Nhìn ra thế giới

Trung Quốc: Cuộc chiến quyền lực trước Đại hội 19

Từ Đại hội 18 đến nay, cuộc “đả hổ diệt ruồi” của Tập đã trải qua các giai đoạn giành giựt “cây súng”, “cây dao”, “ngọn bút”, “túi tiền”, v.v… hết sức quyết liệt, đến trước sau Hội nghị TW6 vẫn chưa giành được “thắng lợi có tính áp đảo”. Với quan niệm “chính quyền đẻ ra từ họng súng”, cuộc chiến giành lại “cây súng”, giành lại “quân quyền” vừa qua tuy đã giành được “thắng lợi về cơ bản, nhưng chưa phải có tính quyết định đến giữ vững quyền lực chính trị của Tập. Trong thời bình, trong xã hội cực quyền Trung Cộng, nắm được “cây súng, quân quyền” chỉ mới để củng cố quyền lực, còn để thực sự sử dụng quyền lực hàng ngày lại quyết định ở “cây dao”, “ngọn bút”. Quyền thao túng “cây dao, ngọn bút” thuộc về ai sẽ quyết định chiều hướng ảnh hưởng trực tiếp đến an nguy, được mất sinh mệnh, tài sản quyền lợi thiết thân nhất của đời sống dân chúng, đến ổn định hay rối loạn chính trị, xã hội, đến còn mất của một chính quyền, đến thắng bại trong cuộc chiến giành giựt quyền lực của các bên thế lực chính trị.

Thời gian qua, Tập đã đồng thời triển khai cuộc chiến giành lại “cây dao, ngọn bút”, nhưng do đặc điểm của cuộc chiến này là rất phức tạp, không thể đi ngay vào cốt lõi của “cây dao”, “ngọn bút” để giải quyết gọn. Nay sau khi đã cơ bản giành lại “quân quyền”, “đảng quyền” (giành được vị trí Hạt nhân qua Hội nghị TW6, bố cục lại nhân sự vào các cấp, địa bàn, vị trí then chốt) đã đem lại “thắng lợi có tính áp đảo”, tạo điều kiện cho tiến hành cuộc quyết chiến đối với “quyền nắm, thao túng cây dao, ngọn bút” mà tập trung nhất là nhắm vào xóa bỏ hệ thống Chính pháp, hệ thống Quốc an, xây dựng Ủy ban An ninh quốc gia mới.

Ban Chính pháp của Trung Cộng là cơ cấu của Cấp ủy đảng Trung Cộng nằm trực tiếp giám sát trong cơ quan Công an, Kiểm sát, Tòa án, tương đương cấp trên đứng trên đầu các cơ quan này. Đây là một đơn vị “Chính pháp” được thành lập từ năm 1980, đến năm 1988 cơ cấu này không còn tồn tại. Sau vụ “lục tứ”(ngày 04/6/1989), Giang Trạch Dân lên nắm quyền, năm 1990 Ban Chính pháp Trung Cộng được khôi phục lại và dần dần biến thành người hộ vệ gia đinh của tập đoàn quyền quí phái Giang. Chu Vĩnh Khang, ông “vua Chính pháp” trực tiếp nắm hệ thống Chính pháp đồng thời kiêm nhiệm Bộ trưởng bộ Công an 10 năm đã cài cắm sâu rộng người của phái Giang vào trong toàn bộ hệ thống Chính pháp, trở thành Trung tâm hệ thống quyền lực thứ hai, ngoài Trung Nam hải, đã gây ra mâu thuẫn xã hội Trung Quốc ngày càng nổi cộm, dân chúng đi khiếu kiện bị đàn áp mạnh, đoàn thể Pháp luân công bị bức hại có tính tuyệt diệt, án giả, án oan, án sai vô kể trong hệ thống Tư pháp. Đồng thời, ở địa phương, Ban Chính pháp trở thành lợi khí của quyền Tư pháp khổng chế chư hầu Trung Cộng. Chung là Trưởng ban Chính pháp kiêm Trưởng Công an, Trưởng Công an lại là Trưởng Cảnh sát, dẫn đến “người đứng đầu” ngành Công an Trung Cộng giám sát quản lý Tòa án, Viện Kiểm sát và ngành hành chính Tư pháp, không chỉ làm cho cơ quan Kiểm sát đánh mất hoàn toàn chức năng giám sát đối với cơ quan Công an, Cảnh sát, mà còn hình thành cục diện độc quyền to lớn của Công an, Cảnh sát, trực tiếp dẫn đến cảnh sát hóa quốc gia, đứng trên, đứng ngoài pháp luật. Đó là mô thức trị quốc, giữ vững ổn định sự thống trị của tập đoàn quyền quí phái Giang. Đó cũng là lợi khí chủ yếu hiện nay sau khi “cây súng, quân quyền” đã bị Tập thu về của phái Giang tiếp tục không ngừng chống lại cuộc “đả hổ diệt ruồi” của Tập. Hệ thống Chính pháp là cơ cấu “giữ ổn định” đối nội, là bộ phận trong hệ thống Quốc an hiện hành của Trung Cộng còn gồm Bộ An toàn quốc gia và các loại cơ cấu gián điệp đặc vụ đối ngoại được hình thành thời Giang Trạch Dân và do Chu Vĩnh Khang, Tăng Khánh Hồng nắm, khổng chế trong thời gian dài, cài cấy sâu rộng tay chân của mình, nhất là từ khi Tập Cận Bình lên, đứng đằng sau điều khiển đủ loại hoạt động không ngừng chống phá lại đương cục Tập Cận Bình.

