Nhìn ra thế giới

Về đạo đức người cầm quyền: Trường hợp Park Chung Hee & Tưởng Kinh Quốc

Đài Loan cùng với Hàn Quốc là hai trong số bốn con rồng châu Á của thế kỷ XX. Với sự cầm quyền của Park Chung Hee từ năm 1961 và Tưởng Kinh Quốc từ năm 1978, hai xã hội này đã làm nên “sự thần kỳ” từ đói nghèo trở nên thịnh vượng, từ chuyên chế, độc đoán đã “hoá rồng” và dân chủ hóa. Chiều hướng của các xã hội này có thể sẽ hoàn toàn khác, nếu Park Chung Hee và Tưởng Kinh Quốc không đảm trách vai trò tổng thống.

Mặc dù vẫn có tình trạng nhận thức đôi khi khá giản đơn đối với lý luận về vai trò của cá nhân trong lịch sử, nhưng xưa nay, ở đâu cũng thế, đạo đức và phẩm cách cá nhân của người cầm quyền bao giờ cũng là vấn đề lớn, hệ trọng đối với bất kỳ xã hội nào.

Như nhiều nhà nghiên cứu đã bình luận suốt mấy thập niên qua, Park Chung Hee là người có ý chí sắt đá, vượt định kiến, có tầm nhìn xa, có kế sách duy kinh tế cực đoan. Suốt cuộc đời, Park hết lòng với khát vọng thoát nghèo của Hàn quốc và là vị tổng thống cực kỳ liêm khiết. Ông dám hy sinh lợi ích cá nhân và đã gương mẫu chịu đói khổ cùng với dân chúng Hàn Quốc lúc mới cầm quyền. Bất chấp sự can ngăn của cả bên trong và bên ngoài, ông đã thực hiện bằng được xa lộ Seoul – Pushan, mở đường cho những dự án kinh tế tầm cỡ khác. Ông quyết đoán trong mọi chính sách kinh tế - xã hội, làm cho Hàn Quốc “hóa rồng” chỉ trong một thời gian ngắn. Tấm gương đạo đức của Park thực ra là sáng chói nhưng lâu nay lại thường bị lu mờ trước những chính sách chuyên chế thời ông.

Mẫu hình lãnh tụ kiểu Park Chung Hee ngày nay có thể không còn phù hợp. Nhưng phẩm cách của một nhà cầm quyền liêm khiết, phấn đấu cho sự phồn vinh của đất nước bằng mọi giá, là điều mà các chính khách đương thời không thể không suy ngẫm, học hỏi.

Tưởng Kinh Quốc lại là kiểu lãnh tụ dũng cảm từ chối đặc quyền đặc lợi đã được thế hệ trước dọn sẵn. Dĩ nhiên, tình huống xã hội Đài Loan và hoàn cảnh thế giới những năm 1980s có thể gây áp lực đến ông. Nhưng rất nhiều tài liệu lại khẳng định rằng, nếu Tưởng Kinh Quốc không chủ động từ bỏ đặc quyền, quyết giữ vị thế độc tôn của Quốc dân đảng, đồng ý bắt giữ đảng Dân tiến, trì hoãn cải cách, không xóa bỏ phân biệt xã hội…, thì Đài Loan cũng không thể dễ dàng và thuận lợi như thực tế đã diễn ra để tiến tới thịnh vượng và dân chủ. Điều đó thể hiện đạo đức và phẩm cách của ông.

Chính Tưởng Kinh Quốc đã từng cho rằng, không nên quan tâm đến việc để lại cho con cháu những tài sản gì hay địa vị nào, mà quan trọng hơn, thế hệ trước sẽ để lại cho con cháu một xã hội như thế nào. Đối với thế hệ sau, cần phải để lại cho họ một xã hội mà ở đó, những người thành đạt cũng như những người kém may mắn đều cảm thấy hài lòng[1].

