Người xứ Nghệ

Nguyễn Công Trứ: một cá nhân, một danh nhân (*)

Nói về người xưa, chúng ta rất dễ có những cách nhìn chủ quan, khách quan chưa nhất trí. Lấy con mắt của con người hôm nay để nhìn lại quá khứ, nhiều khi phát hiện ra được những khía cạnh sâu xa, nhưng cũng dễ vi phạm hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

Nguyễn Công Trứ có lẽ là người từng chịu nhiều sự bất công, ngay lúc sinh thời, mà ngay cả bây giờ khi người hậu thế bình luận đến ông. Ông sống dưới chế độ phong kiến, nhưng người ta cứ chê ông là đệ tử của lí thuyết phụ tử quân thần! Việc đàn áp khởi nghĩa nông dân, triều đình giao cho nhiều viên quan, Nguyễn Công Trứ chỉ là phụ tá cho một đạo binh trong nhiều đạo, thế mà không thấy ai nhắc đến các tướng khác, cứ một mực đổ riệt cho Nguyễn Công Trứ xem ông như là Tổng chỉ huy khủng bố khởi nghĩa! Những thú chơi phong nguyệt của các ông quan, các nhà nho ngày xưa thiếu gì, thế nhưng người ta cứ có ý kiến nặng nhẹ về tư tưởng hành lạc của Nguyễn Công Trứ. Thái độ công bằng, ý thức thực sự cầu thị khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều về ông.

Cuộc đời Nguyễn Công Trứ hầu như ai cũng rõ. Đỗ đầu thi Hương khi đã đứng tuổi, làm quan suốt 40 năm, ra Bắc vào Nam, đánh trận, khẩn hoang, chấm thi, xử kiện... ông đã hoạt động hăng hái trong thời gian dài. Quan lại và nho sĩ lúc bấy giờ cũng lắm kẻ tài ba, có người giữ chức vụ cao hơn ông, có người đi xa về gần hơn ông, nhiều tác phẩm và nhiều biệt tài hơn ông, nhưng ông lại là người được để ý nhiều hơn cả. Tại sao như vậy?

Chúng tôi cho rằng, để hiểu vấn đề này, nên tìm lại cái tâm lí, cái phong cách chung của các nhà nho thuở trước. Ngày xưa, con người không được phép cá thể hóa. Cái tài, cái tính của riêng mình tự mình không bao giờ nên tự bộc lộ cứ để cho quần chúng phán xét lấy. Còn nếu quần chúng có chỉ ra được thì mình cũng phải có cách nào đó mà tự giấu mình. Hồ Xuân Hương rất có cá tính, nhưng nàng cũng rất nhiều lần tự khép mình lại khi phải nói về mình, và còn băn khoăn xót xa khi tiếp nhận một vài dư­ luận (Thèo đảnh khen ai khéo đặt cho). Cao Bá Quát có nhiều phản ứng, song thực ra ta cũng ch­ưa hề thấy ông tự trình bày những nét cá tính hay phong cách. Nhà nho nào đấy, dù sắc sảo tài hoa đến đâu cũng không bao giờ quên mình vốn là một ông quan, một nhà mô phạm, còn có bổn phận phải gương mẫu, còn phải cẩn thận vì quan trên trông xuống, người ta trông vào. Thu mình lại trong một vài câu thơ tự trào, bộc lộ sự phản ứng qua một số như xét bất bình với hiện thực. Thế đã là có bản lĩnh! Muốn bộc lộ cái cá nhân văn hóa của mình, phải chờ đến thế kỉ XX, với những Tú Xương, Tản Đà, vì lúc này khuynh hướng tư­ sản đã có ảnh hưởng nhất định đến văn hóa Việt Nam. Các nhà nho tự phụ về cái tài, có ý thức về cái tài của mình, đã thấy xuất hiện từ Đào Duy Từ, Nguyễn Cư­ Trinh, hay trong lớp tài tử giai nhân từ thế kỉ XVIII, song họ đều cho ta thấy bóng dáng của một tầng lớp, một khuynh hướng, chứ không rõ ở một cá nhân nào. Đây là một vấn đề mà khi nào bàn đến lịch sử tư tưởng Việt Nam, chúng ta có thể lưu ý. Trong phạm vi trao đổi hôm nay, xin nói ngay rằng, khác với tất cả các nhà nho, các ông quan thuở trước, Nguyễn Công Trứ đã xuất hiện với cả một tư­ cách cá nhân văn hóa riêng tư. Ông luôn luôn tự bộc lộ cái riêng của mình, lúc nào cũng sống thực sự là mình, dám là mình giữa cái xô bồ của thế tục. Chính vì thế mà ông trở nên độc đáo, trở thành một hình ảnh, một nhân cách khiến mọi người phải quan tâm. Có thể tóm tắt cuộc đời và con người của Nguyễn Công Trứ trong bốn điểm cụ thể:

