Người xứ Nghệ

Giáo sư Hoàng Xuân Nhị: Vị chủ nhiệm khoa lâu nhất thế giới.

Lúc sinh thời, giáo sư Hoàng Xuân Nhị có một câu nói nổi tiếng mà ai cũng biết. Câu nói đó ông nói trong một cuộc toạ đàm thân mật với sinh viên mà tôi vinh hạnh được có mặt. Ông hỏi:

          - Các em có biết, người làm thủ tướng lâu nhất thế giới là ai không ?

          Các sinh viên đang còn ngẩn ra chưa đoán được đó là ai, thì ông trả lời luôn:

  • Đó là Thủ tướng Phạm Văn Đồng kính yêu của chúng ta.

Ông hỏi tiếp:

  • Còn chủ nhiệm khoa lâu nhất thế giới là ai? Là tôi, Hoàng Xuân Nhị.

Ông nói xong liền cười một cách sảng khoái. Các sinh viên cũng cười theo. Lúc đó có lẽ ông đã làm chủ nhiệm  khoa được hơn hai mươi năm. Quả là một kỷ lục cỡ thế giới.

Ấn tượng đậm nhất về giáo sư Hoàng Xuân Nhị ngày tôi mới vào trường là vào một trưa mùa đông. Hôm đó trời âm âm, không rét cũng không nóng. Một ngày mà khí hậu làm cho người ta mặc cái gì cũng dễ đẹp. Khi tôi vừa dưới nhà ăn tập thể đi về, còn đứng ngoài ban công chờ anh bạn để cùng đi ngũ trưa. Anh bạn cùng lớp tôi họ Đỗ, tên lót là Công, có thói quen rất lạ. Hôm nào ăn cơm xong, anh cũng ngồi lại rất lâu. Không phải là thư giãn cho trôi cơm mà ngược lại muốn gia cố thêm cho cái dạ dày. Anh tỉ mẩn nhặt từng hạt cơm còn sót trên giá, ăn rất ngon lành. Mỗi hạt thành một miếng, một lần nhai, một lần nuốt. Thành thử hôm nào nhanh anh cũng phải về sau mọi người ít nhất là mười lăm phút. Có hôm đến nửa tiếng. Vì ai cũng biết, cơm dính trên giá thì rất nhiều. Hàng ngàn hay vạn hạt? Chỉ có anh mới biết. Anh cần cù như cô Tấm trong truyện cổ tích ngày xưa…

Do hôm đó anh ngồi nhặt ăn cơm sót rất lâu nên tôi mới được biết giáo sư Hoàng Xuân Nhị sau khi đã nghe nhiều câu chuyện kể về ông. Trong đó gồm cả những chuyện đã được phiên bản thành giai thoại, cả những chuyện rất nghiêm túc có liên quan đến con đường phấn đấu học thuật của ông. Cũng có cả những chuyện liên quan đến đường hướng phát triển của toàn bộ khoa Văn sau này. Nhưng trước khi nói về ông, xin dừng đôi chút để nói về cái việc nhặt cơm sót trên rá mà ăn, mà thưởng thức như bữa tiệc của anh bạn sinh viên nọ. Tất nhiên, chuyện đó không phải là phổ biến vì thời đó thường chia cơm cho viên vào rá hay vào một dụng cụ gọi là “cái vấu”. Mâm nào ăn xong chẳng còn có cơm dính rá, nhưng nhặt mà ăn cho hết đến không hạt nào thì chỉ có anh bạn cùng lớp với tôi. Nó làm thành một tính cách. Mà khoa Văn thì trọng tính cách lắm. Biết đâu về sau anh chẳng là một thiên tài? Bởi anh cũng có một quá khứ không đến nỗi xoàng: là học sinh chuyên văn trường Thái Phiên Hải Phòng, một trường chuyên có tiếng trong toàn miền Bắc lúc đó. Từ những hạt cơm rơi trên rá, qua con mắt một học sinh chuyên văn nay đương kim là sinh viên Văn khoa Tổng hợp, rất có thể nó lại biến thành những viên ngọc của thơ ca hay một sự phá cách nào đó của những câu thơ văn xuôi hiện đại? Chuyện đó thường lắm. Khoa Văn lắm chuyện rát bất thường mà đọc tới các hồi sau càng rõ về sự biến hoá kỳ tài của các “bậc hảo hán” trong khoa. Chỉ nói tới cái vấu thôi, nó bình thường và xoàng xĩnh như thế mà lại trở thành một tứ thơ của bài “Cái vấu” mà anh Đỗ Minh Tuấn cùng khoá với tôi là tác giả. Ngay thời đó, bạn hữu đã xì xào về cái tiềm năng bất thường của anh. Sau này ra trường, từ cái vấu, hiện thực cuộc sống sinh viên được biến tấu đi rất nhiều. Anh về Viện Triết rồi nhảy sang điện ảnh, làm thơ, thành đạo diễn và thành cả hoạ sĩ. Năm 2004, anh là đạo diễn cái phim Điện Biên Phủ với tổng kinh phí 14 tỷ đồng. Tôi muốn nhấn mạnh điều này để tỏ rằng, lời bàn trên kia hoàn toàn không phải là tán lấy được. Khoa Văn, một đại bản doanh, chứa không ít người tài với nhiều bậc thầy kiệt xuất, trong nhiều năm tháng đã sản sinh ra không ít những tài năng đích thực nhưng đồng thời cũng cung cấp cho xã hội không ít các dị nhân.

