Nhìn ra thế giới

Cải cách doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc

Đặt vấn đề

Hiện nay trên thế giới, từ phương Đông đến phương Tây, dù ở nơi đâu, nước nào cũng cần có doanh nghiệp nhà nước, và ở đâu nó cũng đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Đối với Trung Quốc, doanh nghiệp nhà nước luôn giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế đất nước. Năm 1978 (năm bắt đầu công cuộc cải cách và mở cửa ở Trung Quốc), trong tổng giá trị kinh tế đất nước khoảng 423,7 tỷ NDT (100%), thì đóng góp của doanh nghiệp nhà nước đã chiếm đến 77,6% [1]. Tuy vậy, từ trước năm 1979, các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc lại là những đơn vị sản xuất điển hình của nền kinh tế tập trung: nhà nước quyết định kế hoạch sản xuất, phân bổ nguyên vật liệu, nguồn vốn đầu tư, giao sản phẩm cho các đơn vị thu mua theo giá kế hoạch, quản lý nhân sự, giá cả, tiền lương. Các doanh nghiệp nhà nước phải nộp toàn bộ lợi nhuận cho ngân sách nhà nước và phải dựa vào trợ cấp ngân sách để bù lỗ và đầu tư. Với cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp này, các doanh nghiệp nhà nước có rất ít quyền tự quyết. Tính phi hiệu quả gắn liền với cơ chế tập trung hóa cao độ, và do sự thiếu vắng một hệ thống khuyến khích doanh nghiệp tăng năng suất lao động đã làm xói mòn một cách nghiêm trọng tiềm năng phát triển và tiến bộ công nghệ của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc… [2]. Với cơ chế quản lý đó, doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc càng sản xuất, càng thua lỗ, hiệu quả kinh tế thấp. Chính vì vậy, từ tháng 12/1978, Trung Quốc đã tiến hành công cuộc cải cách và mở cửa kinh tế đất nước, bắt đầu từ nông nghiệp đến công nghiệp, từ nông thôn đến thành thị, làm sống động nền kinh tế trong nước, mở cửa với bên ngoài. Trong đó, cải cách doanh nghiệp nhà nước luôn là trọng tâm trong công cuộc cải cách mở cửa đất nước Trung quốc. Bài viết này sẽ tập trung phân tích kinh nghiệm cải cách doanh nghiệp của Trung Quốc và gợi ý chính sách cho Việt Nam.

1.      Cải cách doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc

   Trong quá trình cải cách, mở cửa nền kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc được coi là khâu trọng tâm của cải cách. Kể từ Hội nghị Trung ương 3 khóa XI (12/1978) đến nay (8/2016), Trung Quốc đã trải qua hơn 3 thập kỷ cải cách, lộ trình cải cách doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, có thể được khái quát thành các giai đoạn chính như sau:

1)     Giai đoạn từ tháng 12/1978 đến 10/1978: giai đoạn mở rộng quyền tự chủ của các doanh nghiệp nhà nước. Trên cơ sở thí điểm mở rộng quyền tự chủ xí nghiệp ở tỉnh Tứ Xuyên cho 5 doanh nghiệp nhà nước theo hướng giảm quyền lực tập trung của các cơ quan nhà nước, mở rộng quyền sản xuất, kinh doanh. Đến đầu năm 1979, Trung Quốc mở rộng thí điểm sang 100 doanh nghiệp nhà nước. Tháng 7/1979, cải cách 400 doanh nghiệp nhà nước. Đến cuối năm 1980, số doanh nghiệp nhà nước cải cách lên đến 6600. Cuối năm 1984, các doanh nghiệp nhà nước ngành công nghiệp, thương nghiệp toàn quốc đã phổ biến cải cách nhằm mở rộng quyền tự chủ. Cụ thể, các doanh nghiệp nhà nước đã có các quyền sau: (1) Quyền lập kế hoạch sản xuất, (2) Quyền mua bán sản phẩm, (3) Quyền định giá, (4) Quyền sử dụng vốn, (5) Quyền tính lương, thưởng, (6) Quyền liên hiệp kinh tế theo chiều ngang, (7) Quyền tuyển dụng lao động [3].