Giang, Tăng mất đại quyền đảng, chính, quân, nhưng dã tâm không mất, luôn tạo ra các vụ bạo lực, với ý đồ là gây ra một dạng chính biến về kinh tế, văn hóa tuyên truyền, sự vụ Hồng Kông. Tăng nắm khổng chế cơ cấu đặc vụ của Bộ Quốc an luôn quấy rối ở trong ngòai nước, trở thành thế lực tàn dư quan trọng nhất của phái Giang Trạch Dân quyết tử chống lại. Đặc vụ của Tăng nuôi cấy khắp trong nội bộ Trung Cộng và hải ngoại, bằng phương thức giết hại dân lành, tạo ra khủng hoảng xã hội, với ý đồ, khi xã hội phát sinh thảm kịch qui mô lớn, mọi dư luận quốc tế và trong nước đều sẽ lên tiếng chỉ trích kẻ đương quyền, Tập sẽ đổ, phái Giang, Tăng thuận thế sẽ lật lại thế cờ, đứng lên giành lại quyền. Những năm qua liên tiếp xẩy ra các vụ nổ lớn, các vụ tai nạn lao động lớn. Không kể các vụ nổ ở Thiên An môn, Thiên Tân, vụ chém giết ở ga xe lửa Côn Minh những năm trước, riêng năm 2016 xẩy ra 26 vụ tai nạn mỏ than, chỉ từ cuối tháng 10/2016 đến đầu tháng 12/2016 đã có 12 vụ, vụ nhiều nhất có đến 33 người bị nạn. Các vụ tai nạn không phải ngẫu nhiên, mà đều xẩy ra vào những thời điểm nhậy cảm.

Hoặc như gần đây, Bộ Công an đang tiến hành sửa đổi “Luật cảnh sát”, mở rộng quyền nổ súng của cảnh sát, có thể tạo ra điều kiện hợp pháp hóa tình trạng lạm quyền của cảnh sát lâu nay, đã gây ra dư luận bất bình trong xã hội. Có ý kiến cho đó là một sự thách thức với Tập Cận Bình về cải cách hệ thống Quốc an. Nhất là hiện nay đang nổi lên việc xử lý vụ án Lôi Dương, một nghiên cứu sinh Đại học Nhân dân Bắc Kinh bị 5 cảnh sát tùy tiện bắt và gây chết. Gia đình Lôi Dương lúc đầu có đơn tố cáo 5 nhân viên cảnh sát đã giết Lôi Dương, nhưng phía Cảnh sát đã gây áp lực với Viện Kiểm sát không được khởi tố 5 nhân viên cảnh sát (4.000/60.000 nhân viên cảnh sát Bắc Kinh ngày 28/12/2016 xin từ chức, vì đã bắt đồng đội của họ. Đây không thể là sự tự phát mà có sự nhúng tay ở phía sau ?), còn gây sức ép với gia đình nạn nhân là phải nhận bồi thường một khoản tiền mặt 20 triệu nhân dân tệ và một căn hộ giá trị 20 triệu nhân dân tệ, và không được tiếp tục tố cáo, không được tiếp phóng viên, không được công khai mức bồi thường, đã làm dậy lên dư luận bất bình không chỉ trong nước mà cả quốc tế, trở thành sự kiện chính trị, không còn dừng lại ở sự kiện hình sự (nội tình sự vụ còn diễn biến khá phức tạp), cũng không ngoài mục đích là gây rắc rối cho đương cục Tập Cận Bình, nói là “y pháp trị quốc” làm là chà đạp pháp luật. Mặc dầu khi vụ án vừa xẩy ra, Tập đã có ý kiến chỉ đạo là “căn cứ pháp luật xử lý công minh, công khai”, nhưng Bộ Công an, Viện Kiểm sát đã không làm, không thể làm theo sự chỉ đạo của Tập.

Hoặc nhiều lần dùng thủ đoạn ám sát Tập Cận Bình, Vương Kỳ Sơn bất thành. Hoặc dùng phương tiện hiện đại và vị thế trong tay, Tăng Khánh Hồng bố trí Mã Kiến, Thứ trưởng Bộ Quốc an nghe lén động tĩnh Tập Cận Bình và các cao quan khác của đương cục Tập.

Tập Cận Bình sau khi lên nắm quyền đã bắt tay ngay vào việc thu hẹp quyền lực của Ban Chính pháp trung ương và địa phương, như đã giảm toàn bộ cơ cấu từ cấp Chính quốc xuống cấp Phó quốc, không còn do ủy viên Thường vụ Cục Chính trị làm Trưởng ban Chính pháp TW, mà đổi thành do ủy viên Cục Chính trị kiêm nhiệm. Ở địa phương, nhân trong quá trình thay nhiệm kỳ, không bố trí Trưởng Công an đảm nhiệm Trưởng ban Chính pháp địa phương, làm cho “vua Chính pháp” địa phương đi vào cục diện không còn quyền hành trên thực tế.

Tháng 11/2013, tại Hội nghị TW3/18 đã thành lập “Ủy ban an toàn quốc gia”, lấy danh nghĩa là cơ quan của TW đảng Trung Cộng, đưa toàn bộ cơ cấu an toàn quốc gia đối ngoại và đối nội, bao gồm Công an, Vũ cảnh, Tư pháp, Bộ An toàn quốc gia, Cục I Cục II của Bộ Tổng tham mưu, Ban liên lạc đối ngoại của Tổng cục chính trị Quân giải phóng, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Tuyên truyền đối ngoại, toàn bộ hợp nhất mềm lại với nhau. Tất cả các bộ phận này đều phải tuân lệnh của Ủy ban An toàn quốc gia.