Thời chúng tôi học là thời đầy gian khổ, nhưng cũng rất lãng mạn. Khác hẳn thời ngày nay, sinh viên sướng hơn rất nhiều, nhưng chất lãng mạn bay bổng cũng dần cạn kiệt để thay vào đó là tâm hồn gồ ghề của chủ nghĩa hiện thực, có khi được đẩy tới điểm đỉnh của chủ nghĩa thực dụng. Đó là vấn đề lịch sử. Nhưng cái thích nhất, vui nhất của thời chúng tôi là đã vào đại học thì được Nhà nước nuôi. Mỗi tháng một sinh viên được 17 kg gạo và 18 đồng ( trị giá tương đương khoảng 36 bát phở loại một thời đó: cao nhất là phở 5 hào, trung bình là phở 3 hào. Phở mậu dịch: 2 hào). Nhà ở không phải lo trả tiền. Điện nước được bao cấp toàn bộ. Nói chung không phải lo tới viẹc nấu ăn dọn bát. tới bữa, mỗi người đem một chiếc bát cá nhân, một cái thìa hay đôi đũa xuống nhà ăn. Ngày hai bữa cơm chính. Bữa sáng được phát nửa chiếc bánh mì loại to ( 225 gam một chiếc). Bánh được phát từ 10 giờ tối hôm trước. Những ai biết “nín” thì để được đến hôm sau, phần nhiều thì thấy bánh nóng ăn liền. Thời đánh Mỹ sinh ra cái thành ngữ “ăn cơm trước kẻng” từ những hiện thực đó.

Giáo sư Hoàng Xuân Nhị làm chủ nhiệm khoa trong cái thời lịch sử như thế đương nhiên là rất hãnh diện. Ngày nay, nhiều bậc trí thức vẫn phê phán, thạm chí chửi bới, nguyền rủa cái thời chủ nghĩa xã hội quan liêu bao cấp ấy nhưng lại quên mất một điều rằng, nhờ có nó mà bao nhiêu con em nông dân đã được đào tạo thành các nhân tài của đất nước. Trong tâm hồn họ lại có những điểm trong sáng cực kỳ mà bây giờ muốn tìm lại nó thật chẳng khác nào chuyện “đãi cát tìm vàng”.

Do sống trong cảnh thiếu thốn mà tình cảm thầy trò lại ấm áp và thương nhau hơn. Cuộc sống sinh viên cũng có nhiều kỷ niệm. Tôi nhớ tết năm đó, trước khi chia tay về ăn tết với gia đình, sau bữa liên hoan tất niên do nhà ăn của trường tổ chức, chúng tôi ai nấy đều bế cái bụng lặc lè về phòng. Cả năm, đó là bữa ăn thịnh soạn nhất, nhiều cơm và thức ăn nhất. Ai cũng ăn no. Thế mà về phòng chừng một tiếng, chúng tôi lại đố nhau xem ai ăn thêm được hai chiếc bánh chưng loại nửa cân gạo nữa. Thế mà anh bạn họ Đỗ của chúng tôi lại ăn thêm được một chiếc bánh và ba phần tư chiếc thứ hai( Sở dĩ có bánh vì tất cả sinh viên nội trú đều có tiêu chuẩn mỗi người một chiéc bánh gói bằng nữa cân gạo không tính đậu và thịt). Anh có một cái bụng “hùng vĩ” như vậy nên bữa bữa cứ nhặt cơm sót trên rá ăn thêm cũng là một chuyện rất đáng yêu.

Giờ lại nói về giáo sư Hoàng Xuân Nhị. Lúc anh bạn họ Đỗ vừa về đến hành lang thì tôi chợt thấy có một ông già tóc bạc đi vào giữa sân khu sinh viên. Ông cao khoảng hơn thước bảy, tóc bạc trắng, tay dài như Quan Vân Trường. Chỉ khác là ông không để râu và đôi lông mày không xếch nên nhìn ông rất hiền từ, chẳng khác gì một ông tiên giáng trần.

Ông đang đi, tôi thấy có một nữ sinh mặt trái xoan, tóc ngắn chạy ra chào thầy. Sau chừng hai phút trò chuyện, tôi tháy ông kéo cô sát vào lòng và hôn lên trán cô vẻ thân mật như ông hôn cháu. Ông cao lớn, còn cô chỉ cao quá rốn ông nên cô lọt thỏm vào trong đôi tay vĩ dại của ông. Tôi được một anh sinh viên khoá 15 giới thiệu:

- Đó là giáo sư Hoàng Xuân Nhị, chủ nhiệm khoa Văn. Cô kia là D…cùng học lớp tôi. Lớp vẫn gọi đùa là “con búp bê xinh xắn”.

Suốt đêm hôm ấy tôi nghĩ về giáo sư Hoàng Xuân Nhị và những câu chuyện xung quanh ông. Bụng thầm bảo dạ “Giá mình cũng được ông kéo vào lòng và hôn lên trán như thế thì sướng quá nhỉ?”.

Không phải chỉ có tôi mà hầu như cả khoá đều nhìn ông đều trong cảm giác “kính nhi viễn chi”. Ông là một con người vô cùng vĩ đại. Tôi có cảm tưởng ông không giống như người thường: không ăn bánh mì, không tắm giặt và không đi cả tiểu tiện…Ông thiêng liêng như một vị thần.

Nhưng rồi, chúng tôi cũng có dịp gần gũi với ông. Ấy là lần đầu tiên khoá chúng tôi được nghe ông trực tiếp nói về sự trưởng thành của khoa Văn và cuộc đấu tranh tư tưởng quanh cái gọi là “Vụ án nhân văn”, mà cuộc phát hoả ở trường Đại học Tổng hợp gọi là “Phong trào Nhân văn giai phẩm”. Đây là một phong trào khởi phát từ  tờ tạp chí “Giai phẩm mùa thu”. Với chúng tôi đó là một sự kiện vô cùng mới lạ nên nghe nóp bằng tất cả mọi sự háo hức.

Vẫn với nụ cười đôn hậu và mái tóc bạc cắt ngắn chải về hai bên, giáo sư Hoàng Xuân Nhị đứng trên bục kể cho chúng tôi nghe về phong cách của một số giáo sư thuộc hàng thủ lĩnh của phong trào này. Đó là các giáo sư như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Phan Khôi…rồi các nhà thơ như Trần Dần, Lê Đạt v…Giọng ông trầm xuống, cái giọng xứ Nghệ nghe ấm áp và chân tình.

Theo lời kể của ông, mấy vị giáo sư này  có phong cách lạ lắm. Khi giảng bài họ thường ngồi trên bàn, chân bắt chéo để nói, chứ không ngồi sau ghế hay đứng trước bảng như các giáo sư sau này. Thời đó,  Hoàng Xuân Nhị mới về khoa. ông còn là một cán bộ trẻ.  Khi ông đề nghị giáo sư Nguyễn Mạnh Tường họp tổ bộ môn thì  vị giáo sư cười khẩy:

- Anh mà đòi họp bộ môn với tôi à? Hãy về đọc sách đi. Bao giờ anh đọc hết một vạn cuốn sách thì hãy bảo tôi ngồi họp với anh.

