Nhìn ra thế giới

Âm nhạc xô viết từng là nhịp cầu văn hoá thân thuộc

LBT: Nhiều công dân Liên Xô cũ khi nghe lại các bài hát xô viết đã bộc bạch rằng kỷ nguyên xô viết đối với họ là biểu tượng cho sự trong sáng và một tuổi thơ tràn đầy hạnh phúc.

Từ giữa thế kỷ trước, nhờ quan hệ hợp tác trong cộng đồng XHCN , nhiều bài hát của các nước XHCN anh em đã du nhập vào Việt Nam và để lại dấu ấn không phai trong văn hoá Việt hiện đại. Dưới đây một bạn đọc bee.net muốn chia sẻ những cảm nhận về các bài hát Nga, như “cầu phao âm thanh” từng nối hai nền văn hoá.

Thành phố tuổi thơ êm đềm như giấc ngủ

 

Những đêm tối, hoặc ngày mưa của tuổi thơ của tôi gắn với một chiếc giường gỗ trẻ con trong căn buồng nhỏ trên tầng hai của khu tập thể trường Trưng Vương, phố Hàng Bài. Dường như mẹ tôi muốn ru con bà bằng giai điệu của những bài hát Nga, cho dù chúng dành cho người lớn. Có thể vì thế, về sau tiếng Nga với tôi không bao giờ xa lạ. Còn tiếng lạo xạo do kim cọ lên mặt đĩa ở đầu mỗi đĩa hát Nga sẽ mãi đi vào tâm tưởng tôi.

Các bài hát Nga về tâm trạng lưu luyến với tuổi thơ như Tuổi thơ ơi hãy đợi, Vé về tuổi thơ, Thành phố tuổi thơ chỉ đếnkhi  tôi đã bị đẩy vào thế giới của người lớn. Tôi nhớ đã rụt rè nói với một bạn nữ, rằng những tiếng chuông thánh thót trong các bài hát trên nghe như … tiếng guốc lanh canh, khi bọn tôi vào lớp 1 ở trường Thăng Long, năm mà máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá Miền Bắc.

 Ngày ấy, các anh chị lớn hay hát những bài dành cho người lớn của Nga. Nếu “Hắc Hải của tôi” làm dịu đi những căng thẳng khi khu phố cổ co mình lại giữa hai hồi còi báo động phòng không, thì “Các bạn ở đâu hỡi đồng ngũ cùng trung đoàn” (Где же вы теперь, друзья-однополчане) dường như báo trước khung cảnh hậu chiến, những gái goá còn trẻ đẹp, và những “làng không chồng”, bằng giai điệu buồn xen những nét nhạc trầm hùng của niềm tự hào chiến thắng. Có cựu chiến binh cho rằng bài này phảng phất nỗi dằn vặt của người lính sống sót, trong  khi nhiều đồng đội đã không trở về. Rằng, trong bài hát, người cựu binh như Nga đang “nói chuyện” với bạn chiến đấu đã khuất. Cũng dễ tìm thấy trong bài này những tiết tấu của các bài hát cầu hồn của Đạo chính thống Nga (Orthodox Church).

Khoảng cuối thập kỷ 60, có lần tôi ngẩn người, khi nghe phán xét trong thế giới người lớn rằng, bài hát Đôi bờ (Дваберега) được in trên tấm bìa nhỏ, với hình người phụ nữ thất tình tội nghiệp đứng chơ vơ bên sông, lại chính là một biểu hiện của thất bại chủ nghĩa, của thoả hiệp, thậm chí của xét lại

Chúng tôi bắt đầu học tiếng Nga từ cấp ba. Một trong những cách học là hát các bài hát tiếng Nga. Về sau, một cô bạn cùng lớp cho biết cô ấy đã từng bị chi đoàn phê bình, vì đã đong đưa thân mình thái quá trong khi hát bài “Cây liễu” (Ивушка). Tôi còn nhớ rằng trước đó, cô bạn này đã bị mác – kê vì sở thích “mặc quần phăng”.