Năm 2013, Tòa án tối cao công bố “Ý kiến về xây dựng kiện toàn cơ chế công tác ngăn ngừa án oan án sai hình sự” qui định, trừ lĩnh vực đặc thù ngoại giao, quốc phòng ra, Ban Chính pháp không còn được nhúng tay vào các vụ án, cũng là để hư hóa quyền lực Ban Chính pháp.

Năm 2014, lại ban hành quyết định “về y pháp trị quốc”, yêu cầu “Ban Chính pháp các cấp” ủng hộ Tòa án, Viện Kiểm sát độc lập hành sử chức năng quyền hạn, cũng là hư hóa hơn nữa Ban Chính pháp. Trong quá trình này, nhân sĩ giới luật pháp, nhân quyền vẫn có tiếng nói ủng hộ Tập phế bỏ Ban Chính pháp, bởi vì đó là căn nguyên gây ra bao nhiêu án oan, án sai, án giả bao nhiêu năm nay, hơn nữa trong “Điều lệ đảng CSTQ”, trong Hiến pháp Trung Quốc từ trước đến nay đều không có cái cơ cấu “Ban Chính pháp TW” này. Các ngành Chính pháp dưới quyền thống quản của Ban Chính pháp là phương thức “lấy đảng trị quốc” cực đoan, không thể bảo đảm công minh của Tư pháp. Sau khi Chu Vĩnh Khang bị hạ bệ (2014), các tầng lớp xã hội Trung Quốc lại vang lên tiếng nói, cần xóa bỏ Ban Chính pháp. Hội nghị TW4/18 đã quyết nghị “Thúc đẩy toàn diện trị quốc theo luật”. Ban Chính pháp là một trở ngại lớn của thực hiện “trị quốc theo luật”, cho nên không thể để tiếp tục tồn tại.

Ngày 09/12/2016 Tập Cận Bình chủ trì Hội nghị Cục Chính trị, phân tích nghiên cứu công tác kinh tế năm 2017, thảo luận xem xét thông qua “Ý kiến về tăng cường công tác an toàn quốc gia”. Hội nghị cho rằng, tổng thể đại cục chính trị xã hội ổn định, nhưng môi trường an toàn quốc gia vẫn phức tạp, đã đề ra yêu cầu càng cao đối với công tác an toàn quốc gia trong tình hình hiện nay. Hội nghị nhấn mạnh, cần kiên trì quan điểm an toàn tổng thể quốc gia, lấy an toàn nhân dân làm tôn chỉ, thống nhất phối hợp hài hòa hai đại cục quốc nội và quốc tế, chỉnh hợp có hiệu quả mọi lực lượng, tổng hợp vận dụng mọi thủ đoạn, bảo vệ an toàn các lĩnh vực quốc gia, xây dựng hệ thống an toàn quốc gia; cần phải kiên trì thể chế lãnh đạo an toàn quốc gia tập trung thống nhất, quyền uy cao. Những điều nhấn mạnh này thể hiện, một là phải chỉnh đốn lại hệ thống an toàn quốc gia; hai là, quyền lực lãnh đạo hệ thống an toàn quốc gia này phải qui về một mối thống nhất là Tập Cận Bình, thực quyền hóa Ủy ban An toàn quốc gia.

Phối hợp với Hội nghị Cục chính trị này, có biến động lớn về nhân sự hệ thống Quốc an, ngày 07/11/2016, Hội nghị Thường vụ Nhân đại toàn quốc thông qua quyết nghị bổ nhiệm Trần Văn Thanh làm Bộ trưởng Bộ An toàn quốc gia thay thế Cảnh Huệ Xương bị miễn chức. Mã Kiến, Thứ trưởng, Lương Khắc, Cục trưởng Cục Quốc an Bắc Kinh cũng bị Tập hạ bệ, đồng thời điều chỉnh lớn nhân sự tầng cao của Bộ. Còn có tin, Tập đang chuẩn bị hạ cấp Bộ Quốc an thành Tổng cục Quốc an, đồng thời đang chuẩn bị tổ chức lại hệ thống tình báo, tham khảo Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) để cải cách Bộ Quốc an. Tức là Tổng cục Quốc an này chỉ đơn thuần đối ngoại, chuyên chức năng phản gián và thu thập tình báo, không có chức năng quyền hạn nhúng vào tình hình nội bộ như lâu nay.

Những ngày cuối cùng năm 2016, Tập, Vương dồn dập triển khai đồng bộ thanh toán vòng lợi ích chính trị, kinh tế hạt nhân tập đoàn Giang Trạch Dân ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh với các động tác :

1) Tòa án tối cao bố trí Tòa án lưu động ở Nam Kinh, Trùng Khánh. Ngày 28/12/2016, Tòa án tối cao Trung Quốc công bố “Qui định một số vấn đề về  Tòa án lưu động xét xử các vụ án” sau khi đã sửa đổi, xác định rõ bố cục 6 tòa án lưu động; tòa án lưu động từ quản 6 tỉnh khu nay mở rộng 26; bản bộ Tòa án tối cao trực tiếp thụ lý các vụ án liên quan 5 địa phương Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Đông, Nội Mông Cổ. 4 Tòa án lưu động mới tăng sẽ treo biển chính thức hoạt động vào tuần đầu tháng 1/2017. Trong đó Tòa án lưu động số 3 đặt tại thành phố Nam Kinh tỉnh Giang Tô, quê Giang Trạch Dân; phạm vi lưu động là 5 tỉnh thành phố Giang Tô, Thượng Hải,... Tòa án lưu động số 5 đặt tại thành phố Trùng Khánh, sào huyệt cũ của Bạc Hy Lai.

