Nhìn ra thế giới

Biển Đông, Truyền thông, Pháp lý và Hợp tác quốc tế

Ngày 1/12/2016, Tư lệnh Tuần duyên Hoa Kỳ, Đô đốc Paul Zukunft, tuyên bố rằng lực lượng do ông lãnh đạo có thể giúp Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác phát triển năng lực trên biển. Phát biểu tại Viện Nghiên cứu Brookings ở thủ đô Washington, ông Zukunft nói rằng Tuần duyên Mỹ có thể đóng vai trò lớn hơn ngoài biên giới Hoa Kỳ. Vị tư lệnh này cho biết đang nhắm tới vai trò duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông dưới chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Một nhóm cố vấn về biển Đông, với tiếng nói có trọng lượng ở Trung Quốc, mới đây đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Các học giả Việt Nam đã đáp trả lại rằng, Hà Nội sẽ không bao giờ chấp nhận điều này. Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông của nhà nước Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn vừa tuyên bố tuần trước: “Trung Quốc có thể thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông nếu Mỹ tiếp tục gia tăng tuần tra và trinh thám tầm thấp ở vùng biển được coi là có trữ lượng dầu khí lớn này”. Ngay lâp tức, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, một nhà nghiên cứu về bang giao Việt – Trung và vấn đề Biển Đông, nói với truyền thông quốc tế rằng, cũng giống như chính quyền Bắc Kinh, các học giả Trung Quốc đang tìm cách củng cố chủ quyền trên Biển Đông. Sử gia này nói thêm: “Để thực hiện ý đồ của họ, ngoài chính quyền ra còn có các học giả. Làm thế nào để lợi cho Trung Quốc thì họ làm thế thôi. Nó không có phù hợp với pháp lý quốc tế và sự thật lịch sử. Không có một nước nào chấp nhận điều đó, kể cả Việt Nam. Hệ quả tương lai thế nào và những diễn biến như thế nào thì để lịch sử sẽ trả lời thôi”. Đây không phải là lần đầu tiên các học giả Trung Quốc bị phía Việt Nam “đáp trả”. Trước đây, các nhà nghiên cứu Trung Quốc từng bị báo chí Việt Nam phê phán là đã “ngụy biện” và “xuyên tạc” tại cuộc hội thảo quy mô lớn về Biển Đông ở Việt Nam, sau khi họ khẳng định “chủ quyền lịch sử đối với đường lưỡi bò” (hay còn gọi là “đường đứt khúc nhiều đoạn”).

Liên tục hội thảo quốc tế

Hôm 29/11/2016, theo Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật, ba nước Việt Nam, Nhật Bản và Anh quốc đã tổ chức hội thảo về pháp quyền và hợp tác quốc tế liên quan đến Biển Đông. Hội thảo phân tích tác động của phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hồi tháng 7 về vụ án Philippines kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông (PCA), chia sẻ cách thức các nước châu Á áp dụng luật quốc tế trước đây, tìm hiểu những hình thức hợp tác để tôn trọng và thúc đẩy pháp quyền. Tham gia hội thảo có nhiều quan chức ngoại giao, học giả, chuyên gia của ba nước. Cuộc thảo luận của họ cho thấy sự hiểu biết chung về tầm quan trọng của pháp quyền đối với việc gìn giữ hòa bình và ổn định ở các vùng biển châu Á, kể cả ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Sau khi bế mạc hội thảo, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Yasuhisa Kawamura cho báo chí biết Thủ tướng Shinzo Abe “đã nhận được đề nghị cung cấp tàu tuần duyên mới cho Việt Nam” và Nhật “đang chuẩn bị cung cấp những tàu mới này”. Trước đó, Nhật đã cung cấp 6 tàu tuần tra đã sử dụng cho Việt Nam. Theo Thạc sỹ Hoàng Việt, một chuyên gia về Biển Đông, việc Nhật gia tăng can dự với Việt Nam và ở Đông Nam Á là điều dễ hiểu. Ông Việt nói: “Nhật Bản cũng gặp một nỗi lo là tham vọng của Trung Quốc trên biển, cụ thể là trên biển Hoa Đông. Biển Đông và Biển Hoa Đông có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau, bởi vì cùng bắt đầu từ một tay chơi là Trung Quốc. Chính vì vậy, việc Nhật thúc đẩy các quan hệ, đặc biệt là tăng cường sức mạnh, đối thoại, và giúp đỡ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, ở Biển Đông thì đó là điều nằm trong chiến lược của Nhật Bản. Nhật Bản cũng muốn trở thành đồng minh tự nhiên. Tức là các quốc gia như Việt Nam, Philippines và Nhật Bản, Malaysia chẳng hạn, thì các quốc gia này đều gặp một mối lo ngại, đó là Trung Quốc”.

