Người xứ Nghệ

Nhân dân Nghệ Tĩnh hưởng ứng phong trào chống sưu thuế Quảng Nam năm 1908

"Nghệ Tĩnh với Nam Ngãi, từ phái văn học đến phái cần vương nghĩa hội, thường một mạch câu thông với nhau. Đến phong triều tân học cải cách cùng Đông học thì dùi trống rập nhau, dân Nghệ Tĩnh hò reo như gió đưa diều. Hà Tĩnh thì huyện Can Lộc cùng miền làng Hạ Lỗi, Kỳ Trúc, dân chúng tụ tập vây huyện, Nghệ An dân cũng xôn xao tụ tập và truyền đơn dán yết thị kể tội quan lại rất kịch liệt…".

 
Mấy câu trên đây là của cụ Huỳnh Thúc Kháng viết trong tác phẩm "Cuộc cự sưu ở Trung Kỳ"(1) để tóm tắt tình hình dân chúng ở Nghệ Tĩnh hưởng ứng phong trào chống sưu thuế của Nam Ngãi năm 1908, đồng thời cũng tóm tắt mối quan hệ khăng khít về nhiều mặt của hai vùng đất xứ Nghệ và xứ Quảng trong truyền thống lịch sử, nhất là trong thời cận đại kể từ phong trào cần vương chống Pháp, rồi phong trào Duy Tân - Đông Du cho đến phong trào chống sưu thuế sục sôi năm 1908.
*
Quả đúng như lời tóm tắt trên đây của cụ Huỳnh, khi phong trào chống sưu thuế nổ ra trước tiên ở Quảng Nam, lan rộng ra các tỉnh Nam Trung Kỳ, rồi nhanh chóng qua các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị và đến tận các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An.
ở Nghệ Tĩnh, các sĩ phu yêu nước và nhân dân lập tức tiếp thu ảnh hưởng của phong trào đó, đứng lên đấu tranh đòi nhà cầm quyền giảm sưu thuế. Phong trào đã lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia. Tầng lớp sĩ phu yêu nước vừa là những người lãnh đạo phong trào, vừa là những nhân vật chủ chốt cầm đầu các cuộc biểu tình của nông dân ở các phủ huyện kéo lên tỉnh đấu tranh trực diện với bọn quan lại cầm quyền. Đó là các chí sĩ đã được lịch sử trân trọng ghi danh như: Nguyễn Hàng Chi (huyện Can Lộc), Trịnh Khắc Lập (Nghi Xuân), Nguyễn Duy Phương (Hương Khê), Pham Văn Ngôn (Đức Thọ)… Chu Trạc (Yên Thành) v.v… trong đó Nguyễn Hàng Chi là người có uy tín lớn nhất.
*
Nguyễn Hàng Chi sinh năm 1884 ở ích Hậu huyện Can Lộc (nay xã ích Hậu chuyển về huyện Lộc Hà mới tách lập từ 4.2007) trong một gia đình Nho học, vốn là một thanh niên thông minh, học giỏi có chí khí và giàu lòng yêu nước. Những năm đi học, ông thường suy nghĩ đến thời thế và ước mong làm thay đổi thời cuộc. Tuy còn ít tuổi, ông đã tìm đọc nhiều "tân thư" và thơ văn yêu nước của Phan Bội Châu cũng như của phong trào Duy Tân của các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh. Ông bắt chước "phong trào cắt tóc - phong trào Đồng bào", hô hào anh em chúng bạn trong huyện nhà đứng ra cổ động (có lúc đã cưỡng bức) mọi người cắt bỏ tóc búi tó, mặc áo quần ngắn… Đầu năm 1908, phong trào chống thuế bùng nổ ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam)… dội đến Hà Tĩnh, Nghệ An. Bấy giờ nhiều hội viên Hội Duy tân như Ngô Đức Kế. Đặng Văn Bá, Lê Văn Huân… đều đã bị bắt giam ở nhà lao Hà Tĩnh. Còn lại vài hội viên chủ chốt khác đã cùng với Nguyễn Hàng Chi đứng ra tiếp tục công việc vận động "công cuộc chống thuế" của tỉnh nhà và ông được coi là người cầm đầu của cả tỉnh, lúc đó mới 24 tuổi.
