Người xứ Nghệ

Nguyễn Du trong tâm tưởng Nguyễn Hành

NHÂN dịp kỷ niệm 192 năm ngày mất Nguyễn Du: ngày 10/8 Canh Thìn (16/9/1820 - 16/9/2012), chúng tôi xin trích sao, phiên dịch, giới thiệu 4 bài thơ của Nam Song Nguyễn Hành viết về Nguyễn Du, chú ruột của ông, vừa là hai chú cháu được xếp trong năm “An Nam ngũ tuyệt”, danh hiệu cao quý trong văn học đương thời.

Các bài thơ đó, chép rải rác trong hai tập thơ văn: “Quan Đông Hải” và “Minh Quyên thi tập”, nguyên bản chữ Hán, thuộc loại sách cổ sao lục, hiện lưu giữ ở Bảo tàng Khu lưu niệm Nguyễn Du, chưa được kiểm định, phiên dich, xuất bản. Riêng tập Minh Quyên có một bài đã được Hợp tuyển thi văn Việt Nam (TK 18 - 19) phiên âm, dịch nghĩa nhưng chưa có thơ dịch. Số bài trong cả hai tập thơ chỉ được phân chia theo thể loại mà thôi, không có kí hiệu từng bài. Chúng tôi tạm đánh số trang và số thứ tự từng bài, tạo thêm thuận tiện khi cần tra cứu.

QUAN ĐÔNG HẢI (3 BÀI)

Bài 1:

Phiên âm: Tống Thúc phụ Đông các Đại học sĩ phó Nam Kinh (bài 14 Sđd)

Hồng Ngư đa tú khí

Phu tử độc trì danh

Bào mã đương triều quí

Thuần lô cố viên tình

Châu lư phương thuộc vọng

Tinh phái cự đăng trình

Hạo hao Tam Giang thủy

Phong đào tự thản bình

Dịch nghĩa

Tiễn chú là Đông các Đại học sĩ đi Nam Kinh(1)

(Vùng đất) Hồng Ngư(2) có nhiều danh thắng

Phu tử là (một trong những) người nổi danh

Áo bào, ngựa béo, triều đình đang trọng vọng

Rau thuần, cá gỏi(3) vốn quen tình quê cũ

Sống ở thôn quê vẫn là nơi sở nguyện,

Nay cờ quạt đã vội lên đường

Cuồn cuộn nước Tam Giang(4)

Sóng gió tạm phẳng lặng…

Dịch thơ:

Hồng ngư, đất danh thắng

Nơi Phu tử thành danh,

Ngựa xe, triều trọng vọng

Thuần lô, đất nghĩa tình

Thôn quê, vốn sở nguyện

Cờ quạt, vội đăng trình

Nước Tam Giang cuồn cuộn

Sóng gió tạm yên bình

Bài 2

Phiên âm:  Hỷ Thúc phụ Thường Tín phủ tri phủ  giải quan quy (bài 106 sđd)

Thanh bình, hà sự cố từ quan?

Dũng thoái, tri công ý sở an

Liệt tước, dĩ tòng thiên hạ đắc

Lĩnh danh, ưng vĩ ngã gia hoàn

Bạch Vân bản thị vô tâm xuất

Phi điểu nghi ư vị quyển hoàn

Chỉ nhật, cố viên bồi thắng hội

Tuế hàn tùng cúc tịnh tương khan

Dịch nghĩa:

Mừng chú là Tri phủ phủ Thường

Tín xin từ quan về nghỉ

(Đất nước) đã thanh bình, cớ sao phải từ quan?

Xin về bằng được, ý định của chú(5) là về hẳn để yên nghỉ

(Nói về) chức tước, thì mình cũng đã tạm theo kịp thiên hạ

(Nói về) danh vọng, thì gia tộc mình có thể coi là đã hoàn hảo

Mây trắng xuất hiện, vốn là hiện tượng vô tâm(6)

Chim bay về chỗ, thường khi chưa mỏi cánh

Hẹn ngày quê nhà sẽ có hội mừng

Năm rét, tùng cúc vẫn lặng lẽ (trổ bông) biếc nhìn nhau.

Dịch thơ:  Yên bình sao vội xin từ chức?