2)     Giai đoạn từ 10/1984 đến 9/1988: giai đoạn tăng cường sức sống cho các doanh nghiệp nhà nước, giao quyền, tách quyền sở hữu khỏi quyền kinh doanh. Các doanh nghiệp nhà nước trở thành chủ thể kinh doanh độc lập, lãi ăn, lỗ chịu, có khả năng cạnh tranh, tự cải tạo, tự phát triển, có tư cách pháp nhân, thực hiện chế độ khoán kinh doanh. Đến cuối năm 1988 đã có 90% doanh nghiệp nhà nước lớn, vừa đã thực hiện chế độ khoán kinh doanh. Trung Quốc còn nghiên cứu luật phá sản, thí điểm “đấu thầu”, “cho thuê” doanh nghiệp nhà nước vừa, nhỏ. Từng bước thí điểm cổ phần hóa. Cuối năm 1988 có hơn 6000 doanh nghiệp nhà nước ở Thượng Hải, Thẩm Dương, Vũ Hán… với số vốn hơn 6 tỷ NDT tiến hành cổ phần hóa [4].

3)     Giai đoạn 9/1988 đến 12/1991: giai đoạn “chấn chỉnh, cải tạo nền kinh tế “quá nóng”.

Kinh tế Trung Quốc sau 10 năm cải cách – mở cửa đã phát triển quá ồ ạt, mất cân đối, đặc biệt quá coi trọng phát triển công nghiệp, xem nhẹ phát triển nông nghiệp. Công nghiệp phát triển rất cao, tăng trưởng khoảng 16,7% một năm, trong đó đã quá chú trọng phát triển công nghiệp gia công, còn công nghiệp cơ bản không theo kịp, tạo ra mâu thuẫn giữa cung và cầu (cung lớn, cầu thấp). Trung Quốc còn quá tập trung phát triển các doanh nghiệp nhà nước ở vùng ven biển với hình thức gia công là chính, còn ngành công nghiệp nặng ở phía Đông Bắc, hầu hết được xây dựng từ thập kỷ 1950 đã quá cũ kỹ, lạc hậu, hiệu suất sản xuất kém, không được ưu tiên phát triển, nên đã tạo ra khoảng cách Nam – Bắc, Đông – Tây ngày càng xa. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp phần lớn dựa vào đầu tư  và xây dựng, nên đã dẫn đến tình trạng đua nhau xây dựng, kéo theo sự “đói vốn” nghiêm trọng, quản lý nhà nước lại bị buông lỏng, lưu thông hàng hóa hỗn loạn, đất nước luôn xảy ra những vụ tham nhũng lớn, nền kinh tế mất cân đối nghiêm trọng, phát triển kinh tế quá nóng, buộc nhà nước phải tiến hành “chấn chỉnh, cải tạo” nền kinh tế đất nước nhằm đưa lạm phát xuống dưới 10%, điều chỉnh lại kết cấu sản phẩm, ngành nghề, phải giảm mạnh công nghiệp gia công, xây dựng, và tập trung phát triển công nghiệp nặng như năng lượng, điện lực, giao thông… nhằm nâng cao tố chất của doanh nghiệp nhà nước, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế, đảm bảo tốc độ tăng trưởng công nghiệp khoảng 5 – 6%. Giai đoạn này, Trung Quốc vẫn đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà  nước, tối ưu hóa kết cấu quản trị doanh nghiệp [5].