"… Nào anh, nào chị!
Nào chú, nào o!
Việc dân, dân lo,
Đừng cho ai biết.
Dân ta đói rét,
Cực khổ trăm bề;
Sưu thuế nặng nề
Không gì nuôi sống.
Khổ, dân ta nói,
Khổ, dân ta kêu.
Giảm thuế, giảm sưu.
Cho dân sống với!"(1)
Vào khoảng trước tháng 5-1908, Nguyễn Hàng Chi giả làm người bán quế, đi nhiều nơi trong tỉnh liên lạc với các hội viên Hội Duy tân và phân phát tờ "Thông tri" do ông soạn thảo bằng chữ Hán, dịch như sau:
"Đáng yêu thay dân Quảng Nam!
Đáng kính thay dân Quảng Nam!
Đáng học thay dân Quảng Nam!
Giặc Pháp mượn tiếng bảo hộ, ngược đãi dân ta thật quá lắm. Hàng năm nộp xong sưu thuế rồi, mình không còn chiếc áo lành, bụng không được ăn no, đi nơi khác tìm ăn. Khổ hết chỗ nói. Nếu không một phen đứng dậy tỏ tình kêu nài, thì sưu thuế hẳn còn tăng mãi. Dân ta mười nhà thì đã có chín nhà rỗng không, khó lòng gánh chịu được. Nếu cứ ngồi mà đợi chết, chi bằng vùng dậy tìm lối sống.
Hét to gọi lớn chống lại quân thù!
Định ngày 18-4 năm nay (17-5-1908) dân chúng các phủ huyện cùng kéo đến tỉnh, xông vào tòa sứ đòi bỏ sưu thuế.
Còn như dân chúng ba tổng Phù Lưu, Canh Hoạch, Vĩnh Luật giao cho Phan Huy Tùng điều khiển.
Nếu đến ngày đó mà không có nhân dân lại họp thì sẽ nói chuyện bằng kiếm, đừng để ăn năn!"(1)
Bản thông tri được truyền bá rộng rãi đã dấy lên một phong trào sôi nổi trong toàn tỉnh hưởng ứng cuộc đấu tranh. Ngoài các hội viên hội Duy Tân như Trịnh Khắc Lập (Nghi Xuân), Phạm Văn Thản (Đức Thọ), Nguyễn Duy Phương (Hương Khê), Võ Phương Trứ (Cẩm Xuyên), v.v… còn có rất nhiều sĩ phu, nho sinh, hương, lý (như Lý Xoan ở Hạ Lỗi, Can Lộc, Lý Tư, Hương Hạp ở Thạch Hà) tích cực tham gia vận động quần chúng.
Sáng ngày 23-5-1908, Nguyễn Hàng Chi cùng Trần Ty, Phan Hiệp, Nguyễn Lương Nhân dẫn 600 người áo xác, quần xơ, nón cời, tơi rách, cơm đùm, cơm nắm kéo lên vây huyện lỵ Can Lộc. Tri huyện NGuyễn Doãn Văn sợ hãi bỏ trốn. Đoàn "xin sưu" ào ạt kéo về Tỉnh lỵ (cách huyện lỵ Can Lộc 19km). Vừa tới nơi thì một toán quân lính của viên trung úy Pháp Gaillard đã chặn lại và xông vào khủng bố. Bị đánh đập rất dữ, đoàn người vẫn xông tới vừa hò reo, vừa giằng co với binh lính và sấn tới đòi gặp Công sứ Pháp để chất vấn, nêu yêu sách. Lính càng đánh, dân càng lấn tới, xô viên công sứ ngã giập đứt ngón tay. Nhưng cuối cùng đoàn "xin sưu" cũng bị giải tán. Nguyễn Hàng Chi và một số người bị bắt giữ.
