Xứ Nghệ ngày nay

Xây dựng đời sống văn hoá ở Nam Đàn, KHI DÂN CHỦ ĐƯỢC PHÁT HUY

10 năm qua, Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện nam Đàn được các tầng lớp nhân dân huyện Nam Đàn hưởng ứng tích cực và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Có được điều này là nhờ Nam Đàn đã  biết phát huy dân chủ trong xây dựng đời sống văn hóa.

Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra
Ở Nam Đàn, không khí dân chủ được thể hiện rõ nét trên nhiều phương diện, ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Những việc công khai để dân biết, những việc dân được bàn và quyết định, những việc dân giám sát đều được thông báo công khai.
 Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, hầu hết các xã, thị trấn đã thông qua nhân dân kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch kinh tế xã hội để nhân dân đóng góp ý kiến trước khi HĐND - UBND quyết định. Trong rất nhiều nội dungđược chính quyền các cấp công khai cho dân biết, có chính sách kích cầu đầu tư trong xây dựng đường cứng, kênh xây, nhà văn hoá (NVH) xã, NVH xóm, khối...;Các dự toán và quyết toán các công trình xây dựng từ nguồn đóng góp của dân. Ví như chính sách hỗ trợ của huyện cho mỗi NVH xóm, khối xây mới là 15 triệu đồng, sau đó nâng lên 30 triệu đồng. Rồi chính sách hỗ trợ của các xã, thị trấn được thông báo công khai về tận xóm, khối. Các tiêu chí của Gia đình văn hoá, Làng văn hoá, sự đóng góp ủng hộ của dân được niêm yết công khai tại NVH để nhân dân theo dõi và thực hiện.
Hầu hết các xã, thị trấn đã thực hiện khá nghiêm việc đưa ra nhân dân bàn và quyết định trực tiếp về chủ trương, mức đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng như xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh xây, nhà văn hóa xã, xóm và nhiều công trình khác. Nhân dân được bàn và tham gia các cuộc vận động nhân đạo, từ thiện.  
Các dự thảo kế hoạch, các phương án, quản lý sử dụng quỹ đất, đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng và những nội dung cần lấy ý kiến theo quy định của Pháp luật được các xã, thị trấn thực hiện đầy đủ.  
Các công trình xây dựng trên địa bàn xã, thị trấn, xóm khối, ngoài tư vấn giám sát đều có sự giám sát trực tiếp của nhân dân thông qua ban giám sát đầu tư cộng đồng được nhân dân cử ra.
Và những kết quả
Rõ nét nhất là trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Các khoản tự nguyện đóng góp để xây dựng kết cấu hạ tầng được bàn bạc dân chủ, được quản lý, giám sát chặt chẽ, quyết toán công khai khi hoàn thành công trình. Nhờ vậy mà từ năm 2005 đến nay, huyện đã thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được gần 1.600 tỷ đồng trong đó nhân dân đóng góp trên 650 tỷ đồng, có nhiều công trình dân góp trên 50% số vốn... Các thiết chế văn hoá, thông tin, thể thao được tăng cường đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động VH,TT - TT trên địa bàn. Từ chỉ có 114 NVH xóm (hội quán) kiểu dáng cũ, quy mô chưa đạt chuẩn (vào năm 2001), đến nay, toàn huyện đã có 305 NVH xóm, khối đạt chuẩn (tối thiểu 70m2 trở lên), 13 xã, thị (58,3%) có thiết chế VHTT - TT đạt chuẩn quốc gia. Nhiều xã hoàn thành hệ thống điện chiếu sáng công cộng. Xã Vân Diên hoàn thành nâng cấp tất cả các NVH xóm trong năm 2009. Xã Nam Kim tuy điều kiện kinh tế khó khăn, song đã vận động và phát huy tốt nội lực của dân, chỉ trong thời gian ngắn, 100% NVH xóm được xây dựng đạt tiêu chuẩn. Xã Hồng Long, do dân chủ được phát huy mà người dân xóm 9 (ông Đào Anh Tuấn) sẵn sàng đổi đất nhà mình đồng thời cho xóm ứng trước tiền để xây NVH rồi dân góp trả sau. Chỉ trong năm 2009, xã có 7 NVH xóm được xây dựng mới, hoàn thành đường thôn xóm và làm thêm 5 km đường giao thông đồng ruộng, là xã đầu tiên trong huyện khép kín lưới điện chiếu sáng công cộng. Hồng Long cũng xây dựng các đề án: nâng cao chất lượng đời sống văn hoá, gia đình văn hoá; vệ sinh môi trường và củng cố hoạt động tự quản ANTT và tổ chức học tập rộng rãi trong nhân dân. Từ một xã có đời sống văn hoá kém phát triển, năm 2009, Hồng Long vươn lên đạt loại xuất sắc trong xây dựng đời sống văn hoá.
Cũng nhờ thực hiện tốt dân chủ mà nhiều di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn được tu bổ, tôn tạo từ nguồn kinh phí do dân đóng góp. Đơn cử như đình Đông Châu đã được dân làng Quang Thái, xã Nam Trung (nơi đình đóng) đóng góp tiền chuyển đình về nền đất cũ và tu bổ lại khang trang hơn. Từ năm 2005 đến nay, Quỹ vì người nghèo của huyện đã huy động được hàng tỷ đồng, hỗ trợ xây mới, sửa chữa cho trên 700 ngôi nhà Đại đoàn kết; Quỹ đền ơn đáp nghĩa thu được trên 4 tỷ đồng, giúp xây mới 63 nhà, tu sửa 320 nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách khó khăn.... Ngoài ra, các Quỹ nghĩa tình biên giới hải đảo, Quỹ chăm sóc người cao tuổi, Quỹ ủng hộ đồng bào bị bão lụt, Quỹ mái ấm tình thương, Quỹ mái ấm công đoàn, Quỹ khuyến học... cũng huy động được hàng trăm triệu đồng mỗi năm, kịp thời giúp đỡ gia đình chính sách, các hộ nghèo đảm bảo cuộc sống và phát triển kinh tế.
Nhờ quan tâm việc lấy ý kiến trước khi quyết định nên quá trình thực hiện các kế hoạch, phương án đã bàn diễn ra thuận lợi được nhân dân đồng tình cao. Ví như ở Nam Cát, thông qua dân được bàn, thảo luận dân chủ, đồng thuận và ý thức trách nhiệm cao của cấp uỷ, chính quyền xã nên công tác bồi thường giải phóng mặt bằng làm rất tốt. Đa số hộ dân đã tự nguyện dỡ bỏ bờ rào, hiến đất cho xã làm đường Nam Cát - Kim Liên.
 