4)      Giai đoạn 1992 – 1997: giai đoạn tăng cường cải cách doanh nghiệp nhà nước dưới khẩu hiệu “xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”. Đây là giai đoạn xây dựng các xí nghiệp hiện đại, phù hợp với nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Trung Quốc đã tiến hành sử dụng các biện pháp cải cách doanh nghiệp nhà nước như: xây dựng các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước lớn, cải tổ, liên hợp, sáp nhập, cho thuê, bao thầu kinh doanh, hợp tác cổ phần, phát mại, nắm lớn, buông nhỏ… giảm doanh nghiệp nà nước từ 75% xuốn còn khoảng 40%.  Đồng thời, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tiến trình cổ phần hóa đã vấp phải hai vấn đề rất nan giải: (1) Vấn đề quyền sở hữu tài sản, (2) Vấn đề thất nghiệp. Nhưng, Tổng bí thư Giang Trạch Dân (9/1979) đã phát biểu: “Phải mạnh dạn thực hiện chế độ cổ phần, không nên đơn giản cho rằng thực hiện chế độ cổ phần là thực hiện tư nhân hóa. Chúng ta phải học tập cái tốt của CNTB”. Đây là giai đoạn thực hiện chế độ cổ phần hóa rộng rãi cho các doanh nghiệp nhà nước, đây là biện pháp cải cách với bước đột phá to lớn [6].

5)     Giai đoạn 1998 – 2002: Giai đoạn Trung Quốc tiến hành giải thể quản lý nhà nước trên qui mô rộng lớn. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 tuy không ảnh hưởng lớn, nhưng cũng ít nhiều có ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc. Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với giảm nhu cầu thanh khoản, dẫn tới hàng hóa sản xuất bị tồn đọng lớn. Năm 1998, doanh lợi của doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 0,23%, qui mô thua lỗ và nợ nần tăng lên đáng kể. Tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thua lỗ tăng từ 27,6% (1990) lên 41,4% (1998), hệ số thua lỗ tăng từ 47,3% lên 68,8%. Doanh nghiệp nhà nước phá sản từ năm 1984 đến cuối năm 1998 là 2336 vụ. Đến cuối năm 1990, cả nước có 6 triệu trong 44 triệu công nhân trong các doanh nghiệp nhà nước đã bị sa thải. Năm 1998, Ủy ban Quản lý tài sản nhà nước đã giải tán và chuyển quyền đó cho một loạt các tổ chức thuộc thành phần Bộ Tài chính, Tổng cục quản lý tài sản nhà nước, Cục đánh giá tài sản nhà nước, Vụ công tác tài sản nhà nước… Cục tài sản nhà nước được phân theo nhiều ngành khác nhau. Chỉ có các doanh nghiệp nhà nước lớn thuộc quyền của các cơ quan cấp cao mới tiếp tục được nhà nước quản lý tình trạng tài sản nhà nước của doanh nghiệp mình, còn những xí nghiệp vừa và nhỏ đã được chuyển dần sang cho thuê, khoán, hoạt động kinh doanh theo hình thức cổ phần, bị bán hay sáp nhập với những đơn vị khác. Thực tế quyền sở hữu tiếp tục bị phân nhỏ, còn các cổ tức, nhà nước thì không được nhận tuần hoàn tài chính của chính mình. Mắt xích khu vực của hệ thống quản lý tài sản nhà nước bị phá bỏ hoàn toàn, chỉ một vài khu vực có được khả năng này do tham gia thực nghiệm quá trình thực hiện hiện hàng loạt thí điểm như ở Thượng Hải, Thâm Quyến, Hạ Môn, Quảng Châu [7].

6)     Giai đoạn 2003 – 2016: giai đoạn đẩy mạnh cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, xây dựng các tập đoàn kinh tế lớn, thực thi cải cách quản lý tài sản nhà nước.

