; khi sách vở giấy mực hiếm hoi, mà nhu cầu ca hát, phô diễn thì hầu như ai ai cũng có. Những đêm bập bùng lửa trại, tiễn dân công, đón bộ đội về làng, sinh hoạt tổ đội, mạn đàm, bình nghị, chia quả thực… Những câu hò nối đuôi nhau suốt lượt đoàn dân công tiếp vận, câu này gọi câu kia, như không dứt trong đêm trên đường ra hỏa tuyến… Cộng đồng sáng tạo ấy là đặc điểm của thứ không khí ấy. Linh hoạt, gọn nhẹ, tìm đến ngay với cách nói quần chúng, ấy là ưu thế của thứ văn nghệ ấy. Không thể tách rời dấu ấn thời đại đó với đặc điểm và đóng góp nổi bật của một lớp nhà thơ như Trần Hữu Thung(*).

Những ai có tuổi đời lớn lên gắn với Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp đều nhớ có lúc thơ Trần Hữu Thung thật sự sống động trong sinh hoạt văn nghệ của Nhân dân, nhất là Nhân dân Thanh Nghệ Tĩnh, vùng tự do Khu Bốn cũ. Điều dễ nhận là ông khai thác tốt chất dặm vè truyền thống và có khả năng nhập cuộc vào ca dao. Ông từng viết: “Tôi tập làm ca dao”. Và quả có không ít câu thơ của ông có thể để lẫn vào ca dao:

                             Lúc đi giáo nỏ cầm tay

                   Lúc về súng lục cối xay đem về

                             Lúc sang đại bác moóc chê

                   Lúc về tàn rách, mũ mê thẹn thùng

                                                          (Đi, về)

                             Con cóc ngồi trên cọc tre

                 Nó trách Vĩnh Thụy nó chê Hải Thần

                             Lời vàng đã hẹn với dân

                   Cớ sao đem bắc lên cân những chì

                             Cóc buồn cóc khóc tỉ ti

                   Cóc thương, cóc giận kiếp bầy chó săn.

                                                          (Con cóc)

Thật ra, nhà thơ, người viết chuyên nghiệp làm ca dao, đó không phải là chuyện gì đáng sửng sốt. Có thể có bài hay, rồi theo thời gian, thơ họ lẫn vào kho tàng của Nhân dân, và đó là phần thưởng làm vẻ vang cho tác giả. Hoặc không hay, sẽ rơi ngay vào quên lãng, mất tăm trong thời gian. Điều đáng bàn ở đây, đối với một nhà thơ như Trần Hữu Thung, là thi liệu, cảm xúc, giọng điệu, cách nói quả có một dấu ấn ảnh hưởng đặc biệt của văn học dân gian, nhờ vào đó, thơ ông đến ngay được với quần chúng, nhập ngay được vào tiếng nói của họ, đáp ứng được ngay các yêu cầu phô diễn của họ.

Tuyên truyền kháng chiến - là mảng thơ Trần Hữu Thung thực hiện với rất nhiều hào hứng, nhiệt tình, và thực sự là có hiệu quả. Đánh Pháp, chửi bù nhìn và bè lũ tay sai là việc Nhân dân ta tiến hành bằng súng, gươm, cuốc thuổng, gậy gộc, và cả bằng thơ ca nữa, nhưng không phải giới thơ ca chuyên nghiệp đều có thể làm ngay và có hiệu quả. Riêng Trần Hữu Thung có thể làm ngay không chút e dè, ngần ngại, như các bài “ca dao” kể trên, và nhiều bài khác trong các hình thức ru con, dặm vè quen thuộc.

*

*   *

Bám chắc các chủ trương chính sách lớn của Đảng và Chính phủ, nhằm động viên, tuyên truyền kịp thời các nhiệm vụ cách mạng, trong phần thành công của nó, thơ Trần Hữu Thung có giá trị một thứ sử ca, gồm những việc cần nhớ, lưu lại sâu đậm trong ý thức nhân dân, không phải không có sức hấp dẫn nhất định. Để hiểu giá trị này cần đặt thơ Trần Hữu Thung vào một giai đoạn mà nhu cầu văn nghệ của Nhân dân là rất lớn, nhờ ở sức giải phóng của Cách mạng Tháng Tám, nhưng do vừa mới thoát khỏi ách thực dân phong kiến nên trình độ văn hóa, tinh thần của Nhân dân cần gấp rút được nâng cao. Tuyên truyền kháng chiến, kêu gọi thanh niên nhập ngũ, cổ động dân công tiếp vận, động viên xây dựng hậu phương, giúp đỡ thương binh, bộ đội, cổ lệ phong trào mẹ chiến sĩ, hô hào đóng thuế nông nghiệp…, tất cả đều trở thành chất liệu hồn nhiên, và… vô tận của thơ ca. Phát động quần chúng nông dân đấu tranh giảm tô và cải cách ruộng đất tiếp đó, là một cuộc vận động cách mạng dân chủ lớn, đòi hỏi một nhận thức căn bản mới, nhận thức về giai cấp, đối với tất cả đội ngũ sáng tác của chúng ta lúc ấy. Nhưng với Trần Hữu Thung là một bước phát triển tự nhiên, không có đứt nối, không có khủng hoảng. Ở đây không có nỗi xúc động từ ngoài vào mà là cách nói trực tiếp ý chí, hành động của người trong cuộc với một loạt những bài: Có chuỗi có xâu, Tố ra, Rạch hẳn làm hai, Đừng lầm, Cười được à, Chọn người chủ tọa, Mạn đàm quả thực… Chính do “nhập cuộc” nên ông có thể nói được những điều “gan ruột” của bà con nông dân trong một lối phô diễn tự nhiên không có gì là gắng gượng, khiên cưỡng.