Nghe câu nói đó, Hoàng Xuân Nhị ức quá. Ông về cắt trọc hết tóc trên đầu rồi ngồi lỳ 6 tháng học tiếng Nga. Vốn là một trí thức được đào tạo từ Paris, ông vốn làu làu tiếng Pháp nên khi chuyển sang tiếng Nga ông tự học rất nhanh. Sau 6 tháng ông bắt đầu dịch sách và viết cuốn “Lịch sử văn học Nga-Xô viết”, cuốn sách gối đầu giường của sinh viên khoa Văn  một thời.

Chúng tôi nghe mà kinh ngạc và kính nể giáo sư Hoàng Xuân Nhị vô cùng. Sau này mới biết ông chính là một trí thức yêu nước, sau khi tốt nghiệp tại Pháp đã tình nguyện trở về Hà Nội làm việc. Ông là một vị dũng tướng lừng danh nhất trong việc đánh bại “Phong trào nhân văn”.

Với cương vị chủ nhiệm khoa, trong nhiều năm tháng ông đã điều hành bộ máy cán bộ giảng dạy thực hiện các nhiệm vụ chiến lược cơ bản trong đào tạo con người và phát triển khoa học. Không phải sau này mà ngay từ thời đó, tên tuổi ông đã nổi tiếng khắp nước. Ông là một giáo sư được đồng nghiệp phong cho danh hiệu “giáo sư đại tài” vì những năng khiếu đặc biệt về ngoại ngữ, về khả năng triển khai những vấn đề mang tầm cỡ chiếc lược trong giáo dục, đào tạo. Tất nhiên, theo khuynh hướng thời đại lúc đó, ông bao giờ cũng giương cao ngọn cờ “vừa hồng vừa chuyên”, nghĩa là gắn chính trị với khoa học, chuyển hoá nhuần nhuyễn tư tưởng của Đảng vào công tác đào tạo và giáo dục. Tư tưởng này được ông khai thác triệt để ngay cả trong cảm hứng sáng tác của ông. Trong đó có bài thơ ông viết ca ngợi mấy chục năm trưởng thành của trường Đại học Tổng hợp. Tôi được trực tiếp nghe ông đọc trong một ngày Hội lớn bài thơ khá dài này. Đến nay tôi chỉ còn nhớ được một câu, có lẽ vào loại hay và sâu sắc nhất trong bài:

Trường Đại học Tổng hợp chúng ta

Lý tưởng đỏ làm khoa học đỏ.

Nói đến sự cách tân trong thơ thì đây là một loại thơ cách tân táo bạo, nhưng không phải cách tân ở hình thức mà cách tân ở nội dung. Thơ nói được cái nội dung như ông diễn đạt là rất khó. Mà cái ý của ông cũng sâu sắc vô cùng. Sau này bao nhiêu năm tháng tôi cứ băn khoăn mãi cái khái niệm tôi cho là rất cao vời “ khoa học đỏ”. Đó cũng là một sự cách tân rất ghê gớm của ông trong thơ vì theo nghĩa thông thường, khoa học là sự nhận thức về thế giới, nội hàm của nó không liên quan tới vấn đề lý tưởng hay giai cấp. Nếu trong lý luận, ở phong cách văn xuôi, diễn đạt khái niệm này người ta có thể tiếp nhận được thì trong thơ nó là cái việc khó khăn vô cùng. Tôi còn nhớ như in, hôm đó, đọc thơ xong ông quay sang môn đệ của mình là Nguyễn Kim Đính và cao hứng yêu cầu dịch ngay sang tiếng Nga cho tất cả các cán bộ giảng dạy và sinh viên cùng nghe. Giáo sư Đính lúc đó vã hết mồ hôi hột, nhưng không từ chối được, loạng choạng đứng lên.

Giáo sư Đính là ai và ông dịch thơ của Hoàng Xuân Nhị thế nào, phải xem đến hồi sau mới rõ.

Giờ lại nói về giáo sư Hoàng Xuân Nhị. Ông không chỉ viết cuốn “Lịch sử văn học Nga-Xô viết” nổi tiếng một thời mà ông còn tham gia nhiều mặt trận quan trọng khác. ông là tác giả của cuốn “Chống chủ nghĩa xét lại hiện đại trong văn học”, là người giảng dạy thơ Hồ Chủ tịch và đồng thời còn là một dịch giả.

Đôi lúc tôi nghĩ, ông sinh ra như thể là người thổi linh hồn chính trị vào trong văn chương. Về điều này, so với các giáo sư văn học của khoa Văn, có lẽ không có ai sánh kịp. Bởi thế, nếu nghe ông giảng “Nhật ký trong tù” của Nguyễn Ái Quốc, có lúc tim phải lịm đi. Tôi chưa từng gặp một người thầy nào kính yêu Bác và say thơ Bác đến thế trong suốt cả cuộc đời cắp sách của mình. Bởi vậy, lần đầu tiên tôi có cảm giác hơi sợ. Sợ nhất là lúc ông đang giảng thơ Bác mà vô ý bật cười thì khốn. Bởi tôi nghe có một giai thoại rằng, có làn ông giảng thơ Bác cho một lớp nào đó, ông bật khóc nức nở. Thế là một anh sinh viên nào đó thấy lạ lièn bật cười. Ông lạp tức dừng lại lau nước mắt rồi trỏ tay vào anh kia:

          - Sao tôi thương Bác anh lại cười? Như thế anh có phải là kẻ vô chính trị, là một thằng mất dạy không? Ra ngoài!

          Đến bây giờ tôi vẫn tin đó là giai thoại. Vì tôi biết, giáo sư Hoàng Xuân Nhị là người rất nho nhã, ông không bao giờ lại gọi sinh viên là “thằng”. Đó là thứ dấm ớt mà sinh viên các thế hệ gia cố thêm vào để tô đậm thêm tình yêu của ông với Bác Hồ mà thôi.

