Nhìn ra thế giới

Tham nhũng ở Trung Quốc: Truyền thống và hiện đại

Đỏ và đen

Các học giả phương Tây, như GS gốc Trung quốc Lư Hiểu Ba (Lü Xiaobo)[1], cho rằng CHND Trung Hoa vừa ra đời ngoài tranh đấu chống tham nhũng “kiểu tư bản chủ nghĩa”, đã phải đối mặt với mầm mống “tham nhũng XHCN” (socialist mode of corruption” – được sinh ra bởi mô hình kình tế kiểu Xô viết).

“Tham nhũng TBCN” là di sản của chế độ Tưởng Giới Thạch. Các nguồn của cà hai phía trong chiến tranh lạnh đều cho rằng tham nhũng (hối lộ, biển thủ…) hoành hành trong Quốc dân Đảng là một thành tố quan trọng dẫn đến thất bại của Trung Hoa Dân Quốc năm 1949. Văn hóa Trung quốc có khái niệm “vàng đen” (Black Gold) – tham nhũng thời kỳ Tưởng trị vì Hoa lục.

Khi các Đảng theo mô hình Xô viết lên nắm quyền, giới quan liêu (nomenklatura - “diện trong biên chế”) ngự trị bằng những đặc quyền xa lạ với dân thường, theo các nghiên cứu của Nga[2], và phương Tây.

Thiếu vắng thị trường là một nguyên nhân dẫn đến việc công bộc đương chức xoay xở kiếm chác. Cái “ghế” giúp họ kiếm thêm (perquisites – thu nhập “tay trái’), hoặc có thêm bổng lộc, hưởng chế độ ưu tiên (privileges). Nếu độc chiếm một bàn giấy/công sở, quan chức “trụ trì” tại đó biến “cơ quan nhà nước” thành “ngân hàng tài nguyên” (resource banks) phục vụ cho tư lợi, thông qua các hoạt động lạm quyền, lách luật, hoặc “giả vờ” thực hiện chức trách (fake activities). Các học giả gọi đây là tham nhũng bám vào đặc quyền (prebendalism, từ chữ prebendal – “lộc thánh”).

Tệ đút lót (graft – mua chuộc) bao gồm: hối lộ (bribery), biển thủ (embezzlement, misappropriation), lạm quyền (malfeasance) ăn cắp công quỹ (theft of public funds), lại quả ngầm (illicit kickbacks), và nhất là tống tiền (extortion) luôn song hành với lịch sử Trung Quốc. Chúng hiện được xem là “đặc thù Châu Á”, cùng với “chứng bệnh” kê khai man trá (statistical falsification).

Đặc quyền đặc lợi

Các hành tung đi chệch khỏi các chuẩn mực hành chính công (the norms of public office) trong các công sở thời Đảng lên cầm quyền, dù nhằm tư lợi,  được xem là thường, chưa mang bản chất kinh tế, bao gồm cả mục tiêu thuần chính trị (political corruption). Các hành vi nhằm “hưởng lộc thánh” dạng sơ khai này của quan chức không nhất thiết có dạng tiền nong/monetary[3] Sự lạm dụng đặc quyền không nhất thiết là tham nhũng về kinh tế, và thường biểu hiện thành “đi đêm” (backdoor deals), bảo hộ, bảo kê, ô dù (clientelism), cánh hẩu (cronyism), gia đình trị (nepotism – con ông cháu cha)…

Dạng tham nhũng bảo hộ, bảo kê (clientelism) được xem là từng xuất hiện ở La Mã cổ đại: cống nộp các hàng hóa, thực hiện các dịch vụ để giành được sự bảo trợ về chính trị. Nay nó vẫn có “giấy thông hành” ở Trung Quốc hiện đại, và được hiệp trợ bởi nạn tống tiền (extortion).

