Người xứ Nghệ

Tưởng nhớ Phan Mỹ(*)

Phan Mỹ, trước 1945 dạy học ở trường Thăng Long,Văn Lang, Hà Nội. Năm 1946, ông giữ trách nhiệm Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng. Từ 1947, ông là Chánh văn phòng Chủ tịch nước.

Hồi còn đi học, tôi đã biết tiếng giáo sư Phan Mỹ, dạy ở các trường tư thục Thăng Long và Văn Lang. Một dạo gia đình tôi ở nhờ nhà ông Cao Bắc Tiếu, nhà giáo, ở Mọc, Thượng Đình, nên có cơ hội được gặp cụ đồ Phan Điện. Ông Tiếu cho tôi biết cụ đồ Điện là cha của hai anh Phan Anh và Phan Mỹ, và kể vài chuyện về cung cách ngang tàng khác người của cụ đồ Điện, đặc biệt chuyện cụ ngang nhiên chửi Tây mà tụi nó không làm gì được. Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp ngày 9 - 3 - 1945, có lần tôi đọc báo và xem áp phích thấy thông báo cuộc nói chuyện của giáo sư Phan Mỹ về "Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc Ái Nhĩ Lan", tiếp đó nghe tin hiến binh Nhật bắt ông, rồi lại có tin ông đã trốn lên chiến khu Việt Minh. (Sau này, tôi tỉ tê hỏi chuyện anh Bảy(1), anh xác nhận những giai thoại cụ Phan Điện ghét Tây, chửi Tây, và còn kể thêm cho tôi nghe về cái "ngông’ của cụ. Chuyện hiến binh Nhật, anh nói: "Nó gọi anh đến (hiến binh Nhật nổi tiếng tàn ác, đóng tại ngôi nhà lớn của hãng dầu Shell, sau này là trụ sở Uỷ ban Khoa học Nhà nước của ta, góc phố Trần Hưng Đạo - Ngô Quyền) hoạnh họe, dọa nạt và giữ anh lại một đêm, chứ không bắt giam hẳn. Còn một chuyện nữa: Tôi nghe nói anh em Phan Anh, Phan Mỹ đều học rất giỏi, nhưng nhà nghèo, ông Mỹ tự nguyện ở nhà đi dạy học kiếm tiền gửi sang Pháp nuôi anh ăn học. Tôi đem chuyện này hỏi lại anh Bảy. Anh cười: "Tao cố kiết dạy ngày, dạy tối, dành dụm gửi sang cho ông ấy thỉnh thoảng một ít, chứ tao nuôi thế nào nổi ông ấy!".
Giữa tháng 12 - 1947, anh Quỳnh thủ trưởng cũ của tôi ở Ban tuyên truyền Liên khu II Hà Nội, trở lại tìm tôi - lúc ấy cơ quan chúng tôi đã chuyển xuống Văn Điển. Anh đưa tôi đi nhận công tác khác. Anh Đặng Trần Quỳnh (Quỳnh đen) bấy giờ đổi tên là Trần Sơn (Sơn sì) phó trưởng Ban liên lạc đặc biệt Bộ Quốc phòng(2). Dọc đường, anh bảo tôi đổi tên là Chính. Anh nói: Anh Phan Mỹ, Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng bảo tao kiếm cho anh một thằng tin cậy được, có một tí văn hóa, để vừa làm liên lạc vừa giúp được việc văn phòng. Tao giới thiệu mày. Anh đưa tôi vào Trạm 36 của Bộ Quốc phòng ở Quốc Oai, dặn tôi: "Anh Phan Mỹ bí danh là Lân. Hễ anh Lân đến, mày theo anh ấy". Anh Quỳnh vào văn phòng báo cáo, rồi đi luôn.
