Nhìn ra thế giới

Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30: Bất thường và khác thường

Đó là bản “Tuyên bố của Chủ tịch”, tức là tuyên bố lập trường chung dựa trên nguyên tắc đồng thuận của lãnh đạo 10 quốc gia Đông Nam Á đã có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN— 30, Manila, từ 28—29/4/2017. Theo ghi nhận của kênh truyền thông Philippines ABS-CBN, việc công bố muộn bản Tuyên bố này là một sự kiện khác thường trong thượng đỉnh vừa qua.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 trong hai ngày 28—29/4/2017 đã kết thúc. Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Thượng đỉnh bế mạc mà không có bản tuyên bố chính thức nào được đưa ra trong cùng ngày.

Bất thường và khác thường

Trước nay, “Tuyên bố của Chủ tịch”  bao giờ cũng được công khai ngay lập tức sau khi họp xong. Khác với thông lệ, văn kiện chính thức lần này đã phải chờ cho đến ngày 30/4, mới được bạch hóa trên trang web của hội nghị. Điều bất thường hơn, nội dung liên quan đến Biển Đông, vốn đã được thỏa thuận, nay lại bị thay đổi. Trong Tuyên bố cuối cùng (khác với bản Dự thảo đã được thông qua trước đó) các từ ngữ nói về hành động của Bắc Kinh bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông hoàn toàn biến mất. Theo ghi nhận của kênh truyền thông Philippines ABS-CBN, việc công bố muộn bản Tuyên bố là một sự kiện khác thường. Báo Singapore The Straits Times cũng cho biết, trước đó mọi người trông đợi Tổng thống Philippines Duterte, trong tư cách Chủ tịch (luân phiên) ASEAN, sẽ đọc bản Tuyên bố tại cuộc họp báo bế mạc. Tuy nhiên, ông Duterte đã loan báo văn kiện ấy sẽ được đưa lên website của ASEAN và gửi tới các phóng viên bằng thư điện tử.

Về Biển Đông, tuyên bố lần này ngắn gọn khác thường. Gộp lại vỏn vẹn chỉ còn có 2 điều (trên 124 điều toàn tuyên bố với 11 ngàn từ) mà cũng chỉ dành cho Biển Đông được 265 từ. Trong khi đó, “Tuyên bố của Chủ tịch” năm 2016 ở Lào có đến 8 điều (trên 135 điều cũng với gần 11 ngàn từ) nhưng đã dành riêng cho Biển Đông tới 439 từ (gần gấp đôi). Phần nói về Biển Đông trong tuyên bố 30/4 chỉ lặp lại những điểm thường thấy như tái khẳng định tầm quan trọng của quyền tự do hàng không và hàng hải, của việc xây dựng lòng tin lẫn nhau, tự kiềm chế để tránh làm cho tình hình phức tạp thêm, không sử dụng võ lực hay đe dọa dùng võ lực để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, giới quan sát chú ý, trong tuyên bố về thượng đỉnh lần này không còn đoạn Đông Nam Á lo ngại về tình hình Biển Đông nữa và đã bỏ toàn bộ nhóm từ gợi đến “các hoạt động bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo” mà Trung Quốc đã tiến hành trên các đảo đá. Thay vào là một nhóm từ mơ hồ như “những diễn biến gần đây”. Thay đổi này lộ rõ khi so sánh văn kiện này với Tuyên bố về thượng đỉnh ASEAN lần thứ 28 và 29 tại Lào vào tháng 9/2016.

BOX:______________________________

Các thành viên ASEAN khác, nếu thấy cần thiết vẫn có quyền tuyên bố bảo lưu lập trường và lên án bất kỳ hành động nào vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên Biển Đông. Điều này là cần thiết trong tình hình phức tạp hiện nay và hoàn toàn phù hợp theo nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế hiện hành.

_____________________________________________

“Tuyên bố của Chủ tịch” tại Lào khẳng định rõ trong điều thứ 121 mở đầu phần Biển Đông là các lãnh đạo ASEAN “tiếp tục quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây và đang diễn ra, đồng thời ghi nhận quan ngại của một số Bộ trưởng về việc cải tạo đất và sự gia tăng các hoạt động ở khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực”. Trong điều 120 của bản Tuyên bố ở Manila, mở đầu phần Biển Đông, câu nói về thái độ quan ngại sâu sắc chung của khối Đông Nam Á bị bỏ qua và chỉ nhắc một số nước ASEAN quan ngại mà thôi. Điều này được thấy trong một câu ngắn gọn: “Chúng tôi ghi nhận những quan ngại của một số lãnh đạo về các diễn biến gần đây trong khu vực”. Cụm từ đề cập cụ thể đến “hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo” của Trung Quốc, cũng như nhóm từ liên quan đến việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông” như vậy là hoàn toàn bị biến mất.

Trong văn kiện tại Vientiane năm ngoái, các lãnh đạo ASEAN còn tuyên bố rõ qua điều 124: “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và tự kiềm chế trong mọi hoạt động, trong đó có việc cải tạo đất, có thể làm phức tạp thêm tình hình và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông”. Câu này với hai nhóm từ “quân sự hóa và cải tạo đất” đã không được ghi lại trong văn kiện vừa công bố hôm 30/4. Các từ ngữ này, thật ra ban đầu cũng không có trong dự thảo của Philippines, nhưng sau đó đã được tái lập trong dự thảo cuối cùng vào ngày 29/4, mà các hãng tin quốc tế (AFP và REUTERS) đã đọc được. Theo các nguồn tin hậu trường, 4 nước ASEAN (hiển nhiên trong đó có Việt Nam) đã yêu cầu phải bổ sung nhóm từ trên. Việc các từ ngữ vừa bổ sung ấy đã “biến mất” trong bản tuyên bố cuối cùng cho thấy là ở vòng đàm phán tối hậu, phe chủ trương không làm Trung Quốc phật ý đã áp đặt được quan điểm của mình lên phe đòi bổ sung.