I. Park Chung Hee và mẫu hình nhà cầm quyền liêm khiết, sống chết với khát vọng thoát nghèo của Hàn Quốc

1.Quá trình công nghiệp hóa của Hàn Quốc được tiến hành từ năm 1961 đến năm 1991. Trong ba thập niênđó, Hàn Quốc từ một nước nghèo nàn, lại bị tàn phá trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, trở thành một trong những nước công nghiệp mới (NICs) hùng mạnh nhất về mặt kinh tế của thế giới thứ ba. Năm 1960 GDP Hàn Quốc chỉ là 82 USD/người/năm tương đương với Việt Nam lúc đó. Sau 10 năm Hàn Quốc đã bước vào ngưỡng đầu tiên của thu nhập trung bình 1.000 USD/người/năm như Việt Nam 2009. Chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm, từ 1.000 USD Hàn Quốc đã đạt tới mức 10.000 USD/người/năm vào năm 1992, trở thành NIC [2]. Từ năm 1963 đến 1978, GNP thực tế của Hàn Quốc tăng với tốc độ hàng năm gần 10% và với tốc độ tăng trưởng thực tế trung bình hơn 11% trong suốt những năm từ 1973 đến 1978. Hơn thế nữa, tính đến nay chất lượng tăng trưởng của Hàn Quốc vẫn thuộc loại cao nhất so với các nước cùng có tốc độ tăng trưởng cao trên dưới 10%. Tính đến 2016 GDP (Curent USS) đã là 29.432,026 đầu người năm, tương đương 35.750,77 tính theo PPP[3].Cho đến nay, Hàn Quốc vẫn là tấm gương nổi bật nhất về phát triển kinh tế dài hạn thành công.

2.Tháng 4/1960,tổng thống Lý Thừa Vãn bị lật đổ, hai chính phủ mới do Yun Bo Seon làm tổng thống liên tiếp được thành lập. Đảo chính quân sự của Park Chung Hee lật đổ chế độ dân chủ đại nghị của Yun Bo Seon diễn ra vào 16/5/1961, xác lập một mô hình quản lý xã hội mới. Tướng Park Chung Hee trở thành chủ tịch “Hội đồng tái thiết quốc gia” 2 năm và thâu tóm toàn bộ quyền lực, giải tán Quốc hội và các đảng phái chính trị đối lập. Tháng 12/1962, sau khi thẳng tay đàn áp và dập tắt phong trào sinh viên và các mầm mống dân chủ khác, thông qua trưng cầu dân ý và tu chính Hiến pháp, Park Chung Hee lập kế hoạch vận động cho cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 15/10/1963. Cuộc bầu cử đã diễn ra trong không khí ngột ngạt và căng thẳng và cuối cùng, Park Chung Hee đã thắng cử với số phiếu bầu chênh lệch rất không đáng kể, trở thành tổng thống Hàn Quốc[4].

3. Ngay sau khi nắm chính quyền 7/1961, tướng Park Chung Hee thể hiện rõ ý chí nhanh chóng đưa Hàn Quốc thoát nghèo. Tất cả những gì cản trở điều đó đều là kẻ thù của ông. Park đã “dọn rác” làm sạch xã hội[5] với hàng ngàn vụ bắt bớ. Tuyên bố trước 20.000 sinh viên Đại học Seoul, ông nói: “Toàn dân Hàn Quốc phải thắt lưng buộc bụng trong vòng 5 năm, phải cắn răng làm việc nếu muốn được sống còn. Trong vòng 10 năm, chúng ta tạo được một nền kinh tế đứng đầu ở Đông Á, và sau 20 năm, chúng ta sẽ trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới. Chúng ta sẽ bắt thế giới phải ngưỡng mộ chúng ta. Hôm nay, có thể một số đồng bào bất đồng ý kiến với tôi. Nhưng xin những đồng bào ấy hiểu cho rằng Tổ quốc quan trọng hơn quyền lợi cá nhân. Tôi không muốn mỵ dân. Tôi sẽ cương quyết ban hành một chính sách khắc khổ. Tôi sẽ bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng. Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng đã đề ra.”[6]

Hầu hết các nhà lãnh đạo quá duy ý chí đều thất bại. Nhưng về điều này thì Park Chung Hee lại thành công. Về sau người ta thừa nhận rằng, Park Chung Hee đã làm đúng như lời ông nói.

4. Mẫu người toàn tâm toàn ý với đất nước, cùng nhịn ăn, cùng chịu đói khát với dân chúng, làm việc xả thân bất chấp giờ giấc, liêm khiết tuyệt đối… đã tạo cho Park thứ quyền lực vô biên.

