Xứ Nghệ ngày nay

Phải biết bà con đang cần gì ở mình

Cả hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá của tỉnh được tổ chức vào trung tuần tháng 8 vừa qua đã chăm chú khi nghe báo cáo của anh Cao Duy Thái, cán bộ văn hoá xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp. Không nhìn vào văn bản mà anh vẫn nói một cách suôn sẻ, đầy xúc động. Bởi tất cả hoàn toàn là công việc mà anh đang làm, và hơn thế đó là tâm huyết, là gan ruột của anh đối với nghiệp văn hoá cơ sở mà anh đeo đuổi và trăn trở 19 năm nay.

Từ tình cảm với mảnh đất nghèo khó của một xã miền núi, mà trong muôn vàn thiếu thốn, khó khăn, dường như mọi cái cho hoạt động văn hoá đều chưa có gì, anh vẫn nhìn ra thế mạnh để vững tin vào công việc của mình. Đó là truyền thống yêu văn hoá, văn nghệ, là sự tin yêu hết lòng của bà con dành cho cán bộ văn hoá cơ sở. Bởi vậy, khởi động hầu như từ con số không vào năm 1991: không có sân bóng đá, bóng chuyền, không có nhà văn hoá, quanh năm không tổ chức giải văn nghệ, thể thao, còn tăng âm loa máy là chuyện xa vời, đến nay, Châu Lý là một trong những xã mạnh về nhiều mặt của huyện điểm văn hoá Quỳ Hợp. Hiện Châu Lý đã có đầy đủ các thiết chế văn hoá từ xã đến bản: nhà văn hoá có trang thiết bị đầy đủ, sân thể thao, cổng làng, hệ thống truyền thanh, pa nô, áp phích. Đến năm 2003, tỉnh mới triển khai đề án xây dựng thiết chế văn hoá thông tin thể thao đạt chuẩn quốc gia trong đó có quy hoạch đất, nhưng Châu Lý, với sự tham mưu của anh đã biết dành quỹ đất cho hoạt động văn hoá từ năm 1995. Do biết “lo” sớm nên đến nay từ xã đến bản đã có quỹ đất khá dồi dào dành cho văn hoá với hơn 92.000m2, thoát khỏi tình trạng thiếu đất như hầu hết các xã thuộc diện miền núi hiện nay đang gặp phải. Châu Lý còn là minh chứng sinh động cho việc biết huy động sức dân cùng chăm lo cho đời sống văn hoá, dù là địa bàn miền núi cao, đông dân tộc thiểu số. Rất nhiều xóm, bản ở đây đã vận động được nhân dân đóng góp để mua sắm đầy đủ trang thiết bị cho nhà văn hoá, thậm chí một số bản như Na Lạn, Khúa, Vực, Xết, Bục... còn có đủ cả xoong nồi, cốc chén, bát đĩa phục vụ cho các sinh hoạt cộng đồng, lễ hội tại bản. Hội xuân được khởi đầu từ năm 1996 cũng vậy. Nó như ngọn lửa làm bừng cháy niềm ham mê sinh hoạt văn hoá lâu nay đang ngủ im trong cuộc sống của con. Cách làm của Châu Lý cũng thật độc đáo, đúng cách của anh văn hoá nghèo mà hiệu quả. Xã chỉ lo kinh phí cho giải thưởng và mua bóng, lưới, thuê dựng cây nêu, còn hậu cần thì “ăn Tết” luân phiên từ nhà Bí thư Đảng uỷ cho đến cán bộ xã. Vậy mà hội xuân đã đều đặn diễn ra tưng bừng từ mồng 3 Tết đến hết ngày mồng năm suốt từ đó đến nay, trở thành một sinh hoạt truyền thống để bà con được hưởng thụ, được tham gia sáng tạo. Bởi có hội xuân mà hầu như các tệ nạn say rượu, gây gổ đanh nhau và cờ bạc trong dịp Tết không còn. Phong trào văn nghệ thể thao cũng từ đó mà trở nên mạnh mẽ, sôi động. Hiện nay, toàn xã đã có 15 đội bóng chuyền nam, 12 đội bóng chuyền nữ, 15 đội văn nghệ, 10 đội bóng đá nam, 12 đội bóng đá thiếu niên. Những điều đó khiến anh được động viên phần nào dù 13 năm nay, chưa năm nào anh được về Nghĩa Đàn quê vợ chúc Tết ông bà ngoại trước ngày hạ nêu chỉ để lo cho vẹn tròn hội xuân. Văn nghệ, thể thao phát triển góp phần đẩy lùi các tệ nạn. Xã Châu Lý hiện nay chưa phát hiện có đối tượng nghiện, tàng trữ mua bán ma tuý, các tệ nạn xã hội gần như không có. Phong trào TDĐKXDĐSVH được bà con hưởng ứng rất tích cực nhờ khâu tuyên truyền có hiệu quả. Chính bà con đã loại bỏ được các tập tục lạc hậu và xây dựng nên những nét đẹp mới: không còn tình trạng thách cưới, người chết không để trong nhà quá 48 tiếng đồng hồ, không làm cỗ linh đình như trước... Bà con các dân tộc Kinh và Thái biết quan tâm đến nhau hơn, ý thức giữ gìn nề nếp gia phong, phong tục tập quán đẹp của từng dân tộc được đề cao, chú trọng. Châu Lý đã xây dựng được những đám cưới mẫu của người Thái để từ đó định hình nên nét đẹp trong lễ cưới vừa giữ bản sắc vừa phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Tính đến nay, Châu Lý đã có 9/16 xóm, bản và 2 trường học được công nhận danh hiệu văn hoá.
 Cũng từ niềm đam mê và trăn trở thực sự cho nghiệp văn hoá cơ sở mà 19 năm làm cán bộ văn hoá xã anh đã lặng lẽ góp nhặt được những tư liệu về đền Choọng, ngôi đền thiêng của bà con vùng này. Anh đã cố gắng để khâu nối thành tập tài liệu sơ khảo về lịch sử đền Choọng, những mong mọi người hiểu, cảm thông và cùng chia sẻ với tấm lòng của người làm văn hoá và hiểu thêm về vùng đất Châu Lý này.
Lâu nay tôi những tưởng anh là người chuyên viết báo, bởi đã được đọc nhiều bài báo của anh viết về văn hoá khá sâu sắc đăng trên nhiều tờ báo địa phương và trung ương. Hoá ra anh là một cán bộ văn hoá xã “xịn”. Làm báo, với anh như là để làm tốt nghiệp văn hoá ở cơ sở. Làm anh văn hoá cơ sở khổ lắm, điều đó nhiều người đã rõ. Nhưng làm văn hoá cơ sở muốn thành công, với anh, là phải biết “bà con đang cần gì ở mình”.
Tôi nghĩ, đó là bí quyết của anh trong nghề nghiệp. Nhưng có lẽ cái rất quan trọng nữa, là anh đã có được một tấm lòng, một tâm huyết thực sự, gắn bó sâu sắc với văn hoá cơ sở. Đó là những yếu tố giúp anh tạo nên “sự nghiệp” cho mình, để được bà con tin yêu, đồng nghiệp quý và phong trào của xã nhà không ngừng phát triển. Ngẫm ra có được một tấm lòng dành cho văn hoá ở cơ sở như anh hiện nay thật là quý.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441463

Hôm nay

2180

Hôm qua

2283

Tuần này

21367

Tháng này

216637

Tháng qua

112676

Tất cả

114441463