Xứ Nghệ ngày nay

Cao Thế Lữ: Nhà giáo mẫu mực

Nhà giáo Cao Thế Lữ (1924-2008) 

     Cho đến ngày nay, những người làm trong ngành Giáo dục Nghệ An những năm 1950-1980 hẳn vẫn chưa quên được hình ảnh Cao Thế Lữ, một nhà giáo tài hoa, tâm huyết, sống trọn vẹn với nghề và gìn giữ một cái tâm trong sáng, thanh khiết giữa bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời. Làm thầy giáo từ lúc còn trẻ tuổi, rồi lên làm cán bộ quản lý Ty Giáo dục, đến cuối lại về làm thầy giáo, Cao Thế Lữ có hơn 40 năm gắn bó với ngành Giáo dục Nghệ An, từ khi cách mạng thành công cho đến trước khi đổi mới đất nước.

     Một con người tự học

     Cao Thế Lữ (1924-2008), sinh tại làng Phượng Lịch, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, Nghệ An, một vùng đất có nhiều người học cao hiểu rộng. Ông lại sinh ra trong “gia đình hàn nho phong kiến, nội ngoại mấy đời trọn mạch thư hương”[1]. Mồ côi cha khi mới 10 tuổi, cảnh nhà nghèo khó nhưng với nỗ lực lớn lao, ông vẫn học được hết bậc tiểu học (bằng primaire) rồi bắt đầu đi kiếm sống. Tự học là yếu tố quan trọng làm nên con người Cao Thế Lữ.

     Năm 1942, Cao Thế Lữ bắt đầu đi dạy thêm để kiếm sống. Đó là những ngày đầu tiên ông bước vào con đường làm thầy giáo. Khi cách mạng tháng 8/1945 bùng nổ, với khả năng ăn nói lưu loát, ngoài dạy học, ông còn được cử đi vận động người dân cùng tham gia cách mạng. Năm 1951, Công đoàn Giáo dục Nghệ An thành lập, ông tham gia Ban Chấp hành và dạy học tại Trường Nguyễn Xuân Ôn ở Diễn Châu. Một năm sau, ông được điều về Ty Giáo dục làm Phó Thư ký Công đoàn Giáo dục tỉnh. Từ 1957-1961, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Chánh Thư ký Công đoàn Giáo dục Liên khu IV và Chánh Thư ký Công đoàn Giáo dục Nghệ An. Từ 1962, ông là Phó Trưởng ty, rồi quyền Trưởng ty và sau lại Phó Trưởng ty Giáo dục Nghệ An. Đến năm 1976, khi nhập tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh thì ông làm Chánh Thanh tra của Ty Giáo dục Nghệ Tĩnh. Đến năm 1980, ông xin về làm thầy giáo ở Trường Cán bộ giáo dục tỉnh cho đến năm 1985 thì nghỉ hưu.

     Hơn 40 năm hoạt động trong ngành Giáo dục, với Cao Thế Lữ, đó là một cuộc hành trình tự học. Ông tự học thông qua những người thầy mình kính trọng dù ít được ngồi ghế nhà trường. Các thầy Nguyễn Thương Chí, Nguyễn Hữu Du, Cao Xuân Huy, Lê Hiệu… là những người ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của ông. Am hiểu Hán Nôm cùng vốn tiếng Pháp vững vàng là cơ sở để ông tự tiếp cận các nguồn tri thức. Theo nhà nghiên cứu Hồ Phi Phục: “Anh Lữ ít được học trên trường lớp, nhưng anh chăm chỉ đọc sách và học hỏi nhiều người. Anh đọc rất sâu về Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm hay đọc sách của các trí thức xứ Nghệ như Phan Bội Châu, Hồ Phi Huyền… Rồi lại đọc những quan điểm, tư tưởng giáo dục của các nhà giáo dục Xô Viết như Makarenco… Anh đọc và tìm hiểu những triết lý giáo dục, triết lý nhân văn của các bậc tiền bối để phục vụ công việc chuyên môn, và để ứng xử với cuộc sống xã hội.Vậy nên, khi trao đổi với anh, người ta thấy toát lên sự uyên bác của một bậc thức giả, sự cầu thị của một người tự học mà trưởng thành”.

     Một nhà giáo mẫu mực, tâm huyết

    Với vai trò phụ trách chuyên môn ở Ty Giáo dục nhiều năm, Cao Thế Lữ để lại nhiều dấu ấn đậm nét đối với ngành Giáo dục Nghệ An.