Với 18 năm cầm quyền, mở đầu bằng đảo chính và kết thúc bằng bị ám sát, Park Chung Hee là tổng thống được nhiều người ngưỡng mộ và đồng thời là nhà độc tài số một của Hàn Quốc bị căm ghét. Dưới chính thể Park Chung Hee, Hàn Quốc trỗi dậy mạnh mẽ từ đói nghèo “truyền kiếp” và trở thành con hổ châu Á. Cho đến nay, không một chính trị gia Hàn Quốc nào tạo được sự trung thành cũng như khiến người dân sợ hãi nhiều như Park Chung Hee. Ông được đánh giá là bộc trực, cứng rắn, hiểu truyền thống Hàn Quốc và có tầm nhìn xa trông rộng.

5. Kế hoạch phát triển kinh tế thời Park Chung Hee đi theo mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu nhờ giá thành thấp. Chi phí sản xuất được cố tình hạ thấp đến mức tối thiểu. Để người lao động có thể sống với mức lương thấp, chính quyền đã áp dụng biện pháp giữ giá những sản phẩm nông nghiệp ở mức rất thấp. Cuối thập niên 70, công nghiệp Hàn Quốc đã sản xuất được máy thu hình màu, nhưng chỉ để xuất khẩu, trong nước dùng TV trắng đen. Người dân Hàn quốc vốn cần cù, dưới sức ép của tổng thống trở nên cần cù hơn. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Allen Patric, đại diện công ty Ford Motor ở Seoul, đã nói với ký giả Boyd Gibbons: “Tôi đã làm việc ở Brasil, Mexico và châu Âu , nhưng không ở đâu tôi thấy người dân làm việc siêng năng như người Hàn Quốc. Ngay người Nhật cũng trở thành lười nếu so sánh với họ.”[7]

6. Trong các công trình tạo nên sự bứt phá của Hàn Quốc, cuối những năm 60, Park Chung Hee đã thực hiện được một kỳ công là xây dựng xa lộ lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc, từ Seoul tới Pushan. Khi nêu dự án xây dựng xa lộ 4 làn xe, xuyên qua địa thế núi non hiểm trở, Quốc hội Hàn Quốc đã thẳng tay bác bỏ. Nhiều người thân thuộc của Park Chung Hee cũng không tin. World Bank và các cơ quan tài chính quốc tế cảnh báo việc xây dựng con đường sẽ dẫn quốc gia tới phá sản, vì phí tổn xây dựng và bảo trì. Nhưng Park Chung Hee không nản lòng. Ông nghiên cứu kỹ những tài liệu và dùng trực thăng xem xét thực tế toàn thể địa hình nơi con đường sẽ đi qua. Có lẽ cả kinh nghiệm cá nhân, linh cảm và cả tri thức thực tế đã giúp ông có cái nhìn chính xác về triển vọng con đường này.

Ngày 1/2/1968, Park ra lệnh khởi công và Hàn Quốc bắt tay vào xây dựng xa lộ 428 km, với hơn 200 cây cầu và 6 đường hầm chính. Công trình hoàn thành 30/6/1970. Các chuyên gia ADB đánh giá, với phí tổn 330 USD/km, đây là chi phí thấp nhất trong lịch sử xây dựng xa lộ loại này. Ngay 3 năm đầu, xa lộ Seoul - Pushan đã được sử dụng hữu hiệu, có tới 80% lượng xe lưu thông sử dụng. Về tinh thần dân tộc biểu lộ qua việc xây dựng xa lộ, Park Chung Hee đã truyền cảm hứng được cho cấp dưới và đội ngũ công nhân. Ngày nay người ta vẫn còn nhắc đến lời thề mà đội ngũ chuyên gia - kỹ thuật lúc đó đã hứa với Park: “Nguyện hiến thân cho Tổ quốc phồn vinh, cho nhân dân hạnh phúc. Chịu bất cứ hình phạt nào nếu không hoàn thành nhiệm vụ.”[8]

7. Park Chung Hee điển hình là một Tổng thống liêm khiết. Cá nhân ông liêm khiết tuyệt đối và đối với thuộc cấp ông cũng không để họ có cơ hội mất liêm chính. Dưới thời Park Chung Hee, tiết kiệm là quốc sách. Từ năm 1962, chính sách toàn quốc thắt lưng buộc bụng được áp dụng từ Tổng thống đến dân chúng, và Park gương mẫu thực hiện. Trong nhiều bài diễn văn, ông đã nhắc đi nhắc lại: “Mỗi xu ngoại tệ là một giọt máu.”[9] Làm Tổng thống 19 năm mà khi chết tài sản của ông chỉ có trên 10.000 USD.

