Nhìn ra thế giới

Thử nhìn lại nhiệm kỳ đầu của Tập Cận Bình

Thời gian họp Đại hội 19 của đảng CSTQ sẽ tiến hành sau Hội nghị APEC Đà Nẵng vào tháng 11/2017, mặc dầu vẫn còn trên 4 tháng nữa, nhưng về cơ bản nhiệm kỳ I của Tập đã kết thúc. Vậy trong 5 năm qua Tập đã đưa đảng CSTQ và nhân dân Trung Quốc tiến đến đâu và sẽ tiến về đâu ? Đến nay đã xong bước Đại hội bầu Đại biểu dự Đại hội 19 và thay nhiệm kỳ ban lãnh đạo ở các đảng bộ cấp Tỉnh, Thành, Khu trực thuộc TW và các đảng bộ cơ quan TW.

Tuy chưa thấy công bố công khai Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội, nhưng với những thông tin về các mặt hoạt động lớn, chủ yếu của Tập, của tình hình Trung Quốc, đảng CSTQ trong thời gian qua mà các loại báo chí đưa ra, cũng có thể cho thấy những nét lớn của bức tranh.

1) Bối cảnh trước khi Tập lên nắm quyền:

Giang Trạch Dân lên nắm quyền không phải là thế hệ tiền bối cách mạng hay là “Thái tử đảng” mà là nhờ vụ đứng đằng sau giúp Đặng Tiểu Bình thực hiện đàn áp sinh viên tại quảng trường Thiên An môn ngày 04/6/1989, được Đặng Tiểu Bình không chỉ đưa lên mà còn phong cho là “Hạt nhân” thế hệ thứ III của đảng CSTQ. Hồ Cẩm Đào đi lên lại là thuộc thế hệ trẻ, đoàn Thanh niên Cộng sản lúc đó, được lão thành Tống Bình phát hiện từ khi còn học trong nhà trường Đại học Thanh Hoa, mặc dầu lúc đó đang là cao trào đại Cách mạng văn hóa (cmvh), Tống Bình vẫn trực tiếp đưa về địa phương tiếp tục bồi dưỡng đào tạo, sau cmvh, đưa về trường Đảng TW học tập và sau đó là Giám đốc trường đảng TW, và là hạt giống thế hệ IV của Đặng Tiểu Bình lựa chọn và quyết định, và buộc Giang Trạch Dân đúng hạn hết nhiệm kỳ là phải trao quyền lại cho Hồ Cẩm Đào.

Giang Trạch Dân tự biết mình là ai, nên bằng mọi thủ đoạn che giấu thân phận thật của mình, đã ngầm đưa ra chính sách “ngậm miệng phát đại tài”, thả lỏng cho đủ kiểu tham nhũng để lôi kéo tập họp lực lượng, trước hết là tướng lĩnh cấp cao quân đội, quân đội làm kinh tế, nhất là hệ thống bệnh viện quân đội kinh doanh cắt tạng, ghép tạng, cung cấp tạng sống từ nguồn các học viên luyện pháp luân công và các phạm nhân khác, các bang phái tập đoàn kinh tế dầu lửa nội địa (Trùng Khánh), dầu lửa khai thác biển, bang phái công nghệ thông tin, các tập đoàn xây dựng hạ tầng v.v… Đồng thời Giang thực hiện chính sách “công an trị” chìm nổi, cài cắm sâu, rộng khắp trong toàn hệ thống (nhất là hệ thống ngầm, mà đến nay Tập ra sức gỡ bỏ, mà không thể gỡ bỏ hết được), để chặn diệt những mầm mống tư tưởng và hành vi khác thường, nhằm giữ vững vị trí của mình trong thời gian dài. Về bề nổi, Giang đưa ra thuyết “ba đại diện” cũng gây không ít tranh cãi trong đảng và xã hội.

Hồ Cẩm Đào, bản thân không phải trưởng thành từ quân đội, cũng không phải “Thái tử đảng”, chỉ là một thư sinh trẻ, hoạt động trong hệ thống Đoàn thanh niên mà lên, coi như chưa từng trải nhiều về hoạt động chính trị ở tầng cao theo kiểu Trung Cộng, nên trong cả hai nhiệm kỳ tuy có đưa ra “xây dựng xã hội hài hòa”, “phát triển có khoa học”, đều bị hệ thống phái Giang không chế, nên cũng chẳng làm thay đổi được gì, thậm chí càng để trầm trọng hơn những hậu quả mọi mặt của hơn hai chục năm theo đường lối “ngậm miệng phát đại tài” của hệ thống phái Giang đã ăn sâu không chỉ trong toàn đảng, mà là cả xã hội từ tầng cao đến tận cơ sở.

Tập Cận Bình, tuy là “Thái tử đảng” (Trong cmvh, cả cha con đều bị xếp loại “phản động”phải đưa đi lao động cải tạo, chứ không phải đưa đi địa phương để rèn luyện bồi dưỡng như Hồ Cẩm Đào), con đường đi lên không có ai chống lưng phía sau cho cả, không những thế mà còn bị giành giật quyết liệt với người của phái Giang là Bạc Hy Lai trong quá trình trước sau ĐH 18 như các phần trước đã trình bày, hoặc như tuần vừa rồi Vương Kỳ Sơn đã thông báo chính thức công khai, 5 lão hổ Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch đã có âm mưu làm chính biến trước sau Đại hội 18.

Như vậy Tập lên trong tình thế, bản thân coi như cô đơn, không có lực lượng của mình, đã vậy tiếp nhận một gia tài về đảng, nhà nước, xã hội hết sức đen tối.

2) Tập đã đưa ra những gì, trước tình thế này ?

Trong mấy năm đầu khi mới lên nắm quyền, Tập đã lần lượt đưa ra các mục tiêu, chủ trương lớn như :

      - Về đối nội : Kiên trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Kiên trì và vận dụng tốt linh hồn sống tư tưởng Mao Trạch Đông. Thực hiện giấc mộng Trung Quốc. Cải cách đi vào chiều sâu toàn diện. Thúc đẩy tiếp tục phát triển lành mạnh kinh tế. Xây dựng Trung Quốc pháp trị. Xây dựng cường quốc văn hóa xã hội chủ nghĩa. Xây dựng cường quốc biển. Thúc đẩy phát triển cải cách quản lý xã hội và sự nghiệp xã hội. Xây dựng văn minh sinh thái. Thúc đẩy hiện đại hóa quốc phòng và quân đội. Phong phú thực tiễn “1 nước 2 chế độ” thúc đẩy thống nhất Trung Quốc.

