Nhìn ra thế giới

So với Nhật Bản, điểm thua kém của khoa học Trung Quốc

Sau sự kiện nhà khoa học Nhật Bản Yoshinori Ohsumiđược giải Nobel Y học 2016, dường như có hiện tượng tranh luận trong học giới Trung Quốc, so sánh khoa học Trung Quốc và Nhật Bản. Từ góc nhìn văn hóa, Lỗ Bạch (鲁白, Lubai), giáo sư khoa học thần kinh nổi tiếng Trung Quốc thuộc Đại học Thanh Hoađã tìm câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao trong những năm qua Nhật Bản vượt trội so với Trung Quốc về giải Nobel? Bài viết đăng trên trang“Giới trí thức” (知识分子, Zhishifenzi) do tác giả chủ biên.

Bàn về khoa học công nghệ chấn hưng đất nước người ta thường lấy nước Mỹ làm chuẩn, chú trọng thảo luận về chính sách, pháp lệnh, cơ chế, phương pháp của người Mỹ, vì Mỹ là nước phát triển khoa học công nghệ hàng đầu thế giới. Nhưng là một nước Tây phương điển hình, về bản chất người Mỹ có tinh thần thực chứng và theo đuổi chân lý mạnh mẽ, cộng thêm truyền thống thích khám phá, tìm tòi cái mới, vì thế việc nước Mỹ phát triển hùng cường là dễ hiểu. Ngoài ra, Mỹ là đất nước dân di cư, xã hội Mỹ rất dễđón nhận những nhân tài từ nơi khác đến.Đây là những nét khác biệt khá lớn với truyền thống và văn hóa Trung Quốc.

Vì thế, việc so sánh với Nhật Bản, nước láng giềng gần gũi về văn hóa và địa lý với Trung Quốc, mang nhiều ý nghĩa hơn. Tình cảm của người Trung Quốc đối với người Nhật Bản rất phức tạp, tuy hai dân tộc gần gũi về nhân chủng, thói quen sống, cách tư duy và văn hóa, nhưng Trung Quốc lại không muốn thẳng thắn nhìn nhận sự nổi lên của Nhật Bản. Cho dù từng bị Nhật Bản đánh bại nhưng dường như người Trung Quốc chưa dành sự tôn trọng đúng mức với Nhật Bản.

Trong những năm qua, khoa học công nghệ Nhật Bản có những tiến bộ nhảy vọt, liên tục giành giải Nobel, từ Vật lý, Hóa học, đến Y sinh học, (năm 2010 hai nhà khoa học Nhật được giải Nobel Hóa học; năm 2014 ba nhà khoa học Nhật giành Nobel Vật lý; Nobel Y học 2012 thuộc về nhà khoa học Anh và Nhật - ND), còn giải Nobel Y học năm nay cho giáo sư Yoshinori Ohsumi là người chỉ được học sau tiến sĩ vài năm ở Mỹ. Khoa học Nhật Bản giành giải Nobel không chỉ giúp người Nhật Bản thêm niềm kiêu hãnh về địa vị của họ trước thế giới, cũng góp phần thúc đẩy kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh hơn.

Trung Quốc cần học kinh nghiệm, cách làm của Nhật Bản để phát triển khoa học giáo dục, chấn hưng đất nước. Tôi muốn nói về cách nhìn của mình theo vài phương diện sau:

1. Vai trò chủ đạo của nhà khoa học trongxây dựng quyết sách khoa họcquan trọng

Ví dụ, để đáp trả “Dự án đại não loài người” (Human Brain Project, HBP) của chính phủ Obama, Nhật Bản cho ra đời “Dự án não” của Nhật Bản (MIND). Cũng tương tự như chính phủ Mỹ, chính phủ Nhật Bản chỉ nói “phải làm” dự án khoa học não chứ không xác định “làm gì” hay “làm như thế nào”.

Điều này do tập thể các nhà khoa học lão luyện, sau quá trình lấy ý kiến của giới khoa học thần kinh, qua nhiều lần thảo luận rồi trình dự án cho chính phủ, từ đó biến kế hoạch thành hành động thực tế. Chính phủ chỉ có thể quyết định “làm và không làm”, không thể tùy tiện thay đổi “làm gì” và “làm như thế nào”. Trái lại, cơ quan quản lý khoa học của Trung Quốc thì vô cùng tích cực trong chuyện “làm gì” và “làm như thế nào”, thậm chí thường xảy ra tình trạng cách nghĩ của nhà quản lý khác với ý kiến của nhà khoa học, vì thế cho thay đổi hàng loạt nhà khoa học để thảo luận lại, đến khi nào phù hợp cách nghĩ của nhà quản lý.