Tại huyện Nghi Xuân, phong trào chống thuế của nhân dân do người đồng chí thân thiết của Nguyễn Hàng Chi là Trịnh Khắc Lập, sinh năm 1869 ở xã Xuân Thành lãnh đạo, đã sôi động hẳn lên. Ngày 22-5, ông đã có cuộc diễn thuyết ngay giữa buổi họp chợ Giang Đình kêu gọi đồng bào hưởng ứng tờ "Thông tri" của Nguyễn Hàng Chi. Sáng hôm sau, 23-5 ông cùng các ông Trịnh Yên, Trịnh Xuyên, Phan Chiêu, Phan Cẩn… dẫn hơn 200 người kéo đến huyện đường bắt trói tri huyện Lê Trần Thụy giải về tỉnh kêu sưu. Đoàn người đi đến Cồn Đống (địa phận xã Thiên Lộc ngày nay), cách huyện lỵ Nghi Xuân 20 km thì gặp toán lính của Babut. Viên đội Tây này giả vờ chấp nhận yêu sách, mời đại biểu của dân về huyện giải quyết, rồi trở mặt, bắt Trịnh Khắc Lập và những người cầm đầu.
Cũng trong ngày hôm đó, đúng như tờ "Thông tri" kêu gọi, các đoàn "xin sưu" đông hàng trăm người từ huyện Cẩm Xuyên do Võ Phương Trứ, Hà Huy Cơ, Nguyễn Đăng Mạnh dẫn đầu, từ huyện Hương Khê kéo xuống tỉnh lỵ do Nguyễn Duy Phương chỉ huy… đang trên đường đi, được tin đoàn Can Lộc đã giải tán, bèn quay trở lại.
Chậm hơn vài ngày sau đó, ở các xã Hà Trung, Đan Du… huyện Kỳ Anh; Đồng Môn, Vĩnh Lưu, Phù Việt, Trung Tiết… huyện Thạch Hà cũng có những cuộc nhóm họp, biểu tình dưới sự chỉ huy của Đầu xứ Nguyễn Tư Lương, Đặng Cường, Lê Quát, Trần Chơi. Tại huyện Đức Thọ, các ông Phạm Văn Thản, Đinh Văn Cẩn, Đinh Văn Tư cũng tập hợp nông dân các làng Đông Thái, Trung Lễ, Yên Vượng… để kéo về tỉnh, nhưng được tin từ Nghi Xuân, Can Lộc đã tan về nên cũng giải tán luôn.
Tuy vậy, phong trào chống thuế vẫn tiếp tục trong nhân dân ở các xã, các huyện kéo dài từ tháng 3 đến hết tháng 5 âm lịch (tức cuối tháng 6-1908). Nhiều nơi, trước sức đấu tranh của quần chúng (không chịu nộp sưu thuế), bọn hương lý lo sợ, không dám đốc thúc dân chúng nộp thuế như những năm trước. Bọn thực dân Pháp và phong kiến Nam triều vô cùng lúng túng trong việc đối phó. Chúng phải dùng đến nhiều biện pháp dã man mới hòng dẹp yên được. Nhà lao Hà Tĩnh chật ních những tù phạm là hội viên của Hội Duy tân và của phong trào chống thuế. Viên án sát Cao Ngọc Lễ dùng cực hình tra tấn các thủ lĩnh phong trào xin sưu chống thuế, đến mức "cái quần lụa trắng của Nguyễn Hàng Chi mặc đã nhuộm máu mất hai phần mà ông vẫn không nhận, song sau đó, ông lại nhận tất cả trách nhiệm về mình mà không khai cho ai khác".(1)
Bấy giờ được tin về vụ xử tử ông nghè Trần Quý Cáp, người bị buộc tội cầm đầu phong trào chống thuế ở xứ Quảng và ở Bình - Phú dư luận đang sục sôi căm phẫn vì bọn quan Tây ở một tỉnh dám ngang nhiên xử "trảm quyết" một vị Tiến sĩ giáo thụ tỉnh Khánh Hòa hàng ngũ phẩm, bất chấp luật lệ Nam triều! Viện cơ mật ở Huế hốt hoảng, phản đối với toàn quyền Đông Dương và khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ. Thế mà lần