8. Cũng cần thiết phải nói rằng, Hàn Quốc thời Park Chung Hee cũng là thời kỳ tồi tệ nhất về phương diện xã hội. Park hết mình với phát triển kinh tế và không chấp nhận bất kỳ sự hoài nghi nào từ bất kỳ ai. Chính quyền tạo điều kiện và khuyến khích các nhà tư bản sử dụng nhân công giá rẻ. Công nhân làm việc như khổ sai, nhưng sống kham khổ. Hàng tuần mỗi người dân đều phải nhịn ăn một bữa, không hút thuốc ngoại nhập, không uống cà phê. Thời gian lao động kéo dài đến 12-14 tiếng mỗi ngày. Điều kiện lao động tồi tệ, lương rất thấp. Những phản kháng tự phát của công nhân, nông dân hoặc của dân nghèo thành thị đòi hỏi cải thiện điều kiện sống đều bị chính quyền thời đó đàn áp không thương tiếc. Các quyền dân chủ cơ bản, như quyền tự do hội họp, tự do lập hội, tự do bày tỏ ý kiến… đều bị chà đạp. Như Michael Schuman, một nhà báo nổi tiếng chuyên về kinh tế của tờ Time (Mỹ) về sau nhận định: “Chế độ Park Chung Hee thực hiện quyền kiểm soát nhà nước đối với nền kinh tế tàn bạo vượt xa cả con quỷ Sahashi”[10].

II.Tưởng Kinh Quốc và bước đột phá từ bỏ đặc quyền cá nhân hướng tới phúc lợi xã hội ở Đài Loan

1. Năm 1949, khi Tưởng Giới Thạch bỏ Trung Quốc đại lục địa chạy ra Đài Loan, tương lai chính trị của hòn đảo này rất khó dự đoán. Với diện tích 36.000 km2, chỉ bằng hơn 11% diện tích Việt Nam, Đài Loan quá nhỏ so với đại lục, nguy cơ bị thôn tính là mối đe dọa khủng khiếp thường trực với hòn đảo này suốt từ năm 1949 đến nay. Cũng vì nguy cơ này, hơn 70 năm qua, các chính phủ ở Đài Loan đã tận dụng mọi cơ hội để tồn tại và phát triển. Mỹ cũng đã sử dụng Đài Loan để thực hiện những chiến lược rất khôn khéo ở châu Á. Trong tương quan ấy, Trung Quốc cũng không hề sai lầm hay thất bại khi đưa ra những chính sách cương nhu rất hiệu quả với Đài Loan và thế giới. Việc Tưởng Kinh Quốc cầm quyền trong bối cảnh như vậy mà vẫn biến Đài Loan từ một hòn đảo độc tài và nghèo đói thành một con hổ châu Á giàu có và dân chủ cho thấy, ông vừa có nhãn quan nhìn xa trông rộng thích ứng với thời cuộc, vừa có những quyết sách thực tế tận dụng được cơ hội để Đài Loan phát triển và lại vừa có những phẩm cách đủ gọi là đạo đức để thu phục nhân tâm Đài Loan và thế giới.

Từ khi bỏ chạy ra Đài Loan, thể chế chính trị của chế độ Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan là một nền độc tài chuyên chế. Quốc dân đảng duy nhất nắm trọn quyền, các hình thức đối lập đều bị cấm. Nhiều điều khoản ghi trong Hiến pháp (Nam Kinh, 1947) không được thi hành. Báo chí, đài phát thanh bị kiểm soát rất chặt. Những ai chỉ trích hay phê bình đường lối chính phủ lập tức bị tống giam hoặc bị trục xuất. Một thiểu số người Hán, từ Trung Quốc đại lục cai trị đa số người bản địa sống tại Đài Loan từ lâu đời. Dân Đài Loan bản xứ bị phân biệt đối xử. Tưởng Kinh Quốc, con trai Tổng thống được cha dọn đường nắm quyền với nhiều bổng lộc và đặc quyền[11].

