Điện ảnh

Lịch sử qua cái nhìn trẻ thơ trong “Quên lãng nên thơ” của Phan Thảo Nguyên

Những đứa trẻ, vì thế là những ẩn dụ đưa người thưởng thức nghệ thuật vào thế giới của suy tư.

1. “Quên lãng nên thơ” (được triển lãm tại Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory 15 Nguyễn Ư Dĩ, Thảo Điền, quận 2 từ 15/4-2/6/2017) của Phan Thảo Nguyên, cùng với “Phủ đậy/phục hồi” của Phan Quang và “Neo lại kỳ lâu” của Võ Trân Châu nằm chung trong một xu hướng: cách người nghệ sĩ tạo ra tác phẩm nghệ thuật khiến người xem không nguôi suy nghĩ về lịch sử, bằng cách này hay cách khác. Đến xem triển lãm, một bạn ngoại quốc chia sẻ với tôi “Sao các nghệ sĩ Việt Nam đương đại bị ám ảnh về lịch sử thế nhỉ, nhưng tìm về lịch sử như thế thì có ý nghĩa gì đối với hiện tại hay tương lai của các bạn?”. Ngay lúc đó, tôi đã không thể đưa ra cho người bạn ấy một câu trả lời thỏa đáng. Trong buổi trò chuyện và ra mắt catalog của tác giả, có những tranh luận xoay quanh hình ảnh những em bé trần truồng cùng các hình ảnh bạo lực trong phim ngắn tác giả gắn kèm với triển lãm, bản thân tác giả đã chia sẻ suy tư về việc sẽ chỉnh sửa lại để phim có thể “nhân văn hơn” khi muốn công bố rộng rãi. Điều này khiến tôi băn khoăn: ngay trong lúc tranh luận, cả diễn giả lẫn người bình luận, đặt câu hỏi đều đã quên mất: những đứa trẻ trong phim về bản chất là các kí hiệu nghệ thuật, chúng là các biểu tượng, và vì thế vượt ra ngoài quan niệm chất liệu về thân thể trẻ em và các quan niệm đạo đức thông thường khác. Bài viết này của tôi là một kháng cự với hướng nhìn từ quan điểm chất liệu với các quy chiếu về đạo đức của một số người xem nghệ thuật và mong muốn giữ nguyên vẹn bộ phim gắn kèm triển lãm như lần đầu được chiếu (xu hướng của tác giả sửa đổi tính tự nhiên ban đầu của bộ phim là điều mà theo tôi có thể ảnh hưởng rất lớn đến giá trị của tác phẩm, phá vỡ tính ngây thơ và nên thơ của cảm xúc, ý tưởng ban sơ), vì tôi nhận thấy bộ phim trong mối quan hệ với thực hành nghệ thuật của Thảo Nguyên trong triển lãm có thể giúp trả lời câu hỏi của người bạn ở trên: bộ phim thống nhất với toàn bộ ý tưởng nghệ thuật của tác giả, sự độc đáo trong tác phẩm của cô: đó là việc nhìn lịch sử qua con mắt trẻ thơ, vốn là một cách nhìn thể hiện được bản chất của nghệ thuật.

2. Từ phim: Lịch sử An Nam qua hai giả cách

Bộ phim ngắn chia làm hai phần cân đối: Giả cách 1 liên quan đến Ngôi trường Alexandre  de Rhodes (A Lịch Sơn Đắc Lộ), nơi những đứa trẻ chỉ được học một loại sách duy nhất do ông này đưa cho, các sách khác bị khóa trong một thư viện sâu kín như mê cung không ai dám đi vào, nói gì đến đọc và hiểu. Vì thế, những đứa trẻ chỉ biết thực hành lại những gì chúng được học trong sách, những thực hành đôi khi rất bạo lực, mông muội và man rợ. Giả cách 2 liên quan đến Bà chúa có nguồn gốc Trung Hoa thực chất vì sống quá bê tha nên bị xua đuổi ra khỏi xứ sở, dạt vào An Nam lại trở nên linh thiêng, ngự trị cả một vùng cửa bể. Những đứa trẻ cũng thực hành các hình thức dị đoan này, hành hạ những nhân vật được chúng chọn ra như là biểu tượng. Cấu trúc của phim khiến người xem suy tư về lịch sử của nước An Nam thuộc địa: một lịch sử được tạo nên bởi những đứa trẻ, các biến cố lịch sử đôi khi chỉ là hệ quả của các trò chơi ngây thơ mù quáng. Tác phẩm cũng đưa ra giả thiết về hai hình thức chi phối đời sống tinh thần, kiến tạo nên lịch sử của một dân tộc thuộc địa: giáo dục gắn với những gì học được từ phương Tây trên phương diện chính thống và các niềm tin dị đoan là hệ quả của ảnh hưởng từ Trung Hoa trong cuộc sống đời thường.  