Báo chí nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh, Tòa án lưu động thụ lý các vụ án hành chính, dân sự, thương mại quan trọng liên tỉnh, tăng mạnh lực xét xử lưu động. Ngày 25/12, đương cục Bắc Kinh đã bổ nhiệm Chánh tòa án lưu động số 3 đến số 6 của Tòa án tối cao. Trong đó, thân phận Chánh Tòa án lưu động số 3 là Giang Tất Tân, là người sau Đại hội 18 không lâu đã phát biểu mạnh “dân chủ”, “hiến chính” trên báo chí nhà nước, ủng hộ Tập Cận Bình, đã dẫn quân đi bắt Hoàng Hưng Quốc (đại biểu Nhân đại toàn quốc). Phó Tòa là Vương Húc Quang, từng chủ trì xét xử Bạc Hy Lai.

      2) Vương Tiểu Hồng, người cũ của Tập Cận Bình “tảo hoàng” (dẹp các ổ vui thú trụy lạc) ở Bắc Kinh. Đêm 23/12/2016, cảnh sát Bắc Kinh đã tiến hành kiểm tra xử lý 3 cơ sở mại dâm, bề ngoài gọi là Câu lạc bộ Bảo lợi, Lam đại và Lệ hải, bên trong đều có bối cảnh quân đội, chính quyền. Câu lạc bộ Bảo lợi nằm trong tòa lầu Tập đoàn Bảo lợi. Tập đoàn Bảo lợi lại là nhà buôn xuất nhập khẩu khí tài quân sự lớn nhất của cơ cấu đặc vụ Trung Cộng thao túng. Câu lạc bộ Lam đài là “”túi tiền của Giả Khánh Lâm, ủy viên thường vụ phái Giang trước đây. Vương Tiểu Hồng Cục trưởng Công an Bắc Kinh, thân tín của Tập chủ đạo hành động “tảo hoàng” Bắc Kinh, với ý là thanh toán hệ thống công an, quân đội và thế lực phái Giang, bao gồm vòng câu kết quan thương trung ương địa phương ở Bắc Kinh.

      3) Bốn địa phương này luôn có quan chức bị điều tra xử lý : Từ 15/11 đến cuối tháng 12/2016 có đến 16 quan chức bị điều tra xử lý. Trong đó, có Hoàng Nghị, con trai Hoàng Kỳ Phàm buôn khoáng thép từ Úc về bán giá cao cho Gang thép Trùng Khánh thu lợi cao, còn Gang thép Trùng Khánh thua lỗ đậm. 3 vị Từ Khương, Vương Ngụy, Lan Dũng, thao túng thị trường chứng khoán. Lã Tích Văn, hổ Bắc Kinh, nhận hối lộ 10 triệu nhân dân tệ. Trịnh Vạn Tân, Hiệu phó thường vụ, Bí thư Ban cán sự đảng Trường cao đẳng Công an Thượng Hải, làm phó cho Ngô Chí Minh, cháu Giang Trạch Dân, v.v…

      4) Điều chỉnh dồn dập trong 2 tháng 11, 12/2016 quan trường tầng cao 4 địa phương này :

Bắc Kinh, Thái Kỳ, người cũ của Tập ở Triết Giang về làm Chủ Tịch, thay Vương An Thuận, người của phái Giang. Phó Bí thư Bắc Kinh Câu Trọng Văn điều đi làm Cục trưởng Tổng Cục thể dục quốc gia, Lưu Bằng thôi nhiệm.

Giang Tô, Phó Chủ tịch Thượng Hải, Tưởng Trác Kánh điều về làm Trưởng ban Kỷ luật tỉnh Giang Tô thay Hùng Cường.

Trùng Khánh, sáng ngày 30/12/2016, quan phương Trùng Khánh công bố tin Hoàng Kỳ Phàm Chủ tịch thành phố từ chức Chủ tịch (không nói rõ nguyên nhân), quyết định bổ nhiệm Phó Chủ tịch Trương Quốc Thanh giữ Quyền Chủ tịch thành phố. (Hoàng Kỳ Phàm 15 năm hoạt động trong tầng cao lãnh đạo ở Trùng Khánh, dưới 6 triều Bí thư từ Hạ Quốc Cường, Hoàng Trấn Đông, Uông Dương, Bạc Hy Lai, Trương Đức Giang,Tôn Chính Tài, con đường quan lộ thông suốt, nên dư luận gọi ông là “lục triều nguyên lão”, nay đã 64 tuổi, có tài năng về quản lý kinh tế, sẽ điều về làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tài Nhân đại toàn quốc)

Thiên Tân, Đặng Tu Minh, Trưởng ban kỷ luật cơ quan nhà nước TW về làm Trưởng ban Kỷ luật Thiên Tân thay Diêu Tăng Khoa được điều về làm Phó Bí thư Giang Tây (quê hương Tăng Khánh Hồng.) Hoài Tiến Bằng, Thứ trưởng Bộ Công Tín “nhảy dù” về làm Phó Bí thư Thiên Tân.

