Nhìn ra thế giới

Sáng kiến Ấn Thái Dương nhìn từ Đối thoại Shangri-La

Theo giới phân tích, cuộc họp năm nay đặc biệt sôi nổi trên vấn đề giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên với thượng đỉnh Donald Trump—Kim Jong-un nhiều khả năng diễn ra vào 12/6 tới đây, và cũng ngay tại Singapore. Tuy nhiên, trong những ngày qua, điều đáng chú ý hơn cả là thái độ cứng rắn của Mỹ trước một loạt hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc và phái đoàn Mỹ đã tập trung nêu bật vấn đề này tại diễn đàn Shangri La. Mỹ cũng đã chính thức đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư lệnh Ấn Thái Dương (Indo—Pacific).

Tại cuộc họp năm ngoái, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã chỉ trích mạnh mẽ những gì ông gọi là việc Bắc Kinh coi thường luật pháp quốc tế bằng cách “quân sự hóa không thể chối cãi” các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp phi pháp tại các khu vực Biển Đông hiện đang có tranh chấp với các nước láng giềng. Năm nay, ông Mattis lại dẫn đầu phái đoàn Mỹ đến dự Đối Thoại Shangri La, và đã đọc bài tham luận quan trọng trong ngày 2/6/2018nói về vai trò của Hoa Kỳ trước việc đối phó với những thách thức an ninh trong vùng Ấn Thái Dương (Indo—Pacific).

 

Mỹ và Ấn Độ “tố” Trung Quốc tại hội nghị

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis, hôm 2/6/2018 đã bày tỏ thái độ dứt khoát với Trung Quốc, khi tố cáo Bắc Kinh “đe dọa và uy hiếp” các quốc gia trong khu vực Ấn Thái Dương (Indo—Pacific) và tuyên bố Mỹ không có dự định từ bỏ vai trò của mình trong vùng này. Ông Mattis nhấn mạnh tại hội nghị Shangri-La ở Singapore: “Hãy nên nhớ một điều: Mỹ sẽ ở lại vùng Ấn Thái Dương. Đây là vùng ưu tiên của chúng tôi”. Vị bộ trưởng Quốc Phòng của Mỹ cũng nêu ra vấn đề Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, một trong những hải lộ bận rộn nhất thế giới: “Chúng tôi biết Trung Quốc sẽ đối diện với một loạt thách thức và cơ hội trong những năm tới, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ lựa chọn của Trung Quốc nếu họ đẩy mạnh hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả các quốc gia trong khu vực đầy năng động này”.

Ông tuyên bố tiếp: “Thế nhưng, chính sách hiện nay của Trung Quốc ở Biển Biển Đông lại đi ngược với những gì chúng tôi theo đuổi. Điều này làm nhiều người hoài nghi mục đích của Trung Quốc.” Ông Mattis và bộ trưởng quốc phòng các quốc gia trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương đang tham dự hội nghị an ninh thường niên, gọi là Shangri-La Dialogue, được tổ chức hàng năm ở Singapore. Biển Đông là đề tài nóng bỏng tại hội nghị năm nay, khi mà Trung Quốc ngày càng tìm cách thống trị khu vực đang có tranh chấp lãnh thổ với Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines, và Brunei. Trong khi một vài nước khác có củng cố cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo, tuy nhiên, Trung Quốc thực hiện các dự án quân sự hóa ở mức độ lớn hơn nhiều, trải dài hàng trăm dặm, từ phía Nam Biển Đông lên tới đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Phát biểu hôm 1/6/2018 tại hội nghị quốc phòng thường niên nói trên mang tên Đối thoại Shangri-la, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã quảng bá về một khu vực Ấn Thái Dương (Indo—Pacific) chấp nhận tự do hàng hải, toàn vẹn lãnh thổ và tôn trọng tất cả các quốc gia không kể lớn nhỏ. Trong khi lời kêu gọi này không đặc biệt hướng về Trung Quốc, nhưng bình luận của ông Modi được xem như một cách đề cập đến thái độ ngày càng hung hăng của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng nhỏ hơn trong những vùng tranh chấp thuộc Biển Đông. Thủ tướng Modi cũng có đưa ra một số chỉ trích đối với Trung Quốc, tuy ông Modi tuyên bố vẫn muốn có một liên hệ chặt chẽ với Bắc Kinh trong bài diễn văn được coi là mở đầu cho diễn đàn an ninh năm nay.