2.Đạo đức cá nhân của Tưởng Kinh quốc thực ra là chuyện rất phức tạp. Tuy vậy nếu căn cứ vào những hiệu quả xã hội của những quyết sách mà ông đã đưa ra, căn cứ vào mức độ hài lòng của đông đảo dân chúng, người ta vẫn đoán biết được mức độ nhân văn của các hành vi. Trong bài viết này, đạo đức của Tưởng Kinh Quốc chỉ xin đề cập trong chừng mực ấy.

Tháng 4/1927 tại đại lục, khi Tưởng Giới Thạch thanh lọc những người tả khuynh và những người cộng sản, đồng thời đuổi các cố vấn Liên xô. Tưởng Kinh Quốc đã viết một bài xã luận chỉ trích gay gắt hành động của cha. Sau khi ra Đài Loan, từ 1950 đến 1965, Tưởng Kinh Quốc là chỉ huy cảnh sát mật (Blue Shirts). Từ 1955 đến 1960, ông làm giám sát dự án xây dựng đường cao tốc. Năm 1965, ông là Bộ trưởng quốc phòng. Từ năm 1969 đến 1972, phó thủ tướng và từ năm 1972 đến 1978, giữ chức thủ tướng. Trong những năm cuối đời, Tưởng Giới Thạch ngày càng trao nhiều quyền hơn cho con mình. Năm 1975, khi Tưởng Giới Thạch qua đời, Tưởng Kinh Quốc là Chủ tịch Quốc dân đảng và năm 1978 trở thành tổng thống.

Trên thực tế “Sự thần kỳ Đài Loan” (Taiwan Miracle) chỉ xuất hiện từ khi Tưởng Kinh Quốc nắm thực quyền. Những năm đó kinh tế Đài Loan tăng trưởng hơn 13%/năm. Năm 1980 GDP đầu người thực tế của Đài Loan đã là 3.570 US$ và trở thành nước có dự trữ ngoại tệ lớn thứ hai thế giới. Năm 1981 kinh tế Đài Loan tăng trưởng 14,33%, GDP đầu người thực tế đạt 4.082 US$. Hiện nay (2016) GDP đầu người của Đài Loan tính theo PPP là 47.800 US$[12].

 

Tưởng Kinh Quốc (1910 - 1988)

3.Vấn đề là ở chỗ, chính Tưởng Kinh Quốc đã chủ động từ bỏ các bổng lộc, đặc quyền cá nhân, tạo điều kiện và mở đường cho Đài Loan trở thành xã hội cởi mở và dân chủ. Trong hai nhiệm kỳ tổng thống, ông đã quyết định nới lỏng kiểm soát chính trị. Các đảng đối lập, bất hợp pháp, đã được “cho phép” xuất hiện, bất chấp sự cản trở từ phía các thành viên Quốc dân đảng. Năm 1986, khi đảng Dân tiến thành lập, ông đã chống lại việc giản tán hay bắt giữ các lãnh tụ đảng này. Năm 1987, ông dỡ bỏ thiết quân luật và cho phép các chuyến viếng thăm gia đình tới đại lục. Ông đã bổ nhiệm Lý Đăng Huy làm chủ tịch Quốc dân đảng và chỉ định Lý Đăng Huy làm tổng thống kế nhiệm, chấm dứt chế độ cha truyền con nối.

Theo đánh giá quốc tế, việc Đài Loan trở thành con rồng châu Á đã là một “phép lạ” đáng chú ý. Nhưng việc Đài Loan tiến từ một chế độ độc đảng, gia đình trị và phe nhóm trị thành một xã hội dân chủ, để trở thành cộng đồng Trung Hoa đầu tiên có chế độ người dân trực tiếp chọn người lãnh đạo, còn “thần kỳ” hơn. Có ý kiến cho rằng Đài Loan hiện nay là hòn đảo tiến bộ và khoan dung nhất châu Á (“Island’s standing as one of Asia’s most progressive and tolerant places”)[13]. Hơn hẳn các nước châu Á khác, kể cả Hàn Quốc và Singapore về mức độ dân chủ và tự do - một mơ ước mà hàng ngàn năm nay, người Trung Hoa cũng như các dân tộc khác ở châu Á không nghĩ rằng có thể đạt tới.