Học giả phương Tây gọi những năm 70 ở các nước thuộc mô hình Mác – Lê là cuộc “phong kiến hóa” hệ thống (“feudalization” of the systems – cũng là đỉnh cao của tư tưởng đặc quyền đặc lợi  - prebendalism) trong giới quan liêu. Quyền lực là lộ trình trực tiếp đưa đến giàu có và “của trời cho” (bổng lộc), của “chiến lợi phẩm” (sau những cuộc đấu nội bộ), và đồ cống nạp (tribute) được dâng hiến dưới dạng hiện vật. Trong mỗi chế độ (của mô hình xô viết), “tham nhũng được thể chế hóa” (legalized corruption) là một mạng lưới các bệnh viện, nhà nghỉ, các nhà ở tiện nghi hơn (so với dân), và nhất là các cửa hàng chuyên biệt chỉ phục vụ diện ưu tiên (nomenklatura)[4]

Từ tự phát

Tham nhũng thời kỳ Mao (sau 1949) được học giả phương Tây gọi chung là dạng tham nhũng tự phát (auto-corruption), một phạm trù trùm lên khái niệm đút lót (graft) nói trên, tham nhũng nhờ đặc quyền (prebendalism), dần manh nha một dạng tham nhũng mới của quan chức mà phương Tây gọi là kiếm màu mè (rent-seeking). Hối lộ ngày càng có nhiều bên tham gia hơn (ý nói hình thành “dây” tham nhũng).  

Tham nhũng tự phát là một nét nổi bật của thời trước cải cách, và đặc thù cho chế độ không thị trường (non – market system) nói chung (của khối xô viết), khi các trao đổi dạng thương vụ (transactional exchanges) là tối thiểu[5]. Trong chế độ không thị trường luật chơi là “dùng quyền kiếm tiền” (power for money), còn khi ở các nước kinh tế thị trường, luật chơi (của tham nhũng) là “dùng tiền mua quyền” (money for power), vì các dạng trao đổi dạng thương vụ phát triển hơn, theo Lư Hiểu Ba[6].

Các hành vi, “đấu pháp” mang tính tham nhũng chuyển dần sang giành giật vật chất và tiền nong một cách rõ rệt trong hậu kỳ bao cấp, phần “thắng” không do các yếu tố thị trường quyết định, mà tiên định bởi: quyền lực và địa vị (của quan tham)[7] và bởi lợi ích cục bộ của Bộ, ngành[8]. Chi trả cho dịch vụ cấp phép bị tham nhũng lũng đoạn có thể là “luôn một cục”, hoặc bên xin giấy phép phải chia sẻ cổ tức.

Đến … ‘tự giác’

Về sau, với sự yếu dần của kinh tế kế hoạch hóa và sự giáng thế của thị trường, dạng tham nhũng chủ yếu của “cán bộ” là “kiếm màu mè” (rent - seeking) ngày một thịnh hành. Tham nhũng nhằm mục tiêu chính trị (political corruption), dù vẫn “khớp bánh răng” (overlapping) với tham nhũng về kinh tế (economic corruption), bao giờ cũng đi trước tham nhũng về kinh tế, mở đường cho tham nhũng kinh tế để cả hai cùng thắng[9].

Kỷ nguyên “công đoàn Đoàn kết” chấm dứt chế độ ưu đãi cho quan chức ở Đông Âu. Các nước từng thuộc quỹ đạo Xô viết ở châu Âu và Trung Á chuyển dịch khỏi “mô hình XHCN” truyền thống, quy cách tham nhũng, theo các nghiên cứu quốc tế, dần thay đổi. Giới nomenklatura chuyển sang làm ở các văn phòng tư nhân, nửa tư nhân (semi-privated), tận dụng mối lợi từ các chính sách kinh tế tự do dành ưu đãi cho kinh tế tư nhân. “Kinh nghiệm” tham nhũng “bao cấp” vẫn phát huy trong sơ đồ “công ty sân sau”, trong “khớp bánh răng” tư lợi với doanh nghiệp nhà nước. Các mối quan hệ cũ giúp không ít cựu quan chức trở thành nhà môi giới quyền lực (power brocker)… Nhưng gần đây, các học giả Đông Âu cho hay, sự thiết lập được thị trường thông thường đã khiến những “con ông cháu cha” cũ làm ăn thua lỗ, và những tài sản ấy hẳn lại về tay những người dân biết nhân vốn nhờ làm ăn chân chính.

Trung quốc vẫn bảo tồn bộ máy chính trị, tuy xu hướng coi “biên chế” là chốn làm ăn “phát tài” (business) ngày một thượng phong.

Quá trình chuyển dịch sang kinh tế thị trường và vai trò nhà nước chuyển đổi từ phân phối lại các nguồn (nhân tài vật lực) sang điều tiết nền kinh tế, khiến quy trình (pattern) tham nhũng và hành vi của tham quan biến đổi theo. Trên nền của các dạng thức tham nhũng kinh tế và phi kinh tế cùng sự nhào trộn của tham nhũng nhờ đặc quyền (prebendalism), hối lộ… tham nhũng dạng “kiếm màu mè” (rent – seeking, cũng gọi là “tầm tô”) dần dần lên ngôi.