Hồi Tháng Năm, lần đầu tiên, Trung Quốc cho máy bay ném bom có khả năng mang bom nguyên tử đáp xuống một đảo nhân tạo ở Biển Đông. Trước đó vài tuần, tình báo Mỹ thông báo Trung Quốc nhiều phần có thể đã triển khai hỏa tiễn bắn được tàu và máy bay, trên các đảo nhân tạo, trong lúc tập trận ở Biển Đông. “Quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông bao gồm triển khai hỏa tiễn chống hạm, hỏa tiễn đất đối không, hệ thống phá sóng, và mới đây nhất, cho máy bay ném bom đáp xuống đảo Phú Lâm (trong quần đảo Hoàng Sa),” ông Mattis liệt kê và xác nhận báo cáo của tình báo Mỹ: “Cho dù Bắc Kinh tuyên bố ngược lại, triển khai các hệ thống vũ khí này chính là việc sử dụng thiết bị quân sự một cách trực tiếp với mục đích đe dọa và uy hiếp các quốc gia láng giềng”.

 

Đã tới lúc Mỹ có chiến lược mới?

Ngày 30/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố, từ  “Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương” của Mỹ chính thức đổi tên thành “Bộ tư lệnh Ấn Thái Dương”. Theo tờ Defence News ngày 31/5, đây là một động thái mới nhất cho thấy quân đội Mỹ đang tăng cường nỗ lực chống lại sức ép quân sự và kinh tế của Trung Quốc tại khu vực này. Trong buổi lễ đổi tên tại Trân Châu Cảng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết ông đã đóng vai trò chính trong việc đổi tên, mục đích chủ yếu là thừa nhận “tất cả các nước đều rất quan trọng ở khu vực này, bảo vệ ổn định trên biển rất quan trọng đối với hòa bình của toàn cầu”. Tân Tư lệnh Bộ tư lệnh Ấn Thái Dương, Đô đốc Philip Davidson có mặt trong buổi lễ. Ông James Mattis cho biết để thích ứng với tính liên thông ngày càng tăng giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, quân đội Mỹ chính thức đổi tên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ tư lệnh Ấn Thái Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ giải thích rằng việc đổi tên đã thể hiện sự cam kết của Mỹ, đó là tất cả các nước bất kể có quy mô lớn hay nhỏ đều đừng để bị chi phối, trói buộc bởi “các mối quan hệ kinh tế mang tính cướp đoạt và các mối đe dọa” của bất cứ nước nào.

Người vừa rời cương vị Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris đã đề cập thẳng đến vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này. Ông Harris nói: “Cạnh tranh nước lớn đã quay lại. Tôi tin là chúng ta đang ở bước ngoặt lịch sử, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã xảy ra cạnh tranh địa - chính trị giữa tự do và áp bức”. Đô đốc Harry Harris còn nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn sẽ là thách thức lâu dài và lớn nhất của Mỹ. Không có sự tham gia của Mỹ, đồng minh và đối tác của Mỹ thì Trung Quốc sẽ thực hiện “giấc mộng bá quyền” ở châu Á. Trước một loạt động thái nhằm vào Trung Quốc của Mỹ, gần đây, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố cho biết Trung Quốc luôn phản đối những phát biểu chỉ trích Trung Quốc mang đậm màu sắc Chiến tranh Lạnh.

Trong một diễn biến liên quan, tuần trước, một nhóm chuyên gia cao cấp đã đệ trình lên Quốc hội Mỹ một bản báo cáo dài hơn 100 trang. Báo cáo nhan đề: “Các vùng Đặc Quyền Kinh Tế (EEZ) và vùng biển tranh chấp liên quan đến Trung Quốc: Các đề xuất trình Quốc Hội”, đã nêu ra sáu gợi ý của các chuyên gia. Về Biển Đông, thứ nhất là Hoa Kỳ cần có « các tuyên bố mạnh mẽ hơn », báo động với Trung Quốc « về các hậu quả », nếu Bắc Kinh tiếp tục « các hoạt động đơn phương và mang tính áp đặt », hàm ý việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự tại các thực thể địa lý mà Bắc Kinh chiếm đóng tại Biển Đông, vốn bị nhiều nước láng giềng phản đối. Thứ hai, Hoa Kỳ cần ra một tuyên bố làm rõ việc Washington đặt một số thực thể địa lý do Philippines kiểm soát trong phạm vi Hiệp Định Phòng Thủ Chung Mỹ-Phi, trong trường hợp các khu vực này bị Trung Quốc xâm phạm. Các thực thể địa lý nói trên bao gồm Bãi Cạn Scarborough, Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) và có thể một số đảo, đá khác. Việc bảo đảm an ninh cho các đảo nói trên, đang bị Trung Quốc bao vây hay dòm ngó, sẽ tương tự như những điều mà Hoa Kỳ đã/đang làm đối với quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông, theo một hiệp ước hợp tác về an ninh với Tokyo.