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc XVI (11/2002) khẳng định tiếp tục cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước. Năm 2003, Trung Quốc đã soạn thảo 2 luật “Luật quản lý tài sản nhà nước” và “Luật phá sản” mới, thay thế luật cũ năm 1986. Hội nghị Trung ương 3 khóa XVI (2003) thông qua nghị quyết: “ Về một số vấn đề hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN” đã nêu rõ: “Xí nghiệp cổ phần là một trong những hình thức sở hữu xã hội chủ yếu đối với phương tiện sản xuất”. Năm 1998 – 2003, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa do nhà nước quản lý đã giảm từ 238.000 xuống còn 150.000 đơn vị. Năm 2004 – 2005, mỗi năm doanh nghiệp nhà nước giảm dần từ 3000 đến 5000 đơn vị [8]. Như vậy, Trung Quốc đẩy mạnh cổ phần hóa, cho phép sáp nhập, phá sản các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ. Bởi vậy, số doanh nghiệp nhà nước đã có xu hướng giảm dần, đảm bảo tính hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Về vấn đề “cải cách quản lý tài sản nhà nước”, Trung Quốc đã thực hiện dựa trên nguyên tắc: “3 kết hợp: quản lý tài sản, quản lý con người, quản lý công việc. Và dựa vào “3 thống nhất”: về quyền lợi, về nghĩa vụ, về trách nhiệm. Đồng thời tiến hành “3 tách bạch”: chính phủ với các doanh nghiệp, chính phủ với tài sản, chính phủ với công việc hành chính. Đảng bộ của Ủy ban quản lý và giám sát tài sản nhà nước Quốc vụ viện (chính phủ) được giao 7 nhiệm vụ: Đảm bảo quán triệt phương châm, chính sách của Đảng, đưa ra quyết sách những vấn đề quan trọng  của Ủy ban, phụ trách xây dựng Đảng, xây dựng văn minh XHCN của các đơn vị do Ủy ban quản lý; chỉ đạo thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước, phụ trách xây dựng ban lãnh đạo của doanh nghiệp nhà nước do Trung ương quản lý, phụ trách công tác quản lý của doanh nghiệp nhà nước, giám sát và kiểm tra các bộ, nhân viên của doanh nghiệp nhà nước, hoàn thành công tác khác do Bộ Chính trị và chính phủ giao cho. Năm 2003, Quốc vụ viện Trung Quốc đã lập Uỷ ban quản lý và giám sát tài sản nhà nước  các doanh nghiệp nhà nước (SASAC). Ủy ban là cơ quan đặc biệt trực thuộc Quốc vụ viện có 21 Cục và 20 đơn vị trực thuộc. Ủy ban được giao thực hiện 9 nhiệm vụ: (1) thực hiện trách nhiệm quản lý vốn, giám sát tài sản của doanh nghiệp nhà nước trực thuộc trung ương (không bao gồm doanh nghiệp tài chính, ngân hàng), tăng cường công tác quản lý doanh nghiệp nhà nước; (2) Chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát doanh nghiệp nhà nước  đảm bảo giá trị và tăng giá trị tài sản nhà nước… (3) Chỉ đạo, thúc đẩy cải cách và cải tổ doanh nghiệp nhà nước,  thúc đẩy xây dựng chế độ doanh nghiệp hiện đại trong doanh nghiệp nhà nước, (4) Thực hiện bổ nhiệm, bãi miễn, kiểm tra người quản lý doanh nghiệp nhà nước, (5) Thay mặt chính phủ được quyền cử ban giám sát, giám sát chế độ, biện pháp quản lý hữu quan về dự toán kinh doanh vốn nhà nước… (7) Căn cứ vào trách nhiệm người đại diện vốn, phụ trách đôn đốc, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp nhà nước quán triệt thực hiện chính sách, phương châm, quy tắc pháp quy, pháp luật liên quan đến sản xuất đảm bảo an ninh quốc gia, (8) Phụ trách quản lý tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, (9) Đảm nhận các công việc khác do chính phủ giao phó. Năm 2003, Trung Quốc có 196 tập đoàn, tổng công ty nhà nước do SASAC quản lý. Sau quá trình cải cách đến nay còn 119 tập đoàn doanh nghiệp nhà nước (không bao gồm các ngân hàng thương mại nhà nước) do Ủy ban trực tiếp quản lý với tổng tài sản khoảng 26.000 tỷ NDT. Sau 8 năm hoạt động (2003 – 2011), Ủy ban đã đưa ra nhiều cải cách trong hoạt động quản lý, giám sát tài sản doanh nghiệp nhà nước, đem lại nhiều thành tựu vượt bậc. Năm 2003, tổng tài sản do Trung ương mới chỉ đạt 7,13 nghìn tỷ NDT, đến năm 2010 đạt 24 ngàn tỷ, 2011 đạt khoảng 26 ngàn tỷ NDT. Doanh thu từ 3,36 ngàn tỷ NDT (2003), đến 2010 đạt 16,7 ngàn tỷ NDT, tăng 4,79 lần. Lợi nhuận từ 240,5 tỷ NDT năm 2003, tăng lên 1.140 tỷ NDT năm 2010, tăng 4,74 lần. Nộp ngân sách năm 2010 là 1480 tỷ NDT. Năm 2011, Trung Quốc có 38 doanh nghiệp nhà nước nằm trong 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Trung Quốc vẫn tiếp tục sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Năm 2009, trong 136 tập đoàn, tổng công ty do SASAC quản lý, có 30% tiến hành cổ phần hóa, 68% công ty con của các tập đoàn, tổng công ty tiến hành cổ phần hóa. Đến tháng 9/2011 còn lại 119 tập đoàn doanh nghiệp nhà nước. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp dựa trên việc phân chia các doanh nghiệp thành 3 khu vực kinh doanh: (1) Khu vực an ninh quốc phòng, các vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng không cổ phần hóa, nhà nước vẫn nắm giữ 100% vốn, (2) Lĩnh vực liên quan đến các ngành công nghiệp then chốt của đất nước sẽ cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, (3) Lĩnh vực cung cấp dịch vụ công, thương mại, đầu tư được cổ phần hóa, nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối [9].

