Xứ Nghệ ngày nay

Lâm Quang Mỹ* – nhà thơ Việt – Ba Lan

Nhan đề tập thơ „Tháng ngày...” gợi cho chúng ta nhớ tới một bài hát chan chứa tình cảm. Bởi vì tác giả của nó cũng được biết đến không chỉ với tư cách người nghệ sĩ cầm bút mà còn là người thể hiện các tác phẩm thơ của mình ở dạng các bài hát. Mà ông làm việc này một cách tuyệt vời. Ông không chỉ hát một cách tinh tế trước công chúng người nghe mà còn biến mỗi tác phẩm của mình thành một viên ngọc mang một bầu không khí riêng biệt. Và ông cũng bắt đầu cất lên tiếng hát trong tuyển tập thơ mới của mình, tập thơ được bổ sung cho giàu có thêm bằng những bài thơ mới dựa trên hiện thực Ba Lan một cách có chủ ý rõ ràng. Đây là phần mở đầu của tập thơ và của bài thơ „Tôi và thơ tôi”. „Đôi khi thơ tôi / như những sợi gió mỏng manh / Còn sót lại sau từng cơn bão...”

Tôi nhớ các bài giảng trước đây của đức Phật Ấn Độ khi tôi học triết học. Bậc thầy này đã nhắc đi nhắc lại mãi một điều: mọi người hãy nhớ rằng vạn vật (các giá trị mang tính tôn giáo, văn hóa, vị tha) càng đơn giản, chính xác bao nhiêu càng tồn tại lâu bền, thấm thía và càng hài hòa nội tâm bấy nhiêu. Với ý nghĩa này, khi đọc thơ Việt Nam, thỉnh thoảng trong ta lại thức dậy một sự băn khoăn: phải ghi công bao nhiêu cho các dịch giả (ở đây có sự hợp tác giữa Lâm là người biết tiếng Ba Lan, một khi ông đã cùng chúng ta trải nghiệm cả quãng  đời trưởng thành của mình, đã đạt trình độ học vấn cao với tư cách nhà vật lý học và đã từng làm việc trong các cơ quan Ba Lan cho đến khi nghỉ hưu, với các nhà thơ Ba Lan, mà trước hết là với Pawel Kubiak, „nhà đạo đức học”). Tiếp đó là nỗi băn khoăn về chuyện phải chăng những sự giống nhau so với thơ Ba Lan, mà giống nhất là giống „tâm điểm” thơ Ba Lan, với đặc trưng được thể hiện qua tác phẩm của Leopold Staff, là sự giống nhau có thật hay chỉ là điều chúng ta tưởng tượng ra?  Khi tôi viết về „Tuyển tập thơ Việt Nam” do Lâm Quang Mỹ biên soạn, điều đập vào mắt tôi mạnh mẽ nhất là những tương đồng về điều kiện văn hóa trong thơ Ba Lan và thơ Việt Nam. Cái chung tìm được gắn bó người Ba Lan và người Việt Nam là cuộc đấu tranh cho tự do trong suốt chiều dài lịch sử của hai dân tộc, trong đó bảo vệ tiếng mẹ đẻ, trước hết trong trường hợp Việt Nam là trước tiếng Trung Quốc, sau đó đến tiếng Pháp. Những mô-típ cơ bản của thơ ca yêu nước, thơ ca kêu gọi đấu tranh là những cuộc chiến tranh, những trận chiến đấu, là chủ nghĩa anh hùng, là sự hy sinh, mất mát, sự tàn phá, còn những người cầm bút thường xuyên nhất là các tướng lĩnh quân đội, những người anh hùng, những chính khách lỗi lạc nắm trách nhiệm giữ vững tinh thần yêu nước. Trong cái không gian chung có tên là bảo vệ bản sắc – chúng ta cảm thấy gần gũi nhau và tự tin.