Thượng Hải, Hàn Nghi, Cục trưởng Cục kiểm tra hiện trường Ủy ban Giám sát Ngân hàng Trung Quốc về làm Cục trưởng Cục Giám sát Ngân hàng Thượng Hải (Hàn Nghi thời gian dài cùng làm việc ở Triết Giang với Tập). Liêu Quốc Huân, người cũ của Lật Chiến Thư về làm Trưởng ban Kỷ luật Thượng Hải. Hầu Khải, Trưởng ban Kỷ luật Thượng Hải (Thân tín của Vương Kỳ Sơn) chuyển làm Phó Bí thư, Trưởng ban Kỷ luật Ủy ban công tác cơ quan trung ương, trợ thủ cho Lật Chiến Thư.

Tiền Phong (nguyên Thư ký của Tiêu Dương, Chánh Tòa án tối cao) điều về làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Pháp chế Quốc vụ Viện.

5) Tổ Tuần tra, Tổ Giám sát nối tiếp vào Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh. Ngày 06/11/2016, Tổ Tuần tra số 11 trung ương chia nhau vào Bắc Kinh, Trùng Khánh tuần tra “xem xét lại” về tình hình thay nhiệm kỳ trong hai tháng. Cùng ngày, Tổ Giám sát của Ban Tổ chức TW tiến hành giám sát tình hình thay nhiệm kỳ ở 12 tỉnh, thành, khu gồm Thượng Hải, Quảng Đông…

Ngày 24/11/2016, tốp Tuần tra, Giám sát thứ II của TW về 7 tỉnh, thành, khu Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh, Quảng Đông, … tiến hành tuần tra, giám sát tình hình công tác bảo vệ môi trường. Đến ngày 07/12 (theo thông báo của cơ quan nhà nước) có 13 địa phương chính quyền chưa có báo cấp lên TW về tình hình bảo vệ môi trường theo luật định, trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải được nhắc tên trên báo chí.

Sau Hội nghị TW6, đằng sau việc Tập Vương dồn dập triển khai 5 động tác trên, ít nhất lộ ra các tín hiệu chính trị quan trọng đáng chú ý :1) Nhiều cao quan của phái Giang lâm vào tình thế không hay, “đả hổ” nhắm vào gia tộc Giang; 2) Cùng phối hợp với đại thanh toán lĩnh vực kinh tế, nhất là với các tập đoàn lợi ích phái Giang, Tăng; 3) Tiếp tục thanh toán thế lực tàn dư phái Giang, Tăng trong hệ thống Chính pháp; 4) Dọn đường cho bố cục nhân sự tầng cao Đại hội 19.

 Tuy vậy, trong hệ thống Công an, những tháng trước đã thay 24 Trưởng Công an và đều kiêm Trưởng ban Chính pháp của 24 tỉnh, thành, nhưng qua sự tuyển chọn Trưởng Công an của 12 tỉnh trong thay nhiệm kỳ vừa rồi cho thấy, Tập chưa thanh toán sâu hệ thống Công an. Trong 12 tỉnh chỉ có Trưởng Công an 3 tỉnh Phúc Kiến, Giang Tây, Hà Nam là không thuộc người của Giang, các Trưởng Công an còn lại đều đậm màu sắc phái Giang. Trong 9 người này, có 3 người năm 2015 có điều động, còn lại đều cài chức từ năm 2013, lúc Tập vừa lên quyền lực chưa ổn định. Như Trưởng Công an Tân Cương từ năm 2009 đến `nay chưa điều động. Trưởng Công an Sơn Tây, Nội Mông Cổ cũng đưa vào trước Đại Hội 18 cho đến nay. Nhưng, Ủy ban Giám sát mà Tập bắt đầu tiến hành thí điểm cải cách là “ra đòn cứng” giám sát Công an. Ủy ban Giám sát sau khi thí điểm chỉnh hợp lại có quyền hạn giám sát, điều tra, xử lý. Ngày 24/11/2016, Trung tâm Quản lý án của Văn phòng Chấp pháp Phân cục Công an khu Hải Điện thành phố Bắc Kinh thành lập Phòng Kiểm sát. Đây là Phòng Kiểm sát đầu tiên toàn quốc biệt phái vào Trung tâm Quản lý án này. Ngày 05/12/2016, Hạ Bảo Long Bí thư tỉnh ủy Triết Giang, đơn vị thí điểm cải cách thể chế giám sát đã báo cáo rõ một loạt công tác cụ thể về cải cách thể chế giám sát ở Triết Giang đã triển khai vào thực tế, đã hoàn thành các nhiệm vụ chính trị quan trọng theo yêu cầu của Vương Kỳ Sơn.

Nhà bình luận thời sự Luân Quốc Trí nhận xét, từ động tác bố cục của Tập Cận Bình  cho thấy, Ủy ban Giám sát là tiến hành giám sát đối với tất cả nhân viên công chức hành sử quyền lực công, đương nhiên là bao gồm Công an. Vương Tiểu Hồng Cục trưởng Công an Bắc Kinh, thành lập Phòng Kiểm sát như đã nói trên với mục đích rõ ràng là để tiến hành giám sát đối với Công an. Hiện nay (đầu tháng 12/2016), sở dĩ Tập Cận Bình chưa thực hiện thanh toán sâu hệ thống Công an, có thể là do : 1) Công an liên quan đến toàn bộ vấn đề trị an của xã hội, lo ngại đụng mạnh sẽ gây ra  hỗn loạn lớn; 2) Thế lực Công an phái Giang trong Công an đã cắm rễ sâu mười mấy, hai chục năm, rễ sâu gốc dày, có năng lực phản trinh sát; 3) Nhân lực kiểm tra kỷ luật vốn đã không đủ để đối phó với Công an, nhưng nếu thu nhận về 1/3 biên chế lực lượng kiểm sát là khác hẳn rồi. Luân Quốc Trí còn cho rằng, với đà Tập Cận Bình tiến thêm một bước thanh toán đối với quân đội, vũ cảnh, hệ thống Quốc an, sau khi quyền lực ổn định vững chắc, tất sẽ tiến hành thanh toán sâu hệ thống Công an. Ủy ban Giám sát là một bố cục rất quan trọng.