Nhưng phải nói là đôi khi do quá sát gần, không tạo được một khoảng cách cần thiết giữa người viết và đối tượng, nên thơ ông cũng đồng thời mang những hạn chế lịch sử khó tránh trong nhận thức và tình cảm của cả một tầng lớp, của một thời:

                   Uốn càng cong tre vồng càng mạnh

                   Bưng càng thẳng trống đánh càng kêu

                   Nhằm người càng khổ càng nghèo

                   Càng bị áp bức càng cao tinh thần

Có áp bức có đấu tranh, đó là kinh nghiệm lịch sử mà Mác đã đúc kết. Nhưng không nhất thiết bất cứ ai đã là người cùng khổ nhất thì đều trở thành người cách mạng nhất.

*

*   *

Nhưng nếu Trần Hữu Thung chỉ dừng lại ở mục đích tuyên truyền cụ thể, nếu thơ ông chỉ là bản sao mờ nhạt các cuộc vận động quần chúng, các sinh hoạt chính trị qua từng thời kỳ, thì hẳn nó sẽ rơi vào lập tức sự quên lãng và tên tuổi của ông sẽ mai một đi như rất nhiều tên tuổi vô danh. Các phần giúp cho thơ ông vượt lên, không cần phải dựa vào một chiếu cố lịch sử nào vẫn là một bản lĩnh thơ có nét độc đáo, dẫu chưa phải thật dầy dặn và dồi dào tiềm lực, để có thể lưu lại cho ta không phải chỉ một số bài.

Kể chuyện - ấy là sở trường của Trần Hữu Thung. Ông không nặng phô diễn tâm tình. Những bài thơ được nhớ và phổ biến một thời của ông đều là thơ kể chuyện. Điều này một phần do quy định của hoàn cảnh: thơ ít được in mà cần được đọc, không chỉ đọc mà cần phô diễn, nên rất cần động tác, cần diễn biến của sự việc. Và người đọc Khu Bốn cũ nhớ những O Bưởi, Hai Tộ của Trần Hữu Thung chính nhờ vào chất truyện đó:

                   Làng tôi có o tên Bưởi

                   Tuổi vừa đôi tám hai mươi

                   Bụng dạ như gương, học một biết mười…

Kể chuyện đồng chí Tô, o Bưởi, hoặc để cho Hai Tộ “hò khoan”, dẫu là trong lối phô diễn gần với cách nghĩ của quần chúng, Trần Hữu Thung đã xác định chỗ đứng riêng của mình, chỗ đứng của người kể chuyện, của người làm thơ. Từ khởi điểm này sẽ có nhà thơ Trần Hữu Thung. Nhưng để phát triển và duy trì được nó lại là con đường khó, và kết quả không thể tính ở số lượng. Thời gian rồi sẽ làm một cuộc sàng lọc để chỉ giữ lại những gì phù hợp với quy luật của nghệ thuật, những gì thật sự mang chất thơ. Sự sàng lọc ấy rồi sẽ giữ lại cho ta bài thơ Thăm lúa, nơi bộc lộ rõ nhất bản lĩnh thơ Trần Hữu Thung.

Bài thơ, như ta đã biết, làm lời người vợ nhớ chồng trong khung cảnh sinh hoạt bình dị mà sống động, đầy màu sắc của hậu phương nông thôn. Lời người vợ nói chuyện nhà nhưng cho thấy bóng người chồng trong kỷ niệm - nơi tiền tuyến xa. Qua tâm sự người vợ ta thấy buổi tiễn đưa bịn rịn, buồn nhưng không làm con người trĩu xuống, và nỗi nhớ không dứt trong cách xa:

                             Cam ba lần có trái

                             Bưởi ba lần ra hoa

một nỗi nhớ vừa kín đáo vừa hồn nhiên, không che giấu:

                             Xòe bàn tay bấm đốt

                             Tính đã bốn năm ròng

                             Người ta bảo không trông

                             Ai cũng bảo không mong

                             Riêng em thì em nhớ…

Nhưng có niềm vui bù lại, trong công việc, trong tình yêu, trong niềm tin ngày chiến thắng, chồng về. Với Thăm lúa, Trần Hữu Thung vẫn như “hóa thân” vào người vợ, vào tâm trạng người hậu phương, người ở nhà. Với Thăm lúa, Trần Hữu Thung vẫn quen thuộc trong thể thơ 5 chữ, kết cấu theo lối dặm vè. Nhưng khác ca dao, khác các điệu dân ca, ru con mà ông thường vận dụng, ở đây Trần Hữu Thung có ý thức giữ cho được bản sắc riêng của mình, bản sắc người kể, nhà thơ. Phong vị dân gian, màu sắc địa phương là cái đã được chuyển hóa vào lời chữ, giọng điệu, vào cách cảm nghĩ của mình, chứ không còn trong dạng của chính bản thân nó, như một sự sao chép, mô phỏng, như một sản phẩm của cộng đồng - cũng là của vô danh, từ xưa truyền lại.