Gần đây nhất, trong cuộc tọa đàm về cải cách doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc ngày 4/7/2016 tại Bắc Kinh, chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh: “Doanh nghiệp nhà nước là lực lượng quan trọng tăng cường thực lực tổng hợp quốc gia, đảm bảo lợi ích chung của nhân dân, cần phát triển mạnh mẽ, chất lượng cao một cách quyết liệt, không ngừng tăng cường sức sống, sức ảnh hưởng và năng lực chống rủi ro, thực hiện giữ và tăng giá trị tài sản nhà nước… Cần phát triển lớn mạnh và chất lượng cao các doanh nghiệp nhà nước một cách quyết liệt, sớm thu được thành quả mới trong các lĩnh vực trọng điểm và khâu then chốt trong công cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước”. Và Trung Quốc đã xác nhận, trong thời gian tới sẽ thúc đẩy điều chỉnh kết cấu, phát triển sáng tạo, ưu hóa bố cục, làm cho các doanh nghiệp nhà nước phát huy vai trò là đầu tàu trong kết cấu khung cung ứng. Trung Quốc cho rằng cải cách doanh nghiệp nhà nước đã bước vào giai đoạn tăng tốc. Và cải cách “chế độ sở hữu hỗn hợp sẽ là khâu đột phá để giữ và tăng giá trị tài sản nhà nước một cách tốt hơn, nâng cao sức sống và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước”.  Cho đến nay, Trung Quốc lần lượt xây dựng và ban hành 13 phương án về cải cách doanh nghiệp nhà nước, 9 văn kiện đang được tiến hành các trình tự, sắp được hoàn tất, nhằm thúc đẩy tái cơ cấu và hợp nhất các doanh nghiệp nhà nước, ưu hóa sắp xếp nguồn lực, nâng cao chức năng tổng thể. Và hiệu quả vận hành các doanh nghiệp trung ương, xây dựng hàng loạt các công ty đa quốc gia có sức cạnh tranh cao, tái cơ cấu với cổ phần làm cầu nối, thành lập liên minh chiến lược ngành nghề… nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới xoay quanh các ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược như mạng Internet, chế tạo thông minh, công nghệ thông tin, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, dự án trên biển… [10]. Để thực hiện những phương hướng cải cách doanh nghiệp nhà nước, Trung Quốc đã đưa ra 10 thí điểm cải cách doanh nghiệp nhà nước và 8 nhiệm vụ trọng điểm nhằm đi sâu cải cách doanh nghiệp nhà nước trong năm 2016 như sau:

10 thí điểm cải cách doanh nghiệp nhà nước bao gồm: (1) Thí điểm quyền hạn của hội đồng quản trị, (2) Thí điểm tuyển chọn nhà quản lý kinh doanh theo hướng thị trường hóa, (3) Thí điểm chế độ giám đốc ngành nghề, (4) Thí điểm cải cách về phân phối thù lao doanh nghiệp, (5) Thí điểm công ty kinh doanh đầu tư vốn quốc hữu, (6) Thí điểm sáp nhập, tái cấu doanh nghiệp Trung ương, (7) Thí điểm cải cách chế độ sở hữu hỗn hợp trong một số lĩnh vực quan trọng, (8) Thí điểm công khai thông tin doanh nghiệp nhà nước, (9) Thí điểm xóa bỏ chức năng xã hội của doanh nghiệp, (10) Thí điểm giải quyết các vấn đề lịch sử còn tồn đọng.

Và 8 nhiệm vụ trọng điểm cần đi sâu cải cách doanh nghiệp nhà nước năm 2016 là: (1) Sớm hoàn thiện hệ thống văn kiện “1+ N”, cơ bản hoàn thành thiết kế thượng tầng cải cách doanh nghiệp nhà nước, (2) Đi sâu thực hiện 10 thí điểm cải cách doanh nghiệp nhà nước, sớm đạt được đột phá trong các vấn đề khó thuộc lĩnh vực trọng điểm cải cách, (3) Chuyển đổi chức năng quản lý giám sát tài sản nhà nước lấy quản lý vốn làm trụ cột, xây dựng danh sách quyền hạn quản lý giám sát và danh sách trách nhiệm của nhà đầu tư vốn nhà nước, (4) Phân loại thực hiện cải cách doanh nghiệp nhà nước, phân loại tiến hành giám sát, sát hạch, quản lý doanh nghiệp Trung ương, (5) Đẩy mạnh cải cách chế độ công ty, chế độ cổ phần, thực hiện chế độ công ty tại tập đoàn doanh nghiệp Trung ương cà công ty con, (6) Thúc đẩy xây dựng hội đồng quản trị, để đại bộ phận các doanh nghiệp trung ương có Hội đồng quản trị theo qui phạm, hoàn thiện điều chỉnh tái cơ cấu doanh nghiệp trung ương, thu hẹp các tầng nấc quản lý và pháp nhân, ưu hóa bố cục kết cấu doanh nghiệp nhà nước, (7) Tăng cường giám sát vốn quốc hữu, tăng cường cải tiến công tác cử Ủy ban giám sát xuống địa phương, tránh thất thoát vốn nhà nước, (8) Kiên trì sự lãnh đạo của Đảng đối với doanh nghiệp nhà nước, vừa tiến hành cải cách vừa thúc đẩy công tác xây dựng Đảng trong “hệ thống” các doanh nghiệp nhà nước [11].