- Một giấc mộng công danh chủ yếu là con đường sự nghiệp;

- Một ngang tàng khinh thị bất chấp chìm nổi phong trần ;

- Một lòng yêu sự sống khẳng định lí t­ưởng dấn thân ;

- Một chí khí anh hùng đan xen phong cách tài tử.

Tất cả Nguyễn Công Trứ là ở trong bốn điểm ấy. Mà điều đặc biệt nhất là ở từng điểm một, Nguyễn Công Trứ luôn luôn tự thể hiện mình, không phân biệt với bất cứ ai. Mộng công danh, nho sĩ nào ngày xưa mà không xây đắp, nhưng không ai nói thẳng ra, hoặc có nói cũng cố phủ lên một tấm áo choàng để che bớt động cơ cụ thể. Nguyễn Công Trứ không cần giấu diếm. Không ai hiếu danh tột độ như ông. Chữ danh liền với chữ thân, thân đã có ắt danh âu phải có! Cái công danh là cái nợ nần! Dã thị giang sơn chung tú khí, quả nhiên đài các xuất danh công! Cái đầu óc danh vị thật nặng nề, mà danh đây lại hẳn hoi là cái chuyện làm quan: trước là sĩ, sau là khanh tướng! Các nho sĩ không ai nói trắng trợn đến như thế. Nhưng cái mộng công danh của ông cũng sớm bị thực tế cho thấy dở hay, lúc ấy thì ông lại ngang tàng thách thức, nhìn bọn công khanh với sự khinh thị rõ ràng: bọn con voi nằm bếp ỉa đầy nồi rang. Lúc ấy thì không cần đến công danh nữa, mà chỉ xem hội gió mây nào đó là chỗ cho ông thỏa chí tang bồng. Người có biết ta chăng thì chớ, không biết ta, ta vẫn là ta. Hẳn hoi là Nguyễn Công Trứ đã nhiều lần suy nghĩ từ trong tiềm thức rằng cuộc đời, cuộc công danh mà ông từng xem là món nợ là không có nghĩa gì. Nhưng ông đâu có thèm chọn cuộc đời nữa. Ông chọn sự sống. Ông luôn luôn tập trung sinh lực để sẵn sàng tham dự sự sống. Ông thả sức vẫy vùng cho khách trần ai biết mặt. Hội gió mây đối với ông buổi đầu tham dự là hội công danh “hơn nhau một tiếng công hầu”, trở thành một trường chiến đấu để tỏ mặt anh hùng hào kiệt, bất chấp những phong trần chìm nổi, bất chấp những thử thách chua cay. Ông đã tỏ ra ngang tàng khinh thị tất cả. Cái hiên ngang, khinh đời của ông cũng đường hoàng, thậm chí đến trắng trợn không chút e dè. Dân chúng xưa kia dám văng vào bọn quan to, nhưng là văng gián tiếp, văng không có sự hiện diện của đối tượng. Các quan cũng có thể văng nhau, nhưng chỉ trong trường hợp xung đột như trong chuyện Cao Bá Quát thấy “trên dưới đều chó”, còn thì họ vẫn nể nhau, không nể nữa thì cũng phải giữ gìn tư cách. Nguyễn Công Trứ không cần như thế. Ông vẫn là ông, ông khinh thì ông chửi, mà đã chửi thì bất chấp! Hết đù mẹ nhân tình, lại đến đù mẹ thằng nào! Đường hoàng một ông quan nhất nhị phẩm mà dám đem mo cau che đít bò, lại bảo đó là che miệng thế gian. Người ăn tiệc mừng mà ngang nhiên bảo gia chủ là bọn không có ruột gan, bảo bạn đồng liêu là rộng lượng như Thánh mới dám cố gắng dùng mày v.v... thì thật là bất chấp hết chỗ nói. Các quan ngày xưa ai dám như vậy. Cái văn hoá của họ là văn hóa cộng đồng phép tắc đã quy định cho họ rồi. Cái văn hóa của ông Trứ là của riêng ông, ông không tuân theo kỉ cư­ơng nào cả. Chính vì thế mà bao kẻ bị kỉ cương gò ép phải dựa vào ông, tưởng tượng lấy chút ngang tàng ông đã truyền cho họ.