Đoạn cuối phim là các hình ảnh tổng hợp gợi nhiều liên tưởng

Hình ảnh những cái vỗ tay để bụi phấn bay mù mịt chứa đựng nhiều nghịch lý, có phải là những gì ta vẫn thấy trên truyền thông hàng ngày, bụi phấn như đủ thứ pháo hoa, những lời phát biểu to tát làm mờ mắt, ù tai người xem, nhưng có mấy người nhận ra đó chỉ là kết quả của một trò chơi con trẻ, sau khi bắt chước xong những trò vô bổ thì tự chúng vỗ tay tán thưởng nhau, với một niềm vui ngây thơ tội nghiệp mà không vô hại vì đã làm tổn thương, làm đau đồng loại của mình. Không thấy đứa trẻ bị đau vỗ tay, tay nó không dính phấn, chỉ người đầy vết thương.

Tôi đặc biệt bị ám ảnh bởi hình ảnh đứa trẻ nhắm mắt, không ngừng lăn trên đất, trên con đường nhỏ giữa cánh đồng. Những vòng xoay ấy tựa như vòng xoay của bánh xe lịch sử. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, vòng xoay đó lại được tạo nên bởi một đứa trẻ đang ngủ mơ, bánh xe lịch sử lăn bằng da thịt của con người. Người ta cứ tưởng lịch sử đang tiến triển, tưởng mình đang đi những bước rất xa, song vẫn không đi ra khỏi phạm vi nhỏ hẹp của một vùng trũng, xung quanh là cây lúa – tượng trưng cho một vùng văn hóa nông nghiệp hay các loại cây hoang dại, còn xa mới đến văn minh. Đấy là còn chưa kể nếu đất bằng thì đứa trẻ cứ lăn, song chỉ cần một chút ngẫu nhiên là nó bị mắc vào đám cỏ rồi ngừng lại. Mặt khác, người xem cũng không khỏi đặt ra câu hỏi: liệu vòng xoay ấy có thực không hay chỉ  là “giấc trưa nhiệt đới”, là giấc mộng của những đứa trẻ trong những phút giây ngắn ngủi thoát ra khỏi chiếc gông chúng tự đặt lên vai mình. Cũng giống như những đèn hoa rực sáng (mà chất liệu là các thứ hoa trang trí ngày Tết được tác giả mua lại với giá rẻ) có thật không hay chỉ là ảo ảnh giúp làm sáng lên những gương mặt thơ ngây trong chốc lát? Người xem phim luôn mông lung suy tư giữ giữa hư và thực, tiến triển và đứng im.

… đến tranh vẽ và sắp đặt: Một thực hành nghệ thuật mang bản chất nghệ thuật

Ý tưởng về những đứa trẻ lăn trong chiều dài lịch sử có thể tìm được tiếng vọng trong thơ Tản Đà đầu thế kỉ: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn/ Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”  hay bài thơ của cô giáo Trần Thị Lam từng đã và sẽ được chia sẻ rộng rãi trên không gian Facebook: “Đất nước mình ngộ quá phải không anh/ Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn”. Tuy nhiên, điều tôi quan tâm là cách tác phẩm cuat Thảo Nguyên kết nối ý tưởng ấy với tranh vẽ và các hình ảnh sắp đặt thành một hệ thống nghệ thuật nhất quán. Đó có thể xem là ba hiện dạng (token) giúp hình thành trong đầu óc người xem một điển dạng (type). Trên phương diện này, điểm đặc sắc của tác phẩm là ở chỗ đã dùng các phương tiện khác nhau để đưa ngôn ngữ nghệ thuật in sâu vào tâm trí của người xem, rất giống với quá trình thẩm thấu một ngôn ngữ.