Cũng thông qua dân chủ, việc kiểm tra, thẩm định, bình xét, quy tôn các danh hiệu văn hoá được thực hiện đúng quy trình, đúng tiêu chí. Đối với danh hiệu GĐVH, đầu năm tổ chức đăng ký, niêm yết danh sách đăng ký tại NVH xóm, cuối năm tổ chức bình xét công khai, dân chủ. Đối với danh hiệu LVH, hàng năm, ngoài việc xét công nhận LVH mới, BCĐ huyện còn kiểm tra, soát xét lại các LVH được công nhận từ trước, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.  Chính vì vậy mà mà số lượng và chất lượng gia đình văn hoá, làng, xóm, khối văn hoá, cơ quan, đơn vị văn hoá của huyện được nâng lên đáng kể. Đầu năm 2009, trên 30 LVH trong toàn huyện vi phạm các tiêu chí đã bị xoá danh hiệu. Tỷ lệ GĐVH của huyện năm 2009 đạt 80,2%, tăng 16,2% so với năm 2002. Tỷ lệ LVH đạt 43,9%, tăng 31,9% so với năm 2002.
Thực hiện tốt quy chế dân chủ, không những huy động được nội lực của dân trong xây dựng các công trình văn hoá, thể thao mà còn huy động được sức dân trong việc tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hoá tinh thần. Người dân tự nguyện đóng góp kinh phí và tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao. Ngoài các dịp lễ, tết, một năm với 2 mùa lễ hội lớn là lễ hội vua Mai (rằm tháng Giêng và lễ hội Làng Sen (dịp 19/5), người dân Nam Đàn từng bừng vào hội mà không ngại ngần về các khoản đóng góp. Cụ bà Nguyễn Thị Vân ở xóm Mỹ Thiện, xã Nam Cát, dù đã gần 80 tuổi vẫn tích cực ủng hộ tiền triệu cho xóm, xã tổ chức biểu diễn văn nghệ, thể thao. Một số xóm của Nam Cát, người dân tự nguyện góp tiền mua quần áo thể thao cho đội bóng thiếu nhi. Đại hội TDTT lần thứ VI của huyện vừa rồi được tổ chức tưng bừng, hoành tráng, chất lượng tốt đã góp phần đưa Nam Đàn lên vị trí thứ Nhì trong Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ VI vừa qua. Các hoạt động văn hoá - văn nghệ, TDTT quần chúng ở Nam Đàn phát triển mạnh và tương đối đồng đều ở các địa phương, cơ quan đơn vị, xí nghiệp là nhờ phát huy tốt xã hội hoá từ quy chế dân chủ.  
Quán triệt và thực hiện tốt QCDCCS đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho Nam Đàn hôm nay: chính trị ổn định, kinh tế phát triển (tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 8,1%, tỷ lệ hộ khá giàu đạt trên 50%), đời sống văn hoá tinh thần được nâng cao. Huyện Nam Đàn đang tiếp tục phát huy dân chủ để xây dựng huyện nhà sớm trở thành huyện văn hoá tiêu biểu, huyện kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434833

Hôm nay

2104

Hôm qua

2349

Tuần này

21483

Tháng này

211881

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434833