Cái đặc sắc của Nguyễn Công Trứ là nhìn ông, người ta dễ dàng phân biệt được với bao nhiêu kẻ sĩ đồng thời. Bọn người này vô cùng đông đảo, nhưng dễ mấy ai có phẩm chất và cá tính như ông. Ông như lạc loài giữa khu vườn thế tục. Người ta, bao nhiêu kẻ có quyền có thế, cũng khoe khoang sách vở thánh hiền, nhưng họ nói một đàng làm một nẻo, mà ông thì chưa thấy gì chướng ngại giữa tri và hành. Họ nói an dân thì bóc lột dân hoặc mặc cho dân đói khổ, miễn là mình vinh thân phì gia. Ông thì chỉ dăm bảy tháng, lăn ra để đem lại cho dân 45.990 mẫu ruộng, lại cho phép lấy ruộng đó là tư­ điền. Họ nói trị quốc, bình thiên hạ mà suốt đời chỉ ru rú xó nhà, ông thì vào Nam ra Bắc, dẹp loạn để mưu cuộc thái bình, và ngay giữa chốn lam chướng sơn khê, biết thông cảm với nỗi niềm “nuôi cái cùng con” của bao nhiêu người vợ hiền lam lũ! Còn nữa! Có bao nhiêu kẻ sống dè dặt, bủn xỉn, tính toán, ông thì cởi mở, đàng hoàng, chẳng thèm so kè với bao nhiêu điều thách đố. Bọn họ lê lết với những ti tiện dưới mặt đất thì ông vẫy vùng cùng khoảng rộng trên trời cao. Đầu óc họ đen ngòm ác ý thì tâm hồn ông sáng chói điều lành. Cái bản sắc văn hoá trong cá nhân Nguyễn Công Trứ là như vậy.