      - Về đối ngoại : Đi con đường phát triển hòa bình. Thúc đẩy xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới. Làm tốt công tác ngoại giao các nước xung quanh. Tăng cường đoàn kết hợp tác với các nước đang phát triển. Tích cực tham gia sự vụ nhiều bên.

      - Về xây dựng đảng CSTQ : giải quyết tốt quan hệ đảng với quần chúng nhân dân. Thúc đẩy chống tham nhũng và xây dựng liêm chính. Nâng cao trình độ lãnh đạo của đảng.

      - Về mục tiêu cụ thể : Đại hội 18 đề ra, đến năm 2020, thực hiện mục tiêu hùng vĩ xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện, với nội dụng chủ yếu là : kinh tế tiếp tục phát triển lành mạnh, thực hiện tăng gấp đôi tổng GDP và bình quân thu nhập dân cư so với năm 2010, không ngừng mở rộng dân chủ nhân dân, tăng cường rõ rệt thực lực mềm văn hóa, mức sống nhân dân tăng lên toàn diện, thu được tiến triển to lớn về xây dựng xã hội kiểu tiết kiệm tài nguyên, kiểu thân thiện với môi trường.

Như vậy, Tập đã đưa ra khá toàn diện các vấn đề lớn cần tiến hành giải quyết trong chặng đường tới, và mục tiêu cụ thể đến năm 2020 cần đạt về kinh tế, xã hội, dân sinh.

3) Thực tế, Tập đã đột phá các lĩnh vực như thế nào?

Những mục tiêu, mong muốn lớn lao mà Tập đưa ra  cảm thấy không ăn nhập với  thực trạng hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội mà Giang và phái Giang để lại, khó mà tiếp tục kế thừa xây dựng phát triển trên những thứ đó. Trong tình thế, tiếp tục trên đó là chết, mà dẹp bỏ ngay cũng chết, hơn nữa cũng không có đủ thế và lực lúc ban đầu này. Tập đã làm :

Thứ nhất. Tập không có sẵn uy quyền, phải tự bắt tay xây dựng uy quyền của mình. Không có quyền uy thì không thể làm được gì cả. Đó là điều cần có đủ trước tiên của một nhà lãnh đạo.

Mọi cái cũ cứ tạm để yên một bên đã, thậm chí khía cạnh nào có thể lợi dụng được cho xây dựng uy quyền của mình thì cứ để và lợi dụng. Điều này không có gì mới lạ đối với Tập. Văn hóa chính trị và văn hóa truyền thống Trung Quốc là thế, phần lớn là không công khai phủ định hoặc phế bỏ các bậc tiền bối của mình. Chính trị của Trung Quốc đương đại cũng thế. Như Đặng Tiểu Bình hoàn toàn đủ sức lật đổ ý thức hệ của Mao, nhưng Đặng không làm. Ảnh Mao vẫn treo trên Thiên An môn, Tư tưởng Mao vẫn được ghi vào các văn kiện của đảng là tư tưởng chỉ đạo của đảng CSTQ. Tập Cận Bình lại càng không có đủ dũng khí và tri thức để công khai cải đổi Tư tưởng Mao và Lý luận Đặng, không cách gì làm được. Tập không kế thừa, nhưng cũng không phá bỏ, cứ để đứng một bên đó, còn Tập, Tập sẽ ra sức tạo dựng quyền uy của mình. Ai bắt bẻ được Tập. Nếu Tập phê, Tập công khai bỏ Mao Đặng thì Tập chết ngay. Lô gích của Tập là vậy, và đã làm là : Một là, với thủ đoạn dùng khẩu hiệu và cả biện pháp cụ thể quyết liệt triển khai “đả hổ diệt ruồi” “chống tham nhũng thoái hóa” từ trên xuống dưới, toàn hệ thống. Mà Hổ và Ruồi là do Giang và hệ thống phái Giang đẻ ra, nuôi dưỡng, phát triển thành cả một xã hội Hổ và Ruồi, một đảng Hổ và Ruồi. Cho nên nói trực tiếp đánh hạ Giang và phái Giang, chắc chẳng ai đồng tình ủng hộ, nhưng nói đánh Hổ diệt Ruồi, thì như đã thấy được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi, nhất là vào giai đoạn giữa. Mà thực chất đánh Hổ diệt Ruồi là đánh vào Giang và phái Giang, không chỉ đánh vào những “lão hổ” “bầy Ruồi” cụ thể, mà quan trọng hơn là đánh vào những qui chế thể chế nổi ngầm của hệ thống phái Giang đã tồn tại mấy chục năm nay (như “hình phạt không lên cấp Thường vụ”). Thực ra cũng chưa đụng đến “Thể chế”, nên càng đánh mạnh kiểu này, hủ bại càng phát triển, đã và đang biến dạng thành “ẩn kín hóa, quyền lực tương lai hóa (Kỳ quyền hóa), gián tiếp hóa, băng nhóm đen hóa (Tức thông qua người của băng nhóm đen gián tiếp thay thu hộ lợi ích)”. Giang và phái Giang đã tạo ra Hổ và Ruồi, mặt nào đó mà nói, Giang và phái Giang đã tạo thế và cơ hội cho Tập tạo dựng quyền uy của mình, và Tập ngay từ đầu cũng nhận rõ đây là cuộc chiến sinh tử, nên vừa mưu mẹo thận trọng vừa quyết đoán (như tính cách tuổi Rắn – Quí Tỵ của mình). Hai là, có kế hoạch từng bước để đoạt lấy “quyền hạt nhân chính trị”. Đây là một hư quyền, nhưng lại là hư quyền tối cao, có đặc quyền một phiếu định đoạt và có quyền xác lập người kế nhiệm, người được truyền ngôi, như Đặng đã làm với Giang, Hồ trước đây. Như Giang nhờ có hư quyền này mới có thể tiếp tục thực hiện lực khổng chế trong 10 năm cầm quyền của Hồ. Ba là, đang triển khai chiếm lĩnh cao điểm lĩnh vực tư tưởng lý luận, xác lập một khái niệm gọi là “Tư tưởng Tập Cận Bình.”, dám đưa ra cách mới xây dựng hệ thống tư tưởng của mình sau Mao, đây cũng thể hiện chí lớn tâm hùng chính trị của đoàn đội Tập Cận Bình.

