Xứ Nghệ ngày nay

Bảo tồn văn hóa, nhìn từ tuồng Kẻ Gám

 

1. Trong một buổi chiều tháng 10 năm 2010 đầy những sự kiện trọng đại, sau trận mưa lũ lịch sử, chúng tôi về Kẻ Gám, Yên Thành. Tối hôm ấy, tại đây có diễn tuồng nhân kỉ niệm tám mươi năm ngày Đại đoàn kết toàn dân.

Kẻ Gám nơi chúng tôi đến thuộc xã Tăng Thành, là một trong những điểm có truyền thống tuồng vang bóng một thời. Theo ông Ngô Đức Tiến, nguyên cán bộ tuyên giáo huyện này, nay là người nghiên cứu các vấn đề văn hóa - lịch sử, nhất là văn hóa truyền thống, của mảnh đất vẫn được coi là vựa lúa của xứ Nghệ, thì tuồng kẻ Gám đã có một lịch sử khá lâu đời. Trước đây, kẻ Gám có một gánh hát nhà trò, gọi là trò đại hàng, thời Lê Trung hưng đã được tiến sĩ – Thượng thư Trần Đăng Dinh tặng 20 mẫu ruộng và đưa vào biểu diễn trong hội Thái bình diên yến ở phủ chúa Trịnh tại Thăng Long; đến khi nhà soạn tuồng lỗi lạc Đào Tấn về trị nhậm ở Nghệ An, gánh hát nhà trò này trở thành đội tuồng lớn và được vào biểu diễn tại lễ tứ tuần đại khánh (mừng thọ 40 tuổi) của vua Khải Định vào năm 1924… Rồi cướp chính quyền, kháng chiến chống Pháp, cải cách ruộng đất, chiến tranh chống Mĩ… làng Gám dường như chưa bao giờ dứt tiếng trống tuồng.

Hôm chúng tôi đến, trời bắt đầu bước vào cái ngày se se lạnh. Làng Gám phảng phất một thứ hanh hao khó tả. Một sân khấu trang trí khiêm nhường được dựng vội trước nhà văn hóa xóm. Cách đấy mấy chục mét là nhà trưởng công an xã, anh cán bộ có bố mẹ cũng là những người mê hát và là diễn viên tuồng (dĩ nhiên, rất nghiệp dư trong cái tình thế tuồng rú Gám chỉ còn là tia hồi quang gợi về cái khát vọng xa xăm về hào quang một thuở). Khi chúng tôi vào nhà anh, khoảng 4 giờ chiều, cả đội tuồng tập trung đầy đủ và tất cả đang cùng vào hội hóa trang. Ở đây diễn viên khá thập cẩm: già có, trẻ có, đặc biệt có những diễn viên là anh chị em trong một gia đình có truyền thống hát tuồng. Những con người ấy kẻ xúng xính trong bộ quần áo rộng thùng thình, và quả thật là không đẹp (vì lấy đâu ra kinh phí), người đang thử lại cái đai lưng hoặc chỉnh sửa cái mũ tướng quân cho chắc chắn; ông thầy tuồng lần lượt đến từng người, cẩn trọng và tinh tế, đưa từng nét cọ trên mỗi khuôn mặt, để biến cho nó ra trung, ra nịnh. Tối nay gánh tuồng sẽ diễn vở Trần Bình Trọng. Một anh mặc giáp đỏ, bôi mặt đỏ, được biết là vào vai vị tướng trẻ Bảo Nghĩa vương - người đã cùng năm trăm quân tạo thành một lũy thép chắn địch trên bãi Màn Trò để hai vua Trần có thời gian rút lui trong cuộc đụng đầu với năm mươi vạn giặc Nguyên. Bạn tôi là người bản địa, cho biết, cái anh “Trần Bình Trọng” ấy, nếu chúng tôi ở qua đêm, đến sáng mai “hắn ta” sẽ biếu vài cân lòng nóng, vì hắn, chính cái gã “Trần Bình Trọng” ấy, là một tay thợ thịt lợn thứ thiệt, sáng nào cũng “trảm”, không phải bằng thanh kiếm hắn đang múa kia, mà bằng dao bầu, vài chú ỉn. Đối thủ của Trần Bình Trọng, Ô Mã Nhi, giáp trụ màu đen tênh hênh đến đầu gối vì người cao quá cỡ, hình như là một tay lái xe tải buôn cát sạn, vật liệu xây dựng… Còn nữa, phần lớn họ đều là những người nông dân thứ thiệt, ngày cấy lúa gieo mạ, thái khoai, băm bèo, nhưng cứ màn đêm vừa kéo xuống, lại tập trung về đây, hát khản cả tiếng, nhảy sái cả chân vì nỗi đam mê cái nghệ thuật mà ngày nay thật không mấy ai còn chú ý đến. Động viên, tiếp sức cho họ là những nồi cháo mà bà con trong xóm tự nguyện nấu mang đến tận nơi. Và bây giờ thì họ ở kia, mặt hoa da phấn nhưng tay chân sần sùi, đang xúng xính và ngượng ngập trong những bộ phục trang rườm rà thật không hợp tí nào với thói quen mặc gọn để tranh cướp với thời gian, với nắng lũ từng cọng rau, con tép. Và những con người ấy, cất lên những tiếng hát, dẫu còn có khi lạc nhịp, nhưng tỏ rõ sự đam mê, hết mình. Mà không chỉ những người trong đội hát, kẻ Gám hầu như ai cũng biết hát tuồng, không cứ là người già, mà cả thanh niên, đôi khi cả thiếu niên, nhi đồng nữa. Bữa cơm vội ở nhà ông bí thư chi bộ thôn không đủ thời gian cho mọi người kịp làm quen, nhưng cái không khí tuồng rộn cả ba chiếc chiếu. Ông chủ tịch mặt trận xã gân cổ lên mà hát, như trút vào không gian đêm một niềm nuối tiếc xa xăm.