Thực hành nghệ thuật của Thảo Nguyên vẽ tranh đè lên trên các trang sách có thể xem là một hành vi thơ trẻ - bắt chước y hệt những đứa trẻ trong phim: thiếu sự định hướng của người lớn, chúng tùy ý thêm thắt, sáng tạo, biến tấu, cho nên học theo mà kỳ thực lại không có một công thức cứng nhắc, một lối đi được vạch sẵn nào. Diễn giải lại quá trình lịch sử của dân tộc bằng chính cách thức lịch sử ấy được hình thành, người nghệ sĩ vì thế tìm được khía cạnh “nên thơ” của việc chỉ ra những gì đã bị quên lãng. Hành vi này, như một hình thức song hành cú pháp với cái ta được thấy trong phim, soi chiếu và đưa thông điệp về lịch sử dân tộc như được tạo nên bởi trò chơi của những đứa trẻ ra khỏi phạm trù của sự đánh giá tốt – xấu thông thường, biến nó thành hành trình sáng tạo.

 Bằng cách này, tác giả trả nghệ thuật về với đúng bản chất của nó, là cái mà các nhà chủ nghĩa hình thức Nga giải thích bằng khái niệm “lạ hóa” – nghệ thuật khiến cho con người nhìn các sự vật hiện tượng tưởng đã quen thuộc như được thấy lần đầu tiên, đó là bởi người nghệ sĩ luôn nhìn ngắm và miêu tả chúng bằng con  mắt, bằng tâm hồn của đứa trẻ đầy ngạc nhiên, đầy thắc mắc. Trong trường hợp này, qua nghệ thuật, lịch sử sống một cuộc đời khác, được nhìn bằng con mắt khác. Cũng bằng cách này, tác phẩm đã “giải tự nhiên hóa” và chất vấn một loạt những huyền thoại thông qua nghệ thuật sắp đặt những cây nỏ không có lẫy: A Lịch Sơn Đắc Lộ có phải thực sự là cha đẻ duy nhất của chữ Quốc ngữ hay không? Trương Vĩnh Ký có công hay có tội? Có nỏ thần không hay nó chỉ là mô hình được dàn dựng, trên đó viết đủ thứ câu chữ ẩn khuất những tự sự riêng tư, những khám phá bí mật có khi chẳng liên quan gì đến nỏ thần? Cái làm bệ đỡ cho câu chuyện nỏ thần là ngọc trai – hình ảnh tượng trưng cho tình yêu tội nghiệp, ngang trái của một đôi trai gái trong vòng xoáy lịch sử, song hình hài của tất cả những cái đó lại là các dấu thanh điệu tiếng Việt được cách điệu – tượng trưng cho ngôn ngữ, ngôn ngữ thêu dệt nên tất cả, là cái nằm bên dưới tất cả những câu chuyện, những huyền thoại. Vậy thì có lịch sử thật như ta được đọc trong sách không? Hay đó chỉ là những bức tranh vẽ đè lên những con chữ, là những văn bản, những thứ ngôn ngữ xếp chồng lên nhau, giao cắt nhau, những dấu vết che giấu bao câu chuyện câm lặng?

3. Như vậy, bộ ba tác phẩm: phim, tranh vẽ và sắp đặt, mô phỏng các trò chơi thơ trẻ vừa soi chiếu vừa xếp chồng lên nhau, là cách thức một cá nhân, bằng những suy tư, tưởng tượng của riêng mình, nhìn sâu vào chiều dài lịch sử, vào não trạng của dân tộc và để những suy tư ấy tự lên tiếng thông qua các kí hiệu nghệ thuật. Lịch sử chứa đựng những “quên lãng nên thơ” vì nó còn đầy góc khuất, và khi được nhìn bằng ánh mắt trẻ thơ, nghệ thuật làm sống dậy trong người thưởng thức những xúc cảm tươi mới. Bằng cái nhìn trẻ thơ, triển lãm mở ra một không gian chơi, cũng là dịp để người ta suy nghĩ về sự chơi. Những đứa trẻ An Nam xưa, mụ mị trong biết bao huyền thoại, bao chuyện dị đoan, đã chơi bao trò chơi bắt chước điều chúng học được trong sách, vì thế, chúng lớn lên hoang dại, mông muội, nghèo đói vẫn hoàn nghèo đói. Nhưng khi lịch sử thay đổi, bước vào những sân chơi lớn hơn, luật chơi khắc nghiệt hơn, phổ quát cho nhân loại, bước ra khỏi cánh đồng nông nghiệp, chúng sẽ chơi như thế nào đây? Đó là câu hỏi đầy suy tư mà tác phẩm đặt ra cho người xem nghệ thuật.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434790

Hôm nay

261

Hôm qua

2349

Tuần này

21440

Tháng này

211838

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434790