Đến nay đã có không ít nhà bình luận cho rằng, kể từ sau Đại hội 18 Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Trung Cộng đang dần dần trở thành người có quyền uy nhất Trung Quốc kể từ Mao Trạch Đông đến nay. Và là lần đầu tiên Tập có sơ hội trức tiếp sắp xếp bố cục nhân sự của tầng lãnh đao cao nhất Trung Quốc.

Thứ hai. Xây dựng thể chế Tiểu tổ lãnh đạo, nhưng khó thoát khỏi mô thức phát triển cũ kỵ.

Một là, lĩnh vực hành chính, Tập lên, phá lệ và xây dựng chế độ “Tiểu tổ lãnh đạo”, đã thành lập trên 10 Tiểu tổ lãnh đạo và đều do Tập làm Tổ trưởng. Qua thực tế cho thấy, những Tiểu tổ này chỉ có thể chế tác ra được những hạng mục ở tầm “cao to trên”, còn việc triển khai thực hiện cụ thể thế nào, lại phải dựa vào quan chức trong thể chế vốn có. Nếu Trung ương Tập quyết sách đúng rồi, những hệ thống quan liêu này hòan toàn có khả năng làm biến dạng, biến thành hạng mục có lợi cho mình hoặc có lợi cho tập đoàn lợi ích. Nếu Trung ương Tập quyết sách sai, thì lực lượng trong những hệ thống này, không bị ràng buộc gì cả, cứ để mặc cho nó sai luôn, trở thành tai nạn cũng kệ (vì không có hệ thống Tư pháp độc lập hoặc đối trọng của Quốc hội). Chế độ chính trị Trung Cộng, vừa có thể làm cho hùng tâm Trung ương Tập vươn cao vạn trượng (Trung ương Tập quyết cái gì, tất cả các quan chức và báo chí nhà nước chỉ được phép nói tốt), vừa có thể làm cho Trung ương Tập thất bại xuống bùn đen. (Qui tắc của thị trường xưa nay đều không do người lãnh đạo cao nhất chì huy khổng chế).

Mao Trạch Đông , thời đó đã đẩy cấp ủy đảng ra rìa để quậy cách mạng. Bởi vì, hệ thống đảng hiện có khó thể hiện được ý chí chính trị của Ông ta, cho nên cần thành lập một Tiểu tổ lãnh đạo cách mạng văn hóa Trung ương (Cũng như thời cải cách ruộng đất của Việt Nam, cố vấn Tàu bày cho cách thành lập Đội cải cách thay thế cấp ủy đảng, vô hiệu hóa cấp ủy đảng các làng xã Việt Nam trong thực hiện cải cách ruộng đất.) Nay Tập cũng vận dụng sách này, với mục đích thoát ra ngoài tình trạng không làm được việc gì, hoặc không thể trực tiếp thể hiện được ý chí chính trị của Hạt nhân Tập của hệ thống quan chức đảng, chính quyền hiện có.

Nay nhiệm kỳ I cùa Tập coi như đã kết thúc, nhưng chưa ai có thể có một phản biện lại và đánh giá thể chế Tiểu tổ lãnh đạo Trung ương Tập hay dở thế nào. Đây cũng là vấn đề không nhỏ đối với Tập.

Hai là, lĩnh vực kinh tế, Trung ương là mới, mô thức kinh tế là cũ. Chính sách mới của Tập Lý (Tập Cận Bình + Lý Khắc Cường), hy vọng thoát khỏi mô thức lấy bất động sản nhà đất làm cột trụ , mô thức kích thích mạnh bằng cách in tiền ra để bổ trợ, được hình thành sẵn từ thời Hồ Cẩm Đào Ôn Gia Bảo, cho nên khi mới bắt đầu chính sách mới, Tập Lý muốn thông qua thị trường cổ phiếu để thu hút vốn trong dân gian nhằm cứu sống xí nghiệp quốc hữu, kích thích kinh tế phát triển. Cách nghĩ của Tập Lý là đẹp đẽ, nhưng lại gặp cản trở của tập đoàn lợi ích, (Như cuối năm 2015, tại Hội nghị Công tác kinh tế TW, Tập đưa ra 5 nhiệm vụ lớn đi sâu cải cách thị trường hóa, trong đó quan trọng nhất là cải cách xí nghiệp quốc hữu, nhưng không làm được, vì các tập đoàn lớn xí nghiệp quốc hữu đều là vợ con các đại quan, các thái tử đảng nắm, tức là tập đoàn quyền quí tầng cao Trung Cộng nắm, khổng chế, không thể đụng đến, ví như dù có thua lỗ mấy, cũng không thể để phá sản như xí nghiệp tư nhân.) Hoặc đã xẩy ra cuộc “chính biến kinh tế” không đổ máu, thị trường cổ phiếu không những không đẩy lên được cửa ải một vạn điểm như mục tiêu mong muốn, ngược lại bị rơi xuống đáy, dân cổ phiếu và nhà nước đều gặp tai ương. Trung ương Tập đành phải quay lại mô thức in tiền của Hồ Ôn – kích thích bất động sản, thông qua bong bóng hóa tiền tệ, giúp toàn thể nhà nước vượt qua cửa ải nguy ngập kinh tế.

