Xứ Nghệ ngày nay

Những nàng Tô Thị thời nay…

Chiến tranh qua đi đã gần 40 năm rồi, nhưng những người phụ nữ ấy vẫn một mực chờ chồng, dù biết rằng những người đàn ông, người chiến sĩ của họ không bao giờ trở về được nữa.

Vì lời hứa đợi ngày trở về để nên nghĩa vợ chồng nên suốt 40 năm qua bà Hoàng Thị Trinh (Nam Cát, Nam Đàn) đợi chờ người yêu trong cô độc. Ngay cả khi biết rằng người yêu đã mãi mãi nằm yên trong đất bà vẫn vẹn nguyên tấm lòng sắt son. Ngày ấy bà là cô giáo làng hiền lành, chăm chỉ, dạy giỏi có tiếng, được nhiều người thầm yêu trộm nhớ. Trong đó có ông Tín. Nhưng cái ngại ngùng, e ấp cứ để tình yêu đôi trai gái mãi lửng lơ. Tháng 2/1965, ông Tín lên đường nhập ngũ, trở thành người lính báo vụ, phụ trách Đài vô tuyến 15W ở khu trung tâm tiền phương chiến trường Hướng Hóa, Quảng Trị. Sau mỗi lần hành quân, ông đều viết thư cho bà, cô giáo làng cũng đáp trả bằng những lời động viên chia sẻ. Năm 1969, ông được ghé thăm nhà 3 ngày nhân chuyến công tác. Họ chỉ có một ngày cùng nhau đi chơi. Nhớ nhung nhau nhiều lắm, nhưng gặp nhau cả hai đều ngại ngùng. Tháng 4/1971, bà nhận được món quà của người yêu từ một đồng đội: một tấm vải dù, một gói đường mơ, một tấm huân chương chiến công hạng ba và một bức thư với lời hẹn ước: “tháng 5 hoặc tháng 6 anh được nghỉ phép. Nếu về được chúng ta cưới nhau em nhé? Anh cũng xin phép bỏ qua những thủ tục dạm ngõ…vì thời gian người lính ngắn ngủi. Hiểu và thông cảm cho anh em nhé!”. Bạn bè ông kể, những lúc rảnh rỗi nơi chiến trường, ông vẫn tỉ mỉ với đường kim của mình để thêu đôi gối chuẩn bị cho ngày hạnh phúc. Thế nhưng, tối 1/5/1971, vừa mới cắt phép để về cưới vợ thì cũng là ngày ông hy sinh. Bà Trinh ở nhà chờ hết tháng 6 không có tin gì của người yêu cho đến khi nhận được thư từ người đồng đội báo: ông Tín đã hi sinh… Từ ngày đó, tuổi thanh xuân của bà lặng lẽ trôi trong nỗi đau của hạnh phúc dang dở. Nhiều người đến có ý hỏi bà về làm vợ nhưng bà đều từ chối. Bà ngậm ngùi, “Tôi không thể quên anh Tín. Cả đời này tôi là vợ của anh ấy”. Với suy nghĩ ấy, bà xin phép bên nhà ông Tín được đưa ảnh ông về nhà lập bàn thờ. Hơn 40 năm qua bà vẫn một mình hương khói thờ “chồng”.

Nếu bà Trinh “hơn 40 năm chờ đợi... được cưới”, thì bà Phạm Thị Hường (sinh năm 1931), Diễn Thành, Diễn Châu, may mắn được nếm trải cuộc sống “chưa trọn một năm làm vợ”. Tháng 12/1952, bà về làm vợ của ông Trần Văn Giảng (sinh năm 1928) trong sự nuối tiếc của bao trai làng để tuột mất cô gái đảm đang, thảo hiền. Mặn nồng ngắn ngủi, tháng 9/1953, ông Giảng đã phải lên chiến trường Điện Biên Phủ. Bà Hường một mình tần tảo việc nhà, chăm sóc bố mẹ chồng chu đáo, mong chờ ngày đoàn tụ, bà sẽ sinh cho ông những đứa con mà ông vẫn từng ao ước và đã đặt tên: “Trung, Phú, Hạnh, Phúc”. Nhưng... tháng 5/1954, bà nhận được giấy báo tử, ông Trần Văn Giảng đã hi sinh ở chiến trường Điện biên Phủ. Chân bà đi không còn vững, bà ngã bệnh cùng với nỗi đau khôn nguôi, và sự dằn vặt chưa thấy mộ của chồng. Trong khi ấy, gia đình ông Giảng có 4 anh chị em thì ba anh em đều là liệt sỹ,  cô em gái nay đã qua đời. Người vợ trẻ ngày ấy, người vợ già hôm nay với 83 tuổi đời và 60 năm... vẫn đơn độc chung thủy thờ chồng và không mệt mỏi lặn lội tìm mộ của anh.  

