Xứ Nghệ ngày nay

Du khách nước ngoài tới Nghệ An - Không chỉ là câu chuyện vắng bóng…!

Chúng ta vẫn thường quảng bá Nghệ An là mảnh đất có nhiều tiềm năng du lịch nhưng vì sao lượng khách đến với Nghệ An chưa nhiều, đặc biệt là du khách nước ngoài? Có lẽ đã đến lúc phải nhìn nhận thực tế ở nhiều góc độ hơn để tìm ra giải pháp đúng đắn nếu chúng ta không muốn tất cả chỉ dừng lại ở chữ “tiềm năng”.

2014- Vẫn là một năm thưa thớt du khách nước ngoài!

Theo thống kê của Sở VHTTDL Nghệ An trong 11 tháng năm 2014, tỉnh có khoảng 59.450 lượt khách quốc tế có lưu trú, bằng 107% so với cùng kỳ năm 2013, thu về 9,818 triệu USD. Nếu theo con số này thì so với tổng 3,37 triệu lượt khách nó chỉ chiếm hơn 1,76%. Tuy nhiên đằng sau con số còn nhiều chuyện chúng ta phải bàn.

Khảo sát tại các trung tâm lữ hành tình hình dường như lại thiếu khả quan hơn. Chúng tôi đã tìm hiểu ở một số trung tâm trong tổng 13 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế hợp pháp trên địa bàn và nhận thấy việc thu hút khách nước ngoài quả đang là một vấn đề lớn. Qua báo cáo kết quả kinh doanh lữ hành năm 2014 của một số trung tâm lữ hành thì phần thống kê khách quốc tế vào Nghệ An nhiều nơi đành để trống như Công ty CP thương mại và Du lịch Caravan Á Đông, Công ty CP lữ hành Quốc tế Thái Sơn, thậm chí Trung tâm lữ hành Sài Gòn Kim Liên cũng tạm ngưng Inbound [khách từ nước ngoài vào] trong năm 2014 cho công việc đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên. Khả quan nhất trong số các trung tâm lữ hành quốc tế mà chúng tôi khảo sát là Anh Em Travel. Theo đó, năm 2014 trung tâm này đón 3980 khách quốc tế, chủ yếu là từ Thái Lan và một số từ Lào. Trung tâm lữ hành của Viettravel tại Vinh cho biết từ đầu năm có một đoàn khách 7 người đến từ Lào. Trong khi đó thống kê về khách nội địa và đặc biệt là khách trên địa bàn đi nước ngoài của các trung tâm lại khá lớn.

Còn nhiều chuyện đáng nói hơn cả sự vắng bóng…

Thông tin có được từ khảo sát ở các Trung tâm lữ hành giúp chúng ta trả lời vì sao lại nói sau con số thống kê có nhiều chuyện phải bàn, mặc dù rõ ràng, Trung tâm lữ hành không thể phản ánh hết được tình hình du lịch tại tỉnh nhà[1].

Câu chuyện ở đây tất nhiên không bàn đến số liệu chính xác hay không mà là những câu chuyện con số không bao giờ nói hết được. Đó là vấn đề của sự cảm nhận về tính hấp dẫn từ văn hóa - lịch sử, từ các thắng cảnh, các dịch vụ du lịch tại Nghệ An đối với du khách quốc tế. Đó là câu chuyện về sự thiếu đa dạng thị trường khách, tính chất các chuyến đi. Là câu chuyện của việc nhìn nhận nguyên nhân và tìm ra bước đi đúng trước thực trạng đáng buồn hiện nay.