Tiếp tục thanh toán trên 2 vạn sĩ quan trung cao cấp quân đội.

Vòng II cải cách quân đội được bắt đầu ngay từ đầu năm 2017. Theo báo chí Hồng Kông đưa tin, sẽ có trên 26.000 sĩ quan trung cao cấp quân đội đang tại ngũ sẽ đối mặt với thanh toán, chỉnh trị, Tập Cận Bình hạ lệnh, người nào dám chống lại sẽ xử lý theo quân pháp. Trong số sĩ quan này đều được đưa lên để sung vào tầng cao quân đội thời Giang Trạch Dân, Tập cần nhanh chóng thanh toán số này. Để phối hợp với nhiệm vụ chiến lược tinh binh, vòng II giảm 30 vạn quân năm 2017, đương cục sẽ tiến hành chỉnh trị, chỉnh đốn tầng cao hệ thống quốc phòng các quân binh chủng, các chiến khu, tập đoàn quân. Ngày 30/11 ~ 01/12/2016, Quân Ủy TW Trung Cộng triệu tập hội nghị Quân ủy TW mở rộng tại Trung tâm chỉ huy chiến đấu, chuẩn bị chiến đấu Quân ủy TW tại Tây Sơn. Hội nghị đưa ra yêu cầu tăng nhanh tốc độ, sát thực, có thể hạ thấp nhất mức độ nhân tố tiêu cực, để chỉnh trị, thanh toán trên 26.000 sĩ quan trung cao cấp quân đội đang tại ngũ. Tiểu ban lãnh đạo công tác chỉnh trị chỉnh đốn này gồm 5 người : Trưởng ban, Hứa Kỳ Lượng Phó Chủ tịch Quân ủy TW; và các ông Trương Dương, Chủ nhiệm Bộ công tác chính trị, Tần Sinh Tường, Chủ nhiệm Văn phòng Quân ủy, Đỗ Kim Tài, Trưởng ban Quân kỷ, Hiểu Phong, Trưởng ban Chính pháp Quân ủy làm Phó ban. Để ổn định lòng quân, Quốc Vụ Viện đã đặc biệt chi ra trên 63 tỷ nhân dân tệ vào kinh phí quốc phòng chi cho việc bố trí sắp xếp công việc, chuyển nghề, v.v… đối với các sĩ quan xuất ngũ này. Đồng thời đương cục Tập Cận Bình đặt ra 4 điều chuẩn tắc quân pháp, quân kỷ như sau :

      1) Sau khi nhận được Thông tri và Điều lệnh hữu quan, cấp Phó quân trong 14 ngày báo đến , cấp Sư trong 10 ngày báo đến, cấp Trung Đoàn trong 7 ngày báo đến, không có cớ gì, chưa báo đến đúng thời gian hoặc từ chối báo đến, nhất luật theo luật pháp quân sự điều tra xử lý.

      2) Sau khi nhận được Thông tri và Điều lệnh hữu quan, cho phép đưa ra yêu cầu, khiếu nại, đối chiếu xem xét lại trong thời gian qui định, nhưng không cho phép hoạt động vi phạm qui định, vi phạm kỷ luật.

      3) Phàm chống lại quyết định tổ chức, sau khi phê bình giáo dục, cảnh cáo, vẫn cự tuyệt hoặc mượn các lý do không xác đáng chống lại việc chấp hành, tuân thủ, nhất luật khai trừ đảng tịch, xóa quân tịch, xóa các đãi ngộ vốn được hưởng. 

      4) Phàm chống lại quyết định tổ chức, từ chối tiếp nhận Điều lệnh, hoạt động bè phái trong quân đội, làm loạn quân đội, nhất luật chuyển giao Tòa án quân sự điều tra xử lý.