Trước đó, trong hai ngày 14—15/11/2016, một Hội thảo Quốc tế khác về Biển Đông (đây là Hội thảo lần thứ tám theo quy mô này) cũng đã diễn ra tại Đà Nẵng. Hội thảo với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”, do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức. Tham dự Hội thảo có gần 200 đại biểu, trong đó có gần 60 học giả quốc tế, 70 học giả và đại biểu Việt Nam, cùng hơn 20 đại diện của 15 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và 35 phóng viên thuộc hơn 30 hãng tin trong và ngoài nước. Chương trình trong hai ngày được chia làm tám phiên thảo luận. Phiên thứ nhất có chủ đề về nguồn gốc của tranh chấp Biển Đông. Phiên thứ hai đưa ra dự báo về tình hình căng thẳng trên Biển Đông sẽ dẫn tới đâu. Phiên thứ ba bàn về chủ đề Luật pháp Quốc tế và đánh giá tác dụng của luật pháp quốc tế trong việc quản lý và giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trong bối cảnh hậu phán quyết PCA. Phiên thứ tư tập trung thảo luận về các vấn đề kinh tế và môi trường trọng yếu ở Biển Đông. Phiên thứ năm tập trung phân tích các mối tương quan giữa các vấn đề an ninh, chính trị và ngoại giao trong tranh chấp. Phiên thứ sáu đánh giá sự tương tác và phối hợp giữa các lực lượng khác nhau hoạt động ở Biển Đông, bao gồm hải quân, không quân và các lực lượng thực thi pháp luật của các quốc gia yêu sách và các quốc gia sử dụng biển. Phiên thứ bảy tập trung đánh giá hiện trạng, hiệu lực của các cơ chế an ninh khu vực trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Phiên thứ tám được cho là phiên đặc biệt, có hai nội dung riêng rẽ. Thứ nhất, các đại diện của Nhóm Lãnh đạo trẻ trình bày quan điểm về cách thức thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông; Thứ hai, các đại biểu thảo luận tự do.

Tăng kết nối và hợp tác

Từ ngày 3—4/12/2016, trong chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch,  Việt Nam và Ấn Độ cam kết sẽ củng cố hơn nữa quan hệ quốc phòng song phương, nhất là về hải quân. Việt Nam là đối tác quan trọng của Ấn Độ trong chính sách có tên gọi “Hành động hướng Đông” của quốc gia Nam Á này. Ngoài việc hội đàm với người đồng nhiệm nước chủ nhà, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã hội kiến với Thủ tướng Modi và Cố vấn an ninh quốc gia. Hãng tin lớn nhất Ấn Độ nhận định rằng một trong các vấn đề có thể được đưa ra thảo luận đó là việc Việt Nam muốn mua tên lửa BrahMos. Bắc Kinh từng lên tiếng bày tỏ lo ngại sau khi tin cho biết New Delhi tính triển khai loại tên lửa mà nước này sản xuất cùng Nga. Việt Nam chưa xác nhận nhưng cũng không bác bỏ thông tin về ý định mua BrahMos từ Ấn Độ. Trong khi đó, New Indian Express dẫn lời Bộ Ngoại giao nước này nói rằng Ấn Độ “muốn lắng nghe ý kiến” từ phía Việt Nam “vì Việt Nam là đối tác chiến lược của chúng ta”. Truyền thông nước này đưa tin rằng theo thỏa thuận giữa hai nước, Ấn Độ đang giúp huấn luyện nhiều thủy thủ Việt Nam cách thức vận hành 6 tàu ngầm lớp kilo Việt Nam mua của Nga. Ngoài ra, Hà Nội cũng từng bày tỏ mong muốn quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới giúp đào tạo các phi công lái máy bay chiến đấu Sukhoi cũng do Nga sản xuất. Thủ tướng Ấn Độ tới thăm Việt Nam hồi đầu tháng 0/2016 và tại Hà Nội, ông Modi đã thông báo cấp cho Việt Nam khoản tín dụng mới trị giá 500 triệu USD để “tăng cường hợp tác quốc phòng”. Quan chức hai nước cũng đã nhất trí nâng cấp “quan hệ đối tác chiến lược” hiện nay lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”. Giáo sư Doe Muni từ Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng ở New Delhi cho biết, chuyến công du lần này của Tướng Lịch “cho thấy Ấn Độ thực sự muốn chứng tỏ quan hệ bạn hữu, đồng chí và đoàn kết với Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang đối mặt với áp lực lớn từ Trung Quốc”. Ông Muni nói thêm rằng bất kỳ nước nào chịu áp lực cũng phải “tìm kiếm và vận động hậu thuẫn từ nhiều nguồn nhất có thể”.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 28/11/2016, ông Kunio Umeda, tân Đại sứ Nhật tại Hà Nội vừa mới nhậm chức cho biết, Nhật Bản có thể sẽ diễn tập chung trên biển với Việt Nam và sẽ tiếp tục duy trì cam kết thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đầu tư và kinh tế. Theo ông Umada, Nhật Bản cần tăng cường hơn nữa các mối quan hệ kinh tế, viện trợ đối với Việt Nam để giúp quốc gia Đông Nam Á này giải quyết đói nghèo và các vấn đề khác. Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục cung cấp các khoản vay ưu đãi để phát triển hạ tầng ở Việt Nam. Ngoài ra, theo ông Umeda, Nhật Bản và Việt Nam cần thúc đẩy trao đổi quốc phòng cấp cao, bao gồm các cuộc họp và đối thoại cấp bộ. Ông cũng cho biết các cuộc tập trận chung thử nghiệm có khả năng diễn ra khi tàu của Lực lượng Phòng vệ Hải quân Nhật Bản cập cảng Việt Nam. Tân đại sứ Nhật Bản cũng bày tỏ hy vọng rằng người dân Việt Nam sẽ gia tăng quan hệ với Nhật Bản, giới trẻ Việt Nam sẽ thích đến Nhật ản. Phát biểu tại buổi Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa tiếp và làm việc, tân Đại sứ Kunio Umeda cho rằng, hiện các cơ quan chức năng của Nhật Bản và Việt Nam đang nỗ lực tổ chức cho chuyến thăm Việt Nam của Nhật Hoàng và Hoàng ​hậu thời gian tới (vào tháng 3/2017).

