Xứ Nghệ ngày nay

Khai bút đầu xuân - Nét mới trong hoạt động văn hóa đầu xuân tại đền thờ hoàng đế Quang Trung

Khai bút đầu Xuân tại Đền thờ Hoàng đế Quang Trung - Thành phố Vinh

Khai bút đầu xuân tại Đền thờ Hoàng đế Quang Trung mới được tổ chức  lần đầu vào Tết Tân Sửu 2021 nhưng đã thu hút hàng trăm du khách tham gia, góp phần làm phong phú thêm hoạt động văn hóa đầu xuân tại Đền, đồng thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách.

Nét đẹp văn hóa của tục khai bút đầu Xuân

Khai bút đầu Xuân không phải nghi lễ bắt buộc thực hiện trong ngày Tết. Nhưng từ lâu, nó đã được duy trì như một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.

Những nét chữ đầu tiên của năm thường gửi gắm mong muốn về những điều tốt lành, may mắn, hạnh phúc trong năm mới; đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng chữ nghĩa và đề cao sự học.

Theo sử sách, tục khai bút và đi xin chữ đầu Xuân bắt đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIII, được gắn liền với hình ảnh thầy giáo Chu Văn An - một con người chính trực, từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà về Chí Linh (Hải Dương) để mở trường dạy học.

Tương truyền, khi học trò đến thăm thầy Chu Văn An, lúc ra về thường được thầy tự tay viết tặng một chữ mang ý nghĩa nhắn gửi về lẽ sống cho người đó. Ai nhận được chữ cũng đều cảm thấy hết sức may mắn và trân trọng. Từ đó về sau, tục khai bút được lưu truyền, không những biểu trưng cho sự hiếu học mà còn thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, sự thành kính của học trò đối với người thầy.

Lễ khai bút của người xưa được thực hiện sau Giao thừa, chính là thời khắc đầu tiên của năm mới. Mọi người thường đốt lư trầm bên bàn viết, lấy cây bút mới, mài mực tàu và hạ bài viết trên giấy hoa tiên hoặc giấy hồng điều. Không gian khi khai bút phải yên tĩnh, người viết phải trang nghiêm, tĩnh tại… Mỗi người đều thành tâm viết lên những câu chữ và gửi gắm vào đó ước nguyện tốt đẹp trong năm mới.Ngày nay, tục khai bút đầu Xuân đã có nhiều thay đổi. Với nhiều gia đình, đặc biệt là học sinh, giới văn sĩ, người làm nghề viết lách… phong tục này vẫn rất được coi trọng. Bởi người Việt quan niệm cây bút là công cụ gắn bó giữa đời sống trí tuệ và tâm hồn. Khai bút tượng trưng cho may mắn, thành công trong học tập và sự nghiệp.

Trong những năm gần đây, để duy trì và phát triển phong tục đẹp này, nhiều địa phương, dòng họ, gia đình tổ chức Lễ khai bút đầu năm tại văn miếu, đền, đình... Nghi lễ này không chỉ khơi dậy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam, khơi dậy niềm tự hào của các thế hệ nhà giáo, học sinh, tôn vinh truyền thống hiếu học mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa địa phương. Tiêu biểu như Lễ dâng hương khai bút ở đền thờ Nhà giáo Chu Văn An (thị xã Chí Linh, Hải Dương), Lễ khai bút của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại đình thờ Nhà giáo Chu Văn An (xã thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội), Lễ hội khai bút tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng)…lễ hội “Khai bút, cầu trí tuệ” tại chùa Đại Tuệ (huyện Nam Đàn), Lễ hội khai bút (xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu), Nghệ An,…

Các cụ đồ nho, các nhà giáo, học sinh tiêu biểu của địa phương sẽ được lựa chọn tham gia vào nghi thức khai bút. Những lễ hội này thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo người dân và khách thập phương. Bởi khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề… và bất kỳ ai cũng có thể thực hiện nghi thức này để thể hiện tâm tư, bày tỏ ước muốn, nguyện vọng trong năm mới, tự nhắc nhở bản thân hướng đến những điều tốt đẹp để phấn đấu.

Hoàng đế Quang Trung đối với giáo dục khoa cử.

Với tư tưởng của một vị Minh quân, vị anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ đã từng nói rằng: “Kiến quốc dĩ giáo học vi tiên, cầu trị dĩ nhân tài vi cấp” (dựng nước lấy việc học làm đầu, cầu trị lấy người tài làm gấp) Quang Trung ngay sau khi xưng đế đã ban bố Lập học chiếu (chiếu về việc học) để chấn chỉnh nền giáo dục nước nhà và coi trọng sử dụng người hiền tài, từ đó đề cao việc đào tạo nhân tài cho đất nước từ các cấp làng xã đến phủ huyện. Chiếu lập học là một chính sách rất kịp thời và tiến bộ dùng để cải cách giáo dục dưới triều Tây Sơn. Điều này trước hết chính là sự quan tâm của Nhà nước đối với việc học.