Trương Dương, Chủ nhiệm Ban công tác chính trị Quân ủy trình bày “Quyết định (dự thảo) về tạm thời điều chỉnh qui định luật pháp liên quan thích hợp với thời gian cải cách chế độ sĩ quan” tại Hội nghị lần thứ 25 Thường vụ Nhân đại khóa 12 họp từ ngày 19/12/2016 xem xét quyết định. Trong nội dung “Quyết định (dự thảo)” có nhiều nội dung quan trọng, như đối với sĩ quan tầng trung, vì tính tri thức chuyên nghiệp quân sự hiện đại rất mạnh, việc đào tạo sĩ quan, không dễ chút nào, phải đối mặt với chỉ huy binh chủng hợp thành, cần giữ tính ổn định của sĩ quan. Còn đối với sĩ quan tầng cao lại khác, cần “tăng nhanh lưu động”, một mặt là để tăng cường tính năng động linh hoạt, có lợi cho nâng cao năng lực chỉ huy, nhưng càng quan trọng hơn là ngăn ngừa xẩy ra hủ bại trong quân đội. Như thời Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng nắm giữ Tổng cục Chính trị, Tổng cục Tham mưu trên 10 năm, tạo nên hủ bại quân đội, rất nhiều tướng lĩnh đi lên bằng con đường mua quan mua chức. Thời Giang Trạch Dân tại vị, để nắm được quân quyền đã đề bạt mấy trăm thiếu, trung, thượng tướng. Số lượng những người này là rất lớn, bây giờ còn sung cho tầng cao của quân đội. Tập Cận Bình lên, tuy đã dùng bàn tay sắt hạ bệ Từ, Quách và thông qua chống hủ bại đã hạ rất nhiều sĩ quan phái Giang, Từ, Quách. Với số lượng người ngựa của phái này rất nhiều, không thể một hai đợt “đả hổ” là có thể thanh toán hết được. Trước thế lớn hiện nay, buộc họ bề ngoài tỏ ra trung thành với Tập, nhưng trong cốt tủy của họ vẫn bất mãn, vẫn là ngoài mặt thì vâng trong lòng vẫn phản. Tập, Vương nhiều lần nhấn mạnh “xóa sạch tàn dư độc Từ Quách” là vì vậy. Lần cải cách quân đội này đề ra “cần tăng nhanh lưu động sĩ quan tầng cao” với mục đích nên là thay nhanh sĩ quan tầng cao do phái Giang đưa lên vì “ngậm miệng phát tài”, còn lượng lớn những người thực tài lại bị mai một. Tập Cận Bình cần nhanh chóng thanh toán những sĩ quan tầng cao hủ bại, những người mới được đề bạt sẽ trung thành với Tập, như vậy quân quyền mới có được vững chắc thực sự, quân đội mới có thể xây dựng thành đội quân hiện đại, trong sạch thực sự.

Tập tiếp tục đấu tranh với quyền nắm “ngọn bút.”

Trung Quốc hiện nay, nội trị : mâu thuẩn quan với quan, quan với dân tích nặng khó giải, vấn đề xã hội bệnh hoạn không thuốc đề chữa; ngoại giao : tứ bề thọ địch, không có lấy một nước bằng hữu nào, thường nói là “viễn giao cận công”, nhưng Trung Cộng đang “viễn, cận đều công” xung quanh mù mờ. Xuất hiện loạn cục này có quan hệ lớn với sự quấy nhiễu của thế lực phái Giang cây to rễ sâu. Chưa bẩy trúc rễ phái Giang, phái Tập tất còn âu lo. Đại hội 19 cận kề, Tập bận rộn bố cục cho nhiệm kỳ tới, làm những việc mà Tập muốn làm. Còn Lưu Vân Sơn người ngựa của Giang cũng đang bận rộn quyết chống lại, bận rộn tổ chức lực lượng quyết đấu cuối cùng với Tập, tất phải thay đại ca Giang chưa bị đương cục Tập bắt công khai, dẫn đầu người ngựa của mình quyết chiến cuối cùng, không bó tay ngồi chờ bị hạ. Con đường đi đến “Tần thành” (nhà tù) của Lưu Vân Sơn càng gần.

Ngày 05/1/2017 vừa rồi, Lưu triệu tập tất cả Trưởng ban Tuyên truyền các địa phương về Kinh họp, trên danh nghĩa là “đưa ra bảo đảm tư tưởng dư luận cho Đại hội 19”, kỳ thực là tìm mọi cơ hội để thể hiện lực ảnh hưởng và tạo cảm giác còn tồn tại của mình, bơm hơi cho các đồ đảng  phái Giang đang bị Tập đánh cho đê mê, để bọn họ tại chỗ đứng của mình phản kích lại Tập Vương, gây loạn Đại hội 19 hòng lật lại bàn cờ. Mới đây, tập thể quan trường (từ Bí thư, trưởng ban tổ chức, Trưởng ban Kỷ luật, các ủy viên thường vụ, Chủ tịch, …) tỉnh Giang Tô, quê hương Giang đã công khai chống lại Trung ương Tập. Còn nữa, toàn bộ hệ thống Tư pháp, hệ thống Cảnh sát hiện nay vẫn trong tay quan chức phái Giang khổng chế, gây uy hiếp lớn cho đương cục Tập Cận Bình. Lưu Vân Sơn từ khi leo lên chính đài đến nay vẫn ôm chặt không buông chân Giang, tạo ra không ít trở ngại cho Tập. Nay cơ hội hạ Lưu Vân Sơn của Tập đã động. Trong bài phát biểu của Tập tại Hội nghị TW6 vừa đăng lại trong Tạp chí “Cầu thị”, Tập nhấn mạnh “không cho phép cá nhân ngự trị trên tổ chức, ủy viên TW, ủy viên Cục Chính trị, ủy viên Thường vụ có trách nhiệm đầu tiên”. Vương Kỳ Sơn, khi thí điểm Ủy ban Giám sát quốc gia nói “đối với ủy viên Thường vụ Cục Chính trị, ủy viên TW và đảng viên thường có hành động kéo bè kết đảng đều coi như nhau xử lý”. Những phát biểu của Tập, Vương đã cảnh cáo thẳng vào mặt các ủy viên Thường vụ thuộc phái Giang, mà trước hết là Lưu Vân Sơn. Trên thực tế, Lưu Vân Sơn đã bị ra rìa rồi, qua sự việc tại Hội nghị Công tác pháp qui trong đảng toàn quốc tháng 12 vửa rồi, Lật Chiến Thư đã đứng ra phát biểu ý kiến và truyền đạt chỉ thị của Tập Cận Bình. Lưu Vân Sơn chủ quản về công tác xây dựng đảng, theo lệ thì cuộc hội nghị về pháp qui trong đảng này phải là do Lưu Vân Sơn chủ trì, nhưng đã bị Lật Chiến Thư đẩy ra rìa.