Nay nhìn lại, Trung ương Tập phấn đấu 5 năm, vẫn không đột phá được cục diện, vẫn bị sa lầy trong vũng bùn mô thức Hồ Ôn, dùng lượng tiền in ra càng nhiều, càng kích thích mạnh để nâng cao giá nhà thành phố, nếu giá nhà thành phố đổ vỡ, sẽ gây ra cơn xung chấn như thế nào đối với kinh tế Trung Quốc, thật khó lường, tất cả cũng đều chưa bắt đầu.(Mấy hôm nay giá nhà ở một số thành phố có dịu xuống, chỉ là dấu hiệu cầm cự mà thôi). Hơn nữa, đã làm thay đổi bản chất ngành bất động sản vốn là cung cấp chỗ ở cho xã hội, nay trở thành công cụ kinh doanh tiền tệ, một dạng “bất động sản hóa”, “nhà đất hóa” kim dung. Nói bất động sản bong bóng, thực chất là bong bóng tiền tệ. Nói đổ vỡ bất động sản là đổ vỡ hệ thống kim dung. Hiểu rõ thực chất vấn đề hiện nay như vậy để lường hậu quả khi hai bong bóng này là một đổ vỡ sẽ ra sao ?

Ba là, đưa ra đặc khu Hùng An nhằm đột phá cục diện, đây là sự kiện thông tin nóng nhất của báo chí mấy tháng trước. Đầu tháng Tư/2017, Trung ương Tập tự khoanh ra một vùng hạt nhân lấy tên là Khu mới Hùng An (gồm 3 huyện Hùng huyện, Dung Thành, An Tân và một ít phạm vi xung quanh với tổng diện tích là 2.000 km2,) của Hà Bắc làm hạt nhân, nằm giữa Bắc Kinh, Hà Bắc, Thiên Tân, chuẩn bị xây dựng một đặc khu kinh tế - đặc khu Hùng An, trước mắt là nhằm hóa giải các loại vấn đề khó khăn của các thành phố lớn, như vấn đề người sáng nghiệp thế hệ mới không cách gì an cư lập nghiệp ở các thành phố cũ được. Đặc khu này, Trung ương Tập tạm coi là sẽ vượt trội hơn Thâm Quyến (là dấu ấn của Đặng) và Phố Đông (dấu ấn của Giang), trở thành một điểm sáng mới (hy vọng sẽ là dấu ấn nổi trội hơn của Tập) được báo chí đảng CSTQ đẩy lên tầm cao “thiên niên đại kế, quốc gia đại sự” . Vùng duyên hải của Thiên Tân, khu ngoại ô mới Tào Phi của Hà Bắc đều đã có đầu tư trên cả chục tỷ, tiếp theo rất khó tiếp tục, bởi vì không phải là vùng mà Trung ương nhiệm kỳ này khoanh ra, chỉ biết đang để mặc nó tan biến theo họ luôn. Hiện nay, xung quanh Hùng An đều ủng hộ đặc khu Hùng An, sau này Hùng An sẽ là đặc khu có cảnh đẹp như tranh, còn xung quanh một cảnh tượng phản cảm ngược lại, hình thành các vũng ô nhiễm, tất sẽ khó tránh khỏi hậu quả vấn đề ô nhiệm nặng nề.

(Không phải giản đơn mà Tập chọn khu mới này, đã trải qua mấy năm nghiên cứu tìm tòi không chỉ của các chuyên gia về kinh tế chính trị, mà quan trong hơn cả là chuyên gia phong thủy, cuối cùng mới quyết định nơi đây với ý nghĩa sâu xa về chính trị. Cụ thể là, Theo Viện sĩ Từ Khuông Địch, Chủ tịch danh dự Đoàn chủ tịch Viện công trình Trung Quốc, Chủ nhiệm Ban Tư vấn chuyên gia phát triển phối hợp giữa Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc cho biết một số nét chính về phương án Qui hoạch Khu mới Hùng An là : về lựa chọn địa điểm là theo tư tưởng truyền thống văn hóa Trung Quốc về xây dựng thành phố là phải có được tuyến trục giữa “sơn xuyên định vị”, truyền thống Trung Quốc đều là trục Nam Bắc. Trong thành phố Bắc Kinh đường trục giữa Nam Diên là Bá Châu (tức Thần Châu bá chủ), nhưng nay, phía dưới lòng Bá Châu có một đường nứt rời, tình hình địa chất không thích hợp xây dựng thành phố mới. Sau đó đi tìm vùng lân cận, cuối cùng trong 5 điểm chọn, quyết định lấy 3 huyện nói trên kết hợp lại thành Khu mới Hùng An. Hướng Nam Bắc đường trục giữa của khu này sẽ nối dài thành một đường từ Chùa Đàm Chá-Bắc Kinh đến núi Định Đô. Lịch sử của Đàm Chá Tự còn cổ hơn Bắc Kinh 500 năm, “Có Đàm Chá Tự rồi mới có Bắc Kinh”. Phía bắc của Đàm Chá Tự có đỉnh Định Đô Sơn của dãy Thái Hành sơn. Hai điểm này tạo thành một tuyến trục ngàn năm, dựa vào trục này nên đã quyết định chọn  vị trí Khu mới Hùng An. Chọn cái tên Hùng An cũng với một ý nghĩa chính trị thâm thúy, lấy từ nội hàm tên 3 hương trấn của 3 huyện trên để đặt ra : Trấn Hùng Châu của Hùng huyện (tức là Thần Châu Hùng bá, tức Hùng bá thiên hạ), hương Bình Vương của Dung Thành (Bình Vương là vua bình thường, trung bình), trấn Đại Vương của An Tân (Đại Vương là nâng Bình Vương cao to lên). Kết nối ý của 3 từ đó lại sẽ là “ Với Thần châu Hùng bá chuyển đẩy Bình Vương lên Đại vương để hùng bá thiên hạ” Chính đây là ý sâu xa của Tập là vẫn với cuồng vọng kế tục tư tưởng hùng bá thiên hạ trong thế kỷ 21, theo thuyết Thần Châu của truyền thống văn hóa Trung hoa xưa. Chính vì thế được coi là “thiên niên đại kế, quốc gia đại sự” , một công trình dấu ấn của Tập trước khi vào ĐH 19.)