Trước đó, TASS được quyền tuyên bố Liên Xô đã bước vào chủ nghĩa xã hội phát triển. Các bản nhạc, bài hát trong nhiều bộ phim, kể cả phim về chiến tranh vang lên khá êm đềm, thậm chí đều đều. Nhưng các bài hát cho thiếu niên như Điệu vals nhà trường, hay Cơn mưa đầu tiên dịu dàng, nhưng không đơn điệu. Bài Cơn mưa đầu tiên có đoạn:

 

“Những giọt mưa đầu hè như những câu thơ

Đưa chúng ta về với cội nguồn

Và cảm thấy, khi phố phường yên ả

Thì tâm hồn ta lại bình dị, thanh cao”

Điệu vals nhà trường thì có câu:

 

May sao vào đời không phải là tan học vĩnh viễn

Dù chú mày chỉ ngóng giờ giải lao

Nhưng đời chính là một môn học đặc biệt

Lúc nào cũng ra câu hỏi mới

Bắt bạn phải trả lời ngay tắp lự”.

 

Mặc dù nhạc và lời đều đơn giản, hai bài hát này tới nay vẫn dạy bảo tôi (nay đà U60) theo một cách vừa nhân hậu, vừa nghiêm khắc. Vì các lời các bài hát Nga, giống như một số bài nhạc Đỏ ở Việt Nam, cũng là bài thơ. Chúng mang tính dự báo của thơ ca. Các bài hát Nga dành cho tuổi niên thiếu sâu đậm dấu ấn của sự ngây thơ, cả tin. Nhưng với thế hệ chúng tôi, đây không phải là sản phẩm của sự khờ khạo, hay “ngố”, mà là biểu hiện của tâm hồn trong sáng.

 

Lửa thiêng từ trái tim Đan – cô

 

Một chuyên gia Xô viết khi nghe lời một bài hát Trường Sơn: “Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình” đã nhận định đây chính là ngọn lửa huyền thoại Đancô (Danko). Thực vậy, sách “Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân” (NXB QĐND, 1972), Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết người Việt tìm được sự đồng cảm trong những bản anh hùng ca xô viết như “Chiến tranh nhân dân, chiến tranh thần thánh”. Còn về sau này, có nhà nghiên cứu cũng tìm thấy trong Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm những tiếng vọng của văn hoá Nga.

Phong cách biểu diễn của các diễn viên Liên Xô đi qua chiến tranh Vệ quốc như Olga Voronets, Mikael Tavediev  … khá gần với công chúng Việt Nam thời hoa lửa. Lắng đọng trong lòng thính giả là những giọng nữ nghiêm trang mà đằm thắm, như Maya Kristalinskaya, Galina Pisarenko … Bài hát trong phim “Đàn sếu bay qua” hẳn đã động viên kẻ ở người đi ở Việt Nam, như một thông điệp về sự bất lực của chiến tranh đối với tình yêu. Bộ phim này (Giải thưởng “Cành cọ vàng” tại Kann, 1957) còn cảnh báo về bi kịch tạo bởi những Lý Thông, sẽ lộ diện thời hậu chiến.

Bài hát về một thiếu niên đoàn kỵ binh Budionyi đã tử trậntrong cuộc nội chiến (Тамвдализарекой - Mãi bên kia sông ) trong một phim hoạt hình Liên Xô chiếu ở Việt Nam thời Hà Nội sơ tán đã dội mạnh vào tiềm thức non trẻ của chúngtôi.

 

‘Trái tim người đoàn viên Komsomol

Đã vỡ tan” …

Ngựa ô thân yêu ơi,

Hãy truyền lời trăng trối,

Rằng,

Ta chết trong danh dự …”

 

Bài này gợi cho tôi ký ức về một anh lớn ở gần nhà, một phi công Mig – 17, đãhy sinh trong trận đầu đánh giặc trời siêu thanh, đông gấp bội.

Tết 1979 là lúc tôi nhớ về lớp đàn anh, khi thấy mình đeo súng rồi leo lên một chiếc xe tải đi lên biên giới. Qua Bắc Sơn, một cô gái chừng mười sáu tuổi mặc măng tô đỏ, đứng giữa hai cây đào lớn khoe sắc thắm một cách trớ trêu trong tiếng đạn pháo vọng đến từ xa. Vừa chạy giặc từ Lạng Sơn về, em bật khóc, không hiểu vì nhìn thấy bộ đội đang đi lên đánh giặc, hay vì nhà em đang cháy? Bên tai tôi bỗng văng vẳng câu hát

 

“Đừng khóc, em gái nhỏ

Gió mưa và mây mù sẽ tan

Anh lính trẻ sẽ về

Chỉ cẩn em cứ đợi”

 

(bài hát Nga “Не плачь девчонка”).

 

Nhưng không phải ai trong chúng tôi cũng đều trở về. Trong số những người nằm lại mãi trong “rải rác biên cương mồ viễn xứ” đầu thập kỷ 80, có cả con trai của một vị tướng Trường Sơn.