Đối với chính sách khoa học công nghệ, bao gồm lĩnh vực và hướng nghiên cứu, kinh phí đầu tư, kết quả kỳ vọng như thế nào, chỉ có nhà khoa học mới hiểu rõ nhất, thế nhưng trong việc xây dựng và cải cách những chính sách khoa học quan trọng ở Trung Quốc, vai trò của nhà khoa học rất bị hạn chế. 

Ở đây còn có vấn đề niềm tin vào nhau giữa nhà khoa học và giới chức nhà nước.

Có người chất vấn, nhiều nhà khoa học khi đề xuất kiến nghị thường nghĩ đến lợi ích của cá nhân hoặc đơn vị mình. Tư tưởng này là một thực tế ở Trung Quốc hiện nay, cũng có lý do của nó. Nhưng từ nhu cầu phát triển lâu dài, cần tham khảo kinh nghiệm của các nước có nền khoa học tiên tiến (như Mỹ, Nhật…), khi xây dựng chính sách khoa học công nghệ cần có “người trong nghề”, tức quyết định cần thuộc về nhà khoa học.

Một trong những cách làm hay là giao trọng trách cho “nhà khoa học chiến lược” (là người nắm được những tiến bộ hàng đầu của khoa học, có tiếng trên quốc tế và có tầm nhìn chiến lược, có lòng công tâm, uy tín, dám gánh vác trách nhiệm, có cái nhìn toàn cuộc). Nhà khoa học chiến lược là những người chí công vô tư, suy nghĩ và việc làm của họ dựa trên lợi ích chung, không vì tư lợi cá nhân.

Dĩ nhiên, tiến cử chỉ là bước đầu tiên trong công tác nhân tài, làm sao để nhân tài được tiến cử phát huy được khả năng mới quan trọng.

2. Đầu tư cho khoa học cơ bản

Chính sách hỗ trợ khoa học cơ bản của Nhật Bản từng có giai đoạn trục trặc, họ cũng từng giống như Trung Quốc hiện nay chỉ nóng vội lợi ích trước mắt, quá xem trọng nghiên cứu ứng dụng, chuyển hóa thành tựu khoa học công nghệ để trả công cho việc đầu tư… Sau này họ mới nhận ra không nên quá công lợi như thế. Có nhiều phát hiện khoa học quan trọng ban đầu không nhận ra được ý nghĩa ứng dụng gì, nhưng rồi sau đó mới thấy đó là phát hiện mang tính cách mạng. Hơn nữa, sự hùng mạnh của một quốc gia nằm ở mức độ tiên tiến về khoa học cơ bản, đó là tinh thần tìm tòi khoa học do thúc đẩy của lòng hiếu kỳ trí thức, là biểu hiện của văn minh loài người.

Chính phủ Nhật Bản đã dốc toàn lực đầu tư cho khoa học cơ bản. Từ thập niên 1960 – 1970, tổng chi phí cho nghiên cứu khoa học của Nhật Bản đã tăng khoảng 6 lần; đến thập niên 1980, chính phủ Nhật Bản đưa ra chính sách “kỹ thuật lập quốc”, chi kinh phí nghiên cứu khoa học lên đến 180 tỷ Yên; đến thập niên 1990, Nhật Bản phê chuẩn dự toán “Ủy ban Khoa học và Công nghệ” đột phá với số kinh phí đến 500 tỷ Yên. Vì sự đầu tư lâu dài này, giới khoa học Nhật Bản, đặc biệt là những nhà khoa học ưu tú có thể an tâm theo đuổi tìm tòi khám phá khoa học cơ bản, không phải canh cánh lo lắng đi xin kinh phí.

3. Chế độ và nền văn hóa thu hút “chất xám bên ngoài”

Với nguồn lực của Trung Quốc ngày nay, điều kiện cứng dành cho nghiên cứu khoa học không hề thua kém nước khác. Nhưng nhiều nhân tài khoa học được đào tạo ở các nước tiên tiến Âu Mỹ khi về nước lại cảm thấy “không hợp thủy thổ”, điều này liên quan nhiều đến “điều kiện mềm” của môi trường xã hội. Vì thế phải cố gắng nâng cấp “điều kiện mềm” để thu hút nhân tài nước ngoài về nước làm việc.