Cũng là vợ của anh lính năm xưa vì muốn đứng trong hàng ngũ bộ đội cụ Hồ nên đã khai gian thêm tuổi, đó là bà Hà Thị Tính, sinh năm 1937, trú tại phường Trường Thi, thành phố Vinh. Năm 1957, lúc đang giữ chức vụ chủ tịch Uỷ ban hành chính xã Xuân An (Hà Tĩnh), bà gặp anh Trần Văn Minh trong lúc lên xã làm một số thủ tục đợt nghỉ phép. Ba ngày sau, mẹ bà thông báo: “chuẩn bị lấy chồng vì mẹ đã nhận cau trầu người ta”. Hóa ra anh Minh đã nhờ bí thư Đảng ủy sang hỏi cưới bà. Đã là “ý kiến” của Đảng thì tôi chối răng được (bà nói trong nụ cười pha lẫn chút gì đó chua xót và đau đớn – pv). Tháng 10/1957, hai người chính thức nên vợ. Nhưng đêm tân hôn, cô dâu trốn biệt ngoài sân, trời mờ sáng cô lẻn xuống huyện đi họp luôn, 3 ngày sau bà về, anh Minh đã lên đường trở về đơn vị. Nửa năm sau, hai người mới trở thành vợ chồng đúng nghĩa và rồi họ có một bé gái đầu lòng. Ông bà có với nhau 3 đứa con. Ông đi biền biệt. 10 năm làm vợ, bà vẻn vẹn có được 80 ngày gần chồng. Xa cách, tình yêu của họ được nhen nhóm và hâm nóng qua những dòng thư. Những lá thư của ông bao giờ cũng  bắt đầu bằng: “em duy nhất của anh”. Chỉ vậy, nhưng nó là động lực để vượt hết mọi khó khăn trong cuộc sống những ngày bom đạn khốc liệt, chăm sóc mẹ chồng và nuôi 3 đứa con, nhất là khi giành giật sự sống cho đứa con trai độc nhất bị nhiễm chất độc da cam từ bố. Năm 1967, ông được cử tham gia nhiệm vụ bí mật ở mặt trận Lào - Thái. Và từ đó, mãi không trở về… Nhận được giấy báo tử mà bà vẫn không tin là sự thật. Ngày ngày chăm sóc con, đêm về bà viết nhật kí chờ chồng. Gần 20 năm chờ đợi, bà mới chịu tin sự thật đau đớn ấy. Gửi con, bà lần theo địa chỉ của những đồng đội, lặn lội dọc sông Mê Kông đi tìm mộ chồng. Cuối cùng ông đã được đưa về bên bà và các con sau hàng chục năm trời cách biệt. Những trang nhật ký vẫn cùng bà thao thức tâm sự với ông suốt gần 40 năm cho đến khi người con trai qua đời (2011) vì không chống chọi được với bệnh tật. Từ đó bà không còn viết nhật ký nữa mà sống tĩnh tâm với triết lý nhà Phật, hưởng phúc từ sự hiếu thảo của 2 cô con gái.

Có bao nhiêu người yêu, người vợ của người chiến sĩ khi mà hòa bình đã xanh thắm cuộc đời gần 40 năm, nhưng họ vẫn son sắt một lòng chờ đợi. Phải chăng đó là những dòng đời đẹp mà những người lính cụ Hồ vẫn tiếp tục tạo nên qua những người phụ nữ thân yêu của họ để cho cuộc sống hôm nay vừa chiêm ngưỡng vừa chiêm nghiệm./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442696

Hôm nay

2210

Hôm qua

2299

Tuần này

2509

Tháng này

217870

Tháng qua

112676

Tất cả

114442696