Khoảng bảy giờ tối, sân nhà văn hóa đã chật cứng người, ngồi đứng lớp lang. Chưa khai màn nhưng ai nấy trật tự, mắt dõi lên sân khấu như chờ đợi, mà đúng là chờ đợi, một cái gì đó đã từ lâu lắm trong kí ức xa thẳm của cộng đồng sẽ dồn về và bùng nổ trên cái sàn gỗ mấy chục mét vuông khấp khểnh. Ông già cầm trống nhịp, râu tóc bạc phơ, rủ xuống ngực, thỉnh thoảng buồn tay gõ vào đêm những tiếng trầm trầm khắc khoải. Một cựu chiến binh cố phùng má bắt cây kèn cũ cất lên những tiếng đã khàn rỉ. Kèn tắc, lại hí hoáy sửa, lại phàn nàn rằng kèn quá cũ.

Vở diễn khá dài, nhưng không ai bỏ về trước. Tất cả đều xem trọn, có lẽ với cả niềm say mê, cả sự nhẫn nại. Tôi đã chứng kiến không khí nhiều cuộc họp, nhiều buổi biểu diễn văn nghệ, nhiều đêm thơ… quả thật chưa có cuộc nào lại được cái không khí trang nghiêm và giữ khách được như vậy.

2. Cuộc sống đang ngày một hối hả hơn, trong đó có sự hối hả của hưởng thụ. Những giá trị truyền thống, như người ta vẫn kêu lên không ngớt, đang dần mai một trong tình thế nhập nhằng giữa các cách ứng xử hay quan hệ với nhiều chủng loại giá trị văn hóa. Tìm về với những giá trị cổ xưa dường như đang là nỗ lực của nhiều quốc gia, nhiều dân tộc và của cộng đồng thế giới, điều này thể hiện trong cố gắng tìm tòi và ghi nhận những giá trị quá khứ. Người Việt Nam tự hào với những giá trị văn hóa đã được tổ chức này biết đến và ghi nhận. Cũng trên tinh thần đó, nhà nước ta đã có những chủ trương lớn nhằm hướng tới những hành động góp phần bảo tồn những vàng xưa. Trong công cuộc ấy, đã có không ít giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được phát hiện, được bảo tồn hay phục dựng. Tuy nhiên, dường như trong hành trình tìm lại những nét đẹp sơ xưa ấy, nhiều khi, sự chính xác và công minh chưa được xem như là một nguyên tắc quan trọng.