          Đương nhiên, vào những năm tháng đó, tôi còn lẫn lộn giữa những giai thoại với sự thật nên có tâm lý rất lo khi nghe giờ giảng của ông. Quả nhiên, khi ông đọc một bài trong “Nhật ký trong tù” và say xưa phân tích xong, tôi thấy ông rút mù xoa lau nước mắt. Khi ông gỡ cặp kính, tôi thấy mắt ông đỏ hoe. Ông khóc thật. Nhưng may quá, cả lớp tôi không có ai cười. Ai cũng hồi hộp, nín thở cho giây phút đó qua đi.

          Sau này, một lần mít tinh ở Hội trường Mễ Trì, ông thay mặt khoa lên phát biểu. Hôm đó là kỷ niệm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả hội trường lặng đi khi nghe ông nói về những kỷ niệm thiêng liêng trong những lần ông được nói chuyện với Bác ở Pháp. Rồi trong lúc xúc động, ông thốt lên:

  • Tôi thương Bác lắm các anh chị ạ.

Ông không kìm được, lại bật khóc nức nở. Dạo đó thầy Đỗ Hồng Chung còn sống, hôm đó ngồi gần tôi, liếc tôi một cái rồi cúi mặt xuống sau ghế, bụm miệng lại.

Sau này, có lúc rỗi rãi, tôi có lần mò xuống một vài lớp xem các thế hệ sau còn có thầy nào giảng thơ Bác có được một cảm xúc nồng nhiệt như vậy không, nhưng không tìm thấy. Khoảng những năm 1978-1982, phải đến chục lần tôi ghé qua mấy lớp sinh viên để tìm lại cái cảm giác nghe giảng thơ Bác như đã nghe giáo sư Hoàng Xuân Nhị. Nhưng tôi chờ mãi mà người giảng vẫn tỉnh như không, chỉ nói thao thao đều đều. Suốt cả giờ lại chẳng thấy người giảng thò tay vào túi lấy khăn mù xoa. Đó là thời điểm mà chế độ hành chính bao cấp đang rơi vào tình trạng khủng hoảng, cán bộ phải chia nhau từng cái kim, sợi chỉ, gắp thăm để chia nhau từng bánh xà phòng. Với tầm nhận thức nông cạn của một cán bộ trẻ mới ra trường ít năm, tôi cứ thầm trách mấy vị phụ trách công đoàn rằng, khó khăn thì khó khăn nhưng khó đến đâu cũng phải dành xuất khăn cung cấp cho những người kế tục phần giáo sư Hoàng Xuân Nhị để phục vụ việc giảng bài mới phải!

Điều quí nhất mà chúng tôi học được ở giáo sư Hoàng Xuân Nhị chính là tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc đối với người có công, với các bậc tiền bối đi trước. Đây là một đạo lý mang tính truyền thống mà đến nay chúng ta vẫn hết sức chú trọng trong việc “đền ơn đáp nghĩa” với các thương binh, liệt sĩ, với các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tuy nhiên học ông, mà làm theo được như ông cũng không phải dễ.

Nếu nhìn về góc độ tâm hồn, người ta dễ bị nhận thức sai rằng Hoàng Xuân Nhị là một người yếu đuối. Nhưng không phải! Ông chỉ là người hay xúc động. Còn trong công việc ông cũng là người bản lĩnh và rất cương quyết.  Sự kiện ông cắt tóc trọc đầu để quyết chí “đường tu” trong việc học tiếng Nga là một quyết tâm phi thường của ông. Nhưng quyết định của ông về con đường chiến lược đào tạo cán bộ lại còn tỏ ra cứng rắn hơn nữa. Thời ông làm chủ nhiệm khoa, ông nêu chủ trương không cho cán bộ giảng dạy văn học Việt Nam đi nghiên cứu sinh nước ngoài. Ông nói đại ý: Việt Nam đang đánh Mỹ, là một nước anh hùng mà cả thế giới ngưỡng mộ. Thực tiễn sinh động ở Việt Nam đã tạo nên một nền văn học anh hùng. Do đó, chỉ có chuyện người nước ngoài đến Việt Nam để học tập nghiên cứu, chứ không có chuyện ngược lại. Chủ trương của ông được Bộ hưởng ứng nhiệt liệt. Kết quả là, suốt những năm chống Mỹ, hầu như không có cán bộ giảng dạy ngành văn học được đi nghiên cứu sinh nước ngoài. Cơ may đó rơi vào ngành ngôn ngữ và số cán bộ có học vị, bằng cấp ở ngành ngôn ngữ cũng vì thế vượt hẳn lên.