Về thị trường khách, hiện nay khách quốc tế vào Nghệ An chủ yếu là từ Lào và Thái Lan còn các nước khác gần như vắng bóng.Việc phát triển du lịch miền Tây Nghệ An tuy có thu hút thêm được khách từ một số quốc gia khác nhưng số lượng còn rất ít do những điều kiện về cung đường, dịch vụ tại đây chưa được thuận tiện. Theo phản ánh của hướng dẫn viên, khách phương Tây (Pháp, Anh…) đến đây chủ yếu là khách lẻ, đi từ 2-5 người, thường đến miền Tây Nghệ An trên hành trình xuyên Việt. Tuy nhiên thành phần khách này cũng rất hiếm. Sự thiếu đa dạng trong thị trường khách cũng đi cùng với sự thiếu mới mẻ trong khai thác các tuyến du lịch. Tuyến phổ biến hiện nay vẫn là Cửa Lò- TP. Vinh- Nam Đàn. Nghệ An chủ yếu là điểm dừng chân, lưu trú hơn là điểm đến tham quan du lịch của khách quốc tế. Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó giám đốc Trung tâm lữ hành Sài Gòn- Kim Liên cho hay, khách quốc tế tới Vinh hiện nay chủ yếu là lưu trú, phục vụ công việc hơn là tham quan. Nếu phát triển được các điểm du lịch ở hai đầu Nghệ An là Ninh Bình, Quảng Bình thì chúng ta sẽ phát triển mạnh hơn nữa về hoạt động của các nhà hàng, khách sạn phục vụ lưu trú. Rõ ràng đây là điều đáng quan tâm để khai thác phát triển doanh thu cho ngành du lịch tỉnh nhà nhưng trên khía cạnh khác là điều đáng buồn khi chưa trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Về sự cảm nhận đối với cảnh quan, văn hóa xứ Nghệ, chúng ta vẫn chưa ghi nhận được nhiều ấn tượng từ khách quốc tế.Ngoài một số nhận xét từ du khách Lào về biển Cửa Lò, tình cảm của du khách nước bạn đối với Bác Hồ thì chưa có cảm nhận gì đặc biệt, mới lạ và sâu sắc. Chị Nguyễn Thị Hoài, Trung tâm VietTravel tại Vinh cho biết các du khách Lào thích Cửa Lò vì biển ở đây sạch, đẹp ngoài sức tưởng tượng. Đặc biệt chợ hải sản là điểm thu hút khách Lào. Anh Hồ Xuân Hải, hướng dẫn viên của Trung tâm Lữ hành Anh Em Travel cho biết khi được nghe những câu chuyện về Bác, về lịch sử đấu tranh của xứ Nghệ, khách Thái rất khâm phục tinh thần cách mạng của dân ta. Tuy nhiên cũng ít khi ghi nhận được cảm xúc từ họ. Các trung tâm lữ hành phản ánh, thời gian các tour thường ngắn, chủ yếu kết hợp nhiều điểm đến trong đó có Nghệ An, nên khó để khách cảm nhận được về văn hóa, lịch sử xứ Nghệ khi các điểm đến chưa thể hiện được điều đó rõ nét. Nếu chúng ta không làm mới các loại hình điểm đến, các dịch vụ, cách phục vụ thì khó có thể thu hút thêm khách cũng như để khách trở lại nhiều lần.

Nguyên nhân của thực trạng này không có gì mới mẻ, các vấn đề được nêu ra từ lâu nhưng cho tới nay vẫn chưa khắc phục được là bao. Trong số những nguyên nhân đã được đề cập, điểm đáng chú ý vẫn là công tác quảng bá và cách khai thác, phát triển. Theo ông Nguyễn Hữu Tú, hiện nay chúng ta chưa tạo được một “vòng khép kín” các dịch vụ tại điểm du lịch, cách thức phục vụ cũng chưa chuyên nghiệp. Ông nhấn mạnh, việc quảng bá không phải là câu chuyện của riêng các nhà lữ hành mà trước hết các điểm du lịch ấy phải tự quảng bá lấy.

Anh Hồ Xuân Hải phản ánh về các gian hàng của Nghệ An tham gia hội chợ du lịch, thương mại trên nước bạn như ở Thái Lan và hội chợ trong nước chưa có sức lôi cuốn. Đành rằng các tập gấp, cẩm nang, bản đồ du lịch…được in ấn phong phú, công phu, đẹp mắt nhưng quan trọng là ấn tượng ban đầu về gian hàng lại chưa có điểm gì nổi bật, sáng tạo để níu kéo khách dừng chân tìm hiểu. Vấn đề lựa chọn vật phẩm để bán tại các gian hàng tham gia hội chợ cũng là điều cần quan tâm tìm hiểu kỹ càng chứ không phải cứ đặc sản là mang đi.

