Người xứ Nghệ

Giáo sư Đinh Xuân Lâm và những tác phẩm viết về Hồ Chí Minh

Giáo sư Sử học, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm được các thế hệ sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội suy tôn là một trong “Tứ trụ triều đình”[1]. Cách tôn vinh đối với Thầy tuy không được chứng nhận bằng những huân, huy chương nhưng mãi đọng lại trong lòng các thế hệ học trò và đồng nghiệp, bởi Thầy không chỉ là một trí tuệ uyên bác mà còn là một nhân cách lớn.

Tôi không có ý định và cũng không thể viết đầy đủ tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp vô cùng phong phú của GS, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm. Đây là việc làm ngoài khả năng của tôi, mặc dù tôi đã được học Thầy từ năm 1976 đến năm 1980; được Thầy hướng dẫn luận án Phó Tiến sĩ (1987-1992) và gần 40 năm qua, tôi vẫn luôn luôn là học trò của thầy về mọi phương diện khác nhau.

Giáo sư Đinh Xuân Lâm có thâm niên giảng dạy liên tục trên nửa thế kỷ từ Cách mạng Tháng tám năm 1945 cho đến lúc nghỉ hưu. Trong thời gian đó, Thầy còn là Giáo sư thỉnh giảng các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Quy Nhơn, Antananarivo (Mađagaxca), các trường Đại học Tổng hợp Pari VII (Pháp), Amsterdam (Hà Lan).

Là một trong những chuyên gia đầu ngành về lịch sử Cận - Hiện đại Việt Nam, Giáo sư Đinh Xuân Lâm vừa nghiên cứu vừa giảng dạy. Thầy đã dành tất cả tâm huyết và tài năng của mình cho sự nghiệp khoa học và giáo dục. Giáo sư là tác giả của nhiều giáo trình đại học về lịch sử Cận - Hiện đại Việt Nam, của nhiều công trình và luận văn khoa học đã được công bố trong nước và ngoài nước. Xin nêu một số công trình chính do Giáo sư chủ biên hoặc đồng chủ biên: Lịch sử Việt Nam thời kỳ 1897-1914; Lịch sử Việt Nam 1858-1930 (4 tập); Đại cương lịch sử Việt Nam (1858-1945); Lịch sử Cận - Hiện đại Việt Nam - Một số vấn đề nghiên cứu; Xu hướng duy tân ở Việt Nam - cuối thế kỳ XIX đầu thế kỷ XX; Văn thơ Đông kinh nghĩa thục; Tìm hiểu một số vấn đề trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Góp phần tìm hiểu tư tưởng độc lập, tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục; Xu hướng đổi mới trong lịch sử Việt Nam; Bác Hồ hoạt động bí mật ở nước ngoài; Về danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh-văn hóa và đổi mới; Góp phần tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh; Văn hóa và triết lý phát triển trong tư tưởng Hồ Chí Minh... Cho đến nay, theo số  liệu của tôi, Giáo sư có khoảng 300 đầu sách và bài viết với nhiều nội dung phong phú, in ấn và đăng tải ở nhiều nhà xuất bản và tạp chí khác nhau. Tôi đặc biệt quan tâm đến các công trình của Giáo sư viết về cuộc đời, tư tưởng Hồ Chí Minh do nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật ấn hành.

Cần phải khẳng định rằng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật là cơ quan xuất bản hàng đầu về các loại sách lý luận, chính trị và pháp luật. Giáo sư Đinh Xuân Lâm là một trong những cộng tác viên có uy tín nhất của Nhà xuất bản trong nhiều năm. Ông đã có nhiều cuốn sách có giá trị, đặc biệt là mảng sách viết về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chẳng hạn cuốn Góp phần tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005 (dày 467 trang). Cuốn Văn hóa và triết lý phát triển trong tư tưởng Hồ Chí Minh (viết chung với PGS.TS Bùi Đình Phong), Nxb. Chính trị quốc giá, Hà Nội, 2007 (dày 351 trang).

Góp phần tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh chưa phải là một công trình nghiên cứu hoàn chỉnh, có hệ thống về toàn bộ các mặt trong cuộc đời Hồ Chí Minh, mà chỉ mới là một tập hợp một số luận văn của Giáo sư Đinh Xuân Lâm. Qua các phần của nội dung sách, người đọc có điều kiện nhận rõ các mốc lớn có tính quyết định, mang ý nghĩa bước ngoặt lịch sử trên con đường hoạt động yêu nước cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như các đặc điểm hình thành và phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh, sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa yêu nước truyền thống và tinh hoa văn hóa thế giới với tinh thần phong phú và sáng tạo. Có một điều rất đáng được nhấn mạnh là Giáo sư Đinh Xuân Lâm với vốn chuyên môn tích lũy lâu năm qua nghiên cứu và giảng dạy thời kỳ lịch sử cận và hiện đại Việt Nam nên đã có điều kiện phân tích bối cảnh kinh tế và xã hội sâu sắc, giúp cho việc lý giải các vấn đề lịch sử có cơ sở khoa học và thực tiễn, trên cơ sở đó giúp cho người đọc dễ theo dõi nắm bắt vấn đề hơn.

Những bài viết của Giáo sư về phương pháp luận nghiên cứu Hồ Chí Minh là một nội dung hết sức quan trọng đối với giới nghiên cứu Hồ Chí Minh nói chung, đặc biệt là lớp cán bộ nghiên cứu, giảng dạy trẻ. Bởi vì chung quy vẫn là vấn đề phương pháp luận. Có một phương pháp luận đúng đắn, khoa học là chìa khóa mở cửa đi vào nghiên cứu có chất lượng cuộc đời, sự nghiệp tư tưởng Hồ Chí Minh.

