Xứ Nghệ ngày nay

Lao động nữ tại các khu công nghiệp còn nhiều khó khăn, thiệt thòi

 Bước vào khu nhà trọ dành cho công nhân trên đường Đặng Thai Mai, chúng tôi gặp chị Trần Thị Thảo, 29 tuổi, quê Yên Thành đang bồng con nhỏ. Chị Thảo cho biết trước đây chị đã từng làm công nhân Công ty Matrix Việt Nam 3 năm, nhưng chị đã phải nghỉ làm 1 năm nay vì sinh con nhỏ. “Làm công nhân thu nhập cao nhất cũng 2,7 triệu đồng/tháng, Công ty không có nhà trẻ, không hỗ trợ tiền gửi trẻ, ông bà hai bên nội ngoại cũng không giúp được nên em đành phải nghỉ trông con, vì nếu có đi làm thì lương cũng không đủ thuê osin”, chị Thảo nói. Chồng chị Thảo làm công nhân cho một DN ô tô, cáng đáng cả gia đình 3 người. Gia đình chị thuê một căn phòng rộng chừng chục m2, với giá 550 nghìn đồng/tháng, chưa kể tiền điện nước. Dãy nhà trọ này cũng có nhiều công nhân của các Công ty lân cận thuê trọ. Chị Lan, quê Tân Kỳ, công nhân Công ty Matrix cho biết giờ làm việc 8 tiếng/ngày, tăng ca 2 tiếng được 24 nghìn đồng; công việc khá áp lực vì mức khoán cao. Công ty không có buồng tắm cho lao động nữ, chỉ có nhà vệ sinh nhưng cũng không thực sự sạch sẽ, bữa ăn trưa có giá trị 12 nghìn đồng không đủ chất để tái sản xuất sức lao động.

Còn tại Công ty Minh Trí (khu công nghiệp Bắc Vinh), công nhân nữ phải làm việc liên tục 8 đến 10 tiếng trong tư thế đứng, với yêu cầu tập trung cao độ. “Về nhà, em hai tay tê buốt, lưng mỏi nhừ, hai chân sưng phồng”, chị Nguyễn Thị Thảo, quê Yên Thành, từng làm việc trong công ty này cho biết. Mức lương mà chị Thảo nhận được là 80 nghìn đồng/ngày (khoảng 2,1 triệu đồng/tháng).

Ông Nguyễn Đức Sơn, Trưởng Phòng DN - Lao động thuộc BQL Khu kinh tế Đông Nam cho biết có 6.688 lao động nữ/11.180 lao động làm việc trong 56 DN trong khu kinh tế ĐN. Theo ông Sơn, thu nhập của người lao động nói chung, của lao động nữ nói riêng trong các DN hiện nay là quá thấp, không đủ sống, điều kiện sống của người lao động còn nhiều khó khăn. Việc xây dựng các công trình phúc lợi như nhà ở cho công nhân, nhà văn hóa, bệnh viện, nhà trẻ…chưa thực hiện được; một số chế độ đối với lao động nữ cũng chưa được bảo đảm ở một số DN.

Theo kết quả tổng hợp của Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An, số lao động nữ trong các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 78.059/130.099 người, chiếm tỷ lệ 59,9%. Do sự phát triển một số ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều lao động nữ nên có một số DN sử dụng lao động nữ với số lượng lớn như Công ty Matrix Việt Nam (2.600 người), Công ty may Minh Anh – Kim Liên (1.500 người), Công ty Prex Vinh (2.800 người)…Việc thực hiện các qui định của pháp luật, các chế độ chính sách đối với lao động nữ của các doanh nghiệp, còn nhiều bất cập, tồn tại, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của chị em. Hiện vẫn còn nhiều lao động nữ chưa được kí kết hợp đồng lao động, không được đóng BHXH - BHYT. Thống kê cho thấy tổng số lao động được đóng BHXH - BHYT chỉ ở mức 80 - 81%. Một số DN yêu cầu lao động nữ không được kết hôn, hoặc sinh con trong thời gian 2 năm kể từ ngày kí hợp đồng, nếu vi phạm sẽ bị sa thải. Công ty VTC Online Nghệ An đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Thời gian làm việc của lao động nữ trung bình từ 8 đến 10 tiếng. Lao động nữ phải cố gắng tăng ca, hạn chế tối đa nghỉ việc riêng (nhiều người không xin nghỉ vào ngày giỗ bố mẹ, ông bà) để được hưởng thêm tiền chuyên cần khoảng vài trăm nghìn đồng/tháng. Công việc căng thẳng, áp lực nhưng thu nhập lại quá thấp, bình quân 3,5 triệu đồng/tháng; mức lương tối thiểu cho lao động ở vùng nông thôn là 1,650 triệu đồng/tháng, tăng ca hết mức cũng chỉ được khoảng 2,3 – 2,6 triệu đồng/tháng, tằn tiện lắm mới chỉ đủ sống ở mức tối thiểu. Thậm chí, một số DN còn trì hoãn việc nâng lương theo qui định mức tối thiểu vùng theo qui định của Chính phủ, qui định chế độ nâng lương bất lợi cho người lao động. Nhiều lao dộng phàn nàn đã làm việc nhiều năm trong công ty nhưng mức lương không hề thay đổi. Bữa ăn trưa hàng ngày của một số DN chất lượng dinh dưỡng thấp, thậm chí không bảo đảm vệ sinh gây ngộ độc hàng loạt (năm 2013, xây ra vụ ngộ độc thực phẩm tại công ty Nam Đàn Hanosimex với 70 người nhập viện). Tỷ lệ lao động nữ mắc các bệnh nghề nghiệp có xu hướng tăng. Năm 2013, khám sức khỏe cho 31.147 lao động nữ, phát hiện 3.861 người mắc bệnh nghề nghiệp. Đời sống văn hóa tinh thần của lao động nữ trong các khu công nghiệp rất nghèo nàn, cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa còn thiếu thốn.