Cũng chính vì thế mà hơn ai hết, Nguyễn Công Trứ đã khẳng định một lòng yêu sự sống. Điều này cũng rất hiếm ở những người đồng thời, những người cùng tầng lớp, cùng một khuôn đào tạo như ông. Ông có lần bắt chước bạn bè làng nho để suy nghĩ câu chuyện hành tàng. Ông cũng cho rằng: Xưa nay xuất xử thường hai lối, mãi thế rồi ta sẽ tính đây! Nhưng đó là nói tiếng nói chung với người chưa đạt vận đấy thôi. Cuộc đời ông bao giờ cũng xuất thế. Làm thơ nhắc đến chuyện ngoài vòng cương tỏa, chuyện tùng cúc tỉnh say cho có vẻ thế thôi, ông có bao giờ nghĩ đến chuyện ẩn dật. Nói chuyện xuất thế, ông nghĩ đến Khương Tử Nha, Nghiêm Lăng (Tòa đá Khương Côngáo xuân Nghiêm Tử) là trong thâm tâm, ông vẫn rắp ranh ra đóng góp với đời. Lòng ông bao giờ cũng sôi nổi, nóng bỏng đòi được sống, can đảm mà sống, sống đó là một sự đương nhiên. Dù cuộc đời có bày ra bao nhiêu chuyện ba chìm bảy nổi, người biết sống, ham sống vẫn không bao giờ từ khước cuộc đời, vẫn luôn luôn giữ cho hơi ấm của lòng tỏa ra, làm tan đi những khối băng lạnh giá. Yêu đời nên thực tình chọn sự sống, dù biết có thể gặp bao nhiêu phi lí, bất công, bao nhiêu đe dọa bởi những bất trắc, lọc lừa. Yêu sự sống nên vẫn khẳng khái dấn thân và không bao giờ thèm đổi sự dấn thân để lựa chọn sự dung thân hèn yếu. Kết thúc cuộc đời mình, Nguyễn Công Trứ nói đến cây thông và gọi mời, vừa gọi mời vừa thách thức. Ai mà chịu rét thì trèo với thông? Ai trong số chúng ta hôm qua, hôm nay và cả ngày mai nữa dám nhận lời mời đó?

Và vì thế, ngay ở đây cái bản sắc cá nhân Nguyễn Công Trứ vẫn lộ ra, khác thường mà hấp dẫn. Có thể nói đây là triết lí nhân sinh mà Nguyễn Công Trứ đem lại. Triết lí ấy, phải nói thực là chưa có ai trong lịch sử ta nói ra thành chữ thành lời. Có thể phân tích cuộc đời của danh sĩ này hay anh hùng kia để gặp những thực tế tương tự, nhưng phát biểu ra cho thành ngôn ngữ, thành hành động thì có lẽ chỉ có Nguyễn Công Trứ mà thôi.

Trong tâm t­ư sâu kín nhưng luôn luôn bộc lộ của mình, Nguyễn Công Trứ muốn trở thành một anh hùng, anh hùng trong trận mạc, anh hùng trong văn chương và anh hùng trong cả cuộc chơi nữa. Đó cũng là cái cá nhân văn hóa của ông hình như không ai có. Thật ra thì lịch sử không thiếu những nhân vật như thế này, nhưng mỗi người ở một lĩnh vực, Nguyễn Công Trứ thì làm được ở mọi môi trường (thời gian và không gian) và nơi đâu cũng tỏ ra xuất sắc lại có nhiều sáng kiến phi thường. Người anh hùng với người tài tử lúc nào cũng đồng hành với nhau, không hề làm hại nhau mà chỉ là để tô thêm bản sắc. Quan Tổng đốc ghé đầu nàng kĩ nữ, nhắc chuyện tâm tình rồi sau đó điềm nhiên hòa hợp “hoa tàn nhưng nhụy hãy còn t­ươi”. Không như Hồ Tôn Hiến sực tỉnh vì cái phương diện quốc gia cay nghiệt. Vị đại tướng cầm quân, tổ chức ngay những tối hát ả đào làm cho đàn sáo át cả tiếng trống cầm canh của binh trại. Và hơn thế nữa, lên với sư mà dắt theo cả những cô kĩ nữ, không quan tâm gì đến cảnh thanh tịnh của nhà chùa. Ai đó sẽ cho là ngất ngưởng, là ngoài khuôn phép, thậm chí đến đắc tội! Nhưng chỉ có người như Phan Bội Châu mới hiểu được sự thống nhất độc đáo của bản sắc anh hùng với phong cách tài tử mà thôi. Phan Bội Châu sẽ ca ngợi:

Sao như Uy Viễn tướng công nhỉ,

Say dắt cô đầu lên với s­ư.