Mức độ quốc tế hóa của Nhật Bản rất cao, họ rất thân thiện (friendly) với người nước ngoài. Ví dụ như Viện Nghiên cứu Riken có nhiều nhà khoa học thuộc những chủng tộc khác nhau, họ được hỗ trợ rất tốt về cuộc sống và công việc. Những con người khác nhau về quốc tịch, chủng tộc, văn hóa nhưng có thể dễ dàng chung sống cùng, tương tác với nhau mạnh mẽ nên tạo ra những thành tựu nghiên cứu bất ngờ, đóng vai trò rất quan trọng cho tiến bộ khoa học. Nhà bình luận chính trị nổi tiếng Thomas Freedman đã tổng kết năm trụ cột quan trọng giúp nền kinh tế Mỹ không ngừng phát triển, một trong số đó là chính sách di dân của Mỹ, đặc biệt là đối với nhân tài khoa học công nghệ cao. Hiện nay chính sách thu hút nhân tài khoa học của Trung Quốc chỉ chú trọng kêu gọi người Trung Quốc về nước, rất hạn chế đối với nhân tài khác chủng tộc.

Sau khi thu hút nhân tài trở về phải quan tâm giúp họ nhanh chóng hội nhập vào môi trường xã hội một cách thuận lợi nhất, trong đó việc cơ bản nhất là đơn giản hóa các thủ tục phức tạp, tạo môi trường thông thoáng.

4. Tính chăm chỉ, nghiêm cẩn và kiên trì của người Nhật Bản

Nhiều người cho rằng, tính sáng tạo với những ý tưởng đột phá thường không phải điểm mạnh của giới nghiên cứu khoa học Nhật Bản. Họ không giàu trí tưởng tượng và sáng tạo, không giỏi sáng kiến hoặc khai phá lĩnh vực khoa học mới, giới khoa học Nhật Bản cũng không mạnh về tinh thần mạo hiểm và tinh thần phê phán. Thành tựu của khoa học Nhật Bản chủ yếu dựa vào tính nghiêm cẩn, chăm chỉvà kiên trì.

Thực tế chứng minh, những đức tính này cũng có thể giúp người ta làm được những công việc lớn lao tầm cỡ thế giới. Nhiêu Nghị (饶毅, Raoyi) [**] từng chỉ ra: “Tỷ lệ thành quảđột phá là rất thấp trong một quần thể người chỉ dựa vào tính cần cù, để có một lượng nhỏ thành quả đột phá với quần thể như vậy thì cần một số lượng người thật đông đảo tham gia vào.Theo quan điểm này, một người bình thường mà có thể đạt được giải Nobel nhờ lao động chăm chỉ cho thấy quốc gia này có rất nhiều người đang cần mẫn làm nghiên cứu khoa học, cho thấy hoạt động khoa học kỹ thuật của quốc gia này mang tính phổ biến”.

Tính chăm chỉ, nghiêm cẩn và kiên trì của người Nhật Bản có quan hệ rất lớn với truyền thống văn hóa và lịch sử của Nhật Bản. Dân tộc Nhật Bản thích theo đuổi sự hoàn mỹ, như chúng ta thường ví là tinh thần nghệ nhân. Chúng ta thường thấy nhiều người Nhật Bản bỏ cả đời để làm một việc, đưa công việc lên đến trình độ chí cao. Muốn chứng minh một hiện tượng hoặc nguyên lý khoa học cần phải làm lặp đi lặp lại nhiều lần, xem xét kỹ lưỡng bằng các phương pháp khác nhau. Với người Nhật, công bố một thành quả nghiên cứu cẩu thả, bị trùng lặp hoặc sai lầm là đáng hổ thẹn. Tác phong làm việc chăm chỉ, cẩn trọng và kiên trì là đặc điểm phổ biến của giới khoa học Nhật Bản. Ngược lại, đối với giới khoa học Trung Quốc ngày nay, tiêu chí thời thượng là “ngắn và nhanh”, nhiều thứ được công bố chỉ thực hiện trong vài tháng, cách làm mang tính công lợi này khiến nhiều thành quả công bố có độ tin cậy hạn chế, về lâu dài tác động rất tiêu cực với phát triển khoa học Trung Quốc.