Vẫn còn tình trạng lao động nữ bị xúc phạm, đối xử thô bạo. Năm 2013, tại Công ty Prex Vinh – Đô Lương, một số cán bộ quản lý đã chửi bới, xúc phạm, ném sản phẩm hỏng vào mặt công nhân, giúi đầu công nhân nữ vào máy, dẫn đến cuộc đình công của 2.800 công nhân. Mấy năm gần đây, xẩy ra nhiều vụ đình công tập thể với số lượng lớn tại các DN sử dụng nhiều lao động nữ, nguyên nhân xuất phát từ những yêu sách về thu nhập, điều kiện làm việc, bữa ăn, thái độ ứng xử trong môi trường lao động. Nguyên nhân của những bất cập, sai phạm trong việc thực hiện các qui định của pháp luật về chế độ, chính sách đối với lao động nữ tại các DN, theo Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, là do nhận thức về pháp luật lao động của một số chủ DN còn yếu kém; một số DN cố tình lách luật, chỉ chú trọng lợi nhuận, chưa quan tâm đến quyền, lợi ích và đời sống của người lao động. Các văn bản hướng dẫn luật lao động còn chậm ban hành; chưa có chế tài đủ mạnh để xử lí DN vi phạm. Hoạt động của tổ chức công đoàn trong các DN còn yếu, chưa nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người lao động cũng như chưa chú trọng bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Bên cạnh đó, hiểu biết về pháp luật lao động của người lao động nói chung, lao động động nữ nói riêng còn thấp; ý thức chấp hành pháp luật và tác phong công nghiệp của người lao động còn yếu. Mặt khác, hầu hết lao động nữ hiện nay chưa qua đào tạo, trình độ học vấn và nhất là trình độ tay nghề rất thấp (chỉ có 220 người bậc thợ từ 1 đến bậc 3, 180 chị bậc 4 trở lên trong tổng số hơn 78 nghìn lao động nữ), chủ yếu lao động giản đơn nên thu nhập thấp, dễ bị sa thải.

Việc các DN tuyển dụng nhiều lao động nữ đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, cho thu nhập ổn định hơn so với lao động nông nghiệp, trong điều kiện đất đai ngày càng bị thu hẹp và sản xuất nông nghiệp bấp bênh. Tuy nhiên, điều kiện sống, môi trường làm việc, mức thu nhập của đa số lao động nữ còn rất nhiều khó khăn, chưa đảm bảo tái sản xuất sức lao động và bảo đảm cuộc sống ổn định, một bộ phận đang có tính chất cầm cự để tồn tại. Thoát li sản xuất nông nghiệp, lao động nữ lâm tình cảnh “thoát vỏ dưa gặp vỏ dừa” vì lao động trong các khu công nghiệp cũng rất cực nhọc, thu nhập chỉ tạm đủ sống.

Vì vậy, việc nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc và thu nhập, bảo đảm những quyền lợi hợp pháp theo qui định của pháp luật cho lao động nữ là yêu cầu bức thiết. Để làm được điều này, Nhà nước cần hoàn thiện các văn bản pháp qui về pháp luật lao động và BHXH-BHYT, có chế tài đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc; đầu tư các công trình nhà ở, nhà văn hóa, thư viện, sân thể thao, nhà trẻ, trường học, bệnh viện, chợ… tại các khu công nghiệp, đảm bảo đời sống ổn định lâu dài cho một số lượng lớn người lao động. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả của tổ chức công đoàn, nâng cao hiểu biết về pháp luật, trình độ tay nghề của lao động nữ. Cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể, xã hội để góp phần nâng cao đời sống và giúp lao động nữ có công việc, thu nhập ngày càng tốt hơn.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441757

Hôm nay

2157

Hôm qua

2317

Tuần này

21661

Tháng này

216931

Tháng qua

112676

Tất cả

114441757