Ở một mặt khác, thì đây chính là cái chơi rất độc đáo, rất văn hóa mà Nguyễn Công Trứ gọi là hành lạc. Nhiều ông đạo mạo không hiểu được, thường chê ông Trứ về điều này. Nhưng chính ông đã giải thích: “Theo thói chơi cũng là chơi vậy, biết màu chơi chưa dễ mấy người”. Không phải chỉ có khách làng chơi như lâu nay ta gặp. Có cả anh hùng tài tử có cả ông già tài tử. Tài tử này đã chọn nghệ thuật hát ả đào, vì đây là nghệ thuật đồng bộ, sôi nổi, say mê, bao gồm cả cầm, kì, thi, tửu. Càng về già, Nguyễn Công Trứ càng say s­ưa với ả đào, ở đó ông có thể vớt vát làm người anh hùng trong cuộc sống xướng ca, như ông tập trung làm nhiều bài thơ lịch sử. Xáo trời đất cổ kim kim cổ là như vậy. Cái bản sắc văn hóa rất diệu kì đó, bao nhiêu người không hiểu. Mà họ hiểu làm sao được, những tâm hồn cằn cỗi, không cằn cỗi thì ông co rút lại theo khuôn phép chúng làm sao thông cảm được với một khí phách ngang tàng. Thời nhân bất thức dữ tâm lạc, mượn phong tình mà trả nợ phong lưu. Thực chất cái hành lạc của đời ông là như vậy.

Vậy là cái đặc sắc của Nguyễn Công Trứ khiến mọi người phải quan tâm và khiến ông trở nên hấp dẫn, chính là ở bản sắc văn hoá cá nhân của ông. Chúng tôi cho rằng, lâu nay chúng ta thường nhìn ông như một nhà chính trị, một nhà quân sự, nhà kinh tế kiệt xuất và đồng thời là một nhà thơ, tất cả điều đó, đều là đúng, nhưng có lẽ phải đi hẳn vào bản chất mới thấy cái mới của ông, cái mà ông đư­a lại cho văn hóa Việt Nam. Tất cả những thành tích ở các mặt nói trên, ở người này hay người khác đều có thể đạt được, theo những mức độ khác nhau, nhưng cái bản sắc cá nhân văn hóa này thì ít người có được. Ở một mặt nào đấy, có thể nói là cách nhìn, cách đánh giá trước đây về một người, thường thiên về đạo đức, về công trạng và về cả lập trường nữa. Điều đó cũng thành nếp với chúng ta sau tháng 8-1945. Trước đây ta đứng trên lập trường phong kiến thì ta có thể nhìn Nguyễn Công Trứ là thiên về hành lạc; đến khi ta đứng trên lập trường công nông thì ta lại cho ông là tôn quân, là đàn áp nông dân. Ta chưa nhìn Nguyễn Công Trứ theo giác độ văn hóa, nên thấy không rõ và không giải đáp được điều mà ta thấy ông là một khối mâu thuẫn. Thực ra ông đã rất thành thực, đã dám là mình. Rồi đây, dưới thời lãng mạn và cả bây giờ nữa, chúng ta ai đã dám là mình như Nguyễn Công Trứ.

*
*    *

Xét về tư cách con người, Nguyễn Công Trứ đã hiện ra với chúng ta là một cá nhân văn hoá rõ rệt. Với lịch sử, với dân tộc, ông cũng xứng đáng là một danh nhân. Có lẽ đây là điều mà tất cả chúng ta đều công nhận. Danh nhân, vì ông có chiến công rõ rệt, đặc biệt là chiến công trên mặt trận khẩn hoang. Danh nhân, vì ông là con người mà tên tuổi đã đi vào lịch sử. Kể cả những người do lập trường thiên lệch mà phê phán thiên lệch, vẫn không thể đánh giá ông một cách khác được.