Tóm lại, cải cách doanh nghiệp nhà nước đang trở thành một trong những bài toán nan giải nhất đối với chính phủ và cả nền kinh tế Trung Quốc. Hơn 30 năm cải cách – mở cửa, Trung Quốc đã phát triển “quá nóng” nền kinh tế, đã tạo ra những công ty nhà nước khổng lồ, nợ nần nhiều, tài sản cực lớn với những mối quan hệ thân hữu chằng chịt, dẫn đến hoạt động thiếu hiệu quả. Có nguy cơ kéo lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế đất nước Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế bị giảm sút chậm nhất trong hơn 30 năm, liệu pháp xử lý khối doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh, kém hiệu quả là biện pháp quan trọng nhất để tái cấu trúc nền kinh tế. Hiện nay, Trung Quốc đang tìm cách để nền kinh tế bớt phụ thuộc quá nhiều vào những ngành công nghiệp nặng, khai khoáng, xây dựng… Đặc biệt cần cải cách doanh nghiệp nhà nước tập trung trong những ngành “nhiều khói” của mô hình tăng trưởng cũ như khai thác khoáng sản, sản xuất sắt thép, cơ khí đóng tàu và sản xuất máy móc hạng nặng… những khối doanh nghiệp nhà nước ì ạch không thể đáp ứng nhu cầu trong các ngành dịch vụ mới trỗi dậy như y tế, công nghệ, giáo dục, giải trí… những mảng tăng trưởng nhanh nhất của kinh tế Trung Quốc.  Đóng cửa “các xác sống” đã được chính phủ Trung Quốc coi là 1 trong 5 ưu tiên trong năm 2016. Đó là những doanh nghiệp nhà nước thừa công suất, cần phải cải cách, giảm nạn thừa cung, ít nhất trong 7 ngành như xi măng, thủy tinh, đóng tàu, khai thác khoáng sản, cơ khí lớn, luyện kim sắt thép… Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, Trung Quốc đề ra mục tiêu hàng đầu là tái cơ cấu trúc nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới chuyển từ sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sang tập trung phát triển các ngành dịch vụ, phục vụ cho hơn 1, 3 tỉ người tiêu dùng trong nước. Trung Quốc đã và đang đã và đang sử dụng các biện pháp cải cách doanh nghiệp nhà nước như sáp nhập, tái cơ cấu, tái cấu trúc nợ, thanh lý, hợp nhất doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, đặc biệt đề cao vai trò của Ủy ban Giám sát và quản lý tài sản quốc doanh (SASAC) trong cải cách doanh nghiệp nhà nước, thực hiện thí điểm “quyền sở hữu hỗn hợp” với việc bán cổ phần với tỉ lệ thích hợp… [12]

2.      Bài học kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam

Trải qua hơn 30 năm cải cách doanh nghiệp nhà nước, Trung Quốc đã có những kinh nghiệm quý, có thể gợi ý chính sách cho các nước, đặc biệt cho những nước đang trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế như Việt Nam.

-   Bài học thứ nhất là vai trò của nhà nước. Nhà nước có vai trò điều tiết, như vị trọng tài cầm trịch trong sân bóng. Trong đó xã hội là sân bóng, doanh nghiệp là cầu thủ. Trọng tài không đá bóng thay cầu thủ, nhưng là “người cầm cân, nảy mực”, nắm vững luật lệ, xử lý đúng luật, tạo cho cầu thủ hết mình thi đấu.

-      Bài học thứ hai là nhà nước phải tuân thủ luật pháp, đưa ra đường lối, phương pháp, giải pháp cải cách tốt nhất, hiệu quả nhất, phù hợp với qui luật, nhằm cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy sự phát triển không ngừng của doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể, ở Trung Quốc trong mỗi giai đoạn, nhà nước cần đưa ra những biện pháp cải cách phù hợp.

+) Giải pháp cải cách ban đầu là phân quyền.  Đây là cải cách cần thiết cho doanh nghiệp nhà nước trong điều kiện nền kinh tế đang chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường.

+) Sau đó, nhà nước thực hiện các biện pháp tăng cường tính tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước, thực hiện chế độ khoán trong sản xuất, thực hiện các cải cách khác như sáp nhập, phá sản…

+) Đến giai đoạn cải cách phải thực hiện xây dựng doanh nghiệp nhà nước hiện đại, các tập đoàn kinh tế mạnh mẽ, hợp tác cổ phần hóa, cổ phần hóa hỗn hợp, nắm lớn, buông nhỏ. Nhà nước nắm giữ 100% cổ phần những doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, những ngành kinh tế chủ lực, xương sống đất nước… cho phép tư nhân hóa, phát triển kinh tế nhiều thành phần.