Nếu nói rằng Hoàng Xuân Nhị là người bảo thủ thì hoàn toàn không đúng. Chỉ có thể nói, nhận thức của ông lúc đó không vượt ra khỏi nhãn quan chính trị của thời đại . Nhãn quan này chi phối nhiều đến các khuynh hướng nghiên cứu văn học lúc bấy giờ và tạo nên một hệ thống quan điểm có sức bền trong một quãng thời gian khá dài trong lịch sử. Trong cách nhìn về mối tương quan giữa văn học và hiện thực, không phải  không có lúc tư tưởng ông đã dám bứt hẳn lên. Nhiều người còn nhớ, vào cái thời mà cả xã hội còn nhìn nhận các vị quan chức như là những người con ưu tú nhất của Đảng của dân tộc, những người mà tâm hồn coi như là các hạt ngọc long lanh, văn học đã có những mũi khoan tấn công và muốn phá đi quan niệm non ớt và ấu trĩ này. Tiêu biểu là ở lĩnh vực thơ ca và sân khấu. Trong thơ ca, xuất hiện tập thơ “Cửa mở” của Việt Phương. Trong sân khấu có một số vở kịch của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Tôi còn nhớ rõ, vào những năm 1973, 1974, Hoàng Xuân Nhị đã cho mời nhà văn Nguyễn Đình Thi vào khoa đọc những vở kịch mới nhất của mình. Vở ông đọc cho cán bộ và một số đại biểu sinh viên khoa Văn là vở “Hoa và Ngần”. Vì lúc đó tôi đãng từng nghe danh của vị nhà văn tài hoa này nên tôi ghi lại khá kỹ nội dung vở kịch của ông. Trong vở kịch, có một hình tượng làm cho tôi rất ấn tượng là một vị thứ trưởng. Ông này khi đi tán người yêu đã dùng một cái phiếu phân phối đặc biệt dành cho cán bộ cấp cao là cái phiếu mua xe đạp Thống nhất theo giá phân phối. Qua vở kịch, hình tượng các vị lãnh đạo thuộc hàng cao cấp đã được nhà viết kịch mô tả là những con người thao túng quyền lực và là những kẻ giả nhân giả nghĩa. Tóm lại, đó là một một cú phang thẳng vào một đẳng cấp xã hội được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi giữa lúc cả nước đang tiến hành cuộc chiến đấu toàn diện chống quân xâm lược. Một vở kịch mà ngay thời kỳ hoàng kim nhất của Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc dám đặt vấn đề như thế có thể nói là một cuộc cách mạng trong nghệ thuật. Nó vừa táo bạo, vừa mang ý nghĩa cách tân thực sự trong quá trình Đổi mới sân khấu hiện đại. Rất tiếc, vì Nguyễn Đình Thi quá tài, ông đi trước thời đại nên phải trả giá. Nhưng cai uy của ông lớn quá nên vở kịch tuy không được dàn dựng vẫn được trích đăng một số cảnh trên báo Văn nghệ của Họi nhà văn. Những cảnh mang tính then chốt bị biến mất trên văn đàn nhưng sống rất lâu trong tâm trí những người đã nghe Nguyễn Đình Thi đọc trực tiếp. Sau buổi đọc kịch hôm đó, tôi vẫn nhớ là Hoàng Xuân Nhị bắt tay Nguyễn Đình Thi rất nồng nhiệt, hào hứng. Phải nói là ông ủng hộ Nguyễn Đình Thi nhiệt liệt.

 Sau khi nhà văn Nguyễn Đình Thi  qua đời, tình cờ tôi được đọc một bài viết của nhà thơ Hoàng Cầm với nhan đề “Nguyễn Đình Thi trong tôi và Nguyễn Đình Thi ngoài tôi”. Bài viết này được nhiều người đọc, được photocopy khá nhiều và truyền tay nhau vì nó có chứa một số tư liệu mà người đời còn ít biết. Đặc biệt, nó còn thu hút sự chú ý của công chúng hậu sinh vì các tư liệu trong đó có quan hệ trực tiếp đến các nhân vật liên quan đến “Vụ án nhân văn” cả hai phía gồm các nhân vật như :Ông Lành (nhà thơ Tố Hữu), nhà thơ Nguyễn Đình Thi và nhà thơ Hoàng Cầm. Đồng thời, nó còn liên quan đến vấn đề cách tân thơ ca trong giai đoạn những năm giữa thế kỷ thứ XX. Bài viết cũng rất thu hút tôi ở phần đầu vì những sự kiện dính đến sự sống còn của tập thơ “ Người chiến sĩ” mà tác giả chính là Nguyễn Đình Thi. Nhưng phần sau của bài viết này chứa nhiều yếu tố sai lạc, thiếu khách quan, trong việc tổng kết, đánh giá sự nghiệp của một nhà văn lớn, từng làm Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam trong nhiều năm. Sự sai lạc, thiếu khách quan này có hai điểm mấu chốt căn bản: thứ nhất, nỗi ám ảnh về “Vụ án nhân văn” với nhà thơ Hoàng Cầm còn quá nặng nề. Mặc dù mới đọc, nhờ lối viết tinh xảo của Hoàng Cầm, người đọc dễ ngộ nhận coi đó là những lời tâm tình chia sẻ. Thứ hai, việc đánh giá đó thuần tuý ở cảm nhận chủ quan của người sáng tác mà thiếu các luận chứng khoa học và cả thực tế. Kết quả là, theo bài viết này, toàn bộ sự nghiệp của Nguyễn Đình Thi chỉ đáng giá ở một bài hát về thủ đô. Còn lại, Nguyễn Đình Thi gần như là một số “ 0 ”. Ông chỉ là hiện thân của một tấn bi kịch cả về văn chương lẫn cuộc sống riêng tư. Ông trở thành con người đau khổ, đơn độc vì cuộc “tranh giành” của hai con người tồn tại trong một thân thể: con người của quan chức và con người của văn chương.

 Sự thật hoàn toàn không phải như vậy!

Công bằng mà xét, ông là một người làm thơ không nhiều, nhưng thơ ông vẫn tạo được một chỗ đứng riêng. Chỉ tính bài “Đất nước” của ông thì ngay cả bài hay nhất của Hoàng Cầm là bài “Bên kia sông Đuống” định xếp ngang hàng cũng là chuyện phải bàn luận rồi. Bài thơ “Đất nước” có nhiều khổ rất hay về dùng từ, về bút pháp, về quan hệ chiều sâu giữa ngôn ngữ và tư duy hình tượng…Nó cũng hơn hẳn  “Bên kia sông Đuống”về khả năng khái quát, về cái gọi là “ý tại ngôn ngoại”… trong thơ.Còn nói về kịch, Hoàng Cầm tỏ ra rất mơ hồ đối với sự nghiệp cầm bút của Nguyễn Đình Thi. Ở thể loại này, sự trăn trở trong con đường Đổi mới sân khấu của ông hoàn toàn không phải chỉ là một cuộc thử nghiệm, mà là một cuộc xông lên bứt phá thực sự, một sự khám phá mới, một cách thể hiện mới ( khác với đương thời là chỉ ngợi ca một chiều). Một số vở của Nguyễn Đình Thi vừa ra đời đã trở thành “bị cấm” như “Con nai đen”, “ Nguyễn Trãi ở Đông Quan” hoặc chỉ được công bố một phần như “Hoa và Ngần” đều là những vở có tính vấn đề. Nó là những vở kịch vượt ra cái khuôn mẫu phổ biến đương thời và không được chấp nhận vì nó là những thông điệp đa chiều, nhiều lớp nghĩa, có tính hình tượng rất cao. Vở “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” được diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội, được dàn dựng hoành tráng vào loại bậc nhất trong thời điểm lúc đó. Nhưng nó được diễn vài đêm thì bị đình lại.  Một số ý kiến cho là Nguyễn Đình Thi đã mượn lịch sử để “chửi” hiện tại. Tác phẩm có tính ám dụ về một vài nhan vật cao cấp nào đó của xã hội đương thời…