Nhà giáo Cao Thế Lữ (ảnh chụp năm 1966) 

     Trong suốt 2 thập kỷ từ 1960-1980, để các phong trào thi đua do Bộ Giáo dục phát động được triển khai có hiệu quả ở Nghệ An đòi hỏi người quản lý giáo dục phải sâu sát. Ngoài trình độ chuyên môn, nắm vững lý luận về giáo dục, có hiểu biết về giáo dục, văn hóa thì cũng phải có sự trải nghiệm thực tế, nắm bắt tình hình trường lớp, địa phương và tình hình chung của đất nước một cách cụ thể. Ngoài các huyện đồng bằng ông nắm khá vững từ Vinh, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nam Dàn, ông cùng các đồng nghiệp đi lên vùng miền núi để thị sát cụ thể như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong nhằm có sự chỉ đạo, quản lý sâu sát hơn. Giữa những năm 1960, trong một cuộc họp, một đại biểu ở Kỳ Sơn đã phê bình thẳng thắn lãnh đạo Ty Giáo dục không nắm được tình hình địa phương thì sao chỉ đạo được. Không giận dỗi tự ái, ông lắng nghe và tiến hành đi thực tế 1 tháng ở Kỳ Sơn để tìm hiểu. Với ông, chuyến đi đầy gian khổ, nguy hiểm đó không chỉ in hằn vào công việc quản lý, mà còn là nguồn cảm hứng của thơ ca sau đó.Nhờ sự làm việc nghiêm túc, lắng nghe ý kiến trái chiều, khắc phục các hạn chế nên công việc chuyên môn của Ty đạt được nhiều thành tích nổi trội. Trong hệ thống giáo dục phổ thong thời đó, Nghệ An có những điển hình nổi tiếng như xã giáo dục toàn diện Diễn Minh (Diễn Châu), trường cấp 1 xã Diễn Hoàng (Diễn Châu), trường cấp 2 xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ), huyện giáo dục miền núi điển hình Quế Phong… Trong phong trào kết hợp vừa học vừa làm, Nghệ An cũng có những điển hình như nông trường Tây Hiếu, nông trường Đông Hiếu, nông trường Cờ Đỏ, nông trường 1/5… Những đơn vị này là những lá cờ đầu trong phong trào giáo dục của toàn miền Bắc được Bộ Giáo dục công nhận.

     Ở phương diện khác, Cao Thế Lữ cũng là người có quan điểm giáo dục, phương pháp dạy học tiên tiến. Từ cuối thế kỷ trước, Cao Thế Lữ đã tổng kết: “Cảm xúc, tư duy, ký ức… của học sinh biểu hiện khác nhau ở từng con người, từng lứa tuổi, đối với từng môn học, từng mặt hoạt động giáo dục, thậm chí đối với từng bài học (nhất là văn học). Đây chính là mặt thực tiễn, đòi hỏi phải phân tích cụ thể để có phương pháp dạy học thích ứng đưa lại hiệu quả mong muốn là “học sinh tự mình chiếm lĩnh kiến thức và tiêu hóa kiến thức”. Ông cũng phê phán cách dạy sơ sài: “Rất ít thấy một giáo viên nào đi sâu vào thế giới tâm hồn học sinh để đánh giá được mặt nổi trội, mặt tiềm ẩn về năng lực. trí tuệ của học sinh, dựa vào các thao tác tư duy”. Hoài nghi lối dạy học chạy theo thành tích: “Kể cũng đáng hoài nghi những tiết học được công nhận là tốt mà người dạy thi và người chấm thi chưa hề nghiên cứu và hiểu biết gì về “thế giới bên trong” của lớp dạy”. Từ đó ông nhấn mạnh “Chừng nào chưa đặt học sinh ở vị thế chủ thể nhận thức và sáng tạo, thầy cô giáo còn là người rao giảng, “bà bảo mẫu mớm cơm cho trẻ”” thì người học cũng không bao giờ “tự chiếm lĩnh tri thức được” và nền giáo dục vẫn chưa thể phát triển được[2].

     Học và dạy, với Cao Thế Lữ không chỉ là tiếp nhận và truyền thụ kiến thức mà phải coi trọng việc khai mở, rèn dũa về đạo đức và nghị lực vươn lên cho học sinh. Học trước hết là sự khổ học, tự học. “Học không phải đi vay mượn chữ của người khác, đi nhận chữ của người khác ban trao. Học không phải là nâng chén cho người khác rót nước vào lưng, đầy vô tội vạ. Bản chất của học là khổ học, một ý chí, một nghị lực, một phương pháp của chủ thể là người học. Học là tự tổ chức lấy hoạt động trí tuệ để tiếp nhận tri thức và ý nghĩa của tri thức, là vận dụng tri thức để làm bài tập, cuối cùng là giải quyết việc đời”[3]. Dạy, trước hết là dạy cho học trò biết hổ thẹn. Bởi, khi “không biết hổ thẹn, họ còn cho là “văn minh”, là “hợp mốt”… “Không biết hổ thẹn, họ còn vênh váo là có tài giao du, có khả năng bặt thiệp, có sức hấp dẫn…”. Nguyên nhân của sự không biết hổ thẹn, như ông nhấn mạnh là do “không sắc bén nên nhận thức về nhiều giá trị trong cuộc sống bị chao đảo”, bởi “một số không ít người lớn lại không biết hổ thẹn, thiếu gương mẫu…”. Để hạn chế việc này thì cần phải “giáo dục lòng tự trọng, lòng tự ái cần thiết, lòng tự tôn chừng mức cho thế hệ trẻ”[4]. Những cái đó là nền tảng ban đầu của học và dạy.