Về lĩnh vực quan hệ quốc tế,

Một là, cục diện trên biển, Trung Quốc có một bang phái gọi là “Diều hâu” vừa có học giả giáo sư của cơ cấu nghiên cứu, trường đại học, vừa có các tướng lĩnh quân sự về hưu, có đặc điểm chung là, công khai coi Mỹ là địch, lấy chống Mỹ làm sứ mệnh, cổ vũ người lãnh đạo Trung Cộng vứt bỏ quốc sách “thao quang dưỡng hối” của Đặng từ trước đến nay, khơi dậy nhiệt tình chủ nghĩa dân túy dân tộc, cần đưa Trung Quốc đi lên một con đường chuẩn không quay đầu lại của chủ nghĩa quân quốc. Trung ương Tập sau khi lên nắm quyền, một loạt chủ trương đều là kết quả của phái này tuồn ra. Ở biển Hoa Đông vạch ra khu nhận dạng hàng không và tạo ra xung đột sự kiện đảo Điếu ngư. Ở biển Đông, tạo đảo nhân tạo, xây dựng căn cứ quân sự, đã đầu tư vào hàng chục tỷ usd. Cuối cùng TC thu về chỉ là cục diện ngoại giao khó khăn, sa vào bị động trước PCA của Philippin. Chỉ còn cách là tiến hành ngoại giao kim tiền mới tạm lắng tranh chấp giữa Phi Trung. Còn đối với các nước ASEAN cũng chẳng hơn gì. Vì thế, Trump lại cao giọng sẽ quay lại Châu Á-Thái bình dương, và ép Trung Cộng rút khỏi vùng các đảo tự tạo ra, bảo đảm quyền tự do hàng hải trên biển. Hiện nay vì vấn đề Triều tiên đang nóng lên, vùng này tạm lắng, chứ không phải đã giải quyết yên ổn. Cây roi vẫn nắm trong tay người khác, bất kỳ lúc nào cũng có thể vung ra làm cho Trung Cộng đau đầu. Như vậy từ khi Tập lên, chỉ làm cho cục diện trên biển càng khốn đốn hơn, chứ không phải êm đẹp hơn như các lời nói của Tập về phần đối ngoại ở trên.

Hai là, con bài “một con đường một vành đai”.  Con bài này không phải vừa rồi mới đưa ra, mà đả tung ra từ 4 năm trước(2013), nhưng qua 3, 4 năm hầu như mọi người đã quên lãng. Đại hội 19 cận kề, vậy Tập cũng cần trương ra thành tích chính trị gì chứ, nên vừa rồi đã hâm lại cho nóng và bê ra trình làng. Tất nhiên có ý đó nhưng không phải chỉ có thế. Vì thời cuộc đã có chuyển biến mới. Lúc ban đầu đưa ra với mục đích chủ yếu là giải quyết vấn đề sản xuất thừa, sản phẩm kém chất lượng , thiết bị máy móc công nghệ thế hệ cũ lạc hậu cần giải tỏa trong quá trình đổi mới công nghệ, v.v…của Trung Quốc. Mà những thứ này chỉ có thể đẩy sang các vùng nghèo lạc hậu này của thế giới, nên đã tung ra, khuyến khích, hỗ trợ các nước này nuốt hộ dưới cái màn che đẹp đẽ “con đường tơ lụa mới” trên bộ, trên biển, rồi lại thay cái nhãn đẹp hơn “một con đường, một vành đai”, rồi lại chỉ “Con đường Vành đai”, v,v… để khỏi hiểu nhầm là chỉ 1 con đường 1 vành đai, mà có thể có nhiều con đường, nhiều vành đai, và vươn rộng khắp trái đất, lên tận Bắc cực !

Trong mấy năm đầu TQ đã bỏ ra hàng 100 tỷ usd không tiếc nhằm kích thích thị trường lạc hậu vùng này lên, đồng thời mở rông thị trường sang vùng châu Phi, Nam Mỹ, đã mất trắng không thu về được gì đầu tư vào một số nước dễ biến động chính quyền, như Vênêzuela. Trên thế giới chẳng có quốc gia nào lại đưa nguồn lực quốc gia đầu tư vào thương nghiệp ở nước khác để tạo ra dải kinh tế có tính thế giới. Chỉ cần có đầu tư có tính quốc gia, là sẽ có người lợi dụng nguồn lực quốc gia để mưu tư lợi cho tập đoàn lợi ích, bao gồm quan chức ngoại giao và tập đoàn kinh tế liên quan đối ngoại. Họ không chạy theo hiệu ích thị trường lâu dài, mà chỉ muốn đầu tư quốc gia càng lớn, họ càng dễ thu lợi lớn. Mà thể chế chính trị Trung Quốc cũng chẳng có ràng buộc bằng chế độ giám sát, cuối cùng của đầu tư khuấy động thị trường tất sẽ đem lại  kết quả có tính tai nạn, mà cũng chẳng có người cuối cùng chịu trách nhiệm đầu tư quốc gia.

Gần đây, Trump tuyên bố rút lui TPP, rút lui Hiệp định Paris về môi trường khí hậu, tuyên bố đường lối “nước Mỹ trên hết” có nghĩa là đứng ngoài xu thế toàn cầu hóa ? Thời cuộc thay đổi nhanh chóng như vậy, Tập coi là cơ hội lớn, để tỏ rõ vai trò dẫn dắt thế giới, hâm nóng lại món “một con đường, một vành đai” và đẩy lên là công trình thế kỷ thế giới, là bản “toàn cầu hóa nâng cấp” khác với bản “toàn cầu hóa” bấy lâu, tổ chức trình làng rầm rộ, nhưng những nhân vật có máu mặt trong làng thế giới chẳng thấy quang lâm, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy vị thân gầy túi lép đến, cùng hưởng ứng tung hô như thường lệ, xong là về. Người ta thường nói, “tam ba bận”, liệu công trình thế kỷ vĩ đại này của thế giới nay có lại bị nguội đi, thậm chị bị thiu, lại phải hâm nóng lại bận thứ ba hay đổ vứt đi không đây ? và bận hâm nóng lại vừa rồi Đại hội 19 có coi là một thành tích chính trị lớn, có tính “phá cục”, không phải “đột phá cục diện”, Tập dâng cho Đại hội không đây ? Còn có không ít chuyên gia học giả cho rằng vẫn là cái máu muốn làm cha thiên hạ, như Mao Trạch Đông đã từng có những chiến lược vĩ đại “vượt Anh, kịp Mỹ”, là lãnh tụ thế giới thứ ba, Á – Phi -La, v.v... và kết quả thế nào đã rõ.