4. Quá trình xuyên qua độc tài đi đến dân chủ ở Đài Loan thực tế là bắt nguồn từ thượng tầng, đứng đầu là Tưởng Kinh Quốc. Với nhãn quan chính trị thức thời và thực ra bằng kinh nghiệm cá nhân của mình, ông đã hiểu được giá trị của nền dân chủ là gì. Tưởng Kinh Quốc đã chọn giải pháp thay đổi để tồn tại, một sự quyết chọn có tính toán. Chịu sức ép ghê gớm của tình hình thế giới cuối những năm 1980s, đương nhiên, nhưng ông đã chọn chủ trương cải cách, dân chủ hóa từng bước nhằm thu phục nhân tâm và đón nhận sự ủng hộ quốc tế để tồn tại trước sự lớn mạnh của Trung quốc đại lục và sự biến đổi của tình hình thế giới. Sự quyết chọn trong khi toàn bộ đảng viên Quốc dân đảng và các thế lực chính trị ở Đài Loan đều ở xu thế ngược lại là điều cần được đánh giá đúng tầm lịch sử. Theo chúng tôi, ở các xã hội Á đông như Đài Loan, Trung Quốc… việc thực hiện ý chí của người đứng đầu thường có ý nghĩa quyết định. Nếu người đứng đầu, thủ lĩnh tối cao chưa muốn hoặc có ý định ngăn cản cải cách, thì con đường cải cách ôn hòa thật khó đi đến kết quả.

Với trường hợp Đài Loan, như vừa phân tích ở trên, vai trò của Tưởng Kinh Quốc và sau ông là Lý Đăng Huy[14], trên thực tế đã có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Bước chuyển của Đài Loan là kết quả của việc hiện thực hóa tầm nhìn chính trị của Tưởng Kinh Quốc. Đài Loan sẽ ra sao nếu họ Tưởng nhất quyết giữ nguyên thái độ như trước đó.

Bài học cất cánh của Đài Loan quả thực đáng để cho các nước đi sau suy ngẫm vận dụng.

Kết luận

Đạo đức và phẩm cách cá nhân của người cầm quyền bao giờ cũng là vấn đề lớn, hệ trọng đối với bất kỳ xã hội nào. Trường hợp Park Chung Hee và Tưởng Kinh Quốc cũng thế; chiều hướng của xã hội Hàn Quốc sau 1961 và Đài Loan sau 1978 có thể hoàn toàn khác, nếu hai con người này không đảm trách vai trò tổng thống[15].

Đài Loan cùng với Hàn Quốc được coi là hai xã hội thành công nhất của thế kỷ XX. Với sự cầm quyền của Park Chung Hee và Tưởng Kinh Quốc, hai đất nước này đã chuyển mình từ những xã hội đói nghèo, ngột ngạt vì độc đoán, chậm phát triển để “cất cánh”, hoá rồng và dân chủ hóa.

Điều thần kỳ về kinh tế gắn liền với điều thần kỳ về đời sống xã hội, đặc biệt rõ là ở Đài Loan. Người dân được sống trong quốc gia có nền kinh tế mạnh và năng động. Xã hội tôn trọng học vấn, có nền giáo dục tiên tiến, có nguồn nhân lực đủ trình độ cao và đáp ứng được nhu cầu, có nền văn hóa kết hợp được truyền thống với hiện đại. Chính phủ không né tránh các nghĩa vụ quốc gia và quốc tế, sẵn sàng với mọi trách nhiệm công, kiểm soát được các vấn đề xã hội. Xã hội dân sự phong phú, bù đắp được cho những thiếu hụt của cơ chế. Pháp luật nghiêm và tương đối công bằng, không chùn bước trước tham nhũng, không nương nhẹ với chủ nghĩa tư bản thân hữu, kiểm soát được tội phạm và tệ nạn xã hội. An ninh quốc gia vững.

Nói chung đó là những xã hội mà về đại thể, nhân dân trở thành một lực lượng chính trị ôn hòa, được tham gia vào các mục tiêu tiến bộ và phát triển của chính phủ; lãnh đạo tương đối liêm khiết, dám quyết định và sẵn sàng chịu trách nhiệm về quyết sách của mình; thể chế kinh tế và thế chế chính trị cởi mở, dung hợp(Inclusive institutions), không ngại tiếp thu và điều chỉnh lợi ích của các giai tầng xã hội, thích ứng được những thay đổi rất nhanh từ thế giới.