Ngược lại chúng ta không cảm thấy tự tin về những ấn tượng của mình, về những cảm nhận và về sự hiểu biết của mình khi chúng ta bắt gặp những vần thơ triết lý và thơ trữ tình mang nặng yếu tố cá nhân. Chúng ta thấy ở mình rất nhiều những chủ đề về đạo Phật, đạo Lão, đạo Khổng. Những vay mượn mới hơn – đó là các bài giảng đạo của các nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha, các tu sĩ dòng Tên người Pháp. Nhưng sau đó cũng có cả những thứ mượn từ văn hóa Pháp, nhất là thơ trữ tình dùng để hát, tiểu thuyết sử thi, văn xuôi và thơ ngâm khúc (rõ nhất ở cha đẻ của văn học hiện đại và cha đẻ một phần tiếng Việt, Nguyễn Du, thế kỷ XVIII). Đối với chúng ta, thật khó hình dung được số lượng các dân tộc, sự giáp giới với các nước rất khác nhau như Trung Quốc, Lào, Cămpuchia, những thần thoại xung quanh sông Hồng và châu thổ của nó, giống như vậy là châu thổ Mê Công, là mùa mưa kéo dài thứ tháng Năm đến tháng Mười Một – tất cả những cái đó và nhiều cái khác nữa lấy đi của chúng ta sự tự tin vào việc chúng ta hiểu rõ và hiểu sâu tất cả những gì đang nói với chúng ta (trong và) thông qua thơ.

Cùng Lâm Quang Mỹ, chúng ta lại có mặt đâu đó trong khu vực cứu rỗi về thời gian. Không lấy gì làm lạ, bởi trong đại từ điển „Dictionnaire des mythologies” (Flammarion 1981) có nhắc đến nguồn gốc các tín ngưỡng Việt Nam và văn học có trong các truyền thuyết thành văn của Trung Quốc và trong các thần thoại truyền miệng của Việt Nam, còn toàn bộ nghệ thuật thì thể hiện niềm tin vào tính thần thánh của tự nhiên. Và đây là sự phỏng đoán rất phổ biến ở nước ta trong thời kỳ văn học Ba Lan Trẻ. „Nhiều khi ta là lá cỏ /Đung đưa trên mặt nước hồ...”. Nhà thơ là người rất dễ bị thôi miên. Anh ta cho phép cộng đồng, với danh nghĩa tổ quốc, được nói về mình. Bởi lẽ anh ta xây dựng trung tâm tinh thần và tiến dần đến sự thật. Anh ta gọi đó là trật tự thời gian: tuổi thơ, tình yêu, tuổi già. Anh ta gắn tự nhiên với văn hóa, còn trong trường hợp cực đoan – gắn trời với đất. Loại thơ này tạo ra một giác quan bổ sung trong việc vinh danh sự chính xác kiểu ánh sáng-bóng tối, chia tay, nỗi buồn, đặc biệt là nhớ nhung. Mặc dù – điều có vẻ ngược đời – loại thơ này biểu dương cái thời gian có khả năng nuốt trôi mọi thứ, song ngọn nguồn của nó, và mục đích của nó lại chính là một tâm hồn thanh thản. Điều này đạt được chủ yếu nhờ gắn với thơ ca dân gian thông qua „Cho Đời một khúc bi ca”.

Tập sách mang tính tổng kết về mặt thơ ca của tác giả luôn muốn duy trì không khí ca hát của chàng trai trẻ và trong không khí một tình yêu không bao giờ cạn. Ở nơi tác giả đạt tới tính hòa hợp vạn vật, tác giả tận dụng sức mạnh và màu sắc của trái đất với danh nghĩa ngọn nguồn cuộc sống. Đây là sự giao hòa muôn thuở của ngày và đêm, của các mùa trong năm, sự hóa thân vào thiên nhiên đối với nhà thơ là khuôn mẫu quan trọng nhất của tác phẩm. Tại Żelazowa Wola ông nghe các nốt nhạc: „...Từng giọt rơi rơi /Tràn ngập cả không gian / Là tiếng nhạc / Hay là tiếng khóc?/ Là sướng vui / Hay đau khổ ngập tràn?”.