Trong các giai đoạn sớm của “cải cách”, khi quyền lực nhà nước vẫn ở giai đoạn “phân phối lại” (redistributor) là chủ yếu, tham nhũng thường có dạng “quay vòng” (procreative) qui trình “kiếm màu mè” – khi các công sở gặt hái lợi (riêng) nhờ kiểm soát, “quản lý” các nguồn cơ sở vật chất do Nhà nước nắm độc quyền, nhưng có “cầu” lớn.

Bám lấy Độc quyền

Càng về sau, khi quyền lực phân phối lại của nhà nước thuyên giảm, các hành vi “gợi ý” đút lót (venal) xảy ra thường xuyên hơn, và có dạng “hành là chính” (punitive) để kiếm “màu mè”, tới mức bóp nặn, tống tiền. Dạng tham nhũng “kiếm màu mè” (rent – seeking) là sự lạm dụng quyền lực điều tiết (nền kinh tế) của nhà nước. Cộng với các dạng truyền thống (tham nhũng nhờ đặc quyền, hối lộ…), các công sở/đơn vị hành chính công, với độc quyền về nguồn tài nguyên hoặc về sản phẩm, tạo ra các cơ hội “kiếm màu mè” cho mình. Theo một đánh giá, mỗi năm có khoảng hơn 10 tỉ ND tệ được thu nhập bởi các quan tham và các đầu mối “tham ô tập thể” thực hiện dưới dạng “thu tô” trái phép, nhờ quyền điều tiết (regulatory power) về kinh tế, hoặc nhờ độc quyền[10].

Các học giả như Lư Hiều Ba khởi đầu khảo sát “rồng” tham nhũng ở Trung quốc dựa trên luận cứ của các công trình nghiên cứu tham nhũng dạng phôi thai, như “Từ tham nhũng bởi đặc quyền đến ăn thịt người”[11]. Tham nhũng dần hiện hình thành “rồng ăn thịt nhiều đầu”. Quan tham Trung Quốc vừa đóng vai nguồn tạo nên “màu” (rent-generator), vừa là người tìm kiếm “màu” (rent-seekers), nhờ độc quyền (của cơ quan Nhà nước). “Thu tô” dựa trên “đạo lý của độc quyền” (virtue of monopoly), quan tham áp đặt sai luật những khoản thu, lệ phí, khoản phạt, ép buộc (bên xin giấy phép trả) các khoản tài trợ, cố chia nhỏ giấy phép đầu tư thành nhiều giấy phép con (apportionments)… Dạng tham nhũng “kiếm màu” hiện rõ trong thao túng độc quyền nhà nước về các nguồn chiến lược, khan hiếm (critical resources).

Tham nhũng, theo học giả phương Tây, không “giáng trần” gần đây, như giá phải trả cho kỷ nguyên mở cửa của Đặng Tiểu Bình, mà có mặt từ ngày đầu nước Trung Quốc hiện đại. Lịch sử tham nhũng CHND TH là quá trình giới quan liêu biến (chất) từ cán bộ cách mạng thành “quan cách mạng” (nguyên văn: quý tộc phong kiến), nhờ hưởng thành tựu của “thể chế hóa tham nhũng” dưới dạng các đặc quyền (officialdom in this countries had been transformed from revolutionary cadres to “feudal nobles” enjoying a “legitimated corruption” of privilages). Và bất chấp những cải cách về thể chế và văn hóa, gồm cả cuộc chiến khốc liệt “chống tham nhũng” và phục chế các luân lý đạo Khổng, “Rồng” tham nhũng Trung Quốc bị chặt đầu này, sẽ mọc đầu khác[12].

Theo học giả Nga A. Khramchikhin[13], ở Trung quốc tầng lớp công bộc, những chuyên gia thuộc các lĩnh vực dịch vụ công, và những người hoạt động kinh doanh… đều không ủng hộ thay đổi mô hình kinh tế hiện hành (Rồng tăng trưởng cộng sinh với Khủng long tham nhũng), vì họ đều có thể tư lợi được từ mô hình này. Nhưng Khramchikhin chưa chỉ đích danh cái “băng tải” vô cùng an toàn, vẫn chở “màu” (lợi ích kiểu “quyền – tiền”), đó là cơ chế độc quyền.