Họa phúc phải đâu một buổi

Thật ra, các nhà bình luận tinh ý đã dự báo trước điều bất thường và khác thường này. Một nguồn tin ngoại giao nói với Reuters rằng các đại diện Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila đã tìm cách tác động tới việc soạn nội dung của “Tuyên bố Chủ tịch”. Các nguồn tin này cho biết, quan chức Trung Quốc đã vận động để Philippines không đưa chuyện Bắc Kinh xây đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông vào bản tuyên bố cuối cùng. Thật ra thì Trung Quốc “kỵ nhất” ba nội dung về Biển Đông trong bất cứ văn kiện quốc tế nào. Một là nhắc đến Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye (CPA), hai là nêu vấn đề Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông (hay còn được biết đến bằng cách nói khác là “cải tạo đất và cơi nới”) và ba là phê phán các hoạt động quân sự hóa trên các đảo cưỡng chiếm. Thậm chí, Trung Quốc không muốn thấy nhóm từ “các tiến trình ngoại giao và pháp lý” gợi đến Phán quyết của CPA mà Bắc Kinh phủ nhận.

Tại Hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh ASEAN cần đề cao các nguyên tắc cơ bản và lập trường chung về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); các bên cần kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc Ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và khả thi trên thực tế; góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở biển Đông. Thủ tướng Việt Nam cũng chia sẻ quan ngại về tình hình căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, Biển Hoa Đông, Biển Đông, các vụ khủng bố ở một số nước châu Âu vừa qua; hoan nghênh những nỗ lực chung của ASEAN trong xử lý các thách thức cả về an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Đặc biệt là những thông tin lên quan đến nội dung Bộ Quy tắc COC gần đây đã và đang gây chú ý đặc biệt. Bởi vì điều này vừa có tính thời sự, vừa là vấn đề pháp lý, chính trị nổi bật nhất trong chính trường khu vực đã kéo dài hơn thập kỷ qua. Trước cuộc họp thượng đỉnh ASEAN ngày 29/4 vừa qua, trả lời hãng tin quốc tế, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng, COC cần phải mang tính ràng buộc pháp lý để ngăn chận “những hành động đơn phương”. ASEAN hy vọng là trong năm nay sẽ đạt được thỏa thuận về bộ quy tắc nói trên với Trung Quốc. Nhưng theo Reuters, một số nhà ngoại giao ASEAN tỏ vẻ hoài nghi về thực tâm của Bắc Kinh trên vấn đề này. Mặc dầu có ý kiến chuyên gia cho rằng, COC nếu được thông qua sẽ không có kẻ thắng, người thua. Tuy nhiên, theo nhận xét của tờ Forbes ngày 27/4/2017, Việt Nam có thể bị thua thiệt nếu Hoàng Sa bị Trung Quốc gạt khỏi Bộ Quy tắc. Bời vì, lấy cớ đấy là vấn đề song phương Việt—Trung , hoặc tệ hơn là Trung Quốc phủ nhận mọi tranh chấp liên quan đến Hoàng Sa.

Việc Trung Quốc đang áp dụng chính sách viện trợ và đầu tư để “khóa tay” một số quốc gia trong khu vực cũng là một thực tế nhãn tiền. Giáo sư người Ấn Brahma Chellaney từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Ấn Độ, cho rằng một bài học cho sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn viện trợ từ Trung Quốc là trường hợp của Pakistan. Do nhận nhiều viện trợ từ Bắc Kinh nên Pakistan buộc phải đánh đổi nhiều thứ. Islamabad đã đồng ý cho Bắc Kinh độc quyền vận hành cảng Gwadar của nước này trong 40 năm, đồng thời đồng ý để Trung Quốc đưa binh sĩ đồn trú tại khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát để bảo vệ các lợi ích chiến lược. Đây được đánh giá là những đánh đổi "đắt giá", thậm chí liên quan đến vấn đề chủ quyền. Tương tự, gần đây Trung Quốc cũng cam kết một khoản viện trợ và đầu tư trị giá 24 tỷ USD cho Philippines. Trước đó, Trung Quốc đã đầu tư vào Campuchia 9,6 tỷ USD và cam kết sẽ đầu tư thêm 13 tỷ USD nữa, theo con số do Viện nghiên cứu Hợp tác và Hòa Bình Campuchia công bố.

*

Trong năm 2012 Campuchia giữ vai trò Chủ tịch ASEAN, an ninh Biển Đông là chủ đề thu hút sự chú ý rất lớn của các hội nghị liên quan đến thượng đỉnh ASEAN. Nhưng năm ấy, lần đầu tiên trong lịch sử Hiệp hội, đã không có một tuyên bố nào của chủ tịch ASEAN, do các thành viên trong Hiệp hội không thống nhất được lập trường đối với sự leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông. Năm nay, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử thượng đỉnh ASEAN, “Tuyên bố của Chủ tịch” được phát ra muộn. Nhưng điều bức xúc hơn là các cụm từ “bồi đắp” và “quân sự hóa” đã không còn được thể hiện trong tuyên bố ấy. Các thành viên ASEAN khác, như ý kiến của một số chuyên gia Việt Nam, nếu thấy cần thiết vẫn có quyền tuyên bố bảo lưu lập trường và lên án bất kỳ hành động nào vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên Biển Đông. Điều này là cần thiết trong tình hình phức tạp hiện nay và hoàn toàn phù hợp theo nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế hiện hành./.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114440625

Hôm nay

2220

Hôm qua

2309

Tuần này

2529

Tháng này

215799

Tháng qua

112676

Tất cả

114440625