Một trong những điều răn của nhà Phật là „chính ngôn”. Trong thơ Lâm Quang Mỹ, các hiện tượng thiên nhiên, vầng dương, trái đất và tất cả những đứa trẻ sống trong đó đều cất lên tiếng nói. Người sáng tạo là thời gian: thông qua ánh sáng và bóng tối, thông qua sự mong đợi, chia ly, khơi dậy, khỏa lấp. „Cho Hè một ít sao trời.../ Cho Xuân một ít men say.../ Cho tôi một ít thương yêu.../ Cho Đời một khúc bi ca...”. Bài ca vì thế không chỉ gắn chặt mình vào với đất nước, với tổ quốc, với những cánh đồng ven thung, với con sông ngọn núi mà cả với sự trải nghiệm của con người, những thời khắc đầy ấn tượng, với lòng khao khát và ý chí cá nhân. Ví dụ ở đây có thể là tiếng nói của ngôi nhà, tiếng nói của tình yêu.

Ngôi nhà  – đó là những tiếng nói dành cho chúng ta và vang lên quanh ta. Đó là môi trường của chim muông và cây cỏ. Đó là bà mẹ được nhắc đến ở đây với rất nhiều ý nghĩa. Đó là những công việc hàng ngày, song cũng có thể là những giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Mà trước hết đó là tình thân ái mà chúng ta mang trong mình. Nhưng những vần thơ đẹp nhất là những vần thơ nói về tình yêu. Tình yêu được liên tưởng đến vầng trăng, đến sự say đắm trong đêm, đến các hiện tượng thiên nhiên , nhiều hơn là liên tưởng đến sự thiếu thốn hơn là sự đầy đủ - không phải là một tình yêu đơn giản, dễ dàng và hiền dịu. „...Có gì rơi vào lòng ta / Như là ân hận, xót xa.../ Tình yêu rơi vào xa cách / Có gì rơi vào tình yêu ?”.  Điều này vĩnh viễn được treo lơ lửng trong không trung, trong thời gian, trong những quy luật của cuộc sống và sự trôi qua của tháng ngày. Sẽ là một nghệ thuật nếu món quà quý này nhận được và trao cho người khác. Nhưng chính tình yêu khai thác ý nghĩa, giữ lại những điều cần lưu tâm và chỉ ra mặt thứ hai của tự nhiên, cho phép hái những bông hoa đẹp của thơ. Đó là nguồn gốc của sự trầm tư mặc tưởng khi ta suy ngẫm sâu xa về những cái đang tồn tại quanh ta: cây cỏ, làn sương, dòng sông, ngọn khói, nhành hoa. Nhưng tình yêu cũng cho phép thâm nhập vào xứ sở những điều kỳ diệu, như Leśmian từng nói, để nhìn tận mắt xem con người, thiên nhiên và Vũ trụ mỏng manh như thế nào.  

NGUYỄN CHÍ THUẬT dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan

[*]: Nhà thơ Lâm Quang Mỹ, tên thật: Nguyễn Đình Dũng; nguyên là cán bộ Viện Khoa học Việt Nam, tiến sĩ vật lý, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan, hội viên Hội Nhà văn Ba Lan, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Sáng tác của ông gồm:

- Tiếng vọng – tập thơ, song ngữ Ba Lan – Việt Nam.

- Đợi – tập thơ.

- Tháng ngày – tập thơ, song ngữ Ba Lan – Việt Nam.

- Chiều rơi trên sóng – tập thơ, song ngữ Anh – Việt.

- Lời ca lang thang – tập thơ, tiếng Tiệp.

- Chiều rơi trên sóng – tập thơ, song ngữ Anh – Việt.

- Tuyển dịch ra tiếng Ba Lan „ Tuyển tập thơ Việt Nam 1000 năm”

Lâm Quang Mỹ là người rất đam mê thơ ca và luôn được mời xuống các cơ sở như các trường học, thư viện, nhà Văn hóa các cấp...trên toàn Ba Lan cũng như ở nước ngoài để đọc thơ, hát thơ, bình thơ Việt Nam, tuyên truyền quảng bá Văn học Việt Nam cho bạn bè thế giới.Tính đến nay ông đã có gần hai ngàn buổi đọc và trình diễn thơ, một con số không nhiêù người có được. 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441678

Hôm nay

278

Hôm qua

2317

Tuần này

21582

Tháng này

216852

Tháng qua

112676

Tất cả

114441678