Thứ ba, Washington cần đẩy mạnh các hoạt động nhằm giúp cho các đồng minh và đối tác tại khu vực « nâng cao nhận thức trong lĩnh vực hàng hải » (MDA - maritime domain awareness) và năng lực bảo vệ các vùng biển quốc gia « bằng lực lượng tuần duyên hay hải quân ». Thứ tư, gia tăng các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (gọi tắt là FONOP) « trong các khu vực 12 hải lý của các thực thể địa lý mà Trung Quốc chiếm giữ tại Biển Đông » hiện nay, và tiến hành các tuần tra tại Biển Đông cùng với các quốc gia đồng minh. Thứ năm, « tăng cường các hợp tác an ninh với các đồng minh và đối tác trong khu vực, và với Ấn Độ, nhằm tạo ra một liên minh, đối trọng lại » sự lấn tới của Trung Quốc. Gợi ý thứ sáu được nêu ra là Washington cần có một số các biện pháp bổ sung khác, để Bắc Kinh hiểu rằng họ phải trả giá cho các hành động tại khu vực này, ví dụ như mời « Đài Loan tham gia tập trận RIMPAC 2018 ».

 

Việt—Mỹ đẩy mạnh hợp tác quốc phòng 

Bước sang phiên thứ ba của Đối thoại Shangri-La, đại tướng Ngô Xuân Lịch, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã mở màn ph thảo luận mang chủ đề: “Định hình trật tự an ninh đang biến đổi củaiên châu Á”. Phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2018, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh việc thiết lập cơ chế an ninh châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời khuyến khích các nước tránh hành động gây gia tăng căng thẳng trong khu vực. Đại tướng Ngô Xuân Lịch  khẳng định vấn đề an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần được đảm bảo thông qua một số nguyên tắc cốt lõi. "Vấn đề này đang đặt nặng trên vai chúng ta nhằm hướng đến tương lai tươi sáng cho mỗi quốc gia và khu vực. Không một nước độc lập nào nằm ngoài phạm vi của luật pháp quốc tế", Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch được báo chí trích dẫn.

Trước 600 đại biểu, gồm các bộ trưởng quốc phòng, tướng lĩnh quân đội và đội ngũ chuyên gia từ 50 nước, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khuyến khích các nước tôn trọng luật pháp quốc tế và tránh hành động gây phức tạp hóa, gia tăng căng thẳng trong khu vực. Đại tướng Ngô Xuân Lịch đồng thời nhấn mạnh chính phủ Việt Nam theo đuổi chính sách quốc phòng hòa bình, độc lập và tăng cường hợp tác với quốc tế, hướng đến việc tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020. Việt Nam tôn trọng quyền và lợi ích của các quốc gia, đồng thời yêu cầu các nước không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch là người dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự sự kiện Shangri-La năm nay. Bên lề diễn đàn, ông đã có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ James Mattis. Hai bộ trưởng cho rằng, kết quả hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ thời gian qua đạt được hiệu quả thiết thực, phù hợp với mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, góp phần duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực và trên thế giới. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đề nghị hai bên tăng cường quan hệ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Ông Mattis cho biết Mỹ đang nghiên cứu chuyển giao cho Việt Nam máy bay huấn luyện và một số trang bị khác phù hợp với khả năng và nhu cầu của hai bên.

Trước đó ngày 31/5/2018, Hoa Kỳ đã hủy lời mời Trung Quốc, nhưng lại mời Việt Nam tham gia cuộc Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC 2018) tại Hawaii từ 27/6 đến 2/8. Thông tấn xã Việt Nam đã xác nhận tin về lời mời này nhưng chưa nói rõ liệu Việt Nam có tham gia hay không. Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố hôm 30/5 rằng 26 quốc gia, 47 tàu nổi, 5 tàu ngầm và lực lượng bộ binh của 18 quốc gia, và hơn 200 phi cơ và 25.000 quân nhân sẽ tham gia cuộc diễn tập. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam, Sri Lanka, Brazil và Israel được mời tham gia cuộc diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC). Những năm trước đây, Trung Quốc từng tham dự RIMPAC vào các năm 2014 và 2016./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441700

Hôm nay

2100

Hôm qua

2317

Tuần này

21604

Tháng này

216874

Tháng qua

112676

Tất cả

114441700