Là một nhà nghiên cứu, một nhà giáo có vốn tiếng Pháp vào bậc nhất ở Việt Nam, Giáo sư Đinh Xuân Lâm có một mảng bài viết Về một số công trình trong và ngoài nước viết về Hồ Chí Minh. Những bài viết “Đọc sách” dạng này đem lại cho người đọc sự hiểu biết rộng và sâu về Hồ Chí Minh qua ý kiến khác nhau của các tác giả, đặc biệt là các tác giả ngoài nước. Một số công trình được Giáo sư giới thiệu như: Hồ Chí Minh - từ Đông Dương đến Việt Nam của Daniel Hémry, Nxb. Gallimard, Paris, 1990; cuốn Cuộc cách mạng Việt Nam năm 1945 Rudơven, Hồ Chí Minh và Đờ Gôn trong một thế giới chiến tranh của Stein Tonesson, Nxb. Sagen, London, 1991... Những cái đúng - sai, hay - dở của các tác giả nước ngoài viết về Hồ Chí Minh được Giáo sư, với sự hiểu biết sâu rộng về lịch sử, văn hóa phương Đông, phương Tây, phân tích trên cơ sở khoa học có tính thuyết phục, giúp người đọc có cái nhìn và hiểu biết toàn diện, đúng đắn.

Văn hóa và triết lý phát triển trong tư tưởng Hồ Chí Minhlà công trình tập hợp trên 30 bài viết của Giáo sư Đinh Xuân Lâm và PGS Bùi Đình Phong. Công trình này được xác định là sự kế tục các công trình đi trước của chính hai tác giả với những cách tiếp cận mới, nhìn nhận mới, khám phá mới, đánh giá mới về nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Cuốn sách cho thấy sự nghiệp đổi mới với nhiều thành tựu đáng tự hào đều bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với ý nghĩa: Hồ Chí Minh - người khởi xướng sự nghiệp đổi mới. Cuốn sách đã phân tích, làm sáng tỏ nhiều vấn đề của thế kỷ XXI như hội nhập quốc tế, phát triển bền vững, văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý, v.v.. Những vấn đề đó theo các tác giả đều khởi nguồn từ tầm nhìn và bản lĩnh văn hóa Hồ Chí Minh cách đây một thế kỷ.

Nghiên cứu tư tưởng, cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ to lớn của nhiều tổ chức và cá nhân các nhà khoa học trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cần tìm được sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh. Công trình Văn hóa và triết lý phát triển trong tư tưởng Hồ Chí Minh đem lại cho người đọc một sự lý giải khá thú vị khi các tác giả cho rằng triết lý Hồ Chí Minh về phát triển Việt Nam là Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.

Một cái nhìn khác khá mới mẻ mà công trình phân tích làm sáng tỏ đó là  hiện nay thế giới và đất nước có nhiều đổi thay so với lúc sinh thời Hồ Chí Minh nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị thời đại. Các tác giả cho rằng sở dĩ như vậy là vì tư tưởng Hồ Chí Minh luôn hướng tới tương lai. Những bài viết như Việt Nam hội nhập và phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh; hoặc Từ tư duy hướng ra thế giới, muốn làm bạn với tất cả các nước của Hồ Chí Minh đến việc Việt Nam gia nhập WTO cho thấy giá trị nền tảng, kim chỉ nam của tư tưởng Hồ Chí Minh. Cuốn sách góp tiếng nói khẳng định quan điểm của Đảng trong sự nghiệp đổi mới: “Đảng và dân tộc ta xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Có thể nói sự liên kết giữa Nhà xuất bản Chính trị quốc gia với Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm trong việc cho ra mắt độc giả những công trình lớn về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh là một việc làm có ý nghĩa to lớn. Nó không chỉ khẳng định giá trị khoa học các công trình của Giáo sư mà còn chứng tỏ tầm nhìn của một Giáo sư sử học khi quyết định xuất bản những tác phẩm của mình viết về cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh ở Nhà xuất bản lý luận, chính trị lớn nhất của cả nước.

Theo dương lịch, sang năm 2015 Giáo sư Đinh Xuân Lâm tròn 90 tuổi (Giáo sư sinh năm 1925). Tuy nhiên, theo tôi được biết, theo lịch ta, Giáo sư đã qua tuổi 90. Hiện nay, sức khỏe tuy có giảm so với vài năm trước nhưng đầu óc, tinh thần Giáo sư vẫn còn rất minh mẫn, tỉnh táo. Giáo sư vẫn trả lời báo hình, góp những ý kiến quan trọng trong Hội Sử học Việt Nam trên cương vị Phó Chủ tịch Hội, viết báo, đọc duyệt các đề tài và đang giúp chúng tôi nâng cao chất lượng những công trình khoa học lớn như cuốn Từ điển Hồ Chí Minh học (dự kiến ra mắt bạn đọc trong năm 2015). Tôi viết bài báo nhỏ này với tư cách là một học trò nhỏ của Thầy để kính tặng Thầy nhân Ngày sinh lần thứ 90 của Thầy. Những gì trong bài báo còn quá sơ sài so với sự cống hiến to lớn của Thầy đối với giới và ngành Sử học, với các thế hệ học trò và đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Thầy cố gắng giữ gìn sức khỏe và mong thầy luôn khỏe để tiếp tục dìu dắt các thế hệ học trò trong sự nghiệp khoa học và giáo dục./.

 


[1]GS Đinh Xuân Lâm, GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn, GS Trần Quốc Vượng 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441468

Hôm nay

2185

Hôm qua

2283

Tuần này

21372

Tháng này

216642

Tháng qua

112676

Tất cả

114441468