Sự thất bại của Nguyễn Đình Thi trên thể loại sân khấu hoàn toàn không phải do tài năng mà do thời điểm lịch sử. Trên lĩnh vực này ông vẫn là một người tài năng tầm cỡ không thể phủ nhận Sau này đến tuổi sắp qua đời ông còn trình làng một vở gây chấn động, một vở được giải Huy chương vàng của Hội diễn sân khấu là vở “Rừng trúc”. Có thể nói, Nguyễn Đình Thi là một trong tác giả đi đầu trong việc Đổi mới sân khấu hiện đại Việt Nam. Nhưng ông không may mắn vì xuất hiện sớm hơn điểm nút cần có của lịch sử. Nhưng nhận thức của ông rõ ràng là đi trước thời đại, là một thái độ rất cấp tiến của một nhà văn. Những tác phẩm kịch của ông rất cần được nghiên cứu cẩn thận vì nó không chỉ là chứng nhân lịch sử mà còn là một khuynh hướng nghệ thuật. Kịch của ông tuy khó dựng, nhưng dựng thành công thì vở diễn bao giờ thu hút người xem ở tầm sâu tư tưởng, ở ngôn ngữ giáu chất triết lý và mang tính thời đại sâu sắc. Có thể nói, những cuộc đột phá của ông đã có tác dụng tạo ra cuộc hành trình tiếp tục của một tài năng kiệt xuất như kịch gia Lưu Quang Vũ sau này.

Vậy mà trong bài viết, Hoàng Cầm lại tỏ ra tiếc cho tài năng của Nguyễn Đình Thi và phần nào chê cái sự “thiếu bản lĩnh nghề nghiệp” ở nhà văn này. Qua ông, Nguyễn Đình Thi hiện lên như là một người chạy loăng quăng ở các thể loại, một người không xác định được sở trường của mình là cái món thơ ca. Đó chỉ là sự đánh giá rất chủ quan của Hoàng Cầm. Nó giống như cú đá nguội trong bóng đá vào ngang sườn Nguyễn Đình Thi và phủ nhận gần như sạch trơn những công lao to lớn có giá trị lịch sử của nhà văn Nguyễn Đình Thi ở nhiều lĩnh vực.

Sau mấy chục năm nhìn lại, với sự lùi xa về khoảng cách thời gia, chúng ta có thể nhìn nhận một cách khách quan hơn nhiều vấn đề của văn chương. Cứ cho là lúc ấy không bị ông Lành “cản”, mà tập thơ “Người chiến sĩ” của Nguyễn Đình Thi xuất bản được chắc gì đã là một thành công? Chúng ta đã nói nhiều đến vấn đề cách tân trong thơ ca. Tác giả Hoàng Cẫm cũng nhấn mạnh tới khía cạnh “Hội nhập” với khu vực và thế giới, nhưng lại quên mất một điều, sự Hội nhập nó có nhiều ưu điểm nhưng không phải gây ra một tình trạng khiến nhiều người lo ngại. Gần đây, tôi có dịp gặp và trao đổi với nhà nghiên cứu sử học Langlé, giáo sư của trường đại học Paris VII, một nhà sử học quan tâm nhiều đến lịch sử Việt Nam cũng như thơ ca tiếng Việt. Ông cũng là người dịch thơ Thiền viết bằng chữ Hán của các thi sĩ Việt Nam ra tiếng Pháp. Ông cũng bày tỏ sự lo lắng về việc xoá nhoà ranh giới về văn hoá và sự làm mất đi bản sắc dân tộc theo cái kiểu “Hội nhập” hiện nay. Thực ra, ở ta cũng có nhiều thi sĩ có ý định tốt muốn cách tân, đổi mới thi ca Việt Nam nhưng rút cục thì thơ của họ hoặc là nhại lại cái kiểu thơ Tây, hoặc là thứ “mót mốt” làm cho câu chữ lủng củng, hổ lốn mà người mới đọc lên đã muốn ném vào sọt rác. Nó làm cho bạn đọc ngày một xa lánh thơ ca, không còn coi thơ như là một món ăn tinh thần với cuộc sống hàng ngày. Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân quan trọng mà ngay những người cầm bút sáng tác cũng chưa nhận thấy hoạc không chịu nhận thấy: Tiếng Việt ta là ngôn ngữ có thanh điệu, còn các ngôn ngữ Âu châu thì không. Vậy thì ta cách tân theo con đường của họ là hỏng rồi, bởi qui luật vần điệu ở tiếng ta và tiếng Tây hoàn toàn khác nhau. Thơ không vần của ta, nếu đọc là đọc cho vui, chứ chẳng ai nhớ, vì nó chẳng hay ho gì cả. Nhiều người nói, vẫn là cái hình tượng đó, thà đọc trong văn xuôi còn thú vị hơn nhiều so với việc đọc thơ mà mấy vị cách tân tạo ra cho thể loại một món giở ngô giở ngọng như vậy! Tất nhiên, việc cách tân thơ là một câu chuyện dài. Nay không bàn nữa.

Lại nói về giáo sư Hoàng Xuân Nhị. Việc ông cổ vũ Nguyễn Đình Thi, mời Nguyễn Đình Thi vào đọc những vở kịch “có vấn đề” như trên ( cả việc tổ chức cho cán bộ và sinh viên đi xem những vở kiểu như “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”) đã chứng tỏ ông hoàn toàn không phải là con người bảo thủ. Ông còn có nhiều điểm cấp tiến khác mà không mấy ai biết. Giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Quán kể lại, nếu cái thời mới thành lập tổ bộ môn Hán Nôm ở khoa Văn, không có Hoàng Xuân Nhị nhiệt tình ủng hộ theo lối tư duy cấp tiến thì Lê Văn Quán đã không thành tiến sĩ và không thành giáo sư cỡ đầu ngành của bộ môn này. Việc đó cụ thể thế nào, phải xem đến hồi sau mới rõ!