Ba là, cục diện bán đảo Triều Tiên. Chỉ riêng quan hệ với Trung Quốc, chưa nói tới quan hệ với thế giới, cục diện bán đảo Triều Tiên-Trung Quốc đan xen nhiều tầng, nhiếu cấp độ : tầng lịch sử xa xưa với hiện tại, tầng ý thức hệ với lợi ích dân tộc quốc gia, tầng chủ quốc với thuộc quốc, đối ngoại với đối nội, tầng tiền phương với hậu phương, tầng phát triển với ổn định, an toàn, tầng chiến lược với sách lược, tầng dài hạn và cấp bách, v.v… Tầng nào cũng quan trọng, cũng phức tạp, gỡ thế nào đây ? đột phá thế nào đây ? lựa chọn thế nào đây ? và nhiều câu hỏi khác đặt ra cho Tập phải có trả lời và hành động thực tế. Trong 5 năm qua, Tập chẳng giải quyết được gì, mà càng gây thêm phức tạp, khốn quẩn, chỉ mới gần đây, sau khi gặp Trump mới bắt đầu có chuyển biến và được Trump nhất trí ủng hộ. Nhưng phía sau, là vẫn cứ chơi cái trò mèo vờn chuột của Trung Cộng đối với vấn đề Triều Tiên. Đành rằng cục diện Triều Tiên khốn quẩn không phải do Trung uơng Tập trực tiếp tạo ra, nhưng lại là do các tiền nhiệm của cái đảng CSTQ của Tập tạo ra, đến lượt cục than nóng này, quả đắng này tất rơi vào tay, vào miệng Tập và Tập phải giải quyết, không còn đường lùi để chuyền tay cho người kế tiếp. Liệu có dám thực sự quyết tâm cùng Trump giải quyết dứt điểm cục diện Triều Tiên ? Đây cũng  là một thách thức với Tập trước Đại Hội 19.

Bốn là, quan hệ với nước lớn, Trong quan hệ với các nước lớn, là đụng đến vấn đề xu thế thế giới trong tương lai sẽ là đa cực hay vẫn như cũ, vẫn là một siêu cường + một số cường. Thực tế, ý đồ của Tập muốn sẽ trở thành người dẫn dắt thế giới ngày càng rõ, thì mâu thuẫn với các nước lớn cũng rõ dần lên. Như với Mỹ, cứ nghĩ là Trump rút khỏi TPP, rút khỏi Hiệp định môi trường khí hậu Paris, v.v… là Mỹ suy yếu rồi, vị thế của Mỹ đang đi xuống rồi, nên đã muốn đối đầu với Mỹ, về quân sự (như phái Diều hâu của TC), hoặc cuộc chiến thương mại giữa Trung Mỹ, chưa phải đả ổn. Đối với Châu Âu, như vừa rồi Lý Khắc Cường đã bị các nước Châu Âu từ chối việc công nhận kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, bởi vì nền kinh tế Trung Quốc chưa thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, luật chơi về kinh tế thị trường thế giới, dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng, mặc dầu Trung Quốc luôn mồm “hai bên cùng thắng”. Với Nga cũng vậy, cũng đang tồn tại không ít vấn đề. Với Nhật, không chỉ vấn đề biển đảo, mà còn là vấn đề xẩy ra các hành vi không thân thiện với các doanh nghiệp Nhật  ở Trung Quốc trong thời gian qua. Với Ấn Độ, cũng vậy, chỉ riêng việc, vừa rồi Ấn Độ không tham dự, không ký vào thông cáo chung hội nghị “con đường vành đai”, liền sau đó Trung Quốc đã có động tác trả đũa Ấn độ, như báo chí đã đưa tin. Ở đây, không muốn kể lể các sự kiện cụ thể, nhưng có một cảm nhận chung đối với Tập, với Trung Quốc, là tham vọng bá chủ thế giới quá lớn, trong lúc thế và lực còn cách xa mọi người, mà là “chưa lên ông nghè đã đe hàng tổng” như câu nói của người Việt ta thường nói về những loại người này.

Năm là, vấn đề bố cục nhân sự tầng cao Đại hội 19.

Đến nay, các đảng bộ cấp địa phương đã bầu xong đại biểu dự Đại hội 19. Nhưng các địa phương không tiến hành cùng thời điểm : có 14 tỉnh tiến hành xong từ tháng 11 đến tháng 12 /2016; còn lại 17 tỉnh thành khu tiến hành từ tháng 4 đến tháng 6/2017. Nói là bầu, thực ra là thủ tục hợp thức hóa danh sách đại biểu đã ẩn định từ trước mà thôi. Tuy vậy cũng có những điểm đáng chú ý : 1) Việc phân bố cán bộ lãnh đạo TW (diện Cục chính trị, Thường vụ Cục chính trị) tương tự cách làm như Nhân đại toàn quốc (Quốc hội), theo phương thức “Trung ương giới thiệu” phân tán về các địa phương làm Đại biểu Đại hội 19 (làm ở đây có nghĩa là đương nhiên là Đại biểu, các địa phương làm thủ tục dán tem mà thôi, và coi như đã chiếm mất một số lượng đại biểu đáng lẽ là của đảng bộ địa phương.) Nhưng ở góc độ khác lại ẩn chứa một thông tin, những đảng bộ địa phương không có phân bố cán bộ lãnh đạo TW về, có nghĩa là cán bộ lãnh đạo ở nơi đó sẽ lên nấc thang mới qua Đại hội 19. 2) Tổ chức Đoàn đại biểu Đại hội đảng lại khác với Đoàn đại biểu Đại hội Nhân đại ở chỗ : Các Đoàn đại biểu Đại hội đảng ngoài chia theo các đơn vị hành chính tỉnh thành, khu, đặc khu và quân đội ra, còn các đại biểu của các Bộ Ngành TW vẫn thành lập Đoàn riêng, không phân về các Đoàn địa phương như Đoàn đại biểu Nhân đại. Điểm khác nữa là, số lượng Đại biểu Nhân đại là theo tỷ lệ dân số của mỗi địa phương. Còn số lượng Đại biểu Đại hội đảng không theo nguyên tắc tỷ lệ đó, mà theo tầm quan trọng về tính chất, vị trí của mỗi đảng bộ để phân bổ số lượng đại biểu. 3) Việc theo dõi quản lý, siết chặt kỷ luật trong suốt quá trình giới thiệu danh sách, đến tổ chức bỏ phiếu, kiểm phiếu đều được tiến hành chặt chẽ, dưới sự giám sát của hệ thống Ủy ban Kiểm tra kỷ luật TW, nên suốt quá trình bầu cử đại biểu ở tất cả các đảng bộ địa phương không xẩy ra điều gì bất trắc.