này Công sứ ở Hà Tĩnh là Doucet vẫn nằng nặc đòi "lấy vài cái đầu" trong phiên tòa xử các sĩ phu cầm đầu phong trào xin sưu ở đây. Tuần phủ Hà Tĩnh là Hường Khẳng kiên quyết chống lại sự lộng quyền ấy. Từ phiên họp này đến phiên họp khác, ông một mực bảo: "Luật lệ Nam triều không có mục nào cho phép những tội trạng như thế này buộc phải tử hình". Vụ án kéo dài hàng tháng. Doucet dở trò dọa dẫm. Hường Khẳng bèn bỏ Hội đồng ra về, điện cho Viện cơ mật ở Huế xin từ chức. Doucet bèn giao cho án sát Cao Ngọc Lễ xử tử hình Nguyễn Hàng Chi, Trịnh Khắc Lập và xử tù đày Lao Bảo, Côn Lôn một số người khác.
Nguyễn Hàng Chi bị hành quyết ngay sau thành Hà Tĩnh. Còn Trịnh Khắc Lập thì bị đưa về chém ở chợ Giang Đình (Nghi Xuân) và bêu đầu ngay tại quê nhà để uy hiếp tinh thần nhân dân. Nhân dân vô cùng tiếc thương hai vị liệt sĩ đáng kính này của quê hương. Các chí sĩ Ngô Đức Kế, Đặng Văn Bá, Lê Văn Huân đang bị giam ở nhà lao Hà Tĩnh đã có câu đối khóc hai ông.
- Khóc Nguyễn Hàng Chi:
"Khẩu năng ngôn cảm ngôn, thủ năng thư cảm thư, phiên phiên khả ái tai, nhân cách đô tòng tân học xuất.
Vấn quân thê vị thê, vấn quân tử vị tử, phấn phẫn hô vị giả, huyết ngân chi vị quốc dân lưu".
Tạm dịch:
"Miệng dám nói, tay dám viết, phơi phới đáng yêu thay, nhân cách đúc nên từ học mới;
Chưa lấy vợ, chưa có con, uất uất làm gì thế, máu tươi đã chảy vì nhân dân".
- Khóc Trịnh Khắc Lập:
"Nhân sử giai tiên sinh, tuy sưu thuế vi kim nhật chi đại vấn đề, hổ tước long thôn, yếu dục hạ nhi, bất dục hạ;
Cổ sở vi liệt sĩ, tri thiết huyết vi hậu lai chi hương kết quả, đường kinh sa nộ, đầu khả tồn diệc bất tất tồn".
Tạm dịch:
"Ai cũng như tiên sinh, tuy sưu thuế là việc to lớn ngày nay, cọp nuốt rồng nhai, cố muốn xuống cũng không thể xuống;
Xưa gọi là liệt sĩ, biết máu sắt là kết quả tốt đẹp mai sau, chấu kinh ếch giận, đầu có còn cũng không cần còn".(1)
*
Phong trào chống thuế từ Hà Tĩnh lan sang Nghệ An. Nhưng ở Nghệ An, các sĩ phu đã hướng cuộc đấu tranh đòi miễn giảm sưu thuế vào con đường bạo động vũ trang. Người lãnh đạo phong trào chống thuế ở Nghệ An tiêu biểu nhất là chí sĩ Chu Trạc. Ông sinh năm 1846 quê xã Hoa Thành, huyện Yên Thành. Sau khi các phong trào chống Pháp của Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng bị đàn áp, nhiều thủ lĩnh còn lại của phong trào Cần vương đã liên hệ với ông để mưu việc cứu nước. Nay được tin phong trào chống thuế ở Quảng Nam bùng nổ, lan ra tận Nghệ Tĩnh, ông đã tập hợp các đồng chí tâm huyết để cùng nhau bàn kế hoạch hoạt động. Dưới ảnh hưởng tư tưởng bạo động của các đồng chí trong phái "ám xã" của Hội Duy tân - Đông du và rút kinh nghiệm phong trào Hà Tĩnh, Chu Trạc thấy không thể đấu tranh với bọn thực dân bằng con đường "kêu xin, thương lượng" mà phải bằng sức mạnh vũ trang. Đây là một đặc điểm mới của phong trào chống thuế ở xứ Nghệ. Quán triệt tư tưởng đó, ông đã liên hệ được với một người lính tin cậy ở đồn Chợ Rạng tên là Cửu Lương và chuẩn bị tiền bạc cho một số đồng chí ra nước ngoài mua sắm vũ khí trước khi khởi sự.