Như vậy, với cương vị chủ nhiệm khoa, Hoàng Xuân Nhị thực sự có một tầm vóc xứng đáng với lịch sử phát triển của ngành Ngữ Văn. Mỗi lần diễn thuyết trước sinh viên, ông không ngớt ca tụng truyền thống trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông truyền cho nhiều thế hệ sinh viên lòng tự hào về những trang sử hiển hách của trường mà theo ông nó là một trường có tầm cỡ thế giới. Ông lý giải điều này không phải bằng con măt “chính trị” mà bằng biện chứng lịch sử. Bởi vì, trường đại học Tổng hợp vốn tiếp thu gần như toàn bộ cơ sở của trường Đại học Đông Dương, một trường có tầm cỡ thế giới từ đầu thế kỷ XX. Ông nhấn mạnh, đây là trường Đại học được thành lập từ năm 1906( trước trường đại học Bắc Kinh 3 năm). Tại đây có nhiều nhà bác học và nhân vật lớn của lịch sử đã từng làm việc và học tập. Đó là các nhà bác học như Yetsanh, Pastơ…các lãnh tụ lỗi lạc như cố Tổng bí thư Đảng Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nó cũng là nơi học tập của nhiều nhà yêu nước vĩ đại như lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Bái-Nguyễn Thái Học; các lãnh tụ của hai nước bạn Lào và Cămpuchia như Hoàng thân Xu va nu vông, Xăm đéc Quốc trưởng Nô rô đôm Xi ha núc…

Mỗi lần nghe giáo sư Hoàng Xuân Nhị ôn lại những trang sử hào hùng như vậy, sinh viên lại thấy cảm giác tự hào lan toả trên khuôn mặt phương phi của ông. Dường như,  cả cuộc đời, ông dồn hết tâm lực vào cho văn chương và cuộc chiến đấu bảo vệ tính Đảng trong văn học. Do vậy, trong cuộc sống hàng ngày, đôi khi ông cũng là người rất “đãng trí bác học”. Dám chắc, ông không bao giờ để ý nhớ tên các cán bộ giảng dạy trẻ được giữ lại vào khoảng từ sau 1970. Bởi vậy, nếu gặp ông ở sân trường hay ở một Hội nghị nào đó tổ chức tại Hà Nội thì ông chỉ lơ mơ nhớ “hình như thằng này là học trò của mình” chứ không nhớ nó được phân công làm chuyên môn gì. Thành ra, nếu một cán bộ trẻ nào mà chào ông thì bao giờ cũng được ông bắt tay nhiệt tình và hỏi thăm rất chung chung:

  • Chào em, khoẻ đấy chứ? Dạo này thế nào? Vẫn tiến bộ chứ?

Người nghe luôn có cảm giác được ông quan tâm, nhưng thực ra tâm trí ông chẳng khi nào để ý những chuyện vặt vãnh đó. Đầu óc ông luôn phải  trăn trở những việc lớn như “chống chủ nghĩa xét lại hiện đại trong văn học”, “Bảo vệ vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với văn nghệ”, vấn đề “dịch thơ Bác ra tiếng Pháp”…Đó là những vấn đề luôn đeo đuổi trong ý nghĩ của ông. Cho nên, ngay cả với cương vị là chủ nhiệm, nhưng ông hầu như không biết được bất cứ một việc cụ thể nào ngoài việc cầm chịch “Hội đồng khoa học”. Tất cả mọi việc như quản lý sinh viên, giáo vụ, đào tạo, Đoàn thanh niên…ông giao  tất cho hai phụ tá của mình là các Phó giáo sư Nguyễn Văn Tu và Đỗ Đức Hiểu. Ông rất ít vào khoa, chỉ xuất hiện trong những cuộc họp thật cần thiết.

Một lần có cuộc mít tinh lớn ở Hội trường Mễ Trì, Phạm Quang Long(*), với tư cách là Bí thư Đoàn Thanh niên lên phát biểu. Giáo sư Hoàng Xuân Nhị ngồi dưới hàng ghé danh dự gật gù rồi hỏi giáo sư Đỗ Hồng Chung:

  • Thằng cha này ở đâu mà phát biểu nghe cũng được đấy nhỉ?

 Đỗ Hồng Chung che miệng nói nhỏ:

- Thưa thầy, đó là Phạm Quang Long, cán bộ trẻ  mới giữ lại mấy năm ở tổ bộ môn thầy đấy ạ.

Giáo sư Hoàng Xuân Nhị gật gù  rồi chợt nhớ ra:

  • Có phải hắn là người hàng tháng vẫn đưa lương cho mình không?

Đỗ Hồng Chung xác nhận:

  • Thưa thầy đúng ạ.

Tất cả khoa, ai cũng biết tính cách giáo sư Hoàng Xuân Nhị nên ai cũng thông cảm chứ không ai trách giáo sư trong những việc như họp hành, hành chính…Khi gặp một cán bộ trẻ hay sinh viên nào đó, bao giờ ông cũng có những câu động viên, khích lệ. Ông coi đó là một liều thuốc giúp cho người ta tiến lên nên đôi khi khen mà không cần chú ý xem lời khen có ăn nhập với cái nội dung thông tin phản hồi từ người đối thoại không. Nghe nói có một lần, một sinh viên cũ quay lại khoa xin một giấy chứng nhận gì đó. Gặp ông, ông hỏi thăm tận tình:

  • Bây giờ về công tác ở đâu rồi hỉ?

Người học trò đáp:

  • Thưa thầy, em về làm phong viên cho một toà báo.
  • Tốt - Ông gật gù khen – Bố mẹ vẫn mạnh cả chứ?

Người học trò kia lúng túng giây lát rồi thưa:

  • Thưa thầy, bố em đã chết rồi. Ông hy sinh từ thời đánh Pháp.
  • Tốt!

Anh học trò lặng đi. Ông vỗ vai:

- Cố gắng lên nhé. Theo gót cha anh nhé.