Đó là, tình hình tầng dưới, tầng Địa phương. Còn nay, ở tầng cao, tầng đỉnh, không êm ả như vậy, mà đang diễn ra cuộc chiến quyết liệt với nhiều đòn khác nhau, nhiều phía khác nhau, ẩn hiện khác nhau, tiến lùi khác nhau, kiểu cờ vây của các tay cờ siêu hạng đang diễn ra các thế cờ, nước cờ để vây hãm, siết chặt đối phương, chưa thể xác định rõ sẽ thắng bại theo kiểu nào. Bước đầu nổi lên mấy điểm :

      - Tập rà soát lại, hệ thống cây súng, con dao, cây bút, túi tiền … và tiếp tục tẩy trừ triệt để những dư độc của phái Giang trong các hệ thống này. Điều đáng chú ý, là hệ thống tổ chức tình báo, an ninh, mật vụ, đặc vụ mà phái Giang, người trực tiếp nắm, xây dựng, điều khiển là Tăng Khánh Hồng trong hơn 20 năm qua, đến nay Tập vẫn chưa thực sự nắm được, rất muốn phá dỡ, nhưng rất khó, vì tính chất đặc biệt của hệ thống này, hoạt động theo cơ chế đơn tuyến, ngoài tuyến không thể đụng vào. Cũng chính vì đơn tuyến, độc tuyến, nên cũng là một trong các sào huyệt tham nhũng nặng nề nhất, không dễ gỡ ra. Đây cũng là đối thủ vẫn đang chống phá Tập, thậm chí âm mưu diệt Tập. Hiện nay Tập đang trong tình thế mất an toàn nhất, luôn cảnh giác cao độ. Như vừa qua xuất ngoại không dám thay đổi chuyên cơ mới, mà vẫn dùng chuyên cơ cũ với đội bay cũ, là một ví dụ.

      - Dồn dập, điều chỉnh, bố trí “quân nhà Tập” vào các vị trí then chốt quan trọng, như thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông…. Cài sẵn lực lượng để vào Cục Chính trị, Thường vụ Cục chính trị tại Đại hội 19. Hoặc như vừa rồi , một lúc thay ngay 10 Bí thư Ban Cán sự đảng ở các đảng bộ cơ quan trung ương.

      - Ngoài việc “tập quyền” như những việc đã làm mấy năm nay, gần đây Tập tập trung vào “lập uy”, “tạo thế, tạo uy” với nhiều động tác, như tập trung xét xử cả chục “lão hổ” trong thời gian ngắn, vừa tạo tâm lý răn đe với các “lão hổ” khác, vừa để thể hiện “uy quyền” của Tập. Hoặc như, trong thời gian ngắn mấy tuần trước đây, báo nhà nước bình luận, ca ngợi về dự án khu mới “Hùng An” là công trình “thiên niên kỷ”, về “Một con đường, một vành đai” là công trình “thế kỷ” của thế giới, với ẩn ý, hiện nay trên thế giới không có vị lãnh tụ nào có tầm nhìn chiến lược sâu rộng đến cả thế kỷ của cả thế giới, đến cả ngàn năm sau của dân tộc Trung Hoa. Với con người có tầm nhìn như vậy phải là lãnh tụ thế giới, là lãnh tụ suốt đời của Trung Hoa !

      - Tâm điểm nóng cuộc chiến vừa qua, và nay đang tiếp tục diễn làm chấn động không chỉ cả chính trường Trung Quốc mà cả thế giới đều đang quan tâm theo dõi. Đó là “Sự kiện Quách Văn Quí” (Quách Văn Quí là một đại tỷ phú TQ, có quan hệ sâu rộng với các cao quan trong tầng cao lãnh đạo Trung Cộng, dã phạm pháp, bị điều tra khởi tố, Quách đã trốn chạy sang Mỹ, là 1 trong danh sách 100 người bị truy nã của Trung Cộng), trong hơn hai tháng qua đã tung lên mạng nhiều thông tin hết sức nhậy cảm đến cuộc đấu tranh nội bộ tầng cao Trung Cộng. Trong đó chủ yếu tập trung vào Vương Kỳ Sơn, cho rằng Vương Kỳ Sơn có khối tài sản cực lớn, lớn hơn tổng số tài sản của Chu Vĩnh Khang, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu … cộng lại, có N con riêng đang ở nước ngoài; vợ Vương Kỳ Sơn là Diêu Khánh (Cháu Diêu Y Lâm, một lãnh đạo cấp cao của Trung Cộng trước đây) là đại cổ đông của Tập đoàn Hàng không Hải Nam (HNA) là nhờ thời Vương Kỳ Sơn làm Bí thư Tỉnh Hải Nam mà có được. Quách cũng tung tin về gia đình Tập làm kinh tế như thế nào; Tình hình các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài, vợ con ở nước ngoài của các cao quan khác như thế nào, v.v…, Quách nói, sẽ tiếp tục tung lên mạng. Những thông tin mà Quách tung ra, đúng hay không đúng sự thật mức nào, thì đều khó kiểm chứng. Hơn nữa, dư luận chung cũng không quan tâm về khía cạnh này, mà quan tâm vào việc, tại sao Quách tung lên những thông tin này, vào lúc này, là với mục đích gì ? đã gây hiệu ứng ra sao ? Ai đứng thao túng phía sau ? Và qua đó để thấy tình hình chính trường Trung Cộng trước Đại hội 19 là như thế nào ?