Hiện nay thời cơ đụng Lưu Vân Sơn đã chín, chỉ có điều là đụng trước khi hay sau khi Lưu Vân Sơn thôi nhiệm mà thôi.

Còn Lưu Kỳ Bảo, Trưởng ban Tuyên truyền TW, là người thực hiện quyền lực “miệng lưỡi” và “ngọn bút” của phái Giang, trực tiếp là Lưu Vân Sơn cùng thực hiện các trò “bôi đen, bôi đỏ, bóp méo,..” Tập Cận Bình. Theo báo chí Hồng Kông, Lưu Kỳ Bảo, từ tháng 3/2015, Ban kỷ luật TW bắt đầu điều tra lập án. Từ đó đến nay, Lưu Kỳ Bảo trong giai đoạn vừa làm việc vừa chịu sự điều tra và nay là giai đoạn cuối của điều tra về 4 vụ việc :

Thứ nhất, về trách nhiệm lãnh đạo đối với vụ hối lộ phiếu bầu Thường vụ cấp ủy mới khóa 5 thị Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên liên quan đến trên 30 quan chức Nam Sung nhận hối lộ phiếu bầu. Lúc đó Lưu Kỳ Bảo là Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên đã che đậy vụ việc, đến 2014, Tổ Tuần tra TW của Vương Kỳ Sơn đến trực tiếp điều tra, tiếp theo đó, TW và địa phương thành lập Tổ điều tra trên 200 người đến Nam Sung điều tra mấy tháng, mới đưa ra ánh sáng vụ việc. Một số cán bộ cấp dưới đã bị xử lý, còn Lưu Kỳ Bảo do được Chu Vĩnh Khang và Lưu Vân Sơn che chắn không bị xử lý mà còn được điều về TW làm Trưởng ban Tuyên truyền TW.

Thứ hai, đầu năm 2014, do dính đến quan hệ không bình thường với bang phái Chu Vĩnh Khang, sinh hoạt cá nhân bại hoại, lợi dụng chức quyền lúc ở Tứ Xuyên thực hiện “giao dịch quyền tiền” tham ô nhận hội lộ, vừa làm việc vừa bị điều tra. Sau Đại hội 18, các cao quan Tứ Xuyên bị điều tra xử lý đã khai báo hành vi hủ bại của Lưu Kỳ Bảo.

Thứ ba, có quan hệ chặt với xã hội đen, với tên đầu sọ tập đoàn xã hội đen Lưu Hán.

Thứ tư, cùng Lưu Vân Sơn bày trò bôi đen, bôi đỏ, bóp méo Tập để xã hội chán ghét Tập.

Những vụ việc trên đã đủ thấy rõ số phận của Lưu Kỳ Bảo, Lưu Vân Sơn, chủ quản “quyền ngọn bút”, “quyền tiếng nói” sẽ như thế nào rồi.

Tại cuộc họp Cục Chính trị ngày 09/12/2016 vừa rối, Tập tuyên bố, cục diện cuộc chiến chống tham nhũng đã đạt được “thắng lợi có tính áp đảo”. Tuy vậy, nhìn chung cục diện chính trị Trung quốc đang đặt ra 10 vấn đề lớn rất đau đầu cho đương cục Tập Cận Bình đang bước vào năm mới, năm 2017 đầy biến động :

      1) Vấn đề Đài Loan : mềm, chẳng tác dụng gì; cứng lại sợ Mỹ;

      2) Vấn đề Biển Đông : đàm, không thể giải quyết được vấn đề; đánh, lại sợ Mỹ nhảy vào;

      3) Vấn đề hủ bại : không giải quyết e vong quốc; giải quyết e vong đảng;

      4) Tiếp tục độc tài càng tăng hủ bại; không độc tài, lại sợ đánh mất giang sơn;

      5) Vấn đề giàu nghèo nổi cộm : không giải quyết, sợ người nghèo tạo phản; giải quyết, lại sợ người giàu không làm;

      6) Vấn đề nhà ở : giá cao lên, người nghèo không mua nổi; giá thấp xuống, kinh tế sẽ xẩy ra vấn đề;

      7) Vấn đề “đại nhảy vọt” các địa phương : cứ tiếp tục, kinh tế quá nóng; dừng lại, từ đâu để hốt tiền;

      8) Vấn đề vật giá : túi tiền lớn của người giàu cần tìm lối ra, thế nên làm nóng vật giá lên, không cho làm nóng lên, thì làm nóng lên ở cái gì;

      9) Vấn đề chế độ hai kênh quĩ hưu trí : nâng cao nhân viên nghỉ hưu xí nghiệp, nhà nước không lấy ra được số tiền đó (tiền đều đã dùng để mua quốc trái Mỹ rồi); hạ thấp viên chức nghỉ hưu cơ quan đơn vị sự nghiệp, họ không thể không phản đối;

      10) Vấn đề tín nhiệm Chính phủ : Chính phủ đúng, dân cũng không còn tin nữa; Chính phủ không đúng, càng bị dân làm rùm beng lên, đường nào cũng không còn tín nhiệm nữa.

Mười vấn đề lớn này đang thử thách trí tuệ Chính phủ, làm như thế nào đây ?

(Nguồn: Tổng hợp thông tin từ mạng chính thống và phi chính thống ở Trung Quốc, xin cung cấp tham khảo.)

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114435005

Hôm nay

2276

Hôm qua

2349

Tuần này

21655

Tháng này

212053

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114435005