Cùng thời gian nói trên, từ 29/11—1/12/2016, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã có chuyến công du tại Australia. Ngày 30/11, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop và người đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh đã ký thỏa thuận hợp tác về quốc phòng, an ninh, kinh tế và phát triển mà Bộ Ngoại giao Việt Nam nói là Chương trình hành động Việt Nam - Australia giai đoạn 2016-2019. Bà Bishop thảo luận với ông Minh tại Canberra về các vấn đề cùng quan tâm nhằm thúc đẩy thịnh vượng và an ninh khu vực, theo AP. Hãng tin của Mỹ dẫn lời bà Bishop nói với ông Minh rằng “mối quan hệ giữa Australia và Việt Nam hiện vững mạnh, và tài liệu này thể hiện mong muốn chung nhằm thúc đẩy mối quan hệ vững mạnh trên nhiều lĩnh vực cùng quan tâm”. Một tuyên bố trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết rằng ông Minh “khẳng định Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác sâu rộng và hiệu quả với Australia trên tất cả các lĩnh vực vì lợi ích của nhân dân hai nước”. Thông cáo dẫn lời bà Bishop nói rằng “Australia khẳng định quan điểm nhất quán về vấn đề Biển Đông; đề cao việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và thương mại không bị cản trở; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”. Hai nước thiết lập quan hệ “Đối tác Toàn diện” năm 2009 rồi sau đó ký văn kiện “Đối tác toàn diện Tăng cường” năm 2015.

Cuối cùng nhưng tin rất có ý nghĩa là ngày 1/12/2016, Tư lệnh Tuần duyên Hoa Kỳ, Đô đốc Paul Zukunft, tuyên bố rằng lực lượng do ông lãnh đạo có thể giúp Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác “phát triển năng lực” trên biển. Phát biểu tại viện nghiên cứu Brookings ở thủ đô Washington, ông Zukunft nói rằng tuần duyên Mỹ có thể đóng vai trò lớn hơn ngoài biên giới Mỹ. Vị tư lệnh này cho biết đang nhắm tới vai trò duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực biển Đông và biển Hoa Đông dưới chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông Zukunft nói thêm rằng nếu tân chính quyền ủng hộ ý tưởng này, thì Lực lượng Tuần duyên Mỹ cũng có thể giúp Việt Nam, Indonesia và các quốc gia Đông Nam Á khác phát triển năng lực thực thi luật pháp hàng hải, và giúp đỡ duy trì hòa bình, và an ninh tại các vùng biển lân cận. Năm 2014, người tiền nhiệm của ông Zukunft, Đô đốc Bob Papp từng tiết lộ, một sĩ quan của Lực lượng Tuần duyên Mỹ sẽ được cử tới làm việc tại Đại Sứ quán của Hoa Kỳ tại thủ đô Hà Nội. Trước đó, ông Papp trở thành Tư lệnh Lực lượng Tuần duyên Mỹ đầu tiên tới thăm Việt Nam trong nỗ lực củng cố hợp tác với các lực lượng tuần duyên trên thế giới. Vị đô đốc sau đó được báo chí trích dẫn nói rằng “tăng cường mối quan hệ đối tác với các lực lượng quản lý lãnh hải như cảnh sát biển Việt Nam là điều quan trọng nhằm cải thiện an ninh khu vực”. Hợp tác trong lĩnh vực hàng hải là một trong lĩnh vực chính mà Hoa Kỳ và Việt Nam tăng cường thời gian qua. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề quân sự và chính trị Puneet Talwar cũng từng tuyên bố, an ninh biển, nhất là vấn đề tự do hàng hải, là một trong các vấn đề quan trọng trong đối thoại thường niên Việt – Mỹ. Hà Nội thời gian qua đã có những bước đi tăng cường lực lượng tuần duyên như trang bị nhiều tàu tuần tra hiện đại cho lực lượng cảnh sát biển. Ngoài ra, Việt Nam đã quyết định đổi tên Cục Cảnh sát Biển thành Bộ tư lệnh Cảnh sát Biển. Ngoài Mỹ, Việt Nam cũng đã tăng cường hợp tác với các lực lượng tuần duyên khác như Nhật Bản. /.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434835

Hôm nay

2106

Hôm qua

2349

Tuần này

21485

Tháng này

211883

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434835