Những phẩm chất xã hội tốt đẹp đó không tách rời đạo đức cá nhân của những người cầm quyền, mà Park Chung Hee và Tưởng Kinh Quốc là những người đầu tiên xác lập nên những khuôn mẫu đạo đức cai trị không thể thiếu. 

Tài liệu

  1. Denyer, Simon (2016). Progressive, tolerant and diverse: How Taiwan is moving ever farther from China. https://www.washingtonpost.com/news/worldviews/wp/2016/01/19/progressive-tolerant-and-diverse-how-taiwan-is-moving-ever-farther-from-china/?utm_term=.7b162ac4ccca.
  2. Gibbons, Boyd (1980). The South Koreans, National Geographic. August.
  3. IMF. http://www.indexmundi.com/taiwan/gdp_per_capita_(ppp).html.
  4. Keon, Michael & Korea Phoenix (1977). A Nation from the Ashes, Englewood Cliffs: Prentice - Hall International. Tr. 78 -79.
  5. Kim Byung Kook & Ezra F. Voget (2015). Kỷ nguyên Park Chung Hee. Nxb. Thế giới
  6. Mahbubani, Kishore & Klaus Schwab (2017). What Makes a Great Leader?, Project Syndicate, 09/08/2017.https://www.project-syndicate.org/commentary/twenty-first-century-leadership-qualities-by-kishore-mahbubani-and-klaus-schwab-2017-08
  7. Marx, C., Engels F. (1999), Toàn tập, t. 39, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr. 273].
  8. Park Chung Hee (1980). Major Speeches by Park Chung Hee. Seoul: Hollyon.
  9. Schuman, Michael (2009). The Miracle. The Epic Story of Asia’s Quest for Wealth. HarperCollins Publishers. New York.

10.Taylor Jay (2000). The Generalissimo's Son: Chiang Ching-kuo and the Revolutions in China and Taiwan First Edition. Harvard University Press.

11.Tưởng Kinh Quốc: nhà lãnh đạo nhìn xa.http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/01/150114_tuong_kinh_quoc_lesson

  1. Việt Dương. Park Chung Hee xây dựng kinh tế Đại Hàn. http://www.vietdc.org/wp-content/uploads/2008/10/park-chung-hee-xay-de1bbb1ng-kinh-te1babf-de1baa1i-han.doc
  2. WB. https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.PCAP.PP.CD.


[1]Xem: Taylor Jay (2000). The Generalissimo's Son: Chiang Ching-kuo and the Revolutions in China and Taiwan First Edition. Harvard University Press. // Tưởng Kinh Quốc: nhà lãnh đạo nhìn xa.http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/01/150114_tuong_kinh_quoc_lesson

[2]Một trong những tiêu chuẩn bắt buộc để được coi là nước công nghiệp, trước đây được nhiều học giả hiểu là phải có GDP đầu người từ 10.000 USD trở lên. Nay, một số học giả Việt Nam hiểu khác.

[3]Số liệu của WB. https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.PCAP.PP.CD.

[4]Park Chung Hee (tổng thống Hàn Quốc 1961 - 1979), sinh 1917 trong một gia đình nghèo có 5 anh em, khi Triều Tiên đang chịu sự cai trị của Nhật Bản. Lúc nhỏ, Park học trường trung học và tốt nghiệp loại giỏi vào năm 1937. Năm 1940-1942, Park theo học ở Học viện quân sự Mãn Châu, tốt nghiệp thứ ba trong lớp. Sau đó, ông học tiếp sĩ quan tại trường Cao đẳng Lục quân tại Nhật Bản, và trở thành trung úy trong quân đội Mãn Châu. Sau chiến tranh Thế giới II, Park Chung Hee phục vụ trong quân đội, nhưng năm 1948 đã bị loại vì cáo buộc đã tham gia hoạt động cho cộng sản. Trong thời gian chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, ông lại gia nhập quân đội và có một năm huấn luyện đặc biệt tại Mỹ. Cấp bậc quân đội của Park Chung Hee tăng đều, cuối cùng đạt đến cấp Đại tướng.