*

*   *

Từ những năm sáu mươi (thế kỷ trước), thơ Trần Hữu Thung trong những nỗ lực mới nhằm bám sát đời sống lao động, xây dựng trên đất nước, và trên địa bàn Nghệ Tĩnh quê hương thực ra không còn gây được sự chú ý lớn như thời kháng chiến chống Pháp. Tập thơ Đất quê mình (1971) và tiếp đó, Tiếng chim đồng (1975) nói chuyện sinh hoạt, làm ăn, cày bừa cấy gặt ở nông thôn; chuyện bà con nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể; chuyện những đổi mới thường ngày, rồi chuyện chiến đấu… Chẳng cần kể cho hết cũng đủ thấy đây là đề tài chung mà nhiều người viết cùng hướng tới, nhưng đạt cho được cách nói riêng, có phong vị riêng quả không phải dễ. Thật ra thì không phải là khó tìm trong Đất quê mình một tình yêu không dễ lẫn, một sự gắn bó thiết tha của nhà thơ đối với quê hương, trong cái vẻ khắc khổ riêng của nó, vùng quê Nghệ Tĩnh đất hẹp người đông, quanh năm vật lộn với lụt hạn, gió bão, với thiên nhiên khắc nghiệt hơn nhiều nơi, để giành từng hạt lúa, củ khoai…

Chưa có một chuyển biến thật mạnh về chất lượng, chưa kịp tự giàu có thêm, và còn ít biến hóa, thơ ông bị chìm đi. Có nhiều điều ông phải nhường cho người khác nói, có những chỗ ông nói thì người khác nói tốt hơn. Nếu có điều đáng chú ý trong sáng tác của Trần Hữu Thung ở các giai đoạn sau thì đó là một niềm thao thức lớn đối với lịch sử. Lịch sử dân tộc trên mảnh đất Hoan Diễn ngày xưa đầy các sự tích, các chiến công. Niềm thao thức đó trở đi trở lại nhiều lần trong ông và từng lúc, ông có dịp thể nghiệm như trong Ngày thu ấy - có phụ đề Khúc ca Cách mạng Tháng Tám (1957), Cờ đỏ bên sông Lam (1957), Kể chuyện Minh Khai (1961), và tập trung, nâng cao trong truyện thơ Gió Nam (1962). Gió Nam, như tên gọi, những cơn bão Lào, những vùng đất nóng, những da người xám nắng, cả tiếng to giọng… Gió Nam, đồng vọng tiếng lịch sử, cha ông. Gió Nam, theo nhịp võng ru, quá khứ thức dậy… Cảm hứng lịch sử, màu sắc địa phương, những chân dung người bộc trực kiên cường, những tính cách vừa phóng khoáng vừa khắc khổ, tinh thần khí lực có dư thừa, nhưng “thời thế” không cho thành đạt, những cuộc bạo động bị dìm trong máu, trong uất nghẹn, nhưng lời khảng khái vẫn vang ngân; những chiến sĩ lên giàn lửa, vẫn tiếp tục gọi lửa nơi những người sống… Có lẽ, tất cả đều là ngụ ý của người kể chuyện, qua những khổ thơ lúc dồn nén, khoắc khải, lúc dãn ra, vừa thư thái, vừa cổ kính…

Cho đến khi qua đời, cảm hứng lịch sử dường như vẫn sâu nặng ở Trần Hữu Thung, có điều nó đang tìm sự kết nối với cảm hứng thời sự. Đọc Vinh rực lửa (1969) trong chiến tranh, rồi đọc Ký ức đồng chiêm (1988) như một thứ biên niên sử, một bảo tàng của một vùng đất cổ, tôi cứ băn khoăn không biết cái dòng kênh xanh và cái viễn cảnh đầy lãng mạn của vùng quê sông Bùng có mối liên hệ hoặc duyên nợ gì với cái “dòng sông cụt”, sản phẩm của cái thời “sắp xếp lại giang sơn” vừa hài hước, vừa bi thảm như trong một truyện ngắn của Trương Huy San? Ông là người đến tận cùng đời mình vẫn gắn bó máu thịt với đất quê, do vậy, điều dễ hiểu ông cũng là người nhạy cảm nhất về những bước đi của nó… Đã từng hào hứng về nó, hẳn có lúc ông đã lao lung nghĩ suy và đau khổ về nó./.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số Tết Quý Mão 2023)

 


(*) 27-7-1925 – 31-7-1999.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442840

Hôm nay

236

Hôm qua

2318

Tuần này

2653

Tháng này

218014

Tháng qua

112676

Tất cả

114442840