Trạm 36 khi ấy là đầu mối liên lạc của Bộ Quốc phòng. Người ra kẻ vào tấp nập suốt ngày. Bên ngoài, con đường chính của huyện lỵ Quốc Oai dày đặc người: dân tản cư, bộ đội và dân công, kẻ ngược người xuôi, hối hả. Tôi chờ hai ngày. Đến bữa thì vào ăn, cơm trạm cũng chẳng nhiều hơn suất cơm nắm ở mặt trận, nhưng được cái nóng sốt, bát đũa tử tế. Tối, tôi cùng một người bạn ghép hai chiếc ghế dài, nằm trở đầu đuôi chỉ đủ cho mỗi đứa ngả lưng và gác một chân, còn chân kia buông xuống đất hoặc ghếch lên vách, cũng ngủ được một lúc, vì đã quen ngủ vạ ngủ vật rồi. Trưa hôm sau, một anh đậm người, nước da trắng hồng hào, hơi thấp, mặc quần bộ đội nhưng va-rơi dạ đen, cách ăn mặc hơi xộc xệch nhưng dáng vẻ oai vệ, mắt sáng, tiếng sang sảng, bước vào trạm. Trưởng trạm vội nhường ghế cho anh ngồi gọi điện thoại. Anh gọi liền mấy lần. Linh tính báo cho tôi biết đấy chính là anh Lân. Nói xong, anh đứng lên nhìn một lượt khắp gian phòng, dừng mắt đúng vào tôi, anh hỏi to: "Ở đây cậu nào tên Chính?". Tôi đáp. Anh "hừm hừm" trong miệng, nhìn tôi từ đầu đến chân một cách thong thả. Tôi nghĩ, cứ như ông ấy đang ước lượng xem thằng nhóc này cao một mét mấy, nặng bấy nhiêu kilô! Anh hỏi: "Ai giới thiệu chú đến đây?", "Dạ, anh Sơn", "Chú cứ chờ ở đây, chiều sẽ có người đón". Anh đi khỏi, tôi thở phào nhẹ nhõm sau mấy phút gồng hết tinh thần của "chiến sỹ thủ đô" trước cái nhìn của anh. Chiều hôm ấy, anh Tiệp ra đón tôi vào văn phòng Bộ Quốc phòng.
Thú thật, mấy ngày đầu tôi rất sợ anh. Anh lừ lừ, ít nói, cái nhìn rất oai và giọng nói vang, rất "sang", khi nói, anh vào thẳng vấn đề, làm người đối thoại dễ lúng túng. Nhưng rồi cảm giác ban đầu tan dần, tôi thấy anh đối xử với tôi ôn tồn, thân mật và hay pha trò cười. Hàng ngày ba anh: Lân, Nguyễn Thương, Lê Văn Chánh đùa bỡn với nhau thật vui nhộn. Thấy tôi có vẻ hứng thú, các anh lần lượt kéo cả tôi, anh Ý, anh Tiệp vào cuộc, từ đó mọi ngăn cách, ngại ngùng giữa chúng tôi đều qua đi.
Thời ấy, chúng tôi cảm thấy như anh Bảy (Phan Mỹ) đề ra một phương châm bất thành văn: "Tối đa cho việc công, tối thiểu cho bản thân". Nói anh làm việc xả thân, hoặc quên mình, là nói hoàn toàn theo nghĩa đen của các từ ngữ này. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh anh trong Thu Đông 47, cũng chân đất, áo mảnh, chăn đơn, cũng bữa no bữa đói như tất cả anh em đi lùng sục từ rừng này qua núi khác, nhận việc anh giao xong, chúng tôi được dừng chân nghỉ ngơi, còn anh lại thoăn thoắt đi sang chỗ khác, ở đấy lại đang có việc, có người chờ anh. Mấy lần anh chẳng may bị ngã ngựa. Năm 1954 đi Chiến dịch Điện Biên anh bị tai nạn suýt chết mấy lần, sau này tôi hỏi lại, anh bảo: "Ờ phải. Tao cũng nghĩ là toi rồi." Còn trên Việt Bắc, có lần anh vào Trạm 62 của chúng tôi, người ướt lướt thướt vì anh mới lội sông nước lũ, bị cuốn trôi một quãng, ngồi cạnh bếp lửa để sưởi, anh cười khì "Thằng Chính thấy chưa, hà bá đâu có làm gì được anh". Thời gian làm thư ký riêng cho anh, tôi được giao lĩnh lương và giữ tất cả tiền nong lo chi tiêu cho anh từ may áo quần, mua xà