Chắc ông nghĩ các học trò của mình ai cũng thông minh, sẽ hiểu được điều ông muốn nói là “cần phải phấn đấu để xứng đáng với truyền thống cha anh”.

Khi giáo sư Hoàng Xuân Nhị về hưu, ông hay vào khoa hơn trước. Ông canh cánh một nỗi niềm phải dịch bằng được tập thơ “Nhật ký trong tù” và một số bài thơ hay của Hồ Chí Minh sang tiếng Pháp. Ông coi đó là một món nợ với cuộc đời, với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Bởi vậy sau một thời gian không lâu, ông đã làm xong cái công việc mà ông tâm đắc. Những rất tiếc, khi ông lên gặp các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước để xin vé và kinh phí đem bản thảo sang Pháp thì mấy vị thư ký lại thoái thác là các nhà lãnh đạo ai cũng bận nên không  tiếp ông được. Ông ức lắm, về văn phòng khoa thường phàn nàn họ là những người không có tầm, không thấy được ý nghĩa chính trị to lớn của việc ông làm mà chỉ nhìn thấy cái nhỏ, sợ tốn mấy đồng bạc con con. Ông tuyên bố, ông nhất định sẽ không lùi bước, sẽ quyết gặp đồng chí Trường Chinh bằng được. Ông nói: “cái xe bình bịch Liên xô của tôi tuy cũ nhưng vẫn chạy tốt lắm. Từ chỗ tôi đến chỗ anh Năm ( tên gọi thân mật của đồng chí Trường Chinh) cũng gần”.

Với một người từng có ý chí cạo trọc đầu học tiếng Nga để đánh bại phong trào Nhân văn giai phẩm, đương nhiên đó không phải là câu nói đùa. Quả như ông nói, chiếc xe bình bịch cũ của ông thỉnh thoảng chết máy phải đem lửa đốt bu gi đã lọc xọc đưa giáo sư Hoàng Xuân Nhị đúng 50 lượt ( theo như ông kể lại) từ khu tập thể Kim Liên tới văn phòng của đồng chí Trường Chinh. Lần cuối cùng, sau khi vị thư ký riêng của nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng hoàn toàn đầu hàng trước ý chí phi thường và lòng kiên trì đặc biệt của giáo sư, ông được xếp lịch để làm việc với người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Trường Chinh. Nghe ông trình bày xong, chủ tịch Trường Chinh hoan nghênh ông và nói sẽ ủng hộ để ông thực hiện được ý tưởng tốt đẹp này. Chủ tịch giải thích đại ý như sau: Nhà nước ta tuy nghèo nhưng không thiếu tấm vé cho Hoàng Xuân Nhị đem bản thảo tới Paris. Điều quan trọng là, hiện nay quan hệ ngoại giao giữa ta và Pháp còn chưa khai thông một số vấn đề. Sang đó còn chuyện đón tiếp, chuyện khách sạn, ăn ở…bố trí làm sao cho tiện. Và quan trọng hơn nữa là chất lượng bản dịch, liệu sẽ có hiệu quả thế nào?

Giáo sư Hoàng Xuân Nhị đã thuyết trình cho đồng chí Trường Chinh nghe và nói, việc ăn ở có thể ông tự túc vì bên đó có người nhà và bè bạn…

Sau cái lần đó, giáo sư Hoàng Xuân Nhị trở về khoa với tinh thần phấn chấn chưa từng có. Ông cười vang trong văn phòng  rồi hết lời ca ngợi tầm cao về trí tuệ cũng như về chính trị của chủ tịch Trường Chinh. Ông dõng dạc tuyên bố, việc đi Pháp của ông chỉ còn là việc nay mai.

Thời gian xảy ra sự kiện này đang còn là thời kỳ chiến tranh lạnh giữa hai phe, mà ta thì mới đánh thắng Mỹ. Việc đi đến một nước tư bản là một việc vô cùng khó khăn, nhất là với cán bộ khoa học xã hội. Không phải chỉ ở phía ta, mà ngay cả phía Pháp cũng không dễ dàng gì. Thế mà, lòng quyết tâm đã làm giáo sư vượt qua tất cả. Ông đã tới nước Pháp sau mấy chục năm từ đó trở về. Có biết bao nhiêu chuyện gần như thần thoại trong chuyến đi của ông. Sau chuyến đi này, giờ dạy chuyên đề của ông trở thành những giờ nói chuyện thời sự sôi nổi. Chi đoàn cán bộ giảng dạy cũng được tập hợp để nghe ông diễn thuyết. Trong nhiều chuyện ông đề cập lúc đó, tôi nhớ nhất câu chuyện ông nói về giáo sư Hoàng Xuân Hãn, người anh em con chú con bác với ông. ông nói:

- Các đồng chí biết không? Khi tới Paris, tôi đã cân nhắc rất nhiều cuối cùng mới quyết định gọi điện thoại cho Hoàng Xuân Hãn, anh tôi. Sau ba, bốn lần, tôi nghĩ, thế nào Hoàng Xuân Hãn cũng đón tôi đến nhà chơi. Nhưng không, trước khi tôi về nước vài hôm, Hoàng Xuân Hãn có đánh xe đến khách sạn. Ông ta không nói với tôi một lời nào, lẳng lặng đưa cho tôi 400 phrăng và nhìn tôi với thái độ khinh khỉnh rồi bỏ đi.

Nói tới đó, bỗng giáo sư cười ngất. Mọi người chưa rõ ý ông ra sao thì ông bảo:

- Cùng là anh em, nhưng người tư sản bao giờ họ cũng sống như thế…

Có thể nói, giáo sư  Hoàng Xuân Nhị là một tấm gương chói ngời về tinh thần lao động và ý chí quyết tâm. Ông là một người đắm say chuyên môn cho tới lúc tuỗi đã già . Nhưng dù già cả đến đâu ông cũng không mỏi mệt. Bởi thế đời sau có thơ rằng:

 Vùng lên đánh dẹp “Nhân văn”

Một đêm tỉnh dậy ông thành vĩ nhân.

Văn thì xa,  Bác  ở gần

Cuối đời ông lại tần mần dịch thơ./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434966

Hôm nay

2237

Hôm qua

2349

Tuần này

21616

Tháng này

212014

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434966