Chuẩn bị xong xuôi, Chu Trạc cho bí mật làm lễ tế cờ ra quân. Trong buổi lễ, ông đã đọc lời hiệu triệu:
"… Ai là khách anh hùng, xin hãy chung lưng đấu cật; Nước mất còn chỉ ở những phút ni!"(2)
Sau đó, Chu Trạc chia các đồng chí của mình ra hai nhóm. Một nhóm do Phan Văn Chớ (Nho Chiến) chỉ huy khoảng 30 người vượt biên giới sang Xiêm mua vũ khí. Một nhóm do Chu Trạc lãnh đạo ở lại xây dựng hậu cứ, chờ có súng về là ra quân đánh chiếm các phủ huyện rồi kéo về Vinh.
Số nghĩa quân Phan Văn Chớ chỉ huy đã cải trang làm người đi rừng để vượt biên giới Việt - Lào qua Xiêm, nhưng đi được nửa đường, vì có một số người trong đoàn gây trở ngại, làm vỡ cả kế hoạch dự định, phải giải thể! Trong khi đó, bộ phận ở nhà do Chu Trạc chỉ huy, vì thiếu cảnh giác, nên để kẻ xấu lọt vào dò biết kế hoạch, đi báo cho Pháp. Nhờ được báo tin kịp thời, Chu Trạc đã phân tán tài liệu, lực lượng trước khi quân Pháp xông vào nhà khám xét, chúng chỉ thấy có cày cuốc và sách vở. Tuy vậy, chúng vẫn bắt ông và một số người giải về Vinh ngay trong đêm đó. Vậy là âm mưu lợi dụng phong trào nổi lên chống thuế của nông dân để làm một cuộc bạo động vũ trang của Chu Trạc bị thất bại. Kẻ địch lại tăng cường khủng bố tàn bạo, chúng bắt giam xử tù đầy ra Côn Đảo hàng loạt các nhà yêu nước có liên quan đến phong trào chống thuế ở Nghệ Tĩnh trong đó có Lê Văn Huân, Chu Trạc…
Phong trào chống thuế ở Nghệ Tĩnh cũng như ở các tỉnh khác ở Trung Kỳ cuói cùng đã thất bại, nhưng tinh thần đấu tranh chống thực dân - phong kiến của nhân dân ta không vì thế mà giảm sút. Lòng căm thù cao độ đối với bè lũ giặc Pháp cướp nước và tay sai bám nước càng thêm nung nấu ý chí quyết tâm vùng lên đánh bại lũ chúng khi thời cơ tới. Lịch sử của những năm tiếp sau phong trào chống thuế 1908 cho đến cách mạng tháng 8-1945 thắng lợi huy hoàng đã là minh chứng hùng hồn nhất.



(1) Theo Vương Đình Quang: thơ văn Huỳnh Thúc Kháng. Nxb Văn học. 4.1965. tr.170.
(1) Theo Ninh Viết Giao: Hát giặm Nghệ Tĩnh. Tập II. Nxb Sử học-Hà Nội-1962. tr.286.
(1) Theo Tạp chí Nghiên cứu lịch s số 5-1959.
(1) Tư liệu do cụ Lê Đình Phương ở Thạch Châu - Thạch Hà cung cấp cho Ch. Thâu từ 1957.
(1) Theo Lịch sử Hà Tĩnh. Tập I. Nxb.CTQG. H.2000. tr.418.
(2) Theo Tư liệu bản đánh máy của Ban NCLS Nghệ Tĩnh.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434677

Hôm nay

2297

Hôm qua

2310

Tuần này

21327

Tháng này

211725

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434677