phòng, thuốc lào, nộp tiền ăn… cái gì cần cho anh tôi phải liệu định, còn bản thân anh không bao giờ yêu cầu mua cho anh cái gì. Thỉnh thoảng đi công tác, anh mới lấy tiền. Tôi đưa nhiều, anh trả lại: "Chỗ này đủ rồi, mày đưa hết cho anh, ở nhà cần đến lấy gì mà tiêu?" cứ như đấy là tiền của tôi chứ không phải của anh! Anh em nào gặp khó khăn, anh bảo tôi lấy tiền riêng của anh giúp anh em, dù "quỹ" của anh cũng chẳng nhiều nhặn gì. Sau hòa bình, về Hà Nội, làm Thứ trưởng, rồi Bộ trưởng, anh vẫn sống thanh đạm, giản đơn. Có lần anh bảo Dụ và tôi theo anh đi địa phương công tác. Anh đem theo cơm nắm, dọc đường dừng xe xuống một bãi cỏ ăn, tránh sự tiếp đón của cơ sở.
Sức làm việc sôi sục, cuồn cuộn của anh Bảy là ở bên trong, ở thực chất chứ không lộ hẳn ra ngoài, vì bề ngoài anh rất bình tĩnh, có thể "tỉnh bơ" giữa lúc nước sôi lửa bỏng. Tôi cho rằng đây là một đặc điểm rất hiếm có của anh, quả là anh có năng lực thực hiện "dĩ bất biến ứng vạn biến". Làm việc gần anh ít lâu, dù chưa bao giờ thấy anh cuống cuồng, lập cập, dù từng gặp không ít trường hợp nguy cấp. Cũng chưa một lần thấy anh quát tháo, nạt nộ người này người kia. Anh lừ lừ, nòi gằn từng tiếng, thế đủ biết là anh giận lắm. Anh đăm chiêu, ngồi một mình, hoặc đi đi lại lại, mắt không chú mục vào cái gì, đó là anh đang lo lắng, sốt ruột, hoặc đang vắt óc tìm kế gỡ một thế bí nào đó. Anh có cách ra lệnh (rất quân sự) là đặt dần các câu hỏi cho người nhận lệnh trả lời, để tự người ấy nói ra điều phải làm, như thế sẽ nắm vững hơn và dễ nhớ hơn. (Sau này, tôi tham gia cải cách ruộng đất, đã bắt chước cách ấy của anh để hướng dẫn công việc cho cốt cán là bần cố nông, kết quả rất hiệu nghiệm). Khi giao cho tôi công việc gì phức tạp, anh hay lật đi lật lại để tự tôi nắm lấy vấn đề: nếu gặp tình huống thế này, thế kia, khác với dự kiến thì xử trí thế nào? Cũng có khi: "thế thôi - còn lại chú tự xoay sở".
Trong công việc, cũng có lúc anh Bảy cười cười, pha trò, hoặc chêm vào đấy một câu nói bỡn. Ai chưa quen, tưởng đó là chuyện đùa thì hố to. Bởi anh cười cợt là do tâm lý muốn tạo không khí tự nhiên, thoải mái, không coi việc ấy là khổ ải, là quá khó khăn bế tắc, chứ về thực chất anh rất nguyên tắc, trong công việc, thực sự anh không hề đại khái xuề xòa. Trong cơ quan chúng tôi, anh Bảy có tiếng là nguyên tắc. Anh chấp hành mệnh lệnh và chỉ thị cấp trên rất nghiêm, và đòi hỏi anh em cũng phải như thế. Bởi thế mà anh được cấp trên hết sức tin cậy, và đối với chúng tôi, anh cũng đặt tiêu chuẩn về sự tin cậy lên hàng đầu. Người hay phản ứng với anh, anh không định kiến. Nhưng dối trá, nịnh nọt thì anh quyết không dung. Anh rất tinh và rất tỉnh trước những kẻ xu nịnh.