Nếu cần nói thêm ở đây thì cũng còn một số điều phải được nhận thức về ông. Trên kia tôi đã nói đến triết lí sống của Nguyễn Công Trứ. Ông không viết ra thành lời, ông không phải là nhà triết học. Nhưng cuộc đời ông chính là một bài học triết lí. Triết lí của ông là triết lí dấn thân. Dấn thân vì lí tưởng, vì sự nghiệp, vì quần chúng nhân dân. Lúc đầu, ta dễ tưởng rằng ông dấn thân vì lí thuyết trung quân, vì những tín điều của đạo đức Nho giáo. Nhưng dần dần ta thấy không đúng như vậy. Ông cố phục tùng nhà vua, ông có nói chẳng quân thần phụ tử đếch ra người, nhưng sự thực ông dấn thân là vì sự sống. Dấn thân chứ không bao giờ dung thân. Các nhà nho trước đây, hình như ai cũng có tư tưởng dung thân, và khi dung thân không được thì người ta ẩn thân. Nguyễn Công Trứ không bao giờ như thế cả.

Cũng ở cái triết lí sống này, Nguyễn Công Trứ lại tự chứng tỏ một tâm hồn cao rộng, một cuộc sống thanh bạch, khác xa với mọi người. Ai có thể nghĩ rằng một người như ông Trứ có đến hàng chục con trai con gái, có vợ hơn ông hai ba tuổi, và vợ thua ông đến bốn năm chục tuổi (đoán theo câu thơ “Ngũ thập niên tiền nhị thập tam”) mà khi về già lại không cửa, không nhà. Chính ông tự nói ra điều ấy:

Bảy chục về h­ưu còn ở trọ

Tám tuần góa vợ luống trở già!

Đấy là cảnh về hưu của một ông quan tương đương cấp bậc bộ trưởng! Không được phân phối nhà! Không có ruộng đất! Không có tiền riêng. Té ra bốn chục năm làm quan, ông không nghĩ đến mình một chút nào cả. Hình như cả thế giới tư bản, và xã hội chủ nghĩa trước đây, không có ai như ông Trứ cả. Đối với xã hội cũ thì đây quả là con người ta phải kính phục, nhất là con người ấy chỉ toàn làm lợi cho nước cho dân. Cạnh đó, Nguyễn Công Trứ còn nêu thêm cho chúng ta một bài học có lẽ là rất khó bắt chước. Ông vẫn là con người chơi bời ngông nghênh và nghịch ngợm từ thuở thiếu thời, nhưng cái chơi ấy không cản trở được sự nghiệp của ông. Sa vào trò cờ bạc, vào thú ăn chơi mà không bị tha hóa thì cũng có những hạn chế về mặt nọ mặt kia. Nguyễn Công Trứ thì không. Một tâm hồn lãng mạn không thể hại đến chí chiến đấu, nếu quả người ta muốn chiến đấu. Các nhà nho xưa, ai cảm thấy thiếu bản lĩnh thì phải tránh xa. Nguyễn Công Trứ cứ lao vào, mà vẫn giữ được con người thanh bạch, giữ được chí khí hào hùng và làm nên sự nghiệp. Hoan hô ông ở điểm đó.

Cuối cùng, vẫn là xét về tư cách văn hóa, còn rất đáng chú ý đến ông đối với văn chương quốc âm và lối hát ả đào. Xin để dành cho những bạn có công phu chuyên khảo về những đề tài này. Chỉ xin nói qua rằng, đây cũng là điều độc đáo của ông. Suốt đời vùi đầu với Hán tự, mà chỉ để lại có một bài thơ chữ nho, còn thì làm văn toàn bằng tiếng Việt. Quả là một sự lạ lùng, chưa cắt nghĩa được. Văn ca trù có từ Lê Đức Mao, qua ba thế kỉ, không thấy có ai sử dụng. Phải chờ Nguyễn Công Trứ mới có bạn tri âm. Ông là người có công đầu mở ra trường phái ca trù, nếu có thể nói được như thế (Cao Bá Quát là sau ông, và lại cũng chỉ có Cao Bá Quát thôi). Hiện tượng này cũng đáng để cho các nhà văn học sử lưu ý.



(*) In theo Nguyễn Công Trứ con người, cuộc đời và thơ, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1996.

Vũ Ngọc Khánh: sinh 1926, quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh, Giáo sư Viện Văn hoá dân gian.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434787

Hôm nay

258

Hôm qua

2349

Tuần này

21437

Tháng này

211835

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434787