Độc quyền nhà nước không đảm bảo được sự cân bằng hai vế: quyền lực quan chức và nghĩa vụ (thực hiện chức trách) công bộc. Vì thế quan tham Tàu có thể không thực hiện, hoặc giả vờ thực hiện chức trách, nhưng lại có “độc quyền” được tham nhũng.

Cuộc chiến đấu còn tiếp diễn

Nga và khối Liên Xô cũ (không kể cả nước cận Baltic) đã khước từ hệ tư tưởng xô viết, nhưng vẫn giữ bộ máy cầm quyền dựa trên (nhân sự được thừa kế) di sản chính trị từ thời Liên Xô. Đã có hàng chục bài viết chỉ ra sự không thể bãi miễn về nhân sự (несменяемость власти) đã làm trội “gen” tham nhũng trong “cơ thể” hệ thống chính trị Nga, thậm chí đe dọa sự tồn vong của quốc gia. Quan giới Nga, ngược lại, nghĩ rằng cơ chế “cha truyền con nối” là chiếc đai truyền đảm bảo “ổn định” cho xã tắc.

Ở Trung quốc, cuộc chiến chống tham nhũng đang khiến “không quan chức nào ngủ yên”. Giới quan sát chính trị cho đây không mấy khác cuộc chơi “chống hữu khuynh” được Mao Chủ tịch dấy lên năm 1956 (hơn nửa triệu “cán bộ” bị xử lý về chính trị). Vẫn như xưa, “có nhiều bất định và không có luật lệ gì quy định ai sẽ bị điều tra”. Bưu điện Hoa Nam buổi sáng viết về cuộc “đả hổ đập ruồi”, “Đây đâu chỉ có những án tham nhũng, đây còn là những trát đòi của tòa án chính trị”(These are not solely cases of corruption, they’re political judgment calls).

Báo Le Monde của Pháp 1/1/2016 nhận định chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình trên thực tế là cuộc chiến giành quyền kiểm soát các tập đoàn kinh tế lớn nhất (Guerre des clans à la tête de l'économie chinoise), như China Telecom, Baosteel (“thành trì” của Giang Trạch Dân), PetroChina và Sinopec (“thánh địa” của Chu Vính Khang)…                                                                                              


[1] Cadres and Corruption. Stanford, NXB University Press), tác giả Lư Hiểu Ba (Lü Xiaobo), 2000, tr. 141

[2] dic.academic.ru/dic.nsf/ruwiki/906415. Về nomenklatura ở Liên Xô, Đông Âu, đã có nhiều công trình nghiên cứu.

[3] Nga gọi là khởi đầu của văn hóa ты мне я тебе (tớ cho cậu, cậu cho tớ) – hàng đổi hàng, các văn phòng trao đổi dịch vụ dạng tham nhũng, lạm quyền cho nhau.

[4] Như Берёзка của Nga chỉ phục vụ quan chức cao cấp nhất. Hệ thống cung ứng cho quan giới chế độ xô viết có nguồn gốc là một sáng kiến của Lenin.

[5] Cadres and Corruption…tr. 237

[6] Lư Hiểu Ba không thật “kỹ lưỡng” trong trình bày quan điểm này. Trên thực tế, khi thị trường xác lập ở Trung quốc (và cả Nga…) lại có xu hướng “dùng quyền kiếm tiền” mạnh mẽ hơn, như chính Lư Hiểu Ba và nhiều học giả phương Tây khác trình bày trong khái niệm “tìm kiếm màu mè” (rent – seeking) của giới quan liêu ở Trung  Quốc, Nga... Vì vậy quan hệ quyền - tiền trong giới quan liêu kiểu xô viết và hậu thân của nó, có lẽ là một quan hệ quả trứng – con gà, nhìn theo chiều dài lịch sử quan giới ở các nước vệ tinh của quỹ đạo xô viết.

[7] Cadres and Corruption…tr. 237

[8] China's growth at any cost the cause of instability, bài viết của Laurence Brahm.

[9] Cadres and Corruption… tr. 29

[10] Political Corruption, sách của Heidenheimer,  H. Johston, LeVine, dẫn theo Cadres and Corruption… tr. 195

[11] From prebendalism to predation, công trình khảo sát tham nhũng ở Nigeria, của Peter Lewis

[12] Cadres and Corruption… tr. 29.

[13] http://www.apn.ru/publications/article20310.htm         

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434697

Hôm nay

2317

Hôm qua

2310

Tuần này

21347

Tháng này

211745

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434697