Anh hay quan tâm giúp đỡ anh em, song không lạm dụng quyền của mình để ban ơn cho người thân tín. Khi giúp đỡ anh em với tư cách riêng tư, anh dùng tiền riêng, phần tiêu chuẩn riêng, với danh nghĩa cá nhân anh. Tôi đi công tác xa, anh cùng anh Đỗ thu xếp cho mẹ tôi một việc làm và có chổ ở ổn định. Tôi muốn đổi sang làm nghề báo, anh giúp tôi đạt nguyện vọng. Tôi cần có chỗ trú tạm để hàng ngày tiện đi khám bệnh, anh thu xếp cho gia đình tôi ở trong nhà anh một thời gian…
Cả dân tộc ta noi gương Bác Hồ. Theo tôi, anh Bảy là một trong những người noi gương Bác một cách trung thực và nhuần nhuyễn, nhất là về đạo đức, tác phong. Trong bản tính của anh hình như đã có sẵn đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư nên anh mới có thể làm theo Bác một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, vui vẻ đến thế. Anh là Chánh văn phòng liên tục hơn 12 năm (1947 - 1959), cứ thế làm theo Bác mà không cần nói ra, không cần ai nhấn mạnh rằng hơn một thập kỷ ấy anh luôn luôn là một trong những cộng sự gần gũi nhất của Bác Hồ.
Năm 1946, ta và Pháp thỏa thuận lập Ban liên kiểm, để giải quyết các sự cố va chạm, xung đột có thể xảy ra giữa lực lượng quân sự hai bên. Mỗi khi có chuyện, sĩ quan hai bên cùng đến xem xét, lập biên bản, xác định trách nhiệm, dàn xếp. Anh Bảy lúc ấy công tác tại Liên kiểm trung ương cùng với anh Lưu Văn Lợi, Lê Văn Giạng… dưới sự phụ trách chung của anh Hoàng Hữu Nam.
Anh Bảy kể với tôi nhiều chuyện mà anh tham gia, trong đó có hai chuyện liên quan đến cái tài châm chọc "đùa dai" của mình.
Một hôm ở Hà Nội xảy ra vụ lính Tây khiêu khích bắn vào dân ta trên hè phố, làm chết một người, bị thương mấy người. Đại diện hai bên trong Liên kiểm cùng đến hiện trường. Sĩ quan trưởng phái đoàn Pháp nói: lính Pháp bắn để tự vệ, vì bị khiêu khích. Anh Bảy kiên quyết buộc Pháp phải chịu trách nhiệm. Tranh luận rất căng. Anh yêu cầu trong biên bản ghi đầy đủ ý kiến của hai bên và ghi những người dân này bị "fusiller" bởi lính Pháp. Trưởng đoàn Pháp tức tối, nói anh Bảy hiểu sai, trong tiếng Pháp "fusiller" là bắn cố ý, bắn trong trường hợp xử bắn tội nhân. Anh Bảy cãi: "fusiller,c’est lui qui tire avec un fusil(1)" (và bảo nó về tra lại từ điển Larousse mà xem). Anh giả ngây ngô, làm nó tức điên lên. Sau, nó chịu ghi là lính Pháp lỡ tay bắn vào số người này và Pháp chịu trách nhiệm bồi thường, anh Bảy mới đồng ý rút bỏ từ "fusiller".
Lần khác anh ngồi máy bay với một quan năm Pháp vào Nha Trang dàn xếp một vụ xung đột ở ngoại thành (nội thành bị địch chiếm từ năm cuối 1945). Chiếc Morane cà tàng của quan Pháp thuộc loại vận tải quân sự, toàn ghế gỗ lởm chởm. Máy bay hạ cánh, lúc tên quan năm đứng lên chẳng may quần mắc vào chiếc đinh rách toạc. Cực chẳng đã, nó đành cứ thế bước ra, bên dưới có nhiều người Pháp đón, cả một số đầm. Lúc xuống thang, đi cạnh quan năm Pháp, anh Bảy nhè nhẹ vỗ lưng, ghé vào tai nói thầm "Je vous de’plore. Cà vous fait perdre la face!" (Tôi ái ngại cho ngài. Cái đó làm ngài mất mặt). Tên quan năm tự nhiên đỏ mặt, luống cuống cắm cổ phóng nhanh tới ô tô, mặc cho đồng bọn chờ bắt tay. Từ hôm ấy, mỗi lần đàm phán giáp mặt anh Bảy, tên kia tỏ ra rất lúng túng.