+) Nhà nước sử dụng các động lực nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước phát triển: khen thưởng, tăng lương, khuyến khích năng suất lao động cao, gia tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp nhà nước phát triển.

+) Nhà nước chú trọng đề cao vai trò của Ủy ban giám sát, quản lý tài sản, vốn nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước nhằm phát huy nguồn vốn nhà nước trong sản xuất, thu lợi nhuận cho nhà nước, đảm bảo hiệu quả nguồn vốn, giảm thiểu thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, tái cấu trúc kinh tế…

+) Nhà nước tiếp tục cải cách quản trị doanh nghiệp nhà nước theo thông lệ quốc tế, phân rõ trách nhiệm của Hội đồng quản trị, ban giám đốc, nhân sự cấp cao, minh bạch hóa, xây dựng bộ nguyên tắc quản trị doanh nghiệp nhà nước.

+) Nhà nước chỉ đạo xây dựng khung pháp lý vững vàng cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động, đặc biệt xây dựng các luật doanh nghiệp, luật phá sản, và các bộ luật khác liên quan.

+) Nhà nước ban hành các chính sách nhằm huy động mọi nguồn lực để phát triển doanh nghiệp nhà nước, trong đó chú ý đến việc xây dựng các hiệp hội doanh nghiệp, trang bị các kiến thức cho doanh nghiệp nhà nước…

-   Bài họcthứ ba lànâng cao tính chủ động, sáng tạo, độc lập trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Các hoạt động của doanh nghiệp là tự chủ,hoạt động trên nền tảng tuân thủ nghiêm minh pháp luật hiện hành [8].

 

Chú thích:

[1] L.I. Kondrashova, “Ba mươi năm cải cách khu vực công nghiệp nhà nước Trung Quốc”, sách “Trung Quốc những năm đầu thế kỉ XXI”, NXB Từ điển Bách Khoa, Hà Nội năm 2009, trang 162.

[2] Jun Ma, “Trung Quốc nhìn lại một chặng đường phát triển”, NXB Trẻ thành phố Hồ Chí Minh, năm 2002, trang 199.

[3] Đinh Công Tuấn, “Quá trình cải cách kinh tế - xã hội của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (từ 1978 đến nay)”, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội năm 1998, trang 58 – 60.

[4] Xem chú thích [3], trang 66 – 90.

[5] Xem chú thích [3], trang 91 – 101.

[6] Xem chú thích [3] trang 101 – 113.

[7] Xem chú thích [1], trang 155 – 160.

[8] Xem chú thích [1], trang160 – 161.

[9] “Đảng Cộng sản Trung Quốc chọn mô hình quản lý nào đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước?”, http://www.tinmoi.vn/lienquan/dang-cong-san-trung-quoc-chon-mo-hinh-quan-ly-nao-doi-voi-tap-doan-tong-cong-ty-nha-nuoc-793475.html, 10/8/2016.

[10] “Việc sâu sắc cải cách doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc bước sang giai đoạn tăng tốc", http://vietnamese.cri.cn/481/2016/07/07/1s224233.htm, 7/7/2016.

[11] "Trung Quốc triển khai 10 thí điểm cải cách doanh nghiệp nhà nước", http://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-trien-khai-10-thi-diem-cai-cach-doanh-nghiep-nha-nuoc/372905.vnp, 25/2/2016.

[12] "Trung Quốc muốn "đại phẫu" doanh nghiệp xác sống", http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-de-su-kien/chuyen-de/20160626/trung-quoc-muon-dai-phau-doanh-nghiep-xac-song/1124629.html, 10/8/2016.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441259

Hôm nay

2259

Hôm qua

2287

Tuần này

21163

Tháng này

216433

Tháng qua

112676

Tất cả

114441259