Xa rồi bến cũ người xưa?
Vẻ mặt những người lĩnh xướng những bài hát như “Chim sâu” (ban nhạc Samotsvety), hay “Beloruxia”(ban nhạc Pesniary), thậm chí của khán giả Xô viết, trên băng hình về các cuộc thi giọng hát nổi tiếng như Pesny/Песни – 80 của thập kỷ 80 quả là thánh thiện, thậm chí có nét khắc khổ. Chúng gợi nhớ những bức tranh thánh của hội hoạ Nga (Иконопись, Icon painting), thế kỷ 14 - 15. 
Đó khó có thể là vẻ mặt của thế hệ trẻ ở Nga hôm nay, khi xa hoa, hưởng lạc hiện thân như mặt thật của suy đồi. Ta nghĩ gì khi nghe bài hát vể những nam nữ đoàn viên Komsomol, bỏ nơi chôn rau cắt rốn bên sông Matxcơva những năm 30 vào rừng Taiga tăm tối, dựng lên nhà máy, thành phố (Siberi hãy nở hoa Расцветай, Сибирь). Vậy mà cháu con nay lại bị hút về chốn đô thành phù hoa. Trường phái âm nhạc trữ tình Nga (Русскийроманс) đang mất chỗ đứng trong tim giới trẻ, theo các học giả nước này.
Các giá trị như tình yêu, niềm tin, và hy vọng kết tinh thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong những bài hát trữ tình Nga. Đã có thời người xô viết thường đặt tên con gái mình là Vera (niềm tin), Liuba (tình yêu), Nadejda (hy vọng). Nhưng nay trong nhịp điệu gấp gáp của đời sống kỹ thuật số, cung bậc các nhà soạn nhạc Nga liệu có thể cùng lúc ngân lên âm hưởng, của cả lòng nhân hậu thuần khiết lẫn nỗi đam mê trữ tình (romantic passion)? 
Còn con em của những “dân quân bắn máy bay thành thiện xạ” (lời bài hát Không được đụng tới Việt NamРукипрочьотВьетнама, 1968) và của những anh Nguyễn nghiêm nghị mà giàu tình cảm (lời Bài hát về người bạn Việt Nam /Песняовьетнамскомдруге) liệu có còn lòng tin vào tình yêu trong trắng kiểu “hai đứa ở hai đầu xa thẳm”? 
Thời nào cũng có tình yêu và sự bội bạc, khoái lạc và nỗi đau, nhưng những giai điệu về tình yêu đôi lứa hôm nay có còn ngân lên những âm hưởng của niềm thuỷ chung “tợ lửa bền trong đá”?
Gần nhà tôi có một em bé năm tuổi, con “đại gia”, nhưng thường chạy chân đất trên hành lang chung đầy bụi, vì chỉ được Ô sin chính thức dạy dỗ. Em rất thích bài hát trong phim thiếu nhi xô viết “Xin đừng bỏ đi” (Не покидай, 1989, đạo diễn Netraiev). Không biết tiếng Nga, em vẫn lặp đi lặp lại điệp khúc của phim này. Hôm qua, vẻ buồn buốn, nhưng mơ mộng, em yêu cầu tôi bật bài hát này. “Bác ơi”, em bảo tôi “Ne pokidai, ne pokidai menia (Непокидай, непокидайменя, hãy ở lại, xin đừng bỏ đi) …
“Net. Ni kogda”. Không, không bao giờ. Tôi hứa, cười mà nước mắt bỗng trào ra. Tim tôi bỗng nhói lên trong một rung động tương hỗ giữa nhà soạn nhạc, người hát, và người nghe. Niềm hy vọng, và cả niềm tin và tình yêu ẩn chứa trong những nốt nhạc và vần thơ sẽ còn mãi, ngay cả sau khi chúng ta từ giã cõi đời. 
                                                           .................
http://vorontsova-nvu.livejournal.com/tag/%D0%BA%D0%B8%D0%BB%D1%8C%D0%BA%D0%B0+%D0%B2+%D1%82%D0%BE%D0%BC%D0%B0%D1%82%D0%B5
www.liveinternet.ru/showjournal.php?journalid...

schools.keldysh.ru/sch1405/stranica6.html

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442986

Hôm nay

2182

Hôm qua

2318

Tuần này

2799

Tháng này

218160

Tháng qua

112676

Tất cả

114442986