[5]“Trash”, từ này được chính Park Chung Hee sử dụng để chỉ những người của chế độ cũ và những người không theo ông. Xem: Michael Schuman (2009). The Miracle. The Epic Story of Asia’s Quest for Wealth. HarperCollins Publishers. New York. Tr. 36.

[6]Trích lại từ:Việt Dương. Park Chung Hee xây dựng kinh tế Đại Hàn. http://www.vietdc.org/wp-content/uploads/2008/10/park-chung-hee-xay-de1bbb1ng-kinh-te1babf-de1baa1i-han.doc

[7]Boyd Gibbons (1980). The South Koreans, National Geographic. August.

[8]Michael Keon, Korea Phoenix (1977). A Nation from the Ashes, Englewood Cliffs: Prentice - Hall International. Tr. 78 -79.

[9]Park Chung Hee (1980). Major Speeches by Park Chung Hee. Seoul: Hollyon. Tr. 149.

[10]Michael Schuman (2009). Sđd. Tr. 31.

[11]Tưởng Kinh Quốc (27/4/1910 - 13/1/1988) là con của Tưởng Giới Thạch và Mao Fumei. Ông sinh ra tại Fenghua, Zhejiang. Năm 1925, ông tới Liên Xô để tự nguyện học về chủ nghĩa Marx. Tại Moscow, ông say mê chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt là Trotsky. Ông đã từng nộp đơn gia nhập Đảng cộng sản Liên Xô, nhưng bị từ chối. Tháng 4/1927, khi Tưởng Giới Thạch thanh lọc những người tả khuynh và những người cộng sản, đồng thời đuổi các cố vấn Liên xô. Tưởng Kinh Quốc đã viết một bài xã luận chỉ trích gay gắt hành động của cha. Sau đó, Liên xô gửi ông đến làm việc tại một nhà máy sản xuất thép ở Siberia, nơi đây ông gặp Faina Ipatyevna Vakhreva - một phụ nữ Nga. Họ cưới nhau năm 1935 và có 4 con. Năm 1937, Tưởng Kinh Quốc trở về Trung quốc cùng với vợ con. Trong suốt thời gian nội chiến, ông giữ chức thị trưởng Thượng Hải. Năm 1988, Tưởng Kinh Quốc qua đời do bệnh xuất huyết và suy tim.

[12] Số liệu 2017 IMF http://www.indexmundi.com/taiwan/gdp_per_capita_(ppp).html.

[13] Simon Denyer (2016). Progressive, tolerant and diverse: How Taiwan is moving ever farther from China. https://www.washingtonpost.com/news/worldviews/wp/2016/01/19/progressive-tolerant-and-diverse-how-taiwan-is-moving-ever-farther-from-china/?utm_term=.7b162ac4ccca.

[14] Người kế nhiệm của Tưởng Kinh Quốc là Lý Đăng Huy dựa vào đó đã đi xa hơn, mạnh dạn liên kết với bên ngoài, chống lại những phần tử bảo thủ để tạo sự thay đổi. Bước đi cũng rất bài bản, thực tế và hợp pháp thông qua việc chuẩn y một loạt quyết định kèm theo sửa đổi luật pháp… cho phép xã hội hoạt động theo chiều ngược với quá khứ như tự do ngôn luận, xuất bản và báo chí tư nhân... dẫn xã hội đi vào quỹ đạo của thông lệ quốc tế. Nhiều quyết định chính trị rất khó khăn, song Lý Đăng Huy đã khôn khéo thực hiện và thực hiện rất đúng lúc. Điều này nói lên vai trò quan trọng của người lãnh đạo biết và dám đưa ra những quyết định cần thiết và kịp thời.

[15] Dĩ nhiên, với lịch sử không thể dùng chữ “nếu”. Nhưng F. Engels từng nói: “Nếu như không có Napoleon thì người khác sẽ đóng vai trò của ông ta. Điều đó được chứng minh bởi một sự thật là bất cứ khi nào cần có một người như vậy thì đều có một người như vậy: Cesar, Augustuts, Cromwell, v.v..” [C. Marx-F. Engels (1999), Toàn tập, t. 39, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr. 273].

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441721

Hôm nay

2121

Hôm qua

2317

Tuần này

21625

Tháng này

216895

Tháng qua

112676

Tất cả

114441721