Qua phản ảnh của các trung tâm lữ hành và hướng dẫn viên, một điểm rất đơn giản nhưng lại trở thành “vấn nạn” tại các điểm du lịch như Quảng trường Hồ Chí Minh, khu di tích Kim Liên hiện vẫn chưa khắc phục được là vấn đề nhà vệ sinh và chèo kéo khách chụp ảnh, mua đồ lưu niệm. Điều này thường gây “mất điểm” trong mắt du khách nước ngoài.

Riêng đối với việc thu hút khách nước ngoài, có một nguyên nhân quan trọng mà chúng ta chưa quan tâm đúng mức. Đó là ở góc độ nghiên cứu về văn hóa, thị hiếu, thẩm mỹ để khai thác các điểm du lịch phù hợp.Chúng ta không nên chỉ áp đặt suy nghĩ chủ quan của địa phương mình để phát triển các điểm đến vì nơi chúng ta thích, điều chúng ta thấy hay chưa hẳn khiến du khách nước ngoài quan tâm. Phải nhìn nhận được về sự khác biệt văn hóa và về truyền thống thẩm mỹ. Vì thế, nghiên cứu văn hóa là công tác hết sức quan trọng trong kết hợp phát triển du lịch. Trước hết là để làm đậm đà hơn, để lại ấn tượng sâu sắc hơn về văn hóa xứ Nghệ tại các điểm đến. Sau đó là để khai thác ra những điểm mới có khả năng thu hút, hấp dẫn đối với khách quốc tế.

Bên cạnh việc phát triển khách sạn, nhà hàng, thì phát triển các dịch vụ, khu vui chơi, mua sắm là điều quan trọng để hút khách. Tháng 6/2013, chúng ta đã để lỡ một đoàn khách quốc tế với số lượng lớn do không đáp ứng được các mặt này. Thay vào đó họ đã chọn Quảng Bình sau khi khảo sát điểm đến. Mặt khác, cũng cần quan tâm hơn về phát triển đội ngũ hướng dẫn viên, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ và nền tảng kiến thức văn hóa lịch sử. Mặc dầu, để được cấp thẻ, hướng dẫn viên mảng khách quốc tế phải qua kỳ sát hạch ngoại ngữ nhưng thực tế sử dụng thành thạo và lưu loát thì chưa đáp ứng tốt. Hiện nay, nếu có khách nước ngoài đông, thành phần đa dạng hơn thì chúng ta chưa chắc đã đáp ứng được. Hơn nữa, theo phản ánh của hướng dẫn viên, nếu khách quốc tế tiếp tục vắng bóng như bây giờ, vốn ngoại ngữ của họ cũng sẽ bị mai một dần vì không mấy khi sử dụng đến.

Năm 2014, du lịch Nghệ An cũng đã có bước đi mới đáng ghi nhận khi tiến hành phát triển du lịch miền Tây Nghệ An, tổ chức các đoàn Famtrip hay du lịch kết hợp thi đấu thể thao với nước láng giềng. Đây sẽ là những hướng khai thác cần thiết để thu hút du khách trong thời gian tới. Thiết nghĩ để phát triển du lịch bền vững, có giá trị, có hiệu quả sẽ phải quan tâm nhiều điều hơn là chỉ số lượt khách trong năm. Hy vọng rằng với những gì rút ra được trong năm 2014, đặc biệt là với sự kiện Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, chúng ta sẽ có một tương lai khả quan hơn trong thu hút khách quốc tế vào năm 2015. Khi đó, hy vọng câu chuyện Nghệ An trong con mắt du khách nước ngoài sẽ có được một cái nhìn chi tiết, đầy đủ hơn và nồng ấm hơn chứ không còn dang dở như bây giờ.

 


[1] Lữ hành là một trong số các hoạt động kinh doanh du lịch, gồm có hoạt động lữ hành, hoạt động kinh doanh lưu trú và hoạt động kinh doanh vận tải.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442872

Hôm nay

268

Hôm qua

2318

Tuần này

2685

Tháng này

218046

Tháng qua

112676

Tất cả

114442872