Về mục đích rõ nhất là nhằm phá vỡ “liên minh Tập Vương”, phá được liên minh này, trước mắt là phá được bố cục nhân sự tầng cao Đại hội 19 của Tập, lâu dài là phá được ý đồ cầm quyền lâu dài của Tập. Những thông tin này đặt ra cho Tập có tiến hành điều tra xác minh thực hư về Vương Kỳ Sơn không ? Nếu điều tra thì ai làm ? Nếu treo lại đó, thì Vương Kỳ Sơn sẽ lưu nhiệm hay thôi nhiệm trước Đại hội 19 ? Nhất là 5 năm qua công lớn của Vương Kỳ Sơn là đã giúp cho Tập tập trung quyền lực đảng, chính, quân về gọn trong tay Tập, bằng các thủ đoạn thâm hiểm, lấy “đảng điều khiển luật”, “trị quốc bằng bát sắt”, thực hiện “hình nghiêm, luật sắc”, quét sạch  mọị nhân sĩ, luật sự, xã hội công dân, báo chí mạng ngoài thể chế có ý kiến khác với mình. Mặt khác, chống tham nhũng có lựa chọn, tẩy sạch người ngựa quan chức trong thể chế có ý khác với mình. Đã giúp Tập thực hiện “Trị quốc Tiểu tổ”, xóa bỏ “lãnh đạo tập thể”, vòng tránh Cục Chính trị trong các quyết sách quan trọng. Tiến lên bước, giúp Tập có thêm quyền lực của nhãn “hạt nhân Tập”; sắp đến còn có “Tư tưởng Tập”. Với công trạng của Vương đối với Tập như thế, Tập khó có thể để Vương nghỉ, mặc dầu năm nay Vương đã 69 tuổi, vượt ngưỡng “7 lên 8 xuống”.

Nếu lưu nhiệm tiếp, coi như Tập không chấp nhận nguyên tắc ngầm “7 lên, 8 xuống”, sẽ tạo tiền lệ cho Tập tiếp tục liên nhiệm sau này, nhưng mặt khác, là thừa nhận điều mà Quách phê phán là “lấy tham chống tham”, “lấy đen chống đen”, tính công minh, chính đáng của chống tham nhũng của Tập bị phá sản. Nếu Vương Kỳ Sơn, không lưu nhiệm nữa, Đại hội 19 sẽ “đoàn kết, hoàn thành thắng lợi”. Nhưng, cái uy lực của “Liên minh Tập Vương” không còn nữa, ai là người thay vị trí vai trò cốt tử này, Tập sẽ trở thành cô quả, đơn thương độc mã, lâm vào tình cảnh tứ bề bị mai phục. Cả 5 năm trời vừa qua, Tập không xây dựng, hình thành được hệ thống người ngựa của mình từ trên xuống dưới, mà chỉ nhăm nhăm vào xây dựng mối quan hệ cá nhân, liên minh cá nhân “Tập Vương” ở tầng cao. Chính đây là “tử huyệt” của Tập, mà phái Giang + Tăng đã ra đòn vào đây là rất hiểm.

Một hiệu ứng khác của “sự kiện Quách Văn Quí”, cũng không thể xem thường. Tập lên nắm quyền 5 năm , không những không thuận theo thế đạo nhân tâm, mà lại ngày càng đi ngược lại. Đối nội, xây đắp lại tà phong sùng bái cá nhân, cường hóa mới sự lãnh đạo nhất nguyên hóa của đảng, đạp đổ toàn diện xã hội công dân, với ý đồ kéo xã hội sau cực quyền quay lại xã hội cực quyền mới, làm cho quan hệ Quan – Dân càng xấu hóa thêm; Đối ngoại, thúc đẩy ngoại giao cứng rắn của chủ nghĩa dân tộc và ngoại giao kim tiền để lấy lại cái sỉ diện, vi phạm các giá trị phổ quát của xã hội. Chính vì vậy mà Quách Văn Quí làm được cái việc “nhất hô vạn ứng” cả trong và ngoài nước, trong thể chế và ngoài thể chế, chứng tỏ có một qui mô rất lớn dân chúng lâu nay đã không chịu được với thể chế hiện hành, nay có dịp gặp kích hoạt là bùng phát. Quần chúng có qui mô rộng lớn này, chính là “5 loại đen mới” mà đương cục Trung Cộng phân định lâu nay là “luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi, tôn giáo ngầm, nhân sĩ có ý kiến khác, thủ lĩnh mạng xã hội và nhóm quần chúng thế yếu”. Ngoài ra còn có tầng lớp trung sản bị tổn thất lợi ích do tình hình kinh tế sa sút, số dân chúng tích cực tham gia chống tham nhũng lúc đầu, bị quan chức lừa dối, thất vọng, giới tri  thức và dân mạng bất mãn vì ngày càng siết chặt không gian ngôn luận, số quan chức thấp thỏm, không yên, bởi chính sách chống tham nhũng có tính lựa chọn đã tạo ra tâm lý bất an, không biết lúc nào đến lượt mình. Chính vì vậy “Liên mich chống Tập” cũng đang râm ran hình thành. Thành viên chống Tập này trước hết, chính là gia đình, người thân của những quan chức bị hạ, bị hại trong thời gian qua và sắp tới.

Nhìn tổng quát lại, 5 năm qua, trên những mặt cơ bản về cục diện chính trị, kinh tế, xã hội, đối nội, đối ngoại chưa thấy rõ được một đột phá cục diện nào, mà ngược lại, cục diện nào cũng đang lâm vào khốn quẩn. Tất cả đang ở vào giữa ngã ba đường. Chính trị thắt chặt, kinh tế xuống dốc. Phát triển kinh tế quyết định tương lai của Trung Quốc. Then chốt quyết định kinh tế phát triển lại là quan hệ chính trị với kinh tế. Vậy Đại hội 19 tới đây sẽ giải quyết vấn đề then chốt này thế nào đây ?

......................................................

(Nguồn tham khảo :Bàn về Trị quốc lý chính-Tập Cận Bình- NXB ngoại văn, Bắc Kinh-2014; Ý kiến của các nhà phân tích bình luận : Ngô Tộ Lai, Lâm Phong,Hàn Mai,Trương Bình, Phùng Sùng Nghĩa, Cao Tân, Trần Duy Kiện, Trần Phương Minh, La Vụ, Bạch Phi, và một số khác trên các trang mạng chính thống và không chính thống ở Trung Quốc. )

 

                                                                   Hà Nội, 14/6/2017.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434890

Hôm nay

2161

Hôm qua

2349

Tuần này

21540

Tháng này

211938

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434890