     Một con người trung trực, một tâm hồn thanh bạch

     Nhà văn Sơn Tùng từng viết về Cao Thế Lữ là người có “phẩm cách cao khiết”. Nhiều người kính trọng Cao Thế Lữ ở phẩm chất trung trực, thẳng thắn, nhân cách thanh cao,tâm hồn trong sáng. Theo nhà giáo Nguyễn Quang Tuyên, một người đồng nghiệp có gần 20 năm làm việc cùng Cao Thế Lữở Ty Giáo dục thì: “Anh Lữ là người trung trực, làm việc nghiêm túc từ tác phong đến việc thực hiện. Dù nghèo đói nhưng anh luôn ăn mặc nghiêm túc, áo sơ mi đóng thùng, thắt cà vạt. Có người nói anh cung cách tiểu tư sản.Nhưng với anh thì đó là tôn trọng công việc, tôn trọng người mình tiếp xúc. Và quả thực như thế. Bề ngoài là vậy nhưng anh sống rất gần gũi, ân cần với mọi người. Anh rất cọi trọng người có chuyên môn và cố gắng sắp xếp công việc, vị trí sao cho phù hợp với năng lực của mỗi người”.Cách ăn mặc khá Tây nhưng kiến thức lại uyên bác cả Đông và Tây của ông cũng được ông Hồ Phi Phục tán thưởng gọi là “ông đồ Tây học”. Trên hết, Cao Thế Lữ là người trung trực và thẳng thắn, nhiều khi còn gàn. Khi ông còn làm quản lý ở Ty Giáo dục, hàng ngày vẫn đi qua cổng nhà một người bạn đồng môn là ông Chu Mạnh nhưng lại không ghé thăm chỉ vì ông ấy là … Chủ tịch tỉnh. Trong hồi ký, ông ghi lại: “Có lần, sau cuộc họp, tôi đi ngang qua nhà ông Mạnh, vợ ông mời vào chơi. Vào nhà tôi nói: “Lâu nay, nếu anh là cán bộ thường thì mình đã vào chơi nhiều lần, nhưng vì là Chủ tịch nên mình không vào. Nếu hôm nay chị không mời thì mình không vào đâu”[5]. Biết nói vậy dễ gây ra sự tự ái, giận dỗi của người khác, nhưng với ông đó là nói thật suy nghĩ của mình, là sự tôn trọng bạn. Sự thẳng thắn, trung trực của ông cũng làm cho nhiều người không thích. Khi nhập tỉnh (1976), hai Ty Giáo dục cũng nhập lại. Ông là Phó Trưởng ty nhưng trong cơ cấu mới lại bị chuyển xuống làm Chánh Thanh tra. Điều đó làm cho nhiều nhà giáo từng làm việc và quen biết ông tỏ ý không đồng tình. Nhiều người đến trao đổi, nhiều bức thư gửi về chia sẻ sự bất mãn thay ông. Nhưng “trong khi mọi người còn thắc mắc, thậm chí bất mãn thay cho anh Lữ thì anh ấy không tỏ thái độ gì là bực tức mà bắt tay ngay vào công việc của Chánh Thanh tra Ty. Anh ấy vạch kế hoạch trong năm đầu tiên phải tiến hành các công việc chuyên môn như thế nào… Điều đó khiến cho nhiều người càng khâm phục anh ấy thêm” - Ông Tuyên nhớ lại. Ở cương vị nào, ông cũng tận tâm với công việc, cố gắng gìn giữ bản thân mình để không bị cuốn vào những cuộc tranh chấp quyền vị. Dù thẳng thắn phê phán cái sai, không xu nịnh cấp trên, nhưng cũng không cay cú khi mình nhận thiệt thòi. Đó là cách ứng xử của một người tử tế, một nhân cách cao khiết, một trí thức “biết mình”, luôn tự “soi trong đáy giếng để ngẫm lại mình”.

 

 


[1]Cao Thế Lữ: “Tự hoài, tự vấn, tự suy”. In trong “Trở về nguồn cội”.Nxb Nghệ An, 2010.Trang 15.

[2] Cao Thế Lữ: “Từ đối tượng học sinh mà dạy” trên báo Giáo dục và Thời đại, 1999. In lại trong “Nghĩa tình Cao Thế Lữ”.Nxb Nghệ An, 2008. Trang 252-253.

[3]“Khổ học và tự học”.Báo Giáo dục và Thời đại, 2000.In lại trong “Nghĩa tình Cao Thế Lữ”.Nxb Nghệ An, 2008.Trang 264.

[4]“Phải dạy điều: “Biết hổ thẹn””. Giáo dục và Thời đại, 2000.In lại trong “Nghĩa tình Cao Thế Lữ”.Nxb Nghệ An, 2008. Trang 260-261.

[5] Dẫn theo“Trở về nguồn cội”. Nxb Nghệ An, 2010.Trang 106.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443384

Hôm nay

2275

Hôm qua

2305

Tuần này

21197

Tháng này

218558

Tháng qua

112676

Tất cả

114443384