Bản thân Quang Trung, xuất thân là một võ tướng, khi trở thành hoàng đế cũng cố gắng học Tứ Thư, Ngũ Kinh, Binh Thư... Mỗi tháng 6 lần, một viên quan có nhiệm vụ vào chầu để giảng giải cho hoàng đế Quang Trung về kinh sách. Người ở ngôi trong thời gian ngắn ngủi. Những công việc cho thi hành trong 4 năm sau chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mới thu được kết quả bước đầu. Những việc Hoàng đế làm thể hiện hoài bão lớn muốn thoát ly khỏi sự lệ thuộc về văn hóa đối với bên ngoài, cụ thể là thay thế chữ Hán bằng tiếng mẹ đẻ, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính của quốc gia. Các nhà sử học cho rằng: đây là chính sách tiến bộ về mặt văn hóa; dù chưa có điều kiện để thực hiện triệt để, song nó đã đánh dấu một bước thắng lợi của tiếng nói dân tộc Việt trong bối cảnh xã hội đương thời khi có nhiều thế lực phong kiến đối lập có ý định phá hoại, gièm pha những kết quả tiến bộ đó

Năm 1789, Quang Trung cho mở khoa thi Hương đầu tiên tại Nghệ AnNguyễn Thiếp được cử làm Đề điệu trường thi kiêm Chánh chủ khảo.Để tăng cường phổ biến chữ Nôm, Quang Trung cho lập ra Viện Sùng chính vào cuối năm 1791, do Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng. Viện được đặt ở Vĩnh Dinh, trên núi Nam Hoa (Nghệ An), nơi Nguyễn Thiếp từng ở ẩn. Quang Trung đã giao cho Nguyễn Thiếp việc tuyển các nhà nho làm thầy và khuyên dân học chữ. Ngoài ra, Quang Trung còn giao cho Nguyễn Thiếp việc dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm để phổ biến rộng rãi. Cùng việc lập Viện Sùng chính, Quang Trung cho tu sửa Văn Miếu và Học Cung cũ của chúa Nguyễn ở xã Long Hồ, đặc biệt là mở rộng hệ thống trường học tới cấp xã mà các triều đại trước chưa làm được. Đồng thời, Quang Trung chính thức đưa chữ Nôm vào khoa cử. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, chữ Nôm được chính thức đưa vào khoa cử. 

Khai bút đầu Xuân tại Đền thờ Hoàng Quang Trung

Đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên núi Dũng Quyết, TP. Vinh là một trong những điểm đến không thể thiếu khi du khách về với Nghệ An. Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến Xuân về, hàng nghìn du khách thập phương tập nập về đây đi lễ để cầu mong cho gia đình được bình an, sung túc và thưởng ngoạn cảnh đẹp của đất trời. Đến với đền thờ Hoàng đế Quang Trung, du khách có thể thực hiện các nghi lễ tâm linh, thưởng ngoạn cảnh đẹp “sơn thủy hữu tình” của xứ Nghệ. Ngoài ra, du khách còn được thấy những hình ảnh đẹp - trẻ em trong bộ áo dài khăn xếp truyền thống đi lễ cùng ông bà bố mẹ, cầu may mắn, bình an trong ngày đầu năm mới. Các bạn trẻ cũng chọn nơi đây làm địa điểm chụp ảnh vào dịp đầu xuân mới; Tham gia một số trò chơi dân gian như đập niêu, đẩy gậy, đi cầu khỉ… được tổ chức tại khu vực sân đền... Đặc biệt, nơi đây cũng là điểm đến cho các học trò, sỹ tử, nhân dân và du khách thập phương khi có ước mong, cầu nguyện về việc học hành thi cử. Xuân Tân Sửu năm 2021, để làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa tại đền, Ban quản lý Đền thờ Hoàng đế Quang Trung đã tổ chức thêm hoạt động Khai bút đầu xuân nhằm thể hiện sự trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống, mở mang trí tuệ, giáo dục cho con cháu về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.

Bắt đầu sau thời khắc Giao thừa là tổ chức khai xuân, khai bút, tặng chữ cho du khách thập phương. Ban quản lý Đền thờ Hoàng đế Quang Trung bố trí nhiều điểm viết chữ cho du khách. Mỗi du khách được nhận 1 bút, 1 tờ giấy khai bút của Đền và viết lên đó những nét chữ đầu tiên của năm mới với những ước vọng về một năm mới nhiều thuận lợi, may mắn và bình an. Đặc biệt với các em học sinh, sinh viên khoác lên mình những bộ áo dài đầy màu sắc, các “ông đồ nhí”, sử dụng giấy, bút để viết những câu thơ, nét chữ… theo ý muốn cũng là để các em hiểu được “khai bút đầu Xuân” là đề cao sự học. Thông qua hoạt động này, Ban quản lý Đền thờ Hoàng đế Quang Trung hy vọng các em học sinh, sinh viên trân trọng hơn nữa việc học tập và nỗ lực để đạt kết quả cao trong năm mới. Đây không chỉ là hoạt động duy trì nét văn hóa truyền thống mà còn là một sự trải nghiệm thực tế, một cách giáo dục độc đáo. Hoạt động Khai bút đầu xuân Tân Sửu 2021 tại Đền thờ hoàng đế Quang Trung đã thu hút trên 500 du khách đủ các lứa tuổi, thành phần tham gia. Ban quản lý Đền cũng đã mời 2 thầy đồ đến viết thư pháp, tặng chữ cho du khách. Đây là nét mới trong hoạt động văn hóa đầu xuân tại Đền.

Khai bút đầu xuân Nhâm Dần 2022 tại Đền thờ Hoàng đế Quang Trung sẽ diễn ra từ ngày 1 Tết âm lịch, kết hợp với nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa như: Trưng bày chữ thư pháp, vẽ sáng tạo, trưng bày các sản phẩm đặc sản địa phương, các trò chơi dân gian... … sẽ mang đến cho du khách không gian du xuân lý tưởng trong những ngày đầu năm mới./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443090

Hôm nay

2286

Hôm qua

2318

Tuần này

2903

Tháng này

218264

Tháng qua

112676

Tất cả

114443090