Tuồng kẻ Gám có thể là một ví dụ đáng để suy ngẫm. Ông Ngô Đức Tiến đã thật có lí khi trả lời phóng viên tạp chí Văn hóa Nghệ An về khả năng tồn tại của tuồng. Ông có một niềm tin rằng tuồng Gám vẫn có cơ hội để tồn tại, vì như ông phân tích, tuồng là một loại hình sân khấu nghệ thuật làng xã, trước đây, ngoài việc biểu diễn trong các cung đình (điều này thật năm thì mười họa), thì chủ yếu vẫn là một sản phẩm tinh thần tự cấp tự túc. Nghĩa là nó sinh ra và tồn tại trước hết là để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức, nhu cầu nuôi dưỡng đời sống tinh thần của nông dân, mà cái không khí chúng tôi vừa kể lại trên đây đã chứng minh khá rõ. Nghĩa là, nông dân đang còn với những sinh hoạt của họ trong cái nôi làng xã thì tuồng vẫn hoàn toàn có thể có đất sống. Ông Tiến quả quyết rằng tuồng Gám chỉ mất đi khi không còn nông dân Gám. Đây là một suy nghĩ rất đáng chú ý mặc dù trong cái cách ông thể hiện ý nghĩ ấy dường như vẫn còn gợn chút băn khoăn bởi một dự cảm mơ hồ nào đó về số phận của tuồng Gám. Từ những ý kiến trên của ông Ngô Đức Tiến, đối chiếu với những tri thức về văn hóa văn học dân gian, có thể thấy rằng, điều quan trọng nhất đảm bảo cho sự tồn tại của các loại hình nghệ thuật dân gian chính là môi trường, cái mà các nhà nghiên cứu vẫn gọi là không gian diễn xướng. Nếu như thế thì không gian diễn xướng của tuồng có lẽ chưa thể một sớm một chiều mà mất đi trên đất nước đang còn đến tám mươi phần trăm nông dân và một khoảng mênh mông làng xã này. Có nghĩa rằng tuồng, trên thực tế vẫn còn đất sống và đáng được đầu tư bảo tồn, phát triển. Vậy nhưng, nhìn vào buổi biểu diễn ở làng Gám đêm ấy, ai có thể không ngậm ngùi? Những đào kép rửa chân chưa hết bùn hát đến khản mình trên sân khấu, trong những bộ phục trang được may bằng thứ chất liệu vải rẻ tiền ngày nay thường thấy trong các cửa hàng trướng, và chân họ không được bọc bằng những hài, những hia đặc trưng của tuồng. Những con người ấy lên sân khấu với giày đen nhọn mũi, với giày adidas, với giày vải… Xưa gánh tuồng làng tôi biểu diễn còn thêm công điểm, còn những người hát tuồng ở làng Gám ngày nay, hình như chẳng có gì, cứ như là ăn không khí uống nước lã vậy.

Nhìn vào danh mục các sản phẩm văn hóa tinh thần và sự đầu tư để bảo tồn thì thấy tuồng có phần thiệt thòi, bởi một số sản phẩm trong đó ngày nay đã cạn kiệt không gian diễn xướng nếu xét trong cấu trúc chặt chẽ của các loại hình nghệ thuật ấy. Cũng cần nói thêm rằng, một khi chúng ta đã đổ quá nhiều công sức, tiền của cho những tham vọng văn hóa nhiều khi khá mù mờ, thiếu thực tế, thì tình trạng bất công vẫn hoàn toàn có thể xảy ra. Có những loại hình văn hóa sẽ vẫn chịu thiệt thòi, hình như không phải chỉ mỗi tuồng không thôi. Trong khi chúng ta vẫn đầu tư công sức, tiền của vào xây dựng những công trình vô bổ, hoặc đập phá để làm lại cho xấu xí đi những công trình vốn dĩ rất đẹp hoặc chưa xấu, tháo dỡ để làm lại những công trình vốn chẳng hư hỏng gì, thì một phần kinh phí ấy có thể dùng để góp phần bảo tồn những loại hình nghệ thuật như tuồng, không phải chỉ là tuồng Gám.

Dĩ nhiên, không chỉ có tuồng là đáng được bảo tồn, cũng không chỉ có tuồng đang thuộc số những loại hình nghệ thuật được liệt vào “sách đỏ” văn hóa. Tuồng, chúng tôi xin nhấn mạnh một lần nữa, chỉ là một ví dụ, rất sống động về việc nghiên cứu, lựa chọn để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Cần biết bao một thái độ, thiện chí, chân thành, cầu thị, khoa học và sòng phẳng trong khi đối diện với việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Để đạt được điều này, quan niệm về bảo tồn nói riêng, về văn hóa nói chung phải thực sự trở thành ý chí theo nghĩa đầy đủ nhất của từ này.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443420

Hôm nay

2311

Hôm qua

2305

Tuần này

21233

Tháng này

218594

Tháng qua

112676

Tất cả

114443420