Anh Bảy "đấu" Tây quyết liệt thế, nhưng vẫn đúng phép xã giao. Còn đối với anh em nhà, anh đùa có lúc khá sắc cạnh, nhưng không bao giờ có ác ý, và tuyệt đối không trịch thượng. Nhiều người trong chúng tôi bắt chước anh, cũng thích đùa và biết đùa.
Anh Bảy của chúng tôi cương nghị biết bao, tươi vui biết bao!
Nhưng rồi ngày buồn đã đến.
Tháng 10 - 1981. Anh ốm, nhiều anh em tới thăm. Một hôm được tin anh đi mổ ở Liên Xô về. Tôi cùng Dụ vào thăm anh. Một lúc sau có hai anh lớn tuổi đến. Anh Bảy vẫn hồng hào, nhưng gầy gò và mệt mỏi. Không ngờ, anh nói chuyện vui vẻ, còn vạch bụng chỉ cho mọi người xem vết mổ: "Tay giáo sư mổ cho mình bảo vết mổ đẹp lắm". Quả là đẹp: đường sẹo thẳng như kẻ chỉ, vết khâu đều tăm tắp, nhẵn lì. Anh Bảy cười khanh khách, pha trò, nói rất to. Anh biết, chúng tôi cũng biết, bên trong vết mổ rất đẹp ấy vẫn còn nguyên căn bệnh hiểm nghèo, vô phương giải quyết. Anh ào ào một lúc, hai người khách cáo lui, anh mới ngồi xuống ghế, thở hổn hển. Chúng tôi dìu anh vào giường, anh tự nằm xuống.
- Chắc anh mệt lắm?
- Ừ, mệt lắm. Anh cố làm ra thế… cho khỏi buồn.
Anh lim dim, thở dốc một lúc rồi nói, bình thản:
- Kỳ này anh phăng teo, các em ạ… Thôi, các em về đi, anh cố ngủ xem.
Anh nhắm mắt lại, hơi thở đã nhẹ hơn. Chúng tôi tần ngần yên lặng một lúc, rồi nhè nhẹ ra hành lang với chị Chinh. Ai ngờ đó là lời cuối cùng anh nói với chúng tôi. Ba hôm sau, chúng tôi trở lại thăm anh. Đến chân cầu thang, có một cô y tá đi xuống. Tôi nói:
- Chúng tôi lên chỗ ông Phan Mỹ.
- Ông Phan Mỹ ạ? Đưa xuống "dưới kia" rồi.
Dù đã lường trước, chúng tôi vẫn bủn rủn cả chân tay. Anh Bảy không còn nữa? Anh Bảy của chúng tôi không còn nữa thật sao?

Hôm lễ tang anh, Dụ và tôi cùng đến nhưng tôi không đưa tiễn anh đến cùng. Tôi dừng lại ở góc đường nhìn theo. Trời bắt đầu mưa. Tôi đứng đấy, nước mắt hòa trong nước mưa. Đoàn xe khuất dần sau tấm màn nước trắng mờ. Câu Kiều lẩy làm tôi nấc lên: "Bắt phong trần…" Kia, anh đang đi vào cõi phong trần. Cái phong trần này là thật, không còn đùa nữa đâu!


(*) Phan M (1914 -1981) là em rut Lut sư Phan Anh. Ông tng gi chc v Chánh văn phòng B Quc phòng, Chánh văn phòng Ch tch nước.
(1)Tên mt ca Phan M.
(2)Sau này, trong kháng chiến chng M công tác ti B Tư lnh Thông tin liên lc.
(1)Đại ý tiếng Pháp là "b bn có nghĩa là nó cm súng bn", fusiller: bn.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443251

Hôm nay

2142

Hôm qua

2305

Tuần này

21064

Tháng này

218425

Tháng qua

112676

Tất cả

114443251