Tôi biết nhiều nhà khoa học Nhật Bản không hoan nghênh cái gọi là “đi tắt đón đầu”, họ không tùy tiện vứt bỏ một đề tài, càng không tùy tiện thay đổi đề tài, điều này rất khác với Trung Quốc hiện nay. Vì thếnhà khoa học thần kinh nổi tiếng Nakanishi Shigetada chia sẻ với tôi, ông vô cùng thận trọng trong việc chọn đề tài. Theo quan sát của tôi, họ thường chọn những vấn đề rất khó, cần sự chuyên tâm và công phu. Khi làm nghiên cứu cũng đặc biệt trọng tinh thần kỷ luật, mỗi bước đi đều nghiêm cẩn làm theo trình tự và kiên trì trong thời gian lâu dài.

5. Thượng tôn văn hóa trung thực

Francis Fukuyama là học giả người Mỹ gốc Nhật, là tác giả cuốn “Sự cáo chung của lịch sử và con người cuối cùng” (The End of History and the Last Man) nổi tiếng thế giới. Trong cuốn sách “Niềm tin: Mỹ đức xã hội và sự thịnh vượng” (Trust:The Social Virtues and the Creation of Prosperity) ông chia xã hội loài người thành hai kiểu: một kiểu là “xã hội có độ trọng chữ tín cao”, tiêu biểu là Mỹ và Nhật Bản; một kiểu là “xã hội có độtrọng chữ tín thấp”, tiêu biểu là Trung Quốc và Ý.

Xã hội Nhật Bản là xã hội có độ trọng chữ tín cao, mang lại rất nhiều lợi ích đối với khoa học. Nghiên cứu khoa học là hoạt động sáng tạo, yêu cầu cơ bản nhất đối với khoa học chính là thành tín, không thể chấp nhận dù chỉ một chút gian dối. Trong khám phá khoa học cần tinh thần thực sự cầu thị, việc công bố kết quả khoa học cũng phải tôn trọng thực tế, không được khoa trương, mập mờ, cả hai trường hợp đều nguy hại cho khoa học.

Mối quan hệ giao lưu giữa các nhà khoa học cũng cần sự thành tín. Giới khoa học Nhật Bản rất có niềm tin vào nhau, vì thế họ hợp tác với nhau dễ dàng. Việc nghi ngờ, giấu diếm, hoặc nói dối là hiện tượng hiếm thấy. Môi trường như vậy giúp họ tránh được nhiều chuyện phức tạp, thúc đẩy hiệu quả cao trong nghiên cứu khoa học. Còn xã hội Trung Quốc là xã hội có độ trọng chữ tín quá thấp, hiện tượng giả dối, ăn cắp, phóng đại, cướp quyền tác giả diễn ra liên miên.

Xã hội Nhật Bản là xã hội trọng liêm sỉ, người giả dối phải trả giá nặng nề hơn nhiều so với các xã hội khác. Ví dụ, trong chuyện Haruko Obokata phát hiện tế bào toàn năng mới (tế bào STAP), sau khi tạp chí Nature của Anh đăng tải kết quả nghiên cứu (năm 2014) đã gây chấn động giới nghiên cứu tế bào quốc tế. Tuy nhiên sau đó có thông tin chỉ raHaruko Obokata gian dối trong nghiên cứu khiến toàn xã hội Nhật Bản lên tiếng chất vấn chữ tín của nhóm nghiên cứu, hệ quả là tất cả những học giả từng tham gia hợp tác phải chịu áp lực khủng khiếp của xã hội.

Có thế thấy, cảm thức về danh dự và liêm sỉ của người Nhật Bản rất mạnh mẽ. Sau khi Haruko Obokata đứng ra xin lỗi trước công chúng không bao lâu thì người thầy hướng dẫn Yoshiki Sasai đã tự sát để tạ tội. Ý thức về danh dự khiến ông Yoshiki Sasai cho rằng chỉ có cái chết mới rửa sạch được nỗi nhục. Một xã hội có ý thức về liêm sỉ cao độ như thế là tiền đề quan trọng hình thành môi trường nghiên cứu khoa học nghiêm cẩn và cầu thực. Còn bầu không khí khoa học Trung Quốc ngày nay đầy phù phiếm và nôn nóng. Nhiều người bất chấp thủ đoạn không công chính, miễn sao ai làm được thì kẻ đó là anh hùng. Nhưng về lâu dài, điều này là trở ngại nghiêm trọng cho không khí hợp tác và giao lưu học thuật ở Trung Quốc.

…..

Đoàn Đức Thanh (lược dịch)

 [*] Giáo sư Đại học Bắc Kinh, đồng chủ biên trang Giới trí thức.

 

Nguồn: http://chuansong.me/n/933492451357

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443204

Hôm nay

295

Hôm qua

2305

Tuần này

21017

Tháng này

218378

Tháng qua

112676

Tất cả

114443204