Ý chú, chi hơn được nghỉ nhà

Chức tước kịp theo cùng bạn lứa

Công danh tạm thỏa với ông cha

Vô tâm, mây lượn bay lơ lửng

Chưa mỏi, chim lường sức vượt xa

Quê cũ hẹn ngày vui hội lớn

Cúc tùng năm rét vẫn đơm hoa

Bài 3

Thướng thúc phụ Đông các học sĩ

(bài 116 sđd)

Phiên âm: Ngô môn tú xuất như Phu tử

Cửu thập cửu phong trung nhất phong

Phẩm tại ngọc đường kim mã quí

Tâm tương mộc thực, thảo y đồng

Giang hồ, long miếu nhiêu song đạo

Thi họa cầm thơ huyến tứ công

Khước vị thuần lô vong bất đắc

Kỷ hà quy khứ tại thu phong

Dịch nghĩa: Thơ dâng chú là Đông các học sĩ

Dòng họ ta xuất hiện được những người như Phu tử(7)

(Cũng như) ngọn núi cao trong chín mươi chín ngọn

Phẩm hạnh rất được quý trọng như Kim mã, ngọc đường(8)

Tấm lòng tốt thì lại tương đồng với vùng cây ăn, cỏ mặc(9)

Giang hồ, long miếu đủ cả hai kênh

Thi họa, cầm thơ giỏi trọn bốn nghề

Nếu vì quên không nổi thú vui rau cần, cá gỏi(10)

Bao giờ ra về đúng mùa gió thu.

Dịch thơ: Họ ta có người giỏi như chú

Đài cao trong chín chín đài cao

Phẩm tuy tôn kính như vàng ngọc

Dạ vẫn tương đồng với cỏ lau

Lang miếu, long hồ hai mặt giỏi

Cầm thơ  thi họa bốn nghề sâu

Thú quê thuần vược không quên nổi

Đợi đến bao giờ có gió thu

Minh Quyên thi tập: (1 bài)

Bài 4

Phiên âm: Văn(11) Thúc phụ Lễ bộ Hữu tham tri phó âm(12), cảm tác

Thập cửu niên tiền Tố Như tử (tỉ)

Nhất thế tài hoa, kim dĩ hỹ!

Ngô môn hậu phúc công xả hoàn

Dịch lệ hà năng tốc công tử?

Tam thu luôn lạc thử hành trung

Nam vọng phù vân mỗi ức công

Quy khứ gia sơn văn hạ liệp

Tinh linh hoảng dữ cựu(13) thời đồng

Dịch nghĩa: Cảm tác khi nghe chú là Hữu tham tri bộ Lễ về cõi âm (đã mất)

Trước đây mười chín năm, cái tên Tố Như thật là lộng lẫy

Một đời tài hoa nay bỗng thôi rồi!

Dòng họ ta phúc dày, chú khéo giữ vinh danh trọn vẹn

Đâu phải dịch tệ làm chú mất mau đến thế

Ba năm luân lạc ở thành (Thăng Long) này

Mỗi lần trông về phương Nam thấy đám mây, càng day dứt nhớ chú!

Về quê nhà, đêm văng vẳng đâu đó nghe tiếng người săn đầu xóm núi

Mơ màng thấy tinh linh chú vẫn như ngày trước!

Dịch thơ:  Mười chín năm, lừng tên Tố Như

Một đời tài bộ, mất rồi ư?

Nhà ta dày phúc, vinh danh chú

Dịch tệ ra sao? Thật bất ngờ!

Ba năm luân lạc ở thành này

Buồn nhớ về nam, ngóng đám mây

Vẳng tiếng người săn đầu xóm núi

Bồi hồi như có chú đâu đây

 

(1) Nam Kinh chỉ Kinh đô Huế

(2) Hồng Ngư chỉ vùng đất Nghệ Tĩnh

(3) Rau thuần, gỏi vực: cảnh quê mùa

(4) Tam Giang: Vũng phá ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên.

(5) Phu tử: xin được dịch là Chú để giữ thân tình

(6) Hai câu thơ này lấy ý trong hai câu thơ trong bài từ “Qui khứ lai” của Đào Uyên Minh đời Tống: “Vân vô tâm dĩ xuất trục, Điểu quyển phi nhi tri hoàn” nghĩa là: Mây xuất hiện trên đỉnh núi vì vô tâm; Chim biết bay về vì mỏi cánh (sách cổ văn).

(7) Phu tử: Chỉ Nguyễn Du, dịch là chú

(8) Kim mã, ngọc đường: chỉ những người quyền quý, sang trọng

(9) Mộc thực, thảo y: chỉ nơi đồng ruộng quê mùa

(10) Hai câu cuối lấy ý trong bài Ngẫu hứng của Nguyễn Du in trong Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Văn học. 1965 – tr183.

(11) Chữ “Văn”: trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam chép Vạn  là viếng thăm. Chúng tôi theo nguyên tác.

(12) Phó âm: Hợp tuyển thơ văn (Sđd) viết  Phó âm () cũng đồng âm nhưng chưa rõ nghĩa.

(13) Cựu: Hợp tuyển thơ văn (Sđd) viết là “nặng”, không rõ nghĩa. Chúng tôi theo Nt.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441365

Hôm nay

282

Hôm qua

2283

Tuần này

21269

Tháng này

216539

Tháng qua

112676

Tất cả

114441365